VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

CHÚ THÍCH(*)

 

1. Việt Minh (hay Mặt trận Việt Minh)

2. Ngày thành lập Giải phóng quân Việt Nam (22-12)

3. Chính phủ Lâm thời

4. Chính phủ Liên hiệp lâm thời

5. Chính phủ Liên hiệp kháng chiến

6. Ngày Nam bộ kháng chiến

7. Hiệp định sơ bộ 6-3-1946

8. Hội nghị Phôngtennơblô

9. Tạm ước  14-9-1946

10. Ngày toàn quốc kháng chiến

11. Đợt phong tướng đầu tiên của quân đội ta

12. Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt

13. Chiến thắng lịch sử  Điện Biên Phủ

14. Hiệp định Giơnevơ

15. Cải cách ruộng đất

16. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 


1.  Việt Minh (hay Mặt trận Việt Minh): ( Trở về đầu trang)

Tên gọi tắt của Việt Nam độc lập đồng minh, được thành lập tại Pác Bó (Cao Bằng) ngày 19-5-1941, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941). Việt Minh gồm các thành viên là Đảng Cộng sản Đông Dương và các Hội cứu quốc như: Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Quân nhân cứu quốc, Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Văn hoá cứu quốc, Hội Nhi đồng cứu quốc…

Việt Minh là một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị, các dân tộc, các tôn giáo yêu nước để chống kẻ thù chính của dân tộc ta lúc ấy là thực dân Pháp và phát xít Nhật. Mặt trận đã áp dụng chính sách mềm dẻo để tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ được, phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù chính, nhằm tiêu diệt chúng, giành độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Mặt trận Việt Minh đã vận động toàn dân tham gia cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc họp từ ngày 3 đến ngày 7 – 3 – 1951 đã thống nhất hai tổ chức: Việt Nam độc lập đồng minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam thành Mặt trận Liên Việt.

2.  Ngày thành lập Giải phóng quân Việt Nam (22-12): ( Trở về đầu trang)

Năm 1944, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển thuận lợi, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc có khả năng bùng nổ và thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”.

Chỉ thị nêu rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự, hoạt động theo nguyên tắc chính là tập trung lực lượng, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, xây dựng đội quân chủ lực, các đội vũ trang địa phương. Về chiến thuật, vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nghi binh, nhanh chóng, tích cực, bất ngờ". Chỉ thị nêu rõ tiền đồ của Đội rất vẻ vang. Trong tương lai nó sẽ phát triển ra cả nước.

Theo chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, gồm 34 chiến sĩ, do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy, được thành lập tại một khu rừng nằm giữa tổng Trần Hưng Đạo và tổng Hoàng Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hòa An), tỉnh Cao Bằng.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng, toàn Đội đã đọc 10 lời thề danh dự. Ngay sau khi thành lập, đội quân cách mạng ấy đã đánh thắng 2 trận đầu tiên ở Phay Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) trong 2 ngày 25 và 26-12-1944. Chiến thắng này đã cổ vũ phong trào đánh đuổi thực dân Pháp, mở đường cho những thắng lợi tiếp theo của quân và dân ta.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22-12 trở thành ngày truyền thống – Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày Hội Quốc phòng toàn dân.

3. Chính phủ Lâm thời: ( Trở về đầu trang)

Tức Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam được thành lập theo quyết định của Quốc dân  Đại  hội Tân Trào họp trong 2 ngày 16, 17-8-1945.

Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ghi rõ: "Để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc giải phóng của chúng ta cho thắng lợi, Quốc dân Đại hội quyết định thành lập Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Uỷ ban này cũng như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một Chính phủ chính thức. Uỷ ban này thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì  mọi công việc trong nước".

Về tổ chức, Uỷ ban Giải phóng dân tộc gồm 15 người, có một Uỷ ban thường trực, với 5 thành viên: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngày 26-8-1945, tại phiên họp đầu tiên của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở rộng hơn nữa thành phần Chính phủ và sớm công bố danh sách Chính phủ cho toàn dân biết. Nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đảng phái yêu nước, nhân sĩ tiến bộ, một số thành viên của Việt Minh đã tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường cho các thành phần khác. Hành động cao cả đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết lên trên lợi ích cá nhân”. (Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, 2-1951).

Ngày 27-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các vị Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ra lời Tuyên cáo, trong đó nêu rõ: “…Tuân theo Chỉ thị của Hồ Chí Minh, Uỷ ban Giải phóng dân tộc đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ, đặng cùng nhau gánh vác nặng nề mà quốc dân giao phó cho…Nó thật là một Chính phủ, thống nhất quốc gia giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hoà chính thức”.

4. Chính phủ Liên hiệp lâm thời: ( Trở về đầu trang)

Nhằm tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định tình hình bên trong; để hạn chế những hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng, cô lập chúng và tập trung mũi nhọn chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương Chính phủ Lâm thời cần được mở rộng để thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời, có sự tham gia của một số phần tử trong Việt Nam Quốc dân đảng, do Nguyễn Hải Thần cầm đầu và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội do Vũ Hồng Khanh cầm đầu, với điều kiện: Chính phủ này phải tổ chức tốt cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất các lực lượng vũ trang và sẽ từ chức khi triệu tập Quốc dân Đại hội.

Ngày 1-1-1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã làm lễ ra mắt tại Nhà hát thành phố, trước 30.000 nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố danh sách Chính phủ mới và đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ.

Chính phủ Liên hiệp lâm thời tồn tại từ ngày 1-1 đến ngày 2-3-1946. Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" lúc đó, dưới sự lãnh đạo khéo léo và tài tình của Hồ Chủ tịch, Chính phủ đã dàn xếp ổn thỏa với quân đội Tưởng Giới Thạch;  lãnh đạo và chi viện tích cực cuộc kháng chiến ở miền Nam; tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử, phát hành giấy bạc Việt Nam; động viên toàn dân tăng gia sản xuất, đẩy lùi nạn đói.

Theo quyết định của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6-1-1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời đã tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước bầu Quốc hội khóa I.

5. Chính phủ Liên hiệp kháng chiến:( Trở về đầu trang)

Được thành lập ngày 2-3-1946 tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Quốc hội nhất trí thông qua.

Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch, gồm 10 Bộ, do đại biểu các đảng phái và không đảng phái, những trí thức và những người có danh vọng phụ trách.

Quốc hội giao cho Chính phủ Liên hiệp kháng chiến nhiệm vụ: “Thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của Quốc hội về phương tiện quân sự, tuyên truyền, hành chính, tư pháp”. Chính phủ có quyền động viên nhân lực và tài sản của quốc gia theo nhu cầu của tình thế để làm cho kháng chiến thắng lợi. Chính phủ có quyền tuyên chiến hay đình chiến sau khi đã thoả thuận với Ban Thường trực Quốc hội.

6. Ngày Nam bộ kháng chiến: ( Trở về đầu trang)

Dựa vào thế lực của phái bộ Anh và hơn 5.000 lính Nhật, đêm 22, rạng sáng ngày 23-9-1945, quân Pháp đã nổ súng đánh chiếm trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam bộ tại Sài Gòn.

Ngay chiều hôm đó, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam bộ và Uỷ ban nhân dân Nam bộ, nhân dân Sài Gòn đã tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp. 15.000 tự vệ cùng nhân dân lập vật chướng ngại trên đường phố, đánh trả quyết liệt quân xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ chống thực dân Pháp. Ngày 23-9 trở thành truyền thống lịch sử và được gọi là "Ngày Nam bộ kháng chiến".

7. Hiệp định sơ bộ 6-3-1946: ( Trở về đầu trang)

Thực hiện chủ trương của Đảng về việc tạm thời hòa hoãn với thực dân Pháp để đuổi quân Tưởng ra khỏi miền Bắc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta đã ký với Xanhtơny, đại diện Chính phủ Pháp, bản Hiệp định sơ bộ vào ngày 6-3-1946 tại  Hà Nội.

Nội dung cơ bản của Hiệp định sơ bộ và một bản thoả thuận phụ kèm theo Hiệp định, gồm các điều khoản là: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam có Chính phủ, nghị viện, quân đội và có tài chính riêng. Sự thống nhất đất nước sẽ do trưng cầu dân ý quyết định. Chính phủ ta đồng ý cho 15.000 quân Pháp được vào miền Bắc, thay thế quân Tưởng rút về nước. Số quân Pháp phải đóng ở những nơi quy định và phải rút khỏi Việt Nam trong 5 năm, mỗi năm rút một phần năm số quân. Quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí đóng quân.

Việc ký Hiệp định sơ bộ là một biện pháp đúng đắn, sáng tạo. Nhờ đó, chúng ta đã đẩy nhanh quân Tưởng về nước, loại trừ cho cách mạng một kẻ thù nguy hiểm, phá tan âm mưu của các thế lực đế quốc câu kết với nhau, hòng bán đứng Việt Nam cho Pháp, dành thêm thời gian hòa bình để xây dựng và củng cố lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

8. Hội nghị Phôngtennơblô:( Trở về đầu trang)

Họp từ 6-7 đến 13-9-1946. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp do Mác Ăngđrê dẫn đầu.

Hội nghị này nhằm giải quyết mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Song, do thái độ ngoan cố của phía Pháp muốn duy trì  chế độ thực dân ở Đông Dương, nên các vấn đề đưa ra Hội nghị để thảo luận đều bị bế tắc.

Tuy vậy, Hội nghị Phôngtennơblô đã làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ thiện chí và nguyện vọng hòa bình, độc lập của dân tộc ta.

9. Tạm ước  14-9-1946: ( Trở về đầu trang)

Đây là tên thường gọi của thỏa hiệp tạm thời (Modus vivendi) giữa Việt Nam và Pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng M.Mutê ký ngày 14-9-1946, tại Pari. Tạm ước gồm 11 điều khoản. Nội dung của các điều khoản thể hiện những thỏa thuận tạm thời về một số vấn đề bức thiết có tính chất bộ phận, cụ thể là: Chính phủ Pháp thi hành các quyền tự do, dân chủ và ngừng bắn ở Nam bộ; Chính phủ Việt Nam nhân nhượng với Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam; quy định thời gian tiếp tục cuộc đàm phán Việt – Pháp vào tháng 1-1947.

Việc ký Tạm ước 14-9 là một thắng lợi trong sách lược ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

10. Ngày toàn quốc kháng chiến:( Trở về đầu trang)

Trước những hoạt động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, đồng thời nêu bật quyết tâm của nhân dân ta: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Người khẳng định: “ Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.”

Ngay đêm 19-12-1946, cả dân tộc ta nhất tề đứng dậy tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đó, ngày 19-12 đi vào lịch sử và được gọi là "Ngày toàn quốc kháng chiến".

11. Đợt phong tướng đầu tiên của quân đội ta:( Trở về đầu trang)

Sau thắng lợi vang dội của chiến dịch Thu - Đông năm 1947 của quân và dân ta làm thất bại cuộc hành quân chiến lược của thực dân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới, thế trận của ta đã mạnh hẳn lên. Khí thế thi đua giết giặc lập công càng trở nên sôi nổi.

Để động viên tinh thần quân sĩ, đánh dấu sự trưởng thành của quân đội ta qua 2 năm chiến đấu chống quân thù, kể từ ngày 23-9-1945 Nam bộ kháng chiến, ngày 20-1-1948 thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng cho 11 cán bộ cao cấp trong quân đội. Ông Võ Nguyên Giáp lúc đó là Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam (sau này gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam) được phong cấp Đại tướng. Ông Nguyễn Bình, Tư lệnh Nam bộ, Uỷ viên Xứ quân ủy được phong cấp Trung tướng. Các ông Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong cấp Thiếu tướng.

Tại Việt Bắc, buổi lễ tấn phong Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp được tổ chức ngày 28-5-1948. Tới dự có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, nhiều vị Bộ trưởng trong Chính phủ. Sau lời phát biểu rất xúc động của Hồ Chủ tịch, Người đã trao sắc lệnh có chữ ký của Chủ tịch nước và dấu của Chính phủ cho ông Võ Nguyên Giáp. Tiếp đó, ông Bùi Bằng Đoàn thay mặt Quốc hội, ông Phan Anh thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu chúc mừng Đại tướng. Ông Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu ý kiến bày tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, Chính phủ và Quốc hội về sự quan tâm chăm sóc, động viên lực lượng vũ trang nhân dân…

Buổi lễ thụ phong Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp đã diễn ra rất trọng thể và đầy ý nghĩa.

12. Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt:( Trở về đầu trang)

Họp từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951 tại Việt Bắc. Đại hội đã thông qua Nghị quyết thống nhất hai tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) thành Mặt trận Liên – Việt, nhằm củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào thời kỳ quyết liệt.

Thành viên của Mặt trận gồm có Đảng Lao động Việt Nam, các đoàn thể, tôn giáo và các đảng phái yêu nước, đoàn kết đấu tranh cho mục đích chung là tiêu diệt thực dân Pháp, đánh bại can thiệp Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.

Đại hội đã thông qua Chính cương, Điều lệ và Tuyên ngôn của Mặt trận, dựa trên nguyên tắc đảm bảo đoàn kết rộng rãi, thực hiện dân chủ, tôn trọng tính độc lập của các đoàn thể, dùng phê bình và tự phê bình để giúp đỡ lẫn nhau. Đại hội nhất trí tán thành việc xây dựng và bảo vệ khối đoàn kết 3 dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia để chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Đại hội đã cử ra Uỷ ban toàn quốc của Mặt trận gồm 53 thành viên, do cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch và bầu Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên – Việt.

13. Chiến thắng lịch sử  Điện Biên Phủ:( Trở về đầu trang)

Là thắng lợi lớn nhất, có ý nghĩa chiến lược của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Duơng, kế hoạch Nava do đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ vạch ra với âm mưu mở rộng và kéo dài chiến tranh, hòng cứu vãn nguy cơ bị phá sản của chúng.

Tháng 11-1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống  Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm giữ vững thế đứng chân ở vùng Tây Bắc và Thượng Lào, thực hiện âm mưu nhử quân chủ lực của ta lên đây để tiêu diệt, tạo điều kiện cho chúng tiến hành bình định ở đồng bằng và trung du, hòng làm thay đổi cục diện chiến trường Đông Dương theo chiều hướng có lợi cho chúng. Chúng tuyên truyền rằng: đây là “một cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm của kế hoạch Nava và điểm quyết định trên chiến trường Đông Dương.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định tình hình và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến dịch mở màn vào ngày 13-3-1954. Sau 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, toàn bộ tập đoàn cứ điểm bị tiêu diệt. Ta đã diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, trong đó có cả bộ chỉ huy của địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự của địch ở đây.

Cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã đập tan kế hoạch Nava.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có ý nghĩa quyết định đối với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.

14. Hiệp định Giơnevơ:( Trở về đầu trang)

Ngày 8-5-1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức được thảo luận ở Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ).

Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng Đoàn.

Tham gia Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ. Các bên tham chiến gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đại diện của Lào, Campuchia, Pháp và chính quyền Bảo Đại.

Tuyên bố chung của Hội nghị và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết vào đêm 20, rạng sáng ngày 21-7-1954. Các nước tham gia Hội nghị đã cam kết thừa nhận tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn  vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, quy định quân Pháp phải rút khỏi Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.

Bản Tuyên bố chung còn ghi rõ, ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự và chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi đó là biên giới chính trị hoặc lãnh thổ và quy định ở Việt Nam cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước sẽ được tiến hành vào tháng 7- 1956.

Nhưng sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã ra sức chống, phá việc thi hành Hiệp định. Chúng nhanh chóng hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng, hòng xâm lược cả nước ta và toàn bán đảo Đông Dương.

15. Cải cách ruộng đất: ( Trở về đầu trang)

Cuộc vận động chống phong kiến được thực hiện từ tháng 11-1953 và kết thúc vào tháng 7-1956.

Sau gần 3 năm tiến hành, cuộc cách mạng ruộng đất ở miền Bắc nước ta đã giành được những thắng lợi có tính chất chiến lược: đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến; xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến; thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, đưa nông dân lên địa vị người làm chủ ở nông thôn; tăng cường và củng cố khối liên minh công nông, cơ sở vững chắc của Mặt trận dân tộc thống nhất và của chính quyền dân chủ nhân dân.

Cải cách ruộng đất là một chủ trương đúng của Đảng. Song, trong quá trình thực hiện, có những nơi, những lúc do không quán triệt đúng đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, không căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương nên đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Những sai lầm đó đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện và kịp thời chỉ đạo việc thực hiện sửa sai.

16. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: ( Trở về đầu trang)

Thành lập tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc, họp từ ngày 5 đến ngày 10-9-1955 ở Hà Nội. Đây là Mặt trận dân tộc thống nhất kế tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân của Mặt trận Liên – Việt.

Đại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận, cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Đoàn Uỷ ban Trung ương và 98 Uỷ viên trong Uỷ ban Trung ương Mặt trận, đại diện cho tất cả các đoàn thể thuộc nhiều xu hướng chính trị, tôn giáo, thành phần giai cấp khác nhau.

Tham gia Mặt trận gồm đông đảo các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo…, nòng cốt là liên minh công nông và do Đảng ta lãnh đạo.

Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và có cơ cấu tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương (Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương) đến địa phương (Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện, xã).

Quan hệ giữa các tổ chức trong Mặt trận dựa trên nguyên tắc thảo luận dân chủ đi đến thống nhất hành động; thân ái hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tôn trọng tính độc lập của mỗi tổ chức.

Năm 1976, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc đã hợp nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh sứ mệnh đoàn kết toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.


(*) Mt số chú thích dưới đây chúng tôi trích trong bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia (BT).

Về trang mục lục

Trở về đầu trang