VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

 

BÁO CÁO CỦA TIỂU BAN DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN CỦA QUỐC HỘI
VỀ CÁC VẤN ĐỀ ĐỔI TÊN KHU TỰ TRỊ THÁI - MÈO VÀ THÀNH LẬP BA TỈNH
TRONG KHU, HỢP NHẤT THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG VÀ TỈNH KIẾN AN,
HỢP NHẤT HAI TỈNH BẮC NINH VÀ BẮC GIANG
(Do ông Tô Quang Đẩu, thay mặt Tiểu ban,
trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá II, ngày 27-10-1962)

Thưa Chủ tịch đoàn,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Trước khi đọc hai bản dự thảo nghị quyết, tôi xin báo cáo với Quốc hội một số ý kiến của các tổ đã thảo luận và ý kiến của chúng tôi về những vấn đề sau đây:

1. Về việc thành lập ba tỉnh ở khu tự trị Thái - Mèo:

Các tổ đều nhất trí tán thành đề nghị của Hội đồng Chính phủ. Chỉ có hai đại biểu có ý kiến đưa châu Phong Thổ về tỉnh Lào Cai với lý do là để thuận tiện cho việc đi lại; hai đại biểu có ý kiến nên giữ nguyên tên châu không nên đổi là huyện, vì tên châu nhân dân gọi đã quen; một số đại biểu có ý kiến đổi tên khu tự trị Thái -Mèo, lấy tên là khu tự trị Tây Bắc, vì trong khu có 32 dân tộc, mà chỉ lấy tên hai dân tộc Thái và Mèo như hiện nay thì không thỏa đáng, và trước khi thành lập khu tự trị thì cũng đã lấy tên là khu Tây Bắc.

2. Về việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An:

Các tổ đều nhất trí tán thành việc hợp nhất này là cần thiết.

Về việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An, có một số đại biểu trong một tổ có ý kiến nên đưa huyện Tiên Lãng và huyện Vĩnh Bảo sang tỉnh Hải Dương hay tỉnh Thái Bình, với lý do là nếu nhập cả 2 huyện này vào thành phố Hải Phòng, thì ngoại thành rộng quá, sẽ khó cho việc chỉ đạo của thành phố.

Về tên thì ở một tổ có một đại biểu có ý kiến lấy tên là tỉnh Hải Kiến có thành phố Hải Phòng; 27 đại biểu có ý kiến lấy tên là thành phố Hải Kiến với lý do là muốn được giữ tên của cả hai nơi. Còn các tổ khác thì đều đồng ý lấy tên là Hải Phòng.

3. Về việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang:

Các tổ đều nhất trí tán thành nhưng tên thì nhiều đại biểu đề nghị không nên lấy tên là Giang Ninh, với lý do là tên này không được hay lắm. Có một số đại biểu đề nghị lấy tên là Bắc Bắc, hoặc Kinh Bắc, Liên Bắc, Hà Bắc.

Với những ý kiến trên đây chúng tôi đã nghiên cứu và đã báo cáo với Chủ tịch đoàn.

Chúng tôi thấy rằng: không nên đưa châu Phong Thổ sang tỉnh Lào Cai tuy châu Phong Thổ trước đây thuộc tỉnh Lào Cai, nhưng từ khi thành lập khu tự trị Thái - Mèo thì Phong Thổ đã là một bộ phận đất đai của khu tự trị, nhân dân đã được hưởng những quyền lợi tự trị. Nay tỉnh Lai Châu được thành lập, rất cần thiết phải có Phong Thổ để có thêm lực lượng phát triển kinh tế. Phong Thổ lại ở trong tuyến quốc phòng của quân khu Tây Bắc. Về mặt giao thông thì từ Phong Thổ về Lào Cai phải qua Sa Pa, đường dài trên 100 cây số, đi lại cũng khó khăn; còn từ Phong Thổ về Lai Châu sau này làm xong con đường ô tô từ Ba Nậm Cúm đi Phong Thổ dài trên 20 cây số thì sự đi lại cũng được thuận tiện. Hơn nữa nếu đưa Phong Thổ về Lào Cai cũng thêm việc cho Lào Cai, trong khi các tỉnh có nhiều việc.

Về ý kiến giữ tên châu mà không đổi là huyện, chúng tôi thấy danh từ châu hay huyện đều là tiếng miền xuôi. Trước đây, bọn phong kiến đặt tên châu và huyện là để phân biệt giữa miền ngược và miền xuôi, cho nên nhân dịp này ta nên đổi là huyện để thống nhất trong toàn quốc.

Còn đối với những ý kiến đổi tên khu tự trị Thái - Mèo, chúng tôi tán thành những ý kiến đó và đề nghị lấy tên là khu tự trị Tây Bắc. Việc đề nghị đổi tên này trước đây Hội đồng nhân dân khu tự trị cũng đã có kiến nghị.

Việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An và hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang, chúng tôi nhận thấy:

- Ý kiến đưa hai huyện Vĩnh Bảo - Tiên Lãng sang tỉnh Hải Dương hay tỉnh Thái Bình, chúng tôi thấy không nên, vì nhân dân hai huyện này, cũng như nhân dân toàn tỉnh Kiến An đều mong muốn hợp nhất toàn bộ tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng. Hơn nữa hiện nay hai huyện này đã có quan hệ về nhiều mặt với Hải Phòng, nhất là về mặt kinh tế, giao thông cũng thuận tiện vì có đường liên tỉnh số 10. Thái Bình là một tỉnh lớn có trên một triệu dân, nếu có thêm Vĩnh Bảo hay Tiên Lãng sẽ làm cho Thái Bình thêm khó khăn.

- Thành phố Hải Phòng là một hải cảng, một trung tâm công nghiệp lớn, đang trên đà phát triển, ngoại thành có cả Vĩnh Bảo và Tiên Lãng cũng không quá rộng.

- Về tên chúng tôi thấy nếu lấy tên là tỉnh Hải Kiến thì không hợp lý, vì như vậy sẽ có hai đơn vị hành chính là tỉnh Hải Kiến và thành phố Hải Phòng, bộ máy sẽ cồng kềnh và còn hạ thấp vị trí của thành phố Hải Phòng là một thành phố trực thuộc Trung ương xuống thành phố trực thuộc tỉnh. Còn lấy tên là thành phố Hải Kiến sẽ gây nhiều khó khăn, vì Hải Phòng là một thành phố lớn, một hải cảng lớn của nước ta, nhiều nước đã quen biết, không nên đổi tên.

Về vấn đề tên của hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang hợp nhất, chúng tôi đề nghị lấy tên là tỉnh Hà Bắc, đa số đại biểu Hội đồng nhân dân Bắc Giang cũng đề nghị. Như vậy vẫn giữ được chữ Bắc là chữ đầu của tên hai tỉnh cũ, và còn có ý nghĩa nữa là xung quanh Thủ đô Hà Nội của chúng ta đã có các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Sơn Tây, nay có thêm tỉnh Hà Bắc ở phía bắc Thủ đô thì rất thích hợp.

Những ý kiến trên đây, chúng tôi đã báo cáo với Chủ tịch đoàn và được Chủ tịch đoàn đồng ý.

Sau đây chúng tôi xin đọc hai bản dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xét.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.