TỜ TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
VỀ VIỆC ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI GIAO CHO HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỬA ĐỔI CHÍNH SÁCH THUẾ
NÔNG NGHIỆP VÀ THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP
(Do ông Trần Phương, Phó Chủ tịchHội đồng Bộ trưởng trình bày tại kỳ họp thứ 4,
Quốc hội khóa VII, ngày 20-12-1982)
Chính sách thuế nông nghiệp và
thuế công thương nghiệp là những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Thuế nông nghiệp
được ban hành từ năm 1951, gồm 41 bậc, thấp nhất là 5% thu vào những hộ có
hoa lợi bình quân nhân khẩu hàng năm từ 81 kilô đến 95 kilô lương thực, cao
nhất là 45% thu vào những hộ có hoa lợi bình quân nhân khẩu từ 1.816 kilô
trở lên.
Năm 1956, sau cải cách ruộng đất,
thuế nông nghiệp được sửa đổi, gồm 27 bậc, thuế suất thấp nhất là 7% thu vào
những hộ có từ 60 đến 80 kilô và cao nhất là 37% thu vào những hộ có từ
1.060 kilô hoa lợi bình quân nhân khẩu trở lên.
Sau hợp tác hóa, thuế nông nghiệp
mà hợp tác xã phải nộp là tổng số thuế của các hộ xã viên trước khi vào hợp
tác xã cộng lại, nhưng thuế suất cao nhất không quá 25% và hợp tác xã được
trích 3% hoặc 5% số thuế phải nộp để bỏ vào quỹ tích lũy của hợp tác xã, tùy
theo hợp tác xã thuộc loại bậc thấp hay bậc cao.
Năm 1976, thuế nông nghiệp được
thi hành ở các tỉnh miền Nam. Khởi điểm tính thuế được nâng lên 200 kilô một
nhân khẩu nông nghiệp, thuế suất thấp nhất là 8% và cao nhất là 33%.
Chính sách thuế nông nghiệp đã
góp phần to lớn vào việc bảo đảm cung cấp cho cán bộ, bộ đội trong hai cuộc
kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội;
đã có tác dụng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, điều tiết hợp lý
thu nhập của phú nông, địa chủ và thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ
nghĩa ở nông thôn. Tuy nhiên, trước tình hình và nhiệm vụ mới, chính sách
thuế nông nghiệp bộc lộ một số điểm bất hợp lý.
Trong tình hình sản xuất nông
nghiệp ngày càng phát triển, mức động viên qua thuế nông nghiệp ngày càng
giảm so với sản lượng đạt được. Thời kỳ 1951 - 1954, mức động viên hàng năm
qua thuế nông nghiệp, chỉ tính riêng các vùng căn cứ kháng chiến ở miền Bắc,
đã đạt 400.000 tấn, bằng 13,6% sản lượng tính thuế. Nhưng, trong năm năm
1976 - 1980, mức động viên qua thuế nông nghiệp cả nước chỉ là 840.000
tấn/năm, bằng 9,3% sản lượng tính thuế và bằng 6,3% sản lượng thực tế.
Căn cứ để tính thuế nông nghiệp
hiện nay là diện tích, sản lượng và nhân khẩu nông nghiệp. Đây là những yếu
tố có nhiều biến động, khó kiểm tra. Ở những nơi cơ sở mạnh, cán bộ, đảng
viên gương mẫu thì việc kê khai tính thuế tương đối sát với thực tế, nhưng ở
những nơi cơ sở yếu kém thì thất thu về thuế rất nghiêm trọng.
Mức thuế đối với hợp tác xã nông
nghiệp là tổng số thuế của các hộ xã viên cộng lại, do đó, các hợp tác xã mà
trước đây có nhiều trung nông, phú nông thì phải chịu thuế suất cao hơn
nhiều so với các hợp tác xã có nhiều bần nông. Lấy huyện Xuân Thủy (Hà Nam
Ninh) làm thí dụ, tỷ lệ động viên chung toàn huyện là 13%, nhưng có xã động
viên tới 17%, có xã chỉ 9,2%, mức thuế phải nộp bình quân trên 1 ha canh tác
có xã tới 509 kg, có xã chỉ 210 kg.
Thuế công thương nghiệp
hiện hành trải qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, bao gồm những loại thuế chính
là: thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức doanh nghiệp, thuế buôn chuyến, thuế sát
sinh, thuế hàng hóa đối với một số mặt hàng sản xuất trong nước và đối với
một số mặt hàng được phép nhập cảnh theo người hoặc không theo người, mà
vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế.
Thu về thuế công thương nghiệp
trong các năm 1976, 1977, 1978, 1979 đạt trên 400 triệu đồng/năm, bằng 7%
tổng số thu trong nước của ngân sách nhà nước.
Từ năm 1980
đến nay, số thu năm sau bằng hai lần số thu năm trước và đến năm 1982 đạt
4.500 triệu đồng, bằng 15% tổng số thu trong nước của ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, mức động viên bằng thuế công thương nghiệp chưa đạt yêu cầu động
viên đóng góp và điều tiết thu nhập một cách thích đáng, do việc tổ chức
thực hiện còn nhiều khuyết điểm, thất thu nhiều; mặt khác, do bản thân chính
sách có một số điểm không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện
nay.
Cả nước hiện có hơn một triệu hộ
và cơ sở kinh doanh công thương nghiệp (bao gồm trên 2 triệu lao động), mới
quản lý thu thuế hơn 60 vạn hộ và cơ sở.
Doanh số của các hoạt động kinh doanh công thương nghiệp năm 1982 khoảng 90
tỷ đồng, mới có 32 tỷ đồng chịu thuế. Những người kinh doanh công thương
nghiệp năm 1982 thu nhập khoảng 20 tỷ đồng mới nộp 3 tỷ đồng về thuế doanh
nghiệp và thuế lợi tức doanh nghiệp. Tỷ lệ động viên bằng thuế công thương
nghiệp so với doanh số chỉ là 3,25% và so với thu nhập chỉ là 13,8%; riêng
đối với các ngành thương nghiệp, ăn uống, tỷ lệ động viên bằng thuế còn thấp
hơn nữa: 2,6% so với doanh số và 11,2% so với thu nhập.
Chính sách thuế công thương
nghiệp hiện hành về cơ bản vẫn là chính sách thuế công thương nghiệp áp dụng
ở miền Bắc từ năm 1966, sau khi hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, vì vậy,
có điểm không còn phù hợp với đặc điểm của hoạt động công thương nghiệp hiện
nay. Mấy năm gần đây, kinh tế tư nhân và cá thể phát triển mạnh ở cả miền
Nam lẫn miền Bắc. Thị trường tự do ngày càng mở rộng, đang chi phối phần lớn
sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp, một phần quan trọng sản phẩm nông, lâm, ngư
nghiệp, phần lớn thị trường dịch vụ và ăn uống công cộng. Thị trường tự do
còn được bổ sung khá nhiều bằng nguồn hàng nhập cảnh dưới hình thức “quà
biếu”. Tỷ trọng của thị trường tự do trong tổng mức bán lẻ của thị trường xã
hội từ 20% năm 1980 lên 30% năm 1981 và 40% năm 1982. Những người kinh doanh
công thương nghiệp, đặc biệt là kinh doanh thương nghiệp và ăn uống có thu
nhập cao hơn nhiều so với các tầng lớp khác trong xã hội; nhiều người đã làm
giầu rất nhanh bằng buôn bán đầu cơ.
Biểu thuế công thương nghiệp hiện
hành được tính trên cơ sở thu nhập bằng tiền của những năm 60; vì vậy, những
hộ có lợi tức doanh nghiệp 300 đồng, 400 đồng/tháng hiện nay đã phải chịu
thuế theo thuế suất cao nhất trong biểu thuế lũy tiến từng phần là 40%, 60%,
70%, trong khi đó, khoảng 10 vạn hộ có mức lợi tức doanh nghiệp từ 10.000
đồng/tháng trở lên cũng chỉ chịu thuế theo thuế suất ấy. Hậu quả là: những
hộ kinh doanh nhỏ đã phải nộp thuế bằng 9,2% so với doanh thu, những hộ
trung bình nộp 9,5%, trong khi những hộ lớn chỉ phải nộp 8,3%.
Trước tình hình nói trên, đi đôi
với việc khắc phục những khuyết điểm trong việc tổ chức thu thuế, chống trốn
thuế, lậu thuế, cần kịp thời sửa đổi một số điểm trong chính sách thuế cho
phù hợp với tình hình mới, nhằm yêu cầu:
- Khuyến khích phát triển sản xuất, trước hết là sản xuất nông nghiệp, hàng
tiêu dùng và hàng xuất khẩu; hướng dẫn, sắp xếp các hoạt động sản xuất, kinh
doanh theo hướng có lợi cho quốc kế dân sinh.
- Thúc đẩy công cuộc cải tạo xã
hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp tư nhân và cá thể,
thiết lập trật tự mới, xã hội chủ nghĩa trên thị trường.
- Động viên đóng góp một cách
công bằng, hợp lý; điều tiết một cách thích đáng thu nhập của những hộ sử
dụng nhiều ruộng đất và của những cơ sở kinh doanh công thương nghiệp lớn,
nhất là trong các ngành thương nghiệp và ăn uống; tăng thu cho ngân sách nhà
nước nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa.
Nền kinh tế nước ta đang phải
khắc phục rất nhiều khó khăn và còn nhiều biến động, do đó chưa có điều kiện
ổn định chính sách thuế để đề nghị Quốc hội ban hành thành luật. Vì vậy, Hội
đồng Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, theo Điều 100 của Hiến pháp, giao cho Hội
đồng Nhà nước xem xét, sửa đổi chính sách thuế nông nghiệp và thuế công
thương nghiệp hiện hành để kịp thi hành ngay trong năm 1983.
Hội đồng Bộ trưởng sẽ khẩn trương nghiên cứu, hoàn chỉnh các Dự án Luật về
thuế trình Quốc hội thông qua vào thời gian thích hợp.
Lưu tại Trung
tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội