1. Hội trường Ba Đình, nơi tổ chức các kỳ họp Quốc hội
Cuối tháng 4-1963, sau khi công trình xây dựng Hội trường Ba Đình hoàn thành và đi vào hoạt động Quốc hội đã chọn địa điểm này tổ chức thành công kỳ họp thứ 6 (từ ngày 28-4 đến ngày 8-5-1962). Đây là kỳ họp Quốc hội đầu tiên được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, sau đó là các Kỳ họp thứ 7, thứ 8 của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa II. Mặc dù, lúc đó cơ sở vật chất, trang, thiết bị của Hội trường còn thiếu thốn, nhưng các hoạt động tại kỳ họp đã diễn ra tốt đẹp. Những vấn đề quan trọng của đất nước đã được Quốc hội quan tâm, thảo luận trong các phiên họp, nhất là vấn đề động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Ngày 26-4-1964 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III thành công, các phiên họp toàn thể của Quốc hội tiếp tục được tổ chức tại Hội trường Ba Đình. Tiếp sau đó, các kỳ họp của 8 nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV (1971-1975); khóa V (1975-1976), khóa VI (1976-1981), khóa VII (1981-1987), khóa VIII (1987-1992), khóa IX (1992-1997), khóa X (1197-2002), khóa XI (2002-2007) và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XII đều được tổ chức tại đây.
Mỗi nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội đều ghi dấu những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua những sự kiện tiêu biểu trong hoạt động của Quốc hội, đó là: ngày 21-2-1973, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IV đã thông qua Nghị quyết về việc ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Và từ ngày 22-12 đến 27-12-1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.
Đặc biệt, một sự kiện đáng ghi nhớ là từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976, Quốc hội khóa VI, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiếp tục quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”, Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, chính thức đặt tên cho Thành phố Sài gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã khẳng định sự nghiệp thống nhất nước nhà về mặt nhà nước đã hoàn thành, tạo điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước và mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam…
Quốc hội khóa VIII được nhân dân bầu ra ngày 19-4-1987 là Quốc hội của giai đoạn khởi đầu sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước. Với tầm nhìn chiến lược và định hướng cho tương lai phát triển, ngày 15-4-1992, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Hiến pháp 1992.
Bước sang năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, thực hiện chủ trương thể chế hóa đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, ngày 25-12-2001 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X đã ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.
Từ ngày 19-7 đến 6-8-2007, Quốc hội khóa XII họp Kỳ thứ nhất và cũng là Kỳ họp lần cuối của Quốc hội được tổ chức tại Hội trường Ba Đình. Với trách nhiệm trước cử tri cả nước, 493 đại biểu Quốc hội khóa XII đã thảo luận dân chủ, lựa chọn và quyết định bầu các vị lãnh đạo Nhà nước và các chức danh cấp cao của Nhà nước. Thành công của kỳ họp thực sự có ý nghĩa to lớn, góp phần vào quá trình hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 – Khóa X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, với các chức năng cơ bản: lập pháp; giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tại Hội trường Ba Đình, trải qua 81 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành được nhiều đạo luật và nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh… nhằm thiết lập hệ thống chính sách nhất quán, tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho sự phát triển đất nước. Cũng tại Hội trường Ba Đình, với trách nhiệm trước cử tri cả nước, Quốc hội đã dân chủ thảo luận, quyết định nhiều quyết sách lớn, cùng với các cơ quan hữu quan tập trung giải quyết nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh, góp phần quan trọng trong việc thể chế hóa cương lĩnh, chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.
2. Hội trường Ba Đình, nơi tổ chức các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc
Giữa năm 1975, đất nước thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ ngày 14 đến 20-12-1976, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã chính thức khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Đây là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc; là Đại hội tổng kết những bài học lịch sử có giá trị của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là Đại hội thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), đổng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất đã trình bày Báo cáo Chính trị, trong đó chứa đựng hệ thống các quan điểm lý luận đặt nền móng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.
Từ ngày 27 đến ngày 31-3-1982, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã diễn ra trong bối cảnh 5 năm đầu cả nước bước vào kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội chủ trương tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, thừa nhận sự tồn tại thực tế của nhiều thành phần kinh tế, điều chỉnh bước đi và quy mô của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Đại hội cũng xác định nước ta đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Tiếp theo sau đó, các kỳ Đại hội VI (năm 1986), VII (năm 1991), VIII (năm 1996), IX (năm 2001), X (năm 2006) của Đảng cũng đã được tổ chức tại Hội trường Ba Đình. Trong đó, đáng chú ý là từ ngày 15 đến 18-12-1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội nước ta đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tình hình đất nước đang đòi hỏi Đảng phải tích cực chuẩn bị và tiến hành công cuộc đổi mới mạnh mẽ, nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật và đánh giá đúng thực trạng của đất nước. Với tầm nhìn đúng đắn, Đại hội đã hoàn thành sứ mệnh đề ra đường lối đổi mới toàn diện, tìm ra lối thoát, khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội để phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam.
Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đại hội lần cuối tổ chức tại Hội trường Ba Đình từ ngày 18 đến 25-4-2006. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, từ đó định ra phương hướng, mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.
3. Hội trường Ba Đình, nơi tổ chức các kỳ đại hội của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội.
Hội trường Ba Đình được xây dựng để tổ chức các hoạt động lớn, cho nên đây cũng là địa điểm được các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các kỳ đại hội.
Từ những năm 1983 đến năm 2004, Hội trường Ba Đình đã chứng kiến 5 nhiệm kỳ đại hội của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là các kỳ Đại hội II (từ ngày 12 đến 14-5-1983), III (từ ngày 2 đến 4-11-1988); IV (từ ngày 17 đến 19-8-1994); V (từ ngày 26 đến 28-8-1999); VI (từ ngày 21 đến 23-9-2004).
Từ năm 1974 đến năm 1993 Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức 5 nhiệm kỳ đại hội, đó là các kỳ Đại hội III (từ ngày 11 đến 14-2-1974); IV (từ ngày 8 đến 15-5-1978); V (từ ngày 12 đến 15-11-1983); VI (từ ngày 17 đến 20-10-1988); VII (từ ngày 9 đến 12-11-1993).
Từ năm 1980 đến năm 2002, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chính Minh đã tổ chức 5 nhiệm kỳ đại hội, đó là các kỳ Đại hội IV (từ ngày 20 đến 22-11-1980); V (từ ngày 27 đến 30-11-1987); VI (từ ngày 15 đến 18-9-1992); VII (từ ngày 28 đến 31-11-1997); VIII (từ ngày 10 đến 12-11-2002).
Từ năm 1974 đến năm 2002, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức 6 nhiệm kỳ đại hội, đó là các kỳ Đại hội IV (từ ngày 4 đến 7-3-1974); V (từ ngày 19 đến 20-3-1982); VI (từ ngày 19 đến 20-5-1987), VII (từ ngày 18 đến 20-5-1992); VIII (từ ngày 19 đến 20-3-1997); IX (từ ngày 22 đến 23-5-2002).
Hội trường Ba Đình còn là nơi tổ chức các nhiệm kỳ đại hội của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam… Có những đại hội số đại biểu lên tới hàng ngàn người, ghế ngồi ở Hội trường không đủ để đáp ứng, nhưng các đoàn thể vẫn thiết tha mong muốn được tổ chức tại Hội trường Ba Đình; bởi trong suy nghĩ của mỗi người, Hội trường Ba Đình vừa trang trọng, vừa có ý nghĩa lịch sử.
4. Hội trường Ba Đình, nơi tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế
Hội trường Ba Đình không chỉ là nơi tổ chức các kỳ họp Quốc hội, các kỳ Đại hội Đảng, các kỳ Đại hội của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội mà còn là nơi tổ chức các sự kiện trọng đại của đất nước, các cuộc mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn và các cuộc biểu diễn nghệ thuật.
Một trong những sự kiện đã đi vào lịch sử dân tộc, đó là: đầu năm 1964, khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và tăng cường khiêu khích phá hoại miền Bắc, từ ngày 27 đến 28-3-1964, tại Hội trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Chính trị đặc biệt để tỏ rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.
Tại Hội nghị, Người đã khẳng định “nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại”, Người kêu gọi “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Hội nghị Chính trị đặc biệt năm 1964 được coi là Hội nghị Diên Hồng của thời đại mới, vừa kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc mỗi khi Tổ quốc bị ngoại xâm đe dọa, vừa động viên tinh thần to lớn của nhân dân, kết thành sức mạnh vật chất đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn quyết liệt, nhiều tổ chức yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã chọn Hội trường Ba Đình để tổ chức Hội nghị, biểu thị tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội…
Những năm cuối của thế kỷ XX, quan hệ đối ngoại của Việt Nam ngày càng mở rộng, theo tinh thần “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển ”, nhiều sự kiện quốc tế quan trọng do Việt Nam đăng cai cũng đã được khai mạc tại Hội trường Ba Đình, như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VI (tháng 12-1998) khẳng định Việt Nam là thành viên không thể thiếu trong cộng đồng các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Hội trường Ba Đình đã vinh dự được chọn là nơi tổ chức lễ khai mạc Kỳ họp lần thứ 23 của Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO). Với cương vị Chủ tịch và Tổng Thư ký AIPO nhiệm kỳ 2001-2002, từ ngày 8 đến 13-9-2002 Quốc hội Việt Nam đã đăng cai, tổ chức thành công kỳ họp, để lại dấu ấn sâu đậm về đất nước Việt Nam trong lòng bạn bè và quan khách đến dự Đại hội.
Từ ngày 8 đến 9-10-2004 tại Hội trường Ba Đình, Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Á-Âu lần thứ 5 (ASEM) đã thành công tốt đẹp, lần đầu tiên các nguyên thủ quốc gia của nhiều nước châu Á, châu Âu đã có mặt tại Việt Nam để cùng nhau trao đổi những vấn đề mang tính toàn cầu và khẳng định vị thể của Việt Nam trong các vấn đề có tính thời đại. Điều đó góp phần nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc tổ chức thành công các Hội nghị quốc tế nói trên đã để lại ấn tượng đẹp về một nước Việt Nam cởi mở, thân thiện, sẵn sàng hợp tác và tạo cơ hội cho Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào quá trình hội nhập quốc tế.
Trong bốn thập kỷ, Hội trường Ba Đình không chỉ chứng kiến nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước mà còn gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người đã từng điều hành và phát biểu tại nhiều hội nghị quan trọng được tổ chức tại Hội trường Ba Đình.
Hội trường Ba Đình cũng là nơi ghi dấu ấn về các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, đó là:
- Các vị Tổng Bí thư của Đảng: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh;
- Các vị Chủ tịch nước: Tôn Đức Thắng, Võ Chí Công, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết;
- Các vị Thủ tướng Chính phủ: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng;
- Các vị Chủ tịch Quốc hội: Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Quang Đạo, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Phú Trọng.
Hội trường Ba Đình còn in đậm trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam đã từng vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua nhằm tôn vinh những người lao động sản xuất và chiến đấu giỏi; của các thế hệ những người con tiêu biểu đã tham dự các kỳ Đại hội Đảng, các kỳ họp Quốc hội và nhiều kỳ Đại hội của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để quyết định những vấn đề lớn lao của đất nước.
Là một tòa nhà mang tầm vóc quốc gia, từ năm 1969 đến năm 1993, Hội trường Ba Đình còn là nơi tổ chức lễ tang các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Ấn tượng sâu sắc nhất đã đi vào ký ức của mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế, đó là Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tại Hội trường Ba Đình, Lễ viếng được tổ chức từ ngày 6 đến 9-9-1969, hàng trăm đoàn khách, hàng triệu lượt người kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Người. Ngày 22-9-1969, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III đã long trọng tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chính Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Xiển đã đọc Di chúc của Người…