BÁO CÁO
CỦA ỦY BAN BẦU CỬ BỔ SUNG
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA VII TRÌNH QUỐC HỘI
VỀ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ VIỆC BẦU CỬ BỔ SUNG
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA VII
(Do ông Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch
kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước trình bày
tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII,
ngày 19-12-1982)
Từ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội
khóa VII đến nay, có 6 đại biểu Quốc hội đã từ trần:
- Đồng chí Hoàng Minh Thi, đại
biểu Thanh Hóa, từ trần ngày 27 tháng 9 năm 1981.
- Đồng chí Hoàng Chim, đại biểu
Sơn La, từ trần ngày 17 tháng 10 năm 1981.
- Đồng chí Võ Văn Đinh, đại biểu
Nghĩa Bình, từ trần ngày 16 tháng 1 năm 1982.
- Đồng chí Tôn Thất Tùng, đại
biểu Hải Phòng, từ trần ngày 7 tháng 5 năm 1982.
- Đồng chí Vũ Văn Cẩn, đại biểu
An Giang, từ trần ngày 13 tháng 6 năm 1982.
- Đồng chí Vũ
Trung Thành, đại biểu Gia Lai - Kon Tum, từ trần ngày 12 tháng 7 năm 1982.
Trong phiên họp tháng 6 năm 1982,
Hội đồng Nhà nước đã quyết định để các đơn vị khuyết đại biểu Quốc hội được
tổ chức việc bầu cử bổ sung và thành lập Ủy ban bầu cử bổ sung đại biểu Quốc
hội khóa VII để phụ trách việc này theo nhiệm vụ và quyền hạn quy định trong
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.
Thay mặt Ủy ban bầu cử bổ sung
đại biểu Quốc hội khóa VII, tôi xin báo cáo trước Quốc hội về tình hình và
kết quả bầu cử.
I- VIỆC CHUẨN BỊ VÀ TỔ CHỨC BẦU CỬ BỔ SUNG
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA VII
Thi hành quyết định của Hội đồng
Nhà nước, các tỉnh và thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Sơn La, Gia Lai - Kon
Tum, Nghĩa Bình, An Giang đã khẩn trương chuẩn bị việc bầu cử bổ sung đại
biểu Quốc hội khóa VII.
Các địa phương đã thành lập các
ban và các tổ bầu cử, tổ chức để nhân dân trao đổi ý kiến về ý nghĩa, mục
đích của việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, về tiểu sử của người ứng cử.
Các địa phương đã chuẩn bị tương
đối chu đáo cơ sở vật chất phục vụ cho việc bầu cử.
Việc lựa chọn và giới thiệu người
ứng cử đã làm đúng thủ tục.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã hiệp
thương để lựa chọn người ứng cử và cùng với chính quyền các địa phương tổ
chức nhiều cuộc tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri. Các buổi tiếp xúc đạt
kết quả tốt, không khí thân mật; ý kiến đóng góp của cử tri đều chân thành
và có tính chất xây dựng.
Việc tổ chức bầu cử bổ sung đại
biểu Quốc hội khóa VII đã được tiến hành vào thời gian như sau:
- Đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh
Thanh Hóa và đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Nghĩa Bình tổ chức bầu cử ngày 3
tháng 10 năm 1982.
- Đơn vị bầu cử số 3 của thành
phố Hải Phòng tổ chức bầu cử ngày 31 tháng 10 năm 1982.
- Toàn tỉnh Sơn La, toàn tỉnh Gia Lai - Kon Tum và đơn vị bầu cử số 2 của
tỉnh An Giang tổ chức bầu cử ngày 21 tháng 11 năm 1982.
Ủy ban bầu cử bổ sung đại biểu
Quốc hội khóa VII đã cử một số đoàn đi kiểm tra tình hình chuẩn bị và tổ
chức bầu cử tại Nghĩa Bình, Hải Phòng, Gia Lai - Kon Tum và An Giang. Các
đoàn đã xem xét tình hình chuẩn bị, đóng góp ý kiến với địa phương nhằm bảo
đảm cho việc bầu cử được tổ chức đúng pháp luật, tiếp xúc với cử tri, động
viên cử tri làm tròn nghĩa vụ công dân. Các đoàn đã xem xét tình hình cử tri
bỏ phiếu ở một số khu vực.
Nhân dân đã nhiệt tình tham gia
bầu cử. Các khu vực bỏ phiếu đều khai mạc đúng 7 giờ sáng, trừ một vài nơi
khai mạc sớm hơn (5, 6 giờ theo yêu cầu chính đáng của cử tri, đi bầu sớm để
sau đó tham gia sản xuất).
Các phòng bỏ phiếu được bố trí ở
nơi thuận tiện cho nhân dân, tổ chức trang nghiêm theo nội quy, thể lệ bầu
cử. Việc kiểm phiếu được tiến hành công khai, có sự chứng kiến của đại diện
cử tri.
Các địa phương nói trên đã tổ
chức việc bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. Số cử tri đi bầu so với
tổng số cử tri ghi trong danh sách đạt tỷ lệ cao: Gia Lai - Kon Tum 98,9%,
Nghĩa Bình 98,59%, Sơn La 98,42%, An Giang 97,96%, Hải Phòng 95,98%, Thanh
Hóa 94,56%. Ở địa phương nào cũng có một số xã, phường đạt tỷ lệ 100% cử tri
đi đi bầu.
II- KẾT QUẢ BẦU CỬ
Ủy ban bầu cử bổ sung đại biểu
Quốc hội khóa VII đã tiếp nhận và kiểm tra biên bản bầu cử của 6 đơn vị. Các
biên bản bầu cử đều làm chính xác, đúng pháp luật.
Đơn vị Gia Lai
- Kon Tum giới thiệu ứng cử 2 người, còn ở 5 đơn vị khác, mỗi nơi chỉ giới
thiệu 1 người phiếu bầu tập trung; trong số 7 người ứng cử, 6 người đã trúng
cử với số phiếu bầu cao từ 95,06% đến 99,98%. Không có đơn vị nào phải bầu
lại.
Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc
hội khóa VII đã thành công tốt đẹp. Ủy ban bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội
không nhận được đơn khiếu nại có liên quan đến việc bầu cử bổ sung.
Sau đây là kết quả bẩu cử bổ sung
đại biểu Quốc hội khóa VII:
- Đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh
Thanh Hóa: tổng số cử tri 149.034, cử tri đi bầu 140.932 đạt tỷ lệ 94,56%,
tổng số phiếu hợp lệ 140.835, số phiếu trắng không có. Đồng chí Hoàng Cầm
được 140.818 phiếu, trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu 99,98%.
- Đơn vị bầu
cử số 1 của tỉnh Nghĩa Bình: tổng số cử tri 324.985, cử tri đi bầu 320.401
đạt tỷ lệ 98,59%, tổng số phiếu hợp lệ 320.385, số phiếu trắng không có.
Đồng chí Tô Đình Cơ được 319.906 phiếu, trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu 99,85%.
- Đơn vị bầu cử số 3 thành phố
Hải Phòng: tổng số cử tri 271.657, cử tri đi bầu 260.756 đạt tỷ lệ 95,98%,
tổng số phiếu hợp lệ 260.647, số phiếu trắng 28. Đồng chí Đặng Hồi Xuân được
259.929 phiếu, trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu 99,72%.
- Đơn vị bầu cử số 2 của tỉnh An
Giang: tổng số cử tri 341.371, cử tri đi bầu 334.415 đạt tỷ lệ 97,96%, tổng
số phiếu hợp lệ 334.006, số phiếu trắng không có. Đồng chí Châu Ninh (dân
tộc Khơme) được 330.405 phiếu, trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu 98,92%.
- Toàn tỉnh Sơn La là một đơn vị
bầu cử: tổng số cử tri 236.848, cử tri đi bầu 233.107 đạt tỷ lệ 98,42%, tổng
số phiếu hợp lệ 233.107, số phiếu trắng không có. Đồng chí Quang Trung (dân
tộc Thái) được 232.910 phiếu, trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu 99,91%.
- Toàn tỉnh Gia Lai - Kon Tum là
một đơn vị bầu cử: tổng số cử tri 329.991, cử tri đi bầu 326.346 đạt tỷ lệ
98,90% tổng số phiếu hợp lệ 325.507, số phiếu trắng 396. Gia Lai - Kon Tum
giới thiệu 2 người ứng cử. Đồng chí Phạm Xong tức Phạm Hồng được 309.417
phiếu, trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu 95,06%.
Căn cứ vào kết quả của việc bầu
cử bổ sung đại biểu Quốc hội khóa VII và theo Điều 7 của Luật tổ chức Quốc
hội và Hội đồng Nhà nước, ủy ban bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội khóa VII
đề nghị Quốc hội cử ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội để làm nhiệm
vụ trình Quốc hội xét việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của 6 đại biểu
mới được bầu bổ sung.
Lưu tại Trung
tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội