I
Sau khi bản Dự
thảo Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự đã được trình Quốc hội (kỳ họp
tháng 6-1983), Hội đồng Bộ trưởng đã cho tổ chức một đợt lấy thêm ý kiến của
các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, của một số cơ sở sản xuất,
kinh doanh. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã có thư lưu ý các đại biểu Quốc hội
lấy ý kiến của các cơ quan, đoàn thể, nhân dân địa phương mình.
Chúng tôi đã
nhận được báo cáo của 35 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực
thuộc Trung ương, của nhiều Bộ và cơ quan Trung ương khác, của Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Tổng Công đoàn, của Hội liên hiệp Phụ nữ
và của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Luật gia... Ngoài phần đóng
góp ý kiến ở các cuộc họp tại địa phương, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội và cá
nhân đại biểu Quốc hội còn gửi thêm báo cáo riêng.
Qua báo cáo, tất cả các nơi đều đã tổ chức nghiêm túc việc lấy ý kiến. Đợt
lấy ý kiến một mặt đã đóng góp thiết thực vào việc hoàn chỉnh bản Dự thảo,
mặt khác cũng là dịp để nâng cao thêm một bước ý thức pháp chế xã hội chủ
nghĩa trong cán bộ và nhân dân.
Tất cả các nơi
đều hoan nghênh việc Nhà nước chuẩn bị ban hành Bộ luật hình sự, thấy đây là
bước tiến mới trong công tác lập pháp và mong mỏi Bộ luật sớm được thông qua
chính thức, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các nơi nói
chung tán thành bản Dự thảo, tuy nhiên cũng gợi nhiều ý kiến nhằm làm nội
dung đầy đủ, cách viết gọn gàng, dễ hiểu. Chúng tôi đã báo cáo với Hội đồng
Bộ trưởng về kết quả việc trưng cầu ý kiến.
Hội đồng Nhà
nước trong các phiên họp cuối tháng 10, cuối tháng 11-1983 và Đoàn Chủ tịch
Quốc hội, đầu tháng 11-1983, đã nghe báo cáo và cho chỉ thị về việc chỉnh lý
bản Dự thảo. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã dành thêm thì giờ để
nghe báo cáo và cho chỉ thị.
II
Bộ luật hình
sự phải là công cụ sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản để bảo vệ sự
nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ tập
thể của nhân dân lao động và bảo đảm hiệu lực quản lý của Nhà nước. Nó phải
phục vụ đắc lực hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã
hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
Đất nước ta
đang ở trong tình thế vừa có hòa bình, vừa phải đương đầu với một kiểu chiến
tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng, bá quyền... câu kết với
đế quốc Mỹ và các thế lực phản động khác, đồng thời phải sẵn sàng đối phó
với tình huống địch có thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn. Bộ luật hình
sự phải góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, củng cố quốc phòng.
Chúng ta đang
trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Trong chặng đường này và
trong suốt cả thời kỳ quá độ, cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ
nghĩa và tư bản chủ nghĩa còn diễn ra gay go, phức tạp và quyết liệt, Bộ
luật hình sự phải góp phần bảo đảm công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây
dựng thành công chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo và xây dựng,
lấy xây dựng làm chính. Nó phải góp phần củng cố quan hệ sản xuất mới, bảo
vệ cơ chế quản lý mới, lập lại trật tự xã hội chủ nghĩa trong quản lý kinh
tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, lưu thông, phân phối. Nó phải
góp phần thúc đẩy cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn
hóa.
Trong khi thực
hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, nhân dân ta còn phải
làm nhiệm vụ quốc tế. Bộ luật hình sự phải có những quy định thích hợp về
vấn đề này.
Bộ luật hình
sự được xây dựng xuất phát từ những nguyên lý Mác - Lênin về tội phạm và
hình phạt, từ đường lối chính sách của Đảng ta, từ điều kiện cụ thể của nước
ta, đồng thời tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm của các nước anh em.
Chấp hành các
chỉ thị của Hội đồng Nhà nước và của Đoàn Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu ý kiến
của các cơ quan, đoàn thể, vận dụng các Nghị quyết của Đảng, đối chiếu với
nhiệm vụ của Bộ luật hình sự trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng tôi
đã rà soát bản Dự thảo, bổ sung, sửa đổi những điểm cần thiết. Ủy ban pháp
luật của Quốc hội đã cử đại diện tham gia các buổi làm việc của Ban Dự thảo,
trực tiếp đóng góp nhiều ý kiến.
Sau đây là mấy
nội dung chính của việc chỉnh lý:
III
Chúng tôi đã
thay đổi phần nào bố cục, thêm, bớt một số tội phạm, cân nhắc lại hình phạt
và sửa đổi cách diễn đạt ở một số điều luật.
A- Về bố cục
Bản Dự thảo
Phần các tội phạm trước gồm có 12 chương nay còn 10 chương, sắp xếp theo một
lôgíc chặt chẽ.
a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia có tính chất nghiêm trọng nhất. Vì vậy,
Chương về các tội này chiếm vị trí hàng đầu. Một số tội trước đây ở chương
này nay đưa xuống các chương dưới cho đúng chỗ hơn. Thí dụ: tội truyền bá
văn hóa đồi trụy, tội vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tội trốn
tránh lệnh trưng tập hoặc lệnh huy động lao động trong thời chiến hoặc khi
có thiên tai, v.v..
b) Việc bảo vệ
sở hữu xã hội chủ nghĩa có tầm quan trọng đặc biệt, vì vậy, các tội xâm phạm
sở hữu xã hội chủ nghĩa đặt ở Chương II.
Một số tội
trước xếp ở chương khác nay chuyển lên chương này cho đúng tầm quan trọng
của nó. Thí dụ: tội vi phạm các quy định về bảo vệ và quản lý đất đai, tội
vi phạm các quy định về bảo vệ và quản lý rừng, v.v..
c) Tiếp theo
chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa, phải bảo vệ các
quyền của con người. Theo gợi ý của một
số nơi, nhất là của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
chúng tôi đặt các tội xâm phạm những quyền cơ bản của công dân ở Chương III.
Chương này có ba mục: mục A quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe,
nhân phẩm, danh dự; mục B quy định các tội xâm phạm những quyền tự do dân
chủ của công dân; mục C quy định các tội xâm phạm sở hữu riêng của công dân
(xâm phạm quyền tài sản của công dân).
d) Chương IV
dành cho các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và các tội đối với
người chưa thành niên. Các tội này liên quan chặt chẽ với các tội nói trong
Chương III.
đ) Sau những
chương trên đây là ba chương về các tội xâm phạm trật tự quản lý:
Chương V: Các
tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;
Chương VI: Các
tội xâm phạm trật tự quản lý xã hội;
Chương VII:
Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước.
e) Chương VIII
quy định các tội phạm về chức vụ. Những tội mà người phạm là cán bộ tư pháp,
trước xếp một chương riêng nay cũng đặt ở chương tội chức vụ.
Chương IX quy
định các tội phạm về quân sự.
g) Sau cùng là
Chương X: Các tội phá hoại hòa bình và chống loài người.
h) Một điều
sửa đổi nữa là trước đây, mở đầu mỗi chương có một điều về khái niệm, nay
nói chung bỏ đi vì khó có một định nghĩa bao hàm hết các tội phạm nói trong
chương. Chỉ giữ lại khái niệm ở Chương VIII (cần xác định rõ thế nào là tội
về chức vụ, thế nào là người có chức vụ) và ở Chương IX (cần nói rõ những
người nào phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm về quân sự).
B- Về quy định
các tội phạm
Nhằm thể hiện
đúng đắn hơn chính sách trừng trị trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng
tôi thêm một số tội, mặt khác cũng bớt một số tội.
a) Chúng tôi
thêm một số tội nhằm đáp ứng những yêu cầu của đất nước trong tình hình mới,
theo đúng đường lối của Đảng. Xin nêu một số thí dụ:
Để góp phần
bảo đảm tiến hành thắng lợi công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, chủ yếu đối
với công thương nghiệp tư doanh, chúng tôi đề nghị quy định tội chống lại
việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cải tạo xã hội chủ nghĩa do động
cơ chính trị (Điều 81 mới) hoặc do động cơ vụ lợi (Điều 176 mới).
Để góp phần
bảo đảm quản lý kinh tế đi vào nền nếp, tiến hành theo kế hoạch và có hiệu
quả, cần ngăn ngừa, xử lý thích đáng những hiện tượng làm bừa, làm ẩu, tùy
tiện, bất chấp những quy định của Nhà nước, chúng tôi đề nghị thêm tội cố ý
cản trở việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước (Điều 186
mới). Đồng thời chúng tôi cũng bổ sung nội dung của điều luật quy định tội
cố ý làm trái những quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng. Điều 188 mới về tội này và một số điều khác xâm phạm trật tự quản lý
kinh tế được viết lại, xác định rõ các yếu tố của tội phạm để việc vận dụng
được chặt chẽ.
Để góp phần
phục vụ cách mạng khoa học và kỹ thuật, Điều 187 mới đặt ra tội cố ý không
thực hiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật đã được Nhà nước quy
định.
Nhằm bảo đảm
quyền tự do thân thể của công dân, bản Dự thảo cũ đã quy định tội bắt, giữ,
giam người trái pháp luật. Nay, thêm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn giam
người quá hạn (Điều 256 mới).
b) Chúng tôi bớt đi một số tội xét không cần thiết quy định trong tình hình
của ta. Nếu xảy ra hành vi phạm pháp thì xử lý bằng những biện pháp khác mà
không xử lý bằng biện pháp hình sự. Thí dụ như bỏ tội phá thai trái phép,
tội tổ chức chơi họ (hụi), v.v..
c) Đối với một
số hành vi, chúng tôi thấy không cần thiết quy định thành tội riêng. Thí dụ
như: bản Dự thảo cũ quy định một tội riêng về giết người do bị kích động
mạnh, nay viết chung vào điều quy định về tội giết người vì đây thực chất là
một trường hợp giết người được giảm nhẹ đặc biệt (Điều 122 mới).
Một thí dụ khác: chúng tôi bỏ điều của bản Dự thảo cũ quy định tội giết hoặc
vứt bỏ con mới đẻ. Nếu xảy ra thì áp dụng những quy định chung về các tội
xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Riêng đối với người mẹ do hoàn cảnh đặc biệt
mà phạm tội thì có thể vận dụng những nguyên tắc quy định trong Phần chung
của Bộ luật để giảm nhẹ đặc biệt hình phạt, nếu thấy người phạm tội đáng
chiếu cố.
C- Về chính
sách hình phạt
a) Đối với một
số tội, chúng tôi tăng mức hình phạt. Thí dụ: như đối với tội vi phạm các
quy định về xây dựng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hình phạt nặng nhất
trước là 12 năm tù, nay là 15 năm tù. Trước đây, quy định hình phạt cao nhất
đối với tội vi phạm các quy định về chữa bệnh, chế thuốc, bán thuốc trái
phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 5 năm tù, nay tăng lên 15 năm tù,
v.v..
b) Đối với một
số tội khác, chúng tôi giảm mức hình phạt. Thí dụ như, đối với tội thiếu
trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa, hình phạt nặng nhất
được hạ từ 15 năm tù xuống 12 năm tù. Đối với tội vi phạm các quy định về
bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử, hình phạt cao nhất trước là 10 năm
tù, nay là 7 năm tù, v.v..
Riêng về các
hình phạt tù chung thân, tử hình, trong bản Dự thảo cũ, tỷ lệ quá cao. Theo
gợi ý của một số nơi, chúng tôi đề nghị bỏ các hình phạt này đối với một số
tội. Thí dụ như, đối với tội cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, tội cưỡng
đoạt tài sản của công dân, v.v.. Đối với những tội này, nếu không có yếu tố
khác thì chỉ cần phạt đến 15 năm tù, 20 năm tù. Trường hợp phạm thêm tội
khác nặng hơn thì có thể bị xử phạt tới tù chung thân, tử hình theo nguyên
tắc tổng hợp hình phạt.
D- Về cách
diễn đạt
Về cách viết,
dùng từ ngữ, chúng tôi đã có những sửa chữa nhằm diễn đạt ý tứ chặt chẽ, dễ
hiểu, chữ dùng chính xác, thống nhất trong tất cả các chương.
Trên đây,
chúng tôi đã báo cáo những điểm chính về chỉnh lý bản Dự thảo Phần các tội
phạm của Bộ luật hình sự. Xin trình Quốc hội xem xét.