VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

TỜ TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC
BAN HÀNH LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ VÀ LUẬT
VỀ SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

(Do ông Đặng Thí, Tổng Thư ký Hội đồng
Bộ trưởng trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa VII, ngày 21-12-1981)

 

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin thay mặt Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự và Dự thảo Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để Quốc hội xét.

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1958 đã ban hành Luật quy định về chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và năm 1960 ban hành Luật nghĩa vụ quân sự.

Trải qua hơn 20 năm thực hiện hai luật trên, chúng ta đã động viên hàng chục vạn thanh niên tham gia chiến đấu khắp mọi chiến trường, đã đào tạo được một đội ngũ sĩ quan có năng lực cho mọi binh chủng, một lòng một dạ trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Nhờ đó, chúng ta đã củng cố được quốc phòng, tăng cường lực lượng quân sự, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, giành độc lập thống nhất cho cả nước.

Hiện nay trong giai đoạn cách mạng mới, để phù hợp với Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy và hiện đại, Luật nghĩa vụ quân sự ban hành năm 1960 và Luật quy định về chế độ phục vụ của sĩ quan ban hành năm 1958 có chỗ cần sửa đổi và bổ sung cho thích hợp. Vì vậy, Hội đồng Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xét và thông qua Luật nghĩa vụ quân sự và Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đây, tôi xin báo cáo Quốc hội nội dung những điểm chính của hai Dự thảo Luật trên mà chúng tôi đã gửi toàn văn đến các vị đại biểu.

I- LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Bản Dự thảo Luật có 73 điều chia ra làm 11 chương.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương này có 12 điều, làm nổi lên ý nghĩa của việc bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Mọi công dân đều có nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc trong lực lượng vũ trang khác (Điều 3), trừ những người đang trong thời kỳ bị pháp luật hoặc Tòa án tước quyền phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân và những người bị giam giữ (Điều 6), thì không được phép làm nhiệm vụ đó. Đó là thể hiện tính chất công bằng và bình đẳng của công dân trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đồng thời thể hiện việc tham gia phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng vũ trang nhân dân khác là một nghĩa vụ vô cùng vẻ vang của công dân ta.

CHƯƠNG II

VIỆC PHỤC VỤ TẠI NGŨ CỦA HẠ SĨ QUAN VÀ BINH SĨ

Chương này có năm điều. Xin lưu ý Điều 13 nói về tuổi phục vụ tại ngũ và Điều 15 nói về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ.

1. Về tuổi phục vụ tại ngũ

Luật cũ quy định lứa tuổi phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là từ 18 đến 25 tuổi. Nay, đề nghị quy định từ 18 đến 27 tuổi để tạo điều kiện cho mọi thanh niên đều có cơ hội và thời gian được phục vụ tại ngũ (Điều 13), nhất là đối với những thanh niên vì lý do này, lý do khác thuộc diện tạm hoãn chưa được gọi nhập ngũ nói ở Điều 30 trong Dự thảo Luật này.

2. Về thời hạn phục vụ tại ngũ

Luật cũ quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ trong lục quân là 4 năm, trong các quân chủng và binh chủng kỹ thuật là 5 năm. Nay, đề nghị (Điều 15):

- Ba năm đối với hạ sĩ quan và binh sĩ;

- Bốn năm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ kỹ thuật và nghiệp vụ do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân;

- Hai năm đối với hạ sĩ quan và binh sĩ đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học;

- Hai năm đối với hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc một số dân tộc do Hội đồng Bộ trưởng quy định.

Quy định như vậy là để phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội và xây dựng các mặt kinh tế, văn hóa, v.v., của nhân dân ta.

CHƯƠNG III

VIỆC CHUẨN BỊ CHO THANH NIÊN PHỤC VỤ TẠI NGŨ

Chương này có bốn điều. Qua kinh nghiệm xây dựng quân đội của ta và của các nước anh em, thì việc chuẩn bị cho thanh niên phục vụ tại ngũ là một vấn đề cần thiết.

Để bảo đảm cho thanh niên khi vào quân đội nhanh chóng làm quen với trang bị kỹ thuật hiện đại, Điều 18 quy định: thanh niên nam giới trước khi đến tuổi nhập ngũ và trước khi nhập ngũ phải được huấn luyện theo chương trình quân sự phổ thông và lại đưa chương trình học tập quân sự phổ thông thành chương trình chính khóa ở các trường.

Để bảo đảm cho việc quản lý lực lượng thanh niên sẵn sàng nhập ngũ được chặt chẽ, việc gọi nhập ngũ được chính xác, Điều 21 quy định: tháng 4 hàng năm, công dân nam giới đủ 17 tuổi phải đến cơ quan quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự và kiểm tra sức khỏe.

CHƯƠNG IV

VIỆC NHẬP NGŨ VÀ XUẤT NGŨ

Chương này có 16 điều quy định những nội dung chủ yếu để bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ quân sự được công bằng và nghiêm chỉnh, đúng pháp luật.

1. Thời gian tuyển quân: Luật cũ quy định hàng năm tuyển quân một lần từ ngày 1 tháng 12 năm trước đến ngày 28 tháng 2 năm sau (ba tháng).

 Nay đề nghị, hàng năm việc gọi công dân nhập ngũ được tiến hành từ một đến hai lần, vào tháng 2, tháng 3 và tháng 8, tháng 9 (Điều 22), nhằm khỏi ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, và công tác của địa phương và việc học tập của học sinh trong lứa tuổi làm nghĩa vụ quân sự.

2. Hội đồng nghĩa vụ quân sự: Để phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong việc thi hành Luật nghĩa vụ quân sự, đề nghị đưa vào Luật việc thành lập Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp (Điều 25).

3. Hoãn gọi nhập ngũ và miễn làm nghĩa vụ quân sự: Làm nghĩa vụ quân sự, tham gia quân đội thường trực là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý của mọi công dân nam giới. Tuy nhiên, căn cứ vào hoàn cảnh xã hội của ta, vào điều kiện sản xuất, công tác, học tập và sức khỏe của thanh niên, nên Dự thảo Luật quy định một số trường hợp được hoãn gọi nhập ngũ (Điều 30) và được miễn làm nghĩa vụ quân sự (Điều 31).

CHƯƠNG V

VIỆC PHỤC VỤ CỦA HẠ SĨ QUAN VÀ BINH SĨ DỰ BỊ

Chương này có tám điều quy định những vấn đề về xây dựng lực lượng dự bị, và tuổi phục vụ của hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị. Luật cũ quy định là đến hết 45 tuổi thì hết hạn làm nghĩa vụ quân sự. Nay đề nghị, kéo dài thêm đến 50 tuổi (đối với nam giới) để có một lực lượng đông đảo sẵn sàng phục vụ tại ngũ khi cần thiết.

Về việc huấn luyện quân dự bị. Luật cũ quy định hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị mỗi năm phải tham gia huấn luyện quân sự 25 ngày.

Nay đề nghị tùy theo độ tuổi chia thành ba nhóm để việc huấn luyện quân dự bị phù hợp với sức khỏe và trang bị kỹ thuật.

CHƯƠNG VI

VIỆC PHỤC VỤ CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

Chương này có bốn điều. Ngày nay trang bị kỹ thuật của quân đội ta đã phát triển đến mức khá cao. Việc bảo quản các trang bị đó trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ lành nghề có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, ngoài lực lượng hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ tại ngũ có thời hạn cần có một số quân nhân có trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ cần thiết cho công tác chỉ huy, chiến đấu, bảo đảm chiến đấu, xây dựng quân đội và tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội. Thành phần quân nhân ấy gọi là quân nhân chuyên nghiệp (Điều 46). Điều lệ phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng quy định.

CHƯƠNG VII

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA QUÂN NHÂN
CHUYÊN NGHIỆP, HẠ SĨ QUAN VÀ BINH SĨ TẠI NGŨ

Chương này có chín điều. Để giáo dục và động viên hạ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp yên tâm rèn luyện và chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Dự thảo Luật dành riêng Chương này để quy định những nhiệm vụ và quyền lợi cụ thể trong thời gian tại ngũ cũng như sau khi tại ngũ.

Ngoài những vấn đề cơ bản trên đây, Dự thảo Luật còn có những điểm sửa đổi, bổ sung vào các vấn đề:

- Đăng ký nghĩa vụ quân sự (Chương VIII).

- Việc nhập ngũ theo lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ, việc xuất ngũ theo lệnh phục viên (Chương IX).

- Việc xử lý các vi phạm (Chương X).

Theo quy định của Hội đồng Nhà nước Dự thảo Luật này đã được gửi về các địa phương và các ngành ở Trung ương để trưng cầu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố; đại biểu các đoàn thể nhân dân và cán bộ các ngành, các cấp. Các nơi đều nhất trí với những quan điểm và nội dung cơ bản của Dự thảo Luật và đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng. Chúng tôi đã nghiên cứu tiếp thu và bổ sung vào bản Dự thảo Luật trình Quốc hội xét.

II- LUẬT VỀ SĨ QUÂN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Dự thảo Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có 45 điều chia làm 5 chương:

Chương I: Những quy định chung (có 6 điều);

Chương II: Quân hàm và chức vụ của sĩ quan (có 16 điều);

Chương III: Sĩ quan dự bị (có 8 điều);

Chương IV: Nghĩa vụ và quyền lợi của sĩ quan (có 13 điều);

Chương V: Điều khoản cuối cùng (có 2 điều).

So với Luật ban hành năm 1958, có những điểm sửa đổi chính sau đây:

1. Luật ban hành năm 1958 gọi là “Luật quy định về chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam”. Nay, đề nghị sửa lại là “Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam” để bao hàm đầy đủ nội dung của Luật.

2. Chương II - Quân hàm và chức vụ của sĩ quan.

Về hệ thống quân hàm sĩ quan. Luật cũ quy định 12 bậc (cấp tướng có 4 bậc, cấp tá có 4 bậc, cấp úy có 4 bậc). Chuẩn úy cũng được coi là sĩ quan, nên thời hạn thăng cấp bậc dài, từ thiếu úy đến đại tá bình thường phải là 27 năm, do đó, sĩ quan cấp trên thường tuổi cao, không phù hợp với yêu cầu chỉ huy chiến đấu trong chiến tranh hiện đại; nay đề nghị, bỏ cấp thượng tá và chuẩn úy và rút ngắn thời hạn thăng bậc của cấp úy; như vậy theo Dự thảo Luật, bình thường từ thiếu úy lên đại tá là 20 năm (Điều 7 và Điều 9).

Về thẩm quyền quyết định việc bổ nhiệm chức vụ, phong thăng quân hàm và điều động cán bộ; để phù hợp với quy mô tổ chức của quân đội ta và để kịp thời đáp ứng yêu cầu chỉ huy chiến đấu, nay, đề nghị sửa đổi lại thẩm quyền quyết định việc bổ nhiệm các chức vụ, phong và thăng quân hàm (Điều 14) và điều động sĩ quan (Điều 15).

3. Trong Chương IV nói về nghĩa vụ và quyền lợi của sĩ quan Điều 31 nói rõ thêm nghĩa vụ của sĩ quan và Điều 32 có đề nghị sửa đổi hạn tuổi phục vụ tại ngũ và ở ngạch dự bị của sĩ quan. Luật cũ quy định hạn tuổi phục vụ của sĩ quan ở một số cấp bậc chưa phù hợp, sĩ quan còn đang tại ngũ thì tuổi quá thấp (đại tá đến 50 tuổi, thiếu tướng đến 55 tuổi là hết tuổi tại ngũ) trong khi đó, sĩ quan dự bị thì tuổi lại cao (thiếu tá 58 tuổi, trung tá 63 tuổi). Nay, đề nghị sửa lại hạn tuổi ở một số cấp bậc để bảo đảm vừa có cán bộ trẻ, khỏe, vừa có cán bộ cũ dày dạn kinh nghiệm chỉ huy và chiến đấu, đồng thời có đội ngũ sĩ quan dự bị hùng hậu.

Về quyền lợi của sĩ quan, Dự thảo Luật có quy định một số quyền lợi cụ thể (từ Điều 39 đến Điều 43) nhằm khuyến khích, động viên sĩ quan ra sức xây dựng quân đội, yên tâm phục vụ lâu dài trong quân đội.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây tôi đã báo cáo những nội dung chính của bản dự thảo Luật, nói rõ những điểm bổ sung hoặc sửa đổi so với Luật về nghĩa vụ quân sự ban hành năm 1960 và Luật quy định về chế độ phục vụ của sĩ quan ban hành năm 1958.

Hai luật này được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy và hiện đại trong giai đoạn cách mạng mới.

Để bảo đảm việc thi hành Luật nghĩa vụ quân sự được nghiêm chỉnh mà không ảnh hưởng đến việc sẵn sàng chiến đấu của quân đội, xin đề nghị Quốc hội: đối với hạ sĩ quan và binh sĩ nhập ngũ trước tháng 12 năm 1981 thì không áp dụng những quy định của Luật này và thời hạn phục vụ tại ngũ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm ấn định các biện pháp có kế hoạch cho xuất ngũ dần đến hết năm 1984.

Xin trình Quốc hội xét.

 

Lưu tại Phòng Lưu trữ,
Văn phòng Quốc hội