VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO THẨM TRA CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT
CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT BẦU CỬ
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI (SỬA ĐỔI)


(Do ông Nguyễn Văn Yểu, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội
đọc tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá IX, ngày 02-4-1997)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, ngày 08 tháng 01 năm 1997, Ủy ban pháp luật đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi). Tham dự phiên họp của Ủy ban pháp luật có đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu, đại diện các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban kinh tế và ngân sách, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban quốc phòng và an ninh, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường và đại diện các cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước. Sau khi nghe đồng chí Vũ Mão, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thay mặt Ban soạn thảo trình bày Dự án Luật, đại diện các cơ quan phát biểu ý kiến, các đồng chí thành viên Ủy ban pháp luật đã thảo luận và nêu nhiều ý kiến về Dự án Luật.

Thay mặt Ủy ban pháp luật, chúng tôi xin báo cáo ý kiến của Ủy ban về Dự án Luật này như sau:

I- SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành được ban hành năm 1992, tạo cơ sở pháp lý để tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhằm góp phần vào việc tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; đồng thời, phát huy hơn nữa quyền dân chủ của nhân dân trong việc bầu cử, ứng cử đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành. Ủy ban pháp luật nhất trí với Ban soạn thảo đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX đúng thời hạn.

II- VỀ NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO LUẬT

Dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã được Ban soạn thảo nghiên cứu và chuẩn bị công phu. Nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây, nhiều ý kiến và kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị đại biểu Hội đồng nhân dân toàn quốc đã được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu. Trong quá trình xây dựng Dự án Luật, Ban soạn thảo cũng đã tham khảo nhiều ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước.

So với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành với 10 chương, 70 điều thì Dự thảo Luật mới gồm có 10 chương, 77 điều, trong đó ở các mức độ khác nhau đã sửa đổi 46 điều, bổ sung thêm 10 điều mới và bỏ bớt 3 điều, tập trung vào một số vấn đề lớn sau đây:

- Bổ sung thêm về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội;

- Tăng thêm số lượng đại biểu Quốc hội;

- Giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của các tổ chức, cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương; số lượng đại biểu Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách;

- Sửa đổi, bổ sung thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử;

- Quy định cụ thể những trường hợp chưa được ghi tên vào danh sách cử tri; những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội;

- Quy định rõ hơn trình tự, thủ tục ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và việc vận động bầu cử;

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về bầu cử lại, bầu cử thêm và việc tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội.

Sau khi thảo luận, về cơ bản Ủy ban pháp luật tán thành với nhiều nội dung của Dự thảo Luật. Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội về một số vấn đề sau đây:

1. Về quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội:

Tại Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành quy định:

“Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, trừ những người mất trí và những người bị pháp luật hoặc Tòa án nhân dân tước các quyền đó”.

Để hướng dẫn và thi hành quy định này khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, ngày 27 tháng 5 năm 1992, Hội đồng Nhà nước đã ra Nghị quyết số 590 NQ/HĐNN8 về những trường hợp công dân không được bầu cử, bao gồm ba loại đối tượng sau đây:

a) Những người bị tước quyền bầu cử là người đang trong thời gian bị tước quyền bầu cử theo bản án đã có hiệu lực của Tòa án; người đang trong thời gian bị quản chế theo bản án đã có hiệu lực của Tòa án;

b) Những người không được sử dụng quyền bầu cử là người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị bắt, đang bị tạm giữ, đang bị tạm giam theo quy định của pháp luật; người đang trong thời gian bị tập trung giáo dục, cải tạo theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Hội đồng Bộ trưởng duyệt y;

c) Những người không được tham gia bầu cử là những người đang bị mất trí.

Những quy định này đã được thi hành qua các cuộc bầu cử: bầu cử đại biểu Quốc hội (năm 1992) và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (năm 1994). Nay, Ban soạn thảo đã đưa nội dung của các quy định trên vào Dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi).

Tại khoản 2 Điều 22 của Dự thảo Luật quy định những trường hợp chưa được ghi tên vào danh sách cử tri như sau:

“Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực, người bị mất trí thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Người đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù, người đang bị bắt, bị tạm giữ về hình sự, bị tạm gian theo quy định của pháp luật, người đang thi hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh thì chưa được ghi tên vào danh sách cử tri”.

Và tại khoản 4 Điều 27 của Dự thảo Luật quy định những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội là:

a) Những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này;

b) Những người bị khởi tố, người đang bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người đang thi hành các hình phạt khác của Tòa án nhân dân; người đang bị quản chế theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; người đang trong thời gian thi hành quyết định quản chế hành chính; những người đã chấp hành xong hình phạt của Tòa án nhân dân nhưng chưa được xóa án theo quy định của pháp luật”.

Khi thảo luận về vấn đề này, có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của Dự thảo Luật, vì cho rằng trong tình hình hiện nay cần phải quy định cụ thể những trường hợp công dân không được thực hiện quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội trong Luật để khi Luật được ban hành thì có thể thi hành được ngay mà không cần phải ra văn bản hướng dẫn nữa. Quy định như vậy là phù hợp với quy định tại Điều 7 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được Quốc hội xem xét thông qua.

- Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không nên quy định thêm các trường hợp chưa được ghi tên vào danh sách cử tri (khoản 2 Điều 22) và các trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội (khoản 4 Điều 27) như Dự thảo Luật mà chỉ nên giữ như quy định tại Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành, vì quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là một trong những quyền cơ bản về chính trị của công dân đã được Hiến pháp quy định. Nay nếu quy định ngay trong Luật những trường hợp chưa được ghi tên vào danh sách cử tri, những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội thì dễ gây tranh luận không cần thiết về việc thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân. Trên thực tế, cũng có những người bị tước quyền bầu cử, những người không được thực hiện hoặc không tham gia bầu cử; đối với những trường hợp này thì vẫn nên giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành bằng một Nghị quyết tương tự như Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước trước đây.

Ủy ban pháp luật tán thành loại ý kiến thứ nhất.

2. Về số lượng đại biểu Quốc hội:

Tại Điều 8 của Dự thảo Luật quy định tổng số đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không quá 450 người.

Từ Quốc hội khóa IV(1971) đến Quốc hội khóa VIII (1987), tổng số đại biểu Quốc hội thường có từ 420 người đến 496 người. Với mục đích giảm bớt số lượng để nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, nên Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành quy định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 400 người. Đến nay, do số đơn vị hành chính cấp tỉnh tăng từ 53 lên 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội có yêu cầu tăng số đại biểu Quốc hội tối thiểu từ 3 lên 4 người; từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu tăng cường số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội (Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội) và tăng thêm số đại biểu Quốc hội là các thành viên của Chính phủ. Nếu giữ số lượng đại biểu Quốc hội như quy định của Luật hiện hành thì không bảo đảm việc bố trí, cơ cấu đại biểu Quốc hội cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho các cơ quan, tổ chức... Vì vậy, Ủy ban pháp luật nhất trí với đề nghị của Ban soạn thảo là cần nâng tổng số đại biểu Quốc hội của cả nước lên không quá 450 người và nhất trí với việc giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của các tổ chức, cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương, số lượng đại biểu Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách, như quy định tại Điều 9 của Dự thảo Luật.

3. Về việc ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội:

So với Luật hiện hành thì Dự án Luật đã quy định cụ thể hơn về việc giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, tự ứng cử đại biểu Quốc hội, nhất là về các bước hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội. Đây chính là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trong việc thực hiện quyền ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội. Riêng đối với vấn đề tự ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử thì cũng còn có ý kiến khác nhau:

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, bên cạnh việc mở rộng dân chủ, trên thực tế cần phải có quy định chặt chẽ về thủ tục, trình tự tự ứng cử và các bước hiệp thương giới thiệu người tự ứng cử để tránh những sơ hở dẫn tới tình trạng có thể xảy ra là người không đủ tiêu chuẩn lại trúng cử đại biểu Quốc hội. Do đó, ý kiến này đề nghị bên cạnh việc bảo đảm sự bình đẳng giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ra ứng cử trong việc lập hồ sơ, về thời gian và nơi nộp hồ sơ, thì người tự ứng cử cũng phải qua các bước hiệp thương như những người được giới thiệu ra ứng cử. Do vậy, đối với cả hai loại đối tượng là người được giới thiệu ra ứng cử và người tự ứng cử chỉ khi được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu thì mới được đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội để nhân dân bầu.

- Loại ý kiến thứ hai nhấn mạnh yêu cầu tăng cường và mở rộng dân chủ trong việc bầu cử và ứng cử thì cho rằng, đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ cần đa số của hội nghị cử tri nơi người đó cư trú, công tác giới thiệu thì ghi tên người đó vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội để nhân dân bầu, mặc dù người đó có thể không được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

Sau khi thảo luận, ý kiến chung của Ủy ban pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất, nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ra ứng cử và người tự ứng cử và cũng là bảo đảm việc chọn đúng người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, để nhân dân lựa chọn bầu được những đại biểu xứng đáng nhất vào Quốc hội, thay mặt nhân dân quyết định những công việc quan trọng của đất nước.

4. Về việc lựa chọn người trúng cử đại biểu Quốc hội khi có số phiếu bầu bằng nhau:

Tại Điều 59 của Dự thảo Luật quy định:

“Trong số đại biểu mà đơn vị bầu cử bầu được, người ứng cử được quá nửa số phiếu hợp lệ và được nhiều phiếu hơn là trúng cử. Trong trường hợp nhiều người được số phiếu hợp lệ bằng nhau, thì dựa vào thứ tự tuổi mà sắp xếp, người nhiều tuổi hơn được trúng cử”.

Khi thảo luận về vấn đề này, trong Ủy ban pháp luật có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định như trên là không hợp lý vì việc lựa chọn người làm đại biểu Quốc hội không nên chỉ căn cứ vào tuổi đời nhiều hay ít mà còn phải xem xét đến nhiều yếu tố khác như năng lực công tác, trình độ văn hóa, sức khỏe, dân tộc, tôn giáo, nam nữ, v.v.. Theo ý kiến này nên quy định: “Khi có nhiều người có số phiếu bầu bằng nhau và đạt quá nửa số phiếu hợp lệ thì Hội đồng bầu cử xét, quyết định người trúng cử theo đề nghị của Ủy ban bầu cử và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

- Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định của Dự thảo Luật, vì Hội đồng bầu cử không có thẩm quyền xét, quyết định người trúng cử đại biểu Quốc hội; hơn nữa, quy định này của Dự thảo Luật là giữ nguyên quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành và cũng phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế.

Ý kiến chung của Ủy ban pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ hai là trong trường hợp nhiều người được số phiếu hợp lệ bằng nhau, thì dựa vào thứ tự tuổi mà sắp xếp, người nhiều tuổi hơn được trúng cử.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là ý kiến của Ủy ban pháp luật về Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi), chúng tôi xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội