VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VIII (1992-1997) Quyển 4 1996-1997


BÁO CÁO VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ
DỰ ÁN LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

(Do ông Vũ Mão, Trưởng Ban soạn thảo Dự án
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp
đọc tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá IX, ngày 14-4-1997)

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường.

Đoàn thư ký kỳ họp, Thường trực Ủy ban pháp luật và Ban soạn thảo Dự án Luật, đã nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật. Sau đó, Đoàn thư ký đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội bản Dự án Luật đã được chỉnh lý, Dự thảo báo cáo tiếp thu Dự án Luật và các phiếu xin ý kiến.

Chúng tôi xin báo cáo kết quả chỉnh lý Dự án Luật căn cứ vào ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội như sau:

1. Tên gọi của Luật:

Có các ý kiến đề nghị như sau:

- Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997;

- Luật bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X;

- Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

Chúng tôi đề nghị lấy tên là “Luật bầu cử đại biểu Quốc hội”.

2. Căn cứ để ban hành Luật:

Có ý kiến đề nghị bổ sung Điều 91 của Hiến pháp vào căn cứ ban hành Luật này.

Chúng tôi thấy rằng, căn cứ để ban hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội gồm nhiều điều của Hiến pháp. Vì vậy, đề nghị không liệt kê các điều cụ thể mà nên viết “Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992”.

3. Chương I: Những quy định chung.

Điều 2: Quyền bầu cử và ứng cử.

Có một số ý kiến đề nghị viết lại đoạn “trừ những người mất trí và những người bị pháp luật hoặc Tòa án tước các quyền đó” cho phù hợp với các Điều 22 và 27 của Dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp bị pháp luật hạn chế quyền bầu cử.

Sau khi nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi thấy Điều 2 là điều quy định về nguyên tắc chung. Những trường hợp không được bầu cử, ứng cử hoặc bị tước các quyền đó nên quy định tại các chương, điều cụ thể ở phần sau.

Đồng thời để phù hợp với cách viết tại Điều 54 của Hiến pháp năm 1992, chúng tôi đề nghị viết lại Điều này như sau: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật này”.

Điều 3: Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội

Nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội. Chúng tôi đã tiếp thu và chỉnh lý lại các tiêu chuẩn 1, 2, 3, và 4.

Đối với tiêu chuẩn thứ 5: “Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”, có các ý kiến như sau:

- Đề nghị bỏ tiêu chuẩn này vì cho rằng quy định như vậy không rõ, khó áp dụng;

- Cần có tiêu chuẩn này nhưng nên quy định cụ thể như điều kiện về thời gian, sức khỏe...;

- Đề nghị giữ như Dự thảo.

Chúng tôi thấy đây là điều kiện cần thiết. Luật tổ chức Quốc hội có quy định đại biểu Quốc hội phải dành ít nhất 1/3 thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu. Trong thực tế có trường hợp một số người có đủ bốn tiêu chuẩn khác, nhưng do điều kiện công tác nên không dành được thời gian thích đáng để tham gia các hoạt động của Quốc hội. Theo kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, có 205/293 đại biểu nhất trí với tiêu chuẩn này. Vì vậy, xin được giữ quy định này.

Điều 3 của Dự thảo Luật được chỉnh lý như sau:

Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội:

1- Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh;

2- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;

3- Có trình độ và năng lực thực hiện các nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;

4- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

5- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”.

4- Chương II: Số đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu:

Điều 8: Về tổng số đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu tối thiểu của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Về tổng số đại biểu Quốc hội:

Đa số ý kiến nhất trí như Dự thảo.

Có một số ý kiến đề nghị tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người. Chúng tôi đề nghị giữ như Dự thảo: Tổng số đại biểu Quốc hội không quá 450 người.

b) Về số đại biểu tối thiểu của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Có ý kiến đề nghị quy định rõ: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bầu ít nhất là 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, chưa kể số đại biểu do Trung ương giới thiệu.

Có ý kiến đề nghị quy định số đại biểu tối thiểu là 5 người, kể cả đại biểu do Trung ương giới thiệu.

Nhiều ý kiến đề nghị giữ như Luật hiện hành.

Chúng tôi nhất trí với loại ý kiến thứ ba: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bầu ít nhất 3 đại biểu. Quy định này được hiểu là 3 đại biểu của địa phương, không tính số đại biểu do Trung ương giới thiệu về. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992 đã được tiến hành như vậy.

c) Ngoài số đại biểu tối thiếu nói trên, có ý kiến đề nghị trong việc phân bổ số đại biểu được bầu cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn phải căn cứ vào số dân.

Chúng tôi thấy ý kiến này là hợp lý. Trên thực tế, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992, việc phân bổ số đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi địa phương không chỉ căn cứ vào số đại biểu tối thiểu như Luật hiện hành, mà còn căn cứ vào số dân và đặc điểm của từng địa phương.

Chúng tôi đã trình hai phương án để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Phương án 1:

“Điều 8:

1- Tổng số đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không quá bốn trăm năm mươi người.

2- Căn cứ để phân bổ đại biểu Quốc hội của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu;

b) Số đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương;

c) Thủ đô Hà Nội được phân bổ số đại biểu thích đáng.

3- Căn cứ vào quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Phương án 2: Như quy định của Dự thảo.

“Điều 8:

Tổng số đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không quá bốn trăm năm mươi người.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bầu ít nhất ba đại biểu Quốc hội.

Thủ đô Hà Nội được phân bổ số đại biểu thích đáng”.

Theo kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội thì có 254/293 đại biểu nhất trí với phương án 1. Chúng tôi xin tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật theo phương án này.

Các Điều 9, 32 và 39: có liên quan đến việc Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội:

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị khẳng định ở các điều này là Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội.

Một số ý kiến khác cho rằng Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ có thể dự kiến, còn cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội trên thực tế do các cử tri quyết định.

Đây là một vấn đề đã được áp dụng trong thực tế tổ chức bầu cử, nhưng chưa được quy định trong Luật hiện hành.

Chúng tôi xin được trình bày như sau:

- Về việc Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hay dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, chúng tôi đề nghị nên quy định là dự kiến vì quyết định cuối cùng thuộc về lá phiếu của cử tri.

- Việc dự kiến này làm cơ sở để tiến hành các bước hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Việc dự kiến được tiến hành như sau:

Dự kiến lần thứ nhất (Điều 9) là lần dự kiến để làm cơ sở cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Dự kiến lần thứ hai (Điều 32) là lần dự kiến sau khi có kết quả hiệp thương lần thứ nhất, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân tiến hành giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó mà tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai;

Dự kiến lần thứ ba (Điều 41) là lần dự kiến sau khi có kết quả hiệp thương lần thứ hai. Trên cơ sở đó mà tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Như vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội có ba lần dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ba lần hiệp thương.

Điều 10: Số đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số:

Có ý kiến đề nghị giao cho Hội đồng dân tộc đề xuất để Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Chúng tôi tiếp thu ý kiến này và quy định tại Điều 10 của Dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị nhập Điều này thành một điểm của Điều 9.

Sau khi cân nhắc, xin đề nghị vẫn cần có một điều riêng về đại biểu Quốc hội dân tộc thiểu số để thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước chú trọng thành phần dân tộc thiểu số trong Quốc hội.

Điều 11: Căn cứ để ấn định số đại biểu Quốc hội của mỗi đơn vị bầu cử:

Có ý kiến đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định số đơn vị bầu cử của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và số đại biểu Quốc hội được bầu của mỗi đơn vị phải căn cứ theo số dân.

Về vấn đề này, chúng tôi chỉnh lý tại Điều 11 của Dự thảo Luật như sau:

Đại biểu Quốc hội do từng đơn vị bầu cử ra. Mỗi đơn vị bầu  cử được bầu không quá ba đại biểu. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử.

Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số đại biểu của mỗi đơn vị được tính căn cứ theo số dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định và được công bố chậm nhất là bảy mươi ngày trước ngày bầu cử".

5. Chương III: Các tổ chức phụ trách bầu cử

Điều 14: Hội đồng bầu cử.

a) Thời hạn thành lập:

Tiếp thu ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi đề nghị giữ thời hạn như Luật hiện hành: chậm nhất là 90 ngày trước ngày bầu cử.

b) Về thành phần:

Có ý kiến đề nghị quy định rõ ai là Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký Hội đồng bầu cử.

Sau khi nghiên cứu ý kiến này, chúng tôi đề nghị quy định rõ Chủ tịch Hội đồng bầu cử là Chủ tịch Quốc hội. Còn các Phó Chủ tịch, nên quy định là đại diện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan để có thể vận dụng linh hoạt vì tùy tình hình cụ thể mà số Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử có thể là 2 hoặc 3 người. Do vậy đoạn 1 Điều 14 được chỉnh lý như sau:

Chậm nhất là chín mươi ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập Hội đồng bầu cử từ mười lăm đến hai mươi mốt người. Chủ tịch Hội đồng bầu cử là Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên là đại diện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

c) Về nhiệm vụ, quyền hạn:

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi xin bổ sung các nhiệm vụ sau đây:

- Chỉ đạo công tác tuyên truyền bầu cử (điểm 2);

- Xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử: xét và giải quyết các khiếu nại về kết quả bầu cử (điểm 7).

Điều 15: Ủy ban bầu cử

a) Về thời hạn thành lập:

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi đề nghị quy định thời hạn Ủy ban bầu cử được thành lập chậm nhất là tám mươi ngày trước ngày bầu cử.

b) Về thành phần:

Có ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể: Chủ tịch Hội đồng nhân dân làm Chủ tịch Ủy ban bầu cử, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp làm Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử. Sau khi cân nhắc, chúng tôi xin chỉnh lý đoạn 1 Điều 15 như sau:

Chậm nhất là tám mươi ngày trước ngày bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập Ủy ban bầu cử từ bảy đến mười một người. Chủ tịch Ủy ban bầu cử là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

c) Về nhiệm vụ, quyền hạn:

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi xin bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Chỉ đạo việc tuyên truyền bầu cử ở địa phương (điểm 2);

- Xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử (điểm 7).

Điều 16: Ban bầu cử

Sau khi nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi đã bổ sung nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử và Ủy ban bầu cử về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử. Đồng thời, chúng tôi nhận thấy, Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử không phải là cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử mà chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ủy ban bầu hoặc Hội đồng bầu cử để giải quyết.

Điều 17: Tổ bầu cử

Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm các nhiệm vụ của Tổ bầu cử trong tổ chức việc bầu cử lại hoặc bầu cử thêm và bố trí hòm phiếu lưu động.

Chúng tôi xin báo cáo như sau: Việc tổ chức bầu cử lại, bầu cử thêm vẫn nằm trong quá trình của cuộc bầu cử, vì vậy Tổ bầu cử đương nhiên phải thực hiện nhiệm vụ này như đã quy định: “Tổ chức việc bầu cử trong khu vực bỏ phiếu”.

Còn nhiệm vụ tổ chức hòm phiếu lưu động cũng đã được quy định tại Điều 57 của Dự án Luật: “Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được, thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu.

6. Chương IV: Danh sách cử tri

Điều 23: Những người không được ghi tên vào danh sách cử tri

Về quy định này, có các ý kiến như sau:

- Có ý kiến đề nghị giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định những trường hợp chưa được ghi tên vào danh sách cử tri;

- Nhiều ý kiến đề nghị quy định cho những người đang thi hành quyết định xử lý hành chính ở cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh được bầu cử;

- Một số ý kiến đề nghị không nên tước quyền bầu cử của những người bị tạm giữ về hình sự, tạm giam mà chỉ cấm những người bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án và những người bị mất trí.

Sau khi nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và trao đổi ý kiến với đại diện các cơ quan hữu quan, chúng tôi thấy rằng quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân, vì thế những trường hợp không được ghi tên trong danh sách cử tri, tức là không được quyền bầu cử cần được quy định cụ thể trong Luật này. Đồng thời, chúng tôi tán thành ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội: trong tình hình hiện nay không nên quy định quá rộng những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri mà chỉ cần quy định các trường hợp: “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án đã có hiệu lực, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất trí thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Đối với những người đang bị xử lý hành chính ở cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh và những người đang bị quản chế ở địa phương thì nên cho ghi tên vào danh sách cử tri.

Với tinh thần đó, chúng tôi xin viết lại nội dung này tại Điều 23 (mới) như sau:

“1- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án đã có hiệu lực, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất trí thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

2- Người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được bổ sung vào danh sách cử tri nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu hai mươi bốn giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền công nhận không còn mất trí.

3- Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị tước quyền bầu cử, bị bắt để chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam hoặc bị mất trí thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xóa tên người đó trong danh sách cử tri.

Theo kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội thì có 198/193 đại biểu tán thành với chỉnh lý nói trên.

Điều 24: Danh sách cử tri trong các đơn vị vũ trang nhân dân và nơi quân nhân tham gia bỏ phiếu

Có ý kiến cho rằng danh sách cử tri trong các đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập và quân nhân tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu của đơn vị.

Chúng tôi đề nghị quy định đoạn 2 Điều này theo hướng quân nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương có thể được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu tại đơn vị hoặc tại nơi thường trú.

7. Chương V: Ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử

Điều 28: Hồ sơ ứng cử

a) Về thời hạn nộp hồ sơ:

Do có sự điều chỉnh một số quy định về các thời hạn có liên quan (thời hạn thành lập Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử), đề nghị rút thời hạn nộp hồ sơ ứng cử xuống 60 ngày như Luật hiện hành.

b) Về hồ sơ ứng cử:

Có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị không nên quy định phải nộp giấy chứng nhận có đủ điều kiện ứng cử do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi cư trú cấp vì trong sơ yếu lý lịch đã có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi xin bỏ quy định này trong Điều 28 của Dự án Luật.

Điều 29: Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội

Có ý kiến đề nghị không nên quy định vào Luật này những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội mà giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Tương tự như đã trình bày về quy định những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri tại Điều 23, chúng tôi thấy quyền ứng cử đại biểu Quốc hội là quyền cơ bản của công dân, vì vậy, những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội cũng cần được quy định vào Luật này.

Có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm trường hợp những người đang chấp hành các quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này và viết lại như sau:

“Điều 29

Những người sau đây không được ứng cử đại biểu Quốc hội:

1- Người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này;

2- Người đang bị khởi tố;

3- Người bị phạt tù nhưng đang được hưởng án treo; người đang thi hành các hình phạt khác của Toà án nhân dân; người đang bị quản chế theo bản án; quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực;

4- Người đã chấp hành xong hình phạt của Toà án nhân dân nhưng chưa được xóa án;

5- Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính”.

Ngoài những trường hợp nói trên, có ý kiến đề nghị không cho những người đã chấp hành xong hình phạt của Tòa án và đã được xóa án, những người bị hình thức kỷ luật buộc thôi việc được ứng cử đại biểu Quốc hội.

Chúng tôi thấy rằng, những trường hợp quy định tại Điều 29 là những trường hợp bị pháp luật tước quyền bầu cử. Còn đối với những trường hợp mà đại biểu Quốc hội nêu thêm (và có thể còn có những trường hợp khác liên quan đến phẩm chất đạo đức) thì thuộc về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Điều 3. Vì vậy, chúng tôi đề nghị không nên mở rộng thêm những trường hợp bị tước quyền ứng cử.

Theo kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội thì có 287/293 đại biểu tán thành với quy định như Điều 29 đã được chỉnh lý.

Điều 34 và Điều 35: Việc tiến hành giới thiệu người ra ứng cử

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi đã bổ sung quy định về thủ tục giới thiệu người ứng cử của lực lượng vũ trang, mà không gộp chung vào các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Điều 40: Hội nghị cử tri

Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến khác nhau:

Ý kiến thứ nhất tán thành với quy định này của Dự thảo Luật và cho rằng, căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại điểm 4, Điều 3 của Dự thảo Luật: đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Vì vậy, đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thì nhất thiết phải được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác và cư trú và khi tổ chức lấy ý kiến của cử tri thì phải được quá nửa tổng số cử tri dự hội nghị biểu quyết tán thành. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị cần phải có quy định này.

Ý kiến thứ hai cũng đồng ý với quan điểm cho rằng người ứng cử đại biểu Quốc hội phải được sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác. Nhưng việc lấy ý kiến của cử tri nhất là cử tri nơi cư trú và là để tham khảo trong quá trình hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Vì vậy, không nên quy định cứng ngay trong Luật là người ứng cử phải được sự tán thành của quá nửa tổng số cử tri tham dự hội nghị.

Trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự án Luật, Đoàn thư ký kỳ họp, Thường trực Ủy ban pháp luật và Ban soạn thảo sau khi cân nhắc nhiều mặt, đã lấy lại quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội hiện hành. Vì thực chất quy định của Luật hiện hành đã bao hàm nội dung là khi tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú thì phải được quá nửa tổng số cử tri tham dự hội nghị biểu quyết tán thành. Do đó, tại Báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và Dự án lần thứ 6 ngày 09-4-1997, đã được gửi tới đại biểu Quốc hội (đoạn 1, khoản 3 Điều 40) đã quy định:

3- Tại các hội nghị quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị”.

Theo kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội thì:

- Có 168/261 đại biểu Quốc hội tán thành việc quy định người ứng cử đại biểu Quốc hội phải được quá nửa tổng số cử tri tham dự hội nghị biểu quyết tín nhiệm.

- Có 93/261 đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định: tại các hội nghị quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị.

Về vấn đề này, chúng tôi đề nghị nên lấy phương án 1. Nhưng do số phiếu tán thành phương án này vẫn chưa quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội nên cần trình cả hai phương án để Quốc hội thảo luận và quyết định.

Mục 4: Tuyên truyền, vận động bầu cử

Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần tăng cường công tác tuyên truyền bầu cử, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức phụ trách bầu cử.

Đối với việc vận động bầu cử, một số đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ quy định quyền vận động bầu cử của những người ứng cử mà không nên quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền vận động bầu cử cho người ứng cử để tránh bè phái, mâu thuẫn, không bình đẳng giữa các ứng cử viên, không phù hợp với bản chất của chế độ bầu cử ở nước ta.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chúng tôi đã viết lại toàn bộ Mục 4 của Chương V, lấy tên mới của mục này là “Tuyên truyền, vận động bầu cử”, gồm 4 điều:

Điều 49: Quy định trách nhiệm của Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử trong việc chỉ đạo công tác tuyên truyền bầu cử và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tuyên truyền bầu cử.

Điều 50: Quy định quyền vận động bầu cử của những người có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội; hình thức vận động bầu cử thông qua gặp gỡ tiếp xúc với cử tri và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng

Điều 51: Quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các cơ quan thông tin báo chí trong việc tạo điều kiện cho người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tổ chức để những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri.

Điều 52: Quy định về những nguyên tắc trong việc thực hiện quyền vận động bầu cử.

8. Chương VI: Trình tự bầu cử

Điều 53: Thời hạn công bố ngày bầu cử

Do có sự điều chỉnh về các thời hạn có liên quan (thời hạn thành lập Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử và thời hạn nộp hồ sơ ứng cử) như đã trình bày ở trên, chúng tôi đề nghị thời hạn công bố ngày bầu cử chậm nhất là 90 ngày như Luật hiện hành.

Điều 57: Trách nhiệm của tổ bầu cử đối với cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không đến phòng bỏ phiếu được

Có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quy định Tổ bầu cử phải mang (thay vì có thể mang) hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri bầu cử. Chúng tôi tiếp thu ý kiến này và đã chỉnh lý vào trong Dự thảo Luật.

9. Chương VI: Kết quả bầu cử

Điều 64: Phiếu không hợp lệ

Có ý kiến đề nghị quy định phiếu ghi tên người ngoài danh sách những người ứng cử cũng là phiếu không hợp lệ.

Chúng tôi cho rằng, nếu phiếu ghi tên người ngoài danh sách nhưng việc bầu những người trong danh sách vẫn theo đúng quy định, cụ thể là: không bầu quá số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu; không gạch xóa hết tên những người ứng cử trong danh sách thì vẫn được coi là hợp lệ. Quy định như vậy mới không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của những người trong danh sách được bầu.

Điều 69: Xác định kết quả bầu cử trong trường hợp có số phiếu bằng nhau

Có ý kiến đề nghị quy định như Dự án Luật: trong trường hợp nhiều người được số phiếu hợp lệ bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn được trúng cử.

Có ý kiến đề nghị trong trường hợp này nên giao cho Hội đồng bầu cử căn cứ vào cơ cấu, thành phần, nam nữ, dân tộc và trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà xác định người trúng cử.

Chúng tôi thấy, trong thực tiễn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội ít khi xảy ra trường hợp này, nếu có xảy ra thì việc căn cứ vào tuổi để xác định người trúng cử là hợp lý. Vì vậy, đề nghị giữ quy định này như Luật hiện hành.

10. Việc giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử

Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ chế giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử.

Tiếp thu ý kiến này, chúng tôi đã bổ sung vào khoản 9 Điều 14 của Dự án Luật quy định về việc Hội đồng bầu cử xem xét, giải quyết các khiếu nại về kết quả bầu cử như đã trình bày ở phần trên; đồng thời, bổ sung thêm Mục 5: Giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử vào cuối Chương VII: Kết quả bầu cử như sau:

Mục 5
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ KẾT QUẢ BẦU CỬ

Điều 77

1- Mọi khiếu nại về kết quả bầu cử phải được gửi đến Hội đồng bầu cử chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử.

2- Hội đồng bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử về kết quả bầu cử là quyết định cuối cùng”.

11. Chương VIII: Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong trường hợp bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội.

Chúng tôi thấy ý kiến này là xác đáng. Đồng thời, chúng tôi cũng thấy rằng, việc hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử trong trường hợp bầu bổ sung đại biểu Quốc hội cũng có nhiều điểm khác nhau so với Tổng tuyển cử. Vì vậy, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý bổ sung quy định về vấn đề này tại đoạn 2 Điều 82 như sau:

Căn cứ vào những nguyên tắc của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong trường hợp bầu bổ sung đại biểu Quốc hội”.

12. Chương X: Điều khoản thi hành

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi xin bổ sung quy định về việc giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này tại Điều 89 của Dự thảo Luật.

*

*      *

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

 Trên đây là những vấn đề chủ yếu trong nội dung của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã được chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, căn cứ vào các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về các quy định cụ thể và về cách trình bày các điều, khoản chúng tôi đã chỉnh lý dự thảo luật sắp xếp lại các điều, khoản cho hợp lý.

Đoàn thư ký kỳ họp, Thường trực Ủy ban pháp luật và Ban soạn thảo xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

 

 

Lưu tại Phòng Lưu trữ
Văn phòng Quốc hội