Lịch sử Quốc hội Việt Nam Tập 4

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

            Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đã mở ra một bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, với việc thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 5 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách to lớn, nhất là những tác động tiêu cực do sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Yêu cầu cấp bách là phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ, có bước đi, lộ trình vững chắc tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

            Thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), trải qua 19 năm hoạt động (1992-2011) tương ứng với 4 khóa Quốc hội, từ khóa IX đến khóa XII, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được đổi mới mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Cơ cấu đại biểu Quốc hội có nhiều thay đổi quan trọng, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội được nâng cao và toàn diện hơn, đặc biệt là tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách được tăng cường cả ở trung ương và địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là chức năng chỉ đạo, điều hòa hoạt động của các cơ quan Quốc hội. Vai trò của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội được đề cao. Mối quan hệ giữa Quốc hội và các cơ quan hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Quốc hội thực hiện tốt hơn các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện rõ qua số lượng và chất lượng luật được ban hành ngày càng cao; hoạt động giám sát ngày càng thực chất, nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, với những phiên thảo luận sôi nổi, gay gắt; các vấn đề quốc kế, dân sinh quan trọng đều được Quốc hội tập trung bàn thảo nghiêm túc, thận trọng.

            Nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tiếp theo cuốn Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, xuất bản năm 1994, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1960-1976, xuất bản năm 2003, Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1976-1992, xuất bản năm 2012, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1992-2011.

            Nội dung cuốn sách phản ánh một cách tương đối toàn diện và có hệ thống các hoạt động chủ yếu của Quốc hội trong 19 năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI (1992-2011).

            Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với độc giả.

 

Tháng 8 năm 2015

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT