VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

BÁO CÁO THẨM TRA
CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI
ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT NGHĨA VỤ QUÂN SỰ VÀ DỰ ÁN LUẬT VỀ SĨ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

(Do ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá VII, ngày 24-12-1981)

 

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta diễn ra trong một bối cảnh quốc tế mà đặc điểm nổi bật là các thế lực hiếu chiến, đứng đầu là đế quốc Mỹ, câu kết với bọn bá quyền bành trướng... để tập hợp lực lượng phản kích phong trào cách mạng thế giới, chống Liên Xô và các nước khác trong Cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Ở Đông Nam Á, bọn bá quyền... và các thế lực đế quốc chủ nghĩa đang ráo riết tăng cường hoạt động chống phá Việt Nam, Lào và Campuchia. Vì vậy, nước ta đang ở trong tình thế vừa có hòa bình, vừa phải khẩn trương đối phó với một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bá quyền... liên kết với đế quốc Mỹ, đồng thời có khả năng xảy ra chiến tranh lớn.

Đứng trước tình hình đó, đi đôi với việc đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế và văn hóa với tăng cường quốc phòng, tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất cho công cuộc phòng thủ đất nước.

Phải xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, bao gồm Quân đội nhân dân và những lực lượng vũ trang nhân dân khác, thành trụ cột vững mạnh trong nền quốc phòng toàn dân cũng như trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Phải tiếp tục xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân cách mạng hùng mạnh, có ý chí quyết thắng kiên định, có trình độ chính quy và hiện đại ngày càng cao, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Quân đội nhân dân phải có cơ cấu cân đối và đồng bộ giữa quân thường trực và quân dự bị, giữa quân chủ lực và quân địa phương, và các thứ quân đó hình thành lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ, gắn bó chặt chẽ với nhau.

Để bảo đảm nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo những phương hướng trên đây, một mặt, cần cải tiến công tác nghĩa vụ quân sự, mặt khác, cần tăng cường xây dựng đội ngũ sĩ quan là lực lượng nòng cốt của quân đội. Vì vậy, việc trình Quốc hội xem xét và thông qua hai Dự án luật, về nghĩa vụ quân sự và về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

I

Về Dự án “Luật nghĩa vụ quân sự”, ngày 6 và ngày 7 tháng 10 năm 1981, Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ. Sau khi bản Dự án Luật đã được Hội đồng Bộ trưởng chỉnh lý, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, đặc khu để xin ý kiến, đồng thời Hội đồng Bộ trưởng cũng gửi về các địa phương để lấy thêm ý kiến các cấp, các ngành và các đoàn thể.

Ngày 4 và ngày 5 tháng 12 năm 1981, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã họp để chính thức thẩm tra Dự án Luật được chỉnh lý lại theo ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và các địa phương. Trong cuộc họp này, Ủy ban chúng tôi có mời đồng chí Chủ nhiệm và các đại diện khác của Ủy ban thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng tham gia thẩm tra. Thay mặt Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tôi xin báo cáo những nhận xét của chúng tôi về bản Dự án “Luật nghĩa vụ quân sự”.

1. Nhìn chung, so với Luật nghĩa vụ quân sự năm 1960, Dự án Luật mới đã có nhiều sửa đổi và bổ sung cần thiết, đã thể chế hóa khá đầy đủ phương hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới, đã nêu được những vấn đề cơ bản trong công tác nghĩa vụ quân sự trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự trong 20 năm qua, do đó đáp ứng tốt những yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân chính quy và hiện đại.

2. Về nội dung cụ thể của Dự án Luật, chúng tôi xin nhấn mạnh một số điểm như sau:

a) Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân Việt Nam phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm Quân đội nhân dân Việt Nam và những lực lượng vũ trang nhân dân khác. Dự án Luật này chủ yếu quy định việc phục vụ tại ngũ và phục vụ ở ngạch dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, Dự án Luật cũng quy định việc công dân làm nghĩa vụ quân sự “trong các lực lượng vũ trang nhân dân khác do Hội đồng Nhà nước quy định” (Điều 2).

Quy định như vậy là thỏa đáng, vì Quân đội nhân dân và những lực lượng vũ trang nhân dân khác, tuy đều là những công cụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng mỗi lực lượng vũ trang có chức năng, nhiệm vụ, và thể thức xây dựng tổ chức riêng của mình, không thể đưa những quy định cụ thể của tất cả các lực lượng vũ trang nhân dân vào trong một văn bản. Dự án Luật này, sau khi nêu những điểm chung về nghĩa vụ quân sự trong các loại lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 1, Điều 2, Điều 3), đã dành phần chủ yếu cho những quy định về nghĩa vụ quân sự trong Quân đội nhân dân. Khi cần thiết, Nhà nước ta sẽ ban hành thêm những văn bản pháp luật về các lực lượng vũ trang nhân dân khác.

b) Bảo đảm các tính chất bình đẳng, công bằng, nghiêm minh, chặt chẽ, có lý, có tình trong công tác nghĩa vụ quân sự là nguyện vọng chung của nhân dân qua ý kiến đóng góp của các địa phương, đồng thời cũng là vấn đề mà các đồng chí đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Trong hai lần thẩm tra, chúng tôi đã phát biểu nhiều ý kiến về vấn đề này. Dự án Luật, nhất là trong những quy định về hoãn gọi nhập ngũ, về miễn làm nghĩa vụ quân sự (Chương IV, mục 3), về nhập ngũ và xuất ngũ (Chương IV, mục I, mục 4), về khen thưởng (Điều 12), về việc xử lý các vi phạm (chương X), v.v., đã cố gắng thấu suốt yêu cầu đó.

Trong việc thể hiện nguyên tắc bình đẳng, có vấn đề bình đẳng nam nữ đã được giải quyết thỏa đáng trong Dự án Luật. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự. Dự án Luật đương nhiên phải thể hiện quy định đó của Hiến pháp. Nhưng thực hiện bình đẳng nam nữ không có nghĩa là không cần tính đến sự khác biệt về giới tính, về đặc điểm cơ thể, về chức năng xã hội chủ yếu của phụ nữ. Các điều 5, 18, 38, 39 trong Dự án Luật đã thể hiện sự bình đẳng nam nữ trong việc làm nghĩa vụ quân sự, đồng thời, cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với những đặc điểm của nữ giới, và làm như vậy là rất đúng.

c) Thực tế mấy chục năm qua đã chỉ rõ rằng trong xã hội ta, việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự trước hết là một cuộc vận động quần chúng, trong đó chính quyền nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và các tổ chức xã hội khác, với nhà trường và gia đình, hình thành sức mạnh tổng hợp động viên, giáo dục, tổ chức, tạo điều kiện cho công dân làm tròn nghĩa vụ quân sự. Các quy định của Dự án Luật, nhất là những quy định về Hội đồng nghĩa vụ quân sự (Chương IV, mục 2), về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền và của các tổ chức xã hội (Điều 11), đã thể hiện rõ tinh thần và nội dung của kinh nghiệm quan trọng đó.

d) Đất nước ta đã trải qua hàng chục năm chiến tranh. Nhiều thế hệ công dân đã chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, nhân dân ta vẫn còn đang đứng trước những kẻ thù hết sức hiếu chiến và thâm độc. Vai trò của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vẫn rất quan trọng, và họ xứng đáng được sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước và của toàn thể xã hội. Với ý nghĩa đó, vấn đề nghĩa vụ và quyền lợi của quân nhân phải được coi trọng đúng mức. Dự án Luật đã cố gắng thể hiện rõ nét sự quan tâm và chăm sóc đối với các chiến sĩ Quân đội nhân dân (chương VII). Đương nhiên, các quy định của Dự án Luật không thể vượt qua những điều kiện vật chất hiện có của nước ta. Nhưng sự quan tâm, chăm sóc của xã hội thể hiện thành những chế độ ưu đãi đúng mức đối với quân nhân tại ngũ và xuất ngũ, đối với thương binh, liệt sĩ, cũng như đối với gia đình họ, thì bao giờ cũng phải được bảo đảm.

e) Nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân chính quy và hiện đại trong tình hình mới đặt ra một loạt yêu cầu cụ thể. Dự án Luật đã dành một số chương để quy định việc chuẩn bị cho thanh niên phục vụ tại ngũ (Chương III), việc xây dựng đội quân dự bị hùng hậu (chương V), về quân nhân chuyên nghiệp (chương VI), về đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ (chương VIII). Đây là những vấn đề mới mà Luật nghĩa vụ quân sự năm 1960 chưa có. Chúng tôi nhất trí tán thành đưa những vấn đề đó vào Dự án Luật và cho rằng những quy định này sẽ có tác dụng quan trọng đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân trong thời gian tới.

II

Trong hai ngày 19 và 20 tháng 9 năm 1981, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã họp để thẩm tra Dự án “Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam” do Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước xem xét trước khi đưa ra Quốc hội. Ngày 29-9-1981, sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban chúng tôi, Hội đồng Nhà nước đã thảo luận và nhất trí tán thành đưa bản Dự án Luật, đã được Hội đồng Bộ trưởng chỉnh lý, đệ trình Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp thứ hai này. Thay mặt Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tôi xin báo cáo một số vấn đề quan trọng trong dự án “Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam”.

1. Năm 1958, Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 8, đã thông qua “Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam”. Luật này là kết quả về mặt pháp lý của việc tổng kết và phát huy kinh nghiệm quý báu xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân trong cuộc chiến tranh giải phóng lần thứ nhất. Nó đã góp phần rất quan trọng làm cho quân đội ta lớn mạnh vượt bậc, và nhờ đó, đã cùng nhân dân toàn quốc dành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà; đã bẻ gẫy hai gọng kìm xâm lược nước ta của bọn bá quyền bành trướng...  ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; đã giúp đỡ nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia anh em đập tan ách thống trị đẫm máu của bè lũ phản động Pôn Pốt, tay sai của bọn bá quyền... đưa dân tộc Campuchia vượt qua vực thẳm của bọn diệt chủng và tiến lên xây dựng lại đất nước.

So với cách đây 23 năm, tình hình chung của cách mạng nước ta đã có nhiều biến đổi, tình hình cụ thể của quân đội ta cũng có nhiều phát triển mới. Do đó, nhiều điều khoản trong “Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam” năm 1958 đã không còn thích hợp nữa. Ủy ban pháp luật của Quốc hội nhất trí tán thành ý kiến của Hội đồng Bộ trưởng là việc ban hành một đạo luật mới về sĩ quan đã trở thành cấp bách để đáp ứng yêu cầu xây dựng một quân đội nhân dân tinh nhuệ, bao gồm những quân chủng và binh chủng cần thiết, có trình độ chính quy và hiện đại ngày càng cao, đủ sức cùng toàn dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Qua thẩm tra Dự án Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam", Ủy ban chúng tôi thấy nội dung của Dự án đã tập trung giải quyết tốt 5 vấn đề cơ bản sau đây:

- Quy định việc tuyển chọn những công dân ưu tú có đủ tiêu chuẩn để đào tạo thành những sĩ quan có phẩm chất và tài năng cần thiết cho một quân đội cách mạng, chính quy và hiện đại.

- Xác định lại hệ thống cấp bậc quân hàm, thời hạn thăng cấp, hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, bảo đảm cho sĩ quan ở mỗi cấp bậc có độ tuổi và sức khỏe phù hợp với cương vị chỉ huy chiến đấu và công tác.

- Đặt ra chế độ học tập của sĩ quan, tạo điều kiện cho sĩ quan các cấp bậc đều được bồi dưỡng theo chương trình chính quy, để thống nhất việc chỉ huy và có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

- Xây dựng quy chế thống nhất về quản lý đội ngũ sĩ quan trong một quân đội nhân dân theo quy mô lớn, có các quân chủng, binh chủng và nhiều ngành nghề khác nhau, có lực lượng thường trực và lực lượng dự bị.

- Bổ sung chính sách và chế độ của Nhà nước đối với sĩ quan, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sĩ quan, động viên sĩ quan yên tâm phục vụ lâu dài trong quân đội.

Dưới đây, tôi xin phép nói rõ ý kiến của Ủy ban về một số điểm.

a) Một trong những vấn đề quan trọng của Dự án Luật này là quy định hệ thống cấp bậc quân hàm (Điều 7), tiêu chuẩn cấp bậc quân hàm (Điều 8), thời hạn xét thăng cấp bậc quân hàm (Điều 9, Điều 10, Điều 11), và căn cứ để bổ nhiệm chức vụ (Điều 12, Điều 13) đối với sĩ quan. Những điểm mới nêu trong Dự án Luật, như bỏ bớt bậc thượng tá, rút ngắn thời hạn xét thăng cấp bậc quân hàm, xác định cụ thể tiêu chuẩn cấp bậc quân hàm và căn cứ bổ nhiệm chức vụ, v.v. là rất cần thiết, nhằm làm cho Quân đội ta có một đội ngũ sĩ quan trẻ, đủ phẩm chất cách mạng, trình độ hiểu biết, năng lực tổ chức, chỉ huy và quản lý, để gánh vác những nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Ngày nay, Quân đội ta đã lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng, đội ngũ sĩ quan do đó cũng đông đảo hơn trước rất nhiều. Việc xác định thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ, phong và thăng cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan phải thích hợp với thực tế đó. Ủy ban chúng tôi tán thành những điểm sửa đổi về thẩm quyền trong việc bổ nhiệm chức vụ, trong việc phong và thăng cấp bậc quân hàm, như đã ghi trong Điều 14 của Dự án Luật. Việc sửa đổi này hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền hạn của Hội đồng Nhà nước và của Hội đồng Bộ trưởng.

b) Đất nước ta vẫn ở trong tình thế “vừa có hòa bình, vừa có thể xảy ra chiến tranh”. Do đó, đi đôi với việc tăng cường quốc phòng toàn dân, vấn đề tổ chức và rèn luyện một đội ngũ sĩ quan dự bị có đủ phẩm chất và năng lực, luôn luôn sẵn sàng phục vụ tại ngũ khi có lệnh, là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Ủy ban chúng tôi cho rằng Dự án Luật mới dành một chương riêng (Chương III) nói về sĩ quan dự bị là đúng và cần thiết. Dự án Luật quy định sĩ quan dự bị bao gồm những sĩ quan đã hết tuổi phục vụ tại ngũ hoặc không có điều kiện để được xét thăng cấp bậc (Điều 23), và những hạ sĩ quan xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, cán bộ các ngành ngoài quân đội có chuyên môn cần thiết cho công tác quân sự đã học xong chương trình đào tạo sĩ quan dự bị (Điều 25). Dự án luật cũng quy định sĩ quan dự bị phải chịu sự quản lý của cơ quan quân sự địa phương nơi mình cư trú hoặc công tác (Điều 28), được hưởng chế độ đãi ngộ trong thời gian tập trung huấn luyện (Điều 30). Những quy định nói trên có tác dụng thiết thực, bảo đảm tốt cho việc xây dựng đội ngũ sĩ quan dự bị và việc điều động họ vào phục vụ tại ngũ khi cần thiết.

c) Sĩ quan Quân đội nhân dân là những cán bộ quân đội phải gánh vác những nhiệm vụ nặng nề. Để tạo điều kiện cho sĩ quan yên tâm công tác và làm tròn nhiệm vụ, cần định rõ những nghĩa vụ và quyền lợi của sĩ quan. Ngoài những quyền và nghĩa vụ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước ta, Dự án Luật còn quy định thêm trong Chương IV những nghĩa vụ và quyền lợi cụ thể của sĩ quan, quy định như vậy là đúng và cần thiết.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây, tôi đã trình bày ý kiến của Ủy ban pháp luật của Quốc hội về Dự án "Luật nghĩa vụ quân sự" và Dự án "Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Mong rằng những ý kiến đó có thể giúp ích cho cuộc thảo luận của các đồng chí đại biểu Quốc hội về hai Dự án luật trong kỳ họp này.

Thay mặt Ủy ban pháp luật của Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua Dự án Luật nghĩa vụ quân sự và Dự án "Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam", tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đội anh hùng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam ta tiến mạnh vào giai đoạn xây dựng mới, luôn luôn xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

 

Toàn văn Văn kiện
lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội