VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO TỔNG KẾT
HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT
CỦA QUỐC HỘI
TRONG NHIỆM KỲ
QUỐC HỘI KHÓA IX (1992-1997
)
*

A- VỀ TỔ CHỨC VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG,
NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX đã bầu Ủy ban pháp luật gồm 23 thành viên, trong đó gồm Chủ nhiệm, hai Phó Chủ nhiệm tổ chức thành bộ phận thường trực, có hai đồng chí trong thường trực Ủy ban làm việc theo chế độ chuyên trách và 21 thành viên khác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Số thành viên Ủy ban pháp luật công tác ở các cơ quan Trung ương là 7 đồng chí, ở địa phương là 16 đồng chí; 9 đồng chí làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, hai đồng chí làm việc tại cơ quan Đảng ở địa phương, ba đồng chí làm việc tại các Tòa án nhân dân, hai đồng chí làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bốn đồng chí làm việc tại các đoàn thể xã hội và một đồng chí làm việc tại đơn vị sản xuất - kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 95, Điều 96 của Hiến pháp năm 1992 và Điều 23 của Luật tổ chức Quốc hội, Ủy ban pháp luật có những nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh về tổ chức bộ máy Nhà nước, về hình sự, dân sự, hành chính, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao, tham gia thẩm tra các dự án do Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật;

2. Thẩm tra đề án thành lập, bãi bỏ các Bộ và cơ quan ngang Bộ, nhập, chia, thành lập mới, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

3. Giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc các lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước về hình sự, dân sự, hành chính; giám sát việc ban hành nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng pháp luật trong hoạt động kiểm sát, xét xử; giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

4. Kiến nghị các biện pháp cần thiết nhằm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, Ủy ban đã thực hiện các nhiệm vụ nói trên thể hiện ở các mặt công tác sau đây:

I- VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

1. Về công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh:

Trong nhiệm kỳ khóa IX (tính đến tháng 4-1997), Ủy ban pháp luật đã chủ trì thẩm tra 23 dự án luật, 18 pháp lệnh và 6 quy chế (có phụ lục kèm theo), trong số đó Quốc hội đã xem xét, thông qua 15 luật, 5 quy chế; Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 15 pháp lệnh và 1 quy chế. Điều đáng lưu ý là, trong số các dự án luật được Quốc hội thông qua có những dự án lớn, rất quan trọng như Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Trong việc tham gia thẩm tra với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban pháp luật (Thường trực, thành viên, đại diện của Ủy ban) đã tham gia thẩm tra 28 dự án luật, 28 dự án pháp lệnh khác (Có phụ lục kèm theo).

Cùng với việc thẩm tra, tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban pháp luật còn thẩm tra 30 dự án, báo cáo khác thuộc lĩnh vực  hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; đồng thời hằng năm Ủy ban cũng thẩm tra dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cá nhân trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 Để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, trong cả nhiệm kỳ, Ủy ban pháp luật đã tổ chức 52 phiên họp, trong đó gồm 20 phiên họp toàn thể, 16 phiên họp thường trực mở rộng và 16 phiên họp của Thường trực Ủy ban pháp luật, các phiên họp của Ủy ban pháp luật thường được tiến hành trong nhiều ngày, có phiên kéo dài tới 12 ngày.

Về tổ chức hoạt động, thực tế cho thấy việc tổ chức họp toàn thể Ủy ban một cách thường xuyên để thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh có gặp khó khăn, nhất là đối với các dự án luật, pháp lệnh phải trình, thẩm tra nhiều lần. Do đó, ngoài việc tổ chức họp toàn thể, Ủy ban còn tổ chức họp thành hai cụm ở phía Bắc và phía Nam; họp thường trực Ủy ban pháp luật mở rộng (bao gồm các đồng chí trong thường trực và một số đồng chí thành viên khác), họp Thường trực và đại diện một số cơ quan tham gia. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định tại Điều 3 Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội về nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số, thì đây là một trong những vấn đề cần sớm được nghiên cứu để có phương án tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Ủy ban pháp luật cũng như các Ủy ban khác của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ thẩm tra dự án luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ tới. Trong điều kiện hầu hết các đại biểu Quốc hội làm việc kiêm nhiệm thì việc họp Thường trực hay Thường trực mở rộng để thẩm tra sơ bộ các dự án, tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các dự án luật hoặc các dự án pháp lệnh là rất cần thiết.

Để phục vụ cho công tác thẩm tra chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, cá nhân trình, Ủy ban pháp luật đã cử chuyên viên trực tiếp làm việc với các cơ quan soạn thảo dự án luật, pháp lệnh để nắm bắt tình hình thực tế của việc chuẩn bị; tổ chức một số buổi làm việc giữa Ủy ban và cơ quan soạn thảo nghe giải trình, báo cáo về sự cần thiết ban hành văn bản, về quá trình chuẩn bị dự án, những việc đã làm và tiến trình trong thời gian tiếp theo. Trên cơ sở đó, Ủy ban pháp luật báo cáo ý kiến của mình với Ủy ban thường vụ Quốc hội để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Về thẩm tra các dự án khác:

Trong nhiệm kỳ khóa IX, Ủy ban pháp luật đã thẩm tra một số dự án khác theo quy định tại Điều 23 của Luật tổ chức Quốc hội, đó là đề án thành lập, bãi bỏ các Bộ, cơ quan ngang Bộ; nhập, chia, thành lập mới, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thẩm tra báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thẩm tra một số dự án, báo cáo khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội giao như Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-07-1991, Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010, Báo cáo về chống tham nhũng, chống buôn lậu, báo cáo về công tác thi hành án, công tác quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức, về tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế hằng năm của hai cơ quan này, về phê chuẩn Hội thẩm Tòa án nhân dân, v.v.. Báo cáo về các vụ án tham nhũng... Ủy ban pháp luật đã tổ chức 6 cuộc họp (3 phiên họp toàn thể, 3 phiên họp Thường trực) để thẩm tra đề án do Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tại khu vực Đèo Cả - Vũng Rô; đề án điều chỉnh một bước tổ chức bộ máy một số cơ quan của Chính phủ và Tờ trình Quốc hội quyết định điều chỉnh địa giới của 9 tỉnh, thành phố. Sau các cuộc họp thẩm tra về các dự án, báo cáo nói trên, Ủy ban pháp luật đều có báo cáo thẩm tra trình Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Để phục vụ công tác thẩm tra Đề án điều chỉnh địa giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tại khu vực Đèo Cả - Vũng Rô, Ủy ban pháp luật đã cử thành viên tham gia Đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội về làm việc với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cơ quan hữu quan tại hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa; tham khảo ý kiến của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của hai huyện có liên quan tới khu vực Đèo Cả - Vũng Rô và ý kiến của một số đại diện của nhân dân thôn Vũng Rô. Đồng thời, căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như của hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ủy ban pháp luật đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm việc điều chỉnh địa giới này và về cơ bản được địa phương đồng tình.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, công tác thẩm tra của Ủy ban về các đề án này còn bị động, có nhiều lúng túng, nhất là trong việc thẩm tra đề án điều chỉnh một bước một số cơ quan của Chính phủ. Đề án phân vạch, điều chỉnh địa giới một số tỉnh khi việc thẩm tra những đề án này chưa nghiên cứu, xem xét được một cách toàn diện các vấn đề trên cơ sở một phương án tổng thể về tổ chức bộ máy của Chính phủ, phù hợp với mục tiêu cải cách nền hành chính quốc gia, chưa làm việc trực tiếp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương và tham khảo ý kiến nhân dân nhằm làm rõ tính cấp thiết, những thuận lợi, khó khăn và những vấn đề cần phải quan tâm..., để triển khai, chỉ đạo thực hiện, bảo đảm yêu cầu trước mắt về cải cách một bước bộ máy hành chính. Việc tham mưu cho Quốc hội trong việc quyết định về vấn đề này còn bị động.

3. Việc tham gia soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh:

- Ủy ban pháp luật (Thường trực Ủy ban hoặc cử chuyên viên) tham gia vào việc chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh; công việc này được tiến hành sau khi thẩm tra, nhất là sau khi Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

- Thường trực Ủy ban pháp luật cũng cử thành viên Ủy ban hoặc chuyên viên tham gia vào việc soạn thảo văn bản do các cơ quan của Quốc hội chủ trì soạn thảo hoặc cử chuyên viên tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đối với các dự án do các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo. Việc tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án luật, pháp lệnh có tác dụng thiết thực giúp Ủy ban pháp luật nắm bắt sớm về các nội dung của dự án, nhất là đối với những vấn đề có ý kiến khác nhau nhằm phục vụ tốt cho việc thẩm tra của Ủy ban.

4. Tham gia tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp và tiến hành khảo sát thực tiễn:

Trong những năm qua, theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban pháp luật đã tham gia tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp và phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành khảo sát thực tế ở một số địa phương, cơ sở về một số dự án luật, pháp lệnh như: Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi), Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật đất đai, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp, Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuế đất..., sau đó, chỉ đạo việc tập hợp, tổng hợp ý kiến để làm căn cứ thực tiễn cho việc thẩm tra, chỉnh lý các dự án. Tuy nhiên, cho tới nay, pháp luật cũng chưa quy định cụ thể về cơ chế và trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra, Văn phòng Quốc hội trong việc giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, pháp lệnh. Đây là vấn đề cần được tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm để có quy định cụ thể, sát hợp nhằm bảo đảm cho các cơ quan này thực hiện theo đúng chức năng cũng như sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả.

5. Tham gia rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật đối với văn bản luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua:

Ủy ban pháp luật được giao nhiệm vụ tham gia vào việc rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật lập pháp đối với hầu hết các dự án luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký để chuyển sang Chủ tịch nước công bố. Công việc này là cần thiết nhằm tránh những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật cũng như hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật lập pháp. Tuy nhiên, trong việc tổ chức, trách nhiệm của từng cơ quan trong thực hiện việc rà soát, hoàn thiện văn bản đã được thông qua cần phải tổng kết, rút kinh nghiệm để xem xét, quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác này.

6. Tham gia soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh:

Để góp phần đưa pháp luật vào đời sống xã hội, Ủy ban pháp luật đã tham gia với các cơ quan hữu quan trong việc soạn thảo một số văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành như Luật đất đai, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất..., bảo đảm cho các văn bản này thể hiện đúng tinh thần và nội dung các quy định của luật, pháp lệnh, tạo điều kiện để các cơ quan hữu quan làm tốt công tác thi hành pháp luật. Thông qua công tác này, Ủy ban cũng có thêm những thông tin cần thiết trong công tác giám sát việc thực hiện các luật, pháp lệnh mới được ban hành và giám sát việc ban hành văn bản pháp quy.

II- VỀ CÔNG TÁC GIÁM SÁT

Mặc dù công tác xây dựng pháp luật chiếm thời gian khá lớn, song Ủy ban pháp luật đã cố gắng thực hiện công tác giám sát của mình, nhất là trong việc tổ chức đoàn đi giám sát trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị trọng điểm ở trung ương và địa phương. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban pháp luật đã tổ chức nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan báo cáo về các vấn đề thuộc lĩnh vực Ủy ban có nhiệm vụ giám sát; tổ chức việc nghiên cứu đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi tới Ủy ban và đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm giải quyết; tổ chức thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Qua công tác giám sát, Ủy ban thấy rõ hơn thực trạng của việc thi hành pháp luật ở một số ngành, địa phương và đã có những kiến nghị cần thiết trong công tác xây dựng pháp luật, thi hành và áp dụng pháp luật, hỗ trợ ngành, địa phương giải quyết những tồn tại.

- Hoạt động giám sát được thể hiện trên một số mặt công tác sau đây:

+ Giám sát việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh được ban hành như việc thi hành pháp luật đất đai, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi), v.v. tại một số địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Minh Hải, Cần Thơ, An Giang, Hải Hưng, Sông Bé, Đồng Tháp;

+ Giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, trọng tâm là Nghị quyết về công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu tại một số cơ quan ở các địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Minh Hải, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hải Hưng, Tây Ninh, Sóc Trăng;

+ Giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng như hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, hoạt động của cơ quan Công an trong việc bắt, giam, giữ, thi hành án phạt tù; giám sát việc giải quyết một số vụ án dân sự phức tạp, v.v. tại một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Hà, Đồng Nai, Long An, Hà Bắc, Hải Phòng, Đồng Tháp, Sông Bé, Bến Tre, Ninh Bình, Tây Ninh, Lạng Sơn...

+ Giám sát việc ban hành các văn bản pháp quy của một số cơ quan nhà nước ở Trung ương như việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai, Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, Pháp lệnh về giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân.

- Về hoạt động cụ thể:

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Ủy ban pháp luật đã tổ chức các cuộc họp để xem xét, cho ý kiến 30 báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan về tình hình thi hành pháp luật, về hoạt động của các ngành, về tình hình đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu và một số lĩnh vực khác thuộc trách nhiệm giám sát của Ủy ban (có phụ lục kèm theo); tổ chức 13 đoàn đi giám sát tại một số cơ quan ở Trung ương và địa phương, tham gia 12 đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cử 5 đoàn cấp lãnh đạo Vụ và chuyên viên đi nghiên cứu một số vụ việc ở địa phương để báo cáo Thường trực Ủy ban xem xét, xử lý. Ngoài các đoàn giám sát kể trên, Ủy ban pháp luật còn giám sát một số vụ việc cụ thể do lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

Ủy ban pháp luật đã nhận được hàng nghìn đơn thư khiếu nại, tố cáo của các công dân, đơn vị kinh tế và cơ quan gửi đến Ủy ban; đại bộ phận trong số đơn đó đã được tổ chức nghiên cứu và chuyển tới các cơ quan chức năng và đôn đốc việc giải quyết, trả lời cho đương sự. Ngoài ra, Ủy ban pháp luật cũng đã xử lý trên 50 đơn thư do các đồng chí lãnh đạo Quốc hội giao và đã tham mưu, kiến nghị được các phương án giải quyết cụ thể; một số vụ việc phức tạp kéo dài, Ủy ban đã tổ chức đoàn giám sát có đại diện các cơ quan hữu quan tham gia để nghiên cứu cụ thể, qua đó có sự trao đổi, kể cả việc tranh luận để đề xuất với lãnh đạo Quốc hội; nhiều địa phương, cơ quan đã báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại mà Ủy ban pháp luật chuyển đến cho thường trực Ủy ban.

III- VỀ MỘT SỐ CÔNG TÁC KHÁC

a) Ủy ban pháp luật được lãnh đạo Quốc hội giao nhiệm vụ nghiên cứu và chuẩn bị đề cương và dự thảo hai đề án: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội” và “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp” phục vụ cho đề án chung về Nhà nước trình Hội nghị Trung ương 3. Để thực hiện nhiệm vụ này, Thường trực Ủy ban pháp luật đã tổ chức, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tập trung nghiên cứu xây dựng hai đề án với sự cố gắng, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao. Các đề án đã tập trung phản ánh và đánh giá các mặt hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, của các cơ quan tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trên cơ sở đó, đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan này. Hai đề án đã được trình Đảng đoàn Quốc hội và Bộ Chính trị cho ý kiến và đã có kết luận bước đầu:

b) Về công tác đối ngoại:

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban pháp luật đã tổ chức hai đoàn thăm và trao đổi kinh nghiệm công tác với Ủy ban pháp luật của Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa Liên bang Đức. Đồng thời Ủy ban pháp luật cũng tổ chức đón tiếp và trao đổi kinh nghiệm công tác với các đoàn Ủy ban pháp luật của Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ủy ban pháp luật của Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức, Ủy ban tư pháp của Quốc hội Na Uy, một số tổ chức, khách quốc tế sang thăm và làm việc tại nước ta. Ngoài ra, một số thành viên Ủy ban pháp luật đã tham gia Đoàn công tác đối ngoại của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội đi thăm và làm việc tại một số nước.

Ủy ban pháp luật đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức hai cuộc hội thảo do Tổ chức Phát triển quốc tế Canađa (CIDA) tài trợ để trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp luật.

Trong công tác đối ngoại, Ủy ban pháp luật luôn thể hiện đúng đường lối, quan điểm của Đảng, theo nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và luôn luôn giữ độc lập tự chủ; tăng cường hiểu biết lẫn nhau, nghiên cứu, học tập có chọn lọc kinh nghiệm kỹ năng lập pháp của một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, cho tới nay công tác đối ngoại của Ủy ban cũng chưa làm được nhiều, nội dung và phạm vi hoạt động đối ngoại còn hẹp, hình thức hoạt động chưa phong phú để thu hút được nhiều thành viên của Ủy ban pháp luật tham gia. Do chưa bố trí được thời gian thích hợp nên chưa thực hiện được kế hoạch thăm và làm việc với Ủy ban pháp luật của Trung Quốc và một số nước khác.

B- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ VÀ NGUYÊN NHÂN TỒN TẠI TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

1. Về công tác xây dựng pháp luật:

- Về cơ bản, các thành viên Ủy ban pháp luật đã dành quỹ thời gian tương đối lớn để tham gia các hoạt động của Ủy ban. Nhiều đồng chí trước khi về họp Ủy ban đã quan tâm đến việc lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị hữu quan ở địa phương về các dự án, báo cáo liên quan, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng thiết thực cho các dự án.

Ủy ban pháp luật đã tổ chức thẩm tra kịp thời, nghiêm túc các dự án luật, pháp lệnh được phân công. Về cơ bản, các đề xuất của Ủy ban pháp luật được cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh lý. Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật đã thể hiện đúng đắn các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; nhiều kiến nghị của Ủy ban được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành, làm cơ sở cho việc thảo luận, xem xét và thông qua.

Trong điều kiện phải đảm nhiệm việc chủ trì thẩm tra một khối lượng khá lớn các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác, Ủy ban pháp luật đã cố gắng bằng nhiều hình thức thích hợp tham gia với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh khác nhằm góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là trong giai đoạn rà soát, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến.

- Để bảo đảm chất lượng thẩm tra và chỉnh lý các dự án, nhất là đối với các dự án lớn, nội dung phức tạp, Ủy ban pháp luật đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc đi khảo sát thực tế, tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, chủ động lấy ý kiến của các chuyên gia, các ngành, các địa phương để có thêm thông tin, tư liệu thực tiễn phục vụ công tác thẩm tra. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan trong việc soạn thảo và chỉnh lý dự án.

Một số tồn tại:

- Việc thẩm tra dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa xem xét một cách đầy đủ những căn cứ quan trọng để xác định tính cần thiết của việc ban hành một văn bản luật, pháp lệnh, cũng như chưa xem xét được một cách toàn diện các yếu tố, điều kiện để đánh giá đúng mức về khả năng thực tế của việc chuẩn bị các dự án trước khi đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Do đó, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội chưa thực hiện đúng và đầy đủ. Số lượng văn bản chưa được phân bổ đều ở các lĩnh vực, chưa tập trung vào những lĩnh vực có nhu cầu cấp thiết. Một số luật chậm đi vào cuộc sống vì mới chỉ quy định những nguyên tắc chung, thiếu chi tiết cụ thể. Tất cả những hạn chế đó cũng có một phần trách nhiệm của Ủy ban pháp luật.

- Việc thẩm tra đối với một số dự án luật, pháp lệnh cũng còn bộc lộ những lúng túng trong việc xử lý một số quan điểm có tính chất định hướng. Cá biệt đối với một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến sơ bộ có vấn đề trong báo cáo thẩm tra mới chỉ đề cập các loại ý kiến của các thành viên Ủy ban mà chưa khẳng định được quan điểm chung của Ủy ban, do đó, chưa phát huy tốt vai trò làm tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc xem xét và quyết định.

- Công tác tham gia thẩm tra của Ủy ban pháp luật với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác tuy đã có nhiều cố gắng song chưa làm được nhiều, nhất là trong giai đoạn thẩm tra sơ bộ hoặc phối hợp xem xét, cho ý kiến trong các giai đoạn thẩm tra. Do vậy, hình thức thể hiện (kỹ thuật xây dựng văn bản) một số luật, pháp lệnh còn có chỗ chưa bảo đảm tính thống nhất.

- Việc tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia pháp luật về các dự án chưa làm được nhiều, chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên thường xuyên của Ủy ban trong công tác xây dựng pháp luật. Việc tham gia vào quá trình giải thích luật, pháp lệnh còn quá ít, chưa tham mưu được cho Ủy ban thường vụ Quốc hội những giải pháp tốt để khắc phục tồn tại trong công tác này.

Nguyên nhân của những tồn tại:

- Khối lượng công việc mà Ủy ban pháp luật được giao và đảm nhiệm là rất lớn (bao gồm cả những công việc đột xuất do lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội giao), trong khi đó ngoài hai đồng chí trong Thường trực Ủy ban làm việc theo chế độ chuyên trách thì các thành viên khác của Ủy ban pháp luật đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trong số các thành viên Ủy ban làm việc theo chế độ kiêm nhiệm thì nhiều đồng chí là người có vị trí chủ chốt của ngành, địa phương nên thời gian dành cho hoạt động của Ủy ban còn rất hạn chế, nhất là việc tham gia các phiên họp thẩm tra các dự án cũng như các hoạt động giám sát. Nhiều dự án luật, pháp lệnh và các tài liệu cần thiết khác do các cơ quan soạn thảo chuẩn bị chậm nên không được gửi tới các thành viên Ủy ban trước phiên họp, do đó các đại biểu không có thời gian nghiên cứu sâu để đóng góp ý kiến. Bởi vậy, kết quả một số phiên họp của Ủy ban còn bị hạn chế.

- Việc soạn thảo một số dự án chất lượng còn yếu, có dự án phải trình đi, trình lại nhiều lần, nên không ít trường hợp Ủy ban pháp luật đã phải phối hợp với các cơ quan đầu tư nhiều thời gian trực tiếp tham gia chỉnh lý và như vậy càng tăng thêm khối lượng công việc đối với Ủy ban.

2. Về công tác giám sát:

- Từng thành viên Ủy ban pháp luật đã xác định trách nhiệm đối với công tác giám sát của Ủy ban, do đó, mặc dù phải kiêm nhiệm nhiều công việc tại các cơ quan ở Trung ương và địa phương, nhưng nhiều đồng chí đã cố gắng bố trí thời gian tham gia vào hoạt động giám sát của Ủy ban pháp luật.

- Công tác giám sát mặc dầu chưa tiến hành được nhiều song hàng năm Ủy ban pháp luật đã cố gắng tổ chức một số đoàn giám sát, nghe báo cáo của các ngành hữu quan và chỉ đạo việc nghiên cứu, giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi tới Ủy ban.

- Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban pháp luật có thêm những căn cứ thực tiễn trong việc xem xét, thẩm tra các dự án, nhất là các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội những vấn đề cần tập trung trong việc giám sát; chỉ đạo thi hành pháp luật về các lĩnh vực đất đai, về chống tham nhũng, buôn lậu, việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đề xuất và kiến nghị những biện pháp để tổ chức triển khai thi hành pháp luật trong các lĩnh vực này.

- Việc tổ chức các đoàn đi giám sát, kiểm tra cụ thể một số hoạt động của các cơ quan trong việc thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật, nhất là trong hoạt động của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án, quản lý các Tòa án nhân dân địa phương đã giúp cho công tác thẩm tra của Ủy ban pháp luật có được những đánh giá đúng đắn, toàn diện, phát hiện được một số tồn tại trong hoạt động của các cơ quan này. Qua đó đề xuất, kiến nghị biện pháp cần thiết yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương xem xét, có biện pháp khắc phục, góp phần bảo đảm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước ta.

Một số tồn tại và nguyên nhân:

- Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song nhìn chung, công tác giám sát của Ủy ban pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với công tác chống tham nhũng, buôn lậu, tình trạng tiêu cực, cửa quyền hiện nay. Việc giám sát cũng mới chủ yếu là nghe các địa phương, đơn vị báo cáo, thời gian đi kiểm tra thực tế rất ít. Công tác giám sát ban hành văn bản dưới luật còn yếu. Tổ chức thực hiện công tác giám sát nói chung còn lúng túng, kể cả trong việc xác định phạm vi giám sát giữa Ủy ban pháp luật và Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Số lượt các thành viên Ủy ban pháp luật tham gia Đoàn giám sát tại các cơ quan, địa phương còn hạn chế do Thường trực Ủy ban chưa chủ động bố trí chương trình, xây dựng nội dung, thống nhất thời gian, địa điểm nên các thành viên thường bị động, không thể tham gia hoạt động giám sát. Việc đôn đốc các cơ quan thực hiện những kiến nghị của Đoàn giám sát chưa thường xuyên. Ủy ban pháp luật chưa có kế hoạch để các thành viên của Ủy ban phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội, với Thường trực Hội đồng nhân dân ở các địa phương đi giám sát.

- Công tác giám sát hoạt động của các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án còn nhiều hạn chế, nhất là trong khi nhân dân, báo chí đã phát hiện có nhiều hiện tượng tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan này, nhưng hoạt động giám sát của Ủy ban pháp luật mới chỉ dừng lại ở những đánh giá và kiến nghị chung đối với toàn ngành mà chưa đi vào phát hiện, đánh giá, kiến nghị xử lý đối với vụ việc cụ thể. Việc giám sát mới tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam, ít tổ chức đi giám sát ở các tỉnh miền Trung.

- Công tác nghiên cứu, chuyển đến cơ quan hữu quan, đôn đốc và theo dõi giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi tới Ủy ban pháp luật còn có nhiều hạn chế, đơn thư còn tồn đọng và chưa tìm ra được một giải pháp hữu hiệu trong công tác này, việc đôn đốc chưa thường xuyên đối với các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Nhiều đơn thư chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn đến các cơ quan hữu quan.

- Quy định của pháp luật để triển khai hoạt động giám sát cho tới nay vẫn chưa cụ thể, nhất là về phương thức, cơ chế, nội dung giám sát chưa được quy định cụ thể làm căn cứ pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai hoạt động giám sát của Ủy ban pháp luật.

3. Về tổ chức:

- Nhìn chung, tổ chức của Ủy ban pháp luật trong nhiệm kỳ qua đã bước đầu bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Quốc hội, hoạt động có chất lượng và đạt hiệu quả, tích lũy được một số kinh nghiệm thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh nói riêng và công tác xây dựng pháp luật nói chung. Nhiều đồng chí tích cực, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao đối với công tác của Ủy ban.

- Các thành viên của Ủy ban pháp luật công tác tại các cơ quan, ngành và các địa phương khác nhau nên đã cung cấp nhiều thông tin kinh nghiệm thực tiễn cho hoạt động của Ủy ban pháp luật, góp phần làm cho công tác thẩm tra, giám sát của Ủy ban pháp luật gắn liền với hoạt động thực tiễn; việc triển khai giám sát ở một số địa phương cũng thuận lợi và tiết kiệm hơn.

- Tuy nhiên, đối chiếu với nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định thì tổ chức và hoạt động của Ủy ban pháp luật có mặt chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vì cho tới nay, Ủy ban vẫn chỉ có hai đồng chí trong Thường trực làm việc theo chế độ chuyên trách, còn 21 thành viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc của Ủy ban pháp luật rất lớn. Đây là một trong những khó khăn trong tổ chức và hoạt động của Ủy ban pháp luật khóa IX đồng thời cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Ủy ban pháp luật trong nhiệm kỳ qua.

C- PHƯƠNG HƯỚNG TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT TRÊN CƠ SỞ HIẾN PHÁP NĂM 1992 VÀ LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

1. Về tổ chức:

Cần tăng cường số thành viên của Ủy ban pháp luật làm việc theo chế độ chuyên trách khoảng 1/3 tổng số thành viên Ủy ban, bao gồm các đại biểu là luật gia, những người có điều kiện và kinh nghiệm trong các lĩnh vực tham gia hoạt động của Ủy ban để đáp ứng một phần yêu cầu, bảo đảm chế độ hoạt động tập thể, quyết định theo đa số và hoạt động thường xuyên. Tăng cường số Phó Chủ nhiệm phụ trách các mặt công tác của Ủy ban. Đối với các thành viên Ủy ban pháp luật hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, cần bố trí thời gian để tham gia công tác của Ủy ban theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội. Đồng thời, xác định lề lối làm việc, mối quan hệ công tác giữa Thường trực Ủy ban với các thành viên kiêm nhiệm. Cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên thường xuyên cho công tác xây dựng pháp luật của Ủy ban.

2. Về hoạt động:

a) Về công tác xây dựng pháp luật:

Với thực trạng về tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hiện nay cũng như phương án đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong những năm tiếp theo trong khuôn khổ của Hiến pháp năm 1992, thì những quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban pháp luật, cũng như việc phân công trách nhiệm xây dựng pháp luật nói chung và công tác thẩm tra nói riêng giữa Ủy ban pháp luật, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội mà Luật tổ chức Quốc hội đã quy định là tương đối hợp lý và phù hợp với điều kiện tổ chức của Quốc hội. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban pháp luật, nhất là về nhiệm vụ giám sát việc ban hành văn bản của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trên các lĩnh vực là quá tải, nên chăng phân định chức năng này cho Hội đồng và các Ủy ban theo lĩnh vực mà Hội đồng và Ủy ban phụ trách; quy định cụ thể sự phối hợp giữa Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh mà nội dung liên quan tới các lĩnh vực hoạt động của nhiều Ủy ban; trách nhiệm của từng cơ quan trong việc phục vụ công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, pháp lệnh...

Cơ quan có trách nhiệm trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác cần cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu cần thiết, tiến hành tổng kết hoạt động thực tiễn về lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật, pháp lệnh để làm cơ sở cho Ủy ban tiến hành xem xét, thẩm tra các dự án. Xem xét, cân nhắc một cách thận trọng và khách quan tất cả các ý kiến, quan điểm khác nhau trong quá trình xây dựng, thẩm tra dự án. Đôn đốc, phối hợp tham gia ngay từ đầu công tác soạn thảo dự án để phục vụ tốt công tác thẩm tra. Tổ chức tốt việc tham gia xây dựng, chỉnh lý và rà soát, hoàn thiện dự án bằng các phương thức tổ chức, huy động lực lượng hợp lý và khoa học. Trong đó làm tốt công tác sử dụng chuyên gia, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, chú trọng công tác lấy ý kiến các ngành, cơ quan, địa phương có liên quan.

b) Về công tác giám sát:

- Xác định trọng tâm các vấn đề cần tập trung giám sát, trong đó chú trọng giám sát đối với việc ban hành văn bản và hoạt động của các cơ quan ở cấp trung ương như Chính phủ, các Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khi xây dựng chương trình giám sát cần có kế hoạch cụ thể, chủ động thời gian để các thành viên sắp xếp công việc tham gia; tập trung lực lượng thực hiện cho được chương trình giám sát, không dàn trải hoặc kiến nghị chung chung. Tăng cường giám sát đối với các hoạt động tư pháp nhất là việc bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

- Tổ chức các phương thức giám sát linh hoạt để huy động được nhiều thành viên của Ủy ban tham gia, trong đó làm tốt công tác phối hợp giữa Ủy ban pháp luật với cơ quan nơi đoàn tới giám sát, cơ quan hữu quan khác, bảo đảm cho hoạt động giám sát gắn liền với thực tế và đưa ra những kiến nghị xác đáng, cụ thể, chú trọng các giải pháp xử lý vụ việc.

- Tăng cường hơn nữa sự phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban pháp luật với các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội về những vấn đề có quan hệ đến trách nhiệm của các Ủy ban.

3. Các điều kiện bảo đảm hoạt động của Ủy ban pháp luật:

- Cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự án với công tác thẩm tra của Ủy ban pháp luật, nhất là trong việc bảo đảm tiến độ xây dựng dự án, việc gửi dự án, tài liệu tham khảo trong nước và nước ngoài phục vụ thẩm tra phải bảo đảm đúng thời gian mà pháp luật đã quy định. Để bảo đảm chất lượng của công tác thẩm tra, các cơ quan chuẩn bị dự án phải chuẩn bị luôn cả dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Cần tăng cường đội ngũ cán bộ cho Vụ pháp luật là đơn vị giúp việc, tham mưu trực tiếp cho Ủy ban. Thời gian qua cho thấy, mặc dù Vụ pháp luật đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu cho Ủy ban, song đội ngũ cán bộ của Vụ còn quá thiếu, kinh nghiệm và khả năng công tác của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều (hiện nay cả Vụ mới có 17 cán bộ nghiên cứu và một văn thư, một đồng chí đang đi học dài hạn ở nước ngoài), trong khi đó công việc phải cần tới 30 cán bộ nghiên cứu và việc tuyển chọn cán bộ gặp không ít khó khăn, nên số cán bộ hiện có phải làm việc ngoài giờ nhiều. Đây là những tồn tại cần phải có biện pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện số đông thành viên Ủy ban pháp luật làm việc theo chế độ không chuyên trách thì tổ chức và chất lượng đội ngũ chuyên gia của bộ phận giúp việc là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của Ủy ban pháp luật.

4. Một số kiến nghị:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội cần tiến hành tổng kết thực tiễn việc thi hành luật, pháp lệnh, nhất là đối với các lĩnh vực mà cán bộ và nhân dân quan tâm như chống tham nhũng, buôn lậu. Qua tổng kết mà có thể đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều luật để xét xử nhanh chóng, kịp thời hơn, chính xác và nghiêm minh.

- Đối với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiêu cực thì người đứng đầu ngành, lĩnh vực này cần phải điều trần trước Quốc hội.

- Chính phủ nên có báo cáo trước Quốc hội về tình hình tổ chức bộ máy, biên chế trong thời gian qua (về việc tách, nhập Bộ, tách nhập và chia lại địa giới tỉnh, thành phố, những kết quả và tồn tại).

- Cần nghiên cứu để có thể kiến nghị tách Ủy ban pháp luật thành hai Ủy ban, Ủy ban pháp luật và Ủy ban tư pháp và thành lập thêm một số Ủy ban mới như Ủy ban dân nguyện đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Ủy ban của Quốc hội.

- Cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn trong Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội về chế độ làm việc, phạm vi công tác của Thường trực Ủy ban, thành viên Ủy ban làm việc theo chế độ chuyên trách và kiêm nhiệm.

- Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan hữu quan cần tập trung nghiên cứu, xác định cho được các lĩnh vực ưu tiên và khả năng thực thi. Tập trung xây dựng cho được các luật, bộ luật bức xúc nhất. Cần xác định được vấn đề gì chín muồi có thể quy định bằng luật, vấn đề gì quy định bằng pháp lệnh, còn vấn đề gì thì trước mắt để Chính phủ ra nghị định. Việc thẩm tra cũng như chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải bảo đảm những căn cứ để xác định tính cần thiết và hợp lý của việc ban hành luật, pháp lệnh. Mặt khác, cần xem xét đầy đủ về mọi mặt để đánh giá đúng mức về khả năng thực tế của việc chuẩn bị các dự án trước khi đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

- Cần quy định rõ trong các văn bản pháp luật để thống nhất các hình thức, phương pháp, cơ chế giám sát, nội dung và hiệu lực của hoạt động giám sát; quy định rõ thẩm quyền, phạm vi giám sát của Ủy ban pháp luật và Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trên đây là báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Ủy ban pháp luật khóa IX. Ủy ban pháp luật xin trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.

TM. ỦY BAN PHÁP LUẬT

Chủ nhiệm

NGUYỄN VĂN YỂU

 

 

Phụ lục 1

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN LUẬT, PHÁP LỆNH
DO ỦY BAN PHÁP LUẬT CHỦ TRÌ THẨM TRA
(Tính đến hết tháng 3-1997)

I- VỀ LUẬT

1. Các Luật đã được Quốc hội thông qua:

1- Luật tổ chức Chính phủ;

2- Luật tổ chức Toà án nhân dân;

3- Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;

4- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

5- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự;

6- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự;

7- Luật đất đai;

8- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân (về Tòa án kinh tế);

9- Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi);

10- Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi);

11- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam;

12- Bộ luật dân sự;

13- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân (về Tòa án hành chính);

14- Luật thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

15- Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi);

và các nội quy, quy chế sau đây:

1- Nội quy kỳ họp Quốc hội;

2- Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội;

3- Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

4- Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc;

5- Quy chế hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội.

2. Các dự án luật đã được Ủy ban pháp luật thẩm tra, nhưng Quốc hội mới cho ý kiến hoặc sẽ xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua tại các kỳ họp cuối nhiệm kỳ, đó là:

1- Dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi);

2- Dự án Luật dân tộc;

3- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;

4- Dự án Luật thuế quan;

5- Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi);

6- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự quy định các tội về tham nhũng, ma túy, tội phạm về tình dục đối với người chưa thành niên;

7- Dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi);

8- Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi).

II- CÁC PHÁP LỆNH

1. Các dự án pháp lệnh đã được thông qua:

1- Pháp lệnh thi hành án phạt tù;

2- Pháp lệnh thi hành án dân sự;

3- Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam các bản án và quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài;

4- Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân;

5- Pháp lệnh về Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân;

6- Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;

7- Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế;

8- Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất;

9- Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam;

10- Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính;

11- Pháp lệnh sửa đổi Điều 6 của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân;

12- Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài;

13- Pháp lệnh giám sát, hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân;

14- Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp;

15- Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất;

16- Quy chế huy động của Hội đồng nhân dân các cấp.

2. Các dự án pháp lệnh đã được Ủy ban pháp luật thẩm tra, nhưng Ủy ban thường vụ Quốc hội mới cho ý kiến tại một số phiên họp:

1- Dự án Pháp lệnh công chức;

2- Dự án Pháp lệnh nhà vắng chủ;

3- Dự án Pháp lệnh chống tham nhũng.


 

Phụ lục 2

DANH MỤC CÁC LUẬT, PHÁP LỆNH
ỦY BAN PHÁP LUẬT THAM GIA THẨM TRA
(Tính đến hết tháng 3-1997).

I- VỀ LUẬT

1. Các dự án luật đã được Quốc hội thông qua:

1- Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp;

2- Luật xuất bản;

3- Luật dầu khí;

4- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu;

5- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;

6- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

7- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế lợi tức;

8- Luật bảo vệ môi trường;

9- Bộ luật lao động;

10- Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất;

11- Luật khuyến khích đầu tư trong nước;

12- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công ty;

13- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp tư nhân;

14- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự;

15- Luật doanh nghiệp nhà nước;

16- Luật phá sản doanh nghiệp;

17- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;

18- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu;

19- Luật hợp tác xã;

20- Luật khoáng sản;

21- Luật ngân sách nhà nước.

2. Các dự án luật mới được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến:

1- Dự án Luật thuế giá trị gia tăng;

2- Dự án Luật thuế thu nhập công ty;

3- Dự án Luật thuế thu nhập dân cư;

4- Dự án Luật thương mại;

5- Dự án Luật tổ chức ngân hàng tín dụng;

6- Dự án Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam;

7- Dự án Luật giáo dục.

II- VỀ PHÁP LỆNH

1. Các dự án pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua:

1- Pháp lệnh thú y;

2- Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

3- Pháp lệnh phòng, chống lụt bão;

4- Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự;

5- Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự;

6- Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ đối với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và tổ chức quốc tế tại Việt Nam;

7- Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân;

8- Pháp lệnh về cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài;

9- Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích;

10- Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế nhà đất;

11- Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (sửa đổi);

12- Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;

13- Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

14- Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

15- Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng;

16- Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông;

17- Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả;

18- Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn;

19- Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao;

20- Pháp lệnh phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

21- Pháp lệnh về dân quân tự vệ;

21- Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động;

23- Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ;

24- Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên;

25- Pháp lệnh tình báo;

26- Pháp lệnh biên phòng.

2. Các dự án pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến:

1- Dự án Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

2- Dự án Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích và huy động nguồn lực để xây dựng đất nước;

Phụ lục 3

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT
TRONG NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IX
(1992 - 1997)

1. Nghe báo cáo

TT

NỘI DUNG BÁO CÁO

THỜI GIAN
BÁO CÁO

CƠ QUAN BÁO CÁO

GHI CHÚ

  1                   

Báo cáo về tình hình và biện pháp đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu

Tháng 10-1992

Tháng 11-1992

- Bộ Nội vụ; Bộ Thương mại

- Tổng cục hải quan

 

  2                   

Báo cáo về tình hình thi hành pháp luật và công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu năm 1992

Tháng 12-1992

- Thanh tra Nhà nước

 

  3                   

Báo cáo công tác của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao 1992

Tháng 12-1992

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

  4                   

Báo cáo về tình hình và công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu năm 1993

Báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình thi hành pháp luật, chống tham nhũng, chống buôn lậu

Tháng 6-1993

- Thanh tra Nhà nước;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

  5                   

Chủ trương về giải quyết nhà ở

Tháng 9 + 10-1993

- Bộ Xây dựng

 

  6                   

Báo cáo của Chính phủ về kết quả đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu

Tháng 8-1993

- Thanh tra Nhà nước

 

  7                   

Tình hình đấu tranh chống tham nhũng, việc giải quyết các vụ án trọng điểm

Tháng 8-1993

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Bộ Nội vụ;

- Toà án nhân dân tối cao

 

  8                   

Báo cáo của Chính phủ về việc chuyển công tác thi hành án từ Tòa án sang CP

Tháng 3-1993

- Toà án nhân dân tối cao;

- Bộ Tư pháp

 

  9                   

Báo cáo về tình hình và công tác đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu năm 1993;

- Các chủ trương, biện pháp tiếp tục thực hiện năm 1994

Tháng 12-1993

- Bộ Nội vụ;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

-  Toà án nhân dân tối cao;

- Thanh tra Nhà nước

 

10                 

Báo cáo về hoạt động của ngành Tòa án;

Báo cáo về hoạt động của ngành Kiểm sát

Tháng 12-1993

- Chánh án Toà án nhân dân tối cao;

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

11                 

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng cơ bản

Tháng 9-1994

- Bộ Xây dựng

 

12                 

Báo cáo về tình hình xử lý các vụ án chống tham nhũng, chống buôn lậu

Tháng 4-1994

- Bộ Nội vụ;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

13                 

Báo cáo về khắc phục sơ hở thiếu sót và việc xử lý những tiêu cực lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu

Năm 1994

- Tổng cục hải quan

- Bộ Thương mại

 

14                 

Báo cáo về hoạt động của ngành Tòa án, của Viện kiểm sát nhân dân năm 1994 và công tác quản lý Toà án nhân dân địa phương về tổ chức và công tác thi hành án

Tháng 10-1994

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Bộ Tư pháp

 

15                 

Báo cáo về việc giải quyết một số tồn tại của Trọng tài kinh tế Nhà nước

Tháng 5-1995

 

 

16                 

Báo cáo về việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng

Tháng 7-1995

- Tổng cục địa chính

 

17                 

Báo cáo về việc điều chỉnh một bước một số cơ quan của Chính phủ

Tháng 7-1995

 

- Ban tổ chức cán bộ Chính phủ

 

18                 

Báo cáo về tình hình mại dâm và hiếp dâm trẻ em

Tháng 8-1995

 

- Bộ Nội vụ

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

19                 

Báo cáo về hoạt động của hai ngành Tòa án - Kiểm sát năm 1995

Tháng 9-1995

 

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

20                 

Báo cáo về việc quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức và công tác thi hành án năm 1995

Tháng 9-1995

 

 

 

21                 

Tình hình hiếp dâm và mại dâm trẻ em

Tháng 3-1996

 

- Công an thành phố Hồ Chí Minh;

- Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;

- Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

 

22                 

Báo cáo về việc tiếp tục chuẩn bị về việc giải quyết một số tồn đọng về nhà ở

Tháng 5-1996

 

- Bộ Xây dựng

 

23                 

Báo cáo về tình hình, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về xử lý giải quyết về nhà ở sau cải tạo xã hội chủ nghĩa

Tháng 7-1996

 

- Bộ Tư pháp

 

24                 

Báo cáo về việc xử lý một số vụ án phức tạp theo trình tự giám đốc thẩm nhưng đương sự còn khiếu nại

Tháng 5-1996

Tháng 8-1996

- Toà án nhân dân tối cao

 

25                 

Tình hình thi hành pháp luật đất đai

Tháng 9-1996

 

- Tổng cục địa chính

 

26                 

Báo cáo công tác của Toà án nhân dân tối cao năm 1996

Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân năm 1996

Tháng 9-1996

 

- Toà án nhân dân tối cao

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

27                 

Báo cáo về quản lý các Toà án nhân dân địa phương và công tác thi hành án

Tháng 9-1996

 

- Bộ Tư pháp

 

28                 

Báo cáo về tình hình đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu

Tháng 9-1996

 

- Thanh tra Nhà nước

 

29                 

Báo cáo về tình hình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Tháng 9-1996

Tháng 10-1996

- UBND Thành phố Hà Nội;

- UBND Thành phố Hồ Chí Minh

- Tổng cục địa chính

 

30                 

Báo cáo về tình hình sử dụng ma túy và kiến nghị sửa đổi một số văn bản về ma túy

Tháng 12-1996

- Bộ Nội vụ

 


 

2. Các đoàn Ủy ban pháp luật đi giám sát tại địa phương

TT

THỜI GIAN ĐI GIÁM SÁT

TRƯỞNG ĐOÀN GIÁM SÁT

ĐỊA PHƯƠNG, CƠ QUAN NƠI ĐOÀN ĐẾN GIÁM SÁT

 

NỘI DUNG GIÁM SÁT

  1                   

Tháng 3-1993

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Minh Hải,

Cần Thơ, An Giang

- Kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật đất đai, Luật tổ chức Toà án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, tình hình đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu

  2                   

Năm 1994

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Sóc Trăng

- Kiểm tra việc thi hành Luật đất đai, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và thi hành pháp luật

  3                   

12 - 14 tháng 1 năm 1995

Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Nhà máy bột ngọt Thiên Hương, Thành phố Hồ Chí Minh

- Giám sát việc giải quyết vụ án 51,8 tấn bột ngọt tại nhà máy bột ngọt Thiên Hương, Thành phố Hồ Chí Minh

  4                   

16  - 21

tháng 1 năm 1995

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Ninh Thuận,

- Bình Thuận

Giám sát việc thi hành Luật đất đai

  5                   

15 - 17

tháng 6 năm 1995

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

UBND tỉnh Bình Định

- Giám sát việc UBND tỉnh Bình Định tịch thu 463 tấn xi măng của Tầu Hoa Hồng 02 tại tỉnh Bình Định

  6                   

21 - 27

tháng 9 năm 1995

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai

- Giám sát tình hình hoạt động của các ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai

  7                   

Năm 1995

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Một số quận, huyện tại Hà Nội

Khảo sát thực tiễn, nghe ý kiến đóng góp của cán bộ, nhân dân về dự án Luật đất đai và Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.

  8                   

Tháng 2-1996

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Thành phố Hải Phòng và một số quận, huyện

Khảo sát tình hình thi hành pháp luật đất đai

  9                   

Tháng 5-1996

Tháng 6-1996

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

 

- Bộ Tư lệnh Quân khu 3

 

 

- Bộ Tư lệnh Quân khu 4

Khảo sát về tình hình tổ chức và hoạt động của Tòa án Quân khu, Tòa án quân sự khu vực và việc quản lý về mặt tổ chức với các Tòa án này

10                 

Tháng 6-1996

Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

Giám sát vụ án tranh chấp dân sự về nhà đất theo sự phân công của Ủy ban th­êng vô Quèc héi

11                 

12 - 18

tháng 9 năm 1996

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Hải Phòng, Lạng Sơn

 - An Giang, Đồng Tháp

Giám sát công tác xét xử; công tác kiểm sát; tình hình bắt giam, giữ, công tác thi hành án, đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu

12                 

10 - 20

tháng 9 năm 1996

- Phó
Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- 1 thành viên

- Hải Phòng, Hà Nội

- Đồng Nai, Sông Bé

Khảo sát Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

3.  y ban pháp luật tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội

 

TT

THỜI GIAN ĐI GIÁM SÁT

TRƯỞNG ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH

THÀNH VIÊN UBPL

THAM GIA ĐOÀN GIÁM SÁT

ĐỊA PHƯƠNG, CƠ QUAN UBTVQH ĐẾN GIÁM SÁT

NỘI DUNG GIÁM SÁT

1.       

Tháng

3-1993

- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu

- Phó Chủ tịch nước

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

 -Hải Hưng

- Giám sát việc thi hành Luật đất đai

- Tình hình chống tham nhũng, buôn lậu

2.       

Năm 1993

- Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy

Đồng chí Vũ Đức Khiển, ủy viên ủy ban pháp luật

- Quần đảo Trường Sa Khánh Hòa

- Thăm, làm việc và khảo sát tình hình thực tiễn

3.       

Năm 1993

- Phó Chủ tịch Quốc hội

Phùng Văn Tửu

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Phú Yên, Khánh Hòa

- Tìm hiểu và nắm tình hình về việc tranh chấp Vũng Rô giữa 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa

4.       

Năm 1993

- Phó Chủ tịch Quốc hội

Phùng Văn Tửu

- Thường trực ủy ban pháp luật

- Một số thành viên

Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh và một số cơ quan khác

- Giám sát việc thi hành pháp luật

- Tình hình chống tham nhũng, buôn lậu

5.       

Năm 1993

- Phó Chủ tịch Quốc hội

Đặng Quân Thụy

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Kiên Giang

- Minh Hải

- Giám sát việc thực hiện kế hoạch kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và chống tham nhũng, buôn lậu

6.       

Năm 1994

- Phó Chủ tịch Quốc hội

Phùng Văn Tửu

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật,

- Một số thành viên

- Long An

- Giám sát việc thi hành Luật đất đai, việc thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tiết kiệm

7.       

Năm 1994

- Chủ tịch Quốc hội

Nông Đức Mạnh

- Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Thành phố Hồ Chí Minh

- Kiểm tra việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

8.       

Năm 1994

- ủy viên ủy ban thường vụ Quốc hội

Hà Mạnh Trí

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật đồng thời là Trưởng Đoàn

- Gia Lai, Kon Tum

- Kiểm tra việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

9.       

Năm 1995

8 – 13

tháng 5 năm 1995

- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Một số thành viên

Thành phố Hồ Chí Minh

- Kiểm tra việc thi hành pháp luật đất đai

10.   

12-16

tháng 6
năm 1995

- Phó Chủ tịch Quốc hội

Phùng Văn Tửu

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật, và một số thành viên

- Bà Rịa -  Vũng Tầu

Kiểm tra việc thi hành pháp luật đất đai

11.   

Tháng 1-1996

- Phó Chủ tịch Quốc hội

Phùng Văn Tửu

- Cử chuyên viên tham gia phục vụ và chuẩn bị báo cáo

 

- Gia Lai –Kon Tum

- Việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội

- Tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật

12.   

Tháng 4-1996

- Phó Chủ tịch Quốc hội

Đặng Quân Thụy

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Khánh Hòa

- Tình hình phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của một số địa phương

4. Ủy ban pháp luật phối hợp với các Ủy ban khác của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác tổ chức đoàn đi giám sát

 

TT

THỜI GIAN ĐI GIÁM SÁT

TRƯỞNG ĐOÀN GIÁM SÁT

CƠ QUAN THAM GIA

ĐỊA PHƯƠNG, CƠ QUAN ĐOÀN ĐẾN GIÁM SÁT

NỘI DUNG GIÁM SÁT

  1                   

Năm 1994

 

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp

- Hà Nội, Hà Bắc

 

- Kiểm tra công tác của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân: công tác quản lý Tòa án địa phương về tổ chức và công tác thi hành án tại địa phương

  2                   

Năm 1994

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp

Thành phố Hồ Chí Minh,

Sông Bé

- Kiểm tra công tác của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, công tác quản lý Tòa án địa phương về tổ chức và công tác thi hành án tại địa phương

  3                   

22 - 28

tháng 9 năm 1991

- Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ

Thành phố Hà Nội Nam Hà

- Giám sát tình hình  hoạt động của Công an, Tòa án, Kiểm sát, Tư pháp ở Hà Nội, Nam Hà

  4                   

Tháng 2-1996

- Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thành phố Hải Phòng

- Giám sát về tình hình thi hành Pháp luật đất đai

  5                   

16 - 18

tháng 5 năm

1996

- Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Ban Nội chính Trung ương

Một số cơ quan khác

- Bộ Tư lệnh Quân khu 4

- Kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của Tòa án quân sự quân khu, Tòa án quân sự khu vực

  6                   

Tháng 6-1996

- Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Tòa án nhân dân tối cao,

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Ninh Bình

Tìm hiểu vụ án tranh chấp nhà đất đã qua nhiều lần xét xử giám đốc thẩm nhưng đương sự vẫn khiếu nại

  7                   

Năm 1996

- Chủ nhiệm ủy ban quốc phòng và an ninh

Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Một số tỉnh miền Trung

Giám sát việc thi hành pháp luật

  8                   

Năm 1996

Phó Chủ nhiệm ủy ban đối ngoại

Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Thái Lan

Giám sát hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan

  9                   

Từ 5 -9

tháng 8 năm

1996

Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

- Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Một số cơ quan

Thành phố Hồ Chí Minh,

Bà Rịa - Vũng Tầu

Giám sát việc giải quyết tranh chấp về nhà đất

10                 

26 - 28

tháng 2 năm 1997

Tổng cục địa chính

Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Hải Dương

Giám sát thi hành Luật đất đai

5. Các đoàn của Vụ pháp luật do Ủy ban pháp luật cử đi giám sát, tham gia phục vụ các Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội

TT

THỜI GIAN ĐI GIÁM SÁT

NGƯỜI ĐƯỢC CỬ ĐI

THAM GIA ĐOÀN GIÁM SÁT HOẶC ĐỘC LẬP

ĐỊA PHƯƠNG,

GIÁM SÁT

NỘI DUNG GIÁM SÁT

1

Năm 1993

- Lãnh đạo Vụ

- Chuyên viên

- Tham gia Đoàn ủy ban thường vụ Quốc hội

- Hải Hưng, Hải Phòng

Thành phố Hồ Chí Minh, Sông Bé

- Giám sát tình hình thi hành pháp luật

2

Năm 1993

- Chuyên viên

- Tham gia Đoàn ủy ban quốc phòng và an ninh

- Vùng biển Đông Bắc

- Hải Hưng, Hải Phòng, Quảng Ninh

- Khảo sát tình hình kinh tế - chính trị, xã hội; giám sát tình hình bắt giam, giữ của  cơ quan Công an tại 3 tỉnh.

3

17-25

tháng 6 năm 1995

- Lãnh đạo Vụ

- Chuyên viên

- Đi độc lập

- Thành phố Hồ Chí Minh

- Minh Hải, Cần Thơ

- Tìm hiểu, xác minh đơn khiếu nại về vụ án Nguyễn Hữu Tiến và một số vụ án khác

4

Tháng 5-1996

Tháng 6-1996

- Lãnh đạo Vụ

- Chuyên viên

- Tổ chức đi độc lập

- Tỉnh Ninh  Bình

- Tìm hiểu việc giải quyết vụ án tranh chấp dân sự về nhà đất

5

Tháng
12-1996

- Lãnh đạo Vụ

- Chuyên viên

- Đi độc lập

- Huyện Từ Liêm - Hà Nội

- Tìm hiểu việc giải quyết vụ án Bà Ngoan khiếu nại các cơ quan pháp luật xét xử oan sai cho Bà.

Phụ lục 4

HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

1- Tổ chức Đoàn của Ủy ban đi thăm và làm việc với các nước:

 

TT

THỜI GIAN

CƠ QUAN NƠI ĐOÀN ĐẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC

TRƯỞNG ĐOÀN

GHI CHÚ

1

1994

y ban ph¸p luËt vµ Quèc héi n­íc Céng hßa d©n chñ nh©n d©n Lµo

Chñ nhiÖm ñy ban ph¸p luËt

 

2

29-5-1995         
đến 03-6-1995

ủy ban pháp luật của Quốc hội nước Cộng hòa Liên bang Đức

Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

 

2- Tham gia với các đoàn của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban

TT

THỜI GIAN

NƯỚC ĐẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC

NGƯỜI THAM GIA

 GHI CHÚ

1

1993

- Malaixia

Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

1 cán bộ cùng đi

2

1993

- Pháp, Canađa

Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

Theo dự án

3

1993

- Xingapo

1 đồng chí Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật;

1 ủy viên ủy ban pháp luật

 

4

1994

- Cộng hòa ấn Độ

1 Ủy viên Ủy ban ph¸p luËt

 

5

1994

- Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

1 ủy viên ủy ban pháp luật

 

6

1995

- Nghị viện châu Âu

1 ủy viên ủy ban pháp luật

 

7

1996

- Inđônêxia

Chủ nhiệm ủy ban pháp luật

 

ĐOÀN VÀO (ỦY BAN PHÁP LUẬT TIẾP CHÍNH THỨC)

TT

THỜI GIAN

TÊN ĐOÀN

NỘI DUNG LÀM VIỆC

1

4 – 8

tháng 1

năm 1995

- ủy ban tư pháp Quốc hội Nauy (Libeth Holand - Chủ tịch ủy ban)

- Thăm và làm việc với Ủy ban pháp luật Quốc hội Việt Nam

2

29-6 đến 7-7

năm 1995

- ủy ban pháp luật Quốc hội Lào (Đồng chí Khăm Bù Xunixay;

Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban pháp luật Quốc hội Lào)

- Thăm và làm việc với Ủy ban pháp luật Quốc hội Việt Nam

3

16-20

tháng 10

năm1995

- ủy ban pháp luật của Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức

- Thăm và làm việc với ủy ban pháp luật Quốc hội Việt Nam

TỔ CHỨC CÁC ĐỢT NGHIÊN CỨU
VÀ HỘI THẢO TẠI VIỆT NAM

TT

NỘI DUNG

CƠ QUAN TÀI TRỢ

THỜI GIAN

THÀNH PHẦN THAM DỰ

1

- Hội thảo về kỹ thuật soạn thảo văn bản lần thứ nhất

Tổ chức CIDA (Canađa)

Tháng

7-1994

- Chuyên gia pháp lý của các cơ quan hữu quan ở Trung ương

2

- Hội thảo về kỹ thuật soạn thảo văn bản lần thứ hai

Tổ chức CIDA (Canađa)

Tháng

1-1995

- Các chuyên gia pháp lý của các cơ quan hữu quan ở Trung ương

3

- Đợt trao đổi kinh nghiệm và nghe giới thiệu về Nghị viện Canađa

- Tổ chức CIDA (Canađa)

- Tháng 2-1995

- Một số đại biểu Quốc hội và các chuyên gia pháp lý ở các cơ quan hữu quan ở Trung ương


 

* Báo  cáo này được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội (BT).

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội