Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Ngày 9 - 11 - 1946, Quốc hội khóa I tại kỳ họp thứ hai đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – Hiến pháp 1946.

Mặc dù được so ạn thảo và thông qua trong một thời gian rất ngắn sau khi nước nhà giành được độc lập, trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn, nhưng Hiến pháp 1946 đã hội tụ đầy đủ các yếu tố của một bản Hiến pháp tiêu biểu không kém bất cứ bản hiến pháp nào trên thế giới, kết tinh những giá trị cao cả của thời đại, thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng khát vọng của nhân dân về bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo toàn lãnh thổ, đoàn kết toàn dân, bảo đảm các quyền tự do dân chủ và xây dựng chính quyền nhân dân mạnh mẽ, sáng suốt.

Hơn 60 năm đã trôi qua, Hiến pháp 1946 đã đặt nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam mới. Từ đó đến nay, tư tưởng của bản Hiến pháp 1946 đã được tiếp thu và kế thừa trong quá trình xây dựng các bản hiến pháp tiếp theo của nước ta.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra đời bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc, và trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và toàn dân đang nỗ lực thực hiện công cuộc Đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy những giá trị chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay” do Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học – Văn phòng Quốc hội tổ chức là hoạt động kịp thời và rất có ý nghĩa. Từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ làm công tác quản lý và thực tiễn tham gia Hội thảo đều khẳng định rằng Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là bản Hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện, cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến.

Cuốn Kỷ yếu hội thảo này được biên soạn trên cơ sở các bài tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo. Các vấn đề, quan điểm được nêu trong các bài viết thể hiện sự đánh giá, nhìn nhận riêng của các nhà khoa học, trong đó còn có những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, làm sáng tỏ thêm. Với tinh thần đó, Kỷ yếu này là tài liệu tham khảo hữu ích về các giá trị lịch sử và đương đại của Hiến pháp 1946, trong đó tập trung vào việc góp phần làm rõ thêm tư tưởng lập hiến, tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý, nhân văn của bản Hiến pháp và tinh thần của Hiến pháp 1946 được kế thừa trong các bản hiến pháp sau này.

Hy vọng rằng cuốn sách sẽ hữu ích đối với các vị đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xin trân trọng giới thiệu đến các quý vị độc giả.

Hà Nội, tháng 01 năm 2009

TS. UÔNG CHU LƯU

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI