VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995


BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH
CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

(Do ông Trần Văn Nhẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
kinh tế và ngân sách của Quốc hội đọc
tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX, ngày 28-3-1995)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã họp nhiều lần để nghe Ban soạn thảo Dự án Luật doanh nghiệp nhà nước báo cáo về nội dung và quá trình soạn thảo Dự án Luật này, đồng thời trong quá trình soạn thảo, Thường trực Ủy ban cùng Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và của các ngành, các cấp để chỉnh lý lại Dự thảo Luật. Ngày 20 và 21 tháng 02 năm 1995, Thường trực Ủy ban kinh tế và ngân sách đã họp mở rộng và trong những ngày 16, 17, và 18 tháng 3 năm 1995, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội đã họp toàn thể để thẩm tra lần cuối về Dự án Luật doanh nghiệp nhà nước theo Tờ trình của Chính phủ, cùng tham gia phiên họp có đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan có liên quan.

Qua ý kiến của các đại biểu dự họp, Ủy ban chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội một số ý kiến về Dự án Luật doanh nghiệp nhà nước như sau:

I- VỀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH
LUẬT DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Hầu hết ý kiến trong Ủy ban chúng tôi cho rằng, việc ban hành Luật doanh nghiệp nhà nước là một yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm góp phần xác định vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, tạo khung khổ pháp lý quy định rõ quyền tự chủ của doanh nghiệp cùng với việc tự chịu trách nhiệm dân sự trước pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước và thực hiện chức năng của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đối với vốn và tài sản của doanh nghiệp, tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh; cùng với Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân đã ban hành năm 1990, tạo mặt bằng pháp lý chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Song có ý cho rằng, việc ban hành Luật doanh nghiệp nhà nước chỉ là biện pháp tình thế, doanh nghiệp nhà nước, tuy giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nhưng cũng chỉ là một trong các loại hình doanh nghiệp. Cùng với hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành như Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật phá sản doanh nghiệp, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, v.v. và Dự án Luật hợp tác xã đang một trong quá trình soạn thảo, thì trong tương lai, chúng ta nên gộp thành một luật chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, trong đó ngoài những phần chung như thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh, phân chia, sáp nhập, chuyển thể, giải thể, phá sản, v.v. cần có những quy định riêng cho từng loại hình doanh nghiệp tùy thuộc vào đặc thù của loại hình doanh nghiệp đó.

Theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, cùng với việc phát triển các thành phần kinh tế, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành và tích cực triển khai một số chính sách nhằm khắc phục những yếu kém của các xí nghiệp quốc doanh, hỗ trợ những doanh nghiệp quan trọng hoặc tạm thời gặp khó khăn, xử lý dưới nhiều hình thức những xí nghiệp hoạt động kém hiệu quả, bị thua lỗ kéo dài… Những chính sách đó đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy vậy, một trong những vấn đề lớn tồn tại hiện nay là, tài sản nhà nước trong các xí nghiệp quốc doanh không ai là người làm chủ trực tiếp, có trách nhiệm và lợi ích rõ ràng đối với việc sử dụng có hiệu quả các tài sản đó; người lao động chưa có động lực thường xuyên và gắn bó thiết thân với sự phát triển của doanh nghiệp. Một số cơ quan “chủ quản: ở Trung ương và địa phương vừa buông lỏng quản lý nhà nước, vừa can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, Luật doanh nghiệp nhà nước được ban hành sẽ góp phần từng bước khắc phục những tồn tại đó.

Nhiều ý kiến của Ủy ban chúng tôi đề nghị, song song với việc trình Dự án Luật để Quốc hội xem xét, Chính phủ cần phải soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để bảo đảm tính khả thi khi luật thông qua có hiệu lực thi hành và tránh tình trạng một số văn bản hướng dẫn lại không nhất quán với nội dung của Luật.

II- VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN LUẬT

1. Về khái niệm doanh nghiệp nhà nước:

Về vấn đề này qua thảo luận còn có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất: doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, có mục tiêu hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích, được tổ chức dưới các hình thức: doanh nghiệp nhà nước độc lập, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước là thành viên của tổng công ty nhà nước.

- Loại ý kiến thứ hai: doanh nghiệp nhà nước chỉ là tổ chức hoạt động kinh doanh hoặc nếu xét về tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp thì có ý kiến đề nghị quy định doanh nghiệp phải có 100% vốn đầu tư của Nhà nước; có ý kiến chỉ cần trên 50% vốn đầu tư của Nhà nước; có ý kiến đề nghị doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước cũng là doanh nghiệp nhà nước (cổ phần chi phối của Nhà nước có thể nhỏ hơn 50% nhưng thuộc các lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng).

Mặc dù các tiêu chí để xác định khái niệm doanh nghiệp nhà nước còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban chúng tôi tán thành khái niệm doanh nghiệp nhà nước như dự thảo quy định: những tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân do Nhà nước đầu tư vốn, được Nhà nước thành lập và quản lý nhằm thực hiện mục tiêu kinh doanh hoặc hoạt động công ích do Nhà nước giao là những doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Ủy ban kinh tế và ngân sách cũng thấy rằng, ngoài phạm vi áp dụng của Luật này, trong từng thời kỳ Nhà nước ta cần có những chính sách phù hợp để bảo đảm cho các doanh nghiệp nhà nước luôn nắm giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân như: sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tạo dựng thị trường vốn, cải cách hệ thống thuế, bồi dưỡng cán bộ quản trị doanh nghiệp, v.v..

2. Về phạm vi áp dụng của Luật doanh nghiệp nhà nước:

Một số ý kiến cho rằng, phạm vi áp dụng của Luật doanh nghiệp nhà nước gồm: tổng công ty nhà nước; doanh nghiệp nhà nước độc lập; doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước; doanh nghiệp thành viên của tổng công ty có hạch toán kinh tế độc lập, có tư cách pháp nhân.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, phạm vi áp dụng của Luật này chỉ gồm doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, tổng công ty; còn doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước thì Nhà nước chỉ định người đại diện của mình tham gia quản lý doanh nghiệp và thông qua cổ phần chi phối để quản lý doanh nghiệp, hướng doanh nghiệp phục vụ mục tiêu của Nhà nước.

Ủy ban chúng tôi đề nghị nên căn cứ vào khái niệm doanh nghiệp nhà nước như Dự thảo để quy định phạm vi áp dụng của Luật, tức là bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn, tài sản của Nhà nước, được Nhà nước thành lập và tổ chức quản lý thì vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, về doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước và cổ phần đặc biệt, Ủy ban chúng tôi thống nhất là đối với một số doanh nghiệp quan trọng thì cổ phần chi phối là hết sức cần thiết vì nó phù hợp với chủ trương đa dạng hóa sở hữu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, hiện nay, Nhà nước chỉ có khả năng đầu tư vốn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế then chốt, còn các doanh nghiệp khác phải tự huy động vốn bằng cách liên doanh, liên kết, vay tín dụng hoặc phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của Nhà nước.

Ủy ban chúng tôi thấy rằng, điều quan trọng và cần thiết đối với Nhà nước là thông qua cổ phần chi phối của mình để buộc doanh nghiệp thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội theo định hướng của Nhà nước.

Do vậy, đa số ý kiến của Ủy ban chúng tôi nhất trí với cách đặt vấn đề như trong Dự án Luật là Luật doanh nghiệp nhà nước không chỉ điều chỉnh các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Nhà nước mà còn quy định những điều khoản về quản lý cổ phần của Nhà nước trong các doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó cổ phần Nhà nước là cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt; và tất yếu là các doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa thành các công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có cổ phần chi phối hoặc vốn góp của Nhà nước thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật công ty, còn các doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành liên doanh với nước ngoài thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Về doanh nghiệp nhà nước là thành viên của tổng công ty, Ủy ban chúng tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp này hạch toán kinh tế độc lập, tự chịu lỗ lãi trong kinh doanh thì thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này, vì nó có tư cách pháp nhân như một xí nghiệp và chịu trách nhiệm dân sự riêng trước pháp luật. Trong trường hợp doanh nghiệp thành viên của tổng công ty thì chúng tôi đồng ý với quy định của dự thảo.

- Đối với các doanh nghiệp của Đảng và các tổ chức đoàn thể, có vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư, một số ý kiến đề nghị thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, vừa bảo đảm sự bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, đồng thời cũng nâng cao vai trò, vị trí của Đảng và các tổ chức đoàn thể. Một số ý kiến băn khoăn cho rằng, nếu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này thì chịu sự điều chỉnh của luật nào? Đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, xin trình Quốc hội xem xét.

- Đối với các doanh nghiệp hoạt động công ích có thu và không có thu do Nhà nước đầu tư và thành lập trong lĩnh vực công cộng, thuần túy mang tích chất phục vụ công ích, không hạch toán kinh tế độc lập, có nguồn thu chủ yếu từ ngân sách nhà nước như trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nghiên cứu khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, v.v. cần phân biệt rõ hoạt động thuần túy vì mục đích phục vụ công ích, không vì mục đích kinh doanh thu lợi nhuận thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

3. Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong doanh nghiệp nhà nước:

Ủy ban chúng tôi nhất trí ghi như Dự thảo Luật, nhưng để phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, căn cứ vào Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và các quy định trong điều lệ Đảng, các văn bản sẽ được hướng dẫn cụ thể.

4. Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước:

Để củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế, bảo đảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước với các loại hình doanh nghiệp khác, thì phải tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tăng thêm quyền tự chủ của các doanh nghiệp đó trong kinh doanh, đồng thời gắn với trách nhiệm dân sự trước pháp luật trong việc bảo toàn và phát triển vốn và chịu sự quản lý của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đối với vốn, tài sản của doanh nghiệp. Để đạt được những mục đích trên, chúng tôi đề nghị trong Dự thảo Luật nên quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các loại hình doanh nghiệp nhà nước:

- Đối với vốn, tài sản nhà nước của doanh nghiệp, cần quy định rõ quyền sử dụng, quyền tự chủ kinh doanh và nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp và quyền của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đối với vốn và tài sản tại doanh nghiệp. Trong Dự thảo Luật cũng cần ghi rõ vốn thuộc sở hữu nhà nước của doanh nghiệp là vốn mà Nhà nước đã đầu tư cho doanh nghiệp và lợi ích thu được từ sự đầu tư đó mang lại và các tài sản khác theo quy định của pháp luật. Đối với các loại hình doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích không nên cho quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cố định, vì các doanh nghiệp này hoạt động hoàn toàn theo mục tiêu và nhiệm vụ được Nhà nước giao.

- Về việc sử dụng lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế là thuộc quyền của doanh nghiệp trong việc trích lập các quỹ phát triển sản xuất, phúc lợi, dự phòng, khen thưởng theo quy định của Nhà nước cũng còn có ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, số lợi nhuận này sau khi trích lập các quỹ phải được chia cho người góp vốn và sự đóng góp của công nhân viên doanh nghiệp, có như vậy mới tạo được động lực phát huy quyền tự chủ của người lao động gắn bó thiết thân với sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc sử dụng số lợi nhuận này do Nhà nước quyết định.

Sau khi cân nhắc, Ủy ban chúng tôi nhất trí cho rằng: phần lợi nhuận còn lại sau khi đã nộp thuế là thuộc quyền của doanh nghiệp được phép trích lập các quỹ phát triển sản xuất để tái đầu tư, quỹ dự phòng rủi ro; phần còn lại được sử dụng làm quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và chia cho người góp vốn và cán bộ công nhân viên chức làm việc tại doanh nghiệp theo chế độ phân phối lợi nhuận của Nhà nước.

- Về việc trích và sử dụng khấu hao cơ bản, Ủy ban chúng tôi thấy nên để lại toàn bộ cho doanh nghiệp để tái đầu tư và đổi mới thiết bị, công nghệ theo phương án được duyệt. Có như vậy mới bảo đảm cho doanh nghiệp đứng vững được trong cơ chế hiện nay. Việc Nhà nước có thể sử dụng tạm thời quỹ khấu hao của doanh nghiệp điều tiết cho doanh nghiệp khác trong tổng công ty (hoặc trong ngành) cũng chỉ nên cho phép trong một số trường hợp nhất định, phải có quy định cụ thể và hoàn trả lại cho doanh nghiệp.

- Đa số ý kiến chúng tôi nhất trí với Dự thảo, ngoài việc chấp hành pháp luật về nghĩa vụ nộp thuế, doanh nghiệp có quyền khước từ việc đóng góp nhân tài, vật lực cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào (trừ việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích, đóng góp từ thiện nhân đạo, cứu trợ người bị nạn, v.v.) vì hiện nay, có tình trạng lạm dụng quyên góp quá nhiều, gây phiền hà đối với doanh nghiệp.

Ngoài những ý kiến trên, trong Dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban, đã tách quyền và nghĩa vụ của từng loại hình doanh nghiệp và quy định rõ quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Nhưng Ủy ban chúng tôi vẫn còn băn khoăn về việc quy định như thế nào cho cụ thể, hợp lý để vừa phát huy được quyền chủ động trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, lại vừa bảo đảm sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước và khắc phục được những sơ hở, tiêu cực như hiện nay.

5. Về thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp nhà nước:

Những vấn đề này, Ủy ban chúng tôi thấy nên kết hợp với những quy định trong Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật phá sản doanh nghiệp, Luật khuyến khích đầu tư trong nước để có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, có tính đến những đặc thù của doanh nghiệp nhà nước. Trong Dự án Luật cũng cần quy định cụ thể thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm mặt bằng thống nhất với các luật khác.

6. Về việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước:

Đa số ý kiến trong Ủy ban chúng tôi nhất trí như trong Dự thảo Luật, nhưng còn một số ý kiến băn khoăn làm thế nào để từng bước xóa bỏ dần chế độ Bộ chủ quản, cấp “hành chính” chủ quản; cần quy định rõ trong Dự luật về hai chức năng của chính quyền nhà nước đối với doanh nghiệp:

Một là, chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nói chung, trong đó có doanh nghiệp nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật; chức năng này thuộc về các bộ, tổng cục quản lý ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ và phải được quy định rõ trong Dự luật.

Hai là, chức năng Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đối với vốn và tài sản của doanh nghiệp. Trong Dự thảo Luật đã ghi rõ, những vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay là công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, việc bảo toàn và tăng trưởng vốn, tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần quy định rõ trong Dự luật nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ và ranh giới trách nhiệm giữa cơ quan quản lý vốn và tài sản của Nhà nước (nay là Tổng cục quản lý vốn và tài sản doanh nghiệp nhà nước) và Hội đồng quản trị của doanh nghiệp với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản tại doanh nghiệp.

Về vấn đề đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước:

Hầu hết các ý kiến đề nghị giao Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền của chủ sở hữu. Nhưng việc Chính phủ ủy quyền đại diện sở hữu doanh nghiệp cho ai thì ý kiến còn khác nhau:

- Có ý kiến cho rằng, Chính phủ chỉ nên ủy quyền đại diện chủ sở hữu cho Bộ Tài chính và Hội đồng quản trị.

- Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay vẫn còn vai trò của Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; vì vậy, Chính phủ cần phân cấp cho các cơ quan này trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản của doanh nghiệp.

- Có ý kiến đề nghị chỉ nên giao cho Hội đồng quản trị (những doanh nghiệp và tổng công ty có Hội đồng quản trị) và giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị).

