Lịch sử Quốc hội Việt Nam Tập 4

I- BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XII, QUỐC HỘI BẦU VÀ PHÊ CHUẨN NHÂN SỰ, TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CẤP CAO

Nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, ngày 26-1-2006, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, trong đó nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa chính trị to lớn của cuộc bầu cử và vai trò quan trọng của Quốc hội khóa XII trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Chỉ thị nêu lên những yêu cầu, nhiệm vụ để các cấp ủy Đảng, đảng đoàn, ban cán sự Đảng các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương quán triệt và có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị và tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2007.

Từ ngày 18-4 đến ngày 25-4-2006, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng; kiểm điểm tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm (2001-2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới, đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2006-2010). Đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế bầu cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách, phát huy tốt hơn vai trò của đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội”[1].

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, ngày 29-1-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1077/2007/NQ/UBTVQH11, công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương.

Để chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, như: Hướng dẫn công tác nhân sự trong cuộc bầu cử; Hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử; Kế hoạch triển khai công tác bầu cử; Nghị quyết liên tịch về quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội; Chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử; Thông tư hướng dẫn một số nội dung tổ chức bầu cử và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009...

Nằm trong tổng thể các hoạt động chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội, ngày 9-2-2007, Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Ngay sau hội nghị toàn quốc, các địa phương đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử. Đặc biệt, các tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước đã sớm ban hành chỉ thị lãnh đạo cuộc bầu cử; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn. Các cấp, các ngành kịp thời tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền về bầu cử để quán triệt, phổ biến chỉ thị của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn về bầu cử đại biểu Quốc hội. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập đúng trình tự, thủ tục, thời hạn, số lượng và thành phần do pháp luật quy định. Theo đó, trong cả nước có tổng cộng 64 ủy ban bầu cử, 182 ban bầu cử và 83.219 tổ bầu cử. Sau khi được thành lập, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử đã họp để xây dựng kế hoạch công tác.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục và thành phần do pháp luật quy định. Nhìn chung, quy trình xem xét, thảo luận lựa chọn các ứng cử viên đã thực sự phát huy dân chủ, thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri mang tính xây dựng, bảo đảm lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn để đưa vào danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII.

Để cuộc bầu cử được tiến hành khẩn trương theo đúng quy định và bảo đảm đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sớm ban hành Nghị quyết công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo đó, ở hầu hết các đơn vị bầu cử đều có số người ứng cử nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Đây là điểm mới so với những cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri cả nước có nhiều cơ hội lựa chọn đại biểu đại diện cho quyền và lợi ích của mình.

Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước được Hội đồng bầu cử gửi đến Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố để niêm yết cùng với tiểu sử tóm tắt của người ứng cử. Công tác lập và niêm yết danh sách cử tri được triển khai đúng pháp luật, bảo đảm quyền bầu cử của công dân, kể cả cử tri vãng lai.

Theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương tổ chức tốt công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử từ ngày 3 đến ngày 16-5-2007.

Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử, Hội đồng bầu cử đã ban hành 59 văn bản hướng dẫn Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ công tác chuẩn bị bầu cử; cấp kinh phí bầu cử bổ sung cho 34 tỉnh có khó khăn về kinh tế, địa bàn rộng, nhiều huyện miền núi, hải đảo, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đường sá đi lại khó khăn.

Với mục đích chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử sát sao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử thành lập 31 đoàn đi giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong quá trình giám sát kiểm tra, các đoàn đánh giá công tác chuẩn bị bầu cử tại các tỉnh, thành phố, chỉ đạo và lưu ý địa phương tập trung triển khai tốt những nội dung công việc trong quá trình chuẩn bị, xử lý những vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử.

Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng bầu cử, Tiểu ban tuyên truyền bầu cử đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử, bảo đảm đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về bầu cử diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và sáng tạo, giúp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, qua đó tích cực tham gia để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn và ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện chu đáo. Tính đến ngày 10-5-2007, Hội đồng bầu cử Trung ương nhận được 224 đơn khiếu nại, tố cáo đối với 105 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Trên tinh thần tích cực, khẩn trương, tất cả các đơn khiếu nại, tố cáo nhanh chóng được chuyển đến các cơ quan, tổ chức hữu quan xem xét, kết luận. Trong tổng số đơn thư, có 71 ứng cử viên đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, kết luận về các vụ việc, có 34 ứng cử viên khác do đơn thư nêu các vụ việc không đủ điều kiện, không có căn cứ để xem xét, giải quyết. Đặc biệt, có một trường hợp ứng cử ở đơn vị bầu cử số 3 tỉnh Lâm Đồng, do không khai đầy đủ hồ sơ theo quy định, Hội đồng bầu cử đã ra Nghị quyết số 431-NQ/HĐBC, ngày 15-5-2007 rút tên khỏi danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Từ ngày 11 đến ngày 28-5-2007, Hội đồng bầu cử nhận được 108 đơn tố cáo đối với 21 ứng cử viên. Theo luật định, Hội đồng bầu cử đã chuyển cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII xem xét giải quyết.

Cử tri thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII tại điểm bầu cử phường Quang Trung, ngày 20-5-2007.

Cử tri thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII tại điểm bầu cử phường Quang Trung, ngày 20-5-2007.

 

Cử tri là các tăng ni bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, ngày 20-5-2007.

Cử tri là các tăng ni bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII
tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, ngày 20-5-2007.

1. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, ngày 20-5-2007

Sau khi được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, ngày 20-5-2007, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII đã diễn ra trong không khí phấn khởi, tin tưởng. Đây là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, được tổ chức vào thời điểm cả nước đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, phấn đấu giành những thành tựu mới trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao đối với Quốc hội khóa XII, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trước đó, được sự đồng ý của Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, một số đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm từ ngày 5-5-2007. Tính đến ngày 19-5-2007, nhiều đơn vị trên cả nước đã hoàn thành công tác bầu cử. Cụ thể như, 5 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (đơn vị bầu cử số 2), tỉnh Quảng Bình đã tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII vào ngày 16-5-2007. Ngày 19-5-2007, Tổ bầu cử số 14 (Đơn vị bầu cử số 1) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cho 79 cử tri là cán bộ, công nhân viên làm việc trên dàn Công nghệ Trung tâm số 3 (thuộc mỏ Bạch Hổ) bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII sớm hơn quy định. Cùng ngày, tại tỉnh Bình Định, có 25 khu vực bầu cử sớm, trong đó, huyện An Lão có 15 tổ bầu cử đã hoàn thành công tác bầu cử vào lúc 9 giờ 40 phút với kết quả 100% cử tri đi bỏ phiếu; khu vực huyện Vân Canh có 9 tổ bầu cử, đến 11 giờ cùng ngày hoàn thành công tác bầu cử.

Trong ngày bầu cử chính thức, ngày 20-5-2007, tại khu vực bầu cử số 4, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh phát biểu: “Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2010 đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề và điều kiện để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Quốc hội khóa XII có trách nhiệm rất lớn, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và thực hiện mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... ”[2].

Cùng ngày, tại điểm bỏ phiếu số 58, phố Nguyễn Du, thuộc Tổ bầu cử số 2, thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tôi mong muốn Quốc hội khóa XII sẽ tiếp tục đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của các cử tri”[3].

Ở thành phố mang tên Bác, trong ngày 20-5-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại Tổ bầu cử 60 phường 9, quận 3. Trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng được tham gia bỏ phiếu tại Thành phố Hồ Chí Minh và kêu gọi cử tri đi bầu đông, bầu đủ, sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng nhất bầu vào Quốc hội. Chủ tịch nước mong muốn đại biểu Quốc hội phải là những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm hết trách nhiệm, thực hiện những lời hứa trước dân.

Hòa chung không khí tưng bừng của cả nước, ngày 20-5-2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đi bỏ phiếu tại khu vực số 6, Đơn vị bầu cử số 3, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An (Trường Đại học Hải Phòng). Sau bỏ phiếu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân mật nói chuyện với các cử tri có mặt tham gia bầu cử. Các cử tri bày tỏ niềm vinh dự được tham gia bầu cử cùng Thủ tướng để lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội khóa XII, một nhiệm kỳ có tính chất bước ngoặt đưa nước ta chủ động hội nhập quốc tế.

Ở Nghệ An, ngày 20-5-2007, 100% tổ bầu cử đồng loạt khai mạc đúng giờ quy định trong không khí phấn khởi, an toàn, thật sự là ngày hội của toàn dân. Trong buổi sáng, các tổ bầu cử đều đạt hơn 80% số cử tri đi bỏ phiếu. Đến 17 giờ cùng ngày, cử tri toàn tỉnh đi bầu cử đạt tỷ lệ 98%, kể cả bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các huyện và thị xã Cửa Lò.

Tại thành phố biên giới Lào Cai, ngày 20-5-2007, không khí ngày hội lớn bao trùm từ thành thị đến nông thôn vùng cao, vùng sâu của tỉnh. Theo Ủy ban bầu cử của tỉnh, Lào Cai có 370.153 cử tri, gồm 25 dân tộc, cư trú ở 164 xã, phường, trong đó có 26 xã biên giới, 108 xã vùng đặc biệt khó khăn, nhiều thôn bản giao thông cách trở, nhưng với niềm tin son sắt vào Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai đã tích cực đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII.

Cùng với nhân dân cả nước, sáng ngày 20-5-2007, hơn 715 nghìn cử tri thuộc các dân tộc ở 209 xã, phường, thị trấn của tỉnh Gia Lai phấn khởi đến 1.377 điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử, đến 16 giờ cùng ngày, 3 đơn vị bầu cử thuộc địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố cơ bản hoàn thành công tác bầu cử, với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 98,4%. Tính đến 17 giờ ngày 20-5-2007, tỷ lệ cử tri tỉnh Gia Lai đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII đạt 97%.

Tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, trên các dòng sông, thuyền máy tấp nập đưa cử tri đến các điểm bỏ phiếu từ sớm. Là xã vùng sông nước, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu bằng đường thủy, nhiều gia đình đã dùng thuyền máy, xuồng chèo của mình để giúp đỡ cử tri không có phương tiện và hoàn cảnh khó khăn đến địa điểm bỏ phiếu sớm.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, trước và trong ngày bầu cử, các lực lượng an ninh đã bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ ở các địa điểm bầu cử. Vì vậy, an ninh, trật tự trong ngày bầu cử được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Như vậy, từ mọi miền đất nước, trong ngày 20-5-2007, cử tri đã đi bỏ phiếu với trách nhiệm cao nhất. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân. Trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này, cả nước có 83.219 tổ bầu cử, trong đó có 673 tổ bầu cử ở các vùng hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn cách trở, đi lại khó khăn thuộc 14 tỉnh, thành phố được Hội đồng bầu cử cho phép bầu sớm cũng đã tổ chức tốt việc bỏ phiếu với tỷ lệ cử tri đi bầu cao.

Cuộc bầu cử diễn ra đúng tiến độ và kết thúc tốt đẹp. Ngày 29-5-2007, Hội đồng bầu cử Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 459 NQ/HĐBCXII công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XII trong phạm vi cả nước. Theo đó, tổng số cử tri cả nước 56.457.532 người; tổng số cử tri đi bầu 56.252.543 người, đạt 99,64%; tổng số phiếu bầu 56.252.543 phiếu; số phiếu hợp lệ 55.802.444 phiếu (99,20%) và số phiếu không hợp lệ 450.099 phiếu (0,80%).

Có 493 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Trong đó, đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu 153 người (31,03%); đại biểu Quốc hội do địa phương giới thiệu 340 người (68,97%); đại biểu Quốc hội trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất 99,07%; đại biểu Quốc hội trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất 50,03%; đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất 80 tuổi và đại biểu Quốc hội trẻ tuổi nhất 24 tuổi.

Có 473 đại biểu Quốc hội có trình độ từ đại học trở lên (95,94%), trong đó có 164 đại biểu Quốc hội có trình độ trên đại học (33,27%) và 309 đại biểu Quốc hội có trình độ đại học (62,68%); đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số 87 người (17,65%); đại biểu Quốc hội là phụ nữ 127 người (25,76%); đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng 43 người (8,72%); đại biểu Quốc hội là tôn giáo 14 người (2,84%), trong đó có 6 người có chức sắc (1,22%); đại biểu Quốc hội trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 68 người (13,79%); đại biểu Quốc hội tự ứng cử 1 người (0,20%); đại biểu Quốc hội thuộc khối doanh nghiệp 21 người (4,26%) và đại biểu Quốc hội khóa XI tái cử 136 người (27,59%).

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, có một số đơn vị bầu thiếu đại biểu. Dự kiến Quốc hội khóa XII có 500 đại biểu, nhưng thực tế chỉ bầu được 493 đại biểu (thiếu 7 đại biểu). Các đơn vị bầu thiếu là: Đơn vị bầu cử số 7, 8, 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh; Đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Hòa Bình; Đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Lâm Đồng; Đơn vị bầu cử số 3, tỉnh Bến Tre; Đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Tây Ninh. Mỗi đơn vị trên bầu thiếu 1 đại biểu. Theo đề nghị của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố nói trên, ngày 23-5-2007, Hội đồng bầu cử đã họp xem xét, phân tích, cân nhắc nhiều mặt và quyết định không tổ chức bầu bổ sung ở các đơn vị còn thiếu đại biểu.

Xét về cơ cấu đại biểu, Quốc hội khóa XII đã bảo đảm được yêu cầu theo quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2007); đặc biệt là có sự kế thừa và phát triển mô hình cơ cấu đại biểu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, bảo đảm hợp lý hơn tỷ lệ, cơ cấu đại biểu Quốc hội (đại biểu ở Trung ương, địa phương, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu Quốc hội tái cử, đại biểu không là đảng viên; đại biểu trẻ tuổi, đại biểu có trình độ từ đại học trở lên tăng so với các khóa trước).

Thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII có ý nghĩa to lớn, khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; thể hiện tinh thần yêu nước và sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc. Đánh giá kết quả cuộc bầu cử, tại Hội nghị tổng kết công tác bầu cử, ngày 2-7-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Trung ương đã nhận định: “Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII đã thành công tốt đẹp, theo đúng quy định của luật pháp là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín và theo đúng phương châm chỉ đạo của Trung ương là đúng luật, dân chủ, an toàn và tiết kiệm[4].

2. Quốc hội khóa XII bầu và phê chuẩn các cơ quan và các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước

Ngày 19-7-2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ nhất tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Trước khi về dự kỳ họp, các đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận các văn bản và dự kiến chương trình kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn tất những công việc cần thiết chuẩn bị kỳ họp đạt kết quả cao nhất.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, ngày 19-7-2007

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, ngày 19-7-2007.

Tới dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các cán bộ lão thành cách mạng, nhiều vị đại biểu Quốc hội các khóa trước và đông đủ các vị đại biểu Quốc hội khóa XII. Tới dự phiên khai mạc còn có nhiều vị trong đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khóa XI, Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, các vị khách quý, các vị trong đoàn ngoại giao, các bạn quốc tế đã đến dự phiên khai mạc trọng thể kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII. Chủ tịch đánh giá cao kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và khẳng định: đây là thắng lợi to lớn, thể hiện rõ ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, trình độ dân trí và không khí dân chủ, đổi mới của xã hội ta, thể hiện sự gắn bó và niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, Chủ tịch Quốc hội khóa XI, Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong điều kiện mới và trước yêu cầu mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Quốc hội khóa XII là rất nặng nề và cũng rất vẻ vang. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, tập trung sức lực và trí tuệ để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp cũng như hoạt động giám sát, thực hiện tốt quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”. Chủ tịch nhấn mạnh: “Là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII và diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng với những nội dung hết sức quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt nhiệm kỳ, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn và quyết định, bảo đảm cho kỳ họp thứ nhất thành công tốt đẹp”[5].

Phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ: “Quốc hội khóa XII hoạt động trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn, đồng thời cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Đòi hỏi cao nhất của toàn dân tộc ta lúc này là tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và sứ mệnh của mình, Quốc hội khóa XII sẽ quyết định nhiều chủ trương, giải pháp đủ tầm để góp phần thực hiện tốt mục tiêu cao cả đó”[6].

Sau khi điểm lại những thành tựu đạt được qua hoạt động của các khóa Quốc hội, Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội khóa XII tập trung thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, hoạt động lập pháp phải hướng tới mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, quyết tâm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, cần nâng cao năng lực xây dựng pháp luật của Quốc hội; xác định các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư để xây dựng và hoàn thiện pháp luật; đổi mới quy trình, thủ tục, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt là giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước các cấp và cơ quan tư pháp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và kiện toàn bộ máy các cơ quan nhà nước. Đổi mới mạnh mẽ phương thức giám sát, khắc phục tình trạng giám sát theo bề rộng mà thiếu chiều sâu. Tập trung giám sát những vấn đề trọng tâm, trọng điểm nổi lên, bức xúc trong đời sống kinh tế, xã hội mà nhân dân quan tâm, nhất là cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm... Xây dựng cơ chế theo dõi, đôn đốc và có chế tài xử lý cụ thể các kiến nghị sau giám sát, trong đó có trách nhiệm trả lời việc xử lý các khiếu nại, tố cáo của công dân, thực hiện những cam kết khi trả lời chất vấn.

Thứ ba, nâng cao vai trò và trách nhiệm của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bảo đảm đủ điều kiện cần thiết để Quốc hội quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng như kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; chính sách tài chính tiền tệ; dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước, quyết định đầu tư các công trình quan trọng quốc gia; chính sách dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phê chuẩn điều ước quốc tế phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm lợi ích chung của đất nước.

Thứ tư, tiếp tục triển khai hoạt động đối ngoại một cách chủ động, thực hiện có kết quả chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Tranh thủ những điều kiện thuận lợi để triển khai mạnh mẽ hơn hoạt động đối ngoại nghị viện trong tình hình mới, đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ năm, cải tiến mạnh mẽ cách thức tiếp xúc với cử tri để thông qua hoạt động này, đại biểu có thể nắm bắt kịp thời tâm tư, ý nguyện và sáng kiến của nhân dân. Các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri là hình thức phản ánh quyền làm chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân đối với công việc chung của đất nước. Chỉ khi nào xây dựng được mối quan hệ khăng khít với nhân dân, đại biểu Quốc hội mới có khả năng đem được ý nguyện của nhân dân vào các nghị quyết, các đạo luật và giám sát có hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết và các đạo luật đó. Nếu không giữ được mối liên hệ gắn bó với cử tri, đại biểu Quốc hội sẽ xa rời thực tiễn, không thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, không thể thay mặt nhân dân quyết định đúng đắn những vấn đề quan trọng của đất nước.

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất cũng chính là những định hướng quan trọng cho hoạt động của Quốc hội khóa XII.

Sau khi nghe Hội đồng bầu cử báo cáo về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và Báo cáo của Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu, ngày 19-7-2007, Quốc hội thảo luận dân chủ và nhất trí thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của 493 vị đã được Hội đồng bầu cử công bố trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XII trong cuộc bầu cử ngày 20-5-2007.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Báo cáo nêu rõ, trong quá trình tham gia tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng cấp tổ chức nhiều hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú để nhận xét, biểu thị sự tín nhiệm đối với người ứng cử và mạn đàm về tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên tại các khu dân cư với hàng triệu cử tri tham gia. Cùng với việc đóng góp ý kiến cho những người ứng cử, cử tri và nhân dân còn nhiều ý kiến, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước hữu quan.

Đối với đại biểu Quốc hội, cử tri nêu bật, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, đại đa số đại biểu Quốc hội đã làm tốt vai trò người đại biểu nhân dân hoạt động trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tuy nhiên, cũng còn một số đại biểu chưa thực hiện tốt lời hứa với cử tri và nhân dân; chưa thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân với Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; còn nhiều hạn chế trong việc tham gia vào các hoạt động của Quốc hội. Đông đảo cử tri và nhân dân cả nước yêu cầu những người đã được cử tri tín nhiệm bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XII, cần thực hiện tốt chương trình hành động của mình đã công bố trước cử tri và nhân dân trong các cuộc tiếp xúc vận động bầu cử; đồng thời mong muốn mỗi đại biểu Quốc hội phải thật sự là tấm gương sáng trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; luôn gương mẫu trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thường xuyên rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội.

Đối với Quốc hội, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XI; Quốc hội đã thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn Quốc hội cần phát huy trí tuệ, năng lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác lập pháp; kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước phải đúng ý Đảng, hợp lòng dân, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nhân dân và cử tri cũng yêu cầu phải tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; quan tâm giám sát các lĩnh vực mà nhân dân có nhiều ý kiến bức xúc, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cải cách tư pháp, cải cách hành chính... Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng giám sát tại các kỳ họp của Quốc hội, tổ chức có hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Trên tinh thần thẳng thắn, Quốc hội khóa XII hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị tâm huyết, thiết thực của cử tri đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước và khẳng định sẽ cùng với các cơ quan hữu quan nghiêm túc xem xét, kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng, nguyện đem hết khả năng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhân dân giao phó.

Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các chức danh của các cơ quan của Quốc hội; phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận, quyết định về cơ cấu của Chính phủ, phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Đây là những vấn đề có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trên cơ sở bàn bạc dân chủ, thẳng thắn, đúng pháp luật và thống nhất cao, ngày 23-7-2007 Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách đề cử để bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII. Kết quả:

Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch

Các Phó Chủ tịch

 

 

 

Các Ủy viên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 

Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Đức Kiên

Uông Chu Lưu

Tòng Thị Phóng

Huỳnh Ngọc Sơn

 

Ksor Phước

Lê Thị Thu Ba

Lê Quang Bình

Hà Văn Hiền

Phùng Quốc Hiển

Trương Thị Mai

Đặng Vũ Minh

Nguyễn Văn Son

Đào Trọng Thi

Nguyễn Văn Thuận

Phạm Minh Tuyên

Trần Thế Vượng

Trần Đình Đàn

 

Trên cơ sở Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII về việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước; đồng thời căn cứ vào ý kiến trao đổi tại các đoàn đại biểu Quốc hội về nhân sự Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong hai ngày 24 và 25-7-2007, Quốc hội đã tiến hành bầu các chức danh nêu trên. Kết quả:

Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước

Chủ tịch

Phó Chủ tịch

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao

Nguyễn Minh Triết

Nguyễn Thị Doan

 

Trương Hòa Bình

 

Trần Quốc Vượng

 

Ngày 28-7-2007, Quốc hội khóa XII tiến hành bỏ phiếu bầu các chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và ủy viên các ủy ban của Quốc hội; Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội và các thành viên. Kết quả:

1. Hội đồng Dân tộc do ông Kso Phước làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch gồm các ông, bà: Bùi Thị Bình, Giàng A Chu, Mã Điền Cư, Huỳnh Phước Long, Triệu Thị Nái, Huỳnh Đảm, Nguyễn Thị Nương, Niê Thuật và 30 ủy viên.

2. Ủy ban Pháp luật do ông Nguyễn Văn Thuận làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông: Đặng Văn Chiến, Trần Đình Long, Phan Trung Lý, Ngô Tự Nam và 30 ủy viên.

3. Ủy ban Tư pháp do bà Lê Thị Thu Ba làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà: Hoàng Văn Minh, Lê Thị Nga, Dương Ngọc Ngưu, Phạm Quý Tỵ và 29 ủy viên.

4. Ủy ban Kinh tế do ông Hà Văn Hiền làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông: Nguyễn Hoàng Anh, Lê Quốc Dung, Vũ Viết Ngoạn, Nguyễn Văn Phúc và 31 ủy viên.

5. Ủy ban Tài chính và Ngân sách do ông Phùng Quốc Hiển làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông: Đinh Trịnh Hải, Đinh Văn Nhã, Trịnh Huy Quách, Cao Ngọc Xuyên và 30 ủy viên.

6. Ủy ban Quốc phòng và An ninh do ông Lê Quang Bình làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông: Nguyễn Kim Khoa, Trần Đình Nhã và 31 ủy viên.

7. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng do ông Đào Trọng Thi làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà: Lê Văn Học, Lê Minh Hồng, Ngô Thị Minh, Nguyễn Minh Thuyết và 34 ủy viên.

8. Ủy ban về Các vấn đề xã hội do bà Trương Thị Mai làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà: Lương Phan Cừ, Đặng Như Lợi, Bùi Sỹ Lợi, Nguyễn Văn Tiên và 35 ủy viên.

9. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do ông Đặng Vũ Minh làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông: Phan Xuân Dũng, Lê Bộ Lĩnh, Nghiêm Vũ Khải, Nguyễn Đăng Vang và 32 ủy viên.

10. Ủy ban Đối ngoại do ông Nguyễn Văn Son làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông Ngô Anh Dũng, Ngô Đức Mạnh, Ngô Quang Xuân và 26 ủy viên.

11. Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội do ông Trần Đình Đàn làm Trưởng đoàn và 12 ủy viên.

Ngày 31-7-2007, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và thông qua những nội dung sau:

- Hợp nhất Bộ Thủy sản với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công thương.

- Giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, chuyển các chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban này sang các bộ liên quan thực hiện.

- Hợp nhất Ủy ban Thể dục thể thao với Bộ Văn hóa - Thông tin, giao bộ này quản lý Tổng cục Du lịch và đổi tên thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và đổi tên Bộ Bưu chính - Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Giữ tên Bộ Tài nguyên và Môi trường và bổ sung một số chức năng quản lý nhà nước về vấn đề biển đảo.

Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII gồm 18 bộ, và 4 cơ quan ngang bộ.

Ngày 2-8-2007, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Kết quả:

Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng

Các Phó Thủ tướng

Nguyễn Tấn Dũng

Nguyễn Sinh Hùng

Phạm Gia Khiêm

Trương Vĩnh Trọng

Hoàng Trung Hải

Nguyễn Thiện Nhân

 

Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Bộ trưởng Bộ Công an

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Bộ Y tế

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Tổng Thanh tra Chính phủ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Phùng Quang Thanh

Lê Hồng Anh

Phạm Gia Khiêm

Trần Văn Tuấn

Hà Hùng Cường

 

Võ Hồng Phúc

Vũ Văn Ninh

Vũ Huy Hoàng

 

Cao Đức Phát

Hồ Nghĩa Dũng

Nguyễn Hồng Quân

 

Phạm Khôi Nguyên

 

Lê Doãn Hợp

 

Nguyễn Thị Kim Ngân

 

Hoàng Tuấn Anh

 

Hoàng Văn Phong

 

Nguyễn Thiện Nhân

Nguyễn Quốc Triệu

 

Giàng Seo Phử

Nguyễn Văn Giàu

Trần Văn Truyền

 

Nguyễn Xuân Phúc

 

Cùng ngày, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Kết quả:

Hội đồng Quốc phòng và An ninh

Chủ tịch

Phó Chủ tịch

Các ủy viên

 

Nguyễn Minh Triết

Nguyễn Tấn Dũng

Nguyễn Phú Trọng

Lê Hồng Anh

Phạm Gia Khiêm

Phùng Quang Thanh

 

 

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Chủ tịch nước

Nguyễn Minh Triết

Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch Quốc hội

Nguyễn Phú Trọng

Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Chính phủ

Nguyễn Tấn Dũng

 

Những nhân sự được Quốc hội khóa XII bầu và phê chuẩn giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước cấp cao đều bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và trình độ để đảm nhiệm trọng trách được giao. Đây là một bước quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 23-7-2007, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ khóa XI (2002-2007). Trong bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ghi nhận: với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Quốc hội, trong 5 năm (2002-2007), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cố gắng hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp xứng đáng vào thành công chung của Quốc hội. Trong quá trình hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan; kế thừa và phát triển kinh nghiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa trước, tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các bậc lão thành cách mạng, của các vị Chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm, những khuyến nghị xây dựng chân chành của nhân dân. Đó là một trong những bài học thành công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI.

Cũng trong ngày 23-7-2007, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhận nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới (2007-2011), Chủ tịch khẳng định: “Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII sẽ luôn luôn trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng học tập để nâng cao trình độ, năng lực công tác; thường xuyên liên hệ, gắn bó với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và các cơ quan hữu quan của Nhà nước, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”[7].

Sau khi được Quốc hội tiếp tục bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 24-7-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có bài phát biểu trước Quốc hội, khẳng định: “Trên cương vị công tác của mình, tôi nguyện phấn đấu hết mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định. Thường xuyên rèn luyện, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phối hợp và cộng tác chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các ngành, các cấp, với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Tích cực chăm lo các mặt công tác đối nội, đối ngoại, bảo đảm quốc phòng và an ninh nhà nước ta. Tôi hứa thực hiện cao nhất Chương trình hành động đã đề ra khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII”[8].

Ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII phát biểu cảm ơn Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị về việc bổ nhiệm các chức vụ trong Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII. Thủ tướng cho rằng đây là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó. Trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng với thời cơ thuận lợi cũng như khó khăn thách thức đều lớn, đan xen nhau và diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, phát biểu khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, thách thức lớn nhất đối với Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước là phải vượt lên chính mình; xây dựng cho được một Chính phủ và hệ thống các cơ quan hành chính thực sự là của dân, do dân, vì dân; trong sạch, vững mạnh, có kỷ luật kỷ cương và hiệu lực hiệu quả cao, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thành công và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[9].

Về chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của mình là phải tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi và ra sức vượt qua khó khăn thách thức, phát huy mạnh mẽ những việc đã làm tốt và những kết quả đã đạt được, nghiêm túc khắc phục có hiệu quả những khuyết điểm, yếu kém, bất cập; tập trung cao nhất mọi nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của kế hoạch 5 năm 2006-2010 mà Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Khẩn trương chuẩn bị và bước vào thực hiện chiến lược phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, tiến cùng thời đại và sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Qua ý kiến phát biểu tâm huyết của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ khi nhận trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Quốc hội khóa XII đánh giá cao, tin tưởng và mong muốn các vị được Quốc hội tín nhiệm bầu hoặc phê chuẩn để đảm đương các trọng trách trong bộ máy nhà nước sẽ phát huy cao nhất năng lực, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm của mình trước Quốc hội, trước nhân dân, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tín nhiệm của đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước.

Sau 15 ngày làm việc (từ ngày 19-7 đến ngày 4-8-2007), với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân cả nước, ngày 4-8-2007, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự. Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) với những nội dung hết sức quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt nhiệm kỳ. Bởi vậy, thành công của kỳ họp có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; đồng thời, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch năm 2007.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: thành công của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII là sự khởi đầu tốt đẹp, tạo điều kiện và tiền đề thuận lợi cho một nhiệm kỳ hoạt động mới có nhiều hứa hẹn về sự năng động, chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm cao trước nhân dân. Phát huy những kết quả đạt được của kỳ họp, Chủ tịch đề nghị các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội ngay sau kỳ họp, quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề, như: nhanh chóng ổn định về tổ chức, sắp xếp cán bộ, kiện toàn bộ máy; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sửa đổi lề lối làm việc cho phù hợp với yêu cầu mới, bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra; các vị đại biểu Quốc hội cần ý thức đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của mình, gương mẫu chấp hành pháp luật, thực hiện tốt chương trình hành động đã báo cáo với cử tri, thường xuyên học tập, rèn luyện và liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến của cử tri và đôn đốc, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, báo cáo đầy đủ kết quả kỳ họp Quốc hội và động viên nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội.

 

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.126.

[2]. Báo Nhân Dân, số 18906, ngày 21-5-2007, tr.2.

[3]. Báo Nhân Dân, số 18906, ngày 21-5-2007, tr.2.

[4]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Kỷ yếu của Quốc hội khóa XII - Kỳ họp thứ nhất, từ ngày 19-7 đến ngày 4-8-2007, tập I, lưu Văn phòng Quốc hội, tr.49.

[5]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Kỷ yếu của Quốc hội khóa XII - Kỳ họp thứ nhất, từ ngày 19-7 đến ngày
4-8-2007
, tập I, Tlđd, tr.39.

[6]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Kỷ yếu của Quốc hội khóa XII - Kỳ họp thứ nhất, từ ngày 19-7 đến ngày
4-8-2007
, tập I, Tlđd, tr.56.

[7]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Kỷ yếu của Quốc hội khóa XII - Kỳ họp thứ nhất, từ ngày 19-7 đến ngày
4-8-2007
, tập I, Tlđd, tr.72-73.

[8]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Kỷ yếu của Quốc hội khóa XII - Kỳ họp thứ nhất, từ ngày 19-7 đến ngày
4-8-2007
, tập I, Tlđd, tr.69.

[9]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Kỷ yếu của Quốc hội khóa XII - Kỳ họp thứ nhất, từ ngày 19-7 đến ngày
4-8-2007
, tập I, Tlđd, tr.74.