VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995


TỜ TRÌNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

(Do ông Bùi Danh Lưu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
đọc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX,ngày 28-3-1995)

 

I- SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
LUẬT HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM NĂM 1991

Luật hàng không dân dụng Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26 tháng 10 năm 1991, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 1992. Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991 đã tạo ra cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ các hoạt động liên quan đến khai thác hàng không dân dụng Việt Nam và giao lưu hàng không quốc tế.

Qua hơn hai năm thực hiện Luật hàng không dân dụng Việt Nam, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực và có những bước phát triển to lớn. Song, Luật hàng không dân dụng năm 1991 được xây dựng và ban hành trong tình hình khối lượng chuyên chở hành khách, hàng hóa chưa lớn, tần suất các chuyến bay còn ít; quản lý điều hành bay chưa nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp; ngành hàng không dân dụng mới chỉ có một Hãng Hàng không quốc gia - Việtnam Airlines; các hãng hàng không, sân bay được quản lý, khai thác theo mô hình hạch toán toàn ngành, Hàng không dân dụng Việt Nam chưa giành được FIR Thành phố Hồ Chí Minh; nội dung quản lý nhà nước còn những vấn đề chưa được đề cập đầy đủ. Mặt khác, có một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991 không còn phù hợp với thực tế.

Xuất phát từ các lý do trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991 là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành Hàng không dân dụng nói riêng, trước mắt cũng như lâu dài.

II- NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC ĐIỀU
CỦA LUẬT HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
NĂM 1991

Tên gọi của Dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

Các điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991 (dưới đây gọi tắt là Luật) được sửa đổi, bổ sung gồm có:

Điều 6, 9, 27, 43, 53, 55, 58, 70, 71, 78, 90, 93 và bổ sung Điều 97b mới (sửa đổi 12 điều và bổ sung một điều).

Nội dung sửa đổi, bổ sung các điều nói trên như sau:

1. Điều 6 của Luật: Về nội dung quản lý nhà nước về hàng không dân dụng:

Dự án đề nghị bổ sung một số nội dung quản lý nhà nước rất cần thiết về hàng không dân dụng. Nội dung quản lý nhà nước về hàng không dân dụng từ 10 điểm thành 18 điểm. Đồng thời, đề nghị quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng không dân dụng là cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Điều 9 của Luật: Về đăng ký tàu bay tại Việt Nam:

Điều 9 của Luật chỉ quy định việc đăng ký tàu bay thuộc sở hữu của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam và của pháp nhân Việt Nam có trụ sở hoạt động chính tại Việt Nam. Dự án đề nghị quy định tàu bay của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, của pháp nhân Việt Nam có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật, thì được đăng ký tại Việt Nam; đồng thời bổ sung khoản cho Chính phủ quy định việc đăng ký tàu bay tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.

3. Điều 27 của Luật: Về quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay:

Điều 27 của Luật quy định cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay là Cảng vụ hàng không, chức năng nhiệm vụ của Cảng vụ hàng không chưa được quy định đầy đủ.

Dự án đề nghị quy định rõ Cảng vụ hàng không là cơ quan vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay, vừa tổ chức khai thác cơ sở hạ tầng, bảo đảm an toàn, có hiệu quả và thu hồi nhanh vốn đầu tư để phát triển.

4. Điều 43 của Luật: Về cơ quan quản lý bay:

Điều 43 của Luật chưa quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý bay về việc quản lý vùng thông báo bay (FIR).

Dự án đề nghị bổ sung một khoản về trách nhiệm quản lý vùng thông báo bay (FIR) của cơ quan không lưu.

5. Điều 53 của Luật: Về điều tra tai nạn tàu bay:

Điều 53 của Luật không quy định cụ thể nội dung các vấn đề về điều tra tai nạn tàu bay mà chỉ quy định việc điều tra tai nạn tàu bay tiến hành theo thủ tục do Hội đồng Bộ trưởng quy định.

Dự án đề nghị bổ sung một số nội dung cụ thể cần thiết về điều tra tai nạn tàu bay, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực này để có cơ sở pháp lý cho công tác điều tra tai nạn tàu bay.

6. Điều 55 của Luật: Về thành lập doanh nghiệp vận chuyển hàng không:

Điều 55 của Luật không quy định tỷ lệ góp vốn đầu tư của nước ngoài vào các doanh nghiệp vận chuyển hàng không tại Việt Nam.

Dự án đề nghị bổ sung quy định về tỷ lệ góp vốn của nước ngoài vào doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam ở mức độ bảo đảm bên Việt Nam đủ điều kiện kiểm soát thực tế doanh nghiệp, nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền của đất nước, vì theo thông lệ quốc tế, khi một hãng vận chuyển hàng không Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài mà phía Việt Nam không có quyền kiểm soát thực tế thì nước thứ ba có quyền từ chối máy bay của hãng hàng không này của Việt Nam bay tới nước họ để vận chuyển hành khách, hàng hóa.

7. Điều 58 của Luật: Về vận chuyển hàng không nước ngoài từ nước ngoài đến Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài:

Điều 58 của Luật chưa quy định rõ nguyên tắc trao đổi quyền thông thương hàng không giữa Việt Nam và nước ngoài.

Dự án đề nghị bổ sung một khoản quy định về nguyên tắc trao đổi quyền thông thương hàng không giữa Việt Nam và nước ngoài. Việc bổ sung quy định này nhằm bảo hộ các doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam, lợi ích quốc gia trong việc trao đổi thương quyền hàng không giữa Việt Nam với nước ngoài nhằm bảo đảm sự bình đẳng, cân bằng cho các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài về cơ hội khai thác cũng như về quyền lợi, nghĩa vụ phải tuân thủ.

8. Điều 70 của Luật: Về quyền hủy bỏ hợp đồng vận chuyển của hành khách trong chuyến bay:

Điều 70 của Luật chưa quy định rõ nơi giải quyết tranh chấp hoặc ý kiến khác nhau giữa người vận chuyển và hành khách.

Dự án đề nghị bổ sung các quy định về việc giải quyết tranh chấp hoặc ý kiến khác nhau giữa hành khách và người vận chuyển xảy ra trong chuyến bay được giải quyết tại cảng hàng không, sân bay đến theo hợp đồng vận chuyển và trong mọi trường hợp có sự tranh chấp, hành khách không có quyền ở lại trong tàu bay để phản đối người vận chuyển.

9. Điều 71 của Luật: Về giá cước vận chuyển hàng không:

Điều 71 của Luật không quy định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng giá cước vận chuyển.

Dự án đề nghị việc nghiên cứu xây dựng giá cước vận chuyển thường lệ do các doanh nghiệp vận chuyển hàng không đảm nhiệm để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

10. Điều 78 của Luật: Về giới hạn trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không:

Điều 78 của Luật quy định mức giới hạn trách nhiệm dân sự của người vận chuyển nội địa do Chính phủ quy định và có sự phân biệt mức giới hạn trách nhiệm dân sự giữa vận chuyển quốc tế và nội địa.

Dự án đề nghị sửa đổi nâng mức giới hạn trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không trong vận chuyển nội địa cũng bằng mức giới hạn trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không quốc tế, nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa hành khách, người gửi hàng hóa trong vận chuyển nội địa với vận chuyển quốc tế.

11. Điều 90 của Luật: Về mức giới hạn bồi thường thiệt hại cho người thứ ba trên mặt đất của người nước ngoài sử dụng tàu bay:

Điều 90 của Luật áp dụng mức giới hạn trách nhiệm dân sự của người khai thác tàu bay trong trường hợp gây thiệt hại cho người và tài sản trên mặt đất quy định tại Công ước Rôma năm 1952. Mức giới hạn này đã quá thấp so với tình hình hiện nay, bởi mật độ bay và giá trị tài sản trên mặt đất ngày càng lớn và mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Điều 90 của Luật quy định dùng đồng France vàng để bồi thường, nhưng thực tế hiện nay việc bồi thường bằng đồng France có rất nhiều khó khăn.

Dự án đề nghị nâng mức giới hạn trách nhiệm dân sự của người nước ngoài sử dụng tàu bay trong trường hợp gây thiệt hại cho người và tài sản trên mặt đất thuộc lãnh thổ Việt Nam lên ngang mức trung bình quốc tế để bảo đảm bù đắp xứng đáng cho người và tài sản bị thiệt hại.

12. Điều 93 của Luật chỉ quy định về việc người khai thác tàu bay phải bảo hiểm bắt buộc hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm bắt buộc tới mức giới hạn trách nhiệm dân sự của mình.

Dự án đề nghị bổ sung quy định về việc áp dụng các quy định của Luật về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người thứ ba ở mặt đất” đối với tàu bay đang bay gây thiệt hại cho tàu, thuyền và các công trình của Việt Nam ở các vùng nước trong lãnh thổ Việt Nam hoặc vùng kinh tế đặc quyền, vùng thềm lục địa của Việt Nam, hoặc trên các vùng nước, vùng đất không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.

13. Chương VIII: Về thanh tra an toàn hàng không cũ chỉ quy định về thanh tra an toàn hàng không, chưa quy định về an ninh hàng không.

Dự án đề nghị bổ sung Điều 97b quy định một số nội dung về bảo đảm an ninh hàng không dưới góc độ của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.

III- BỐ CỤC CỦA DỰ ÁN

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam gồm: Lời nói đầu và 9 điều với bố cục như sau:

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật nhằm bổ sung nội dung quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, sửa đổi cách quy định về cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành Hàng không dân dụng.

Điều 2: Sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Luật về đăng ký tàu bay.

Điều 3: Sửa đổi, bổ sung Điều 27 của Luật về quản lý Nhà nước tại cảng hàng không, sân bay.

Điều 4: Sửa đổi, bổ sung Điều 43 của Luật về cơ quan quản lý và Điều 53 của Luật về điều tra tai nạn tàu bay.

Điều 5: Sửa đổi, bổ sung 5 điều của Luật gồm Điều 55, 58, 70, 71, 78 về vận chuyển hàng không.

Điều 6: Sửa đổi, bổ sung Điều 90 của Luật về mức giới hạn bồi thường cho người thứ ba trên mặt đất của người nước ngoài sử dụng tàu bay, bổ sung Điều 93 của Luật về bồi thường thiệt hại đối với tàu, thuyền và các công trình của Việt Nam trên các vùng nước, vùng kinh tế đặc quyền, vùng thềm lục địa của Việt Nam và các vùng không thuộc chủ quyền của quốc gia nào.

Điều 7: Bổ sung Điều 97b mới về an ninh hàng không và đổi tên chương VIII “Thanh tra an toàn hàng không” thành “Thanh tra an toàn hàng không và an ninh hàng không”.

Điều 8: Sửa đổi một số cụm từ:

- Các cụm từ “Hội đồng Bộ trưởng”, “Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng” thành “Chính phủ” và “Thủ tướng Chính phủ”.

- Các cụm từ “Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện”, “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện” thành cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành Hàng không dân dụng” và “Thủ trưởng cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành Hàng không dân dụng”.

Điều 9: Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

Chính phủ xin trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội