VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT CỦA QUỐC HỘI

(Do ông Bùi Thanh Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1981)

 

CẢI TIẾN VIỆC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
VÀ SỬ DỤNG CÁN BỘ KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Để thực hiện những mục tiêu chính sách khoa học và kỹ thuật của nước ta, một trong những yếu tố quyết định là phải phát huy tiềm lực về đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chương III, Điều 43 nêu: “Nhà nước chăm lo việc phổ biến và giáo dục khoa học và kỹ thuật; gắn liền việc giảng dạy, nghiên cứu với sản xuất, đời sống và quốc phòng; phát triển và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, cán bộ và công nhân kỹ thuật”.

Hơn hai mươi năm qua, mặc dù trong hoàn cảnh đất nước cực kỳ khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn cố gắng phát triển khoa học và kỹ thuật, không ngừng chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp, cả nước ta hiện có trên 300 ngàn cán bộ trình độ đại học, thuộc 230 ngành nghề khác nhau, trên 3.500 cán bộ trình độ trên đại học. Trong số cán bộ đại học có 30% nữ, 5,5% dân tộc thiểu số. Từ khi nước nhà được hoàn toàn giải phóng và thống nhất, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp được bổ sung thêm nhiều anh chị em trí thức và công nhân có lòng yêu nước và nhiệt tình xây dựng Tổ quốc. Kiều bào trí thức và công nhân ở nước ngoài tham gia và giúp đỡ ngày càng nhiều vào các hoạt động khoa học và kỹ thuật phục vụ đất nước.

Với đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp có phẩm chất chính trị tốt và khá đông đảo như vậy, các cơ sở sản xuất, cơ sở khoa học, các trường học của chúng ta có những cống hiến quan trọng vào việc phát triển lực lượng sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và tăng cường quốc phòng. Những thành tích bước đầu đó đã tạo ra cơ sở thuận lợi cho sự nghiệp phát triển khoa học và kỹ thuật của nước ta trong tương lai.

Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt động khoa học và kỹ thuật chưa tương xứng với tiềm lực về đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp đất nước ta hiện có. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và tiến bộ kỹ thuật có giá trị chưa được áp dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống. Chúng ta đang có sự lãng phí khá lớn về tri thức.

Vấn đề đặt ra là phải cải tiến việc đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý hơn, với hiệu quả cao hơn đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp.

ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG
(Từ phổ thông đến đại học và trên đại học)

Nghị quyết Bộ Chính trị về chính sách khoa học và kỹ thuật nêu rõ: “Trong công tác đào tạo cán bộ khoa học và kỹ thuật, phải quán triệt đầy đủ nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục”. Giáo dục phải tự biến đổi, tự cải cách để góp sức vào sự biến đổi của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước. Chúng ta bắt đầu thực hiện chính sách khoa học và kỹ thuật của Đảng từ giáo dục phổ thông, từ xây dựng con người mới, con người lao động kiểu mới cho chủ nghĩa xã hội. Trong cải cách giáo dục, hệ thống nhà trường từ giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp đến đại học phải kết hợp chặt chẽ việc bảo đảm cung cấp những kiến thức làm cơ sở cho sự nghiệp phát triển toàn diện người học sinh với việc định hướng nghề nghiệp từ cấp II và đào tạo về nghề nghiệp cho học sinh ra trường.

Trong cải cách giáo dục, các vấn đề tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong các trường học, giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là những yếu tố rất cần thiết để góp phần vào việc hình thành năng lực và phẩm chất của người lao động mới xã hội chủ nghĩa. Cải cách giáo dục thiết thực mở cửa nhà trường ra xã hội, gắn giáo dục với hoạt động xã hội, với môi trường lao động và chuẩn bị cho thanh niên học sinh sẵn sàng bước vào lao động với thái độ của người làm chủ, với những cơ sở kiến thức về kinh tế, kỹ thuật, quy trình công nghệ mới. Nó rèn luyện cho học sinh những thói quen lao động, sẵn sàng thích ứng với những yêu cầu lao động sản xuất có hiệu quả và có năng suất cao.

Để có thể đi nhanh trong cách mạng khoa học và kỹ thuật, cần phải biết tuyển lựa và bồi dưỡng học sinh giỏi ở khắp các địa phương, các vùng của đất nước, để đào tạo thành cán bộ khoa học - kỹ thuật giỏi, thành những nhân tài của đất nước. Trước mắt, cần tổ chức rút kinh nghiệm các trường lớp chuyên cũ và cố gắng mở thêm nhiều lớp chuyên ở trung học phổ thông về toán, lý, hóa, sinh, văn - sử, văn học nghệ thuật, ngoại ngữ, v.v.. Tổ chức tuyển lựa một cách khoa học những học sinh giỏi ở khắp các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng kháng chiến cũ, vùng kinh tế mới, các vùng biên giới, hải đảo vào học các trường lớp chuyên. Không tổ chức thi tuyển đồng loạt vào đại học cho học sinh ở nông thôn, miền núi và thành thị. Phải cải cách việc tuyển sinh, đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ địa phương, có biện pháp thích hợp để tuyển lựa những em học sinh có tài năng nhưng do điều kiện học tập ở địa phương còn bị hạn chế nên chưa có điều kiện phát triển, đào tạo các em thành cán bộ khoa học - kỹ thuật cho các địa phương, khắp các vùng của đất nước.

Các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp là tiềm lực khoa học và kỹ thuật lớn của nước ta.

Biết kết hợp chặt chẽ giảng dạy, đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất, mỗi trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp là một cơ sở đào tạo, đồng thời là một cơ sở nghiên cứu khoa học tốt. Các viện nghiên cứu khoa học, các cơ sở sản xuất cũng là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học - kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp có hiệu quả cao. Chúng tôi muốn nhấn mạnh điểm kết hợp việc giảng dạy, đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất, vì cần phải phát triển đầy đủ năng lực và tài năng của người cán bộ khoa học - kỹ thuật, khắc phục nhược điểm hiện nay của một số cán bộ khoa học - kỹ thuật là, có trình độ giỏi về lý thuyết nhưng năng lực thực hành còn kém. Phải tổ chức cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia sản xuất. Thày và trò cùng nghiên cứu, cùng đi thực tập trong sản xuất (hoặc đi thực tập sư phạm), thực hiện chu trình đào tạo - khoa học và kỹ thuật - sản xuất từ trong trường học, coi như là một trong những biện pháp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học và kỹ thuật đem lại chất lượng tốt, thực sự chuẩn bị cho sinh viên, học sinh biết làm ăn thiết thực ngay từ khi bước chân vào trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp.

Trong đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật của nước ta hiện nay có rất nhiều anh chị em nhiệt tình yêu nước, muốn được cống hiến nhiều nhất, được chăm lo đến những vấn đề xã hội bức thiết của đất nước, thực sự đoàn kết và hợp tác xã hội chủ nghĩa, có trách nhiệm cao và rất trung thực. Hoàn cảnh đất nước dù có khó khăn gian khổ đến đâu, anh chị em cũng vững vàng vượt qua, chủ động sáng tạo, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn có những cán bộ chưa được như vậy.

Người thanh niên sinh viên, học sinh đi vào đời, đi vào cuộc sống mang theo những thói quen, cách làm việc và nếp suy nghĩ đã được xây dựng, rèn luyện từ những năm tháng ở nhà trường. Nhiệm vụ trọng yếu của giáo dục là hình thành cho được con người lao động mới của chủ nghĩa xã hội qua giáo dục cộng sản chủ nghĩa cho sinh viên học sinh một cách nghiêm túc.

Chúng ta cần tổ chức tổng kết kinh nghiệm từ những kết quả đào tạo của nhà trường xã hội chủ nghĩa trong những năm qua để sớm cải cách việc giáo dục tư tưởng và chính trị đối với thanh niên sinh viên học sinh trong các trường học. Phải sớm đổi mới chương trình và nội dung các môn khoa học xã hội, phải tổ chức đều đặn các hoạt động chính trị - xã hội và lao động sản xuất cho sinh viên, học sinh. Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin có chất lượng.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay của cách mạng khoa học - kỹ thuật và tiến bộ kỹ thuật trên đất nước ta, những yêu cầu về chất lượng đào tạo cán bộ có trình độ trên đại học không ngừng được nâng lên với sự chỉ đạo chặt chẽ về quy hoạch và chương trình đào tạo. Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội đề nghị: cần phát triển mạnh việc đào tạo cán bộ trên đại học, và bồi dưỡng cán bộ sau đại học, bảo đảm sự đồng bộ về đội ngũ phù hợp với các mục tiêu kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm 80 và tiếp sau nữa. Cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ trẻ qua hệ nghiên cứu sinh ở trong nước và ngoài nước, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ trên đại học ở trong nước. (Chúng tôi sẽ trình bày riêng đề nghị này trong một kỳ họp sau của Quốc hội).

Một điểm mà Quốc hội ta đang rất quan tâm là nước ta có những khó khăn trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý khoa học - kỹ thuật, v.v.. Quản lý là một khoa học đang rất cần thiết cho đất nước, nhưng rất khó. Chúng ta không thể giản đơn. Một nguyên nhân đưa đến lãng phí trí thức, lãng phí sức người, sức của là thiếu nhiều cán bộ quản lý được đào tạo (25% cán bộ cấp Vụ, trên 50% cán bộ ở Trung ương và cấp tỉnh chưa qua các trường lớp đào tạo). Chúng ta cũng thiếu cán bộ đầu ngành và chuyên gia giỏi có trình độ cao, thiếu công trình sư, các nhà công nghệ, thiết kế giỏi - cho nên vấn đề cấp bách là phải đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là về quản lý kinh tế, quản lý khoa học - kỹ thuật, đội ngũ cán bộ đầu ngành và chuyên gia giỏi. Cần phải có quy hoạch tổng thể, ít ra đến cấp huyện. Trong kế hoạch 5 năm tới, đề nghị làm cho được việc bồi dưỡng cán bộ quản lý, mở những lớp bồi dưỡng từ sáu tháng đến một năm. Đồng thời, bắt đầu đào tạo cơ bản và có hệ thống đội ngũ cán bộ quản lý tổng hợp về quản lý chuyên ngành trẻ tuổi, có triển vọng phục vụ lâu dài.

Để thực hiện tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng, cần tập trung hoàn thành quy hoạch cán bộ theo phương hướng của Nghị quyết 32 về tổ chức của Bộ Chính trị, xác định lại quy mô đào tạo, sắp xếp lại mạng lưới các trường đào tạo cho phù hợp hơn với khả năng kinh tế tài chính và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn trước mắt và sau này, khẩn trương làm kiểm kê cán bộ khoa học và kỹ thuật từ đại học trở lên theo hướng dẫn sắp tới của hội đồng đào tạo và phân phối cán bộ khoa học và kỹ thuật của Hội đồng Bộ trưởng.

Vì khối lượng đào tạo mới và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có rất lớn, chúng tôi đề nghị Nhà nước đầu tư thích đáng cho sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp, nhất là đầu tư cho trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, chúng tôi cũng đề nghị các ngành, các địa phương, nắm vững phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và sản xuất, giúp các trường học và các viện khoa học tính toán ký kết hợp đồng, kinh doanh xã hội chủ nghĩa để giảm nhẹ chi phí của Nhà nước và đóng góp cho nhân dân.

Trong những năm sắp tới, cần phát triển hơn nữa các trường lớp đào tạo tại chức, nhằm vào các ngành học đang có nhu cầu cán bộ. Cần quan tâm bảo đảm chất lượng đào tạo tại chức thông qua thực hiện chặt chẽ các khâu tuyển sinh, tốt nghiệp và tổ chức tốt quá trình đào tạo.

Đi đôi với đào tạo bồi dưỡng cán bộ khoa học và kỹ thuật, Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội đề nghị chú trọng hơn nữa đội ngũ công nhân lành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

Trong những năm 80 và bắt đầu ngay từ kế hoạch năm 1982 này, phải hướng mạnh hơn vào đào tạo và bồi dưỡng công nhân chuyên nghiệp phục vụ cho nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu, công nghiệp phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, dịch vụ, sửa chữa, các nghề truyền thống dân gian, thủ công mỹ nghệ. Song song với việc đào tạo cho khu vực kinh tế quốc doanh, phải tăng nhanh việc dạy nghề cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn huyện, quận, thị xã, nhằm vào những ngành nghề phù hợp với thế mạnh và khả năng của từng địa phương. Cùng với đào tạo mới, phải tăng cường bồi dưỡng để nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân đang sản xuất (bậc thợ bình quân trong khu vực quốc doanh hiện nay là còn thấp: 2,56/7. Đề nghị cuối kế hoạch 5 năm, nâng lên đến 3/7).

PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG

Công tác đào tạo và bồi dưỡng là quan trọng, nhưng vấn đề phân phối và sử dụng đúng cán bộ khoa học và kỹ thuật nhằm phát huy hết khả năng của từng người và của toàn đội ngũ lại càng quan trọng.

Từ trước tới nay, việc phân phối và sử dụng cán bộ khoa học - kỹ thuật còn nhiều điều chưa hợp lý, nhiều trường hợp trái ngành nghề và thông thường là chậm.

Sắp tới, nên phân phối như thế nào cho hợp lý.

Chủ yếu và trước hết là phân phối theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Chú trọng tăng cường cho các cơ sở sản xuất những cán bộ khoa học và kỹ thuật có khả năng thực hành giỏi nhằm mục đích đưa khoa học và kỹ thuật vào sản xuất một cách có hiệu quả. Phân phối theo yêu cầu của các địa phương; các ngành phải ưu tiên cho cơ sở; ở cơ sở, ưu tiên dành cho sản xuất.

Hiện nay, tỷ lệ phân phối nói chung lại là: số cán bộ khoa học - kỹ thuật bố trí ở cơ quan hành chính quá nhiều so với số phân phối về cơ sở. Ở cơ sở sản xuất, nơi đang khao khát cán bộ khoa học và kỹ thuật, ngay cả ở cấp huyện, thì cán bộ khoa học - kỹ thuật lại quá ít. Đại bộ phận còn nằm ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.

Ở cấp Trung ương và cấp tỉnh nên ưu tiên phân phối cán bộ khoa học và kỹ thuật có năng lực cho những cơ quan khoa học đang có yêu cầu bức thiết nhằm nhanh chóng hình thành những tập thể đồng bộ đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ, những chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật quan trọng, có tính quyết định và có triển vọng nhất. Còn cán bộ mới tốt nghiệp ra trường nên có thời gian hoạt động thực tiễn ở cơ sở sản xuất hoặc cơ sở khoa học. Cơ sở sản xuất là nền tảng rèn luyện ý thức và năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ.

Trong khi bố trí công tác cho cán bộ khoa học - kỹ thuật, có chú ý đến nguyện vọng của cán bộ, nhất là nguyện vọng của cán bộ muốn được bố trí sao cho phù hợp với khả năng của mình. Song, có những nguyện vọng không chính đáng, vừa không phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, vừa không phù hợp với ngành nghề đào tạo và khả năng của người cán bộ khoa học - kỹ thuật để phục vụ tốt hơn cho đất nước.

Sử dụng cán bộ khoa học và kỹ thuật đúng ngành, nghề được đào tạo là để cho cán bộ có điều kiện hoạt động có hiệu quả, có năng suất cao. Việc lựa chọn cán bộ nên dựa theo các tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu công tác khoa học và kỹ thuật. Tránh tình trạng thu nhận những người không có khả năng làm công tác nghiên cứu khoa học vào các cơ sở nghiên cứu khoa học. Cần có biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ giảng dạy tham gia nghiên cứu khoa học và sản xuất, và ngược lại, cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ sản xuất và quản lý tham gia giảng dạy. Xây dựng chế độ kiêm chức, kiêm nhiệm, xây dựng tiêu chuẩn, định mức lao động mỗi cán bộ giỏi có thể làm hai hoặc ba việc và có thể lĩnh bằng hai hoặc ba phần lương nếu xét thấy xứng đáng, vì tiền lương của cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ khoa học và kỹ thuật, gắn chặt với kết quả công tác của các ngành, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất mà họ phục vụ. Cần có chính sách đãi ngộ thích đáng đối với cán bộ khoa học và kỹ thuật giỏi, có cống hiến thiết thực trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và sản xuất.

Ngoài ra, cần phải tạo mọi điều kiện khác cho cán bộ khoa học - kỹ thuật ngày càng yên tâm phát huy hết năng lực của mình như: sắp xếp hợp lý gia đình, tăng lương và phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, công nhân công tác nơi xa xôi hẻo lánh, vùng biên giới, núi rừng, hải đảo...; có tổ chức thích hợp cho bà con kiều bào đóng góp thiết thực. Đặc biệt chú trọng bảo đảm phương tiện làm việc, bảo đảm thông tin tư liệu khoa học, chăm sóc đời sống và sức khỏe cho cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp.

Trong năm 1982, tiếp tục phong chức vụ khoa học cho cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đồng thời đề nghị phong chức vụ kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật trong các ngành kinh tế, khoa học và kỹ thuật, trong các cơ sở sản xuất ở các địa phương.

Vấn đề đoàn kết và hợp tác xã hội chủ nghĩa của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp, việc hợp tác xã hội chủ nghĩa với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong Hội đồng Tương trợ kinh tế là yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng.

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp là chăm lo cho lực lượng sản xuất chủ yếu của đất nước - con người lao động mới của chủ nghĩa xã hội. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà Ủy ban khoa học và kỹ thuật muốn trình bày trước Quốc hội.

Chúng tôi mong được Quốc hội xem xét và chấp thuận.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội