BÁO CÁO
VỀ CUỘC ĐI THĂM HỮU NGHỊ CHÍNH THỨC
NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
(Từ ngày 21-2 đến 01-3-1994)
Nhận lời mời của đồng chí Kiều Thạch, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng (Chủ tịch) Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do đồng chí Nông Đức Mạnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, đã đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 21-2 đến 01-3-1994. Đoàn gồm có:
- Đồng chí Phùng Văn Tửu, Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Đồng chí Vũ Mão, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
- Đồng chí Trần Thị Tâm Đan, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội;
- Đồng chí Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội;
- Đồng chí Hoàng Thừa, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang;
- Đồng chí Nguyễn Quốc Thước, Ủy viên Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội;
- Đồng chí Trần Thị Kim Vân, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội;
- Đồng chí Nguyễn Khoa Kim Bội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Bối cảnh và mục đích của cuộc đi thăm:
Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đi thăm Trung Quốc trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Quan hệ giữa ta và Trung Quốc sau thời gian gián đoạn đã được khôi phục và bình thường hóa, các quan hệ Đảng, Nhà nước và các đoàn thể được tăng cường (Tổng Bí thư Đỗ Mười), Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm Trung Quốc). Quan hệ giữa Quốc hội hai nước bước đầu đã có trao đổi đoàn (Đoàn Ủy ban kinh tế và ngân sách và Đoàn Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội ta đã đi thăm Trung Quốc và Đoàn Uỷ ban dân số phát triển của Quốc hội Trung Quốc đã thăm ta).
Lần đầu tiên, từ sau khi bình thường hóa quan hệ hai nước, Trung Quốc mời Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Nông Đức Mạnh dẫn đầu đi thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, thể hiện thiện chí của Trung Quốc mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với ta. Vì vậy cuộc đi thăm lần này của Đoàn đại biểu Quốc hội ta thể hiện thiện chí của ta muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, thân tình với Trung Quốc.
Mục đích của cuộc đi thăm là nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau, tạo quan hệ hữu nghị láng giềng thân tình, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, v.v., đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước.
Nhân cuộc đi thăm lần này của Đoàn, ta tranh thủ tìm hiểu về công cuộc cải cách mở cửa, kinh nghiệm về lập pháp và giám sát của Quốc hội Trung Quốc, đồng thời giới thiệu khái quát về chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới và hoạt động của Quốc hội ta.
Hoạt động chính của Đoàn ở Bắc Kinh và ở một số địa phương:
- Đặt vòng hoa tại Đài kỷ niệm Anh hùng nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh.
- Gặp và trao đổi ý kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và Ủy viên trưởng Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Kiều Thạch.
- Trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của Quốc hội với đại diện một số Ủy ban tương ứng của Quốc hội.
- Thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa và di tích lịch sử ở Bắc Kinh và các tỉnh Sơn Đông, Giang Tô và Quảng Đông.
- Thăm khu di tích Lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh và trụ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu.
- Thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh và Tổng lãnh sự quán ta ở Quảng Châu.
Một số nội dung chính trao đổi trong gặp gỡ cấp cao:
- Trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao, đồng chí Nông Đức Mạnh đã chuyển lời thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc; đã giới thiệu khái quát những điểm chính về tình hình kinh tế, xã hội của ta trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và những đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa IX. Được sự ủy nhiệm của Thường trực Bộ Chính trị, đồng chí Nông Đức Mạnh cũng đã thông báo khái quát về mục đích và kết quả Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ.
Trong các cuộc gặp, đồng chí Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị láng giềng và hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đồng chí Nông Đức Mạnh nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được trong công cuộc cải cách và mở cửa. Đồng chí đã trân trọng chuyển lời mời của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Lê Đức Anh mời đồng chí Giang Trạch Dân sang thăm chính thức Việt Nam. Đồng chí Giang Trạch Dân cảm ơn các đồng chí lãnh đạo ta và nói sẽ chọn thời gian đi thăm Việt Nam. Đồng chí Nông Đức Mạnh mời đồng chí Kiều Thạch dẫn đầu Đoàn đại biểu Đại hội nhân dân toàn quốc Trung Quốc sang thăm chính thức nước ta, đồng chí Kiều Thạch cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
- Đồng chí Giang Trạch Dân, đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Vương Hán Bân (Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Ủy viên trưởng) đều đánh giá cao cuộc đi thăm Trung Quốc của Đoàn Quốc hội ta do Chủ tịch Nông Đức Mạnh dẫn đầu là biểu hiện rõ rệt sự tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Các đồng chí đều bày tỏ vui mừng trước quan hệ hai nước trở lại bình thường và trước những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới và cho rằng Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xã hội chủ nghĩa, mặc dù chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ sụp đổ, nhưng hai nước vẫn giữ vững sự ổn định và đạt được những thành tựu mới quan trọng.
Các đồng chí cho biết: trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Trung Quốc đã thực hiện học thuyết của đồng chí Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách mở cửa với phương châm một trung tâm hai điểm cơ bản. Đại hội Đảng lần thứ 14 (tháng 10-1992) đã tổng kết kinh nghiệm (hơn 10 năm) và đã tìm ra mô thức xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 (tháng 11-1993) đã tổng kết kinh nghiệm xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và rút ra 50 điều kinh nghiệm để áp dụng đến cuối thế kỷ này. Đồng chí Giang Trạch Dân cho rằng, việc tăng trưởng kinh tế phải phụ thuộc vào yếu tố khách quan chứ không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan. Ở Trung Quốc hiện nay, đang có mâu thuẫn giữa sự phát triển không cân đối giữa các vùng duyên hải và nội địa. Lạm phát và quy mô xây dựng cơ bản là một hàm số kép. Tốc độ phát triển kinh tế cao sẽ làm cho lạm phát cao, lạm phát cao gây hậu quả là giá cả tăng làm đời sống nhân dân bị ảnh hưởng.
Đồng chí Giang Trạch Dân cho rằng, kỹ thuật tiên tiến của các nước phương Tây là thành quả của lao động chân tay và trí óc của nhân loại. Việc tiếp thu thành quả của nền văn minh phương Tây không tránh khỏi có một số tư tưởng đồi trụy phương Tây theo vào. Quá trình mở cửa ở Trung Quốc đã xuất hiện các hiện tượng mại dâm, cờ bạc và nghiện hút ma túy... Từ tháng 7-1993, Trung Quốc đã phát động phong trào chống hủ bại tham nhũng và quyết tâm tiêu diệt chúng bằng các biện pháp giáo dục và tăng cường pháp chế. Thực hiện chủ trương của đồng chí Đặng Tiểu Bình là nắm chắc hai tay xây dựng văn minh vật chất và văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa.
- Về hoạt động lập pháp: Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc gồm 2.978 đại biểu. Vì số đại biểu đông nên mỗi năm chỉ họp một lần. Ủy ban thường vụ gồm 155 thành viên, hai tháng họp một lần.
Để đẩy mạnh nhịp độ làm luật, Hiến pháp năm 1982 quy định Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chỉ thông qua các đạo luật quan trọng, còn chủ yếu là do Ủy ban thường vụ thông qua. Năm 1993, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (khóa VIII, kỳ họp thứ nhất) đã thông qua Hiến pháp sửa đổi để phục vụ mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, vấn đề đó đòi hỏi phải xây dựng hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh. Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban thường vụ sẽ tăng tốc độ làm luật nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trung Quốc đã có quy hoạch lập pháp trong 5 năm, tập trung chủ yếu vào các luật phục vụ nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã tặng Đoàn một số tập luật pháp của Trung Quốc mới ban hành (đã dịch sang tiếng Anh).
- Về kinh tế: Qua tìm hiểu tình hình ở một số địa phương, thấy rằng Trung Quốc đang tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng cải cách mở cửa, giao quyền tự chủ cho địa phương và các cơ sở kinh doanh, xây dựng những mô hình kinh tế mới như Nhà máy sợi hóa chất Nghi Chinh (có tới 976 ha và 2 vạn công nhân), khu kinh tế mới Hoa Đô, khu khai phát kỹ thuật cao - mới Thiên Hà. Đi đôi với việc phát triển khu kinh tế mới là quá trình đô thị hóa nông thôn (làng Thanh Hà có 4.300 dân, nay đã trở thành một "làng" công nghiệp với hơn một trăm xí nghiệp sản xuất và dịch vụ).
- Về văn hóa giáo dục và khoa học: Trung Quốc có một số chính sách nhằm khai thác các công nghệ tiên tiến, đưa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức các khu khai thác kỹ thuật cao nhằm triển khai các công nghệ mới gắn với việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm mới.
Về đào tạo: Số lượng lưu học sinh ở nước ngoài do Nhà nước cử đi tương đương với số lưu học sinh đi học tự túc. Lưu học sinh đi học nhiều nhất là ở Mỹ, Nhật Bản, sau đó đến Pháp, Anh, Canađa... Sau khi tốt nghiệp họ có thể về nước ngay hoặc ở lại nước ngoài làm việc một thời gian. Các tiến sĩ khi trở về nước được đón nhận vào các trạm đặt ở các trường đại học hoặc viện nghiên cứu để có thời gian tìm hiểu tình hình đất nước và xác định đề tài nghiên cứu cho mình.
Về giáo dục: Trung Quốc đang thực hiện cải cách giáo dục, lấy giáo dục tiểu học làm cơ sở và đặt mục tiêu cho giáo dục hiện nay, từ tiểu học phải quán triệt tinh thần đào tạo cán bộ cho thế kỷ XXI. Ở cấp tiểu học, Trung Quốc đã tiến hành giảng dạy theo các phòng bộ môn, nhất là những bộ môn ngoại ngữ, tin học, nhạc, họa, thể dục thể thao, v.v.. Trung Quốc vẫn duy trì chế độ thâm niên cho cán bộ giáo dục và y tế. Học sinh đi học có đóng học phí nhưng không đáng kể, chủ yếu kinh phí cho giáo dục do Nhà nước cấp.
NHẬN XÉT CHUNG
Cuộc đi thăm Trung Quốc của Đoàn đại biểu Quốc hội ta diễn ra vào thời điểm thuận lợi sau cuộc đi thăm Trung Quốc mới đây của Chủ tịch Lê Đức Anh và sau Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng ta giữa nhiệm kỳ và tình hình Trung Quốc lúc này đang có những chuyển biến thuận lợi.
Đây là chuyến đi thăm Trung Quốc đầu tiên của Đoàn cấp cao Quốc hội nước ta, cuộc đi thăm đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai Quốc hội, cuộc đi thăm này cũng đồng thời nhằm tiếp tục các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước.
Cuộc đi thăm đạt yêu cầu cao về ý nghĩa chính trị: củng cố và tăng cường thêm một bước quan hệ và hợp tác hữu nghị giữa hai nước:
+ Làm cho phía Trung Quốc hiểu rõ hơn thiện chí của ta đối với Trung Quốc, đồng thời ta cũng hiểu thêm Trung Quốc và tận mắt chứng kiến những thành tựu trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc.
+ Do đoàn ta chuẩn bị kỹ trước khi đi và do đồng chí Nông Đức Mạnh thể hiện tốt quan điểm và thiện chí của ta với thái độ chân tình nên các cuộc gặp gỡ cấp cao với đồng chí Giang Trạch Dân, đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Vương Hán Bân không chỉ theo nghi thức lễ tân xã giao mà đi vào thực chất. Với mức độ nhất định, ta và Trung Quốc đều tranh thủ trao đổi những vấn đề lớn và những cuộc trao đổi này đều vượt quá thời gian dự kiến trước. Cả hai bên đều nhấn điểm đồng, đều xác định là hai nước xã hội chủ nghĩa, đều có Đảng Cộng sản lãnh đạo và đang tiến hành công cuộc đổi mới ở Việt Nam và cải cách, mở cửa ở Trung Quốc.
+ Từ Trung ương đến các địa phương phía Trung Quốc đều nhấn mạnh việc tăng cường phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, nhất là hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại. Ở Trung ương, bạn muốn thành lập nhóm hữu nghị trong Quốc hội, ở địa phương bạn muốn có quan hệ hữu nghị hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh, thành.
+ Bạn đón tiếp Đoàn ta ở mức cao, trọng thị, thân tình (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân tiếp, Ủy viên trưởng Kiều Thạch tiếp và chủ trì chiêu đãi; Phó Ủy viên trưởng Vương Hán Bân chủ trì đón tiễn tại sân bay, nhà ga và mời cơm; Ủy viên Ủy ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính kinh tế Liễu Tùy Niên và Cục trưởng Cục ngoại sự Thạch Quốc Bảo tháp tùng Đoàn từ Trung ương đến địa phương; Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân các tỉnh Sơn Đông, Giang Tô và Quảng Đông đã chủ trì các cuộc đón tiếp. Riêng ở tỉnh Sơn Đông, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh trưởng sau khi dự họp ở Trung ương về cũng tiếp và chiêu đãi Đoàn rất nhiệt tình).
Đại sứ quán ta tại Trung Quốc đã có nhiều đóng góp chuẩn bị cho chuyến đi của Đoàn. Đồng chí Đại sứ Đặng Nghiêm Hoành đã tích cực tham gia trong cả quá trình hoạt động của Đoàn.
Tóm lại chuyến đi của Đoàn đã thành công tốt đẹp.
Một số kiến nghị:
- Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thành lập nhóm hữu nghị với Trung Quốc trong Quốc hội ta.
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có kế hoạch trao đổi Đoàn với các Ủy ban tương ứng của Quốc hội Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong các hoạt động của Quốc hội.
- Các ngành, các địa phương tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế - thương mại... với các ngành và tỉnh, thành của Trung Quốc.
- Văn phòng Quốc hội sớm giới thiệu danh mục các văn bản luật pháp của Trung Quốc để Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham khảo khi cần thiết.
TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Phó Chủ tịch
PHÙNG VĂN TỬU
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội