VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

NGHỊ QUYẾT CỦA TOÀN QUỐC HỘI NGHỊ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG

NGÀY 14 – 15-8-1945

 

I- TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

1- Việc Đồng minh thắng Đức quyết định một phần lớn cuộc tiêu trừ chủ nghĩa phát xít dựng lại nền hòa bình và mở rộng chế độ dân chủ trên hoàn cầu.

3[1]- Cuộc tiến công của Đồng minh để hạ Nhật đã đến giai đoạn quyết định. Ngày 8-8-1945 Hồng quân đã kéo vào Mãn Châu, Cao Ly. Ngày 15-8-1945 Nhật đầu hàng vô điều kiện.

4- Nga đánh Nhật là tiếp tục nhiệm vụ trừ hậu họa phát xít cho loài người và trực tiếp tham gia vào việc dựng lại hòa bình ở Viễn Đông và Thái Bình Dương.

5- Phong trào dân tộc độc lập và dân chủ tự do đang lan tràn trên thế giới.

6- Kết quả của cuộc chiến tranh này là Liên Xô mở rộng; Tàu[2] và nhiều dân tộc bị áp bức khác được giải phóng và được hưởng tự do tiến bộ; ba đế quốc phát xít Đức - Ý - Nhật bị tiêu diệt hẳn và hệ thống tư bản chủ nghĩa yếu đi.

7- Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thế giới này không tiến thẳng lên cách mạng xã hội chủ nghĩa toàn thế giới để mở rộng chế độ Xô viết ra khắp thế giới. Nó mới tiêu diệt phát xít và phát triển chế độ tân dân chủ ra khắp thế giới và do đó, nó gây ra điều kiện rất tốt cho cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới chóng thành công.

II- TÌNH HÌNH ĐÔNG DƯƠNG

1- Từ 9-3-1945 chính sách tàn ngược, vô nhân đạo của Nhật càng rõ rệt.

2- Nhân dân Đông Dương cực khổ, căm tức, cách mạng hóa; đến cả một phần quan lại cũng ngả về phe cách mạng.

3- Cao trào kháng Nhật cứu nước do Đảng lãnh đạo ngày một mạnh mẽ, sâu rộng khắp Bắc, Trung, Nam. Căn cứ du kích mở rộng. Khu giải phóng và quân giải phóng Việt Nam thành lập. Chính quyền địa phương của nhân dân đã lập trên 6 tỉnh thượng du và trung du Bắc Kỳ. Hơn một triệu đồng bào đã được hưởng quyền tự do dân chủ và được miễn trừ sưu thuế.

4- Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ.

5- Quân Đồng minh sắp vào nước ta và đế quốc Pháp lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương.

6- Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa, giành quyền độc lập.

7- Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi.

 

III- CHỦ TRƯƠNG CỦA TA

1- Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới.

2- Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc:

a) Tập trung – tập trung lực lượng vào những việc chính.

b) Thống nhất – thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy.

c) Kịp thời – kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội.

3- Mục đích cuộc chiến đấu của ta lúc này là giành quyền độc lập hoàn toàn.

4- Khẩu hiệu tranh đấu lớn lúc này là:

- Phản đối xâm lược!

- Hoàn toàn độc lập!

- Chính quyền nhân dân!

5- Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập những ủy ban nhân dân và những nơi ta làm chủ.

6- Thi hành 10 chính sách Việt Minh như dưới đây:

a) Phản đối xâm lược; tiễu trừ Việt gian. Lập nên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, hoàn toàn độc lập.

b) Vũ trang nhân dân chống Nhật. Mở rộng quân giải phóng Việt Nam.

c) Tịch thu tài sản của lũ giặc nước và của Việt gian, tùy trường hợp để làm của chung hay chia cho dân nghèo.

d) Bỏ hết thuế khóa, phu dịch cho đế quốc đặt ra.

đ) Thực hiện quyền tự do dân chủ và quyền phổ thông tuyển cử. Thừa nhận quyền dân tộc bình đẳng nam nữ bình quyền.

e) Chia lại ruộng công, làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy; giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ.

g) Thi hành luật ngày làm 8 giờ; đặt luật xã hội bảo hiểm; cứu tế nạn dân.

h) Thành lập và mở rộng nền kinh tế quốc dân. Khuyến khích và giúp đỡ công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp. Lập quốc gia ngân hàng.

i) Chống nạn mù chữ, cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học. Đào tạo các hạng nhân tài.

k) Thân thiện với các nước coi trọng nền độc lập của Việt Nam.

7- Đối với các hạng người ngoại quốc ở Đông Dương:

a) Đối với Nhật: Tước võ khí, tịch thu tài sản; kẻ nào chống lại thì trị, bắt được thì nhốt vào trại giam chung, đối đãi tử tế; cảm hóa những phần tử tương đối tốt dùng vào việc tuyên truyền.

b) Đối với Pháp: Bảo vệ sinh mệnh, tài sản (trừ bọn Pháp gian thân Nhật).

c) Đối với Hoa kiều: Bảo vệ sinh mệnh, tài sản và thân thiện. Riêng với Hán gian, giao cho các đoàn thể kháng Nhật Hoa kiều xử trí.

d) Đối với Anh, Mỹ: Thân thiện.

8- Đối với các hạng Chính phủ bù nhìn, trong khi chờ đợi chỉ thị cụ thể của Đảng phải vận động quần chúng phản đối và nêu cao khẩu hiệu chính quyền nhân dân.

9- Đối với các hạng quân Đồng minh vào Đông Dương

a) Đối với quân Đờ Gôn vào nước ta, trong lúc đợi chỉ thị cụ thể của Đảng, phải tránh xung đột quân sự; song nơi nào chúng vào phải làm vườn không nhà trống đồng thời phải chỉ huy quần chúng biểu tình phản đối mưu mô của Pháp khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương.

b) Đối với quân Mỹ, Anh, Tàu[3] vào nước ta thì trong lúc đợi chỉ thị của Đảng:

- Tránh xung đột. Giao thiệp thân thiện.

- Tiêu cực đề kháng bằng cách vườn không nhà trống nếu họ xâm phạm đến quyền lợi của ta; huy động toàn lực quần chúng biểu tình nêu khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

 

IV- VẤN ĐỀ NGOẠI GIAO

1- Về mặt ngoại giao, tuy chúng ta đã cố gắng nhiều, nhưng mãi đến giờ, đối với Tàu vẫn chưa có kết quả tốt; đối với các nước Đồng minh khác, tuy việc ngoại giao có tiến, nhưng cách mạng Việt Nam vẫn chưa giành được một địa vị trên trường quốc tế.

2- Hiện nay, về chính sách ngoại giao, chúng ta cần phải nhận định cho rõ hai điều này:

a) Sự mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh, Pháp và Mỹ, Tàu về vấn đề Đông Dương là một điều ta cần lợi dụng.

b) Sự mâu thuẫn giữa Anh, Mỹ, Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương.

3- Chính sách chúng ta là phải tránh cái trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt Chính phủ của Pháp Đờ Gôn hay một chính phủ bù nhìn khác trái với ý nguyện dân tộc.

Bởi vậy cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta.

4- Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh.

5- Đối với các nước nhược tiểu và dân chúng Tàu và Pháp, chúng ta phải liên lạc và tranh thủ sự giúp đỡ của họ.

 

V- VIỆC TUYÊN TRUYỀN CỔ ĐỘNG

1- Phương hướng phải nhằm để tuyên truyền: nêu những khẩu hiệu chính động viên tinh thần cứu quốc; nêu cao nguyện vọng của dân tộc: quốc gia hoàn toàn độc lập; đả phá xu hướng cho rằng Đồng minh vào Đông Dương và Nhật đổ là nhiệm vụ chiến đấu của dân ta hết.

2- Công tác tuyên truyền cổ động phải làm ngay:

- Phát truyền đơn và dán áp phích, giải thích chủ trương của Đoàn thể.

- Phát bươm bướm và dán áp phích nêu 10 chính sách của Việt Minh.

- Phát truyền đơn chỉ rõ cho quần chúng tự động tổ chức dân quân và bầu Uỷ ban công nhân ở các xí nghiệp. Uỷ ban nhân dân ở các làng, v.v..

- Truyền tin, đặt ca.

- Dùng rađiô, loa truyền thanh (haut parleur) lưu chuyển để tuyên truyền.

- Mở rộng khắp nơi việc võ trang tuyên truyền và xung phong tuyên truyền.

- Họp mít tinh để động viên tinh thần nhân dân chống xâm lược giành độc lập.

- Đưa quần chúng ra đường biểu tình thị uy võ trang, đòi độc lập.

- Năng ra thông cáo về tin thức thế giới và trong nước để loan báo nhanh chóng những tin tức chính trị quan trọng và những thắng lợi của ta.

- Báo chí ra cho đều và cho mau kỳ và tránh những khuyết điểm như: thiếu mục hiệu triệu các từng lớp nhân dân, báo Đảng và báo Việt Minh hay ra trùng nhau.v.v..

- Chỉnh đốn bộ tuyên truyền Trung ương, các xứ và khu giải phóng theo nguyên tắc dưới đây: bộ biên tập các báo chí ít phải có một số người chuyên trách; mỗi tờ báo phải có thông tin viên chịu trách nhiệm ở mỗi tỉnh.

- Mỗi tỉnh phải có một cơ quan ấn loát và vật liệu, cơ kiện để in truyền đơn, biểu ngữ, thông cáo, v.v..

- Đặt quốc ca và định dấu hiệu cho quốc gia Việt Nam.

 

VI- NHIỆM VỤ QUÂN SỰ

(Coi thông cáo riêng)

1. Định kế hoạch tác chiến để thi hành ngay:

- Điều kiện đánh – nơi nào cần và ăn chắc thì đánh.

- Nguyên tắc đánh – quân sự và chính trị phải phối hợp.

- Chiến thuật đánh – định cách tiến công, phòng thủ, thoái lui.

a) Tiến

1- Mục đích tiến đánh cho quân giặc những đòn chí tử, tiêu diệt lực lượng của chúng, chớp lấy những căn cứ chính (cả các đô thị) trước khi quân Đồng minh vào.

2- Công việc phải làm ngay để tiến:

- Tập trung lực lượng vào những chỗ cần thiết để đánh;

- Làm tan rã tinh thần quân địch và dụ chúng hàng trước khi đánh;

- Định phương hướng tiến công;

- Chuẩn bị các việc thi hành sau khi chiếm được nơi nào.

b) Thoái

1- Mục đích thoái: giữ gìn đội ngũ; bảo toàn thực lực;

2- Chuẩn bị kế hoạch rút lui về quân sự và chính trị (về quân sự: định các khu vực rút lui và đường liên lạc giữa các khu vực ấy hay từ những khu vực ấy ra biên giới. Về chính trị nếu tình thế trở nên gay go bất lợi thì phải rút vào bí mật; chỉ để một bộ phận công khai lợi dụng những khả năng hợp pháp mà hoạt động; chuẩn bị tinh thần dân chúng vượt mọi khó khăn và đề phòng âm mưu phá hoại của địch).

2[4]. Chỉnh đốn và phát triển bộ đội – Thống nhất tên: quân giải phóng Việt Nam – thống nhất biên chế; cải tổ – thống nhất khẩu lệnh- kỷ luật (định thể lệ thưởng phạt) – cải thiện công tác chính trị trong bộ đội – tổ chức thêm những bộ đội mới. Chỉnh đốn bộ đội tự vệ chiến đấu và tiểu tổ du kích để thành lập quân giải phóng ở ngoài khu giải phóng.

3. Định rõ các chiến khu - địa giới các chiến khu toàn quốc và nhiệm vụ mỗi chiến khu ấy – giúp đỡ ngay những chiến khu ấy.

4. Lập bộ tư lệnh – thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc và Uỷ ban hành động chỉ huy các chiến khu.

5. Đào tạo cán bộ quân sự – lập thêm trường quân chính – thống nhất chương trình dạy.

6. Võ khí – tước võ khí của quân Nhật – tiếp tục chế thêm.

7. Thành lập Uỷ ban khởi nghĩa để thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu.

 

VII- NHIỆM VỤ KINH TẾ

1. Mục đích: Làm sao cho có lương thực và những thứ cần dùng cho sự chiến đấu, dù trong hoàn cảnh gay go cũng không thiếu.

3[5]. Lập Uỷ ban kinh tế và tài chính chuyên môn ở các vùng chiếm được và định kế hoạch cho ủy ban ấy.

 

VIII- VẤN ĐỀ GIAO THÔNG

1. Phải đặc biệt chủ trương củng cố giao thông giữa các xứ và các cấp đảng bộ.

2. Tích cực tổ chức giao thông trong các ngành vận tải.

3. Lập ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ.

 

IX- VẬN ĐỘNG CÁC GIỚI VÀ CÁC ĐẢNG PHÁI

1. Vận động các giới

Công vận – Chú trọng công nhân đường giao thông, công nhân các ngành kỹ nghệ điện, nước, nhà in, công nhân tư gia, v.v.. Chú ý tổ chức “Công giáo công nhân cứu quốc hội” ở những nơi có nhiều công nhân đi đạo, tái bản báo Lao động.

Nông vận – “Nông dân cứu quốc hội” có thể thống nhất đến toàn quốc.

Binh vận – Vận động binh lính bản xứ, thuyết phục binh lính bản xứ giải ngũ; đặc biệt chú trọng vận động binh lính Đồng minh nếu họ vào đông ở nước ta.

Thanh vận – Thống nhất thanh niên các xứ; gắng tổ chức ủy ban thanh vận ở các thành phố. Vận động thanh niên hướng đạo.

Phụ vận – Thành lập ủy ban phụ vận các xứ. Gắng ra tờ báo phụ nữ và các tài liệu tuyên truyền phụ nữ.

Vận động văn hóa – Chú trọng vận động văn hóa các thành phố lớn. Thống nhất việc vận động văn hóa toàn quốc.

Vận động thương gia – Lập “Việt Nam thương gia cứu quốc hội”.

Vận động phú hào – Báo chí phải năng nói đến quyền lợi phú hào. Mở rộng các tổ chức “Việt Nam cứu quốc hội” trong các tầng lớp phú hào.

Vận động công chức và quan trường – Gắng thành lập những nhóm “Bạn Việt Minh”, nhóm “Quan trường yêu nước” và “Việt Nam chức viên cứu quốc hội”.

Vận động đồng bào theo đạo – “Mở rộng Việt Nam công giáo cứu quốc hội”. Cố cảm hóa quần chúng các hội Phật thầy và Cao Đài.

2. Vận động các đảng phái

- Ủng hộ việc gây dựng lại “Việt Nam Quốc dân Đảng”.

- Hết sức giúp đỡ “Việt Nam Dân chủ Đảng”.

 

X- VẤN ĐỀ CÁN BỘ

1. Trung ương cũng như các xứ ủy phải có ban chuyên môn để đào tạo cán bộ. Mỗi tỉnh chí ít phải có một huấn luyện viên chuyên môn.

2. Phải quý cán bộ và giữ gìn cán bộ.

3. Phân phối cán bộ cho hợp lý; dùng cán bộ cho đúng.

4. Năng kiểm tra cán bộ.

5. Hết sức nâng đỡ các cán bộ quần chúng (cán bộ Việt Minh).

6. Đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ địa phương và cán bộ dân tộc thiểu số.

 

XI- VẤN ĐỀ ĐẢNG

1. Thống nhất Đảng

a) Thống nhất tổ chức: tiếp tục công việc đang làm.

b) Thống nhất chính trị: chống tả khuynh, hữu khuynh (chỉ thị riêng cho các xứ, nhất là cho Nam Kỳ).

. . .

3. Phát triển và củng cố Đảng

- Tổ chức đảng viên mới, tùy địa phương định thời gian dài hay ngắn cho mỗi đồng chí ít ra giới thiệu một đảng viên mới; kiểm soát và thi hành.

- Tổ chức các chi bộ xí nghiệp - phải tổ chức đảng trong quân giải phóng Việt Nam (trung đội làm đơn vị tổ chức).

- Thi hành kỷ luật đối với các đảng viên phạm lỗi nặng từ trước đến nay (nếu cần thì công bố).

- Khai trừ những phần tử hủ hóa thoái lui.

4. Đảng và Việt Minh phải tổ chức phân minh. Vạch rõ hệ thống tổ chức liên lạc của Đảng và Việt Minh phải phân biệt.

5. Định chương trình mở lớp huấn luyện của các đảng viên và cán bộ đảng, các đảng bộ từ tỉnh trở lên thì mở lớp để kinh thường huấn luyện cán bộ của cấp ấy. T.U., phải đặc biệt mở lớp huấn luyện cán bộ – Cán bộ phải bắt buộc chịu huấn luyện theo chương trình phổ thông của Đảng.

6. Tờ báo Đảng bắt buộc mỗi kỳ phải có mục huấn luyện chủ nghĩa – theo lối sơ giải. In nhiều tài liệu huấn luyện chủ nghĩa.

7. Các cấp đảng bộ phải luôn luôn tự chỉ trích.

 

THÔNG QUA Ở TOÀN QUỐC HỘI NGHỊ

Ngày 15-8-1945

 

 

                                                                                                                

Đảng Cộng sản Việt Nam -
Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,
tr.423-433.

 

[1]. Trong tài liệu không có mục 2 (BT).

[2]. Từ cũ chỉ Trung Quốc.

[3]. Từ  cũ chỉ Trung Quốc. Lúc này là quân đội của Tưởng Giới Thạch (BT).

[4]. Trong tài liệu có 2 mục 2 (BT).

[5]. Trong tài liệu không có mục 2 (BT).