BÁO CÁO
VỀ KẾT QUẢ CUỘC THĂM HỮU NGHỊ
CHÍNH THỨC HUNGGARI VÀ RUMANI
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội
Nhận lời mời của Quốc hội Cộng hòa Hunggari và Quốc hội Rumani, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do đồng chí Phùng Văn Tửu, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Hunggari từ ngày 5 đến 10-9-1995 và Rumani từ ngày 10 đến 15-9-1995. Tham gia Đoàn có:
- Đồng chí Đỗ Bình Dương, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Bắc;
- Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Thiếu tướng, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Đồng chí Y Xuôi, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kontum, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội;
- Đồng chí Trần Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
I- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN
1. Tại Hunggari:
- Chủ tịch Quốc hội Gan Dôntan đã tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn.
- Hội đàm với Đoàn Quốc hội Hunggari do bà Phó Chủ tịch T.S. Kôrôđi Maria dẫn đầu.
Gặp và làm việc với:
+ Nhóm Nghị sĩ Hunggari hữu nghị với Đông Dương.
+ Quốc vụ khanh chính trị Bộ Công thương, TS. Xôot Karôly Áttila.
+ Quốc vụ khanh chính trị Bộ Nội vụ, TS. Vilagốt Gabo.
+ Quốc vụ khanh chính trị Bộ Ngoại giao.
+ Quốc vụ khanh kinh tế Văn phòng Quốc hội Hunggari.
+ Phó Tổng thư ký Quốc hội Hunggari.
+ Công ty cao su Taurus liên doanh với Tổng Công ty cao su miền Nam Việt Nam.
- Dự phiên họp của Quốc hội.
- Trả lời phỏng vấn báo và vô tuyến truyền hình.
- Dự hai cuộc chiêu đãi do Quốc hội bạn và Đại sứ ta tổ chức.
- Xem biểu diễn văn công Việt Nam do Đại sứ quán ta tổ chức nhân dịp Quốc khánh 2-9.
- Thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở Thủ đô Buđapét và thành phố Pécs.
- Tại trụ sở Tòa thị chính thành phố, Nghị sĩ Quốc hội Bréttơ Dôntan và Thị trưởng Pava Dôntan đã tiếp và làm việc với Đoàn.
2. Tại Rumani:
- Giáo sư Ôliviu Ghexman, Chủ tịch Thượng viện tiếp và hội đàm với Đoàn.
- Thủ tướng Chính phủ Nicôlaê Vacarôiu tiếp và nói chuyện thân mật với Đoàn.
Đoàn gặp gỡ và làm việc với:
+ Uỷ ban luật pháp của hai Viện.
+ Ủy ban các vấn đề xã hội của hai Viện.
+ Uỷ ban chính sách đối ngoại của hai Viện.
+ Tòa án Hiến pháp.
+ Bộ Tư pháp.
+ Bộ Ngoại giao.
+ Bộ Lao động và Bảo hiểm xã hội.
+ Quốc vụ khanh Tổng thư ký Văn phòng Thượng viện.
- Dự hai cuộc chiêu đãi do Phó Chủ tịch Thượng viện bạn và Đại sứ ta mời.
- Xem biểu diễn văn công Việt Nam do Bộ Văn hóa Rumani và Đại sứ quán ta tổ chức nhân dịp Quốc khánh 2-9.
Thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở Thủ đô Bucarét và tỉnh Braxốp, thăm Nhà máy chế tạo ôtô vận tải và Nhà máy kéo Rôman.
II- NỘI DUNG CHỦ YẾU TRONG HỘI ĐÀM, TIẾP XÚC
1. Trong các cuộc hội đàm, gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo, Quốc hội, Chính phủ các nhóm nghị sĩ thuộc các đảng phái chính trị khác nhau trong Quốc hội ở hai nước Hunggari và Rumani, Đoàn ta đã giới thiệu những nét khái quát về chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước ta, những thành tựu quan trọng bước đầu của công cuộc đổi mới, những khó khăn và tồn tại trên con đường phát triển đất nước theo kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện xã hội công bằng và văn minh.
Đoàn bày tỏ cảm ơn chân thành của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Hunggari và Rumani đã tích cực ủng hộ và giúp đỡ quý báu đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, khẳng định mong muốn khôi phục và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Hunggari, giữa Việt Nam và Rumani, đẩy mạnh quan hệ giữa Quốc hội ta với Quốc hội Hunggari và Rumani ở tất cả các cấp với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, như trao đổi đoàn, thông tin...; thúc đẩy các quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học - kỹ thuật trong giai đoạn mới trên cơ sở hai bên cùng có lợi, tiếp tục đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật cho Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Hunggari và Rumani.
2. Trong các cuộc hội đàm chính thức, gặp gỡ, tiếp xúc trao đổi ý kiến với Đoàn ta, lãnh đạo Quốc hội Hunggari và Rumani đều bày tỏ khâm phục, có nơi còn dùng từ "ngưỡng mộ" trước những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trước đây, đánh giá cao thành tựu đạt được của công cuộc đổi mới ở ta. Nhiều đại biểu nhấn mạnh khả năng phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam và trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành "con rồng" ở khu vực.
Cả hai nước Hunggari và Rumani đều đánh giá cao đường lối đối ngoại rộng mở của Nhà nước ta, vị trí quốc tế của Việt Nam tại khu vực và thế giới, chúc mừng Việt Nam gia nhập ASEAN, hoan nghênh việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, có nhiều bạn mới nhưng vẫn thủy chung với bè bạn truyền thống cũ.
Cả hai nước Hunggari và Rumani đều mong muốn khôi phục và phát triển quan hệ truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là cầu nối để các nước đó phát triển quan hệ với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tìm hiểu khả năng hợp tác kinh tế với ta, chú trọng việc thiết lập quan hệ trực tiếp giữa các địa phương và các ngành của ta với nước bạn, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam làm ăn và sinh sống tại các nước đó, coi họ là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và Hunggari, giữa Việt Nam và Rumani.
Việt Nam, Hunggari và Rumani cần tìm ra những hình thức hợp tác thích hợp trong giai đoạn mới theo cơ chế mới cùng có lợi, vì lợi ích của mỗi nước.
Ngoài ra lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Hunggari và Tổng thư ký Thượng viện Rumani cũng đã giới thiệu về bộ máy tổ chức phục vụ Quốc hội trong các lĩnh vực cơ sở vật chất và tài liệu, tin tức phục vụ cho đại biểu Quốc hội và cho các kỳ họp để ta tham khảo.
3. Khái quát về tình hình Hunggari và quan hệ Hunggari - Việt Nam:
Lãnh đạo Hunggari thông báo cho biết:
Trong chính sách đối ngoại, Hunggari nhấn mạnh:
- Hòa nhập châu Âu, trở thành thành viên liên kết của EU, tham gia chương trình đối tác của NATO.
- Cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.
- Quan tâm và bảo vệ lợi ích của cộng đồng người Hunggari tại nước ngoài.
Hunggari coi việc gia nhập EU và NATO là sự bảo đảm an ninh lớn nhất để Hunggari có ổn định và phát triển kinh tế vững chắc lâu dài.
Về đối nội:
Chính phủ mới chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền, chế độ dân chủ đại nghị, kinh tế thị trường có chú trọng chính sách xã hội.
Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của Chính phủ là ổn định tài chính, khuyến khích đầu tư, triệt để tiết kiệm, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm, tiếp tục đẩy mạnh tư nhân hóa, chống tham nhũng, phục vụ mục đích chiến lược lâu dài là hiện đại hóa kinh tế, xã hội.
Về quan hệ Hunggari - Việt Nam:
Tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước, trước mắt cần xử lý một cách mềm mỏng số nợ của Việt Nam mà hai bên có thể chấp nhận được, nhằm khai thông quan hệ kinh tế, thương mại.
- Bộ trưởng Ngoại giao hai nước gặp nhau tại khóa họp sắp tới của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
- Bộ Nội vụ Việt Nam chuẩn bị văn bản hiệp định hợp tác để tiến hành ký kết.
- Xúc tiến chuẩn bị nội dung đàm phán và ký các hiệp định hợp tác và thanh toán tại Hà Nội trong tháng 11 tới.
Thúc đẩy việc hợp tác trực tiếp giữa các địa phương và ngành của hai nước.
4. Khái quát về tình hình Rumani và quan hệ Rumani - Việt Nam
Các nhà lãnh đạo Rumani thông báo:
Về chính sách đối ngoại: Đa dạng hóa quan hệ, với mục tiêu chiến lược là ưu tiên hòa nhập vào cơ cấu chính trị, kinh tế châu Âu, tăng cường quan hệ với Mỹ và Tây Âu, chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, nhất là với Nga và các nước Bancan.
Rumani đã trở thành thành viên của Hội đồng châu Âu, thành viên liên kết của EU, tham gia chương trình đối tác vì hòa bình của NATO.
Về đối nội: Tình hình chính trị ổn định, sản xuất bắt đầu có bước tăng trưởng, cuối năm 1995 có nhiều khả năng xuất khẩu lúa mì, lạm phát giảm dần từ 260% năm 1993 xuống 70% năm 1994.
Về quan hệ Rumani - Việt Nam:
Cuộc đi thăm Việt Nam trong tháng 7-1995 của Thủ tướng Chính phủ Rumani Nicôlaê Vacarôvia đã nâng quan hệ Việt Nam lên bước phát triển mới về chất, mong muốn các hiệp định đã được ký kết giữa hai nước như Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và thể thao xúc tiến tìm ra các đối tác để các địa phương và các ngành của hai nước hợp tác tiếp tục với nhau. Tại Nhà máy chế tạo ôtô vận tải và máy kéo ở tỉnh Braxốp Bạn giới thiệu với Đoàn ta về công nghệ mới sản xuất ôtô vận tải và máy kéo được xuất sang Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
5. Đoàn đã chuyển thư của Chủ tịch Quốc hội ta Nông Đức Mạnh mời Chủ tịch Thượng viện Rumani Ô. Ghexman thăm Việt Nam, Bạn vui vẻ nhận lời mời. Thời gian thăm ta có thể được tiến hành vào khoảng cuối tháng 12-1995 đến tháng 02-1996. Bạn xin thông báo chính thức sau.
III- ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ
A. Nhận xét chung:
- Đây là chuyến thăm đầu tiên của Đoàn đại biểu Quốc hội cấp cao nước ta sang thăm và làm việc tại Hunggari và Rumani từ khi hai nước này chuyển sang chính thể mới.
- Các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi ý kiến đã tạo điều kiện cho hai bên hiểu biết nhau hơn về tình hình mỗi nước, về khả năng hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Ta hiểu Bạn hơn về những tiềm năng có thể hợp tác với Bạn trong nhiều lĩnh vực, nhất là đối với Rumani vì trước đây ta mặc cảm với Rumani là một nước trình độ khoa học và công nghệ còn hạn chế.
- Việc cấu tạo, thành phần đoàn thăm nước Bạn là hợp lý, vì cuộc thăm không còn mang tính chất hữu nghị chung. Ngoài việc thông báo chính thức về tình hình đất nước, trao đổi kinh nghiệm công tác hoạt động Quốc hội, tại thành phố Pécs ở Hunggari và tại tỉnh Braxốp ở Rumani, đồng chí Đỗ Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Bắc đã tiến hành ký kết văn bản ghi nhớ với lãnh đạo của hai tỉnh Bạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà kinh doanh của địa phương hai bên được tiếp xúc với nhau, tìm ra những khả năng hợp tác thiết thực, cùng có lợi. Chúng tôi thấy ta có nhiều khả năng hợp tác với các nước này vì đây là các nước bạn hàng cũ, quen biết từ lâu và trên một số lĩnh vực, Bạn cũng có công nghệ tiên tiến.
Cả hai nước Hunggari và Rumani đều rất coi trọng cuộc đi thăm của Đoàn ta. Bạn đón tiếp Đoàn rất trọng thị, nhiệt tình, cởi mở, chân tình như những người anh em cũ sau thời gian xa cách gặp lại nhau.
Đại sứ quán ta ở Hunggari và Rumani có nhiều cố gắng trong việc giúp Đoàn thực hiện chuyến đi.
- Cuộc đi thăm của Đoàn đạt kết quả tốt vượt dự kiến ban đầu.
B. Kiến nghị:
- Quốc hội ta cần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quốc hội Hunggari và Rumani, có kế hoạch trao đổi các đoàn ở các cấp nhằm tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động Quốc hội của nước Bạn, chú ý lĩnh vực xây dựng luật pháp.
- Đề nghị xúc tiến lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với Hunggari, Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Rumani.
- Chủ tịch Quốc hội ta có thư mời Chủ tịch Quốc hội Hunggari thăm hữu nghị chính thức nước ta vào năm 1996.
- Chuẩn bị kế hoạch đón Đoàn Chủ tịch Thượng viện Rumani thăm hữu nghị chính thức nước ta vào cuối tháng 12 năm 1995 hoặc đầu năm 1996.
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các ngành thiết lập quan hệ trực tiếp với các địa phương và các ngành của nước Bạn trên cơ sở mới cùng có lợi, tránh thiên hướng chỉ quan tâm các nước tư bản phát triển mà xem nhẹ các nước đã cùng ta có quan hệ truyền thống.
- Đề nghị Chính phủ quan tâm công tác tuyên truyền đối ngoại và đẩy mạnh thông tin về tình hình đất nước đối với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.
TM. ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
Trưởng đoàn
PHÙNG VĂN TỬU
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội