VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO TỔNG KẾT NHIỆM KỲ KHÓA IX (1992-1997)
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
*

Căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã tổng kết hoạt động trong nhiệm kỳ. Trước khi tổng kết Hội đồng dân tộc đã tổ chức hai cuộc họp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước và các Ban của Đảng để lấy ý kiến đóng góp phê bình, nhận xét hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ.

Ngày 7-8 tháng 3 năm 1997, tại thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, (tỉnh Ninh Thuận), Hội đồng dân tộc đã họp phiên toàn thể tổng kết nhiệm kỳ. Tham dự phiên họp tổng kết còn có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Văn phòng Quốc hội, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh và một số ban, ngành của tỉnh Ninh Thuận.

Qua thảo luận, toàn thể thành viên Hội đồng dân tộc đã nhất trí kiểm điểm, đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm hoạt động trong nhiệm kỳ khóa IX của Hội đồng với bản báo cáo gồm ba nội dung sau:

1-Kiểm điểm về thực hiện các nhiệm vụ theo luật định.

2- Đánh giá tình hình tổ chức bộ máy và hoạt động của Hội đồng dân tộc khóa IX.

3- Một số kinh nghiệm hoạt động trong nhiệm kỳ.

I- KIỂM ĐIỂM VỀ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ
THEO LUẬT ĐỊNH

A- KIỂM ĐIỂM CÁC HOẠT ĐỘNG
VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền, mọi hoạt động của đất nước được quản lý bằng pháp luật. Để đáp ứng với chủ trương ấy và đẩy mạnh quá trình đổi mới xây dựng đất nước, Quốc hội khóa IX đã dành nhiều hoạt động cho công tác lập pháp. Vì vậy, Hội đồng dân tộc khóa IX cũng dành nhiều thời gian để đẩy mạnh các hoạt động về xây dựng pháp luật.

1. Xây dựng dự án Luật dân tộc:

Chính sách dân tộc là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, việc thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đã góp phần củng cố và phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng qua các giai đoạn lịch sử. Nhưng chính sách vẫn còn rải rác ở nhiều văn bản, việc chỉ đạo cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Hội đồng dân tộc thấy cần kiến nghị soạn thảo Luật dân tộc nhằm thể chế hóa đường lối chính sách dân tộc của Đảng trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992. Xuất phát từ quan điểm đó, Hội đồng dân tộc đã thảo luận, nhất trí và chính thức kiến nghị Quốc hội cho xây dựng Luật dân tộc. Đề nghị đó của Hội đồng dân tộc đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng và Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa IX.

Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Hội đồng dân tộc chủ trì soạn thảo Luật dân tộc (Nghị quyết số 18/NQ-UBTVQHK9, ngày 04-02-1993), Hội đồng dân tộc đã quyết định thành lập Ban soạn thảo gồm 26 thành viên trong đó 11 thành viên là đại biểu Hội đồng dân tộc, 15 thành viên ở các ngành, các cơ quan có liên quan như Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hội Dân tộc học, Văn phòng Chính phủ... Ban soạn thảo do Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng dân tộc làm Trưởng Ban. Các thành viên của Ban soạn thảo là các giáo sư, tiến sĩ về luật, dân tộc học và những cán bộ có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dân tộc và miền núi. Ủy ban Dân tộc và Miền núi của Chính phủ trực tiếp phối hợp cùng Hội đồng dân tộc soạn thảo do một Phó Chủ nhiệm tham gia Phó ban. Bước đầu soạn thảo, Ban soạn thảo đã thống nhất về những quan điểm lớn và kế hoạch phương pháp tiến hành xây dựng Luật dân tộc.Với quá trình chuẩn bị khẩn trương, cuối quý I năm 1993, bản đề cương Luật dân tộc đã hình thành và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi qua các cuộc hội thảo tại Hà Nội và tiếp đó ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long...

Để phục vụ xây dựng Luật dân tộc, Thường trực Hội đồng dân tộc đã chỉ đạo Ban soạn thảo tiến hành thu thập tư liệu, lập hồ sơ và đi nghiên cứu thực tế như:

- Hệ thống các văn kiện chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc và miền núi từ khi thành lập Đảng đến nay.

- Hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam có liên quan được ban hành qua các thời kỳ lịch sử (Luật Hồng Đức, Luật Gia Long thời phong kiến, các văn bản luật thời kỳ chính quyền ngụy Sài Gòn...).

- Sưu tầm và dịch các văn bản luật của nước ngoài có liên quan đến dân tộc thiểu số để nghiên cứu tham khảo (Liên hợp quốc, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Canađa)...

Tổ chức khảo sát thực tế về tập quán, về luật tục ở một số khu vực, một số dân tộc.

- Tổ chức nghiên cứu tình hình dân tộc và pháp luật có liên quan đến vấn đề dân tộc ở một số nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Philíppin, Malaixia, Inđônêxia...

- Sơ bộ kiểm điểm đánh giá về thành tựu và tồn tại của việc thực hiện chính sách dân tộc và thực trạng tình hình kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc thiếu số hiện nay.

Trên cơ sở đề cương và các ý kiến đã được hội thảo và nghiên cứu các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, nghiên cứu tài liệu và thực tế ở một số nước, Hội đồng dân tộc đã thảo luận làm sáng tỏ thêm về quan điểm phạm vi, đối tượng điều chỉnh và nội dung của Luật dân tộc, phân tích, tổng hợp, chọn lọc để xây dựng được bản Dự thảo lần thứ nhất vào cuối năm 1993.

Sau hơn 3 năm với 12 lần soạn thảo, bản Dự thảo lần thứ 12 được tập thể Hội đồng dân tộc nhất trí về cơ bản và không còn ý kiến khác nhau về phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Vì vậy, Hội đồng dân tộc và Ủy ban pháp luật đã thống nhất trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, tại phiên họp ngày 04-01-1996, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét và cho ý kiến Luật dân tộc.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp trên, Ban soạn thảo đã bổ sung hoàn thiện thành Dự thảo lần thứ 13, gửi lấy ý kiến tất cả các thành viên Hội đồng dân tộc và được sự nhất trí hoàn toàn.

Nhìn chung, quá trình xây dựng Dự án Luật dân tộc là quá trình sưu tầm, hệ thống lại chính sách dân tộc và cũng là quá trình thảo luận đi đến thống nhất có tính chất tổng kết việc thực hiện chính sách dân tộc từ trước đến nay, cũng như thực trạng kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Việc soạn thảo đã được bảo đảm đúng quy trình, thực sự dân chủ tiếp thu ý kiến đóng góp bổ sung. Quá trình dự thảo, Hội đồng dân tộc đã bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tranh thủ được nhiều ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, của cán bộ, đồng bào đã gửi ý kiến đóng góp trong đó đặc biệt phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều có tổ chức hội thảo riêng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hai lần hội thảo lấy ý kiến của các địa phương, tổng hợp gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng dân tộc. Vì vậy, Dự thảo Luật dân tộc đã cơ bản thể chế được đường lối chính sách của Đảng về dân tộc thành luật pháp của Nhà nước, mặt khác, nếu được ban hành Luật dân tộc sẽ góp phần hoàn thiện, đổi mới chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, khối đại đoàn kết sẽ được tăng cường, góp phần vào sự ổn định chính trị của đất nước ta. Nhìn chung, Luật dân tộc sẽ đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề dân tộc là một vấn đề hết sức phức tạp và dễ nhạy cảm, cho nên tuy là Dự án có yêu cầu sớm ban hành và được Quốc hội quyết định trình thông qua tại kỳ họp thứ 11, nhưng qua xem xét nhận thấy còn phải tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị thêm, do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chưa trình dự án Luật dân tộc tại kỳ họp thứ 11 để tiếp tục hoàn chỉnh thêm.

2. Tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh có liên quan:

Ngoài việc tập trung soạn thảo Luật dân tộc, Hội đồng dân tộc cũng đã chủ động tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến dân tộc và miền núi. Trong nhiệm kỳ này, Hội đồng dân tộc không được phân công chủ trì thẩm tra dự án luật mà mới chỉ tham gia thẩm tra Luật chống ma túy. Nhưng với ý thức trách nhiệm của mình, Thường trực Hội đồng dân tộc đã chủ động đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội được phân công thẩm tra mời Hội đồng dân tộc tham gia những dự án có liên quan. Hội đồng dân tộc cũng đã chủ động tham gia thẩm tra các dự án Luật đất đai, Luật khoáng sản, Bộ luật dân sự, v.v.. Bằng nhiều hình thức tham dự các phiên họp thẩm tra của các Ủy ban, mặt khác Thường trực hướng dẫn các thành viên tham gia ý kiến bằng văn bản và gửi báo cáo về Thường trực tổng hợp chung gửi đến cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

3. Tham gia góp ý kiến các dự án luật, pháp lệnh:

Các dự án luật và pháp lệnh, Hội đồng dân tộc được mời tham gia, lấy ý kiến khá nhiều, Hội đồng dân tộc tham gia chủ yếu bằng hình thức dự các hội thảo lấy ý kiến do các cơ quan chủ dự án tổ chức. Nói chung, các dự án Hội đồng dân tộc tham gia thẩm tra, hoặc tham gia góp ý kiến bổ sung được các cơ quan soạn thảo hoan nghênh và tiếp thu. Đồng thời, các thành viên với ý thức, trách nhiệm là thành viên của Hội đồng dân tộc đã tham gia ý kiến tại Đoàn hoặc phát biểu tại hội trường, có nhiều ý kiến liên quan đến dân tộc và miền núi được cơ quan soạn thảo và Quốc hội chấp nhận.

Tuy nhiên, cũng còn một số cơ quan chưa nhận thức được vị trí, vai trò, chức năng của Hội đồng dân tộc nên ít mời Hội đồng dân tộc tham gia. Các dự án được tham gia thì lại không nhận được tài liệu sớm, có khi đến hội thảo mới có tài liệu, do đó, ý kiến tham gia chưa được nghiên cứu, cân nhắc nên chất lượng chưa cao.

B- KIỂM ĐIỂM CÁC HOẠT ĐỘNG VỀ GIÁM SÁT

Quán triệt chức năng giám sát của Quốc hội là thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Đồng thời, giám sát cũng là biện pháp quan tâm đảm bảo tăng cường quyền lực nhà nước của Quốc hội. Xuất phát từ nhận thức đó, Hội đồng dân tộc rất coi trọng các hoạt động giám sát của mình.

Trong nhiệm kỳ khóa IX, hoạt động giám sát chủ yếu của Hội đồng dân tộc được tập trung vào ba lĩnh vực:

- Giám sát thực hiện luật, pháp lệnh có liên quan đến dân tộc và miền núi.

- Giám sát thực hiện các chương trình kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện ngân sách theo tinh thần các nghị quyết của Quốc hội.

- Giám sát các vấn đề thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến dân tộc và miền núi.

Thực tế nhiệm vụ giám sát của Hội đồng dân tộc đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giám sát và khá phức tạp, phạm vi giám sát lại rất rộng nếu không có phương pháp giám sát sẽ không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi, vì vậy, tùy từng vấn đề và từng thời kỳ Hội đồng dân tộc đã xem xét, quyết định chương trình giám sát. Làm như vậy vừa thích hợp với việc thực hiện luật pháp, chính sách và nghị quyết của Đảng và Nhà nước vừa đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Kiểm điểm lại chức năng giám sát của Hội đồng dân tộc trong nhiệm kỳ khóa IX cho thấy: Chương trình giám sát do Hội đồng dân tộc quyết định và các hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng dân tộc và các thành viên Hội đồng dân tộc được tiến hành thường xuyên, bảo đảm đúng chức năng. Kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

1. Giám sát việc thực hiện luật và pháp lệnh có liên quan đến dân tộc và miền núi:

Kiểm điểm lại việc thực hiện chức năng giám sát trong nhiệm kỳ của Hội đồng dân tộc khóa IX thì tất cả các đợt giám sát của Hội đồng dân tộc đều có nội dung liên quan chặt chẽ đến việc giám sát thi hành luật, pháp lệnh và các nghị quyết của Quốc hội. Riêng việc giám sát có liên quan trực tiếp đến thi hành luật và pháp lệnh, Hội đồng dân tộc đã chọn điểm và tổ chức giám sát chuyên đề về Luật đất đai ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi, một điểm ở đồng bằng, vùng dân tộc Khơme Nam bộ; một điểm là vùng đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Đắc Lắc. Qua đợt giám sát chuyên đề về thi hành Luật đất đai, Hội đồng dân tộc nhận thấy rằng: Tình hình tranh chấp đất đai ở vùng dân tộc và miền núi ngày càng trở nên sôi động và hết sức phức tạp. Nhìn chung, các luật, pháp lệnh đã ban hành mới bắt đầu đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc và miền núi. Nhiều mối quan hệ còn có nơi, có lúc giải quyết theo luật tục truyền thống, theo tình cảm và có một số quan hệ được giải quyết theo cơ chế thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là công tác tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở các vùng dân tộc thiểu số chưa được quan tâm, còn nhiều yếu kém. Trong khi đó, một số cán bộ có chức, có quyền ở một số địa phương không những không gương mẫu thực hiện pháp luật mà còn dựa vào chức quyền để làm sai trái. Thực trạng của tình hình trên đã trở nên nổi cộm và rất sôi động cần sớm được giải quyết. Qua những đợt giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, Hội đồng dân tộc thấy rằng việc giám sát thi hành luật, pháp lệnh cần được Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương tăng cường giám sát hơn nữa và đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý, thực hiện của cơ quan hành pháp để dần dần từng bước đưa việc thực hiện Luật đất đai nói riêng và các luật, pháp lệnh đã được thông qua thực sự có hiệu lực và đi vào cuộc sống của đồng bào.

2. Giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện ngân sách trong lĩnh vực này theo tinh thần các nghị quyết của Quốc hội:

Giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện ngân sách trong lĩnh vực này theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội được Hội đồng dân tộc rất quan tâm trong hoạt động giám sát nhiệm kỳ khóa IX. Hội đồng dân tộc đã tổ chức được chín đợt giám sát tập trung: Tháng 3-1993, giám sát tại ba tỉnh vùng Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu, Yên Bái). Đợt giám sát này chủ yếu là Chương trình phát triển kinh tế xã hội, Chương trình 327, Chương trình 06, v.v., và giám sát tại vùng đồng bào dân tộc Khơme ở ba tỉnh Trà Vinh,Kiên Giang, An Giang, nội dung chủ yếu của đợt này là chương trình chính sách. Tháng 11-1993, giám sát tại năm tỉnh Tây Nguyên và miền Trung (Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế). Tháng 5-1994, giám sát tại ba tỉnh phía bắc miền Trung (Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh). Tháng 7-1994, giám sát tại ba tỉnh Tây Nguyên... Nội dung các đợt giám sát của Hội đồng dân tộc đã bám sát vào các nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội hằng năm, đồng thời, căn cứ vào Nghị quyết của Đảng, như Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội miền núi” và Quyết định số 72/HĐBT (nay là Chính phủ), Quyết định số 327 về phủ xanh đất trống đồi núi trọc...

Qua các đợt giám sát về thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, Hội đồng dân tộc đã đóng góp một phần quan trọng vào việc giám sát đôn đốc, động viên thực hiện các nghị quyết của Quốc hội ở các tỉnh miền núi và dân tộc. Qua giám sát cho thấy đầu tư của Nhà nước cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc thiểu số so với ngân sách của Nhà nước ngày càng lớn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Việc tổ chức thực hiện tuy có hiệu quả, nhưng chưa cao, dự án thì nhiều nhưng còn chồng chéo, không lồng ghép được thành một chương trình thống nhất, các dự án vào vùng khó khăn vùng sâu, vùng xa còn ít, vốn trực tiếp xuống đến đồng bào còn thấp hoặc đến nhưng ít hiệu quả bởi không thực hiện theo phương châm của Đảng là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Có những vấn đề còn chưa phù hợp với chế độ, chính sách như Chương trình 327; chủ trương cho vay vốn để xóa đói, giảm nghèo; thậm chí, có việc làm không có lợi cho đoàn kết dân tộc, xác định vùng cao, có nơi còn quá rộng nên khó áp dụng chính sách đối với vùng cao. Điều rất đáng quan tâm là, có một số vấn đề được giám sát, kiến nghị nhiều lần nhưng không được xử lý kịp thời. Về mặt chủ quan, Hội đồng dân tộc cũng nhận thấy rằng, còn nhiều vấn đề trong hoạt động giám sát cần được nghiên cứu, khắc phục như hiệu quả giám sát chưa cao, chưa đi sâu phát hiện phân tích những vấn đề nổi cộm, chưa có biện pháp để các vấn đề kiến nghị được xử lý kịp thời. Nhưng cơ bản vẫn là nhận thức của các cơ quan chấp hành có liên quan, thiếu kịp thời, thiếu nghiêm túc.

3. Về giám sát tình hình, kết quả thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với dân tộc và miền núi:

Trong nhiệm kỳ khóa IX, Hội đồng dân tộc đã tổ chức được sáu đợt giám sát tập trung: giám sát thực trạng tăng giảm dân số của dân tộc Ơđu (tại Tương Dương - Nghệ An) tháng 9 năm 1993. Giám sát tình hình di dịch cư của đồng bào dân tộc thiểu số vào các tỉnh phía Nam tháng 8-1994. Giám sát tình hình phá bỏ cây thuốc phiện tại hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La và tổ chức hội nghị phòng chống ma túy với các tỉnh có trồng cây thuốc phiện ở miền núi phía Bắc tại Sơn La tháng 12-1994. Giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị 68 của Trung ương về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơme (Nam bộ) đầu năm 1995. Giám sát thực hiện Quyết định 1960 về cho không bốn mặt hàng và trợ giá bảy mặt hàng cho miền núi tại Khánh Hòa tháng 8-1995 và một số tỉnh. Giám sát tình hình thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo ở một số dân tộc đời sống có nhiều khó khăn.

Năm 1996, Hội đồng dân tộc khóa IX đã tổ chức hai đợt giám sát chuyên sâu, với thời gian kéo dài 6 tháng trong phạm vi cả nước về thực hiện chính sách cử tuyển vào các trường Đại học và Cao đẳng và một đợt giám sát thực hiện chính sách đối với hệ thống trường nội trú. Hội đồng dân tộc đã huy động tất cả các thành viên tham gia giám sát đồng thời Hội đồng dân tộc cũng mời Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tham gia. Hai đợt giám sát này đã đánh giá được những thành tựu về thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về việc đào tạo cán bộ. Đồng thời, cũng phát hiện ra một số khuyết điểm trong việc thực hiện chủ trương, chính sách trong lĩnh vực cử tuyển và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số và đã được cơ quan chủ quản, các địa phương tiếp thu và đã có biện pháp khắc phục trong năm học 1996 - 1997. Phó Thủ tướng Chính phủ đã họp để giải quyết kiến nghị của Hội đồng dân tộc qua giám sát.

Năm 1996, Hội đồng dân tộc quyết định tổ chức giám sát về chương trình hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn trong cả nước, với sự tham gia của tất cả các thành viên và Hội đồng nhân dân các tỉnh có dự án. Đây là cuộc giám sát rộng lớn nhất và lần đầu tiên có sự phối hợp của Hội đồng dân tộc của Quốc hội với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân các tỉnh trong phạm vi toàn bộ chương trình hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn.

Trong nhiệm kỳ, ngoài 17 đợt giám sát tập trung của Hội đồng dân tộc, Thường trực Hội đồng dân tộc đã tổ chức bảy đợt giám sát và nhiều đợt đi công tác của Chủ tịch, Phó Chủ tịch ở các địa phương. Ngoài ra các thành viên Hội đồng dân tộc còn trực tiếp tham gia vào các đoàn giám sát của Ủy ban kinh tế và ngân sách, Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và các đoàn của Quốc hội tổ chức.

Về hình thức giám sát: Được tổ chức giám sát tập trung theo đoàn. Chương trình của từng đợt giám sát đều có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, thời gian cụ thể. Các đợt giám sát được tiến hành theo trình tự tìm hiểu nắm vững những vấn đề được đặt ra để giám sát, mời các ngành có liên quan ở Trung ương hoặc địa phương được giám sát đến báo cáo những vấn đề nêu trong đề cương giám sát, sau đó đoàn giám sát xuống cơ sở (tỉnh, huyện, xã, trường học, nông lâm trường...) và trực tiếp nghe ý kiến của nhân dân, của các tổ chức, cá nhân về những vấn đề giám sát. Đồng thời với giám sát, đoàn đã động viên cán bộ và đồng bào các dân tộc tăng cường đoàn kết, quyết tâm thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Kết quả của đợt giám sát được tổng kết đưa ra cùng địa phương, cùng cơ sở thảo luận. Đồng thời, Hội đồng dân tộc cũng chủ động nhận xét, kiến nghị, yêu cầu địa phương có ý kiến về những vấn đề kiến nghị thuộc phạm vi giải quyết của địa phương, hoặc kiến nghị lên cấp trên giải quyết.

Trên cơ sở đó, Hội đồng dân tộc báo cáo kết quả đợt giám sát với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, đồng thời thông báo để các cơ quan có liên quan tiếp thu kiến nghị có biện pháp khắc phục.

Hội đồng dân tộc còn sử dụng hình thức giám sát thông qua việc tổ chức yêu cầu các ngành, các cơ quan đến báo cáo trước Hội đồng dân tộc, Thường trực Hội đồng dân tộc hoặc yêu cầu các ngành, các cơ quan báo cáo bằng văn bản, hình thức này chủ yếu yêu cầu: báo cáo về nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm đối với miền núi và vùng dân tộc thiểu số; báo cáo về phân bổ ngân sách cho miền núi hoặc báo cáo về tình hình kết quả thực hiện một số chương trình kinh tế lớn như Chương trình 327 về phủ xanh đất trống, đồi trọc, chương trình định canh, định cư, Chương trình 06 về thay thế cây thuốc phiện.

Thường trực Hội đồng dân tộc, các thành viên Hội đồng dân tộc cũng thực hiện việc giám sát thường xuyên, thông qua tham dự các hội nghị của các ngành, các địa phương về những vấn đề có liên quan đến dân tộc và miền núi, hoặc thông qua các chuyến đi công tác xuống các ngành, các địa phương...

Chất vấn cũng là hình thức thường xuyên được Hội đồng dân tộc sử dụng để giám sát, hình thức giám sát này được thực hiện trước, trong và sau kỳ họp Quốc hội. Qua nhiều kỳ họp của Quốc hội, các ý kiến chất vấn của Hội đồng dân tộc được hoan nghênh và nhiều đại biểu đồng tình ủng hộ. Các thành viên Hội đồng dân tộc, hầu hết đã sử dụng quyền chất vấn tại kỳ họp để thực hiện quyền giám sát của mình, đây cũng là một hình thức giám sát có kết quả trong hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc.

Về tổ chức giám sát: Sau mỗi đợt giám sát và sau mỗi năm hoạt động, Hội đồng dân tộc đều tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Từ những kinh nghiệm rút được, Hội đồng dân tộc đã từng bước thực hiện đổi mới về tổ chức giám sát. Các đoàn giám sát đã được tổ chức gọn nhẹ hơn. Về cơ cấu thành viên các đoàn giám sát khi giám sát ở các địa phương phía Nam thì có đại biểu ở các tỉnh phía Bắc tham gia và giám sát ở các địa phương phía Bắc thì có các đại biểu ở các tỉnh phía Nam tham gia. Như vậy sẽ đảm bảo tính khách quan khi nhận xét, đánh giá các vấn đề giám sát, đồng thời cũng tạo điều kiện để các thành viên Hội đồng dân tộc mở rộng phạm vi hoạt động và có sự nhìn nhận bao quát trong phạm vi cả nước.

Mặt khác, cũng là dịp để đại biểu có điều kiện tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm học hỏi ở các địa phương khác. Về lĩnh vực hoạt động chuyên môn của mình, tùy mục đích, yêu cầu của từng đợt giám sát, Hội đồng dân tộc còn mời các ngành, các cơ quan có liên quan cử cán bộ tham gia giám sát. Riêng Ủy ban Dân tộc và Miền núi, được mời tham gia các đợt giám sát của Hội đồng dân tộc, đã thể hiện được sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan của Chính phủ và Quốc hội về lĩnh vực dân tộc và miền núi.

Một số nhận xét về công tác giám sát:

Đánh giá lại quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ giám sát của mình, Hội đồng dân tộc khóa IX có một số nhận xét như sau: Quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, Hội đồng dân tộc khóa IX đã nhận thức đúng tầm quan trọng của hoạt động giám sát: Hội đồng dân tộc đã tiến hành giám sát hầu hết dân tộc của 53 dân tộc thiểu số, kể cả các vùng xa xôi hẻo lánh như biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Campuchia. Các địa phương như Mường Tè (Lai Châu), Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang)... Các chương trình giám sát bảo đảm đúng trọng tâm, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ giám sát. Có vấn đề khi đặt ra yêu cầu giám sát tưởng như đơn giản, nhưng khi thực tế tiến hành giám sát lại rất phức tạp và có ý nghĩa chính sách rất lớn như giám sát tình hình tăng, giảm dân số của dân tộc Ơđu, kết quả giám sát khẳng định sự đúng đắn về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc đã có những hiệu quả rõ rệt như:

- Đợt giám sát về thực hiện Quyết định 1960 của Chính phủ, về cho không bốn mặt hàng và trợ giá cước bảy mặt hàng lên miền núi, Hội đồng dân tộc đã có kết luận, kiến nghị và đã được Quốc hội, Chính phủ đồng tình. Ngoài ra, còn phát hiện một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong vận chuyển muối iốt và màn tẩm thuốc chống muỗi sốt rét ở một số địa phương đã được các địa phương đó tiếp thu và đề ra biện pháp khắc phục ngay, thu lại cho công quỹ nhà nước.

- Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách cử tuyển, hệ thống phổ thông dân tộc nội trú đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho chủ trương giải quyết khắc phục uốn nắn những lệch lạc trong thực hiện.

- Giám sát về tăng dân số của dân tộc Ơđu của Hội đồng dân tộc đã chứng minh rằng dân tộc Ơđu vẫn có dân số phát triển, thậm chí cũng phát triển nhiều như các dân tộc khác. Không có sự suy giảm ở bất cứ dân tộc nào trong 54 dân tộc anh em... Chứng minh chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Đợt giám sát thực hiện chương trình chống ma túy, cụ thể là phá bỏ cây thuốc phiện, chuyển hướng cây trồng. Đợt giám sát này đã kết hợp với mở hội nghị tại Sơn La có kết quả, được các địa phương nhất trí cao và bổ sung thêm nhiều ý kiến thống nhất để trình lên Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Những vấn đề được nêu lên đã được Chính phủ từng bước thể hiện qua kế hoạch hằng năm trong chương trình chống ma túy.

- Các hình thức và hoạt động giám sát nói chung là tốt, phong phú, đa dạng và được giám sát từ cơ quan Trung ương đến người dân thực hiện ở cơ sở.

Kết quả giám sát đã phát hiện được nhiều vấn đề quan trọng được nhân dân quan tâm đồng tình, tăng thêm lòng tin của nhân dân các dân tộc vào việc thực hiện chính sách dân tộc. Các cơ quan của Đảng và Nhà nước đánh giá cao những phát hiện của Hội đồng dân tộc, qua kết quả các đợt giám sát. Sở dĩ đã đạt được kết quả đó là do Hội đồng dân tộc đã biết chọn vấn đề có ý nghĩa quan trọng để giám sát và tập trung, đi sâu giám sát, phát hiện, phân tích và tổng hợp kiến nghị các vấn đề không những phù hợp tình hình, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc mà còn phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, công tác giám sát vẫn còn nhiều tồn tại, hiệu quả đạt được còn hạn chế, hiệu lực giám sát chưa cao.

Kiến nghị của Hội đồng dân tộc qua giám sát hầu hết các địa phương tiếp thu và có biện pháp khắc phục, nhưng đối với một số cơ quan ở Trung ương việc tiếp thu chưa thực sự nghiêm túc, không trả lời kịp thời, kể cả cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chưa có cơ quan nào “trả lời trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày” như Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc đã quy định hoặc chậm được giải quyết như kiến nghị của Hội đồng dân tộc đối với dân di cư tự do và nhiều vấn đề khác.

Nguyên nhân của tình hình đó một phần là do nhận thức về vai trò, vị trí của các cơ quan Quốc hội nói chung, Hội đồng dân tộc nói riêng của một số cơ quan, một số địa phương chưa đúng mức, thiếu nghiêm túc. Mặt khác, Hội đồng dân tộc cũng nghiêm khắc kiểm điểm thấy rằng về mặt chủ quan, còn thiếu kiên trì đôn đốc các cơ quan đáp ứng vấn đề cần chất vấn, một số đợt giám sát còn chung chung, chưa phát hiện cụ thể để kiến nghị cụ thể, có ý kiến còn chưa thích hợp.

C- KIỂM ĐIỂM CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

1. Hoạt động đối ngoại:

Nhiệm kỳ Hội đồng dân tộc khóa IX, về hoạt động đối ngoại đã được mở rộng hơn trước. Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta, Hội đồng dân tộc đã đặt quan hệ với các cơ quan hữu quan của Quốc hội các nước Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Philíppin..., các tổ chức quốc tế UNDP, UNICEF, các tổ chức phi chính phủ có đại diện tại Việt Nam và các tổ chức ở nước ngoài đến Việt Nam. Qua thực tế quan hệ đối ngoại, Hội đồng dân tộc đã giới thiệu được tình hình và chính sách dân tộc của nước ta với các nước và tổ chức quốc tế, đã thu hút được sự chú ý và tranh thủ được nhiều chương trình tài trợ cho miền núi và vùng dân tộc thiểu số, đồng thời cũng đã học hỏi và trao đổi được một số kinh nghiệm đặc biệt là kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và kinh nghiệm hoạt động của cơ quan Quốc hội các nước về dân tộc thiểu số, kinh nghiệm giải quyết các mối quan hệ trong cộng đồng dân tộc ở một số nước. Trong nhiệm kỳ Hội đồng dân tộc đã tổ chức bốn chuyến thăm và làm việc ở các nước: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaixia. Hội đồng dân tộc khóa IX cũng đã mời Ủy ban dân tộc của Quốc hội Lào, Ủy ban dân tộc của Quốc hội Trung Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Ngoài ra Chủ tịch, Phó Chủ tịch và một số thành viên của Hội đồng cũng được các tổ chức quốc tế mời đi thăm và tham dự hội nghị của một số tổ chức quốc tế tổ chức tại các nước có liên quan đến dân tộc và miền núi. Hoạt động đối ngoại của Hội đồng dân tộc trong nhiệm kỳ qua đã gây được nhiều ảnh hưởng có lợi cho Việt Nam trên trường quốc tế, được nhiều tổ chức quốc tế chú ý quan tâm. Tại Hội nghị của Liên hợp quốc tổ chức tại Giơnevơ tháng 7-1995 về “Chống phân biệt đối xử, bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số ”, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc tham dự đã có bài phát biểu gây được sự chú ý của hội nghị và đã làm cho bạn bè hiểu rõ thêm về quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về dân tộc thiểu số, đồng thời phê phán, bác bỏ những luận điểm xuyên tạc với ý đồ xấu về tình hình Việt Nam của một số người tại hội nghị.

Nhìn chung, thông qua hoạt động đối ngoại, vị trí Hội đồng dân tộc đã được nâng lên, đã đạt được những quan hệ tốt với tổ chức tương ứng của một số nước và các tổ chức quốc tế có quan tâm đến các vấn đề dân tộc, nhiều tổ chức quốc tế đã đến làm việc và đặt quan hệ với Hội đồng dân tộc. Có tổ chức đã tài trợ cho các chuyến đi nghiên cứu, học tập, dự hội thảo ở nước ngoài. Tuy nhiên, do vấn đề dân tộc luôn là vấn đề dễ nhạy cảm nên việc quan hệ Hội đồng dân tộc cũng còn phải cân nhắc, thận trọng nên còn có hạn chế.

2. Quan hệ với các cơ quan có liên quan:

Mối quan hệ giữa Hội đồng dân tộc với các cơ quan có liên quan đã được ghi trong Luật và Quy chế. Điều thuận lợi cho Hội đồng dân tộc khóa IX là Hội đồng đã có cơ quan Thường trực chuyên trách, có bộ phận giúp việc chuyên trách, nên các mối quan hệ với các cơ quan liên quan được thực hiện đều đặn và giữ được mối quan hệ tốt. Trước hết là mối quan hệ giữa Hội đồng dân tộc với các Ủy ban của Quốc hội. Quan hệ và phối hợp với Ủy ban pháp luật, Hội đồng dân tộc đã tham gia với Ủy ban pháp luật thẩm tra, góp ý kiến nhiều dự án luật và pháp lệnh. Ủy ban pháp luật đã phối hợp chặt chẽ và giúp Hội đồng dân tộc thẩm tra bước đầu dự án Luật dân tộc. Hội đồng dân tộc đã được Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường mời tham gia thẩm tra một số dự án luật có liên quan đến dân tộc và miền núi như Luật bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản..., và nhiều lần mời Hội đồng dân tộc tham gia thẩm định chương trình quốc gia, như Chương trình giải phóng lòng hồ thủy điện Yaly, Chương trình thủy điện Sơn La... Hội đồng dân tộc thường xuyên phối hợp với Ủy ban kinh tế - ngân sách thẩm tra kế hoạch kinh tế - ngân sách hằng năm của Chính phủ trước khi trình ra Quốc hội. Hội đồng dân tộc đã thường xuyên phối hợp với các Ủy ban: Mời Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tham gia giám sát về chính sách cử tuyển và trường dân tộc nội trú. Hội đồng dân tộc đã được Ủy ban quốc phòng và an ninh mời tham gia thẩm tra các dự án luật do Ủy ban chủ trì và cùng phối hợp, đề xuất một số vấn đề về biên giới, an ninh quốc phòng. Hội đồng dân tộc cũng đã phối hợp với Ủy ban đối ngoại để giúp Hội đồng dân tộc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và tham gia nhiều đợt công tác của Ủy ban đối ngoại mời. Tuy nhiên, phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội cũng cần có suy nghĩ để có sự phối hợp chặt chẽ hơn.

Quan hệ với Chính phủ: Hội đồng dân tộc thường xuyên tranh thủ để phối hợp, xin ý kiến về những hoạt động có liên quan đến dân tộc và miền núi gửi báo cáo giám sát đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Những năm gần đây, theo Điều 94 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng dân tộc đã đi dự các cuộc họp của Chính phủ và các Hội nghị có liên quan đến dân tộc và miền núi của Thủ tướng Chính phủ triệu tập. Tuy nhiên, trong quan hệ với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ còn một số vấn đề chưa thực hiện được như luật định. Phần lớn các văn bản của Chính phủ ban hành có liên quan đến dân tộc và miền núi chưa tham khảo ý kiến của Hội đồng dân tộc trước khi ban hành hoặc nhiều kiến nghị của Hội đồng dân tộc chưa được trả lời, hoặc trả lời không kịp thời theo như Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức của Quốc hội và Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc. Về mặt chủ quan, Hội đồng dân tộc càng nhận thấy rằng có một số kiến nghị của Thường trực Hội đồng dân tộc cũng chưa sát hoặc không thuộc phạm vi, chức năng của Hội đồng dân tộc.

Quan hệ với Ủy ban Dân tộc và Miền núi: Ủy ban Dân tộc và Miền núi là cơ quan chức năng của Chính phủ có liên quan nhiều với Hội đồng dân tộc. Ủy ban Dân tộc và Miền núi đã thường xuyên phối hợp công tác và đã cùng chủ trì soạn thảo Luật dân tộc. Hai cơ quan cũng đã xây dựng bản Quy chế phối hợp công tác, ký ngày 03-03-1994. Hội đồng dân tộc ý thức rằng Hội đồng dân tộc và Ủy ban Dân tộc và Miền núi tuy là hai cơ quan khác nhau về chức năng và nhiệm vụ nhưng cùng mục đích, cùng đối tượng và cùng địa bàn hoạt động, nên hoạt động của Hội đồng dân tộc đều liên hệ chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Tuy nhiên cũng có việc phối hợp chưa chặt chẽ, như định kỳ sinh hoạt kiểm điểm quy chế phối hợp, nhiều vấn đề do Ủy ban Dân tộc và Miền núi đảm nhiệm có quan hệ đến Hội đồng dân tộc của Quốc hội nhưng chưa được Ủy ban Dân tộc và Miền núi gửi văn bản hoặc trao đổi trước.

Quan hệ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Hội đồng dân tộc coi trọng và lắng nghe ý kiến của Mặt trận Tổ quốc các địa phương nơi đoàn đến giám sát và phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đón tiếp các đoàn già làng trưởng bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số về thăm Thủ đô. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Hội đồng dân tộc trong quá trình xây dựng dự án Luật dân tộc chỉ đạo các địa phương tham gia ý kiến và đã hai lần có văn bản tham gia Luật dân tộc, nhiều ý kiến Hội đồng dân tộc đã tiếp thu. Căn cứ theo Điều 33 Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc, hai cơ quan đã ký bản quy chế phối hợp công tác (ký ngày 14-6-1996). Song, việc phối hợp còn chậm vì lúc đầu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thành viên của Hội đồng dân tộc, nhưng đồng chí cũng bận nên chưa triển khai được công tác phối hợp. Sau này, khi đồng chí từ trần, Hội đồng dân tộc lại thiếu kịp thời đặt vấn đề quan hệ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiếp tục triển khai sự phối hợp công tác. Hiện nay, tuy việc phối hợp giữa Hội đồng dân tộc và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều cố gắng và có nhiều kết quả, song việc quan hệ trực tiếp với các thành viên trong mặt trận như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh..., Hội đồng dân tộc vẫn chưa có kế hoạch phối hợp cụ thể.

- Quan hệ với các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, nhất là các tỉnh có miền núi và dân tộc, đây là mối quan hệ gắn bó, mật thiết, Các đoàn đại biểu Quốc hội đã cộng tác và giúp đỡ Hội đồng rất nhiều trong các hoạt động, nhất là hoạt động xây dựng Luật dân tộc. Khi Hội đồng dân tộc tổ chức lấy ý kiến bổ sung cho Luật. Các Trưởng Đoàn có nhiều ý kiến đóng góp. Mặt khác, Hội đồng dân tộc cũng thường xuyên mời các đoàn tham gia giám sát, tham gia hội nghị, tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch có liên quan đến dân tộc và miền núi.

Quan hệ với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban dân tộc Hội đồng nhân dân các tỉnh: tuy Hội đồng dân tộc và Hội đồng nhân dân các tỉnh không phải là mối quan hệ ngành dọc, song lại có rất nhiều mối quan hệ gắn bó trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử trong lĩnh vực dân tộc và miền núi. Tất cả các hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và Ban dân tộc Hội đồng nhân dân của tỉnh. Mối quan hệ giữa Hội đồng dân tộc với Hội đồng nhân dân các tỉnh dân tộc miền núi vốn có truyền thống và ngày càng được củng cố tăng cường và đã thực sự góp phần xây dựng mối quan hệ giữa các cơ quan dân cử ở Trung ương và các cơ quan dân cử ở địa phương. Tháng 5-1996, Hội đồng dân tộc đã tổ chức Hội nghị giữa Hội đồng dân tộc với các Ban dân tộc Hội đồng nhân dân các tỉnh trong cả nước. Hội nghị đã mang lại kết quả rất tốt đẹp, được các cơ quan của Quốc hội đánh giá cao và các tỉnh nhiệt liệt hoan nghênh.

Quan hệ với Văn phòng Quốc hội: Văn phòng Quốc hội đã thực hiện theo quy chế, các yêu cầu phục vụ cho Hội đồng dân tộc đều được Văn phòng Quốc hội đáp ứng, phục vụ rất chu đáo, nên tiếp tục duy trì và phát huy theo quy định đó. Với tình hình hiện nay, Hội đồng dân tộc thấy rằng Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chưa nên có văn phòng riêng.

3. Tổ chức tiếp các đoàn cán bộ lão thành, già làng, trưởng bản về thăm Thủ đô:

Những năm gần đây, ngày càng nhiều đoàn cán bộ, già làng, trưởng bản và các tổ chức xã hội từ các vùng dân tộc trong cả nước đã về thăm Thủ đô và làm việc với Hội đồng dân tộc (bình quân mỗi năm có từ 8 đến 10 đoàn). Qua tiếp đón các già làng, trưởng bản, cán bộ lão thành dân tộc từ Bắc đến Nam đã nêu rất nhiều tâm tư nguyện vọng, có nhiều ý kiến đề đạt chính đáng với Đảng và Nhà nước. Hội đồng dân tộc đã tiếp thu và ghi nhận các ý kiến của đồng bào để phản ánh với Đảng và Nhà nước, đồng thời, đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đón tiếp chu đáo, tận tình. Nhìn chung, đồng bào các dân tộc về thăm và sau khi được Hội đồng dân tộc tiếp đón, đồng bào rất phấn khởi, tỏ lòng tin với Đảng và Nhà nước, hứa về sẽ cùng địa phương thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều cụ đã có những cảm tưởng sâu sắc. Ngoài ra, trong các chuyến đi công tác giám sát ở địa phương, Hội đồng dân tộc cũng đã chú ý đến các vị lão thành cách mạng của các dân tộc, cán bộ đã về hưu và già làng, trưởng bản có uy tín với đồng bào.

Định kỳ hằng năm, Hội đồng dân tộc có tổ chức gặp gỡ động viên cán bộ, trí thức và các văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số tại Thủ đô Hà Nội. Khi đồng bào dân tộc bị thiên tai, gặp khó khăn đều có đại diện thăm hỏi và có quà động viên như đồng bào bị lũ lụt ở Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa...

4. Về công tác tiếp dân và xem xét đơn thư khiếu nại, tố cáo:

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc từ các địa phương đã đến trực tiếp gặp Hội đồng dân tộc hoặc gửi đơn, thư khiếu tố đến Hội đồng dân tộc, Hội đồng dân tộc đã xem xét, nghiên cứu và chuyển đến các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết. Một số đơn thư có liên quan đến những vụ việc lớn, có nội dung rõ ràng không những chỉ chuyển tiếp mà Hội đồng còn thực hiện việc giám sát, giải quyết, trả lời, đồng thời, yêu cầu cơ quan nhận đơn, thư thông báo kết quả cho Hội đồng dân tộc biết để thông báo lại cho người có đơn thư.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc tiếp dân, giải quyết đơn thư của đồng bào chưa có hiệu quả rõ ràng, phần lớn là chuyển đến cơ quan có trách nhiệm, còn giải quyết thế nào? Giải quyết trả lời có thỏa đáng hay không? Vẫn chưa được giám sát và có biện pháp xử lý kiên quyết. Hội đồng dân tộc còn thiếu chủ động đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, với các cơ quan của Chính phủ để giải quyết những vụ việc có liên quan.

II- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC KHÓA IX

1. Về tổ chức bộ máy:

- Tổng số thành viên Hội đồng dân tộc khóa IX có 32 thành viên (trong đó 31 thành viên là dân tộc thiểu số, một thành viên là dân tộc Kinh). Đến giữa nhiệm kỳ có một đồng chí từ trần, cuối nhiệm kỳ có một đồng chí từ trần, nay còn 30 thành viên.

- Thành phần dân tộc: 29 dân tộc có thành viên trong Hội đồng dân tộc (trong đó bốn dân tộc có hai người: Êđê, Khơme, Dao, Mường).

- Nam có 25 đại biểu, nữ có 7 đại biểu.

- Thường trực chuyên trách có hai đại biểu (Chủ tịch Hội đồng dân tộc là Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và một Phó Chủ tịch thường trực).

- Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII có ba đại biểu.

- Cán bộ chủ chốt ở địa phương có bốn Bí thư tỉnh ủy, một Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bộ máy tổ chức của Hội đồng dân tộc cơ cấu như trên về cơ bản là hợp lý. Chủ tịch là Ủy viên thường vụ, trực tiếp nắm được những chủ trương và chương trình công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng và cán bộ chủ chốt của tỉnh là những đồng chí nắm vững chủ trương đường lối chính sách của Đảng, góp phần bảo đảm sự hoạt động của Hội đồng dân tộc đúng hướng đồng thời có nhiều thành phần dân tộc và các địa phương từ các miền của đất nước. Sự cấu tạo đó có thể giúp Hội đồng dân tộc hiểu được tình hình của các dân tộc và tình hình đặc điểm của các vùng dân tộc. Thực tế hoạt động trong nhiệm kỳ đã chứng minh điều đó.

Song để rút kinh nghiệm cho Hội đồng dân tộc khóa X, còn một số vấn đề cần được xem xét như: Khóa IX số đại biểu của các dân tộc tham gia Hội đồng dân tộc còn ít, mới có 53% (so với tổng số 54 dân tộc). Có dân tộc có hai thành viên, nhưng có dân tộc không có trong thành viên Hội đồng dân tộc. Có tỉnh tuy số dân tộc thiểu số đông như Sơn La, Hà Giang, Bắc Thái lại không có thành viên trong Hội đồng dân tộc, như vậy là không hợp lý. Bộ phận Thường trực gồm có một Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch trong đó có ba đồng chí là Ủy viên Trung ương, hai đồng chí là Bí thư tỉnh ủy, đều là những cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước, có hai đồng chí chuyên trách là hợp lý. Song cũng có nhược điểm là khó sinh hoạt, ít khi có buổi họp chính thức bộ phận thường trực mà phần lớn chỉ là gặp nhau hội ý hoặc tham gia bằng văn bản. Các đồng chí đó rất bận rộn về cương vị công tác chuyên trách của mình, nên ít có điều kiện tham gia hoạt động thường trực. Có một số ít thành viên hoạt động ở cơ sở cũng ít có điều kiện tham gia hoạt động Hội đồng mà chủ yếu là tham gia sinh hoạt tại các kỳ họp của Hội đồng dân tộc.

Vì vậy, Hội đồng dân tộc khóa IX xin kiến nghị:

- Hội đồng dân tộc khóa X, số lượng nên khoảng 35 người, cấu tạo, phân bổ đều theo các dân tộc và các địa phương có đại biểu trong Quốc hội, trong số đại biểu Hội đồng dân tộc phải có một số người có chuyên môn về luật (tất nhiên, phải lựa chọn các đại biểu có trình độ, có điều kiện tham gia hoạt động của Hội đồng), bảo đảm Hội đồng dân tộc hoạt động có hiệu quả, tránh hình thức.

- Số thành viên chuyên trách nên có từ bốn đến năm đại biểu (trong đó có một Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch chuyên trách).

2. Về hoạt động

Nhìn chung hoạt động của Hội đồng dân tộc khóa IX đã đảm bảo đều đặn, đúng quy chế và nói chung là có hiệu quả. Về các hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp đã được trình bày ở phần trên. Phần này xin trình bày rõ hoạt động của các thành viên và hoạt động của bộ phận Thường trực Hội đồng dân tộc. Tại kỳ họp Quốc hội, các thành viên Hội đồng dân tộc đã dành thời gian để thảo luận, bàn bạc quyết định chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm, 6 tháng và kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động đã đạt được ấn định chương trình của Hội đồng tham gia tại kỳ họp; thảo luận, quyết định các vấn đề cần thuyết trình, chất vấn..., các phiên sinh hoạt tập thể của Hội đồng dân tộc, thường được tiến hành vào trước các kỳ họp của Quốc hội: Nhìn chung, các phiên họp các thành viên đều tham gia sinh hoạt đầy đủ (tuy một số lần số đại biểu dự họp ít, nhưng chưa có lần nào vắng quá bán). Sinh hoạt tập thể của Hội đồng dân tộc khóa IX đã thực hiện được một số yêu cầu đổi mới: những nội dung sinh hoạt của Hội đồng đều được Thường trực chuẩn bị trước, gửi xin ý kiến từng thành viên; những vấn đề lớn có liên quan đến các ngành, Hội đồng đều tổ chức nghe tập thể để các ngành trực tiếp đến báo cáo, tạo mọi nguồn thông tin cần thiết có thể làm được để các thành viên nắm bắt kịp thời phục vụ cho hoạt động. Ba mươi mốt thành viên Hội đồng dân tộc đều đã tham gia công tác xây dựng luật và công tác giám sát tuy ở mức độ khác nhau, 12 đồng chí đã được tham gia các đoàn đi nước ngoài do Hội đồng dân tộc tổ chức (chưa kể đi theo các đoàn khác).

Về hoạt động của Bộ phận thường trực, lúc đầu thường trực có 6 đồng chí (sau kỳ họp thứ VI mất một đồng chí, đến kỳ họp thứ XI mất một đồng chí, hiện nay, chỉ còn bốn đồng chí) nhưng Thường trực chuyên trách chỉ có hai đồng chí. Hoạt động của Thường trực Hội đồng dân tộc đã đảm bảo cho mọi hoạt động của Hội đồng bán sát theo Nghị quyết của Quốc hội, theo đúng quy chế, đúng chương trình kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là quan hệ mở rộng, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng của Hội đồng dân tộc, mở rộng quan hệ đối ngoại. Phải khẳng định rằng: với sự đổi mới của Quốc hội khóa IX, Hội đồng dân tộc đã có bộ phận Thường trực, bộ phận Thường trực thực sự là nhân tố hành động tích cực, sáng tạo và là động lực quan trọng trong quá trình đổi mới hoạt động của Hội đồng dân tộc. Sự hoạt động ấy đã phần nào đáp ứng được ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX “Quốc hội ta không chỉ là cơ quan bàn và thông qua các quyết định mà còn là cơ quan hành động, không chỉ là thông qua các luật mà còn giám sát việc thi hành các luật đó”. Đồng bào các dân tộc đã tăng thêm lòng tin vào tổ chức Hội đồng dân tộc của Quốc hội, uy tín của Hội đồng dân tộc đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về thời gian họp của Hội đồng dân tộc thường sát với kỳ họp của Quốc hội, nội dung tài liệu nhận được chậm, nên các cuộc họp còn không tránh khỏi hình thức. Hoạt động đối ngoại ít được tham gia vào sự hoạt động chung của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, chưa chủ động đề xuất cần có sự tham gia của thành viên Hội đồng dân tộc với các đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đi ra nước ngoài với tư cách là đại diện Hội đồng dân tộc của Quốc hội, chưa có chất vấn và kiến nghị của tập thể Hội đồng dân tộc về những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, bức xúc phải giải quyết. Các ủy viên Hội đồng dân tộc nói chung giữ được mối liên hệ thường xuyên với Hội đồng dân tộc, nhưng cũng có một số vấn đề Hội đồng dân tộc yêu cầu không gửi hoặc không gửi kịp thời và ít báo cáo về vấn đề mà thành viên quan tâm cho Hội đồng.

III- MỘT SỐ KINH NGHIỆM

Trong thời gian hoạt động 5 năm của một nhiệm kỳ, Hội đồng dân tộc khóa IX xin sơ bộ rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

1. Công tác của Hội đồng dân tộc có vị trí, tính chất và tầm quan trọng bởi vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn. Để bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc: “Bình đẳng, đoàn kết tương trợ” giữa các dân tộc. Bảo đảm ổn định về chính trị, động viên, giáo dục đồng bào các dân tộc đoàn kết một lòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, các ngành và các địa phương có nhận thức được như vậy và tôn trọng thực hiện theo Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc thì mới giúp đỡ, ủng hộ, tạo điều kiện và đáp ứng những đòi hỏi, kiến nghị chính đáng của Hội đồng dân tộc để Hội đồng dân tộc có thể thực hiện được nhiệm vụ chính trị của mình tức là góp phần vào thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời muốn hoạt động có hiệu quả và càng ngày càng đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới thì Hội đồng dân tộc phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với dân tộc và Quốc hội. Nghiên cứu và đề xuất được những ý kiến trên các lĩnh vực không những đúng với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phải tự nâng cao năng lực để ngang tầm với vai trò vị trí của mình, có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ theo luật định, đồng thời, phải làm cho mọi người, mọi tổ chức chính trị, kinh tế - xã hội hiểu rõ vai trò, vị trí, chức năng của Hội đồng dân tộc để giúp đỡ, ủng hộ, giám sát và tôn trọng sự hoạt động của Hội đồng dân tộc trên cơ sở luật định.

Để hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc nói riêng và các cơ quan của Quốc hội nói chung có hiệu quả cao và đúng pháp luật, đòi hỏi các cơ quan và các địa phương được giám sát phải nghiêm túc đáp ứng những kiến nghị; qua các đợt giám sát, phải báo cáo cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban biết về việc đã tiếp thu, tổ chức khắc phục những thiếu sót được kiến nghị như thế nào cho rõ ràng.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nên có sự tổng hợp những kiến nghị xét thấy quan trọng và cần thiết để Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội thảo luận, ra nghị quyết để bảo đảm những kiến nghị, đề xuất quan trọng có ý nghĩa thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của đất nước có lợi cho dân tộc. Hiến pháp và pháp luật phải được thực hiện nghiêm ngay từ cơ quan trung ương trở xuống.

2. Muốn hoạt động tốt, Hội đồng dân tộc cần có cơ cấu hợp lý thành phần dân tộc và phân bổ hợp lý theo các vùng, phải thực sự xây dựng phong cách làm việc khoa học, lãnh đạo có uy tín, cán bộ giúp việc có phẩm chất đạo đức, có năng lực công tác, cán bộ giúp việc phải có trình độ, am hiểu thực tế, kinh nghiệm và tâm huyết với dân tộc và miền núi.

3. Mọi hoạt động, mọi hành động phải tuân thủ theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận dân chủ, bàn bạc các vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, quyết định theo đa số. Phải theo kỷ cương, pháp luật, thực hiện theo chương trình, kế hoạch, mục tiêu đã được tập thể thảo luận quyết định.

4. Để hoạt động của Hội đồng dân tộc mạnh, có hiệu quả cần phải thường xuyên chăm lo, xây dựng củng cố bộ phận Thường trực, đảm bảo thực sự là đầu mối, là trung tâm, là hạt nhân hoạt động của Hội đồng dân tộc. Hoạt động của bộ phận Thường trực phải đều tay, tập trung trí tuệ suy nghĩ vào những vấn đề lớn, không đi vào vụn vặt, sự vụ..., các thành viên có trách nhiệm tham gia hoạt động và thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng giao. Mỗi thành viên phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước Quốc hội, Hội đồng dân tộc và nhân dân các dân tộc. Tự mình rèn luyện, nâng cao trình độ, giữ vững phẩm chất đạo đức, thực sự vì dân, vì dân tộc thiểu số còn nghèo khổ và thực hiện tốt trách nhiệm cá nhân với tập thể Hội đồng. Trong thời gian không họp phải giữ mối liên hệ thường xuyên với Thường trực. Tham gia ý kiến về các vấn đề Hội đồng yêu cầu và báo cáo những vấn đề có liên quan qua công tác ở cương vị của mình và những vấn đề thuộc lĩnh vực công tác của Hội đồng.

Mặt khác, để giúp cho các thành viên của Hội đồng dân tộc hoạt động ngoài việc Thường trực giữ mối liên hệ thường xuyên với các thành viên, cần có hướng dẫn hoạt động trong từng thời kỳ. Yêu cầu các thành viên báo cáo về chương trình hoạt động và kết quả công tác của thành viên về Thường trực. Để tạo điều kiện hoạt động cho các thành viên nên có quy định về phạm vi, nhiệm vụ và hiệu lực của các thành viên trong công tác giám sát và có chế độ cho sự hoạt động của thành viên Hội đồng dân tộc.

Tóm lại, Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ của Hội đồng dân tộc tại Ninh Thuận qua hai ngày kiểm điểm, tổng kết, Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã đánh giá: tuy còn một số tồn tại nhưng cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao, thực hiện theo đúng luật và Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc. Hội đồng dân tộc xin cám ơn Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan của Đảng và Nhà nước, Thường trực Hội đồng nhân dân và các cơ quan chính quyền địa phương trong cả nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hội đồng dân tộc hoàn thành nhiệm vụ của mình.

TM. HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

Chủ tịch

B.S Y NGÔNG NIÊK ĐĂM

 


 

* Báo cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội (BT).

 

 

Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội