Lịch sử Quốc hội Việt Nam Tập 4

MỞ ĐẦU

 

            Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp. Công cuộc cải tổ, cải cách của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu không thành công. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào tình trạng thoái trào. Ở trong nước, Đảng và Nhà nước cũng đang phải đối đầu với nhiều hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Thêm vào đó, tình hình kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, đất nước vẫn trong tình trạng khủng khoảng kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986) bước đầu đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhờ đó đất nước đứng vững và tiếp tục phát triển.

            Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động, để tiếp tục khẳng định tính tất yếu phải tiến hành sự nghiệp đổi mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) nhấn mạnh: “Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có nguyên tắc và có bước đi vững chắc, đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là quá trình không thể đảo ngược”[1].

            Nhận rõ những khó khăn, thách thức, đồng thời kế thừa những kết quả của giai đoạn cách mạng trước, sau gần 20 năm đổi mới (1992-2011), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng. Những thành tựu đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong sự nghiệp đổi mới đã góp phần quan trọng đưa nước ta thoát khỏi tình trạng một nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, tạo tiền đề để xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đồng thời, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thành công đó là do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự điều hành chủ động, tích cực của Chính phủ, sự đóng góp to lớn của Quốc hội các khóa IX, X, XI và XII, sự cố gắng của các cấp, các ngành và toàn dân. Đây là thời kỳ Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), với những đổi mới cơ bản, từng bước khắc phục tính hình thức, hạn chế trong hoạt động ở các khóa Quốc hội trước. Hoạt động của Quốc hội từ năm 1992 đến năm 2011 đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển đi lên của đất nước những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, xứng đáng là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

            Quốc hội khóa IX (1992-1997) được cử tri cả nước bầu ra ngày 19-7-1992. Trải qua nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội khóa IX đã đóng vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đề ra. Hoạt động của Quốc hội khóa IX đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

            Cũng trong nhiệm kỳ này, cùng với toàn Đảng, toàn dân, các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, Quốc hội khóa IX đã không ngừng phấn đấu, góp phần quan trọng vào những thành tựu đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng và 10 năm đổi mới của đất nước. Đặc biệt, các mặt hoạt động của Quốc hội khóa IX được đẩy mạnh. Tổ chức Quốc hội được tăng cường, sinh hoạt dân chủ được phát huy trong quá trình thảo luận, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Vai trò của Quốc hội được đề cao hơn trong đời sống chính trị của đất nước. Hoạt động của Quốc hội bao quát nhiều mặt và dần đi vào thực chất, về cơ bản đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới kinh tế, từng bước vững chắc đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm các quyền của công dân, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới.

            Thành tựu đạt được của Quốc hội trong nhiệm kỳ 1992-1997 có ý nghĩa rất quan trọng. Những quyết định của Quốc hội chính là ý chí và nguyện vọng của nhân dân; là kết quả của sự ủng hộ nhiệt tình, sự cổ vũ lớn lao của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè trên thế giới. Đó còn là sự đóng góp có hiệu quả của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, của các ngành, các cấp và tất cả các vị đại biểu Quốc hội...

            Quốc hội khóa X được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 20-7-1997. Đó là thời điểm công cuộc đổi mới sau hơn 10 năm đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng trên các lĩnh vực, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội, nhưng một số lĩnh vực còn chưa vững chắc. Trong 5 năm (1997-2002), tình hình trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi, đồng thời cũng có những biến động phức tạp, với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, kế thừa và phát huy những thành tựu, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, Quốc hội khóa X tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa X là đã góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và lần thứ IX của Đảng về nhiệm vụ của thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

            Với tinh thần trách nhiệm cao trước vận mệnh của dân tộc, với sự phấn đấu không ngừng, hoạt động của Quốc hội khóa X đã thu được những kết quả đáng trân trọng, nhất là trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối nội, đối ngoại. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội ngày càng được hoàn thiện, luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tính dân chủ trong hoạt động ngày càng được phát huy; chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật từng bước được nâng cao, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

            Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Ở trong nước, sau gần 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế đã vượt qua thời kỳ suy giảm, tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước và phát triển tương đối toàn diện. Văn hóa, xã hội có tiến bộ trên nhiều mặt; việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có chuyển biến tốt, nhất là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại có bước phát triển mới. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi do tiến trình đổi mới tạo ra, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế trình độ thấp; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới và khu vực đan xen những biểu hiện suy thoái, phục hồi và phát triển, sự cạnh tranh và chính sách bảo hộ bất bình đẳng của một số nước, v.v.. Trong bối cảnh đó, Quốc hội khóa XI (2002-2007) tiếp tục đổi mới cả về tổ chức và hoạt động theo hướng thực chất và hiệu quả. Hoạt động lập pháp được đẩy mạnh, không chỉ nhiều về số lượng mà còn bảo đảm về chất lượng của các văn bản pháp luật được ban hành. Hoạt động giám sát đã mang tính định hướng, đi vào trọng tâm, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thực chất hơn. Hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được mở rộng và tăng cường cả trong quan hệ song phương và tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Thành công của Quốc hội khóa XI góp phần vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng với niềm tin của nhân dân vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

            Trên cơ sở thành quả hoạt động của Quốc hội các khóa, nằm trong bối cảnh công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Quốc hội khóa XII (2007-2011) hoạt động vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, Quốc hội khóa XII đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động. Những kết quả đó thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng rõ nét nhất là trong công tác xây dựng pháp luật; giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công trình quan trọng quốc gia và hoạt động đối ngoại. Đáng chú ý, các kỳ họp của Quốc hội đã thực sự trở thành sự kiện chính trị lôi cuốn sự tham gia của đông đảo nhân dân và cử tri cả nước. Những phiên thảo luận về các dự án luật, tình hình kinh tế - xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra hết sức sôi nổi với nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội tại các phiên họp toàn thể đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và nhân dân cả nước. Hoạt động của Quốc hội đã làm sâu sắc hơn nhận thức về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo ra một hình ảnh về sự năng động, dân chủ của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị và xây dựng, triển khai các đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng giúp Quốc hội khóa XII ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

            Trải qua 19 năm (1992-2011) với bốn khóa hoạt động, Quốc hội Việt Nam luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong chặng đường gần hai thập niên sinh động ấy, Quốc hội không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, tiếp tục kiện toàn và tăng cường các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển ngày càng cao của đất nước. Vai trò của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội ngày càng được phát huy tốt hơn. Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Sự gắn bó giữa Quốc hội với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

            Nhìn chung, với ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của đất nước, Quốc hội các khóa IX, X, XI và XII đã ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước... Những đóng góp của Quốc hội trong bốn khóa nói trên đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr.168.