VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

TỜ TRÌNH
CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VỀ DỰ THẢO NỘI QUY
VỀ KỲ HỌP QUỐC HỘI VÀ DỰ THẢO QUY CHẾ
VỀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

(Do ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa VII,
ngày 21-12-1981)

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tiếp theo Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, chúng ta cần xây dựng các nội quy, quy chế cụ thể hóa thêm luật để hoạt động của các tổ chức, cơ quan của Quốc hội vào nền nếp, có hiệu quả, bảo đảm phát huy triệt để tác dụng của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Bản dự thảo “Nội quy về kỳ họp Quốc hội” và dự thảo “Quy chế về đại biểu Quốc hội” đã gửi các đại biểu góp ý kiến: Căn cứ những ý kiến đã góp, chúng tôi chỉnh lý lại.

Hôm nay, thay mặt Chủ tịch Quốc hội, tôi xin trình Quốc hội xét.

Nội quy về kỳ họp Quốc hội

Tinh thần cơ bản của Nội quy là, từ những kinh nghiệm của các kỳ họp trước đây, nay hệ thống hóa, bổ sung và giải quyết một số vấn đề cụ thể để cho kỳ họp theo một trình tự hợp lý, thống nhất và có hiệu quả cao, Quốc hội thực sự quyết định những việc quan trọng nhất của đất nước và thực hiện quyền giám sát đối với các cơ quan nhà nước như Hiến pháp và Luật đã quy định.

Trước hết, xin nói mấy ý về phiên họp trù bị. Nội dung chủ yếu của các phiên họp trù bị trước đây là bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký kỳ họp và thông qua chương trình làm việc của kỳ họp.

Theo tổ chức mới, Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp, Đoàn Thư ký kỳ họp được bầu một lần cho cả khóa Quốc hội, mỗi kỳ họp không cần bầu Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký kỳ họp, chỉ còn một việc là thông qua chương trình làm việc. Việc này sẽ làm tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp, không cần có phiên họp trù bị; nhưng không loại trừ trường hợp có vấn đề mà Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội thấy cần có phiên họp trù bị để giải quyết.

1. Nội quy chú ý trước nhất đến công tác chuẩn bị kỳ họp.

Chuẩn bị kỳ họp được chu đáo thì kết quả kỳ họp sẽ tốt. Phản ánh yêu cầu đó, Nội quy nêu:

- “Căn cứ vào việc chuẩn bị của Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước phối hợp với Chủ tịch Quốc hội dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp; xem xét việc chuẩn bị Dự án luật và các dự án khác trình Quốc hội; quyết định các vấn đề khác liên quan đến kỳ họp Quốc hội” (Điều 1).

- Các kỳ họp thường lệ phải được triệu tập và thông báo cho đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước khi Quốc hội họp, đối với các kỳ họp bất thường thì chậm nhất là 5 ngày; đồng thời cũng thông báo cho đại biểu biết về dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp (Điều 2).

- Các dự án kế hoạch nhà nước, dự toán ngân sách nhà nước, Dự án luật, các báo cáo và dự án khác phải gửi đến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước khi Quốc hội họp; nếu là kỳ họp bất thường thì gửi đến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội trước khi Quốc hội họp (Điều 4).

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước có trách nhiệm gửi những tài liệu cần thiết đến đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội họp. Nếu vấn đề cần có sự thẩm tra của Ủy ban thường trực nào của Quốc hội thì các tài liệu có liên quan phải được gửi càng sớm càng tốt cho Ủy ban đó để Ủy ban kịp thời nghiên cứu và thẩm tra. Nhưng Nội quy không nói gửi trước bao lâu, thí dụ 20 ngày hay 10 ngày như có ý kiến đề nghị, vì trong điều kiện của ta hiện nay, khó bảo đảm gửi đến trước một thời gian lâu được và cũng không nói gửi tất cả các tài liệu trước cho đại biểu Quốc hội mà chỉ nói gửi những tài liệu cần thiết, vì có vấn đề bảo vệ các tài liệu mật, đề phòng sự thất lạc trên đường giao thông bưu điện.

2. Nội quy quy định một số vấn đề cụ thể tại các kỳ họp của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội khai mạc, bế mạc kỳ họp, chủ tọa các phiên họp của Quốc hội. Nhưng nếu là kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới thì Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa trước khai mạc và chủ tọa các phiên họp cho đến khi bầu xong Chủ tịch Quốc hội khóa mới (Điều 5).

Nội quy quy định những trường hợp bầu các chức vị lãnh đạo của Nhà nước bằng bỏ phiếu kín và những trường hợp bầu bằng cách giơ tay (Điều 7). Khi bãi miễn thì trong mọi trường hợp đều biểu quyết bằng bỏ phiếu kín (Điều 8).

Quốc hội bầu Đoàn Thư ký các kỳ họp của khóa Quốc hội bằng cách giơ tay, theo danh sách do Chủ tịch Quốc hội giới thiệu. Hội đồng Nhà nước khóa trước chỉ định thư ký lâm thời cho các phiên họp đầu của kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới cho đến khi Quốc hội bầu xong Đoàn Thư ký mới.

Trên cơ sở các đoàn đại biểu Quốc hội đã được thành lập và bầu tổ trưởng, tổ phó, tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội với sự thỏa thuận của các trưởng đoàn thành lập các tổ đại biểu gồm một hoặc nhiều đoàn để thuận tiện cho việc thảo luận các vấn đề của kỳ họp (Điều 10).

Nội quy rất chú trọng đến việc đại biểu tham gia đầy đủ các kỳ họp, các phiên họp của Quốc hội, các cuộc họp của đoàn, của tổ. Đại biểu ký tên vào tờ báo danh để chứng minh sự có mặt của mình. Nếu vắng mặt thì phải có lý do và phải tùy trường hợp, báo trước cho Chủ tịch Quốc hội, trưởng đoàn, tổ trưởng (Điều 11).

Đại biểu Quốc hội có thể phát biểu ý kiến ở đoàn, ở tổ, phát biểu, tham luận ở hội trường. Nội quy đã dành 7 điều, từ Điều 12 đến Điều 18, quy định về vấn đề này.

Tham luận của đại biểu phải gửi trước cho Chủ tịch Quốc hội để sắp xếp trật tự đọc tại các phiên họp; nếu phát biểu ý kiến thì giơ bản số để chủ tọa phiên họp mời từng người lên diễn đàn phát biểu để cả hội trường đều nghe được.

Thời gian phát biểu ý kiến hoặc tham luận dài nhất là 15 phút, nếu dài hơn thì phải có sự đồng ý của chủ tọa; chủ tọa có thể nhắc nếu đại biểu phát biểu hoặc tham luận dài hoặc ngoài vấn đề đang thảo luận, khi cần thì chủ tọa có quyền cắt lời đại biểu nói dài hoặc ngoài vấn đề.

Khi thành viên Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu thì, dù thành viên đó là đại biểu Quốc hội hay không, đều được phát biểu ý kiến và thời gian phát biểu không hạn chế trong 15 phút mà do chủ tọa định tùy theo vấn đề mà thành viên đó cần trình bày với Quốc hội.

Trình tự thảo luận và biểu quyết các Dự án luật và dự án khác được Nội quy khẳng định trong Điều 14. Các cơ quan trình dự án, các thuyết trình viên, các người tham gia thảo luận cần triệt để tôn trọng trình tự đó để ít tốn thì giờ mà đạt hiệu quả cao. Tuy vậy, trong trường hợp cần thiết “Chủ tịch Quốc hội có thể đề nghị Quốc hội thay đổi trình tự thuyết trình, thảo luận các dự án” (Điều 14).

Khi thấy một cuộc thảo luận đã kéo dài, Chủ tịch Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội có thể đề nghị kết thúc và Quốc hội quyết định bằng cách biểu quyết giơ tay, không thảo luận đề nghị đó. Khi cuộc thảo luận đã kết thúc, Chủ tịch Quốc hội đã nêu ra để biểu quyết, thì đại biểu thôi không xin phát biểu nữa, bảo đảm trật tự trong lề lối làm việc của Quốc hội.

Khi nêu vấn đề để biểu quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thủ tục biểu quyết để Quốc hội quyết định.

Mỗi đại biểu Quốc hội có thể: biểu quyết tán thành, biểu quyết không tán thành, bỏ quyền biểu quyết. Có ý kiến đề nghị đại biểu phải biểu quyết tán thành hoặc không tán thành, không được bỏ quyền biểu quyết. Theo cách làm của Quốc hội ta từ trước tới nay, thấy hợp lý, nên trong dự thảo Nội quy vẫn để như trước.

Cuối cùng, Nội quy nêu một số vấn đề về quản lý hành chính, như vấn đề mời đại diện thông tấn, báo chí, quần chúng tham dự các phiên họp, làm biên bản và ký biên bản, vấn đề thu hồi tài liệu, v.v..

Quy chế về đại biểu Quốc hội

Mong muốn của các đại biểu Quốc hội, cũng như yêu cầu phát huy tác dụng của Quốc hội, đòi hỏi tăng cường hoạt động của đại biểu Quốc hội; đại biểu Quốc hội hoạt động nhiều hay ít cũng là thước đo mức đại biểu thực hiện sự ủy thác của cử tri.

Phản ảnh đòi hỏi đó, Quy chế quy định về đại biểu Quốc hội với tinh thần tích cực, nhưng không thoát ly thực tế nước ta, để các đại biểu Quốc hội và những cơ quan, cá nhân có liên quan có khả năng thực hiện nghiêm chỉnh thi hành.

Quy chế gồm bốn phần:

Phần I - Những quy định chung.

Phần II - Hoạt động của đại biểu tại các kỳ họp của Quốc hội.

Phần III - Hoạt động của đại biểu giữa hai kỳ họp của Quốc hội.

Phần IV - Các bảo đảm của Nhà nước đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Về phần I: Những quy định chung

Trong phần này, Quy chế nhắc lại những nguyên tắc nêu trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước về đại biểu Quốc hội. Mặt khác, Quy chế quy định thêm những điểm làm rõ hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri, có thể bị cử tri bãi miễn, đồng thời chịu trách nhiệm trước tập thể Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Quốc hội có thể xét và quyết định những trường hợp đại biểu không xứng đáng là đại biểu nữa, theo đề nghị của Hội đồng Nhà nước, của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương (Điều 3 và Điều 6).

Đại biểu Quốc hội, đại diện của dân, được nhân dân tín nhiệm, “phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa” (Điều 3).

Quy chế nêu nguyên tắc làm nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là phải xuất phát từ lợi ích chung của cả nước, đồng thời quan tâm thích đáng đến lợi ích của địa phương đã bầu ra mình (Điều 5). Có ý kiến đề nghị không ghi quan tâm thích đáng đến lợi ích của địa phương, thay bằng “kết hợp hài hòa với lợi ích và thực tiễn của địa phương, ngành”. Quy chế vẫn giữ như trước. Đại biểu kết hợp hai lợi ích trong đó lợi ích của địa phương được coi trọng nhưng phải phục tùng lợi ích chung của cả nước. Đại biểu phải biết rõ lợi ích của nhân dân địa phương, nếu các lợi ích đó ở mức độ do Trung ương giải quyết thì đưa ra Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước giải quyết, nếu là ở mức độ địa phương thì yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết, hoặc nêu cho đại biểu Hội đồng nhân dân đưa ra Hội đồng nhân dân giải quyết.

Về đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, Quy chế quy định như ta đã làm từ trước tới nay.

Điều cuối của phần I quy định nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đại biểu Quốc hội (Điều 8). Có ý kiến cho rằng như thế là vượt phạm vi của quy chế vì Nội quy, Quy chế chỉ điều chỉnh những vấn đề thuộc quan hệ nội bộ của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội. Ý kiến này cũng nêu vấn đề như thế đối với những điều khác của Quy chế quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận các cấp giúp đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ, v.v..

Nội quy, Quy chế quy định như trên là đúng và cần thiết, bởi vì, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hoạt động của kỳ họp Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và tổ chức khác của Quốc hội có quan hệ tới các cơ quan, đoàn thể các cấp, nếu không giải quyết thỏa đáng mối quan hệ đó thì các cơ quan, tổ chức của Quốc hội không hoạt động được bình thường hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Về phần II: Hoạt động của đại biểu tại các kỳ họp của Quốc hội

Những quy định của phần này chủ yếu nhắc lại nội dung những quy định của Nội quy về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp: tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, các cuộc họp của đoàn, của tổ, phát biểu ý kiến, tham luận, chất vấn, nêu kiến nghị, v.v..

Quy chế thêm một số quy định về những ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp, phiên họp, tại đoàn, tổ, các Ủy ban hoặc tổ chức khác của Quốc hội, những ý kiến viết thành văn của đại biểu Quốc hội (Điều 14). Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tổng hợp những ý kiến đó, phân loại và gửi cho những cơ quan hữu quan giải quyết và trả lời cho đại biểu, đồng thời thông báo cho Hội đồng Nhà nước, chậm nhất là trước kỳ họp tiếp theo của Quốc hội (Điều 15).

Về phần III: Hoạt động của đại biểu giữa hai kỳ họp của Quốc hội

Vấn đề giữa hai kỳ họp, đại biểu Quốc hội làm gì là điều băn khoăn của nhiều đại biểu. Quy chế cố gắng giải đáp điều đó và nêu một số hình thức hoạt động, có thể xếp vào ba loại dưới đây:

1. Đại biểu Quốc hội là thành viên các Hội đồng và Ủy ban của Quốc hội cần tích cực tham gia hoạt động của Hội đồng và Ủy ban mà mình là thành viên, tránh tình trạng, Hội đồng, Ủy ban đông người và người thiết thực tham gia công việc thì quá ít. Hiệu quả hoạt động của Hội đồng, Ủy ban là do hoạt động của các đại biểu thành viên bảo đảm; hiệu quả hoạt động của Hội đồng, Ủy ban lại chính là điều kiện bảo đảm hiệu quả hoạt động của Quốc hội như đã nói trong Điều 3 Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

2. Đại biểu Quốc hội cần tham gia đầy đủ sinh hoạt của đoàn đại biểu Quốc hội, hoàn thành những nhiệm vụ được đoàn phân công (Điều 18) và theo ý kiến đóng góp, Quy chế đã nêu đại biểu Quốc hội công tác ở Trung ương phải tham gia sinh hoạt của đoàn ít nhất một năm hai lần. Nội dung sinh hoạt đoàn được nêu trong ba điều 19, 20, 21. Một sinh hoạt hết sức quan trọng của đoàn là tiếp dân, Điều 21 quy định mỗi đoàn thành lập một phòng tiếp dân. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể, với sự thỏa thuận của chính quyền địa phương, có thể thành lập phòng tiếp dân ở đơn vị bầu cử, khi địa phương có địa dư rộng quá, dài quá, hoặc có số lượng đại biểu đông có thể phân ra để tiếp dân thì tiện lợi hơn. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương có nhiệm vụ giúp cán bộ và cung cấp phương tiện vật chất cần thiết cho phòng tiếp dân (Điều 20). Có ý kiến sợ nặng nề, muốn chỉ có một phòng tiếp dân chung cho Ủy ban nhân dân và đoàn đại biểu. Tùy điều kiện cụ thể có thể có chung một trụ sở, nhưng nhất thiết không làm lu mờ danh nghĩa phòng tiếp dân của đoàn đại biểu Quốc hội.

3. Hoạt động của từng đại biểu.

Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự hội nghị Hội đồng nhân dân các cấp nơi mình được bầu để nắm tình hình, tìm hiểu ý kiến nguyện vọng của nhân dân, tham gia ý kiến vào các vấn đề về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và đời sống của nhân dân ở địa phương (Điều 22).

Đại biểu Quốc hội, theo định kỳ hoặc khi cử tri yêu cầu, gặp cử tri để nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri ít nhất mỗi năm một lần, hoặc theo yêu cầu của cử tri, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương, đại biểu báo cáo với cử tri về việc thi hành nhiệm vụ đại biểu của mình (Điều 23).

Đại biểu Quốc hội nhận được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, có trách nhiệm chuyển cho cơ quan hữu quan, theo dõi việc giải quyết và báo cho đương sự biết kết quả. Nếu thấy cơ quan hữu quan giải quyết không thỏa đáng hoặc để chậm trễ, đại biểu có thể yêu cầu cơ quan cấp trên giải quyết (Điều 24).

Đại biểu Quốc hội, khi phát hiện có những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và cho nhân dân, có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước hữu quan có biện pháp chấm dứt những hành vi vi phạm pháp luật đó (Điều 25).

Trên đây, Quy chế nêu một số hoạt động của đại biểu Quốc hội ngoài các kỳ họp của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội cần làm tốt những việc đó, đại biểu còn có thể làm những việc khác phù hợp với nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu của dân trên nguyên tắc vừa xuất phát từ lợi ích chung của cả nước, đồng thời quan tâm thích đáng đến lợi ích của địa phương.

Về phần IV: Các bảo đảm của Nhà nước đối với hoạt động của đại biểu

Đại biểu Quốc hội khi làm nhiệm vụ, không bị áp lực bên ngoài bằng bất cứ cách nào. Đại biểu không bị bắt, giam nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, sự đồng ý của Hội đồng Nhà nước; không bị cách chức, buộc thôi việc, hạ tầng công tác hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật hành chính khác nếu không có sự đồng ý của Hội đồng Nhà nước; những người cản trở đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ bị xử lý theo pháp luật (Điều 28).

Đại biểu Quốc hội được thông báo về kỳ họp và về dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp chậm nhất là 20 ngày trước khi Quốc hội họp; nhận những báo cáo, dự án cần thiết trước khi Quốc hội họp; được các cơ quan nhà nước và các đoàn thể ở Trung ương và địa phương thông báo tình hình, tin tức, cung cấp báo chí theo quy định, để đại biểu nắm tình hình và những vấn đề đại biểu cần chú ý (Điều 29, 30).

Các Ủy ban nhân dân, những người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác, các cơ quan thông tin, báo chí địa phương, theo chức năng của mình, thông báo cho đại biểu biết ngày họp của các Hội đồng nhân dân ở địa phương, cung cấp những tài liệu cần thiết, thu xếp công việc để cho đại biểu đi họp Quốc hội, họp đoàn, tiếp xúc với cử tri, họp Hội đồng nhân dân; đưa tin về hoạt động của đoàn, của đại biểu khi đoàn hoặc đại biểu yêu cầu (Điều 31, 32).

Điều quan trọng đối với những quy định trên đây là các cơ quan nhà nước, đoàn thể, những người hữu quan bảo đảm thi hành đầy đủ những quy định đó, và các đại biểu Quốc hội về phần mình sử dụng tốt những điều kiện thuận lợi để tăng cường hoạt động đại biểu của mình.

Trên đây, tôi đã trình bày về Dự thảo "Nội quy về kỳ họp Quốc hội" và Dự thảo "Quy chế về đại biểu Quốc hội", đề nghị Quốc hội xét và thông qua.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội