VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

TỜ TRÌNH
CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ
DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN


(Do ông Trần Hữu Dực, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tại kỳ họp thứ nhất,
Quốc hội khóa VII, ngày 25-6-1981)

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Để góp phần tích cực bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp mới, làm cho tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo đúng những quy định của luật cơ bản ấy, chúng tôi xin trình Quốc hội trong kỳ họp này xét Dự án Luật mới về tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, thay thế cho Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960, Pháp lệnh ngày 16-4-1962 và Pháp lệnh ngày 15-01-1970 quy định cụ thể về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Dự án Luật mới này được xây dựng căn cứ vào Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kinh nghiệm của ngành Kiểm sát Việt Nam từ khi được thành lập đến nay, đồng thời tham khảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em nhưng không tách rời hiện thực Việt Nam.

Tinh thần chung của Dự án Luật mới là căn cứ vào Chương X, nhất là các Điều 127, 138 đến 141 của Hiến pháp mới, giữ lại những quy định còn thích hợp của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960 và hai Pháp lệnh nói trên, đồng thời bổ sung thêm những quy định cần thiết về tổ chức và hoạt động, về trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân và về quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong quan hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hữu quan nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực công tác kiểm sát. Việc bổ sung này cũng chỉ hạn chế ở mức độ phù hợp với tính chất của một đạo luật tổ chức. Còn những vấn đề cụ thể khác thì các văn bản pháp luật khác sẽ quy định.

Dự án Luật mới này gồm 8 chương, 29 điều, so với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960 thì thêm hai chương (Chương V: Công tác kiểm sát chấp hành án; Chương VIII: Điều khoản cuối cùng) và 5 điều.

Tiếp theo đây, chúng tôi xin trình bày một số vấn đề đáng chú ý trong những chương chính.

Chương I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Điều 1 quy định về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân và Điều 2 quy định về nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, ghi lại Điều 138 và Điều 127 của Hiến pháp mới, nhằm bảo đảm sự nhất trí về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.

2. Điều 3 ghi rõ 5 công tác kiểm sát và quy định thêm: “Khi tiến hành các công tác nói trên, các Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố định trong Luật này”. Đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hữu quan.

Quy định như trên là phù hợp với tinh thần và lời văn của Điều 138 Hiến pháp mới.

3. Điều 4 quy định các Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm cùng Bộ Nội vụ, Ủy ban Thanh tra, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân, các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức xã hội tích cực đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các việc làm vi phạm pháp luật. Đồng thời phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức nói trên trong các việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng pháp luật, thống kê và nghiên cứu tội phạm, các việc làm vi phạm pháp luật, đào tạo cán bộ pháp lý.

Quy định như vậy là phù hợp với Điều 12 của Hiến pháp mới: “Tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, nhân viên nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, kiên quyết đấu tranh để phòng ngừa và chống các tội phạm, các việc làm vi phạm Hiến pháp và pháp luật”. Quy định như vậy cũng để nhấn mạnh trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác quan trọng này. Đồng thời, cũng phù hợp với những công tác cần thiết phải làm để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Điều 5 quy định các nguyên tắc về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân theo các Điều 83, 100, 140, 141 của Hiến pháp mới, không có gì phải trình bày thêm.

Chương II. CÔNG TÁC KIỂM SÁT CHUNG

Các quy định trong Chương này so với Chương tương ứng trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960 thì tuy số điều ít hơn, nhưng nội dung đầy đủ hơn (như có quy định trách nhiệm của các Viện kiểm sát nhân dân trong công tác này) và cụ thể hơn (như có quy định 5 điểm về quyền của các Viện kiểm sát nhân dân trong Điều 7 và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc người hữu quan trong Điều 8). Theo kinh nghiệm trong nhiều năm qua, chúng tôi thấy cần thiết đưa vào Luật mới này những nội dung chính của hai thông tư của Thủ tướng Chính phủ: số 09-TTg ngày 01-02-1963 về quan hệ công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân các cấp với cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước địa phương; số 139-TTg ngày 28-5-1974 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý các việc phạm pháp đã phát hiện.

Chương III. CÔNG TÁC KIỂM SÁT ĐIỀU TRA

So với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960, các quy định trong Dự án Luật mới cụ thể hơn, có bổ sung thêm nhiều quy định cần thiết và phù hợp với thủ tục hiện hành (như các điểm 1, 2, 3, 4 trong Điều 9, các điểm từ 1 đến 6 trong Điều 10, đoạn 1 trong Điều 11) đồng thời cũng có sửa đổi một số quy định hiện hành (như: trong trường hợp do pháp luật quy định thì Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp điều tra; trong trường hợp quyết định truy tố thì Viện kiểm sát nhân dân tự mình làm cáo trạng).

Các quy định như trên đều nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu lực của công tác kiểm sát điều tra, cũng như chất lượng của công tác điều tra.

Chương IV. CÔNG TÁC KIỂM SÁT XÉT XỬ

So với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960, Dự án Luật mới có ghi thêm một số quy định như trong Điều 13 điểm 1: tham dự việc trù bị phiên tòa...; điểm 3: yêu cầu Tòa án nhân dân cùng cấp chuyển hồ sơ những vụ án cần thiết cho việc thực hiện công tác kiểm sát xét xử; điểm 5: quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân cấp dưới; đoạn cuối: quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi thấy có tình tiết mới. Cũng có điểm bổ sung thủ tục hiện hành như điểm 2 Điều 13: trong phiên tòa hình sự, kiểm sát viên đọc cáo trạng và luận tội.

Chúng tôi thấy các quy định bổ sung và sửa đổi như trên đều cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên trong phiên tòa.

Chương V. CÔNG TÁC KIỂM SÁT CHẤP HÀNH ÁN

Trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960, công tác này ghép vào Chương Công tác kiểm sát xét xử (Chương IV).

Chúng tôi thấy thêm Chương Công tác kiểm sát chấp hành án là cần thiết, để nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc chấp hành án, vì trong thời gian qua và hiện nay có nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà không được thi hành.

Chương VI. CÔNG TÁC KIỂM SÁT GIAM, GIỮ VÀ CẢI TẠO

So với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960, Dự án Luật mới quy định thêm việc kiểm sát công tác cải tạo vì Nghị quyết số 49 ngày 20-6-1961 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác đó.

Dự án Luật mới còn bổ sung và cụ thể hóa thêm nhiều điểm khác, như các điểm 1, 2, 3, 4, 5, 7 trong Điều 19, 3 đoạn của Điều 20.

Chương VII. TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Trong Chương này có mấy vấn đề đáng chú ý sau đây:

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương đều có Ủy ban kiểm sát như quy định trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960, nhưng Dự án Luật mới còn quy định thêm ở Điều 22: “Trong trường hợp Viện trưởng (Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quyết định khác với ý kiến đa số trong Ủy ban kiểm sát thì Viện trưởng thực hiện quyết định của mình, đồng thời báo cáo lên Hội đồng Nhà nước”; và ở Điều 23: “Khi Viện trưởng (Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố...) quyết định khác với ý kiến của đa số trong Ủy ban kiểm sát thì Viện trưởng thực hiện quyết định của mình, đồng thời báo cáo lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Quy định như vậy là để Hội đồng Nhà nước thực hành quyền giám sát của mình, và vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ vào đặc điểm của ngành Kiểm sát là theo chế độ thủ trưởng nhưng lại kết hợp với nguyên tắc tập thể.

2. Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương có một Phó Viện trưởng thứ nhất để thay Viện trưởng khi vắng mặt.

3. Kiểm sát viên có ba cấp: cao cấp, trung cấp, sơ cấp, như đã quy định trong Pháp lệnh ngày 15-01-1970, nhưng không có loại Kiểm sát viên dự khuyết như đã quy định trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15-7-1960.

Đối với Kiểm sát viên cần có quy định tiêu chuẩn cho chặt chẽ. Các tiêu chuẩn này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao định và trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn.

4. Các chế độ kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật trong ngành Kiểm sát phải nghiêm minh. Nhưng chúng tôi thấy chỉ cần ghi như đã ghi ở Điều 27 là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao định và trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây là một số vấn đề đáng chú ý trong Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, chúng tôi đề nghị Quốc hội thảo luận và quyết định.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.