VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BẢN CHỈ DẪN TÊN NGƯỜI*

 

B      Đ     H     K     L      P     Q     T


B

Nguyễn Bình (1908-1951):

Tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thị xã Tịnh Tiến, nay là xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Từ năm 16 tuổi, ông đã tham gia các phong trào cách mạng cứu nước. Năm 1925, tham gia đấu tranh bãi khóa ở Trường Kỹ nghệ Hải Phòng. Năm 1926 lãnh đạo học sinh làm lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh để phản đối chế độ thực dân Pháp tại Dư Hàng Kênh (Hải Phòng). Năm 1927 bị bọn thực dân truy lùng, ông chuyển vào Sài Gòn. Năm 1928 vừa tròn 20 tuổi, ông gia nhập Quốc dân đảng chống Pháp xâm lược do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Năm 1929 bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Khi được trả tự do, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia lập chiến khu Đông Triều và làm khu trưởng khu Duyên Hải, Bắc Bộ (nay là Quân khu 3).

Tháng 9 – 1945 thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông làm đặc phái viên quân sự, sau đó giữ chức khu trưởng khu 7. Năm 1946 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1947 là Ủy viên Quân khu ủy Quân khu 7, rồi được bổ nhiệm làm Tư lệnh Nam bộ, ủy viên Xứ quân ủy. Tháng 1 - 1948 ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm Trung tướng. Ông là một trong những tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1951 trên đường ra Việt Bắc báo cáo Trung ương, ông bị địch phục kích và hy sinh ngày 29-9-1951 tại phum Kpal Rô Mia, xã Sêrêpok, huyện Sê San, tỉnh Stungtreng (Campuchia).

Đ

Bùi Bằng Đoàn (1886-1955):

Ông là một nhân sĩ, quê ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, đỗ cử nhân năm 1906. Năm 1911, là tri huyện rồi tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, làm Thượng thư Bộ Hình (Tư pháp), đồng thời tham gia Viện Cơ mật của triều đình Huế. Tháng 3 – 1945 Nhật đảo chính Pháp, ông về sống ở Hà Đông.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông rất phấn khởi. Đặc biệt là sau khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội thì ông rất phục đạo đức, tài năng của Người và tin tưởng vào vận mệnh nước nhà. Ông tham gia Uỷ ban kiến thiết quốc gia rồi được cử làm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Trong cuộc Tổng tuyển cử 6-1-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I  của tỉnh Hà Đông (cũ) rồi được bầu làm Uỷ viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (11-1946), ông được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Ông là thành viên trong Ban sáng lập ra Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946) cho đến năm 1948, ông được Ban Thường trực Quốc hội ủy nhiệm được ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Tháng 8 năm 1948 ông bị bệnh nặng, được đi dưỡng bệnh tại Liên khu 3 và tỉnh Thanh Hóa. Tuy ốm đau, nhưng ông vẫn theo dõi tình hình trong nước, ngoài nước, gửi thư thăm hỏi Hồ Chủ tịch, Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội và góp nhiều ý kiến mưu lợi ích cho nhân dân. Ông từ trần ngày 13-4-1955. Ông được Hội đồng Chính phủ truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Phạm Văn Đồng (1906-2000):

Ông quê ở làng Cây Gạo, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tham gia phong trào học sinh, sinh viên để tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Năm 1926, dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1927, về hoạt động ở Nam kỳ và được cử vào Kỳ bộ  thanh niên Nam kỳ. Tháng 7-1929 bị địch bắt bắt và bị kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, được trả lại tự do, ra hoạt động công khai tại Hà Nội. Năm 1940 – 1941, hoạt động tại miền Nam Trung Quốc, sau đó trở về nước tham gia tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao – Bắc – Lạng.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, được cử vào Chính phủ lâm thời, làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, được bầu làm đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa VII. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (3-1946), ông được bầu làm Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Ngày 16-4-1946, ông được cử làm Trưởng phái đoàn thân thiện của Quốc hội đi thăm Cộng hòa Pháp.

Ông đã được cử giữ nhiều trọng trách như: Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung bộ (trước 19-12-1946), Phó Thủ tướng Chính phủ (1949) rồi Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1955), sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến năm 1987. Ông là Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ ta tham gia các Hội nghị Phôngtennơblô (1946), Hội nghị Giơnevơ (1954), Hội nghị Băngđung (1955) và nhiều Hội nghị quốc tế khác.

Ông là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng (1947), Uỷ viên chính thức (1949); từ năm 1951 ông liên tục được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, cho đến năm 1986.

Từ năm 1986 đến năm 1997, ông là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác của Đảng, Nhà nước và của nước ngoài.

Bảo Đại (1913-1997):

Bảo Đại là hiệu của Nguyễn Vĩnh Thụy, vua cuối cùng của triều đình phong kiến nhà Nguyễn (1802 đến tháng 8 – 1945). Từ tháng 9 -1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Cố vấn của Chính phủ lâm thời, được trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I và được Quốc hội cử làm Cố vấn tối cao của Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Tháng 3 năm 1946, được cử sang Trùng Khánh (Trung Hoa) thực hiện chính sách giao hảo của Chính phủ ta với chính quyền Tưởng Giới Thạch, nhưng sau đó trốn đi Hồng Công và không về nước. Năm 1949, Bảo Đại được thực dân Pháp đưa về Việt Nam làm “Quốc trưởng” chính phủ bù nhìn. Tháng 10-1955, thông qua cuộc “trưng cầu dân ý”, Mỹ đã phế truất Bảo Đại và đưa Ngô Đình Diệm thay thế. Từ đó, ông sống lưu vong ở nước Pháp và mất tại đây.

H

Ngô Tử Hạ (1882-1973):

Sinh tại xã Quý Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Là  đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I là đại biểu Quốc hội cao tuổi, cụ được cử làm Chủ tịch kỳ họp. Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (từ 29-12 đến 25-1-1957) cụ được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội và đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (4-1958) được bầu làm Ủy viên chính thức. Cụ còn đảm đương chức vụ: Chủ tịch Ủy ban liên lạc những người công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình.

K

Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947):

Nhân sĩ yêu nước, sinh ở làng Thanh Bình, tổng Tiên Phước thượng (nay là huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Đỗ Giải Nguyên năm 1900 và đỗ Hoàng Giáp năm 1904. Vì cùng các ông Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp tuyên truyền thuyết Duy Tân, ông bị Pháp bắt và đày đi Côn Đảo 13 năm (1908 - 1921). Năm 1926, được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, nhưng do chống lại Khâm sứ Pháp nên ông từ chức. Ông sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng Dân ở Huế (1927 - 1943). Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp năm 1946, ông được trao quyền Chủ tịch nước. Ông là một sáng lập viên và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) sau đó được cử làm đặc phái viên của Chính phủ tại liên khu V. Năm 1947 ông lâm bệnh, mất tại Quảng Ngãi trên đường công tác ở miền Trung.

L

Trần Huy Liệu (1901 - 1969):

Nhà văn, nhà sử học, nhà hoạt động chính trị, quê ở làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam  Định. Tham gia lập Đảng Thanh niên (năm 1926), phụ trách Cường học thư xã (năm 1928) rồi bị Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Đảo. Năm 1935, ông ra tù và tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936, chủ bút báo Tin tức của Đảng. Bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La (năm 1939), rồi vượt ngục. Năm 1945, được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Giải phóng dân tộc, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời và là người thay mặt Chính phủ lâm thời nhận ấn kiếm trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau. Sau đó, ông là Trưởng Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa trực thuộc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Sử học.

 Ông là đại biểu Quốc hội các khóa I (làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội), khóa II, khóa III (làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

 Ông còn là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học và được trao tặng Huân chương Humbôn của nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) năm 1996.

P

Tôn Quang Phiệt (1900 - 1973):

Ông là nhà hoạt động xã hội, nhà cách mạng, nhà nghiên cứu sử học. Ông xuất thân  trong một gia đình nhà Nho tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Giữa năm 1925, khi đang học ở Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, ông đã cùng với nhóm sinh viên Đặng Thai Mai, Phạm Thiều… lập ra Việt Nam nghĩa đoàn, tham gia tích cực cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu. Sau khi thống nhất lực lượng với nhóm Phục Việt của Lê Văn Huân và Trần Mộng Bạch ở Vinh, ông được cử làm Hội trưởng Phục Việt ở Hà Nội, rồi đổi tên thành Đảng Tân Việt, một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1930, ông bị kẻ thù bắt, kết án tù, đày đi Buôn Ma Thuột. Năm 1934, ra tù, bị quản thúc, sống bằng nghề dạy học ở Vinh và Huế.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tích cực tham gia các phong trào cách mạng. Sau khi Cách mạng thành công, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế, Hiệu trưởng trường Thuận Hóa. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV. Ông đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Tổng thư ký Ủy ban Thường trực Quốc hội, Ủy viên Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết châu Á của Việt Nam.

Ông đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu sử học và văn học cận đại, hiện đại Việt Nam.

Năm 1998 ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Q

Cung Đình Quỳ:1

Sinh năm 1901.

Là đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), được tham gia Quốc hội khóa I (không phải qua bầu cử).

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2-3-1946) được bầu làm Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cùng với ông Phạm Văn Đồng. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (11-1946) được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội.

Vào khoảng đầu năm 1950, Cung Đình Quỳ đã bỏ nhiệm vụ kháng chiến, chạy theo thực dân Pháp. Ngày 6-6-1952, Chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Tâm thành lập, Cung Đình Quỳ được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông.

T

Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947):

Quê ở làng Đông Thành, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông là một nhà trí thức Nho học và Tây học. Thời Pháp thuộc, ông chuyên nghiên cứu sử  học  tại Trường  Viễn Đông bác cổ. Từ đầu thế kỷ XX, ông là một nhà báo có uy tín được nhiều người vị nể. Ông thuộc lớp trí thức yêu nước, lấy con đường hoạt động văn hóa làm sự nghiệp suốt đời mình.

Ngày 25-5-1938, Hội truyền bá quốc ngữ chính thức ra mắt quốc dân, ông được bầu làm Hội trưởng.

Ngày 25-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Giải phóng dân tộc do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra, được cải tổ thành Chính phủ lâm thời, ông được mời tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-01-1946 ông ra ứng cử tại thành phố Nam Định và đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I.

Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, ngày 2-3-1946 ông được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, ngày 3-11-1946, ông được cử giữ chức Bộ trưởng không giữ Bộ nào.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra (19-12-1946) ông  cùng các thành viên Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc. Sau nhiều tháng bị quân và dân ta cầm chân trong các thành phố, tháng 10-1947, giặc Pháp mở trận tấn công lên Việt Bắc hòng đánh phá cơ quan đầu não kháng chiến. Nhà trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tố, một trong những Bộ trưởng đầu tiên trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã sa vào tay giặc và bị chúng sát hại ở Bắc Kạn ngày 7-10-1947.

Đảng và Nhà nước ta truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công" cho liệt sĩ Nguyễn Văn Tố  đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

 Tôn Đức Thắng (1888 - 1980):

Ông quê ở làng Mỹ Hòa Hưng, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang); học nghề ở Trường Bách nghệ, sau  làm công nhân một xưởng máy của Hải quân Pháp ở Sài Gòn. Năm 1912, do tổ chức cuộc bãi công của công nhân nhà máy, bị lùng bắt, ông trốn sang Pháp làm công nhân thợ máy trong Hải quân Pháp. Năm 1919, ông tham gia cuộc binh biến của thủy thủ Pháp trên biển Đen để bảo vệ Nhà nước Xô viết. Năm 1920, ông về nước xây dựng Công hội bí mật ở nhà máy Ba Son. Năm 1926, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được cử vào Ban chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ (1927). Cuối năm 1929, bị Pháp bắt kết án 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), ông được cách mạng đón về tham gia cuộc chiến đấu của nhân dân Nam bộ chống thực dân Pháp. Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I của Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (11-1946), ông được bầu làm Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Tháng 8-1948 Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn ốm, phải đi chữa bệnh ở xa, ông được cử giữ chức Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (9-1955) ông được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội cho đến tháng 6-1960. Từ ngày 7-3-1951 đến ngày 10-9-1955, ông là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Liên Việt toàn quốc, từ ngày 10-9-1955 đến tháng 4-1977 là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ  quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước (1960), Chủ tịch nước (1969 - 1980).

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước và nhiều Huân chương cao
quý khác.

Phạm Bá Trực (1896 - 1954):

Ông quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Là một linh mục yêu nước, từng giữ chức Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt toàn quốc. Ông “đã đưa hết tinh thần và lực lượng giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng”, “đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy, với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính cho nhân dân Việt Nam” (Lời Hồ Chủ tịch). Ông mất ngày 7-10-1954 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Nguyễn Hải Thần (1878-1959):

Tên thật là Võ Hải Thu, còn có tên là Nguyễn Cẩm Giang, quê ở làng Đại Từ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội).

Năm 1925, Nguyễn Hải Thần theo Phan Bội Châu sang Trung Quốc, vào học Trường võ bị Hoàng Phố; tham gia Việt Nam Quang phục hội (sau là Đảng Đại Việt) và quân đội Quốc dân đảng; sau đó cùng một số người lập "Việt Nam Cách mạng đồng minh hội" (gọi tắt là Việt Cách); năm 1945, theo quân Tưởng về Việt Nam.

Để thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng, ngày 1-1-1946, Chính phủ ta cho Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời, sau đó bổ sung vào Quốc hội (không qua bầu cử) làm Phó Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Khi quân Tưởng rút, Nguyễn Hải Thần chạy sang Nam Kinh, sau đến Quảng Châu, sống lưu vong và mất ở Trung Quốc.

Nguyễn Đình Thi (1924-2003):

Ông là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, quê gốc ở làng Vũ Thạch, Hà Nội.

Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1941, 1942, bị thực dân Pháp bắt giam ở Hà Nội, vì những hoạt động yêu nước. Từ năm 1943 tham gia Hội văn hóa cứu quốc. Năm 1944 bị địch bắt giam tại Nam Định, vì hoạt động văn hóa cứu quốc. Là đại biểu tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và được cử vào Ủy ban Giải phóng dân tộc (tháng 8-1945), đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III (khóa I là Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội rồi tham gia Ban Thường vụ của Ban Thường trực Quốc hội, làm thư ký).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp: hoạt động văn hóa phục vụ kháng chiến, đầu quân tham gia nhiều chiến dịch và sáng tác văn học. Là Ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam từ năm 1948, Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam (năm 1957), Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam (1956-1958). Từ năm 1958 là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III. Năm 2002 là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trên nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật, các tác phẩm của nghệ sĩ đa tài Nguyễn Đình Thi đều đạt giá trị đỉnh cao, nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian. Năm 1996, ông được Nhà nước ta tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).

Đào Thiện Thi (1920-1998):

Quê ở thôn Khúc Thuỷ, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. 

Là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, V, VI và VII. Đã đảm nhiệm các chức vụ như Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Vụ trưởng rồi Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tài chính (1975-1981), Bộ trưởng Bộ Lao động (1981-1987).

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I là đại biểu trẻ tuổi, cùng với ông Nguyễn Đình Thi được cử làm thư ký kỳ họp.


 

* Ở bản chỉ dẫn này, chúng tôi có tham khảo, sử dụng một số tư liệu trong bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản và cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, năm 2000 (BT).

1. Chưa xác định được năm mất của công Cung Đình Quỳ.