Ủy ban chúng tôi nhất trí giao cho Chính phủ thống nhất thực hiện quyền của chủ sở hữu, còn việc Chính phủ ủy quyền cho ai phải căn cứ vào quy mô, tính chất của từng loại doanh nghiệp để có quyết định cụ thể. Để từng bước xóa bỏ dần chế độ Bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản, đề nghị Chính phủ nên ủy quyền cho cơ quan quản lý vốn, tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp. Việc quản lý vốn, tài sản của từng doanh nghiệp nên giao cho Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp nhà nước có Hội đồng quản trị) và giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản tại doanh nghiệp.

7. Về tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước:

- Nhiều ý kiến đề nghị đối với tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn và vị trí quan trọng, cần thành lập Hội đồng quản trị: Hội đồng quản trị là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, do Chính phủ bổ nhiệm, có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm dân sự trước pháp luật và có quyền bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng. Ý kiến này cho rằng, cần quy định cụ thể cơ cấu thành phần Hội đồng quản trị, chế độ làm việc chuyên trách; chế độ lương trong doanh nghiệp; Chủ tịch Hội đồng quản trị trực tiếp nhận vốn và tài sản của Nhà nước và chịu trách nhiệm toàn diện trước Nhà nước.

Đối với loại doanh nghiệp này, bên cạnh việc thành lập Hội đồng quản trị cần thành lập Ban giám sát gồm đại diện các cơ quan chức năng của Nhà nước do cơ quan quản lý vốn và tài sản của Nhà nước chủ trì, có đại diện người lao động của doanh nghiệp do Đại hội công nhân viên chức bầu ra, làm nhiệm vụ giám sát Hội đồng quản trị và giám đốc doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao về mặt bảo toàn, phát triển vốn và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đối với các doanh nghiệp với quy mô vừa và nhỏ (phần lớn trực thuộc tỉnh, thành phố), loại này có số lượng rất lớn, khoảng trên 5.000 doanh nghiệp; đề nghị không nên quy định thành lập Hội đồng quản trị. Tại các doanh nghiệp này, giám đốc là người chịu trách nhiệm toàn diện trước Nhà nước, trực tiếp nhận vốn và tài sản do Nhà nước giao. Đối với loại doanh nghiệp này, cũng cần thành lập Ban giám sát (thành phần, nhiệm vụ cũng giống như Ban giám sát trong các doanh nghiệp nhà nước có Hội đồng quản trị).

Loại ý kiến này đề nghị cần phải xác định rõ những tiêu chuẩn của từng mô hình doanh nghiệp: loại doanh nghiệp nào thì áp dụng mô hình có Hội đồng quản trị, loại doanh nghiệp nào không có Hội đồng quản trị. Một trong những tiêu chuẩn phải được đề cập là quy mô về vốn và số lượng lao động.

Thực tế hiện nay, ta có khoảng 6.500 doanh nghiệp nhà nước đã đăng ký lại và khoảng 1.000 doanh nghiệp khác đang tiếp tục đăng ký. Theo mô hình tổ chức trong Dự án Luật có Hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp nhà nước với số lượng từ 3 đến 5 người chuyên trách. Như vậy phát sinh thêm một bộ máy hết sức cồng kềnh. Vì vậy, loại ý kiến này đề nghị chỉ nên thành lập Hội đồng quản trị ở những doanh nghiệp nhà nước lớn hoặc quan trọng và tổng công ty. Còn trong những doanh nghiệp nhà nước khác thì giao cho giám đốc chịu trách nhiệm chính và thành lập Ban giám sát do cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước chủ trì, có đại diện người lao động của doanh nghiệp do đại hội công nhân viên chức bầu ra, làm nhiệm vụ giám sát thực hiện nhiệm vụ được giao của giám đốc doanh nghiệp về mặt bảo toàn, phát triển vốn và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng quản trị, giám đốc trong các doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị do Thủ tướng hoặc người được Thủ tướng ủy quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu ở doanh nghiệp.

- Có ý kiến đề nghị như Dự thảo Luật: cho rằng tất cả doanh nghiệp nhà nước đều được quy định thành lập Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, thành phần Hội đồng quản trị có cả giám đốc (hoặc tổng giám đốc), làm việc theo chế độ chuyên trách và chức năng, quyền hạn của Hội đồng quản trị của các loại doanh nghiệp có khác nhau, v.v. và cũng có Ban kiểm soát do Hội đồng quản trị thành lập để làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính trong nội bộ doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị.

Đây là vấn đề phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban chúng tôi đề nghị khi quy định về tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước cần căn cứ vào quy mô, tính chất của từng loại hình doanh nghiệp. Đối với các tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có quy mô lớn và vị trí quan trọng, cần thiết phải thành lập Hội đồng quản trị. Trong Dự luật cũng cần quy định rõ cơ cấu thành phần, tiêu chuẩn, số lượng thành viên chuyên trách và kiêm chức của Hội đồng quản trị, chế độ tiền lương, tiền thưởng; mối quan hệ giữa Hội đồng quản trị và giám đốc; quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của Hội đồng quản trị và giám đốc, bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa bảo đảm chế độ tập thể lãnh đạo của Hội đồng quản trị, vừa phát huy vai trò cá nhân phụ trách điều hành của giám đốc nhằm bảo đảm quyền chủ sở hữu vốn và tài sản của Nhà nước và tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước.

Về cơ cấu, số lượng thành viên của Hội đồng quản trị, Ủy ban chúng tôi đề nghị chủ yếu là chuyên trách (có từ 2-3 thành viên) bộ máy giúp việc gọn nhẹ, không tổ chức riêng mà dựa vào bộ máy sẵn có của doanh nghiệp. Về tiêu chuẩn thành viên của Hội đồng quản trị phải là những người bảo đảm phẩm chất, năng lực, có kiến thức am hiểu sâu về ngành nghề kinh doanh, chủ yếu là người làm việc tại doanh nghiệp được tuyển chọn theo đúng quy trình.

Đối với doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ, nhiều ý kiến trong Ủy ban chúng tôi còn băn khoăn vì nếu cũng lập Hội đồng quản trị với 3-5 người chuyên trách thì sẽ cồng kềnh và tác dụng hạn chế. Do vậy, đề nghị giao hẳn cho giám đốc chịu trách nhiệm chính về các mặt hoạt động trong doanh nghiệp và bên cạnh giám đốc có thể lập Ban kiểm soát gồm có đại diện tổ chức Đảng, Công đoàn và người lao động trong doanh nghiệp, làm nhiệm vụ giám sát thường xuyên việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, việc điều hành của giám đốc và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

8. Về việc ai nhận vốn trước Nhà nước:

- Nhiều ý kiến cho rằng, người nhận vốn trước Nhà nước phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp nhà nước có Hội đồng quản trị) và giám đốc (đối với doanh nghiệp nhà nước không có Hội đồng quản trị).

- Có ý kiến (như Dự thảo) cho rằng nên giao cho Hội đồng quản trị cùng với giám đốc nhận vốn.

Về vấn đề này, Ủy ban chúng tôi thấy nên quy định rõ trong Dự án Luật, người nhận vốn trước Nhà nước là Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) vì trong thành phần Hội đồng quản trị đã có tổng giám đốc hoặc giám đốc và giám đốc đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị thì mới đề cao trách nhiệm của Hội đồng quản trị và giám đốc đối với vốn và tài sản nhà nước.

9. Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước:

Có ý kiến đề nghị cần quy định vấn đề này vào trong Luật.

Ủy ban chúng tôi cho đây là vấn đề mới, phức tạp, phải có quá trình nghiên cứu, làm thử nghiệm, nếu thấy cần thiết thì cần xây dựng Luật cổ phần hóa, trong đó có nội dung điều chỉnh vấn đề này đối với doanh nghiệp nhà nước.

 

*

*        *

 

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là một số vấn đề chính về Dự án Luật doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội xin kính trình Quốc hội xem xét và quyết định.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội