BÁO CÁO
CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA VI
TẠI KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHÓA VII
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Từ sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa VI (tháng 12-1980) đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp 6 phiên, thông qua 172 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Ủy ban.
Sau đây, chúng tôi xin báo cáo về hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
I- VỀ VIỆC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA VII
Căn cứ vào Nghị quyết ngày 18-12-1980 của Quốc hội quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong thời gian vừa qua Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội có báo cáo riêng trình Quốc hội xét.
II- VỀ CÔNG TÁC PHÁP LUẬT
1. Để việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp được phù hợp với Hiến pháp mới và tình hình, nhiệm vụ mới, ngày 25-11-1980 Hội đồng Chính phủ đã đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Pháp lệnh năm 1961 quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.
Sau khi nghe ý kiến của Ủy ban dự án pháp luật của Quốc hội, trong phiên họp ngày 22-01-1981, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Pháp lệnh năm 1961 nói trên.
Ngày 23-01-1981, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Pháp lệnh này.
2. Để góp phần bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách và pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước; khuyến khích cán bộ, nhân viên nêu cao đức tính liêm khiết; động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ tập thể, tích cực đấu tranh chống tệ hối lộ, ngày 13-10-1980, Hội đồng Chính phủ đã đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ, thay thế các văn bản pháp luật về tội hối lộ đã được ban hành trước đây.
Sau khi nghe ý kiến của Ủy ban dự án pháp luật của Quốc hội, trong phiên họp ngày 20-5-1981, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ.
Ngày 23-5-1981, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Pháp lệnh này.
III- VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH VÀ CÔNG ƯỚC
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn hiệp định và công ước như sau:
- Ngày 31-3-1981, quyết định phê chuẩn Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự, gia đình và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Đức ký tại Hà Nội ngày 15-12-1980.
- Ngày 16-6-1981, quyết định phê chuẩn Công ước về quy chế pháp chế, quyền ưu đãi và miễn trừ của các tổ chức kinh tế liên quốc gia hoạt động trong những lĩnh vực hợp tác nhất định ký tại Buđapét (Hunggari) ngày 05-12-1980.
IV- VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước như sau:
1. Ngày 22-01-1981, phê chuẩn việc:
a) Chia Bộ Điện và Than thành hai bộ: Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than;
b) Chia Bộ Lương thực và Thực phẩm thành hai bộ: Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lương thực.
2. Ngày 19-02-1981, phê chuẩn việc chuyển Tổng cục Cao su thuộc Bộ Nông nghiệp thành Tổng cục Cao su trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
V- VỀ NHÂN SỰ CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định về nhân sự của Hội đồng Chính phủ như sau:
Ngày 22-01-1981, quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm các đồng chí sau đây:
1. Đồng chí Trần Quỳnh thôi giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.
2. Đồng chí Vũ Tuân thôi giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng để giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm.
3. Đồng chí Hồ Viết Thắng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm.
4. Đồng chí La Lâm Gia giữ chức Bộ trưởng Bộ Lương thực.
5. Đồng chí Trần Văn Hiển thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương.
6. Đồng chí Trần Phương thôi giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương.
7. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi.
8. Đồng chí Nguyễn Cảnh Dinh giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy lợi.
9. Đồng chí Đỗ Chính thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Hải sản.
10. Đồng chí Nguyễn Tiến Trịnh giữ chức Bộ trưởng Bộ Hải sản.
11. Đồng chí Trần Kiên thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.
12. Đồng chí Phan Xuân Đợt giữ chức Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.
13. Đồng chí Nguyễn Chấn thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Điện và Than.
14. Đồng chí Phạm Khai giữ chức Bộ trưởng Bộ Điện lực.
15. Đồng chí Nguyễn Chấn giữ chức Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than.
16. Đồng chí Đặng Việt Châu giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.
17. Đồng chí Vũ Đại giữ chức Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Ngày 19-02-1981, quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm các đồng chí sau đây:
1. Đồng chí Đoàn Trọng Truyến giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước;
2. Đồng chí Trần Dương thôi giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước;
3. Đồng chí Nguyễn Duy Gia giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước;
4. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động;
5. Đồng chí Đào Thiện Thi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động.
VI- VIỆC BỔ NHIỆM ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN
CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại các nước như sau:
Ngày 19-02-1981, quyết định bổ nhiệm:
1. Đồng chí Cao Kiến Thiết giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, thay đồng chí Phùng Mạnh Cung về nước nhận công tác khác.
2. Đồng chí Cao Đắc Hưng giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Vương quốc Thụy Điển, thay đồng chí Nguyễn Việt về nước nhận công tác khác.
Ngày 29-4-1981, quyết định bổ nhiệm:
1. Đồng chí Trần Văn Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Angiêri Dân chủ và Nhân dân, kiêm nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Ảrập Xarauy Dân chủ.
2. Đồng chí Cao Đắc Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Vương quốc Thụy Điển, kiêm nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại nước Cộng hòa Phần Lan.
VII- VỀ NHÂN SỰ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
Ngày 19-02-1981, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm các đồng chí Thang Văn Khuê, Nguyễn Khanh, Dương Tấn Tòng và Vũ Văn Kỳ giữ chức kiểm sát viên dự khuyết Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
VIII- VỀ VIỆC TẶNG HUÂN CHƯƠNG
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng huân chương các loại cho những đơn vị, gia đình và cá nhân như sau:
Tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, đã có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, giáo dục và rèn luyện thiếu niên, nhi đồng theo 5 điều Bác Hồ dạy, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Tặng Huân chương Độc lập cho:
- Ngành Thể dục thể thao đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc phát triển phong trào thể dục thể thao, xây dựng và tăng cường tổ chức của ngành, mở rộng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và lực lượng vận động viên; phục vụ tích cực việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
- 5 vị hòa thượng và 3 cán bộ đã có nhiều công lao đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Tặng Huân chương Quân công và Chiến công cho 198 đơn vị và 2.405 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Tặng Huân chương Kháng chiến cho 32 gia đình và 52 cán bộ, công nhân viên đã có nhiều thành tích trong sự nghiệp cách mạng và kháng chiến.
Tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho 65.085 cán bộ, chiến sĩ đã có nhiều thành tích phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân.
Tặng Huân chương Lao động cho 426 địa phương, đơn vị và 25 cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác, chấp hành chính sách, thực hiện kế hoạch nhà nước và các nhiệm vụ khác.
Tặng Huân chương Hữu nghị cho 30 đơn vị và 20 cá nhân thuộc các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã có công giúp nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tặng Huân chương Quyết thắng cho 2.271 cán bộ thoát ly theo niên hạn phục vụ ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Tặng Huân chương Giải phóng cho 503 gia đình thuộc các tỉnh miền Nam có người thân thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
IX- VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI,
TỐ CÁO VÀ THƯ DÂN NGUYỆN
Từ sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa VI đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được 290 thư dân nguyện và 2.330 đơn khiếu nại, tố cáo, đã có 520 lượt người đến trực tiếp trình bày sự việc.
Nội dung đơn khiếu tố có những vấn đề đáng chú ý sau đây: nạn tham ô, lợi dụng chủ trương "bung ra" trong sản xuất, lợi dụng thực hiện kết hợp “3 lợi ích” làm những điều không đúng về nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính để lấy tài sản của Nhà nước, của hợp tác xã và những quyền lợi vật chất của gia đình thương binh, liệt sĩ. Nạn hối lộ cũng nghiêm trọng. Tình trạng bắt, tha, tra tấn, giam, bắn chết người, thu giữ, quản lý tài sản, tịch thu nhà cửa không đúng pháp luật xảy ra nhiều nhất là ở nông thôn miền Nam; kẻ có tội không được xử lý nghiêm minh, người thẳng thắn đấu tranh thì bị trù dập, trả thù. Tình trạng ức hiếp quần chúng còn khá nặng nề. Tòa án nhân dân các cấp xử không đúng người, đúng tội, thực hiện không đúng các chế độ, chính sách, nhiều vụ kêu oan đã rõ, nhưng vẫn không được giải quyết dứt khoát, v.v..
- Về dân nguyện: nhân dân đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ sớm có biện pháp giải quyết khó khăn về đời sống, giá cả, quản lý thị trường, và có biện pháp chống bọn đầu cơ, bọn làm ăn phi pháp; trừng trị những kẻ có chức, có quyền đã có những hành động tiêu cực nghiêm trọng.
Văn phòng Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét và giải quyết; thường xuyên quan hệ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ban chỉ đạo 79 của Trung ương, Phủ Thủ tướng, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và các cơ quan hữu quan khác để trao đổi, phối hợp và thúc đẩy giải quyết những vụ, việc khiếu tố quan trọng kéo dài.
Văn phòng đã cử những đoàn cán bộ về các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh tìm hiểu tình hình, đôn đốc, giải quyết những đơn do Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển về.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy trong thời gian qua các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm hơn đến việc chỉ đạo giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân. Một số Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia ý kiến với chính quyền các cấp trong việc giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân. Nhưng nhìn chung, tình hình giải quyết đơn khiếu tố vẫn đang là vấn đề trì trệ và còn nhiều khuyết điểm tồn tại, nhất là chưa được sự quan tâm đúng mức của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành. Việc tham gia của các đại biểu Quốc hội vào công tác giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân cũng chưa nhiều.
X- VỀ QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận được đều đặn những nghị định, nghị quyết, chỉ thị, thông báo về các mặt hoạt động của Chính phủ.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chuyển đến Chính phủ các câu hỏi, ý kiến, kiến nghị mà các đại biểu Quốc hội đã đề ra tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Hội đồng Chính phủ đã giao cho các Bộ hữu quan nghiên cứu và trả lời đại biểu Quốc hội.
Đại diện Hội đồng Chính phủ thường xuyên tham dự các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình bày những đề nghị hoặc báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội những vấn đề mà Chính phủ thấy cần báo cáo hoặc những vấn đề mà Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu.
XI- VỀ QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Trong thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn luôn giữ quan hệ mật thiết với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều có đại diện của hai cơ quan nói trên tham dự.
Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo thường kỳ về công tác của ngành mình.
Trong nhiều phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định những vấn đề công tác xét xử của ngành Tòa án.
XII- VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI
1. Ngày 28-5-1981, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã gửi thư đến đồng chí Hoócxtơ Xinderơman, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức đồng hưởng ứng tuyên bố của Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức ngày 02-4-1981 về chương trình hòa bình của Liên Xô được nêu trong Đại hội lần thứ XXVI của Đảng Cộng sản Liên Xô.
2. Ngày 15-6-1981, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh gửi điện đến Ngài Najem Hađat, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Irắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội nước Cộng hòa Irắc và ban tuyên bố của Hội đồng chỉ huy cách mạng Irắc lên án bọn Xiônít Ixraen xâm lược Libăng và ném bom phá hủy Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân của Irắc.
3. Về hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội, trong thời gian từ sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa VI đến nay, Đoàn đã cử các đoàn đại biểu đi dự các hội nghị sau đây:
- Hội nghị tư vấn các đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Mátxcơva (Liên Xô) trong hai ngày 16 và 17-3-1981.
- Hội nghị mùa xuân 1981 của Liên minh Quốc hội họp tại Manila (Philíppin) ngày 20 đến ngày 25-4-1981.
XIII- VỀ QUAN HỆ VỚI CÁC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
1. Trong thời gian qua, hầu hết Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội những văn kiện (báo cáo, biên bản, nghị quyết) của các hội nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Ủy ban thường vụ Quốc hội còn nhận được báo cáo về kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh kiểm điểm nhiệm kỳ và báo cáo những ưu điểm, thiếu sót trong công tác của Hội đồng nhân dân trước cử tri.
2. Ngày 26-4-1981, cùng với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong cả nước đã được tiến hành nhanh, gọn, tốt, đúng pháp luật, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.
3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khóa mới đã họp kỳ họp đầu tiên để bầu ra Ủy ban nhân dân và bàn nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của địa phương. Báo cáo về kết quả kỳ họp đã được gửi về Ủy ban thường vụ Quốc hội.
XIV- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI
Từ sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa VI đến nay, các Ủy ban của Quốc hội đã có những hoạt động như sau:
1. Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội đã xem xét việc thi hành Nghị quyết kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa VI về vấn đề ổn định và bảo đảm đời sống của nhân dân, trước hết là đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức.
2. Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội đã bàn về vấn đề kết hợp chặt chẽ y học hiện đại với y học cổ truyền của dân tộc, xây dựng nền y học Việt Nam.
3. Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội đã nghiên cứu và xem xét tình hình thực hiện cuộc vận động tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong các trường học.
4. Ủy ban dự án pháp luật của Quốc hội:
- Đã nghiên cứu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc phê chuẩn Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự, gia đình và hình sự giữa nước ta với nước Cộng hòa Dân chủ Đức, trong việc thông qua Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Pháp lệnh năm 1961 quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ.
- Đã tham gia xây dựng các dự luật:
+ Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước;
+ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng;
+ Luật tổ chức Tòa án nhân dân;
+ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
5. Ủy ban đối ngoại của Quốc hội:
- Đã nghe và thảo luận báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước ta trong 6 tháng cuối năm 1980 và bàn định chương trình công tác 6 tháng đầu năm 1981.
- Đã đón tiếp ông Ken Phơry, nghị sĩ thuộc cánh tả Công đảng, Ủy viên Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Ôxtrâylia, đến thăm nước ta từ ngày 06 đến ngày 18-01-1981.
- Đã đón tiếp ông Phécnanhô Ganhô, Ủy viên Ủy ban thường trực Quốc hội Môdămbích, Hiệu trưởng Trường đại học Maputô và ông Yôsê Cácrinhô, Chánh Văn phòng Quốc hội, đến thăm nước ta từ ngày 29-4 đến ngày 06-5-1981.
Các Ủy ban kế hoạch và ngân sách, Ủy ban y tế và xã hội, Ủy ban văn hóa và giáo dục, Ủy ban dự án pháp luật của Quốc hội đã họp tổng kết, rút kinh nghiệm công tác của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI và đề xuất ý kiến về hướng hoạt động của các ủy ban thường trực của Quốc hội khóa VII.
XV- HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
VÀ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa VI, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức báo cáo với cử tri về nội dung và kết quả kỳ họp, về việc Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; có đoàn đã họp kiểm điểm rút kinh nghiệm công tác trước khi hết nhiệm kỳ. Các đoàn đặc biệt chú ý đến những ý kiến đóng góp của cử tri đối với nhiệm vụ của Quốc hội và của đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau khi có Hiến pháp mới.
Trên đây là tình hình các mặt hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội từ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa VI đến nay, xin báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội.