VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 2 1994-1995


Ý KIẾN CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI VỀ
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA NHÀ NƯỚC

(Do ông Hoàng Bích Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá IX, ngày 21-10-1994)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tại phiên họp ngày 10-10-1994, Ủy ban đối ngoại đã họp để nghe Bộ Ngoại giao trình bày bản dự thảo báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại năm 1994 và phương hướng công tác năm 1995. Ủy ban chúng tôi về cơ bản nhất trí với bản báo cáo, đồng thời đã góp nhiều ý kiến cụ thể. Chính phủ đã tiếp thu các ý kiến của Ủy ban đối ngoại và đã chỉnh lý bản báo cáo thành bản chính thức trình Quốc hội. Ủy ban chúng tôi xin không phát biểu thêm.

Về hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Ở đây, chúng tôi xin trình bày mấy ý kiến về hoạt động đối ngoại của nước ta trong tình hình mới.

Trong vòng 5-6 năm lại đây, cục diện chính trị thế giới có sự thay đổi lớn. Nước ta cũng có những thay đổi lớn theo hướng đi lên. Hoạt động đối ngoại của ta triển khai theo hướng đó đã góp phần đưa đất nước dần ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội tiến lên xây dựng nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh".

Trước đây, nước ta ở trong tình trạng chiến tranh trong cục diện thế giới có chiến tranh, quan hệ quốc tế chịu sự chi phối của quan hệ Đông - Tây. Nay tình hình khác trước, quan hệ đối ngoại của ta có sự thay đổi, chính sách đối ngoại của ta phải đổi mới cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Trước sau ta vẫn phải kiên trì đường lối cơ bản là độc lập tự chủ, đó là điều không thể thay đổi. Trước đây, đường lối đối ngoại của ta là "độc lập tự chủ, đoàn kết quốc tế ", nay đường lối đối ngoại của ta vẫn là độc lập tự chủ nhưng không chỉ đoàn kết quốc tế mà là hòa bình hữu nghị, hợp tác quốc tế. Như vậy là chúng ta quán triệt đường lối đối ngoại "độc lập tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác quốc tế".

Trước đây phương hướng chung về đối ngoại của ta là "thêm bạn bớt thù, triệt để cô lập kẻ thù chủ yếu", nay đất nước không còn chiến tranh nữa, Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước cũng có nghĩa là muốn tất cả các nước đều là bạn của ta; đó là sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại.

Thực tế chứng minh, chính sách đối ngoại rộng mở với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa đã góp phần cải thiện quan hệ và vị trí quốc tế của ta. Với chính sách này, hoạt động đối ngoại của nước ta mở rộng ra các địa bàn, nhất là những nơi trước đây chưa với tới hoặc chưa mở rộng đúng mức quan hệ. Ta tham gia nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực và góp phần hoạt động tích cực tại các tổ chức, diễn đàn đó. Ta mở rộng cửa đón bạn bè quốc tế vào nước ta. Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động đối ngoại của ta ở trong nước và ngoài nước nhộn nhịp như hiện nay. Đó là điều đáng mừng, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải nhanh chóng giải quyết.

Hoạt động đối ngoại hiện nay không chỉ bó hẹp trong một vài cơ quan với số lượng cán bộ hạn chế trên một số lĩnh vực chính trị, thương mại, văn hóa mà đã mở rộng ra tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương cùng làm. Có thể nói, ngày nay ở nước ta, ngành ngành làm đối ngoại, người người làm đối ngoại. Địa bàn mở rộng, lực lượng tham gia rộng rãi, nếu làm tốt thì chúng ta có thể gặt hái những kết quả vô cùng to lớn, nhưng điều đó đòi hỏi chúng ta phải có nhiều cố gắng. Khi diện làm đối ngoại mở rộng thì một vấn đề cấp thiết là phải nâng cao trình độ cán bộ làm đối ngoại, vừa mở rộng diện hoạt động đối ngoại ở trong nước và ngoài nước, vừa tăng cường quản lý hoạt động đối ngoại, sao cho hoạt động đối ngoại ngày càng có hiệu quả thiết thực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chúng tôi thấy những vấn đề mà Nhà nước ta cần phải quan tâm giải quyết:

1. Phổ biến những kiến thức về đối ngoại, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta cho tất cả các đối tượng tham gia hoạt động quốc tế.

2. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đối ngoại, nâng cao trình độ kiến thức ngoại ngữ cũng như về phẩm chất đạo đức của cán bộ đối ngoại.

3. Có cơ chế và tổ chức nhằm thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại ở trong nước và ngoài nước; trước mắt có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan làm công tác đối ngoại ở Trung ương.

4. Sớm khắc phục một khâu rất quan trọng nhưng còn rất yếu kém là thông tin đối ngoại, tránh để hoạt động này bị thu hẹp bởi cơ chế thị trường, trong khi tuyên truyền từ bên ngoài ngày càng xâm nhập sâu rộng vào nước ta. Đề nghị Chính phủ có chính sách tài trợ thích đáng cho lĩnh vực này.

Giải quyết tốt các vấn đề trên đây là một quá trình, đòi hỏi có thời gian và nhiều cố gắng, thể hiện bằng những chủ trương và chính sách cụ thể. Đó là việc khó khăn, tốn kém, đặc biệt trong hoàn cảnh ta tiếp tục mở rộng các quan hệ đối ngoại, nhưng không thể trì hoãn mà phải bắt tay làm ngay. Cần có kế hoạch và chương trình cụ thể thực hiện từ nay đến năm 2000 và sau năm 2000. Có như vậy ta mới tạo thêm được những điều kiện cần thiết để đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, thực hiện tốt chính sách rộng mở của Nhà nước ta, phối hợp nhịp nhàng với các ngành, các lĩnh vực khác, phấn đấu khắc phục nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ và tạo điều kiện đuổi kịp và sánh vai cùng các nước khác trong khu vực.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội