Lịch sử Quốc hội Việt Nam Tập 4

I- BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA X, QUỐC HỘI BẦU VÀ PHÊ CHUẨN NHÂN SỰ, TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CẤP CAO

Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về nhiều mặt. Đất nước thoát khỏi tình trạng khủng khoảng kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng tạo những thuận lợi mới cho sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được triệu tập, diễn ra từ ngày 28-6 đến 1-7-1996 tại Hà Nội. Đại hội kiểm điểm, đánh giá kết quả của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, tổng kết 10 năm đổi mới và khẳng định: “nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội”, tuy “một số mặt còn chưa vững chắc[1]. Đại hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; tổng kết những bài học kinh nghiệm phải tuân thủ trong quá trình đổi mới; đồng thời, quyết định đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Để hướng tới hoàn thành mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đại hội xác định phải phát huy sức mạnh của toàn dân để thực hiện mọi việc vì lợi ích của nhân dân, đồng thời yêu cầu “tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam”2.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tiến hành từ ngày 9 đến ngày 18-6-1997 đã thông qua Nghị quyết Phát huy quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Theo đó, cùng với việc xác định tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước; tiếp tục cải cách nền hành chính nhà nước; thực hiện cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng hoạt động và kiện toàn tổ chức Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với đại biểu Quốc hội, Nghị quyết nhấn mạnh: “Đại biểu Quốc hội phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”[2].

Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, với quyết tâm chính trị cao, sau khi Quốc hội khóa IX hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình và thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (15-4-1997), được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 19-4-1997, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, cùng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành và tuyên truyền sâu rộng Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

Để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X được tiến hành thực sự dân chủ, đúng pháp luật, ngày 19-4-1997, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X sẽ được tổ chức vào ngày Chủ nhật 20-7-1997 và thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương để phụ trách việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X trong cả nước.

Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội đã được tiến hành khẩn trương. Hội đồng bầu cử và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội cho các địa phương. Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương cũng đã được thành lập và triển khai công việc theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X phải thể hiện tinh thần đổi mới, phải bầu được một Quốc hội xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có năng lực làm tròn nhiệm vụ đã được Hiến pháp quy định, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ bằng nhà nước của nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.

Căn cứ các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; đồng thời căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội khóa X, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến cơ cấu thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội cho các địa phương trong cả nước. Trên cơ sở các lần dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành các lần hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được bầu làm đại biểu Quốc hội và lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa X.

Căn cứ vào danh sách chính thức do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ủy ban bầu cử gửi đến, Hội đồng bầu cử đã ra Nghị quyết về việc công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa X tại 175 đơn vị bầu cử trong cả nước. Các ban bầu cử đã niêm yết danh sách những người ứng cử thuộc đơn vị bầu cử của mình.

Trong quá trình chuẩn bị cho công tác bầu cử, việc lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được tiến hành khẩn trương, bảo đảm đúng quy trình, quy định, công khai và dân chủ. Đông đảo cử tri đã tham gia các cuộc họp và đóng góp nhiều ý kiến với những người được giới thiệu ứng cử. So với các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây, việc tiếp xúc cử tri của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa X có nhiều đổi mới. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời hướng dẫn; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động tổ chức các cuộc tiếp xúc một cách sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội được thực hiện thống nhất trong cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát đến hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử, các địa phương đã tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác bầu cử, nói rõ về quyền bầu cử, ứng cử của công dân, việc lập, niêm yết danh sách cử tri và quy trình vận động bầu cử... đồng thời, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền đến tận thôn, bản, tổ dân phố để nhân dân hiểu sâu sắc về ý nghĩa và nội dung cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X.

Đến ngày 19-7 mọi công việc chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X trong cả nước đã được hoàn tất chu đáo, 100% phòng bỏ phiếu được bố trí đầy đủ, bài trí nghiêm trang theo đúng quy định. Các tài liệu, biểu mẫu, phiếu bầu đã được chuyển đến tổ bầu cử. Càng gần đến ngày bầu cử, công tác thông tin, tuyên truyền càng rầm rộ và đi vào chiều sâu. Mặc dù có nhiều khó khăn do thời tiết xấu, song panô, khẩu hiệu, cổng chào... để tuyên truyền bầu cử vẫn được bảo đảm. Trong ngày bầu cử, nhiều địa phương có các hình thức tuyên truyền bầu cử phong phú như tổ chức rước hòm phiếu, rước danh sách cử tri và tổ chức các hình thức cổ động rước xe hoa, múa lân, biểu diễn văn nghệ ngoài trời... để phục vụ bầu cử. Việc triển khai tích cực các hoạt động tuyên truyền đã trực tiếp góp phần nâng cao ý thức làm chủ và ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, tạo nên không khí phấn khởi của ngày hội lớn.

Trong quá trình triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử và Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các đoàn công tác về hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giám sát, theo dõi công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội. Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, thành phố, quận (huyện) đều trực tiếp xuống cơ sở; các tổ phụ trách bầu cử đều trực 24/24 giờ, nhất là vào các ngày 19 và 20-7-1997[3]. Việc bảo vệ hòm phiếu, nơi niêm yết danh sách cử tri, danh sách và tiểu sử tóm tắt ứng cử viên cũng như nơi bầu cử được bảo đảm tốt, không xảy ra các vụ khiếu kiện, cháy nổ, gây mất trật tự trị an trong ngày bầu cử. Tuy có một số vụ vi phạm nhỏ liên quan đến bầu cử ở một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Nam Định, nhưng các địa phương đã sớm phát hiện và xử lý tích cực, kịp thời nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước và sau ngày bầu cử vẫn được an toàn.

Qua các đợt công tác, các đoàn đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết hoặc có ý kiến kịp thời giải quyết một số vấn đề cụ thể của địa phương. Hội đồng bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nghiên cứu, xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân với tinh thần tôn trọng quyền dân chủ của công dân và bảo đảm các quy định của pháp luật. Tại phiên họp ngày 16-7-1997, Hội đồng bầu cử đã nghe tình hình giải quyết các khiếu nại, tố cáo các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa X. Hội đồng bầu cử cũng đã nghe kết quả làm việc giữa đồng chí Phan Minh Tánh, Ủy viên Hội đồng bầu cử với Ủy ban Kiểm tra Trung ương về trách nhiệm giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu, cũng như trách nhiệm của Ủy ban bầu cử các địa phương đối với các ứng cử viên do địa phương giới thiệu[4].

Sau khi nhận được đơn thư, Hội đồng bầu cử đã phân loại và chuyển 39 đơn thư cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý; chuyển 8 đơn thư cho thủ trưởng cơ quan chủ quản; chuyển 37 đơn thư cho Ủy ban bầu cử của các địa phương. Đến ngày 20-7-1997, Hội đồng bầu cử đã nhận được 44 công văn trả lời về trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với 50 ứng cử viên và nghe các cơ quan chức năng báo cáo về việc chưa có đủ cơ sở để bác tư cách ứng cử viên. Điều đó được thể hiện qua kết quả bầu cử ngày 20-7-1997, đó là: tổng số ứng cử viên có đơn thư tố cáo là 91, trong đó có 74 người trúng cử với số phiếu bầu đạt mức cao.

Ngày bầu cử, nhân dân nô nức đi bỏ phiếu từ sáng sớm, nhiều đơn vị bầu cử số cử tri đi bầu đạt 100%. Tại nhiều địa điểm bầu cử, các đồng chí lão thành cách mạng, các cụ cao tuổi, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương và ở các địa phương, các nam nữ thanh niên lần đầu tiên được đi bầu cử đã đến dự khai mạc và bỏ phiếu. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhân dân ở các địa phương, cơ sở đã góp phần tích cực vào việc chuẩn bị cuộc bầu cử; đồng bào và chiến sĩ trong cả nước cũng đã hăng hái tham gia việc chuẩn bị bầu cử.

Cử tri dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, ngày 20-7-1997

Cử tri dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, ngày 20-7-1997

1. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, ngày 20-7-1997

Thực hiện kế hoạch bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày Chủ nhật 20-7-1997 trong không khí sôi nổi của ngày hội lớn, nhân dân khắp mọi miền đất nước đã tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc bầu cử. Các cán bộ phụ trách công tác bầu cử từ Trung ương đến cơ sở đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, góp phần quan trọng bảo đảm kết quả và an toàn cho cuộc bầu cử. Theo danh sách cử tri do ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu, cả nước có 43.672.683 cử tri tham gia bỏ phiếu. Tổng số cử tri đã đi bầu là 43.493.661 người, chiếm tỷ lệ 99,59%[5].

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X được tiến hành tại 75.143 tổ bầu cử. Nơi đạt tỷ lệ cao nhất là tỉnh Tiền Giang, đạt 99,97% và nơi đạt tỷ lệ thấp nhất là tỉnh Thái Nguyên, đạt 98,77%. Đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử khá cao, cụ thể: tại Hà Nội đạt 99,83%, Thành phố Hồ Chí Minh trung bình đạt 99,79%. Địa phương nào cũng có một số xã, phường, có nơi cả huyện đạt tỷ lệ cử tri đi bầu là 100%, điều đó thể hiện ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác bầu cử và giúp cho công tác chỉ đạo bầu cử ở các địa phương được tiến hành thuận lợi. Tổng số phiếu không hợp lệ trong cả nước là 307.868 phiếu, chiếm 0,71% so với số phiếu bầu. Nơi có số phiếu không hợp lệ cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 2,66%, nơi thấp nhất là hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum, chiếm 0,11%, thành phố Hà Nội chiếm 1,24%, Thái Bình chiếm 1,12%.

Nhìn chung, đồng bào, chiến sĩ và cán bộ phụ trách bầu cử đã tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm kết quả và an toàn cho cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X đã diễn ra tốt đẹp trong không khí ngày hội lớn của nhân dân cả nước. Việc kiểm phiếu đã được tiến hành ngay tại phòng bỏ phiếu sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu và bảo đảm đúng quy trình, quy định của luật.

Ngày 27-7-1997, Hội đồng bầu cử đã ban hành Nghị quyết số 306 NQ/HĐBC về việc công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa X trong cả nước. Theo đó, tổng số đơn vị bầu cử trong cả nước là 175 đơn vị. Tổng số đại biểu Quốc hội được bầu là 450 đại biểu. Tổng số người ứng cử là 663 người. Tổng số đại biểu trúng cử là 450 đại biểu.

Sau khi nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả của các ban bầu cử và giải quyết những khiếu nại liên quan đến danh sách ứng cử viên và danh sách cử tri, Ủy ban bầu cử đã lập biên bản xác định kết quả bầu cử. Cụ thể:

- Ở tất cả các tỉnh đều đã bầu đủ số đại biểu được bầu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cho đơn vị bầu cử. Như vậy, tổng số đại biểu Quốc hội được bầu đủ 450 đại biểu, không có đơn vị nào phải bầu lại và bầu thêm. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo chủ chốt của địa phương ứng cử đều trúng cử với tỷ lệ phiếu cao. Các đại biểu trúng cử cơ bản đều bảo đảm tiêu chuẩn và cơ cấu dự kiến. Đại biểu trúng cử cao tuổi nhất là Linh mục Vương Đình Ái (86 tuổi) ứng cử tại nghệ An; đại biểu trúng cử trẻ tuổi nhất là Trần Hoa Ry (21 tuổi) dân tộc Kh’me ứng cử tại Bạc Liêu. Tổng hợp kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X như sau:

- Đại biểu trúng cử có tỷ lệ phiếu cao nhất là ông Cao Lương Bằng, thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình (99,14%).

- Đại biểu trúng cử có tỷ lệ phiếu thấp nhất là là ông Đỗ Thành Liêm, ứng cử tại tỉnh Khánh Hòa (50,17%).

- Ở một số nơi tỷ lệ phiếu bầu giữa người trúng cử có số phiếu thấp nhất và người không trúng cử chênh lệch không lớn, như ở Long An chỉ chênh lệch có 0,57%.

- Có trường hợp không trúng cử nhưng tỷ lệ phiếu bầu vẫn đạt cao (69,93%), nhưng cũng có trường hợp người không trúng cử có số phiếu rất thấp chỉ đạt 5% hoặc 8% như ở Hà Tĩnh.

- Trong số 141 người ở Trung ương được giới thiệu về ứng cử tại địa phương có 134 người trúng cử.

- Trong số 112 đại biểu Quốc hội khóa IX được giới thiệu tái ứng cử có 108 đại biểu trúng cử.

- Trong số 11 người tự ứng cử trong cả nước có 3 người trúng cử ở các địa phương[6].

Tổng hợp cơ cấu thành phần của 450 đại biểu trúng cử nhiệm kỳ Quốc hội khóa X như sau: đại biểu Quốc hội khóa IX tái đắc cử 108 người (27,34%), đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương là 134 người (29,78%), đại biểu làm việc và cư trú ở địa phương là 316 người (70,22%), đại biểu là công nhân, nông dân, trí thức hoạt động trực tiếp tại các cơ sở là 36 người (8,00%), đại biểu là cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân sĩ, tôn giáo là 91 người (20,22%), đại biểu là người dân tộc thiểu số là 78 người (17,33%), đại biểu là phụ nữ 118 người (26,22%), đại biểu trẻ tuổi là 84 người (18,67%), đại biểu hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, pháp luật, văn hóa, giáo dục, y tế... là 105 người (23,33%), đại biểu có trình độ đại học và trên đại học là 411 người (91,33%)[7].

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X đã thành công tốt đẹp, đánh dấu một bước trưởng thành trong quá trình sinh hoạt dân chủ của toàn xã hội. Gần 100% cử tri cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình tham gia xây dựng Nhà nước, lựa chọn những người xứng đáng để bầu đủ số đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân.

Tuy nhiên, do thời gian triển khai cuộc bầu cử có hạn, nên việc hướng dẫn lựa chọn cơ cấu, thành phần đại biểu ở một vài nơi còn mang tính gò ép; việc phân bổ người ứng cử ở một số ít đơn vị bầu cử chưa thật hợp lý, gây ấn tượng áp đặt, thiếu dân chủ; việc công dân tự ứng cử là việc làm mới, nhưng làm chưa chu đáo từ trên xuống nên kết quả chưa được như mong muốn. Hội đồng bầu cử đã họp và rút kinh nghiệm về công tác bầu cử; đồng thời nhiệt liệt biểu dương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức phụ trách công tác bầu cử và nhân dân cả nước đã nỗ lực cố gắng, góp phần vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X. “Với thành phần, cơ cấu đại biểu được bầu, Quốc hội khóa X đã phản ánh khối đại đoàn kết toàn dân, tiêu biểu cho ý chí và trí tuệ của nhân dân cả nước”[8].

Như vậy, do yêu cầu, nhiệm vụ mới, Quốc hội khóa X tăng 55 vị đại biểu so với khóa IX, đưa tổng số đại biểu lên 450 người. Việc tăng thêm số lượng đại biểu Quốc hội đã tạo điều kiện bảo đảm tốt hơn mối quan hệ giữa cơ cấu đại biểu và tiêu chuẩn đại biểu. Quốc hội khóa X đã thể hiện hợp lý hơn về cơ cấu giữa đại biểu các ngành, các giới, dân tộc, độ tuổi; giữa đại biểu công tác ở Trung ương và đại biểu hoạt động tại địa phương. Yêu cầu về tiêu chuẩn đại biểu được nâng cao và toàn diện hơn, số đại biểu có năng lực, trình độ nhiều hơn, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu, góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Từ đây, Quốc hội khóa X có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X thể hiện tinh thần yêu nước và cách mạng, sự gắn bó và niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, thể hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, để Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

2. Quốc hội khóa X bầu và phê chuẩn các cơ quan và các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước

Ngày 20-9-1997, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội khóa IX Nông Đức Mạnh: “đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn và quyết định, bảo đảm kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X thành công tốt đẹp”[9]. Thay mặt Hội đồng bầu cử toàn quốc, Chủ tịch Nông Đức Mạnh đã báo cáo trước Quốc hội kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Báo cáo nêu rõ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X đã đạt được thắng lợi to lớn và thành công tốt đẹp; bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. Điều đó chứng tỏ, cử tri trong cả nước đã ý thức sâu sắc về quyền và nghĩa vụ của mình đối với cuộc bầu cử và đã tích cực tham gia cuộc bầu cử.

Tiếp đó, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã phát biểu, đánh giá cao thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X; đồng thời nêu rõ kết quả bầu cử thể hiện sự gắn bó và niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, Mặt trận và đối với chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đề cập đến nhiệm vụ của Quốc hội trong tình hình mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Quốc hội khóa X hoạt động trong một thời đoạn lịch sử đặc biệt. Đó là những năm kết thúc thế kỷ XX và mở đầu thế kỷ XXI. Đó là thời gian mở đầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Vì vậy, nhiệm vụ của Quốc hội khóa X rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề”[10].

Để Quốc hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Tổng Bí thư yêu cầu Quốc hội cần kiện toàn tổ chức, đồng thời có chương trình và kế hoạch đổi mới hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội, nhất là các hoạt động khảo sát thực tiễn, tiếp xúc với cử tri, thu thập, phân tích thông tin để có cơ sở quyết định chính xác. Trong nhiệm kỳ này, cần phát huy và đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội, để mỗi đại biểu phấn đấu thực hiện xứng đáng sứ mệnh cao cả là người đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn xã hội chủ yếu thông qua Nhà nước, bao gồm hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng được biểu hiện trước hết ở hiệu quả hoạt động của Nhà nước, của Quốc hội và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, Đảng luôn luôn chăm lo xây dựng Nhà nước và Quốc hội thật sự của dân, do dân và vì dân, hoạt động có hiệu lực theo trách nhiệm và quyền hạn do Hiến pháp quy định”[11].

Ngày 22-9-1997, căn cứ vào quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992, Luật tổ chức Quốc hộiLuật bầu cử đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khóa X Nguyễn Văn An đã báo cáo kết quả thẩm tra và đề nghị Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của 450 vị đại biểu đã trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 20-7-1997. Trên cơ sở đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 01 NQ/1997/QH10 của kỳ họp thứ nhất, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của 450 vị đã được Hội đồng bầu cử công bố trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 20-7-1997 theo biên bản tổng kết cuộc bầu cử ngày 27-7-1997 của Hội đồng bầu cử.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X, tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, ngày 20-9-1997

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X,
tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, ngày 20-9-1997

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cùng các đại biểu Quốc hội khóa X bỏ phiếu bầu các cơ quan lãnh đạo cấp cao Nhà nước, ngày 20-9-1997

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cùng các đại biểu Quốc hội khóa X bỏ phiếu bầu các cơ quan lãnh đạo cấp cao Nhà nước, ngày 20-9-1997

Ngày 23-9-1997, Chủ tịch Quốc hội khóa IX Nông Đức Mạnh đã đọc Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo nội dung tờ trình, để tổ chức thực hiện tốt hơn các mặt công tác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định: số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X là 14 vị; số Phó Chủ tịch Quốc hội là 5 vị, trong đó có Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách kinh tế và ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách văn hóa, giáo dục, xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách khoa học, công nghệ và môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách quốc phòng và an ninh.

Căn cứ vào Điều 90 của Hiến pháp 1992, Điều 70 của Luật tổ chức Quốc hội; căn cứ quyết định của Quốc hội về số Phó Chủ tịch Quốc hội và số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 24-9-1997 Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu, kết quả:

Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch

Các Phó Chủ tịch

Nông Đức Mạnh

Nguyễn Văn Yểu

Mai Thúc Lân

Nguyễn Phúc Thanh

Vũ Đình Cự

Trương Mỹ Hoa

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

 

 

Cư Hòa Vần

Lý Tài Luận

Đỗ Văn Tài

Vũ Đức Khiển

Vũ Mão

Nguyễn Thị Thân

Trần Thị Tâm Đan

Nguyễn Thị Hoài Thu

 

Cùng ngày, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã đọc Tờ trình về việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Kết quả, đồng chí Trần Đức Lương đã trúng cử chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau khi nhậm chức và cám ơn Quốc hội, theo thẩm quyền, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trình để Quốc hội bầu các chức vụ Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Kết quả:

Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước

Chủ tịch

Phó Chủ tịch

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Trần Đức Lương

Nguyễn Thị Bình

 

Trịnh Hồng Dương

 

Hà Mạnh Trí

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, nhất là trong việc tổ chức thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, các dự án và báo cáo khác; tổ chức các hoạt động giám sát... căn cứ vào thực tế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội khóa IX, ngày 25-9-1997, Chủ tịch Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét, quyết định số lượng và thành phần của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban và Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội khóa X. Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu, kết quả:

1. Hội đồng Dân tộc do ông Cư Hòa Vần làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch gồm các ông, bà Mã Điền Cư, Sơn Song Sơn, Tòng Thị Phóng, Yluyện Niêk Đăm và 32 thành viên.

2. Ủy ban Pháp luật do ông Vũ Đức Khiển làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà Trần Thế Vượng, Trần Trọng Hựu, Ngô Bá Thành và 27 thành viên.

3. Ủy ban Kinh tế và Ngân sách do ông Lý Tài Luận làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông Ngô Đình Giao, Tào Hữu Phùng và 34 thành viên.

4. Ủy ban Quốc phòng và An ninh do ông Nguyễn Phúc Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông Lê Quang Bình, Nguyễn Văn Khá, Nguyễn Văn Trí và 25 thành viên.

5. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng do bà Trần Thị Tâm Đan làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà Lương Ngọc Toản, Đặng Thị Thanh Hương, Vũ Trọng Kim và 26 thành viên.

6. Ủy ban về Các vấn đề xã hội do bà Nguyễn Thị Thân làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông Bùi Ngọc Thanh, Lê Quốc Khánh, Trương Minh Thắng, Tôn Thất Bách và 29 thành viên.

7. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do ông Vũ Đình Cự, Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà Vũ Minh Mão, Trần Hà Anh, Phạm Thị Trân Châu và 22 thành viên.

8. Ủy ban Đối ngoại do ông Đỗ Văn Tài làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà Ngô Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Thị Kim Thoa, Phan Quang và 11 thành viên.

9. Đoàn Thư ký kỳ họp do ông Vũ Mão làm Trưởng đoàn và 7 thành viên.

Ngày 26-9-1997, theo quy định tại Điều 114 Hiến pháp 1992 và Điều 2 Luật tổ chức Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức và các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa X. Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu, kết quả:

Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng

Các Phó Thủ tướng

Phan Văn Khải

Nguyễn Tấn Dũng

Nguyễn Mạnh Cầm

Nguyễn Công Tạn

Ngô Xuân Lộc

Phạm Gia Khiêm

Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Bộ trưởng Bộ Tư Pháp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Thương mại

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp

Bộ trưởng Bộ Thủy sản

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Bộ Y tế

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi

Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

Tổng Thanh tra Nhà nước

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục - Thể thao

Bộ trưởng phụ trách công tác dân số kế hoạch hóa gia đình

Bộ trưởng phụ trách công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em

Phạm Văn Trà

Lê Minh Hương

Nguyễn Mạnh Cầm

Nguyễn Đình Lộc

 

Trần Xuân Giá

Nguyễn Sinh Hùng

Trương Đình Tuyển

 

Lê Huy Ngọ

 

Lê Ngọc Hoàn

Nguyễn Mạnh Kiểm

Đặng Vũ Chư

Tạ Quang Ngọc

 

Trần Đình Hoan

 

Chu Tuấn Nhạ

 

Nguyễn Khoa Điềm

 

Nguyễn Minh Hiển

Đỗ Nguyên Phương

 

Hoàng Đức Nghi

 

Đỗ Quang Trung

Tạ Hữu Thanh

 

Lại Văn Cử

 

Hà Quang Dự

 

Trần Thị Trung Chiến

 

Trần Thị Thanh Thanh

 

Ngày 29-9-1997, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, như sau:

Hội đồng Quốc phòng và An ninh

Chủ tịch

Phó Chủ tịch

Các ủy viên

Trần Đức Lương

Phan Văn Khải

Nông Đức Mạnh

Nguyễn Mạnh Cầm

Phạm Văn Trà

Lê Minh Hương

Những đồng chí được Quốc hội bầu vào các cơ quan và chức danh lãnh đạo cấp cao của bộ máy nhà nước đều là những người có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và trí tuệ, đảm nhận trọng trách điều hành đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Sau khi được bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội khóa X, thay mặt các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nông Đức Mạnh phát biểu ý kiến cám ơn Quốc hội đã tỏ lòng tin tưởng và hứa trước Quốc hội “Với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X xin nguyện cùng với các vị đại biểu Quốc hội trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiên trì phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng và đẩy mạnh hoạt động lập pháp, tăng cường công tác giám sát và nâng cao hiệu quả việc quyết định những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh”[12].

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Để thực hiện mục tiêu đó, chúng tôi quyết tâm trau dồi phẩm chất đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, không ngừng học tập, rèn luyện để có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu; thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực của mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”2.

Nhận thức rõ nhiệm vụ nặng nề mà Quốc hội và nhân dân giao phó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương hứa với Quốc hội “nguyện phấn đấu hết sức mình hoàn thành nhiệm vụ của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa X”3.

Xúc động khi nhận chức vụ mới, với nhận thức sâu sắc rằng, đây là vinh dự lớn gắn liền với trách nhiệm nặng nề mà Đảng và nhân dân trao cho, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thể hiện quyết tâm “nguyện cùng với các cơ quan nhà nước trong nhiệm kỳ mới tận lực phát huy quyền làm chủ của nhân dân dưới mọi hình thức, trong mọi lĩnh vực, động viên đến mức cao nhất sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, coi đó là nguồn động lực chính đang còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển đất nước...”[13].

Thay mặt các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trình bày trước Quốc hội định hướng chương trình hành động của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu: nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước; đổi mới và lành mạnh hóa hệ thống tài chính tiền tệ; kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, có năng lực và hiệu lực.

 

Chủ tịch nước

Trần Đức Lương

 

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh

Chủ tịch Quốc hội

Nông Đức Mạnh

 

Thủ tướng Chính phủ  Phan Văn Khải

Thủ tướng Chính phủ

Phan Văn Khải

Sau khi hoàn thành trọng trách bầu các cơ quan và các chức danh lãnh đạo cấp cao của bộ máy nhà nước, ngày 29-9-1997, Quốc hội đã long trọng tuyên dương công lao của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Nông Đức Mạnh đã phát biểu và ghi nhận: “đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Lê Đức Anh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước vững mạnh, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước. Cuộc đời hoạt động của các đồng chí gắn liền với những lịch sử hào hùng của nhân dân ta, đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Các đồng chí đã tham gia nhiều khóa Quốc hội, giữ nhiều cương vị lãnh đạo cấp cao và đã có những cống hiến quan trọng trong việc lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, xây dựng và không ngừng hoàn thiện nhà nước của dân, do dân và vì dân. Các đồng chí được nhân dân tin yêu và bạn bè trên thế giới quý trọng... Quốc hội chúng ta tin tưởng rằng: Đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Lê Đức Anh, đồng chí Võ Văn Kiệt và các vị đại biểu Quốc hội khóa IX tuy không ứng cử đại biểu Quốc hội khóa X, nhưng trên cương vị công tác của mình, sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và mãi mãi xứng đáng với danh hiệu “Người đại biểu nhân dân””[14].

Cảm ơn Quốc hội đã biểu dương và tuyên dương công lao đóng góp, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã thay mặt các đồng chí được tuyên dương phát biểu: “Tại diễn đàn long trọng này, chúng tôi xúc động và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đã tín nhiệm và giúp đỡ chúng tôi thực hiện nhiệm vụ trong những năm qua... Sự tuyên dương và biểu dương là nguồn cổ vũ lớn lao cho mỗi chúng tôi để tiếp tục đem trí tuệ và sức lực của mình cống hiến tốt hơn nữa cho đất nước và nhân dân”[15].

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X đã kết thúc tốt đẹp. Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã phát huy dân chủ, lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực bầu vào các chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước với sự nhất trí cao. Trong diễn văn bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh khẳng định: “Kết quả này là sự tiếp tục tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; là một bước chuyển tiếp quan trọng giữa các thế hệ cán bộ của nước ta, thể hiện tính liên tục, kế thừa tiếp tục đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2. Đây là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình đổi mới về tổ chức và cán bộ của bộ máy nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về nhà nước và cán bộ; tạo nền tảng vững chắc và động lực mới để bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Với niềm tin và không khí phấn khởi, sau kỳ họp thứ nhất, các cơ quan cấp cao trong bộ máy nhà nước đã tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội thông qua; các đại biểu Quốc hội tích cực trong việc thực hiện trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, cần kiệm xây dựng đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 1997, tạo tiền đề cho Quốc hội khóa X hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Tòng Thị Phóng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nói chuyện với các nữ đại biểu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X, tháng 9-1997

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Tòng Thị Phóng,
đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nói chuyện với các nữ đại biểu
tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X, tháng 9-1997

 

[1], 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.67, 129.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.49.

[3]. Tại một số địa phương, nhất là tỉnh Thái Bình trước ngày bầu cử đã xảy ra một số hiện tượng không bình thường do mâu thuẫn nội bộ quần chúng nhân dân, nhưng với tinh thần quyết tâm làm ổn định tình hình, nên mọi mâu thuẫn đã được dẹp bỏ để tập trung cho cho bầu cử.

[4]. Trước ngày bầu cử 10 ngày, Hội đồng bầu cử đã nhận được 25 đơn tố cáo 25 ứng cử viên. Nhưng, tính đến ngày 20-7-1997, Hội đồng bầu cử đã nhận được 91 đơn thư tố cáo 91 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, trong đó ứng cử viên do trung ương giới thiệu là 32 người, do địa phương giới thiệu là 59 người.

[5]. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX ngày 19-7-1992 là 99,12%.

[6]. Thành phố Hà Nội là ông Phương Hữu Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần môi trường sạch đẹp đã trúng cử đạt tỷ lệ 76,24%; Thành phố Hồ Chí Minh là ông Trần Thành Trai, Chủ nhiệm Khoa ngoại - nhi, Bệnh viện Nhi đồng I đạt tỷ lệ 83,90%; tỉnh Lai Châu là bà Mùa Thị Mỷ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tủa Chùa đạt tỷ lệ 82,92%.

[7]. Đại biểu có trình độ trên đại học là 90 người, chiếm 20%. Đại biểu có trình độ học vấn thấp nhất là bà Lý Thị Phương, dân tộc Pà Thẻn, ngoài Đảng là đại biểu tỉnh Hà Giang và ông Lý Văn Ba, dân tộc Xá Phó, đại biểu tỉnh Lào Cai.

[8]. Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X của Chủ tịch Quốc hội khóa IX Nông Đức Mạnh, ngày 20-9-1997, Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 9 (1997-2002), quyển 1 (1997-1998), Sđd, tr.6.

[9]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 9 (1997-2002), quyển 1 (1997-1998), Sđd, tr.8.

[10]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 9 (1997-2002), quyển 1 (1997-1998), Sđd, tr.18.

[11]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 9 (1997-2002), quyển 1 (1997-1998), Sđd, tr.29.

[12], 2, 3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 9 (1997-2002), quyển 1 (1997-1998), Sđd, tr.61, 61-62, 64.

[13]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 9 (1997-2002), quyển 1 (1997-1998), Sđd, tr.72-73.

[14]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 9 (1997-2002), quyển 1 (1997-1998), Sđd, tr.141.

[15], 2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 9 (1997-2002), quyển 1 (1997-1998), Sđd, tr.144, 147.