VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

THUYẾT TRÌNH CỦA TIỂU BAN NGHIÊN CỨU BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
(Do ông Trần Quỳnh, thay mặt Tiểu ban
trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá II, ngày 4-5-1963)

 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tiểu ban chúng tôi đã nghiên cứu báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày. Sau đây, tôi xin thay mặt tiểu ban, báo cáo với Quốc hội những ý kiến của tiểu ban.

I. VỀ TÌNH HÌNH MIỀN BẮC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LỚN
CỦA KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT

1- Tiểu ban chúng tôi nhất trí với sự đánh giá của Chính phủ về những thắng lợi mà nhân dân ta đã thu được trong những năm qua. Những thắng lợi đó đã đưa lại mấy kết quả nổi bật như sau:

Một là : nền kinh tế miền Bắc nước ta từ tính chất phụ thuộc xưa kia đang chuyển mạnh thành một nền kinh tế tự chủ; hai là: Chúng ta đã xóa bỏ về căn bản chế độ người bóc lột người, xây dựng được những quan hệ sản xuất mới, xã hội chủ nghĩa, trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, xây dựng sự nhất trí về chính trị và tinh thần của nhân dân; những quan hệ sản xuất và sự nhất trí đó đã trở thành động lực mới thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng sản xuất, của công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; và ba là: trên cơ sở những thành tựu của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng kinh tế và văn hóa, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta đã được nâng lên hơn trước một cách rõ rệt: nói chung mọi người có việc làm, được học tập, và nhân dân ta ăn mặc, ở khá hơn trước.

So sánh tình hình ngày nay với tình hình miền Bắc nước ta trước đây: một nền kinh tế hết sức lạc hậu, thuộc địa và nửa phong kiến, mọi thứ hàng tiêu dùng đều phải nhập của nước ngoài, công nghiệp chủ yếu chỉ có một số cơ sở khai thác nguyên liệu cung cấp cho đế quốc, nhân dân lao động đời này qua đời khác sống trong cảnh bị áp bức bóc lột, nghèo xơ nghèo xác, thất nghiệp, dốt nát và đói rách…, Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn tán thành nhận định của Chính phủ rằng những chuyển biến cách mạng mà miền Bắc nước ta đã trải qua thật là vĩ đại và những thắng lợi mà nhân dân ta đã giành được thật là to lớn.

Những thành tích to lớn đó là kết quả của sự phấn đấu cách mạng anh dũng, và sức lao động sáng tạo vĩ đại của nhân dân ta, kết quả của đường lối, phương châm, chính sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, đồng thời là kết quả của sự giúp đỡ to tớn và quý báu của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác và sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân lao động toàn thế giới.

Tiểu ban chúng tôi đề nghị Quốc hội biểu dương tinh thần phấn đấu cách mạng anh dũng, sức lao động sáng tạo vĩ đại của nhân dân ta, và tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta đối với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, và sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

2- Chúng tôi nhất trí với nhận định của Chính phủ về những khó khăn chủ yếu hiện nay là: Một: Chúng ta từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào lao động thủ công, kỹ thuật sản xuất còn rất lạc hậu (hiện nay 95% lao động vẫn còn là thủ công), năng suất lao động rất thấp, phần lao động của mỗi người có thể thừa ra để tích lũy rất nhỏ, phải từ một cơ sở như thế mà tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa; phải giải quyết cho được yêu cầu tích lũy xã hội chủ nghĩa, lại phải chăm lo cải thiện từng bước đời sống của nhân dân; mà nhân dân ta thì có yêu cầu cải thiện đời sống rất lớn vì chế độ ta là chế độ xã hội chủ nghĩa, vì đời sống trước đây lại vốn quá thấp, hơn nữa dân số lại tăng rất nhanh; Hai: chúng ta phải lấy nông nghiệp làm cơ sở để phát triển công nghiệp nhưng ruộng đất bình quân đầu người quá ít, cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp còn quá non yếu, sản xuất còn phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, tỷ trọng nông sản hàng hóa quá thấp; và ba: việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế của chúng ta còn nhiều chỗ non yếu.

Đó là những khó khăn rất lớn mà chúng ta phải vượt qua trên bước đường công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Những khó khăn đó nói lên rằng công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc nước ta, việc tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, là một nhiệm vụ rất vẻ vang, nhưng con đường dẫn đến thắng lợi là một cuộc đấu tranh cách mạng khó khăn, gian khổ và phức tạp. Tiểu ban chúng tôi tán thành chủ trương của Chính phủ làm cho toàn thể cán bộ và nhân dân ta có một sự nhận thức sâu sắc về những vấn đề căn bản trên đây, để nâng cao hơn nữa tinh thần phấn đấu cách mạng, ra sức phát huy thuận lợi, quyết tâm vượt mọi khó khăn, giành cho kỳ được thắng lợi mới to lớn hơn nữa.

3- Tiểu ban chúng tôi không thảo luận về những nhiệm vụ cụ thể và những chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Phần này sẽ do Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội xét và trình Quốc hội. Chúng tôi chỉ thảo luận phương hướng chung của kế hoạch.

Chúng tôi tán thành phương hướng chung của kế hoạch 5 năm nhằm thực hiện kiến nghị của Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam là: "Phấn đấu nhằm xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội".

Chúng tôi cho rằng những phương hướng chung đề ra trong báo cáo của Chính phủ đã phản ánh được những yêu cầu của những quy luật phổ biến để xây dựng chủ nghĩa xã hội và những đặc điểm của nền kinh tế nước ta, đã cụ thể hóa được đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc nước ta do Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã vạch ra là: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Thật thế trong những phương hướng này một mặt có sự tập trung thích đáng vào việc xây dựng những cơ sở đầu tiên của công nghiệp nặng của ta, xem công nghiệp nặng là cơ sở của nền kinh tế tự chủ - mặt khác lại cũng có sự cố gắng tích cực tạo dần những cơ sở để tiến lên giải quyết một bước quan trọng vấn đề ăn, mặc, ở, học tập, bảo vệ sức khỏe, cải thiện từng bước đời sống của nhân dân, cố gắng tích cực tìm cách tăng thêm khả năng tích lũy vốn, tăng thêm khả năng xuất khẩu để đổi lấy máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng cần thiết cho công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Những sự cố gắng này đã được thể hiện trong những chủ trương ra sức tạo ra sự cân đối từng bước giữa công nghiệp và nông nghiệp; ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; ra sức sử dụng tốt những năng lực sản xuất hiện có; ra sức thực hiện cơ khí hóa và thực hiện nửa cơ khí hóa một cách phổ biến; ra sức phát triển những ngành kinh tế có giá trị lớn, mà ta có khả năng dồi dào và có điều kiện phát triển nhanh như: than, gỗ, cá, đặc sản nông lâm nghiệp nhiệt đới v.v., ra sức phát triển kinh tế miền núi v.v..

4- Tiểu ban chúng tôi đã chú ý thảo luận nhiều đến những chỗ non kém trong tình hình quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế của chúng ta. Chúng tôi cho rằng việc tiến lên quản lý cho tốt Nhà nước mới, đặc biệt là quản lý nền kinh tế mới của chúng ta:

- Tức là quản lý những quan hệ sản xuất mới và quản lý những lực lượng sản xuất mới;

- Là một quá trình đấu tranh cách mạng rất khó khăn và phức tạp nhằm áp dụng những nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa một cách sáng tạo vào hoàn cảnh của nước ta, làm cho những nguyên tắc đó được quán triệt khắp nơi, được thể hiện một cách tự nhiên trong hoạt động hàng ngày của mọi cơ quan, mọi đơn vị, mọi người lao động. Trong thời gian của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chúng ta có thực hiện một bước quan trọng sự chuyển biến cách mạng đó thì mới tạo ra được những điều kiện chủ quan cần thiết cho việc hoàn thành những chỉ tiêu của kế hoạch. Vì thế, chúng tôi tán thành những biện pháp nêu lên trong báo cáo của Chính phủ nhằm:

1- Phát huy tinh thần cách mạng, óc sáng tạo của nhân dân, tức là: tiếp tục bồi dưỡng tinh thần làm chủ tập thể, tinh thần tự lực cánh sinh cần kiệm xây dựng Tổ quốc, quan điểm sản xuất và quan điểm lao động mới, ý thức tổ chức và kỷ luật; ra sức nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của cán bộ và nhân dân, ra sức đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, ra sức đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước;

2- Tiếp tục cải tiến công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước và các cơ quan quản lý kinh tế tập thể từ Trung ương đến cơ sở, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế, lợi dụng triệt để những ưu thế của quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, và những cơ sở vật chất và kỹ thuật mà chúng ta đã và đang xây dựng;

3- Hưởng ứng và làm tốt ba cuộc vận động lớn mà Đảng lao động Việt Nam đã đề ra là: cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc", cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô lãng phí quan liêu" và cuộc vận động "đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế miền núi".

4- Nhiều đồng chí trong Tiểu ban chúng tôi đã nêu lên nhiều ví dụ chứng tỏ rằng có những chính sách của Đảng và Nhà nước, có những pháp luật, quy định v.v., của Nhà nước chưa được chấp hành thật nghiêm chỉnh. Kỷ luật của Nhà nước có những lúc còn lỏng lẻo, trách nhiệm cá nhân chưa rõ ràng, kiểm tra chưa đầy đủ. Cho nên Tiểu ban rất hoan nghênh chủ trương của Chính phủ tăng cường vai trò quản lý và chỉ đạo thực hiện của Nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường trách nhiệm và kỷ luật trong bộ máy nhà nước, tăng cường ý thức pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường công tác kiểm tra.

Tiểu ban chúng tôi đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ mở một đợt tuyên truyền giải thích làm cho mọi người công dân hiểu rõ những vấn đề trọng yếu của kế hoạch 5 năm, hiểu rõ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là khó khăn, gian khổ nhưng rất vẻ vang và nhất định thắng lợi, do đó mà tăng thêm lòng phấn khởi và tin tưởng, ra sức phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch dài hạn đầu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

II. VỀ CUỘC ĐẤU TRANH ANH DŨNG
CỦA ĐỒNG BÀO CHÚNG TA Ở MIỀN NAM

1- Tiểu ban chúng tôi nhất trí với báo cáo của Chính phủ về sự đánh giá những thắng lợi mà đồng bào chúng ta ở miền Nam đã thu được trong thời gian qua và triển vọng tươi sáng của cuộc đấu tranh ấy.

Chúng tôi rất phấn khởi thấy rằng cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam ngày càng thu được những thắng lợi rực rỡ và đang làm phá sản một cách thấy rõ kế hoạch Xtalây - Taylơ của đế quốc Mỹ. Hiện nay, đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm đang dùng chất độc hóa học làm phương tiện chiến tranh ở miền Nam. Chúng tôi cực lực lên án tội ác tầy trời đó của chúng. Thắng lợi của đồng bào miền Nam ta có tác dụng tích cực bảo vệ miền Bắc, bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới. Thắng lợi đó chứng rỏ rằng khi một dân tộc đã đoàn kết đứng dậy chống xâm lăng, và có đường lối đấu tranh đúng đắn, thì trong hoàn cảnh thế giới, ngày nay, họ có đầy đủ điều kiện để chiến thắng bọn đế quốc, dù đó là đế quốc Mỹ, tên trùm đế quốc hung hãn nhất.

Cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào ta để giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm là rất gian khổ nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng, vì lực lượng cách mạng của nhân dân đã trải qua những thử thách to lớn và đã lớn lên nhanh chóng, vì có đường lối đúng đắn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, và vì có sự đồng tình và ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân toàn thế giới.

Tiểu ban chúng tôi đề nghị Quốc hội ta nhiệt liệt hoan nghênh những thắng lợi to lớn của đồng bào miền Nam, biểu dương lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân miền Nam anh dũng đã luôn luôn xứng đáng là thành đồng của Tổ quốc.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội tỏ lòng cảm tạ nhân dân các nước đã hết lòng ủng hộ phong trào yêu nước của đồng bào miền Nam ta.

2- Tiểu ban chúng tôi tán thành đường lối và hoạt động của Chính phủ trong thời gian vừa qua nhằm hòa bình thống nhất Tổ quốc là: nghiêm chỉnh và triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, đấu tranh kiên quyết đòi mọi bên hữu quan cũng phải nghiêm chỉnh và triệt để thi hành Hiệp định ấy, đấu tranh chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, nhằm lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam và tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Về tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của nước ta

1- Tiểu ban chúng tôi nhất trí với sự nhận định của Chính phủ về sự phát triển của tình hình thế giới trong thời gian qua, sự phát triển đó ngày càng có lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân các nước và không có lợi cho bọn đế quốc và các thế lực phản động khác.

Cuộc đấu tranh giai cấp giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động khác và một bên là nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc bị áp bức, giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác trong các nước tư bản chủ nghĩa đang ngày càng gay go quyết liệt, nhưng ngày càng thu được những thắng lợi mới, và thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về phía những lực lượng cách mạng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

2- Tiểu ban hoàn toàn tán thành chính sách ngoại giao của Chính phủ trong thời gian qua. Chính sách đó là: ra sức tăng cường đoàn kết thân ái và hợp tác anh em giữa nước ta và Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, ra sức góp phần vào việc tăng cường đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế mà sự đoàn kết của Liên Xô và Trung Quốc là trụ cột; kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân gây chiến và xâm lược, chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ, ra sức bảo vệ hòa bình thế giới; ra sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, thắt chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước dân tộc chủ nghĩa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh đặc biệt là với hai nước láng giềng Lào và Campuchia, ủng hộ một nước Lào hòa bình trung lập, độc lập, thống nhất và phồn vinh, nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Giơnevơ năm 1962 về Lào và kiên quyết lên án đế quốc Mỹ và phái phản động ở Lào đang vi phạm Hiệp định đó, đang gây ra tình hình rất nghiêm trọng ở Lào; ủng hộ chính sách hòa bình trung lập của Campuchia; ra sức thực hiện chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ khác nhau.

Chúng tôi nhận thấy chính sách ngoại giao trên đây là hoàn toàn phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích của nhân dân toàn thế giới. Chính sách đó đã góp phần đáng kể nâng cao địa vị quốc tế của nước ta, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh yêu nước ở miền Nam và hòa bình thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tôi đã báo cáo xong với Quốc hội những ý kiến của Tiểu ban chúng tôi về báo cáo của Chính phủ.

Chúng tôi thấy rằng báo cáo của Chính phủ đã tổng kết một cách đúng đắn đoạn đường mà nhân dân ta đã qua, những thành tích đã đạt được, đoạn đường và những thành tích đó rất đáng phấn khởi và tự hào. Bản báo cáo đã chỉ rõ con đường dẫn đến ngày mai tươi sáng, đồng thời càng nêu lên những khó khăn gian khổ còn phải vượt qua và những chỗ non yếu trong nền kinh tế và trong công tác còn phải khắc phục. Chúng tôi hoàn toàn tán thành báo cáo của Chính phủ.

Chúng tôi tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác và sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, nhân dân ta vốn có nhiệt tình cách mạng dồi dào, sức lao động sáng tạo vĩ đại, nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi những mục tiêu phấn đấu cao cả của mình, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc, góp phần xây dựng vào sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội của nhân dân toàn thế giới.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.