VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

THUYẾT TRÌNH CỦA TIỂU BAN NGHIÊN CỨU BẢN BÁO CÁO
CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH MIỀN NAM

(Do ông Nguyễn Minh Vỹ, thay mặt Tiểu ban,
trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá II, ngày 25-4-1962)

 

Thưa Quốc hội,

Thay mặt Tiểu ban, chúng tôi xin trình bày ý kiến đối với bản báo cáo về tình hình miền Nam và đấu tranh thống nhất nước nhà do ông Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất đọc trước Quốc hội.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những nhận định trong báo cáo về tính chất nghiêm trọng của bước can thiệp mới của đế quốc Mỹ vào miền Nam nước ta. Từ chỗ "chuẩn bị đưa quân đội Mỹ vào miền Nam" như kỳ họp Quốc hội lần thứ 3, tháng 10 năm 1961 đã nhận định, cho đến nay không những đế quốc Mỹ đã dồn dập đưa vào miền Nam nhiều đơn vị chiến đấu của Mỹ - biệt kích, không quân, thủy quân đánh bộ, hải quân, v.v. - mà còn thành lập ngay tại Sài Gòn một Bộ chỉ huy quân sự Mỹ, trực tiếp điều khiển cuộc chiến tranh chống lại nhân dân ta ở miền Nam. Những lực lượng quân đội Mỹ đưa trái phép vào miền Nam đã cùng với quân đội Ngô Đình Diệm tiến hành các cuộc hành quân bắn giết đồng bào ta, phá hoại làng mạc, mùa màng nhằm thực hiện kế hoạch tập trung dân mà chúng gọi là "quốc sách ấp chiến lược", một thủ đoạn cực kỳ thâm độc nhằm đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta ở miền Nam. Như thế rõ ràng là sự can thiệp của đế quốc Mỹ đã trở thành một cuộc chiến tranh thực sự xâm lược miền Nam nước ta, một cuộc "chiến tranh không tuyên chiến" mà dư luận thế giới đều lên án. Đó là những hành động xuất phát từ bản chất xâm lược và gây chiến của đế quốc Mỹ, phá hoại nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, là nguyên nhân duy nhất gây ra tình hình căng thẳng ở miền Nam Việt Nam, uy hiếp an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, uy hiếp hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội kịch liệt tố cáo trước dư luận trong nước và trên thế giới chính sách vũ trang xâm lược trắng trợn ấy của đế quốc Mỹ và tuyên bố Chính phủ Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả nghiêm trọng do chính sách xâm lược của Mỹ gây ra.

Những hành động xâm lược trắng trợn của Mỹ càng làm nổi bật tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân ta ở miền Nam, càng thúc đẩy nhân dân ta ở miền Nam đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa chống bọn xâm lược Mỹ và tay sai bán nước Ngô Đình Diệm, đòi độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hòa bình thống nhất đất nước. Trải qua một quá trình đấu tranh gian khổ và phức tạp, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thành lập, phong trào yêu nước miền Nam lại có thêm những nhân tố mới bảo đảm thắng lợi cuối cùng: đó là sự ra đời của Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam và sự hình thành của các lực lượng vũ trang tự vệ của nhân dân. Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất vừa qua công bố những chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp với yêu cầu của tình hình mới và bầu ra Uỷ ban Trung ương chính thức của Mặt trận, gồm những người tiêu biểu cho phong trào miền Nam, là thắng lợi quan trọng mới của phong trào đấu tranh yêu nước ở miền Nam.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam!

Chúng tôi rất phấn khởi nhận thấy rằng trong thời gian vừa qua trước những hành động vũ trang xâm lược ngày càng trắng trợn của đế quốc Mỹ, sự đồng tình và ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta lại ngày càng rộng rãi và mạnh mẽ hơn, nhiệt liệt cổ vũ nhân dân ta. Chúng tôi đề nghị Quốc hội tỏ lòng biết ơn đối với sự đồng tình và ủng hộ đầy nhiệt tình và vô cùng quý giá ấy.

Trước việc đế quốc Mỹ tiến thêm một bước vũ trang xâm lược miền Nam nước ta, chúng tôi nhất trí tán thành thái độ của Chính phủ: đòi chấm dứt sự can thiệp vũ trang của đế quốc Mỹ, đòi tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ như Hiệp định Giơnevơ quy định, theo tinh thần của bản cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương. Trước những hành động xâm lược trắng trợn của đế quốc Mỹ, vi phạm cực kỳ thô bạo Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam và có thể dẫn tới những hậu quả hết sức nghiêm trọng, chúng tôi nhận thấy rằng trách nhiệm của Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát ở Việt Nam cũng như của hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam rất là nặng nề. Nhưng rất tiếc là cho đến nay Uỷ ban quốc tế vẫn chưa tỏ thái độ tích cực nào để ngăn chặn những hành động phá hoại của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm. Chúng tôi nhất trí với Chính phủ cho rằng Uỷ ban quốc tế do Ấn Độ làm Chủ tịch cần phải làm đầy đủ nhiệm vụ của mình như đã ghi trong Hiệp định Giơnevơ, mau chóng tìm mọi biện pháp có hiệu lực để chấm dứt sự can thiệp vũ trang của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Về trách nhiệm của hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng trên cương vị của mình Chính phủ Liên Xô đã có những cố gắng tích cực, thẳng thắn và nghiêm khắc lên án hành động xâm lược của Chính phủ Mỹ và trong Công hàm ngày 17-3-1962 gửi Chính phủ Anh, Chính phủ Liên Xô đã đề nghị hai Chủ tịch những biện pháp cần thiết nhằm chấm dứt hành động ấy. Nhưng Chính phủ Anh đã không có một thái độ thích đáng trước những đề nghị đúng đắn của Chính phủ Liên Xô, không có một thái độ nghiêm chỉnh đúng theo cương vị Chủ tịch của mình. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Chính phủ, cho rằng hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, theo như đề nghị của Chính phủ Liên Xô, cần có những kết luận đúng đắn lên án Chính phủ Mỹ xâm lược quân sự vào miền Nam Việt Nam và có những biện pháp khẩn cấp và có hiệu quả nhằm chấm dứt sự vũ trang xâm lược của đế quốc Mỹ.

Cuối cùng chúng tôi nhất trí với Chính phủ về việc cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục làm cho đồng bào miền Bắc, nhận thức đúng những âm mưu thâm độc và nguy hiểm của đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm, đồng thời cũng thấy rõ những chỗ suy yếu, thất bại của chúng, do đó nâng cao lòng yêu nước, chí căm thù đối với quân cướp nước và bán nước, tin tưởng ở sức mạnh tất thắng của nhân dân ta, nhận rõ hơn nữa nhiệm vụ của mình trước tình hình: ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, làm thất bại mọi hành động phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Chúng tôi cũng nhận thấy cần đẩy mạnh mọi hoạt động nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi hơn nữa của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, đập tan mọi thủ đoạn, luận điệu vu khống và xuyên tạc của địch.

Thưa Quốc hội,

Trong kỳ họp lần thứ 3, trước âm mưu của đế quốc Mỹ chuẩn bị đưa quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam, Quốc hội đã có biểu thị thái độ lên án những âm mưu ấy của chúng. Trong thời gian từ kỳ họp trước đến nay, trước tình hình đế quốc Mỹ có những hành động cụ thể, tiến thêm một bước trong âm mưu vũ trang xâm lược miền Nam nước ta, Chính phủ ta đã ra Tuyên bố ngày 18-2-1962 tố cáo "việc Chính phủ Mỹ tăng cường xâm lược quân sự vào miền Nam Việt Nam và lập Bộ chỉ huy quân sự tại Sài Gòn" và nêu rõ lập trường của Chính phủ và nhân dân ta trước tình hình ấy. Bộ Ngoại giao ta có Công hàm ngày 15-3-1962 gửi hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đề nghị những biện pháp khẩn cấp để chấm dứt những hành động vũ trang xâm lược của đế quốc Mỹ! Chúng tôi đề nghị Quốc hội trong kỳ họp này ra một bản tuyên bố biểu thị thái độ của nhân dân ta kiên quyết ủng hộ lập trường của Chính phủ, vạch trần chính sách vũ trang xâm lược của đế quốc Mỹ đối với miền Nam nước ta.

Chúng tôi xin trình Quốc hội bản dự thảo sau đây đã có tham khảo ý kiến của các đoàn đại biểu.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.