VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 1) 1981 - 1983

 

THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT CỦA QUỐC HỘI VỀ VẤN ĐỀ KHẮC PHỤC
NHỮNG VƯỚNG MẮC VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ, PHÁT HUY MẠNH MẼ HƠN NỮA VỐN QUÝ
VỀ KHOA HỌC - KỸ THUẬT CỦA ĐẤT NƯỚC
(Do ông Trần Đức Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII, ngày 22-12-1982)

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong hai năm 1981, 1982, Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội đã thực hiện một số đợt nghiên cứu khảo sát tại các cơ sở nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, một số cơ sở của các ngành than và điện, một số cơ sở làm hàng tiêu dùng và xuất khẩu của Thủ đô Hà Nội. Ủy ban cũng đã tổ chức các cuộc gặp gỡ làm việc với Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Ủy ban Khoa học xã hội, Viện Khoa học Việt Nam, các Bộ Nông nghiệp, Mỏ và Than, Điện lực, Giao thông vận tải. Thông qua các hoạt động nói trên, cũng như thông qua hoạt động của các thành viên Ủy ban đang công tác ở nhiều cương vị và địa bàn khác nhau, chúng tôi xin trình bày với Quốc hội một số ý kiến xoay quanh vấn đề: Khắc phục những vướng mắc về tổ chức quản lý, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vốn quý về khoa học - kỹ thuật của đất nước nhằm góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1983, những mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 1985 và những năm 80.

Thưa các đồng chí đại biểu,

Năm 1982 được ghi nhận là năm có những chuyển biến mới rất có ý nghĩa trong nền kinh tế quốc dân trên mặt trận tự lực giải quyết vấn đề lương thực bằng sản xuất trong nước trong việc duy trì và phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp địa phương và tiểu, thủ công nghiệp, trên những tiến bộ về giao thông vận tải, xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm, đẩy mạnh xuất khẩu, v.v..

Thực tiễn đó chứng minh hùng hồn sức sống, sức sáng tạo và khả năng to lớn của nhân dân ta trong việc khắc phục những khó khăn lớn đang đặt ra trong tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay. Công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã có những cống hiến quan trọng trong các năm qua đặc biệt là trong các năm gần đây, sau khi có Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Rõ ràng việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới về sinh học, cũng như việc nghiên cứu và đưa vào áp dụng cơ chế quản lý tiến bộ hơn đã là những nhân tố có tính chất quyết định trong những tiến bộ vượt bậc trong nông nghiệp hiện nay. Thực vậy, do chúng ta còn gặp nhiều khó khăn về phân bón, về thủy lợi, về cơ khí hóa, về thuốc trừ sâu, v.v. những tiến bộ về sản lượng và năng suất cây trồng vừa qua chủ yếu nhờ vào việc ứng dụng các thành tựu khoa học, tiến bộ sinh học về giống cũng như bảo vệ cây trồng bằng biện pháp sinh học. Việc nghiên cứu, tìm hiểu các nguồn năng lượng và nguyên liệu trong nước như việc: khai thác và chế biến quy mô nhỏ các nguồn nguyên liệu khoáng sản, nguyên liệu sinh vật sẵn có ở các địa phương, việc cải tiến thiết bị và chế tạo phụ tùng thay thế, việc huy động các cán bộ khoa học - kỹ thuật giỏi và công nhân lành nghề tham gia xây lắp và tham gia giải quyết các dịch vụ khoa học - kỹ thuật của các công trình xây dựng trọng điểm của Nhà nước (ví dụ, các trường hợp giấy Bãi Bằng, điện Phả Lại, xi măng Hoàng Thạch, thủy điện Sông Đà, v.v.) cũng đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên những chuyển biến mới ở hầu khắp các ngành kinh tế - kỹ thuật, ở các địa phương và cơ sở trong năm qua.

Tuy nhiên, nếu trên mặt trận nông nghiệp việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã có thể thấy được trên quy mô tương đối rộng lớn thì trên các lĩnh vực khác gần như còn dừng ở mức độ lẻ tẻ, quy mô nhỏ, chưa đưa lại hiệu quả lớn trong việc phát triển sức sản xuất xã hội. Trong suốt mấy chục năm qua, ngay cả trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và kéo dài, Đảng và Nhà nước ta đã chăm lo gây dựng cho đất nước ta một tiềm lực khoa học - kỹ thuật không nhỏ với trên 3.500 cán bộ trên đại học, trên ba trăm ngàn cán bộ đại học, hàng trăm viện nghiên cứu, nhiều trường đại học và trung học chuyên nghiệp thuộc 230 ngành nghề khác nhau. Những thành tựu đã đạt được rõ ràng là còn nhỏ bé so với tiềm lực to lớn đó. Tháo gỡ những mắc mứu, chắp cánh cho lực lượng khoa học - kỹ thuật này đi vào phong trào quần chúng, đi vào giải đáp đúng những yêu cầu của sản xuất, đời sống và quốc phòng là đòi hỏi bức thiết hiện nay. Trong đó, việc tháo gỡ những mắc mứu về tổ chức quản lý có tầm quan trọng hàng đầu.

Hệ thống các tổ chức nghiên cứu và thí nghiệm khoa học - kỹ thuật ở nước ta tuy đã khá phát triển song còn thiếu tính hệ thống và đồng bộ, vừa có sự chồng chéo, vừa có những chỗ trống.

Yếu tố tổ chức có tính cản trở việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống hiện nay là sự phát triển chậm của hệ thống các viện, các cơ quan nghiên cứu những vần đề kinh tế chung cho toàn nền kinh tế quốc dân cũng như kinh tế ngành và vùng lãnh thổ. Do đó, việc đưa các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào kế hoạch kinh tế, đời sống và quốc phòng theo yêu cầu ứng dụng rộng rãi, không được chuẩn bị tốt về vốn và vật tư, về quy trình công nghệ, về định mức, về tính toán hiệu quả để có đủ quyết tâm trong việc đầu tư và tổ chức thực hiện, (trong số 92 tiến bộ kỹ thuật được kết luận năm 1981 chỉ mới có 15 tiến bộ thực sự đưa vào kế hoạch nhà nước trong kế hoạch năm 1982). Mặt khác, việc kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, kế hoạch hóa ngành và vùng lãnh thổ chưa được chuẩn bị chu đáo trên cơ sở những tính toán khoa học, sử dụng những tiến bộ mới về phương pháp luận khoa học quản lý hiện đại. Có thể lấy trường hợp quy hoạch tổng thể của ngành điện và vấn đề xuất khẩu làm ví dụ.

Trước những khó khăn lớn của đất nước hiện nay, nhân dân ta vô cùng phấn khởi và được khích lệ bởi việc các công trình phát điện lớn đang được khẩn trương thi công như nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Sông Đà hoặc đang được tích cực chuẩn bị như thủy điện Trị An. Tuy nhiên, hầu hết cán bộ khoa học - kỹ thuật và kinh tế am hiểu về điện đều còn rất lo lắng về hiệu quả tác động đối với đời sống kinh tế - xã hội của các công trình này sau khi xây dựng xong. Vấn đề là hiện nay vẫn thiếu một quy hoạch đồng bộ về hệ thống phân phối, chuyển tải và tiêu dùng điện hợp lý. Chỉ riêng nguồn phát thì chưa giải quyết được vấn đề. Trong khi đó, chương trình duy nhất trong số 72 chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước không triển khai được trong năm 1982 lại chính là chương trình nghiên cứu về quy hoạch và cân bằng năng lượng (cái khó ở đây không phải là về mặt khoa học - kỹ thuật mà là về mối liên kết giữa kỹ thuật và kinh tế của vấn đề được đặt ra).

Đối với một nước đang phát triển như nước ta, vấn đề xuất khẩu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc công nghiệp hóa. Nhiều loại tài nguyên sinh vật (cây, con) và một số loại tài nguyên khoáng sản của nước ta được kể đến như là những hướng quan trọng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta không có đủ năng lực để đầu tư cùng một lúc trên nhiều hướng mà phải có mũi nhọn hay nói cách khác là cần có sự lựa chọn theo nguyên tắc kế hoạch hóa tối ưu. Ở đây cũng đang thiếu một sự liên kết cần thiết về các mặt nghiên cứu điều tra cơ bản, khoa học - kỹ thuật và kinh tế kế hoạch.

Vấn đề khác trong hệ thống tổ chức, làm hạn chế nhiều việc phát huy năng lực của cơ sở nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, thậm chí còn để lãng phí đáng tiếc những cơ sở vật chất kỹ thuật vốn ít ỏi hiện có là tình trạng phân tán, tản mạn các thiết bị nghiên cứu, thí nghiệm, tính toán, đo lường. Vấn đề này cần được xem xét không những theo quan điểm ngành mà rất cần thiết được xem xét theo quan điểm ngành và vùng lãnh thổ.

Hình thức tổ chức các trạm, trại, tổ đội ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sát đến từng cơ sở sản xuất ở nông thôn và việc thành lập các ban khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện vốn là hình thức sáng tạo phù hợp với thực tiễn nước ta cần được nuôi dưỡng và mở ra rộng khắp cho toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Hình thức này còn có tác dụng gắn liền việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Hệ thống tổ chức quản lý khoa học - kỹ thuật của nước ta đang còn những chỗ trống cần sớm xem xét giải quyết. Ở cấp Trung ương cũng như ở các tỉnh, thành phố hiện nay, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và các Ban khoa học - kỹ thuật tỉnh, thành phố chỉ quản lý các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học - kỹ thuật. Những vấn đề quản lý khoa học xã hội gần như không có cơ quan phụ trách về mặt quản lý nhà nước. Vì vậy, việc kế hoạch hóa, việc huy động lực lượng và quản lý các công tác nghiên cứu khoa học xã hội vào việc giải quyết các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước thiếu đầu mối tập trung thống nhất. Trong khi đó, nhiều vấn đề cấp thiết đang đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các ngành khoa học xã hội như vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vấn đề cải cách giáo dục và đặc biệt quan trọng là vấn đề quản lý khoa học nền kinh tế quốc dân xã hội chủ nghĩa, các chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước hiện nay về cơ bản cũng là các chương trình khoa học tự nhiên và khoa học - kỹ thuật. Ủy ban Khoa học xã hội hiện nay hoạt động như một viện nghiên cứu hơn là ủy ban Nhà nước.

Về mặt cơ chế quản lý, bên cạnh việc kế hoạch hóa thì hệ thống các chính sách cụ thể nhằm phát huy tiềm năng khoa học - kỹ thuật đang còn nhiều vướng mắc.

Vấn đề đầu tư cho công tác khoa học - kỹ thuật đang là mối quan tâm chung của nhiều ngành, nhiều cấp, của đông đảo cán bộ khoa học - kỹ thuật trong cả nước. Ủy ban khoa học - kỹ thuật của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình nhiệt liệt đối với những cố gắng của Hội đồng Bộ trưởng trong quyết tâm tăng thêm đầu tư cho công tác khoa học - kỹ thuật cũng như công tác điều tra cơ bản trong kế hoạch nhà nước năm 1983 và cho những năm tới.

Tuy nhiên, do khó khăn lớn của ngân sách nhà nước hiện nay thực tế trong kế hoạch các năm qua và dự kiến kế hoạch năm 1983, mức đầu tư này còn ở tỷ lệ rất thấp, nếu so sánh với mức chỉ tiêu cần đạt như Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đã nêu. Chúng tôi đề nghị với các ngành, các cấp, trước hết, vận dụng các hình thức sáng tạo theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương, địa phương và cơ sở cùng làm” tìm nhiều hình thức phong phú và sáng tạo tăng thêm vốn và cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Chúng tôi đề nghị rằng, trong năm 1983 và những năm tới, trong khuôn khổ những cải tiến mới mà Trung ương Đảng và Nhà nước chủ trương về việc tăng cường mạnh mẽ quyền chủ động tài chính và sản xuất - kinh doanh của cơ sở, quyền chủ động sáng tạo của các ngành, các địa phương trong phát triển sản xuất và huy động các nguồn vốn tiềm tàng, các ngành các địa phương và cơ sở cần dành một phần quan trọng nhất trong các nguồn vốn “tự có” cho quỹ phát triển sản xuất, trong đó chủ yếu là đầu tư cho việc ứng dụng tiến bộ mới về khoa học - kỹ thuật.

Một trong nguồn vốn quan trọng từ phía hợp tác và giúp đỡ quốc tế, cũng như từ nhiệt tình đóng góp của đông đảo kiều bào và trí thức yêu nước ở nước ngoài cũng còn chưa được khai thác và tận dụng hợp lý vì thiếu những chủ trương cụ thể một cách thích hợp.

Bằng những cách nêu trên, chúng ta vẫn có khả năng phát triển công tác khoa học - kỹ thuật, đưa công tác khoa học - kỹ thuật thực sự trở thành một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát triển sức sản xuất, đưa năng suất lao động xã hội nước ta không ngừng tăng lên. Bằng những hình thức đó, ít nhất là trong những năm trước mắt, chúng ta vẫn có thể có được sự đầu tư cần thiết cho hàng loạt những phương hướng rất có triển vọng của các ngành kinh tế - kỹ thuật có khả năng tổ chức thực hiện ở quy mô vừa và nhỏ (không cần đầu tư lớn) song dễ đưa thành phong trào rộng rãi trong quần chúng (ví dụ, việc tổ chức khai thác chế biến các nguồn nguyên liệu khoáng sản sẵn có trong nước, làm thủy điện nhỏ và vừa, hệ thống chuồng và hố ủ phân khoa học, vấn đề sử dụng xi măng lưới thép trong việc đóng tàu, sà lan và nhiều hướng tương tự được vạch ra ở hầu khắp các ngành, các địa phương, v.v..). Đồng thời bằng các cách đó, có thể dành một phần cần thiết trong số đầu tư của ngân sách nhà nước cho một số công việc nghiên cứu có tính chất chuẩn bị cho lâu dài.

Trong thời gian gần đây, nhiều cơ sở nghiên cứu, trường học trong nước đã đưa ra được những điển hình tốt về việc cần thiết áp dụng hạch toán kinh tế đối với công tác nghiên cứu và nhất là đối với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Đây là cách làm cần được tổng kết phổ biến rộng rãi và quy định thành chính sách. Cách làm này vừa có tác dụng là thước đo hiệu quả của một bộ phận quan trọng các đề tài, chương trình và các viện nghiên cứu, vừa có thể tạo nên thêm nguồn bổ sung vốn cho công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, vừa có thể thực hiện một phần việc kích thích vật chất đối với cán bộ nghiên cứu lấy ngay từ hiệu quả do công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật đưa lại. Mặt khác, khi sử dụng phương thức này cũng cần chống những mặt trái đã và đang nẩy sinh. Cần tránh tình trạng để các viện nghiên cứu, các trường học, các cán bộ khoa học - kỹ thuật bỏ việc chính theo việc phụ (vì thu nhập) thậm chí phải đi làm những công việc không còn mang ý nghĩa nghiên cứu nữa.

Cần kiên quyết ngăn chặn hiện tượng Nhà nước bị mất chất xám do có sự móc ngoặc của các tập đoàn, tổ hợp sản xuất “ma” và của những cách làm ăn phi pháp khác”.

Vấn đề chất lượng sản phẩm từ lâu vẫn là mặt yếu trong sản xuất của xã hội chúng ta và ngày càng trở nên cấp bách hơn. Do buông lỏng nghiêm trọng về quản lý chất lượng sản phẩm xã hội, bọn phá hoại, bọn trục lợi ngày càng tung ra thị trường rất nhiều hàng giả kể cả thuốc chữa bệnh giả. Các xí nghiệp Nhà nước cũng có chiều hướng ngày càng buông lỏng mặt quản lý chất lượng, hàng hỏng, hàng kém phẩm chất ngày càng nhiều.

Chúng tôi đề nghị Nhà nước kiên quyết cho chấm dứt tình trạng nói trên và phải trở lại với những chế độ nghiêm ngặt về nghiệm thu và thưởng phạt thích đáng về chất lượng sản phẩm. Ủy ban chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với những cố gắng gần đây của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, của một số ngành và địa phương trong việc phát động trở lại một phong trào “chất lượng” trong sản xuất, trong đó có hình thức cấp nhãn hiệu Nhà nước về sản phẩm có chất lượng cao. Đề nghị các ngành lưu thông phân phối cần mạnh mẽ áp dụng đòn bẩy giá cả thích đáng để khuyến khích phong trào này.

Cuối cùng, con người vẫn là yếu tố quyết định. Vì vậy, các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ khoa học và kỹ thuật vẫn là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng tôi xin lưu ý với Quốc hội và Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội đã phát biểu chuyên đề này vào kỳ họp cuối năm 1981. Trong năm 1982, nhiều vấn đề cấp thiết thuộc các mặt công tác này chưa có được những chuyển biến đáng kể, chưa có được những cải tiến cụ thể của Nhà nước về các mặt nói trên. Bên cạnh đó, do tình hình tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu hơn trên mặt trận lưu thông phân phối, tiền lương và đời sống của bộ đội, cán bộ viên chức Nhà nước trong đó bao gồm tuyệt đại đa số cán bộ khoa học - kỹ thuật rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội mong rằng các ngành, các cấp sẽ làm hết sức mình với tinh thần khẩn trương nhất trên lĩnh vực điều tiết hợp lý, phân phối xã hội theo các quyết định mới đây của Trung ương và quyết nghị lần này của Quốc hội nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật có thể vượt qua được các khó khăn rất lớn trong đời sống hiện nay để họ có điều kiện góp phần xứng đáng cùng toàn dân vượt lên thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch nhà nước năm 1983 và các mục tiêu phấn đấu đến năm 1985. Trong khi chờ đợi việc cải tiến tiền lương, đang khi áp dụng tạm thời các hình thức phụ cấp chung cho cán bộ viên chức khu vực hành chính sự nghiệp và các lực lượng vũ trang, chúng tôi đề nghị Nhà nước có sự quan tâm thích đáng hơn cho đội ngũ các nhà khoa học - kỹ thuật có trình độ cao và đang có những đóng góp quan trọng.

Từ những điều trình bày trên đây, Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội xin có một số kiến nghị sau đây:

Về mặt tổ chức:

1. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cho nhanh chóng xây dựng và kiện toàn hệ thống các viện nghiên cứu kinh tế (cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như ở các ngành và các địa phương).

2. Cho sắp xếp lại và tổ chức hệ thống các trung tâm mạnh về thông tin, thí nghiệm, tính toán, đo lường theo hướng liên ngành và vùng lãnh thổ trên cơ sở tập trung các cán bộ giỏi về thiết bị tốt hiện có.

3. Khuyến khích và hướng dẫn các hợp tác xã, tập đoàn, xí nghiệp xây dựng các bộ phận tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật một cách rộng rãi và theo những hình thức thích hợp.

4. Sớm giải quyết vấn đề hệ thống quản lý nhà nước các công tác nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội.

Về mặt chính sách cụ thể:

1. Ấn định tỷ lệ tăng đầu tư cho công tác khoa học - kỹ thuật từng năm một sao cho sau một số năm nữa tỷ lệ này đạt mức như Nghị quyết 37 đã ghi.

2. Có chính sách khuyến khích các ngành, các địa phương các cơ sở tăng cường mức tự đầu tư và sử dụng có hiệu quả quỹ phát triển sản xuất trong đó chú trọng thích đáng đối với công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Đề nghị cho phép hình thành quỹ phát triển sản xuất ở cấp Bộ, Tổng cục và tỉnh, thành phố,

3. Có chính sách huy động sự đóng góp của khu vực tập thể trong công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật các mạng lưới trạm trại ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Có chính sách cho phép các cơ quan nghiên cứu được thu lại một phần hiệu quả kinh tế của các công trình nghiên cứu đã được áp dụng để tiếp tục phát triển công tác nghiên cứu.

4. Phát động lại một cách khẩn trương và mạnh mẽ một phong trào chất lượng sản phẩm bằng mọi biện pháp và huy động sự tác động tích cực của cả hệ thống chuyên chính vô sản vào mục tiêu này.

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Ý thức được những khó khăn lớn mà đất nước ta phải trải qua trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, vui mừng trước những chuyển biến với nhiều nhân tố mới xuất hiện chỉ rõ sức sáng tạo và bản lĩnh anh hùng của nhân dân ta, Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội tin tưởng sâu sắc rằng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật nước ta nhất định sẽ cống hiến hết sức mình để góp phần xứng đáng thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1983 và các mục tiêu phấn đấu đến năm 1985 cũng như những mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ V đã chỉ ra cho những năm 1980.

Để giúp cho anh chị em làm được như vậy, Ủy ban chúng tôi mong được Quốc hội chấp nhận và xem xét những đề nghị trên đây.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội