VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

THUYẾT TRÌNH CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1963
VÀ DỰ ÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1964

(Do ông Đoàn Trọng Truyến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá II, ngày 03-4-1964)


Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Uỷ ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đã nghiên cứu bản báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 1963 và dự án ngân sách nhà nước năm 1964. Uỷ ban chúng tôi đã nghe Bộ Tài chính báo cáo thêm nhiều vấn đề cụ thể, và đã tham khảo ý kiến của các đoàn đại biểu.

Sau đây chúng tôi xin trình bày ý kiến và kiến nghị của Uỷ ban về bản báo cáo ấy của Chính phủ:

1- Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1963

Ngân sách nhà nước năm 1963 đã được thực hiện có kết quả tốt.

Số thu ngân sách đạt 103,7% mức dự toán, phần thu trong nước tăng 4,8% so với năm 1962.

Số chi ngân sách đạt 102,4% mức dự toán, tăng 4,6% so với năm 1962.

Số kết dư ngân sách năm 1963 ước tính là 23 triệu. Số thu ngân sách nhà nước trong năm 1963 đã tiếp tục tăng lên, nhiệm vụ tích lũy vốn của Nhà nước đã được hoàn thành tương đối tốt. Số thu của kinh tế quốc doanh tăng được 6,3% so với năm 1962 và bằng 85% tổng số thu trong nước. Dựa vào kết quả bước đầu của cuộc vận động "3 xây, 3 chống" trong kinh tế quốc doanh, nhiều ngành, nhiều xí nghiệp đã bước đầu có chuyển biến tốt, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước và bảo đảm nhiệm vụ tích lũy cho ngân sách nhà nước.

Thu thuế công thương nghiệp đối với kinh tế tập thể và cá thể tăng được 9,7% so với năm 1962, trên cơ sở kinh tế tập thể có phát triển, và việc quản lý và giám đốc tài chính nhà nước đối với hoạt động công thương nghiệp tập thể và cá thể bước đầu được tăng cường.

Sản xuất nông nghiệp trong năm 1963 gặp nhiều khó khăn, chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp đã được chấp hành đúng đắn.

Việc phân phối và sử dụng vốn của ngân sách nhà nước năm 1963 đã bảo đảm các nhiệm vụ chính trị và kinh tế to lớn của năm 1963; vốn tích lũy tiếp tục tăng lên, bảo đảm nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tăng cường giúp đỡ cho nông nghiệp, nhất là trong suốt năm nông nghiệp gặp nhiều thiên tai liên tiếp; các kinh phí về sự nghiệp kinh tế và văn hóa bảo đảm sự phát triển của các sự nghiệp này, phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất và yêu cầu cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Kết quả thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1963 là một bước tiến bộ mới của nhân dân ta trên con đường xây dựng một nền kinh tế tự chủ trên tinh thần tự lực cánh sinh và được sự giúp đỡ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Bản chất tốt đẹp của chế độ kinh tế nước ta được phát huy thêm một bước, sức sản xuất tiếp tục phát triển, quan hệ sản xuất mới được củng cố, đời sống của nhân dân được cải thiện từng bước.

Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, lại gặp thiên tai liên tiếp, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn to lớn trong năm 1963, đồng thời chúng ta cũng còn nhiều nhược điểm và khuyết điểm trong việc quản lý kinh tế tài chính. Nhiều khả năng tiềm tàng của nền kinh tế quốc dân chưa được khai thác tốt, trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước, nhiều chỉ tiêu chất lượng chưa được chú trọng đúng mức. Rõ ràng là nếu chỉ phấn đấu đạt chỉ tiêu giá trị sản lượng, mà không bảo đảm đầy đủ chỉ tiêu giá trị sản lượng hàng hóa, không bảo đảm chất lượng hàng hóa, không bảo đảm tiêu thụ hàng hóa làm ra, không bảo đảm giá thành và phí lưu thông, v.v., thì khả năng tích lũy cho ngân sách nhà nước cũng không được bảo đảm. Đây là một kinh nghiệm lớn trong việc quản lý kinh tế tài chính mà chúng ta cần rút ra, đối với các xí nghiệp trung ương cũng như các xí nghiệp địa phương để từ nay cần cố gắng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch một cách toàn diện.

Việc quản lý thị trường chưa được chặt chẽ, việc tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thợ thủ công và người buôn bán nhỏ bị buông lỏng, công tác thu thuế chưa được chú trọng đầy đủ, nên ngân sách còn bị thất thu.

Việc sử dụng vốn nhà nước cũng chưa thật hợp lý và tiết kiệm, hiệu quả của vốn sử dụng chưa được chú trọng đúng mức trong khi tính toán kế hoạch cũng như trong khi thực hiện kế hoạch. Vốn kiến thiết cơ bản còn chưa được sử dụng thật tốt, nhiều công trình xây dựng còn chưa bảo đảm thời gian chuyển vào sản xuất, giá xây dựng nói chung còn cao. Vốn lưu động thì còn ứ đọng nhiều và còn bị lãng phí, một số khoản chi tiêu về các sự nghiệp văn hóa giáo dục xã hội còn chưa hợp lý và chưa được quản lý chặt chẽ.

Việc quản lý tài chính nhà nước tuy có tiến bộ, nhưng còn nhiều nhược điểm và khuyết điểm: kỷ luật tài chính nhiều nơi còn lỏng lẻo, nhiều chính sách và chế độ tài chính và kế toán nhiều nơi chưa được chấp hành nghiêm chỉnh.

Uỷ ban chúng tôi nhất trí với nhận định của Chính phủ là khả năng tiềm tàng của nền kinh tế quốc dân để tăng tích lũy cho ngân sách nhà nước còn nhiều, và trong điều kiện của năm 1963 nếu chúng ta cố gắng phấn đấu tốt hơn thì còn có thể tăng thu cho ngân sách nhà nước hơn nữa.

2- Về dự án ngân sách nhà nước năm 1964

Căn cứ vào năm nhiệm vụ to lớn trước mắt mà Hồ Chủ tịch đã vạch ra cho nhân dân ta trong Hội nghị Chính trị đặc biệt, căn cứ vào các nhiệm vụ cụ thể và các chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước năm 1964, ngân sách nhà nước năm 1964 đã được xây dựng để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ đó. Trong năm 1964, chúng ta phải ra sức tăng cường tích lũy vốn cho ngân sách nhà nước tập trung vốn cho công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tăng cường giúp đỡ nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, vững chắc và toàn diện; phải bảo đảm các nhu cầu vốn khác của Nhà nước trên nguyên tắc tiết kiệm, đồng thời phải chú trọng tăng cường lực lượng dự trữ của Nhà nước. Dựa trên cơ sở sản lượng nông nghiệp sẽ tăng 7% sản lượng công nghiệp sẽ tăng 11% so với năm 1963, số dự thu của ngân sách nhà nước năm 1964 - phần thu trong nước tăng 5,4% so với năm 1963 trong đó, số thu của kinh tế quốc doanh tăng 5,2%, số thu của kinh tế tập thể và cá thể tăng 8,6%. Số dự chi của ngân sách nhà nước năm 1964 tăng 3,2% so với năm 1963; phần vốn bỏ vào kiến thiết cơ bản bằng 50% ngân sách nhà nước và tăng gần 10% so với năm 1963. Vốn trong nước đầu tư vào kiến thiết cơ bản năm 1964 tăng đến 15%.

Trên 75,5% ngân sách được dành cho công cuộc xây dựng kinh tế và văn hóa.

Số dự bị phí của ngân sách năm 1964 chiếm 2,7% tổng số thu ngân sách. Uỷ ban chúng tôi nhất trí tán thành những chỉ tiêu của dự án ngân sách nhà nước năm 1964 mà Chính phủ trình trước Quốc hội.

Chúng tôi nhấn mạnh một số vấn đề sau đây của ngân sách nhà nước năm 1964.

- Số dự thu của ngân sách nhà nước năm 1964 là có căn cứ vững chắc và tích cực và chúng ta có khả năng hoàn thành và hoàn thành vượt mức số dự thu đó.

Trong năm 1964, chính sách giá cả về lương thực của Nhà nước - nâng giá thu mua lương thực mà không nâng giá bán lương thực chứng tỏ sự săn sóc đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với nông dân, đồng thời cũng nói lên sự săn sóc của Đảng và Nhà nước đối với đời sống của nhân dân nói chung. Do chính sách giá cả lương thực có ảnh hưởng một phần nào đến tốc độ tăng thu ngân sách. Nhưng rõ ràng là các ngành kinh tế quốc doanh, các xí nghiệp còn có khả năng nâng cao sản lượng hơn nữa, còn có khả năng tính toán và thực hiện việc nâng cao công suất thiết bị, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm và hạ chi phí lưu thông … để tăng tích lũy cho ngân sách nhà nước nhiều hơn nữa, đồng thời để cải thiện đời sống nhân dân.

Đối với kinh tế tập thể và cá thể, cần phải kết hợp với việc đẩy mạnh công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa những người thủ công và buôn bán nhỏ, tăng cường giúp đỡ quản lý hợp tác xã thủ công, tăng cường quản lý thị trường, thiết thực cải tiến công tác thu thuế công thương nghiệp, giáo dục những người thủ công và buôn bán nhỏ làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Về việc phân phối vốn ngân sách, việc tập trung vốn cho kinh tế cơ bản là hợp lý, phù hợp với yêu cầu tăng cường việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, vấn đề quan trọng bậc nhất là sử dụng số vốn đầu tư cơ bản cho có hiệu quả lớn nhất. Cho nên trong việc tính toán kế hoạch cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán hiệu quả kinh tế tài chính thu về được, đồng thời trong khi thực hiện kế hoạch lại cũng phải chú trọng bảo đảm thực hiện hiệu quả ấy.

Về số vốn lưu động, dự trù cấp phát thêm cho các ngành kinh tế quốc doanh, cũng như về số vốn phải thu về, Uỷ ban chúng tôi nhận xét rằng các cơ quan nhà nước, các xí nghiệp, công trường, cơ quan cung tiêu v.v., hiện nay cần hết sức chú ý tìm mọi biện pháp động viên số vật tư, hàng hóa và thiết bị tồn kho ra sử dụng cho công cuộc xây dựng cơ bản, sản xuất, hoặc cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của Nhà nước và của xã hội.

Đây cũng là một nguồn vật tư rất quan trọng mà chúng ta đã tích lũy được. Nếu huy động được tốt lực lượng vật tư này, thì chúng ta còn nhiều khả năng đẩy mạnh tốc độ xây dựng và sản xuất ngay trong năm 1964. Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp toàn diện và mạnh mẽ để nắm tình hình tồn kho của các ngành và huy động những vật tư ứ đọng ra sử dụng ngay từ trong năm 1964.

Sự giúp đỡ của Nhà nước đối với nông nghiệp được tiếp tục chú trọng như trong dự án ngân sách là cần thiết. Số vốn cho vay dài hạn cần được quản lý tốt hơn để cho vay đích đáng hơn, có hiệu quả hơn. Những khoản chi về các công việc nghiên cứu về giống, (chọn giống, nhân giống, cung cấp giống v.v..) được cấp nhiều hơn, cũng như những khoản chi về các hoạt động về kỹ thuật nông nghiệp của các cơ quan nhà nước: phân, tưới nước, thuốc trừ sâu, thuốc thú y v.v.. Các hoạt động về trạm máy kéo, máy bơm, các hệ thống nông giang… cũng được mở rộng. Vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng quản lý của tất cả các sự nghiệp này để phát huy hơn nữa kết quả thiết thực đối với sản xuất nông nghiệp.

Ngân sách nhà nước năm 1964 bảo đảm phát triển các hoạt động văn hóa giáo dục, y tế, xã hội của Nhà nước. Sự nghiệp văn hóa giáo dục tiếp tục phát triển, nhưng số chỉ tiêu được phân phối hợp lý hơn và tiết kiệm hơn. Chúng ta cần chú trọng phát huy hơn nữa khả năng của nhân dân góp phần với Nhà nước trong công cuộc phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục.

Mặt khác sự săn sóc của Nhà nước đối với đời sống nhân dân cũng đã được thể hiện trong các việc mở rộng các sự nghiệp y tế, văn hóa, xã hội cũng như trong việc tăng cường các quỹ bảo hiểm xã hội, phúc lợi xã hội trong ngân sách nhà nước năm 1964.

Trong khi Nhà nước chúng ta chăm lo xây dựng kinh tế và văn hóa, chúng ta cũng phải quan tâm đầy đủ đến công cuộc củng cố quốc phòng, giữ vững trật tự an ninh, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ta, sẵn sàng đập tan âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ và bọn tay sai.

Lực lượng dự trữ tài chính của Nhà nước dự tính được 2,7% ngân sách nhà nước. Uỷ ban chúng tôi xét thấy để bảo đảm thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1964 và để dành chủ động trước những khó khăn lớn có thể chưa tính hết được, chúng ta cần phấn đấu ra sức tăng thu hơn mức kế hoạch đã định, tiết kiệm chi để có thể tăng thêm lực lượng dự trữ, đồng thời tranh thủ nếu có điều kiện, thì làm thêm những công việc cần làm.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Dự án ngân sách nhà nước năm 1964 như vậy là có căn cứ chắc chắn. Chúng ta cần ra sức phấn đấu thực hiện vượt mức ngân
sách đó.

Chúng tôi đồng ý với các biện pháp Chính phủ đã đề ra để bảo đảm thực hiện ngân sách nhà nước năm 1964:

- Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước một cách toàn diện;

- Tăng cường quản lý các khâu vật tư, lao động, vốn ở cơ sở và ở các ngành, tăng cường hạch toán kinh tế;

- Tăng cường quản lý tài chính nhà nước, cải tiến công tác kế toán, tăng cường hệ thống tổ chức tài chính thống nhất của Nhà nước;

- Tăng cường quản lý ngân sách địa phương, phát huy tính tích cực và chủ động của chính quyền địa phương, phát huy các khả năng kinh tế và tài chính tiềm tàng của các tỉnh, làm cho ngân sách tỉnh quán triệt tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng cơ bản và phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ở địa phương;

- Tăng cường lãnh đạo tài chính ở các cấp, các ngành, các đơn vị, đẩy mạnh công tác tư tưởng - nâng cao ý thức tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng đất nước, ra sức làm cho chế độ tiết kiệm quán triệt vào mọi hoạt động của các cơ quan và xí nghiệp nhà nước;

Uỷ ban chúng tôi nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cuộc vận động "3 xây 3 chống" trong các ngành kinh tế quốc doanh, thiết thực và khẩn trương mở rộng cuộc vận động này ở các ngành quản lý và ở các cơ sở thành một cuộc vận động cách mạng to lớn và sâu sắc. Về mặt thực hành ngân sách nhà nước, qua cuộc vận động này, phải tăng cường hạch toán kinh tế, cải tiến công tác kế toán và tài vụ ở cơ sở cũng như tăng cường toàn bộ hệ thống tài chính thống nhất của Nhà nước, nhằm tăng tích lũy vốn cho Nhà nước, một nhiệm vụ cực kỳ trọng yếu trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Ngân sách nhà nước năm 1964 là một bước tiến bộ mới trên con đường xây dựng một nền kinh tế tự chủ, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Nhìn lại con đường đã đi qua, chúng ta vô cùng phấn khởi và tin tưởng. Từ một nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc, bị chiến tranh tàn phá, nhân dân ta đã tự mình xây dựng được một nền tài chính nhà nước ngày càng vững chắc, bảo đảm cho công cuộc xây dựng đất nước chúng ta ngày càng tiến tới. Tính từ 10 năm trở lại đây, số thu ngân sách nhà nước đã không ngừng tăng lên, năm 1964 đã tăng gần 6 lần so với lúc hòa bình mới lập lại. Dựa vào các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, và trên cơ sở nền sản xuất ngày càng phát triển, dựa vào lao động cần cù và sáng tạo của nhân dân ta, dựa vào tài nguyên phong phú của đất nước ta, và được sự giúp đỡ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, chúng ta đã tích lũy được từ trong nội bộ nền kinh tế quốc dân của ta những số vốn ngày càng lớn và sử dụng những số vốn ấy vào công cuộc xây dựng đất nước mình.

Nguồn thu nhập tài chính nhà nước chúng ta dựa vào nền kinh tế quốc dân xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, trong đó kinh tế quốc doanh đã bảo đảm được đến 85% số thu trong nước hàng năm của ngân sách, thu nhập của nền kinh tế tập thể và cá thể chỉ còn trên dưới 12% số thu trong nước. Hàng năm, chúng ta đã cố gắng dành đến trên 3/4 ngân sách để xây dựng kinh tế và văn hóa, và từ 45 đến 50% ngân sách để vào xây dựng cơ bản, nhằm xây dựng từng bước cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời chúng ta luôn luôn chăm lo đúng mức cải thiện từng bước đời sống nhân dân, trên cơ sở sản xuất và thu nhập quốc dân tăng lên cũng như chăm lo củng cố quốc phòng. Điểm qua lại những bước đường đã qua, chúng ta thấy rõ là nền tài chính nhà nước chúng ta có cơ sở vật chất ngày càng vững chắc. Trong 10 năm qua, nền tài chính của ta, một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, đã thu được những thắng lợi to lớn. Chúng ta đang xây dựng một nền tài chính tự chủ, xã hội chủ nghĩa, dựa trên sản xuất, phục vụ cho sản xuất, cho xây dựng, cho đời sống nhân dân; một nền tài chính làm công cụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Đường lối chính sách đúng đắn của Đảng ta là nguồn gốc của những thành tích và thắng lợi tài chính đã thu được, và là bảo đảm chắc chắn nhất cho những thắng lợi to lớn hơn sắp tới.

Với lòng đầy tin tưởng và phấn khởi, chúng tôi xin đề nghị Quốc hội thông qua dự án ngân sách nhà nước năm 1964 của Chính phủ đã trình trước Quốc hội, với số thu bằng số chi là: một nghìn tám trăm bẩy mươi tư triệu (1.874.000.000) đồng.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.