BÁO CÁO
VỀ KẾT QUẢ CUỘC THĂM HỮU NGHỊ
CHÍNH THỨC NƯỚC CỘNG HÒA ẤN ĐỘ
CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM
Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội
Thực hiện chương trình công tác đối ngoại của Quốc hội năm 1995, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do đồng chí Đặng Quân Thụy, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ, theo lời mời của Hạ nghị viện Ấn Độ. Tham gia Đoàn có các đồng chí:
- Trịnh Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh, Phó Trưởng đoàn;
- Nguyễn Hồng Phúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Ủy viên Ủy ban quốc phòng và an ninh;
- Hà Văn Nội, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phú;
- Nguyễn Thị An, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng;
- Hoàng Thị Ánh Nguyệt, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa;
- Lê Ngọc Sanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc, Ủy viên Ủy ban quốc phòng và an ninh;
- Nguyễn Chí Bền, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, Ủy viên Ủy ban quốc phòng và an ninh;
- Nguyễn Minh Hồng, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Ủy viên Ủy ban quốc phòng và an ninh;
- Nguyễn Văn Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban quốc phòng và an ninh.
Dưới đây Đoàn xin báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả cuộc thăm này.
I- BỐI CẢNH, MỤC ĐÍCH CUỘC THĂM
VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
NƯỚC TA TẠI ẤN ĐỘ
1. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ trong tình hình quan hệ hữu nghị và sự hợp tác truyền thống giữa hai nước, hai Quốc hội trong những năm gần đây tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, đánh dấu bằng các chuyến thăm Ấn Độ của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười (9-1992), của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (4-1994), chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ N. Rao (9-1994).
Quan hệ kinh tế, thương mại có bước phát triển mới. Thương mại hai chiều từ năm 1993 trở về trước, mỗi năm chỉ đạt khoảng 70 triệu USD, nhưng năm 1994, đã tăng lên và đạt trên 100 triệu USD. Bạn tiếp tục giúp ta đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật nhiều chuyên ngành khác nhau. Một số công ty của Ấn Độ đã và đang triển khai các dự án sản xuất - kinh doanh tại nước ta.
Cuộc thăm của Đoàn diễn ra đúng vào thời điểm rất thuận lợi. Chúng ta vừa kết thúc kế hoạch 5 năm (1991-1995) với những kết quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và ngoại giao, nhất là sau khi nước ta trở thành thành viên chính thức thứ 7 của tổ chức ASEAN, Quốc hội ta gia nhập Liên minh Quốc hội các nước Đông Nam Á (AIPO) và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
2. Mục đích cuộc thăm:
Tiếp theo cuộc thăm Ấn Độ của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu (4-1994), cuộc thăm lần này của Đoàn là nhằm tiếp tục củng cố và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đặc biệt là thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục..., phát triển hiệu quả hơn, tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Trong cuộc thăm này, qua tiếp xúc và trao đổi với Bạn để chúng ta tìm hiểu những kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực lập pháp và giám sát; tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội trong đoàn có dịp tìm hiểu thêm về đất nước, con người Ấn Độ.
3. Hoạt động của Đoàn:
Trong thời gian ở thăm chính thức Ấn Độ, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã đến chào xã giao Tổng thống Đayan Xácma, Phó Tổng thống K.R.Narayanan, Chủ tịch Hạ viện Sivơrai V.Patin.
Đoàn đã có các cuộc tiếp xúc và trao đổi ý kiến với Đoàn nghị sĩ Quốc hội Ấn Độ do Phó Chủ tịch Hạ viện dẫn đầu, thăm xã giao Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Quan hệ với Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Quốc hội, Thủ lĩnh Đảng đối lập trong Quốc hội (BJP), Thống đốc bang Môharáxtra.
Đoàn đã đến thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa, khoa học như: Khu công nghiệp lớn Faridabad, Nhà máy chế tạo máy kéo, Nhà máy chế biến khoai tây chiên, Bảo tàng quốc gia, Tháp Qutab Minar (ở Thủ đô Niu Đêli), Công ty chế tác đồ gia dụng bằng các loại đá màu, Xưởng dệt thảm len, Gian hàng tiểu thủ công nghiệp có tiếng của bang Caxmia, Cung vua Fatehpur Sikri và kỳ quan Tadơmahan (ở thành phố Agra), Khu chế xuất Bom Bay, Thị trường chứng khoán Bom Bay, Viện nghiên cứu Khoa học - Giáo dục Neru, Bảo tàng hoàng tử xứ Uên và động Voi (ở thành phố Bom Bay).
Tại các nơi đến, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã được các vị lãnh đạo tỉnh, thành phố, các cơ sở kinh tế, văn hóa đón tiếp nồng nhiệt và giới thiệu nhiều kinh nghiệm tốt trong từng lĩnh vực công tác của mình.
Đoàn đã dành thời gian thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán ta tại Niu Đêli. Các đồng chí Đại sứ và quyền Tổng Lãnh sự của ta đã tham gia các hoạt động chủ yếu của Đoàn.
II - MỘT SỐ NỘI DUNG ĐÁNG CHÚ Ý
TRONG TIẾP XÚC VÀ TRAO ĐỔI
1. Đồng chí Đặng Quân Thụy đã giới thiệu khái quát về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, những thành tựu có ý nghĩa quan trọng của nhân dân ta trong công cuộc đổi mới, hoạt động của Quốc hội ta, nhất là hoạt động lập pháp với mục tiêu từng bước hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển đất nước. Đồng chí Phó Chủ tịch đã bày tỏ sự đánh giá cao và cám ơn nhân dân Ấn Độ đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Đồng chí cũng nêu lên lòng mong muốn Quốc hội hai nước bằng hoạt động của mình góp phần tích cực hơn nữa vào việc giữ gìn và phát triển quan hệ hữu nghị và sự hợp tác truyền thống mà các vị lãnh tụ kiệt xuất của hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ là Mahátma Ganđi, Giaoahaclan Nêru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp.
2. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ (kể cả Thủ lĩnh Đảng đối lập trong Quốc hội) đều nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại của Nhà nước ta. Bạn hết sức khâm phục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Trong tất cả các cuộc tiếp xúc và trao đổi với Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam ở Trung ương cũng như ở địa phương và các cơ sở, lãnh đạo của bạn đều nhiều lần nhắc đến Bác Hồ với sự kính trọng sâu sắc và khẳng định rằng tình hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam được bắt nguồn từ tình bạn vĩ đại của Giaoahaclan Nêru và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi tồn tại với thời gian cho dù thế giới có thay đổi thế nào đi chăng nữa.
Bạn đánh giá cao vị trí của Việt Nam ở châu Á và coi việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ bảy của tổ chức ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ là nhân tố tích cực góp phần vào việc tăng cường sự ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bạn tỏ ý mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hai nước để trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời thông qua đó thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, v.v. giữa hai nước phát triển thiết thực hơn, hiệu quả hơn.
3. Về chính sách đối ngoại:
Bạn đã phát biểu là điểm đồng rất cơ bản với ta là thực hiện chính sách tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác theo phương châm đa phương hóa, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế. Trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã tích cực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, khôi phục quan hệ với Nga và các nước Trung Á, coi trọng phát triển quan hệ với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
4. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội ta, đồng chí Phó Chủ tịch đã cám ơn Quốc hội Ấn Độ đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, chân tình và chu đáo và trân trọng chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh mời Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ thăm Việt Nam, phía bạn đã vui vẻ nhận lời.
III- NHẬN XÉT CHUNG VÀ KIẾN NGHỊ
1. Cuộc thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ của Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã thành công tốt đẹp, đạt được các yêu cầu và mục đích đặt ra, đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội.
Tuy chúng ta không dự kiến nhưng bạn đã bố trí cho Đoàn ta chào xã giao Tổng thống, Phó Tổng thống, gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Quốc hội thể hiện rõ phía bạn rất coi trọng cuộc thăm này và đánh giá cao vị trí của nước ta trên trường quốc tế, đồng thời, cũng thấy được bạn mong muốn tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và hai Quốc hội.
Phía bạn đã dành cho Đoàn ta sự đón tiếp trọng thị, chân tình và chu đáo; bố trí chương trình làm việc phù hợp và thiết thực, giúp cho Đoàn ta có điều kiện tiếp xúc, trao đổi và tham quan nên đã có thêm sự hiểu biết về đất nước, con người và những thành tựu vĩ đại của nhân dân Ấn Độ qua các thời kỳ lịch sử.
2. Kiến nghị:
- Tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội ta với Quốc hội Ấn Độ thông qua trao đổi các đoàn cấp cao và đoàn các Ủy ban tương ứng. Trước mắt Quốc hội ta chuẩn bị tốt các mặt để đón Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Ấn Độ dự kiến sẽ thăm Việt Nam trong thời gian tới. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép Ủy ban quốc phòng và an ninh mời Đoàn Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Ấn Độ thăm nước ta trong năm 1996.
- Chính phủ chuẩn bị tốt cho cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp liên Chính phủ Việt Nam - Ấn Độ sắp tới để đẩy mạnh hợp tác song phương và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn trong một số lĩnh vực mà bạn có khả năng và thế mạnh.
TM. ĐOÀN
Trưởng đoàn
ĐẶNG QUÂN THỤY
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội