Lịch sử Quốc hội Việt Nam Tập 4

II. QUỐC HỘI KHÓA X TIẾP TỤC ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

1. Bối cảnh hoạt động của Quốc hội khóa X

Quốc hội khóa X hoạt động trong giai đoạn lịch sử đặc biệt. Đó là những năm chuyển giao giữa hai thế kỷ (kết thúc thế kỷ XX và mở đầu thế kỷ XXI), đất nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Trên thế giới, nguy cơ chiến tranh hủy diệt bị đẩy lùi, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, vấn đề nhân quyền, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Cộng đồng thế giới đứng trước nhiều vấn đề có tính toàn cầu như ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng nổ dân số, dịch bệnh, đặc biệt là những bệnh hiểm nghèo. Thực trạng đó không thể có một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được, mà cần có sự hợp tác đa phương mới có thể giải quyết hiệu quả.

Bên cạnh đó, toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu khách quan đang diễn ra với tốc độ và quy mô lớn chưa từng có, lôi cuốn các nước và bao trùm hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh và tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Cuộc tranh giành vai trò ảnh hưởng của các nước lớn mà đặc trưng là xu thế đa cực hóa nền chính trị thế giới ngày càng rõ nét. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để tiến hành các hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nhiều quốc gia có chủ quyền bằng quân sự, ngoại giao, kinh tế và văn hóa nhằm xây dựng thế giới một cực; một số nước lớn đã tìm cách giảm bớt và hạn chế chính sách ngoại giao cường quyền nhằm tạo ra thế cân bằng đa cực trong các quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, từ sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, tình hình thế giới đã có nhiều diễn biến phức tạp. Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IX), nhấn mạnh: “Sau sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ; các hoạt động “khủng bố” và chống “khủng bố” trở thành vấn đề thời sự, nóng bỏng toàn cầu; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi”[1]. Điều đó được khẳng định bằng sự kiện ngày 20-3-2003 liên quân Mỹ - Anh mở cuộc tấn công vào Irắc, bất chấp phản ứng của Pháp, Đức, Nga để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong đời sống chính trị quốc tế đương đại.

Đối với khu vực Đông Nam Á, mặc dù vấn đề Campuchia đã được giải quyết, nhưng vẫn tiềm ẩn sự bất ổn khó lường. Trên thực tế, hòa bình và phát triển giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa thực sự bền vững. Giữa các quốc gia còn tồn tại nhiều mâu thuẫn về biên giới, lãnh thổ, sắc tộc và tôn giáo. Các mâu thuẫn này hết sức phức tạp và gia tăng vì vị trí địa kinh tế cũng như địa chính trị mang tính chiến lược của khu vực. Bên cạnh đó, các cường quốc không ngừng can thiệp, tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp tới mối quan hệ láng giềng giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Ngoài những nguy cơ kể trên, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã làm chao đảo nền kinh tế các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các quốc gia cùng với quá trình hợp tác của ASEAN với các nước lớn và các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, EU và Mỹ đã góp phần giúp Đông Nam Á đẩy nhanh sự liên kết kinh tế, chính trị nhằm tạo ra một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Bối cảnh quốc tế nói trên có tác động và ảnh hưởng lớn đến công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ở trong nước, sau hơn 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt. Kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân hằng năm 7%. Nông nghiệp phát triển liên tục, đặc biệt là sản xuất lương thực. Sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm tăng 13,5%. Các ngành dịch vụ, xuất khẩu và nhập khẩu đều phát triển. Văn hóa, xã hội có những tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô và cơ sở vật chất. Tình hình chính trị, xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, hệ thống chính trị được củng cố thêm một bước.

Trong quan hệ đối ngoại, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, tích cực, năng động, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước, có quan hệ buôn bán với trên 100 nước. Đây chính là một nhân tố quan trọng góp phần giữ vững hòa bình, phá thế bao vây cấm vận, cải thiện và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải đối đầu với nhiều thách thức như nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đồng thời, còn những yếu kém, khuyết điểm cần khẩn trương khắc phục như: nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; một số vấn đề văn hóa, xã hội bức xúc gay gắt chậm được giải quyết; tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên xảy ra nghiêm trọng, cải cách hành chính chậm, thiếu kiên quyết, hiệu quả thấp. Sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ đã đặt ra cho Việt Nam những bài toán mới, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, ngăn chặn nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố xuất phát từ những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, từ phát triển không đồng đều trong quá trình đổi mới, từ những chính sách xã hội không được thực hiện một cách kịp thời hoặc từ việc vi phạm quyền làm chủ của người dân trong quản lý và điều hành các công việc chung.

Tình hình thế giới và thực tiễn công cuộc đổi mới nêu trên đặt ra cho Quốc hội khóa X những nhiệm vụ và bước đi mới. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa và phát huy những thành tựu, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi Quốc hội khóa X phải thực hiện, đó là: tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động lập pháp, phấn đấu thực hiện đầy đủ, tốt hơn quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, góp phần tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

2. Tập trung công sức, trí tuệ, xây dựng luật, pháp lệnh phù hợp với yêu cầu của tình hình mới

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng họp vào thời điểm lịch sử có ý nghĩa cực kỳ quan trọng (6-1996). Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, tổng kết 10 năm đổi mới, đề ra những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà nhiệm vụ trung tâm là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả, cùng với việc quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, Đại hội quán triệt phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội cần “Ban hành các đạo luật cần thiết để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về các quyền công dân và các luật điều chỉnh công cuộc cải cách bộ máy nhà nước, các luật điều chỉnh các hoạt động văn hóa, thông tin. Coi trọng tổng kết thực tiễn Việt Nam, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ban hành các văn bản luật với những quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. Giảm dần các luật, pháp lệnh chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung, muốn thực hiện được phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành”[2].

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tiến hành từ ngày 9 đến ngày 18-6-1997 đã thông qua Nghị quyết về Phát huy quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng luật, bảo đảm luật được ban hành có tính khả thi, phù hợp với thực tế cuộc sống. Nội dung Nghị quyết nêu rõ: “Chỉ đạo chặt chẽ quá trình chuẩn bị và thông qua các luật, đảm bảo quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn Việt Nam, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài, tránh sao chép, rập khuôn. Cần tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, lấy ý kiến nhân dân, nhất là các đối tượng có liên quan đến việc thi hành luật. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định của các ủy ban của Quốc hội để các kỳ họp Quốc hội có thể xem xét và thông qua các dự án luật được nhanh chóng và có chất lượng cao”[3].

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) được tiến hành từ ngày 9 đến ngày 16-8-1999 đã thông qua Nghị quyết Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước. Về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, Nghị quyết chỉ rõ: Cần cải tiến cách làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội; đồng thời, phải tổ chức việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về tổ chức, bộ máy các cơ quan nhà nước liên quan đến Hiến pháp 1992 và các luật tổ chức các cơ quan nhà nước; sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức Chính phủ và tổ chức chính quyền địa phương; xây dựng luật về hoạt động giám sát của Quốc hội; nghiên cứu ban hành luật về tổ chức các hội; đổi mới quy trình chuẩn bị và thông qua các dự án luật tại kỳ họp Quốc hội, coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật...

Tháng 4-2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội chỉ rõ phải làm cho Quốc hội thật sự là cơ quan quyền lực tối cao, bảo đảm thực hiện tốt các chức năng hiến định, nhất là chức năng lập pháp, từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh cần “kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là tăng cường công tác lập pháp, xây dựng chương trình dài hạn về lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới quy trình ban hành và hướng dẫn thi hành luật..”[4].

Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, nhận thức rõ lập pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, làm tốt nhiệm vụ này sẽ tạo tiền đề và cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng khác. Do đó, Quốc hội khóa X đã tập trung công sức, trí tuệ và thời gian để thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn sự nghiệp đổi mới đất nước.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được xác định, việc chuẩn bị và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X được tiến hành khẩn trương, có trọng tâm, trọng điểm, được cải tiến một bước về cách thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động lập pháp của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên phụ trách các dự án, với các cơ quan, tổ chức hữu quan; theo dõi, chỉ đạo quá trình chuẩn bị, cho ý kiến kịp thời đối với những vấn đề phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác để làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh văn bản. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian để chỉ đạo, phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, đánh giá tính chất phức tạp, mức độ cần thiết của các đối tượng điều chỉnh và chất lượng chuẩn bị của các dự án làm căn cứ để đưa ra phương án lựa chọn thứ tự ưu tiên trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội quyết định.

Cùng với sự đổi mới trong hoạt động lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội khóa X đã cải tiến một bước lề lối làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ thẩm tra và tham gia ý kiến về các dự án, tạo cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết được nhanh chóng và bảo đảm chất lượng.

Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng lập pháp, Quốc hội khóa X sớm xác định kế hoạch lập pháp dài hạn, trên cơ sở đó thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ và hằng năm, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức hữu quan có điều kiện về thời gian để chủ động chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh được phân công.

Có thể khẳng định, việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ và hằng năm là một đặc điểm nổi bật trong hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa X.

Căn cứ vào Điều 84 Hiến pháp 1992, Điều 62 và Điều 63 của Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 22 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sau khi xem xét Tờ trình số 128/UBTVQH10 ngày 22-10-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa X và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ngày 22-12-1998, Quốc hội khóa X thông qua Nghị quyết số 19/1998/QH10 Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa X và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 1999. Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa X gồm 127 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 52 dự án luật, 52 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức, 23 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị, bao gồm những lĩnh vực bức thiết mà cuộc sống đòi hỏi, bảo đảm tinh thần sắp xếp thứ tự ưu tiên, hợp lý trong từng lĩnh vực, trên cơ sở định hướng phát triển đất nước, yêu cầu của thực tiễn, điều kiện, khả năng thực hiện và bảo đảm tính liên tục, kế thừa công tác lập pháp của Quốc hội khóa IX.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ 1997-2002 được thông qua bằng một nghị quyết của kỳ họp Quốc hội là dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa X. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội xây dựng được chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa, tạo cơ sở đưa hoạt động lập pháp ngày càng hiệu quả, đáp ứng được thực tiễn công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự mong mỏi của cử tri cả nước.

Trên cơ sở chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa (1997-2002); đồng thời căn cứ vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng thời kỳ, đề xuất của Chính phủ và các bộ, ngành, Quốc hội khóa X đã quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và khả năng của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Xuất phát từ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa và hằng năm đã được Quốc hội thông qua tại 11 kỳ họp, trong nhiệm kỳ 1997-2002, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã tập trung công sức, trí tuệ và thời gian xem xét, thảo luận, thông qua 1 bộ luật, 34 luật, 44 pháp lệnh, 29 nghị quyết có quy phạm pháp luật.

Điểm nổi bật trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa X là đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp1992. Trên bình diện tổng thể, Hiến pháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia, dân tộc, được coi là đạo luật cơ bản, đạo luật “gốc” của mỗi nhà nước.

Kể từ khi thành lập nhà nước cách mạng từ năm 1945 đến 2002, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua bốn bản hiến pháp vào những bước ngoặt trọng đại của lịch sử dân tộc. Hiến pháp1992 được thông qua trong bối cảnh đất nước đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp đổi mới, do đó đã ghi nhận những thành quả đổi mới và định hướng cho sự phát triển của đất nước, tạo nền tảng pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, giải phóng sức sản xuất, mở đường cho kinh tế phát triển. Tuy vậy, cùng với tiến trình đổi mới đất nước, một số quy định của Hiến pháp 1992 đã tỏ ra bất cập với thực tiễn cuộc sống, việc thực hiện những quy định này trở thành lực cản cho sự phát triển của đất nước. Thực tế đó đòi hỏi phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, trải qua 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vai trò, vị trí của Nhà nước cũng ngày càng hoàn thiện hơn, cần phải được khẳng định trong Hiến pháp.

Trên tinh thần đó, thực hiện chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 phù hợp với tình hình mới theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, trên cơ sở Tờ trình số 311/UBTVQH10, ngày 18- 5-2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X về dự kiến danh sách Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa, ngày 29-6-2001, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa X đã thông qua Nghị quyết số 43/2001/QH10, thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, gồm 22 thành viên, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An làm Chủ tịch[5]. Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 có nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 để tổ chức lấy ý kiến nhân dân; sau đó, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Ngay sau khi thành lập, Ủy ban dự thảo đã xúc tiến triển khai xây dựng dự án sửa đổi Hiến pháp. Với tinh thần dân chủ và nghiêm túc, sau gần nửa năm tập trung nghiên cứu, dự thảo đã hoàn thành. Trong quá trình xây dựng, Ủy ban dự thảo đã tiến hành 6 phiên họp toàn thể để triển khai việc nghiên cứu, xây dựng dự án và tổ chức hai hội nghị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để trực tiếp lấy ý kiến của đại diện các cơ quan, tổ chức Trung ương, đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn.

Triển khai kế hoạch lấy ý kiến của nhân dân, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã tổ chức các hội nghị góp ý kiến về dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992. Trên tinh thần xây dựng, khách quan, Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã nhận được 221 báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, 203 thư góp ý của nhân dân và 206 bài viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp ý về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992[6]. Đây là một thành công lớn trong công tác lập pháp của Quốc hội, nội dung sửa đổi đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân về mong muốn xây dựng một bản Hiến pháp phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.

Qua tổng hợp, các ý kiến đóng góp đều trên tinh thần xây dựng, có trách nhiệm cao, cơ bản nhất trí với chủ trương của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, tán thành quan điểm, yêu cầu và phạm vi sửa đổi, bổ sung như Ủy ban dự thảo đã đề nghị. Tất cả các ý kiến đều được Ủy ban dự thảo tập hợp đầy đủ, trung thực, trình lên Quốc hội xem xét quyết định[7]. Trên cơ sở Tờ trình số 06/UB, ngày 19-11-2001 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, tại kỳ họp thứ 10, ngày 25-12-2001, Quốc hội khóa X đã thông qua Nghị quyết số 51/2001/QH10 Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này được tiến hành trên cơ sở các quan điểm đổi mới của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộiHiến pháp năm 1992.

Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề thực sự bức xúc, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao. Trọng tâm là sửa đổi, bổ sung những vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... nhằm thể chế hóa kịp thời các nội dung mới đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng xác định. Cụ thể, ở Điều 84 của Hiến pháp 1992 đã được bổ sung quy định Quốc hội phân bổ ngân sách Trung ương, còn việc phân bổ ngân sách địa phương thì được giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Quốc hội quyết định chính sách tôn giáo; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; về quyền của Quốc hội phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký.

Cùng với đó, vai trò của Quốc hội được tăng cường trong việc xem xét và quyết định các vấn đề nhân sự cấp cao. Trước năm 2001, trong Hiến pháp 1980Hiến pháp 1992, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Điều khoản sửa đổi của Hiến pháp 1992 đã bãi bỏ thẩm quyền này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm Quốc hội là chủ thể duy nhất có quyền quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 được tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành đã khẳng định quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, làm cho bộ máy tinh, gọn, trong sạch, vững mạnh; bảo đảm sự phân công, phân cấp và phối hợp chặt chẽ trong hoạt động thực tiễn; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan và đề cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong bộ máy nhà nước; khắc phục một bước tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm thực hiện tốt hơn nữa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Việc thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến ở Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Ngoài việc thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, ngày 21-12-1999, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa X đã thông qua Bộ luật hình sự. Ngoài Lời nói đầu, Bộ luật gồm 24 chương, 344 điều. Bộ luật hình sự được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của Việt Nam, nhất là của Bộ luật hình sự năm 1985 cũng như những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong nhiều thập niên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong những bộ luật lớn, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, là công cụ pháp lý sắc bén của Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Nội dung của bộ luật thể hiện sâu sắc quan điểm, đường lối và chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm với phương châm giáo dục phòng ngừa là chính, kết hợp với răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, cải hóa con người, đề cao bản chất ưu việt và tính nhân đạo của chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức đoàn thể xã hội và mọi công dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Trên thực tế, qua gần 10 năm thực hiện, Luật tổ chức Quốc hộiLuật tổ chức Chính phủ tuy đã phát huy vai trò tích cực trong việc góp phần đổi mới về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tăng cường năng lực, đổi mới chế độ làm việc và phương thức điều hành của Chính phủ, nhưng chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển của Quốc hội và Chính phủ trong giai đoạn cách mạng mới. Do vậy, việc sửa đổi các luật này là đòi hỏi bức thiết trong quá trình kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn đại biểu và quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội; xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa để đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội khóa X, việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã nêu rõ cần: “Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, hoàn thiện những quy định về bầu cử, ứng cử, về tiêu chuẩn và cơ cấu các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trên cơ sở thật sự phát huy dân chủ. Tăng thêm tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách”[8]. Để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 và việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội là cần thiết, làm cơ sở cho việc chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI. Trên tinh thần đó, tại kỳ họp thứ 10, ngày 25-12-2001, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, nhằm cụ thể hóa các quan điểm trong các nghị quyết của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; phát huy dân chủ, bảo đảm tính nhân dân, tính đại diện và chất lượng đại biểu Quốc hội được bầu; làm cơ sở cho việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã xem xét, thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đây là bước quan trọng thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và cụ thể hóa các quy định đã được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 1992, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Nội dung sửa đổi tập trung vào việc nâng cao trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, góp phần khắc phục việc bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử oan sai; bảo đảm để Viện kiểm sát nhân dân tập trung thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, cải cách một bước về tư pháp, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Trong nhiệm kỳ khóa X, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đạo luật đã thể chế hóa đường lối của Đảng và Hiến pháp về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế thừa và phát huy tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Mặt trận dân tộc thống nhất trước đây và truyền thống đại đoàn kết dân tộc; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần tích cực xây dựng, thực hiện và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đi đôi với việc thông qua và ban hành các đạo luật nêu trên, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự ưu tiên cho việc xây dựng và ban hành các luật, pháp lệnh về lĩnh vực kinh tế; trong đó, chú trọng các vấn đề về doanh nghiệp, chính sách đầu tư, tín dụng, ngân hàng, tiếp tục cải cách chính sách thuế, chống tham nhũng, lãng phí, hội nhập khu vực và thế giới.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thông qua Luật ngân hàng nhà nước Việt NamLuật các tổ chức tín dụng. Việc ban hành 2 dự án luật này tạo cơ sở pháp lý và động lực mới đẩy mạnh việc đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành ngân hàng, tiếp tục hoàn chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng; từng bước đưa hoạt động của ngân hàng theo kịp với đòi hỏi của tiến trình đổi mới.

Đồng thời, để hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách nhà nước một cách hợp lý, tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh đối với một số hàng hóa, dịch vụ, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Cũng tại kỳ họp này, với mục đích huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn, tài nguyên, lao động và các tiềm năng khác của đất nước, nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội, vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, Quốc hội đã thông qua Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ngân sách nhà nước... Những đạo luật này có ý nghĩa to lớn, góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) Về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội đến năm 2000.

Tiếp đó, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã thông qua Luật doanh nghiệp. Luật này ra đời trên cơ sở bổ sung và sửa đổi Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân. Đây là bước tiến mới trong việc tiếp tục hoàn chỉnh rộng hơn, nội dung đầy đủ, bao quát, linh hoạt hơn, phù hợp với yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước và yêu cầu đa dạng của sản xuất kinh doanh và phù hợp hơn với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Luật doanh nghiệp ra đời đã góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy việc phát huy nội lực và phát triển kinh tế ở nước ta.

Trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế, Luật kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ tám là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm góp phần thúc đẩy và duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân; tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển lành mạnh, góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc khắc phục thiệt hại do thiên tai, tai nạn xảy ra. Kinh doanh bảo hiểm có hiệu quả cũng sẽ nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực trong xã hội, tạo điều kiện cho việc huy động vốn, tiết kiệm cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và hạn chế tổn thất.

Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã thông qua Luật hải quan. Đây là yêu cầu cơ bản và cấp bách, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về hải quan, tạo lập khung pháp lý thống nhất điều chỉnh các quan hệ kinh tế, xã hội trong hoạt động hải quan, cải cách thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất, nhập khẩu và lưu thông hàng hóa; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Các luật về lĩnh vực kinh tế được ban hành đã cơ bản đáp ứng được quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm cuối thế kỷ XX, trước sự diễn biến nhanh chóng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Quốc hội vẫn chưa ban hành đủ các luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội nảy sinh trong cuộc sống. Do đó, việc ban hành các pháp lệnh về lĩnh vực kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt. Trên tinh thần đó, để nâng cao hiệu quả của việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, ngày 26-2-1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh chống tham nhũngPháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Ngoài những luật, pháp lệnh kể trên, Quốc hội còn thông qua một số luật, pháp lệnh khác và một số nghị quyết có tính quy phạm pháp luật về lĩnh vực kinh tế. Các văn bản pháp luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh việc ưu tiên thông qua luật, pháp lệnh để phát triển kinh tế, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm đến việc thông qua các luật, pháp lệnh về các lĩnh vực xã hội. Theo đó, trong nhiệm kỳ khóa X, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh cần thiết điều chỉnh các vấn đề xã hội bức xúc.

Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống ma tuý, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy; ngăn chặn, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để thực hiện mục đích đó, luật đã quy định những nguyên tắc pháp lý về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống ma túy không chỉ là của các cơ quan chuyên trách mà còn là của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy.

Cùng với Luật phòng, chống ma túy được Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 21 của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; Pháp lệnh người cao tuổiPháp lệnh người tàn tật. Những pháp lệnh này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các đối tượng đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho xã hội, nay mất sức lao động hoặc những người bị khuyết tật, tạo điều kiện cho họ vươn lên ổn định cuộc sống và tiếp tục đóng góp cho xã hội, nhằm tạo ra sự hài hòa trong quá trình phát triển.

Trong những năm đổi mới, quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội khóa X luôn giữ vững quan điểm coi trọng nhân tố con người, coi giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, nhằm tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường, giữ gìn các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc. Với ý nghĩa đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua các văn bản pháp luật điều chỉnh kịp thời các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận tổ tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa X, tháng 11-1998

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận tổ tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa X, tháng 11-1998

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thông qua Luật giáo dục, nhằm thể chế hóa kịp thời đường lối của Đảng về giáo dục, tạo khuôn khổ pháp lý ổn định cho phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự nghiệp “trồng người”, quan hệ mật thiết đến mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, tổ chức xã hội, là khung pháp lý để xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ trong lĩnh vực giáo dục.

Tiếp đó, căn cứ quy định của Hiến pháp 1992 sửa đổi và Luật giáo dục, sau khi xem xét tờ trình và đề án của Chính phủ, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và Nghị quyết về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở[9].

Cùng với giáo dục và đào tạo, lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng được xác định giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Vì vậy, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã thông qua Luật khoa học và công nghệ, tạo hành lang pháp lý rộng rãi để các tổ chức và cá nhân có cơ hội đóng góp tài năng, trí tuệ để góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ. Đây là bước tiến mới trong công tác lập pháp của Quốc hội. Lần đầu tiên trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học, công nghệ đã có một đạo luật giữ vai trò là khung pháp lý cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này.

Với quyết tâm xây dựng một nền văn hóa dân tộc, khoa học và đại chúng, nhận rõ tầm quan trọng của “Di sản văn hóa” là tài sản vô giá của đất nước và là một bộ phận của “Di sản văn hóa thế giới”; tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã thông qua Luật di sản văn hóa (bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể). Luật này được ban hành có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ và phát huy các giá trị “Di sản văn hóa”, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp xứng đáng vào kho tàng “Di sản văn hóa thế giới”.

Ngoài những luật, pháp lệnh thuộc những lĩnh vực trên, nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua một số luật, pháp lệnh và nghị quyết quan trọng như: Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật khiếu nại, tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự; Luật giao thông đường bộ; Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Pháp lệnh cán bộ, công chức; Pháp lệnh luật sư; Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991; Nghị quyết về việc ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở...

Nhìn chung, các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống và công cuộc phát triển đất nước; bảo đảm tính đồng bộ, tính hợp hiến và hợp pháp. Đối tượng điều chỉnh của các văn bản được thông qua liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, có chú trọng đến các vấn đề đặc biệt cấp thiết. Nhiều văn bản pháp luật được ban hành đã đáp ứng đúng đòi hỏi của thực tiễn, nên nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Điểm mới trong nhiệm kỳ khóa X là quy trình xây dựng pháp luật được Quốc hội quan tâm cải tiến. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về một số dự án luật được tiếp tục coi trọng và từng bước đổi mới, đã phát huy được trí tuệ, tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các đoàn thể và nhân dân cả nước. Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 và nhiều dự thảo luật, bộ luật đã được nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Các đợt tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi rộng khắp trong cả nước, phát huy quyền góp ý kiến, tham gia xây dựng và quản lý đất nước của nhân dân. Sự chuẩn bị và phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có bước tiến bộ rõ rệt. Việc xem xét, thông qua các dự án luật tại kỳ họp Quốc hội có cải tiến một bước, tạo điều kiện cho việc thông qua dự án luật được nhanh hơn và tập trung vào việc nâng cao chất lượng văn bản luật.

Những kết quả đạt được trên lĩnh vực lập pháp thể hiện sự cố gắng lớn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội,
các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; sự cố gắng của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan soạn thảo và sự đóng góp tích cực của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác lập pháp của Quốc hội khóa X vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ mới và đòi hỏi của việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, nổi lên ở những điểm cơ bản sau:

Một là, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn thiếu tính khả thi; chương trình hằng năm cũng như cả nhiệm kỳ chỉ mới thực hiện được khoảng 60%-70% số dự án luật. Nhu cầu lập pháp rất lớn, khả năng thực tế có hạn, nhưng việc xem xét, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên một số dự án để đưa vào chương trình có chỗ chưa sát thực, có vấn đề cần thiết chưa được đưa vào chương trình. Việc đánh giá tính khả thi của một số dự án chưa thật chính xác. Một số dự án được chuẩn bị với chất lượng chưa cao, tiến độ còn chậm so với quy định. Một số cơ quan trình dự án mới chú ý đến yêu cầu lập pháp của ngành mình, chưa tổng kết đầy đủ thực tiễn để thông tin tới đại biểu Quốc hội; chưa tính hết khả năng chuẩn bị dự án và việc triển khai thực hiện trong thực tiễn. Số dự án luật chuyên ngành còn thiếu thuyết minh, giải thích đầy đủ để tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội tham gia xây dựng luật tốt hơn. Trong khi đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa hoàn toàn chủ động, còn phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình dự án, do đó còn gặp khó khăn, lúng túng và bị động trong quá trình lập pháp.

Hai là, tuy có nhiều cố gắng để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhưng một số dự án luật, pháp lệnh có nhu cầu cấp thiết vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuẩn bị tốt nên chưa được ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X như dự án Luật cạnh tranh, Luật xây dựng, Luật đất đai (sửa đổi) và dự án Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội - một cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Ba là, chất lượng của một số luật, pháp lệnh đã được thông qua còn hạn chế. Có luật chưa đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn nên phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Ngược lại, có những vấn đề tuy đã được ban hành, nhưng không phù hợp cuộc sống chậm được sửa đổi. Nhiều luật, pháp lệnh còn quy định chung chung, có tính nguyên tắc hoặc để lại khá nhiều nội dung quan trọng do văn bản dưới luật quy định. Trong thực tế, một số luật, pháp lệnh được ban hành từ nhiều năm, trong đó có một số luật khung, quá thời hiệu thi hành nhưng vẫn chưa có hoặc thiếu nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, khiến cho các văn bản pháp luật chậm được thực thi. Cá biệt, có trường hợp văn bản dưới luật có những quy định trái với tinh thần của luật gốc, còn chồng chéo, có vấn đề chưa thống nhất trong quá trình thực thi.

Bốn là, việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn những hạn chế. Một số vấn đề cần thiết, cấp bách về lĩnh vực này chưa được đưa vào chương trình; chưa được các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất và chuẩn bị để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Mặc dù còn một số tồn tại, nhưng Quốc hội khóa X đã nỗ lực đổi mới, tập trung công sức, trí tuệ xây dựng luật, pháp lệnh phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, tạo đà cho Quốc hội khóa XI có những bước tiến mới trong công tác lập pháp nhằm tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện và có tính khả thi cao.

3. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức giám sát theo hướng tập trung vào việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và các nghị quyết của Quốc hội

Giám sát là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, được Quốc hội khóa X và các cơ quan của Quốc hội tích cực thực hiện, góp phần từng bước bước đổi mới về nội dung và hình thức giám sát. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã quan tâm tiến hành giám sát khá toàn diện việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được thể chế hóa trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ 5 năm, nhiệm vụ hằng năm và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Quán triệt các nghị quyết của Quốc hội, hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ khóa X được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung chỉ đạo chặt chẽ. Hằng năm, trong chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lĩnh vực giám sát được thể hiện với những nội dung, hình thức và sự phân công cụ thể, rõ ràng. Cùng với việc chỉ đạo xây dựng dự án Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội,
từ đầu năm 2000, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan để nâng cao và đẩy mạnh hơn hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát. Xác định rõ phạm vi, nội dung, cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân các cấp; phân định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau giữa hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm sát của các cơ quan và tổ chức khác.

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ khóa X, bên cạnh việc giám sát trên diện rộng, thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng, như: thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hoạt động của Hội đồng nhân dân và việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng bước đổi mới hình thức, lựa chọn, đi sâu giám sát một số chuyên đề và thu được những kết quả tích cực. Việc theo dõi sát, cụ thể cùng với những kiến nghị qua giám sát thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục và vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ những năm 1998-1999, bảo đảm cho nền kinh tế đất nước giữ được ổn định và tiếp tục phát triển. Thông qua giám sát, những kết quả thu được đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như việc ban hành chính sách của các cơ quan hữu quan.

Về nội dung giám sát: căn cứ vào nội dung chương trình đề ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trực tiếp hoặc giao cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát trên tất cả các lĩnh vực với những nội dung chủ yếu như: việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước; về thi hành pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Về phương thức thực hiện giám sát: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng bước đổi mới phương thức thực hiện, kết hợp nghe báo cáo với cử đoàn đi giám sát trực tiếp tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức các đoàn giám sát ngày càng hợp lý hơn, vừa có sự tham gia của các cơ quan chức năng, vừa tránh cồng kềnh, bảo đảm có chất lượng, hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm cải tiến trong việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, nhằm đạt yêu cầu đồng bộ về nội dung và địa bàn, hạn chế sự chồng chéo. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú ý cải tiến việc theo dõi, đôn đốc, xử lý những kiến nghị qua hoạt động giám sát, góp phần cùng các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết hiệu quả nhiều vụ, việc quan trọng.

Thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực dân tộc, miền núi được Hội đồng Dân tộc triển khai tích cực. Từ đầu năm 1998, Hội đồng Dân tộc đã tiến hành giám sát việc thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp với giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về trồng mới 5 triệu ha rừng. Đây là lần đầu tiên cơ quan thường trực của Quốc hội phối hợp với Hội đồng nhân dân các tỉnh trong cả nước tổ chức giám sát việc thi hành luật và cũng là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc tổ chức giám sát chuyên đề về thi hành luật.

Thành công lớn nhất của đợt giám sát là Hội đồng Dân tộc đã đánh giá được thực trạng 6 năm (1993-1998) thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng của nhân dân, chính quyền địa phương các cấp và tình trạng phát triển rừng ở nước ta qua 6 năm thực hiện luật. Kết thúc giám sát, Hội đồng Dân tộc đã phối hợp cùng Chính phủ chủ trì tổng kết việc thực hiện Chương trình 327, việc thực thi Luật bảo vệ và phát triển rừng tại Hà Nội vào các ngày 20 và 21-10-1998. Tại hội nghị, Hội đồng Dân tộc đã báo cáo những vấn đề nổi lên qua giám sát, như diện tích rừng tuy có tăng nhưng không bù lại diện tích rừng đã mất; nhiều văn bản hướng dẫn thực thi luật không phù hợp, thậm chí có văn bản trái với việc thi hành luật.

Vấn đề giáo dục dân tộc, miền núi và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số luôn được Hội đồng Dân tộc quan tâm và đã tiến hành nhiều đợt giám sát. Sau hơn một năm thi hành Luật giáo dục, nhận thấy việc thực hiện chế độ cử tuyển có nhiều vấn đề cần được xem xét. Vì vậy, năm 2000, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức đợt giám sát chuyên đề về thi hành Điều 78 của Luật giáo dục quy định về “chế độ cử tuyển”. Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc đã kịp thời phát hiện nhiều thiếu sót trong việc thực hiện chế độ cử tuyển, như: sai vùng và đối tượng; việc quản lý, sử dụng học sinh cử tuyển khi ra trường chưa chặt chẽ; từ đó kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm trong việc thực hiện đúng chế độ cử tuyển, góp phần thực hiện có hiệu quả chế độ cử tuyển, việc sai đối tượng và sai vùng cử tuyển đã giảm rõ rệt.

Trong giám sát chính sách các chương trình kinh tế - xã hội, Hội đồng Dân tộc đã lựa chọn nhiều nội dung để tiến hành giám sát, như: giám sát cho vay vốn của ngân hàng người nghèo; giám sát về chế độ phụ cấp khu vực; giám sát về đời sống dân tộc thiểu số; giám sát về trợ giá trợ cước; giám sát thực hiện mục tiêu phủ sóng phát thanh, truyền hình và giám sát thực hiện Chương trình 135. Đối với việc thực hiện Chương trình 135 - “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa” được Hội đồng tiến hành giám sát từ đầu năm 2001 với sự tham gia phối hợp của 49 tỉnh và 6 tỉnh được chọn để giám sát trực tiếp là Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai, Sóc Trăng. Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc đã có báo cáo đánh giá Chương trình 135 là chương trình có hiệu quả và ít thất thoát nhất.

Tóm lại, nhiệm vụ giám sát của Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ khóa X được đánh giá đạt kết quả tốt, thể hiện qua nhiều kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc được Quốc hội, Chính phủ chấp nhận đưa vào các nghị quyết của Quốc hội và các quyết định của Chính phủ. Thực tế, các nghị quyết và quyết định đó đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân nói chung và của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, nhất là đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa.

Trong nhiệm kỳ khóa X, mặc dù công tác xây dựng pháp luật chiếm phần lớn thời gian, song Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tích cực thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định của pháp luật và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Pháp luật đã xác định rõ trách nhiệm đối với công tác giám sát, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính của Ủy ban. Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban có thêm những căn cứ thực tiễn phục vụ cho việc xem xét, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nhất là việc thẩm tra các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức; đồng thời, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề cần tập trung giám sát[10].

Điều đáng quan tâm, thông qua các cuộc giám sát đối với những vụ án cụ thể, Ủy ban Pháp luật kịp thời kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số quy định quan trọng và cấp thiết liên quan đến hoạt động tố tụng như: quy định về công tác giám định pháp y; về thời hiệu kháng nghị đối với các vụ tranh chấp về dân sự, kinh tế; về trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án, quyết định của tòa án về các loại tranh chấp này. Ngoài ra, thông qua việc thẩm tra các báo cáo hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật đã có nhiều kiến nghị để các cơ quan này chấn chỉnh kịp thời và khắc phục có hiệu quả tình trạng oan, sai trong việc bắt, giam, giữ, khám xét. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện công tác nghiên cứu về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và có các giải pháp quản lý tốt hơn để báo cáo thống nhất và chính xác với Quốc hội về tình hình tội phạm, nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.

Mặt khác, qua hoạt động giám sát, Ủy ban Pháp luật đã có nhiều kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng những biện pháp nhằm bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Việc tổ chức các đoàn giám sát của Ủy ban hoặc theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan
thi hành án trong nhiệm kỳ khóa X tuy không nhiều, nhưng đã đạt được kết quả tích cực. Trong quá trình giám sát đối với một số vụ án, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, xem xét tại chỗ các tài liệu và những tình tiết liên quan đến vụ án, Ủy ban Pháp luật đã có những đánh giá đúng đắn, toàn diện; đồng thời, đề xuất, kiến nghị những giải pháp hữu hiệu, góp phần bảo đảm để hoạt động của các quan tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật, được các cơ quan hữu quan thừa nhận và đồng tình ủng hộ, được quần chúng nhân dân hoan nghênh, tin tưởng[11].

Căn cứ vào chương trình hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ cuối năm 1997 đến tháng 2-2002, Ủy ban về Các vấn đề xã hội đã tiến hành 88 cuộc giám sát, khảo sát và nghiên cứu tại 53 tỉnh, thành phố với nhiều nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn do Ủy ban phụ trách. Trong 53 tỉnh, thành phố, có 29 tỉnh được giám sát 1 lần; 16 tỉnh được giám sát, khảo sát 2 lần; 7 tỉnh được giám sát, khảo sát, nghiên cứu 3 lần và 1 thành phố được nghiên cứu, khảo sát, giám sát tới 6 lần. Các cuộc giám sát được Ủy ban tổ chức theo từng đợt, có trọng tâm và đổi mới về hình thức thực hiện.

Rút kinh nghiệm hoạt động giám sát của các khóa trước, tùy theo từng địa bàn giám sát và nội dung giám sát, Ủy ban chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí cách thức làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương nơi Ủy ban tiến hành giám sát. Ngoài ra, Ủy ban đã tổ chức hơn 30 cuộc làm việc với các bộ, ngành ở Trung ương theo các chuyên đề. Cụ thể, Ủy ban và Thường trực Ủy ban có 12 cuộc làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; 4 cuộc với Bộ Tài chính; 9 cuộc với Bộ Y tế; 4 cuộc với Ủy ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; 5 cuộc với Ban Tôn giáo của Chính phủ. Kết hợp giữa các hình thức giám sát nói trên, trong nhiệm kỳ Ủy ban đã kiến nghị nhiều vấn đề lớn được các bộ, ngành tiếp thu và trình Chính phủ xem xét, quyết định, như: kiến nghị điều chỉnh một số nội dung trong chế độ bảo hiểm y tế; kiến nghị về di dân, tái định cư đã được Chính phủ rút kinh nghiệm và vận dụng vào việc xây dựng công trình thủy điện Sơn La; kiến nghị về việc thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo được Chính phủ điều chỉnh một số việc...

Nhìn chung, các cuộc giám sát của Ủy ban về các lĩnh vực xã hội được ghi nhận là thiết thực, góp phần sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện luật pháp và các chế độ chính sách. Thông qua công tác giám sát, các thành viên Ủy ban đã tích lũy được thêm kiến thức, đặc biệt là những hiểu biết về thực tế cuộc sống của các gia đình chính sách trong toàn quốc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, từ đó làm tốt hơn công tác tham mưu cho Quốc hội trong việc xây dựng chính sách pháp luật về các lĩnh vực xã hội.

Trong nhiệm kỳ khóa X, thực hiện chức năng giám sát về lĩnh vực kinh tế và ngân sách, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đã tiến hành các hình thức giám sát như: giám sát chung tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước hằng năm; giám sát theo chuyên đề về các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế và ngân sách nhà nước; giám sát việc triển khai thi hành các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; giám sát qua kiến nghị của các tổ chức, công dân về lĩnh vực kinh tế và ngân sách.

Báo cáo về kết quả giám sát cho thấy, hoạt động giám sát của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách ngày càng có chất lượng, đi vào chiều sâu, bao quát được các nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực kinh tế và ngân sách; tập trung vào những vấn đề cấp bách mà Quốc hội đề ra và được cử tri cả nước quan tâm, như: tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước hằng năm, việc phân bổ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, các hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình, các mục tiêu và cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân. Sau mỗi đợt giám sát, Ủy ban đều có các kiến nghị cụ thể gửi các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề nổi lên liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách nhà nước. Nhiều kiến nghị của Ủy ban được các bộ, ngành, địa phương tiếp thu, giải quyết và có công văn phúc đáp, giải trình về những vấn đề Ủy ban đã kiến nghị; mặt khác, có cơ sở đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ các chủ trương, giải pháp về lĩnh vực kinh tế và ngân sách nhà nước[12].

Trong nhiệm kỳ khóa X, cùng với việc thực hiện chức năng lập pháp, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã coi trọng hoạt động giám sát và tích cực cải tiến, đổi mới hình thức đối với hoạt động giám sát. Mặc dù, lĩnh vực Ủy ban đảm nhận rất rộng, bao gồm cả quốc phòng và an ninh, nhưng nhờ cải tiến, đổi mới do đó, chất lượng và hiệu quả giám sát của Ủy ban ngày càng thiết thực, bao quát được nhiều vấn đề cơ bản, chuyên sâu thuộc tầm vĩ mô, có trọng tâm, trọng điểm.

Từ năm 1998 đến 2001, Ủy ban đã tổ chức 33 đoàn giám sát đến làm việc với 55 lượt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện luật, pháp lệnh, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của địa phương. Tổ chức trên 60 cuộc họp làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số bộ, ngành hữu quan về việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; việc thực hiện ngân sách trong lĩnh vực này; về an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; về âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch và đối sách của Việt Nam trong tình hình mới... Ngoài ra, Ủy ban còn tổ chức đi sâu nghiên cứu giám sát 5 chuyên đề: công tác nhà trường quân đội, công an (năm 1999); quản lý trại giam, trại tạm giam (năm 2001); tăng cường quản lý nhà nước về an ninh biên giới, biển đảo (8-2000); quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông (8-2000) và về tình hình an ninh chính trị một số địa bàn tại các khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ (2001); đồng thời tổ chức Hội nghị chuyên đề (1998) về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Qua hình thức giám sát chuyên đề, Ủy ban đã kịp thời kiến nghị và đề xuất nhiều giải pháp về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ủy ban. Nhiều đề xuất, kiến nghị của Ủy ban đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, điển hình là kiến nghị về tăng cường quản lý nhà nước về an ninh biên giới và vùng biển, đảo...

Cùng với thực hiện nhiệm vụ trên, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI (5-2002), Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát; phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, giữ vững ổn định tình hình, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI.

Xác định công tác giám sát là một trong những nhiệm vụ chính của Ủy ban, trong nhiệm kỳ khóa X, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức các loại hình giám sát như: giám sát thường xuyên việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường tại các địa phương; giám sát việc thực hiện, triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ của các bộ, ngành, các viện, trường theo các kế hoạch đã được Quốc hội thông qua; giám sát các công trình quan trọng quốc gia.

Để tổ chức giám sát, Ủy ban đã chú trọng phân bổ thời gian, lên kế hoạch và lập các đoàn giám sát theo nhóm vấn đề và theo chuyên đề của lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, chú trọng các vấn đề bức xúc về khoa học, công nghệ và môi trường. Đồng thời với việc giám sát các địa phương, Ủy ban cũng đã tổ chức hơn 50 cuộc giám sát chuyên đề và giám sát các bộ, ngành, kết hợp khảo sát, tìm hiểu thực tế ở các đơn vị trực thuộc. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề: quản lý và sử dụng vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống ở địa phương, giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trong các khu công nghiệp, làng nghề...

Đối với các công trình quan trọng quốc gia, hằng năm Ủy ban đều tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các công trình trọng điểm, như: Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng; dự án Khí - Điện - Đạm ở Bà Rịa - Vũng Tàu; dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; dự án Nhà máy thủy điện Sơn La. Đây là nhiệm vụ mới, nhưng Ủy ban đã tổ chức thực hiện tốt và thường xuyên có báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhìn chung, công tác giám sát thường xuyên về hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường được đánh giá có tác động tốt về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong việc tạo ra giống cây, giống con có hiệu quả thiết thực góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp trong cả nước.

Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn do luật định, trong nhiệm kỳ khóa X, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tập trung giám sát việc thi hành pháp luật và thực hiện kế hoạch nhà nước, thực hiện nghị quyết của Quốc hội hằng năm tại các bộ, ngành hữu quan, các địa phương, cơ sở đối với những lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Thường trực Ủy ban đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị, từ nội dung đến kế hoạch thực hiện và tổ chức các hình thức giám sát thích hợp, như: thành lập các đoàn công tác của Ủy ban đi giám sát chung tại một số địa phương hoặc giám sát theo một lĩnh vực, chuyên đề ở nhiều đại phương. Trong quá trình giám sát ngoài việc tổ chức làm việc với đại diện các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các cấp, Ủy ban rất coi trọng nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở, tiếp xúc với cử tri; có nhiều nội dung Ủy ban đã kết hợp cả hai hình thức: tổ chức nghe báo cáo và đi giám sát thực tế.

Trong chương trình công tác hằng năm của Ủy ban, nhiệm vụ giám sát việc thi hành pháp luật luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu của công tác giám sát. Qua hoạt động giám sát, Ủy ban có cơ sở thực tiễn để thẩm tra các dự án luật, trình bày các thuyết trình trước Quốc hội, cũng như tham gia ý kiến với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xây dựng và thông qua luật, pháp lệnh. Từ năm 1998 đến 2001, Ủy ban đã tổ chức 15 đoàn đi giám sát tại 25 tỉnh, thành phố và hơn 130 lượt các đoàn công tác của Thường trực đi giám sát chuyên đề ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đối với các lĩnh vực văn hóa - thông tin, giáo dục - đào tạo, thể dục thể thao, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, Ủy ban đã đặc biệt chú trọng tới những địa phương tiêu biểu cả về thuận lợi và khó khăn, ở các vùng, miền khác nhau. Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được của các ngành, các địa phương, Ủy ban cũng quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về những hạn chế, tồn tại để cùng trao đổi về nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục. Trên cơ sở kết quả giám sát, với từng lĩnh vực cụ thể Ủy ban đã lựa chọn được nhiều vấn đề cần thiết để kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và nghị quyết của Quốc hội về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và việc thực hiện các chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Trong nhiệm kỳ khóa X, song song với việc giám sát công tác đối ngoại nói chung, theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành giám sát các hoạt động trên lĩnh vực kinh tế đối ngoại, nhất là việc sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA và NGO. Từ năm 1997-2002 hoạt động giám sát của Ủy ban tập trung vào các nội dung chủ yếu: giám sát đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), được thực hiện đầu năm 1998; giám sát vấn đề an ninh biên giới có liên quan tới đối ngoại và kinh tế đối ngoại biên giới, được thực hiện năm 1998 và 1999; giám sát hiệu quả thu hút và sử dụng viện trợ phát triển chính thức (ODA), được thực hiện năm 1999; giám sát công tác đối ngoại địa phương và công tác quản lý, sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài NGO, được thực hiện năm 2000 và 2001 và giám sát việc thực hiện Pháp lệnh về cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Trong các đợt giám sát, Ủy ban đã kết hợp giữa nghe báo cáo của các bộ, ngành và tổ chức giám sát thực tế tại các địa phương. Những kiến nghị sau đợt giám sát đều được tổng hợp và báo cáo Quốc hội; đồng thời gửi tới Chính phủ và các cơ quan hữu trách. Trên thực tế, nhiều kiến nghị của Ủy ban đã được Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh đối với một số văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực do Ủy ban phụ trách.

Ngoài những hoạt động giám sát cụ thể theo chương trình và kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn ra khá phức tạp trên diện rộng ở tất cả 61 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo xảy ra ở các địa phương ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân là một nội dung hết sức quan trọng của Quốc hội khóa X.

Nhằm giải quyết tốt công việc này, các cơ quan của Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách công tác dân nguyện đã tổ chức nhiều đoàn giám sát tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Mỹ Hoa và ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách công tác dân nguyện đã tổ chức 34 đoàn giám sát việc giải quyết đơn thư. Trong các đợt giám sát, các đoàn công tác đều làm việc với các cơ quan chức năng từ cấp tỉnh tới cơ sở để nghe địa phương báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân tại địa phương, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền; xem xét việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo mà công dân có đơn thư gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tại một số địa phương, đoàn công tác còn nghe báo cáo về tình hình thực hiện Pháp lệnh hòa giải ở cơ sởQuy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là những yếu tố quan trọng, liên quan mật thiết với tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc giám sát tại địa phương đã mang lại nhiều kết quả tích cực, một số vụ việc đoàn giám sát có ý kiến cụ thể đã được địa phương đồng tình, nhất trí quan điểm giải quyết, như việc khiếu nại của ông Lưu Việt Hồng ở Bến Tre, bà Nguyễn Thị Thạnh ở Phú Yên, bà Xuân Thị Ngọc Hiếu ở Hà Nội, bà Trịnh Thị Lia ở Tiền Giang.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng tổ chức nhiều buổi làm việc với các cơ quan hữu quan về tình hình khiếu nại, tố cáo, biện pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo; mời các cơ quan có thẩm quyền đến họp bàn biện pháp giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các cơ quan hữu quan về các vụ việc khiếu nại, tố cáo của ông Lưu Văn Quang và bà nội của ông là Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tý ở Vĩnh Phúc; bà Đinh Thị Thảo ở Hà Nội; 50 công dân thôn Phúc Xá, xã Phan Đình Phùng, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; một số công dân thôn Sở Thượng, xã Yên Sở, huyện Thanh Trì, Hà Nội... Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc về các vụ việc gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, tỉnh Hải Dương; vụ gây ô nhiễm môi trường của xưởng tôn mạ kẽm tại phường Phú Khánh, thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình... Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan hữu quan về vụ việc tiêu cực tại Trường Đại học Đông Đô... Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về một số vụ việc khiếu nại cụ thể để có biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; góp phần thúc đẩy việc giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; ngày 15-11-1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 228/NQ/UBTVQH10, về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết, các đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả. Hầu hết các đoàn đại biểu Quốc hội đều tổ chức tiếp công dân định kỳ mỗi tháng một lần, có đoàn tổ chức tiếp công dân hai lần trong một tháng hoặc một tuần một lần.

Như vậy, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, quán triệt các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng chương trình giám sát, đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát nhiều vấn đề lớn và quan trọng. Theo đó, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đã xây dựng và thực hiện chương trình giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Các đại biểu Quốc hội cũng đã tích cực tham gia các hoạt động giám sát, làm tròn chức năng đại diện của mình.

Nội dung giám sát của Quốc hội khóa X tập trung vào việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về kinh tế, ngân sách nhà nước, về dân tộc, miền núi, về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đối ngoại và các vấn đề xã hội bức xúc.

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ X là các cơ quan của Quốc hội đã tích cực cải tiến, tìm những hình thức thích hợp như giám sát theo chuyên đề, đi sâu khảo sát, theo dõi sát sao việc giải quyết kiến nghị sau giám sát về nhiều vấn đề đang sôi động trong đời sống kinh tế - xã hội, như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực trạng và phương hướng đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có mô hình các tổng công ty nhà nước; biện pháp chống thất thu và quản lý ngân sách nhà nước; hoạt động của các cơ quan tư pháp; vấn đề cải cách hành chính; việc thí điểm chương trình giáo dục phổ thông, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng; lao động, việc làm; xoá đói giảm nghèo; đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Do cách làm được cải tiến một bước, nhiều chuyên đề giám sát mang lại hiệu quả tích cực, như: hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã; việc chống thất thu, bảo đảm nguồn thu, tiết kiệm chi; vấn đề giao lưu kinh tế qua biên giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ (NGO); việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Chương trình 135 và việc lồng ghép các chương trình quốc gia dành cho các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và nhiều chuyên đề về xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Cùng với đó, hoạt động giám sát tại các kỳ họp Quốc hội được chú ý đổi mới. Quốc hội khóa X từng bước cải tiến việc thảo luận, xem xét báo cáo công tác của các cơ quan nhà nước theo hướng tập trung vào các vấn đề nổi lên, qua đó lựa chọn nội dung đưa vào các nghị quyết của Quốc hội. Nội dung giám sát tại các kỳ họp ngày càng phong phú, được thảo luận dân chủ hơn, chất lượng được nâng cao. Thời gian dành cho xem xét các báo cáo cũng được bố trí thoả đáng. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, biểu hiện tập trung nhất quyền giám sát tối cao của Quốc hội có bước tiến bộ đáng kể, nhất là từ năm 1998, khi các buổi sinh hoạt này được truyền trực tiếp trên sóng truyền hình, phát thanh và tường thuật tỷ mỷ trên các báo viết. Thông qua chất vấn và trả lời chất vấn công khai, người đứng đầu các cơ quan nhà nước thể hiện trách nhiệm và năng lực của mình trước nhiệm vụ được giao và trước Quốc hội và nhân dân. Đây là hình thức giám sát được đông đảo cử tri quan tâm và đánh giá cao.

Giữa hai kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các đoàn đại biểu Quốc hội đã xây dựng kế hoạch và thực hiện giám sát tại địa phương; đồng thời, cử đại biểu tham gia cùng các đoàn giám sát của các cơ quan Quốc hội tại địa phương. Một số ủy ban của Quốc hội quan tâm phối hợp tốt với các đoàn đại biểu Quốc hội, do đó hoạt động giám sát có hiệu quả hơn, góp phần cùng với địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát hiện và xử lý các vấn đề trong nhiều lĩnh vực quan trọng; giúp địa phương thực hiện tốt chủ trương, chính sách và nâng cao trách nhiệm của các địa phương...

Điểm nhấn của nhiệm kỳ khóa X là, Quốc hội đã chú trọng đổi mới hình thức giám sát trên cơ sở kết hợp giữa việc giám sát tại kỳ họp với các hoạt động giám sát trong thời gian giữa hai kỳ họp; giữa việc nghe báo cáo với việc cử đoàn đi địa phương, cơ sở và làm việc với các bộ, ngành, tổng công ty. Ngoài ra, theo kế hoạch của mình và theo sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn giám sát đã được bố trí đi đến hầu khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Với những nội dung và hình thức giám sát đó, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội khóa X từng bước được nâng lên. Nhiều kiến nghị của các đoàn giám sát đã được Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải quyết kịp thời. Nhiều kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội có ý nghĩa thiết thực, được Chính phủ và
cơ quan hữu quan hoan nghênh. Thông qua hoạt động giám sát, sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan chức năng ngày càng hiệu quả, nhất là trong thảo luận, tìm biện pháp giải quyết các vấn đề đặt ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát vẫn là khâu yếu, còn nhiều hạn chế, có nhiều hoạt động còn hình thức, sự đổi mới còn chậm và hiệu quả chưa thực sự cao. Nội dung giám sát chưa bao quát hết các vấn đề cần thiết, nhất là việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đặc biệt, một số vấn đề bức xúc như: chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, quản lý vốn và tài sản của Nhà nước, cải cách hành chính, được nhân dân đặc biệt quan tâm và các nghị quyết của Đảng nhiều lần đề cập nhưng vẫn chưa được giám sát chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả còn thấp, trong đó, một số vấn đề nổi cộm chưa được giám sát, phát hiện kịp thời. Phương thức giám sát chưa có chuyển biến đáng kể, còn theo nề nếp cũ, có lúc còn né tránh những vấn đề nổi cộm; sự tham gia hoạt động giám sát ngoài kỳ họp của đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội còn ít; một số hoạt động giám sát còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội. Nhiều kiến nghị còn chung chung; chưa thường xuyên đôn đốc, yêu cầu báo cáo việc giải quyết kiến nghị qua giám sát. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tuy đã có hiệu quả, được nhân dân hoan nghênh, nhưng vẫn còn hạn chế như: những câu chất vấn và trả lời chất vấn chưa đi thẳng vào vấn đề; một số nội dung tại các buổi trả lời chất vấn chưa được thực hiện nghiêm túc; việc chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội chưa được thực hiện tốt. Việc sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm về hoạt động giám sát và cơ chế thực hiện kiến nghị sau giám sát chưa được xác định rõ, còn nhiều kiến nghị không được quan tâm giải quyết, dẫn đến hạn chế kết quả, hiệu lực giám sát.

Có tình hình nêu trên trước hết do việc xây dựng chương trình giám sát chưa thật sự bám sát yêu cầu thực tế của cuộc sống và các nghị quyết của Quốc hội, nhất là nghị quyết về nhiệm vụ và ngân sách hằng năm; chưa tập trung vào những vấn đề nóng bỏng, cấp bách về kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác. Phương thức tổ chức giám sát còn nhiều lúng túng; nhiều lúc còn thiếu kết hợp giữa các hình thức giám sát, thiếu phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội; nhiều hoạt động còn dừng lại ở mức nghe báo cáo, nắm tình hình, nên hiệu quả chưa cao. Quốc hội chưa xây dựng và ban hành kịp thời luật pháp về hoạt động giám sát, nên chưa xác định rõ cơ chế, chế tài, trách nhiệm của các cơ quan bị giám sát, quyền hạn của đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát, các yếu tố và điều kiện bảo đảm hiệu quả hoạt động giám sát. Công tác chỉ đạo, điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phối hợp công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội chưa sát sao, chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của các cơ quan Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội trong công tác giám sát.

Về chất lượng, công tác giám sát còn nhiều hạn chế, chưa sâu, chưa phát hiện và đề xuất giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bức xúc, chủ yếu là do phương thức, do năng lực, trình độ, do nể nang, né tránh. Nhiều cơ quan nhà nước chưa nghiêm túc thực thi pháp luật và cũng chưa thực sự coi trọng hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, do đó, nhiều kiến nghị qua giám sát chưa được thực sự tập trung xem xét, giải quyết nghiêm túc.

Điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát còn thiếu, nhất là ở các đoàn đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, nhất là Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội còn quá ít thành viên hoạt động chuyên trách, chưa đáp ứng đúng yêu cầu giám sát.

Tuy còn có những hạn chế, nhưng trên bình diện tổng thể, hoạt động giám sát của Quốc hội khóa X đã có tiến bộ, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, khắc phục được nhiều khuyết điểm, thiếu sót và đề ra những giải pháp có hiệu quả để cùng Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các địa phương tháo gỡ khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

4. Quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo cơ sở cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị

Quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo cơ sở cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Quốc hội khóa X. Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh công tác lập pháp và hoạt động giám sát, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam cần thực hiện đồng thời ba mục tiêu về kinh tế, đó là: bảo đảm có nhịp độ tăng trưởng cao và bền vững; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tạo các điều kiện tiền đề cho bước phát triển sau năm 2000. Để góp phần thể chế hóa các mục tiêu nêu trên, theo chức năng nhiệm vụ của mình, hằng năm Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiệm vụ kinh tế, xã hội, dự toán ngân sách và phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước. Việc chuẩn bị và thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ và ngân sách nhà nước luôn được quan tâm cải tiến, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu được cụ thể hóa để dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, theo thẩm quyền của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiêm túc thực hiện việc quyết định phương án phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, ngành và mức bổ sung từ ngân sách Trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch hằng năm với hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Điều đó đã khẳng định, Nghị quyết của Quốc hội về cơ bản đã phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, góp phần bảo đảm sự ổn định và đưa đất nước phát triển.

Đặc biệt, để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Quốc hội khóa X đã xem xét
kết quả thực hiện Nghị quyết về kế hoạch 5 năm 1996-2000. Trên thực tế, kế hoạch 5 năm 1996-2000 được hoạch định khi Việt Nam vừa hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 1991-1995; đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nền kinh tế đang trên đà phát triển với nhịp độ tăng trưởng ngày càng cao. Trong bối cảnh đó và trước yêu cầu đưa đất nước bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kế hoạch 5 năm 1996-2000 đã đề ra mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức phấn đấu rất cao, nhất là về tốc độ tăng trưởng.

Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 1996-2000, nền kinh tế tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng tương đối cao: Bình quân hằng năm tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7%, nông nghiệp tăng 5,6%, công nghiệp tăng 13,5%, xuất khẩu tăng 21,5%; nhịp độ tăng trưởng kinh tế của các vùng tương đối đồng đều, đặc biệt là miền núi phía Bắc và Tây Nguyên tăng trưởng cao hơn nhịp độ bình quân của cả nước. Tuy tốc độ tăng GDP chưa đạt mức phấn đấu đề ra trong kế hoạch 5 năm (9%-10%/năm), song đó là một kết quả khả quan trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế của khu vực. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có tiến bộ như: Lạm phát giảm; tỷ giá hối đoái giữ được thế ổn định với sự điều hành phù hợp với thị trường; tỷ lệ tiết kiệm trong nước so với GDP tăng khá; cán cân thương mại được cải thiện, cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư; tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP giảm; dự trữ ngoại tệ tăng đáng kể.

Có được những kết quả trên là nhờ nỗ lực phấn đấu của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và những tiến bộ trong công tác quản lý, điều hành của Nhà nước. Nhiều cơ chế, chính sách và biện pháp phát huy nội lực được ban hành, tạo ra bước phát triển mới của các thành phần kinh tế. Vai trò của các loại hình doanh nghiệp được xác định rõ hơn. Cùng với việc tiếp tục đổi mới doanh nghiệp nhà nước, khôi phục các hợp tác xã theo mô hình mới, tiếp tục phát huy tính năng động của kinh tế hộ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có bước phát triển nhanh. Luật doanh nghiệp đi vào cuộc sống cùng với việc tăng cường quan hệ tiếp xúc, đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và chính quyền địa phương với các doanh nghiệp đã đem lại không khí mới cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh. Mặc dù đầu tư nước ngoài giảm sút, nhất là từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế khu vực, song Việt Nam vẫn tăng được tổng mức đầu tư xã hội gấp rưỡi 5 năm trước. Nhờ vậy, qua 5 năm (1996-2000), năng lực sản xuất trong nước tăng lên đáng kể, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được cải thiện, góp phần đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì và khôi phục nhịp độ tăng trưởng.

Mặt khác, qua những khó khăn trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm, Việt Nam nhận thức rõ hơn những mặt yếu kém cơ bản của nền kinh tế, nổi lên là: năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của nhiều doanh nghiệp còn thấp, đặc biệt là hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; hệ thống tài chính - tiền tệ chậm đổi mới và phát triển, có những yếu tố thiếu lành mạnh, chưa bảo đảm vững chắc cân đối kinh tế vĩ mô. Tuy có một số tiến bộ bước đầu, nhưng nhìn chung việc khắc phục những mặt yếu còn chậm.

Trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn, Việt Nam đã cố gắng dành tâm sức và nguồn lực từ ngân sách nhà nước đồng thời phát huy khả năng của các thành phần kinh tế và nhân dân cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, giải quyết các vấn đề xã hội. Nếu như trong 5 năm trước, các lĩnh vực này có những mặt giảm sút, thì trong thời gian 1996-2000, đã có bước phát triển tương ứng với tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là chương trình xóa đói, giảm nghèo, tập trung cho những xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc, gắn với chương trình giải quyết việc làm được ưu tiên đầu tư và tập trung chỉ đạo đã thu được kết quả nổi bật. Đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ở các vùng đều được cải thiện. Những thành tựu đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Tuy vậy, nhìn chung sự phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhất là về chất lượng. Cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực này chậm được đổi mới. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt là các hiện tượng tiêu cực và các tệ nạn đã bị dư luận xã hội phê phán mạnh mẽ, nhưng chưa giải quyết được nhiều, thậm chí có mặt còn trầm trọng thêm.

Công tác quản lý nhà nước và sự điều hành của Chính phủ đã bám sát và nhạy bén với diễn biến của tình hình, có những giải pháp hạn chế tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính, kinh tế khu vực, vừa điều chỉnh các cân đối vĩ mô vừa quan tâm các vấn đề bức xúc của các địa phương và cơ sở. Trong khi ứng phó với tình hình trước mắt đang diễn biến phức tạp, Chính phủ đã cố gắng xúc tiến nhiều công việc có ý nghĩa cơ bản, lâu dài về đổi mới và hoàn thiện thể chế theo nghị quyết của Đảng, xây dựng quy hoạch và kế hoạch trung hạn và dài hạn phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, quan tâm chỉ đạo và giải quyết những vấn đề về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và độc lập, chủ quyền quốc gia. Tuy vậy, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương còn nhiều bất cập, thiếu phối hợp đồng bộ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật chấp hành lỏng lẻo, còn kém hiệu lực và hiệu quả. Công cuộc cải cách hành chính, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí được đề cập nhiều, nhưng việc làm và kết quả còn hạn chế.

Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc, toàn diện các mặt thuận lợi và khó khăn, những nguyên nhân khách quan và chủ quan trong thời gian 1996-2000 và dự báo tình hình trong thời gian 2001-2005, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 55/2001/QH10, ngày 25-12-2001 về kế hoạch 5 năm 2001-2005.

Về mục tiêu tổng quát, Nghị quyết chỉ rõ: kế hoạch 5 năm 2001-2005 có vị trí rất quan trọng trong việc tạo tiền đề vững chắc để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và xây dựng nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp vào năm 2020 với mục tiêu tổng quát là: Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mở rộng kinh tế đối ngoại. Tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người. Tạo nhiều việc làm; cơ bản xoá đói, giảm số hộ nghèo; đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; hình thành một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Nghị quyết cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu: Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm 7,5%. Cơ cấu ngành kinh tế trong GDP đến năm 2005 dự kiến: Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp 20%-21%; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 38%-39%; tỷ trọng các ngành dịch vụ 41%-42%; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,8%/năm; giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 13,1%/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 7,5%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 14%-16%/năm. Giảm tỷ lệ sinh bình quân hằng năm 0,05%; tốc độ tăng dân số vào năm 2005 khoảng 1,2%. Giải quyết thêm việc làm cho khoảng 7,5 triệu lao động, bình quân 1,5 triệu lao động/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 30% vào năm 2005. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi trung học cơ sở đi học đạt 80%; trong độ tuổi trung học phổ thông đi học đạt 45% vào năm 2005. Cơ bản xoá hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10% vào năm 2005. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 22%-25%; đáp ứng 40% nhu cầu thuốc chữa bệnh được sản xuất trong nước; nâng tuổi thọ bình quân vào năm 2005 lên 70 tuổi. Cung cấp nước sạch cho 60% dân số nông thôn.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, trong nội dung Nghị quyết, Quốc hội xác định rõ: thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân, của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động về mọi mặt, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng cao. Đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh để hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với yêu cầu thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh và cải tiến hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Chính phủ cần đổi mới và cải tiến phương thức hoạt động điều hành, thống nhất quản lý vĩ mô, định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ. Phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý ngành và quản lý theo lãnh thổ trên nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2001-2005. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm, nếu có những biến động cần điều chỉnh, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng và hiệu qủa hoạt động trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ và biện pháp đã được Quốc hội thông qua.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên động viên nhân dân phát huy vai trò làm chủ, nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001-2005, tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước.

Với việc xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết về kế hoạch 5 năm 1996-2000 và thông qua Nghị quyết về kế hoạch 5 năm 2001-2005, Quốc hội khóa X thể hiện ngày càng rõ vị trí, vai trò của mình trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Điểm nổi bật trong hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước là tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bầu các nhân sự cấp cao của nhà nước; quyết định cơ cấu của Chính phủ và phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ. Đây là những vấn đề có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình đổi mới về tổ chức và cán bộ của bộ máy nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.

Tiếp theo thành công quan trọng đó, tại kỳ họp thứ chín, sau khi được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội cho thôi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội để tập trung hoàn thành trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp năm 1992 và Điều 16 Nội quy kỳ họp Quốc hội; căn cứ tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã xem xét, quyết định để ông Nông Đức Mạnh được thôi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, tập trung thực hiện trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại phiên họp ngày 21-6-2001, sau khi tham khảo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về danh sách đề cử nhân sự Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giới thiệu ông Nguyễn Văn An, đại biểu Quốc hội khóa VII, X, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, IX; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã quyết định bầu ông Nguyễn Văn An giữ chức Chủ tịch Quốc hội[13].

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chúc mừng Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Văn An tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa X, tháng 6-2001

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chúc mừng Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Văn An tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa X, tháng 6-2001

Phát biểu tại buổi lễ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhấn mạnh: “Trên cương vị mới, tôi sẽ cố gắng hết sức mình góp phần cùng các vị đại biểu Quốc hội, với cử tri và nhân dân cả nước xây dựng Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội”[14].

Ngoài những quyết định quan trọng về thay đổi nhân sự cấp cao của Quốc hội, tại kỳ họp thứ ba, ngày 7-5-1998, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 13 NQ/1998/QH10 về việc đổi tên Bộ Nội vụ thành Bộ Công an. Tiếp đó, trong nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định về việc thay đổi một số nhân sự là thành viên của Chính phủ và xét cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với một số vị đại biểu Quốc hội. Cụ thể:

- Ngày 21-1-1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35 NQ/UBTVQH phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của ông Trần Đình Hoan để nhận nhiệm vụ mới; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hằng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Ngày 15-3-1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74 NQ/UBTVQH phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của ông Lại Văn Cử vì lý do sức khỏe; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Đoàn Mạnh Giao, Quyền Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

- Tại kỳ họp thứ sáu, ngày 11-12-1999, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 25/1999/NQ/QH10, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam của ông Nguyễn Tấn Dũng để tập trung thực hiện nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ[15]. Cùng ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết số 26/1999/NQ/QH10, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Lê Đức Thúy giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết số 27/1999/NQ/QH10, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ của ông Ngô Xuân Lộc.

- Ngày 18-1-2000, Thủ tướng Chính phủ có Tờ trình số 08 và 09/CP-TCCB đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại của ông Trương Đình Tuyển để nhận nhiệm vụ mới và bổ nhiệm ông Vũ Khoan, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại; miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ông Nguyễn Mạnh Cầm để tập trung thực hiện nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ và bổ nhiệm ông Nguyễn Dy Niên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giữa chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Căn cứ vào khoản 8, Điều 91 của Hiến pháp năm 1992 và khoản 8, Điều 6 của Luật tổ chức Quốc hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Trong thời gian Quốc hội không họp, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội, tại phiên họp thứ 28, ngày 28-1-2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và kết luận:

- Ông Trương Đình Tuyển, Ủy viên Trung ương Đảng được Thủ tướng Chính phủ đề nghị và được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X. Trong thời gian giữ chức Bộ trưởng, ông Trương Đình Tuyển đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Do yêu cầu công tác mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để ông Trương Đình Tuyển thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại để nhận công tác khác.

- Ông Vũ Khoan, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, khóa VIII, từ năm 1990 đến nay là Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao. Căn cứ vào yêu cầu, phẩm chất, năng lực và quá trình công tác của cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Vũ Khoan giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại.

- Ông Nguyễn Mạnh Cầm, Ủy viên Bộ Chính trị, được Thủ tướng Chính phủ đề nghị và được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X. Để ông Nguyễn Mạnh Cầm tập trung thực hiện nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để ông Nguyễn Mạnh Cầm thôi kiêm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

- Ông Nguyễn Dy Niên, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, khóa VIII, từ năm 1987 đến nay là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Căn cứ vào yêu cầu, phẩm chất, năng lực và quá trình công tác của cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Dy Niên giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Căn cứ vào quyền hạn, nhiệm vụ được Hiến pháp 1992, Luật tổ chức Quốc hội quy định; đồng thời căn cứ tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết gồm những nội dung sau:

Một là, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại của ông Trương Đình Tuyển để nhận nhiệm vụ mới.

Hai là, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Vũ Khoan, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Ba là, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ông Nguyễn Mạnh Cầm để tập trung thực hiện nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Dy Niên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

- Tại kỳ họp thứ chín, ngày 27-6-2001, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 46/2001/NQ-QH10, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin của ông Nguyễn Khoa Điềm và Nghị quyết số 47/2001/NQ-QH10, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Phạm Quang Nghị giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và ông Nguyễn Danh Thái giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao.

Đối với việc xét cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu của một số vị đại biểu Quốc hội, ngày 22-8-1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 59/1998/NQ-UBTVQH đồng ý để ông Vũ Xuân Trường, đại biểu Quốc hội khóa X, thuộc đơn vị bầu cử số 3 (gồm huyện Vũ Thư và thị xã Thái Bình), tỉnh Thái Bình thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với lý do: là đại biểu Quốc hội, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Vũ Xuân Trường đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với chính quyền cấp dưới, dẫn đến tình trạng khiếu kiện tập thể, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.

Ngày 11-6-1999, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 21/1999/QH10, đồng ý để ông Mai Hồng Thái, đại biểu Quốc hội khóa X (thuộc đơn vị bầu cử số 1, gồm các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị và thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Ngày 21-12-1999, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 28/1999/NQ/QH10, về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh Hạnh, đại biểu Quốc hội khóa X, thành phố Hà Nội (thuộc đơn vị bầu cử số 8 huyện Sóc Sơn) vì báo cáo sai sự thật về việc thẩm định Dự án “Thủy cung Thăng Long”, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, bị giảm sút về uy tín. Cũng trong ngày 21-12-1999, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/1999/NQ/QH10, về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Vũ Xuân Thuật (Vũ Thuật), đại biểu Quốc hội khóa X, tỉnh Hà Nam, (thuộc đơn vị bầu cử số 1 gồm các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên và thị xã Phủ Lý) vì thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, gây ảnh hưởng xấu đến đoàn kết nội bộ, thiếu trung thực, uy tín bị giảm sút.

Ngoài những nội dung công việc theo thường lệ, nét nổi lên trong nhiệm kỳ khóa X, là Quốc hội đã quan tâm đi sâu vào những vấn đề phức tạp và thực sự là những vấn đề trọng đại của đất nước. Cụ thể, ngay từ đầu nhiệm kỳ, để tạo cơ sở pháp lý thực hiện quyền quyết định các công trình, dự án quốc gia, ngày 29-11-1997, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 05/1997/QH10 về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Theo Nghị quyết này, công trình có một trong các tiêu chuẩn sau là công trình quan trọng quốc gia: Công trình có quy mô vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng Việt Nam trở lên (theo thời giá năm 1997). Công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hay có tiềm ẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Công trình phải di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên ở vùng đông dân cư, từ 20.000 người trở lên ở miền núi, vùng dân tộc, thiểu số. Công trình bố trí trên các địa bàn đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, tài nguyên đặc biệt. Công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội xem xét, quyết định...

Trên cơ sở Nghị quyết số 05/1997/QH10 về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, ngày 5-12-1997, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 06/1997/QH10 về dự án Khí - Điện - Đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Quốc hội quyết nghị: Dự án Khí - Điện - Đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu là công trình quan trọng quốc gia và thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các công trình trong Dự án Khí - Điện - Đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm các công trình khai thác, vận chuyển và sử dụng khí. Tiếp đó là Nghị quyết số 07/1997/QH10 về dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Theo quyết nghị, Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất là công trình quan trọng quốc gia; đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Cũng trong ngày 5-12-1997, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 08/1997/QH10 về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, quyết nghị: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là công trình quan trọng quốc gia. Thông qua chủ trương đầu tư trồng mới 5 triệu ha rừng trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2010 với các mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chú trọng bảo vệ vốn rừng hiện có và rừng trồng mới, phát huy có hiệu quả chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát huy tính đa dạng sinh học, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của đất nước, đưa tỷ lệ che phủ lên trên 40% diện tích của cả nước; tạo ra vùng nguyên vật liệu gắn với sự phát triển của công nghiệp chế biến lâm sản; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho dân cư, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất và ổn định đời sống, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đây là những dự án có ý nghĩa lớn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo làm tốt việc chuẩn bị triển khai thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ, nguồn vốn, yêu cầu về hiệu quả kinh tế, xã hội và hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện. Đồng thời, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các nghị quyết này của Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội dành công sức, thận trọng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La - một công trình lớn và phức tạp, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới. Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 520/CP-CN ngày 13-6-2001 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 651/UBKHCNMT10 ngày 16-6-2001 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ngày 29-6-2001, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 44/2001/QH10, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La với các nhiệm vụ chủ yếu: Cung cấp điện năng để phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần chống lũ về mùa mưa và cấp cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc.

Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La là công trình có quy mô lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quốc gia. Quốc hội nhất trí cho rằng, việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu về điện năng cho phát triển kinh tế, xã hội mà còn đáp ứng yêu cầu chống lũ, cấp nước cho đồng bằng sông Hồng, có ảnh hưởng lớn đến môi trường, giao thông, an ninh, quốc phòng, tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bố trí lại dân cư và cuộc sống của đồng bào trên một vùng rộng lớn. Do tầm quan trọng và quy mô của dự án, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu một cách thận trọng để lựa chọn phương án tối ưu nhất trước khi trình Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội khóa X cũng đã nghe báo cáo và cho ý kiến về Dự án đường Hồ Chí Minh để Chính phủ có cơ sở tiếp tục chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế và chủ động hội nhập khu vực và thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hai bên cùng có lợi; tại kỳ họp thứ bảy, ngày 9-6-2000, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nội dung Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc thành đường biên giới hòa bình, ổn định và bền vững mãi mãi, góp phần giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền triển khai sớm các việc cần thiết để ký kết Nghị định thư phân giới, cắm mốc và xác định bản đồ chi tiết; bố trí ngân sách thực hiện Hiệp ước; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành liên quan tới quản lý đường biên giới, địa giới hành chính, sớm ổn định đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới; cùng các cơ quan có thẩm quyền liên quan của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp ước và xử lý đúng đắn, kịp thời những vấn đề phát sinh. Chính phủ tiến hành thủ tục đối ngoại về phê chuẩn Hiệp ước và thông báo, hướng dẫn các cơ quan hữu quan thi hành Hiệp ước này.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa một lần nữa khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam cùng nhân dân Trung Quốc xây dựng đường biên giới Việt - Trung thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và bền vững, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi.

Sau Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ; tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại. Việc đàm phán và ký kết Hiệp định này là bước đi cần thiết trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định thiết lập và phát triển các quan hệ kinh tế thương mại với Hoa Kỳ trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Mọi hành động đi ngược lại các nguyên tắc này sẽ gây phương hại cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai bên, kể cả việc thực thi Hiệp định.

Việc Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn Hiệp định và ngày 11-12-2001 Hiệp định bắt đầu có hiệu lực đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sự kiện này một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, sẵn sàng phát triển sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, vì hòa bình và phát triển. Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể, đồng bộ; tiến hành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo đảm thi hành Hiệp định.

Mặc dù chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của đất nước và nhân dân, nhưng việc thực hiện chức năng xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng được Quốc hội đổi mới và có những tiến bộ rõ rệt. Các nội dung cần xem xét, quyết định đều được các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan hữu quan tập trung công sức, trí tuệ, tích cực chuẩn bị và được trình, thảo luận nghiêm túc, dân chủ, giảm dần tính hình thức. Chính phủ đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, sơ kết, tổng kết và báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết. Do đó, những vấn đề được Quốc hội quyết định đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và kiện toàn bộ máy nhà nước, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước phát triển.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn nhiều khó khăn, nổi lên ở một số điểm chủ yếu: Quốc hội chưa thực hiện đầy đủ quyền quyết định phân bổ ngân sách nhà nước như Hiến pháp quy định. Việc xem xét quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình quốc gia, các dự án đầu tư lớn cũng như các vấn đề quan trọng về tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước phần nào vẫn còn mang tính hình thức, chất lượng còn hạn chế. Trong một số trường hợp, thẩm quyền quyết định của Quốc hội chưa được tôn trọng và phát huy đầy đủ; có dự án số liệu đưa ra chưa thật chuẩn xác như Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng. Một trong những nguyên nhân của tình hình này là các cơ quan chuẩn bị chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tư liệu cần thiết; sự phối hợp giữa cơ quan trình dự án với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội có lúc chưa thật chặt chẽ nên Quốc hội còn bị động với nhiều vấn đề do Chính phủ trình. Đồng thời, bản thân Quốc hội cũng còn những hạn chế; các cơ quan chuyên môn giúp về kiểm toán, về thẩm định các vấn đề khoa học, kỹ thuật còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét quyết định những vấn đề lớn, phức tạp, nhất là các vấn đề có tính chuyên sâu. Đây là những bất cập cần phải tích cực khắc phục để thực hiện tốt yêu cầu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đòi hỏi ngày càng cao trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

5. Tích cực đổi mới công tác đối ngoại, góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước

Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, tích cực, năng động, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đến năm 1996, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước, có quan hệ thương mại với hơn 100 nước trên tất cả các châu lục trên thế giới.

Phát huy những kết quả đạt được, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, Nhà nước là: “củng cố môi trường hòa bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[16]. Đại hội khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết các vấn đề tồn tại và các tranh chấp bằng thương lượng”[17].

Về chính sách đối ngoại với các nhóm quan hệ cụ thể, Đại hội lần thứ VIII của Đảng xác định: Ra sức tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN, không ngừng củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, coi trọng quan hệ với các nước phát triển và các trung tâm kinh tế, chính trị trên thế giới, đồng thời luôn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết anh em với các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, với Phong trào Không liên kết. Mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân, quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển.

Về định hướng mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, nêu rõ: Đẩy mạnh xuất khẩu, coi xuất khẩu là hướng ưu tiên và là trọng điểm của kinh tế đối ngoại; điều chỉnh cơ cấu thị trường để vừa hội nhập khu vực vừa hội nhập toàn cầu, xử lý đúng đắn lợi ích giữa ta với các đối tác; chủ động tham gia cộng đồng thương mại thế giới, các diễn đàn, các tổ chức, các định chế quốc tế một cách có chọn lọc, với bước đi thích hợp; thử nghiệm để tiến tới việc đầu tư ra nước ngoài.

Tháng 4-2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội nhận định tổng quát sau 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội 1991-2000, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội; phá được thế bị bao vây, cấm vận, mở rộng được quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó, Đại hội xác định nhiệm vụ đối ngoại là “tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập và chủ quyền quốc gia, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[18].

Đại hội đề ra phương hướng đối ngoại với các đối tác cụ thể như: Coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng; nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác với các nước ASEAN; thúc đẩy quan hệ đa dạng với các nước phát triển và các tổ chức quốc tế. Đẩy mạnh hoạt động ở các diễn đàn đa phương; tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu; tiếp tục mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền;
mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân. Đại hội đã đề ra chủ trương xây dựng “quan hệ đối tác” trong đường lối đối ngoại.

Ý nghĩa của chủ trương xây dựng “quan hệ đối tác” được thể hiện từ chỗ các hoạt động đối ngoại thiên về bảo vệ các lợi ích chính đáng của dân tộc chuyển sang trạng thái vừa giữ vững mục tiêu, vừa phát huy, đề cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, tham gia một cách chủ động vào các diễn đàn khu vực và quốc tế. Về thực tiễn, việc xây dựng quan hệ đối tác là sự nâng cấp các quan hệ song phương, trong đó đặc biệt chuyển mối quan hệ với các nước lớn và các thể chế quốc tế từ bình thường hóa quan hệ sang mối quan hệ ổn định, lâu dài và đi vào chiều sâu, vì lợi ích của hai bên.

Có thể nói, chủ trương xây dựng quan hệ đối tác được đề ra ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng là một mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển về chất trong tiến trình quan hệ quốc tế Việt Nam thời kỳ đổi mới. Mặt khác, cũng từ phương châm đối ngoại của Đảng được nêu ra tại Đại hội lần thứ IX đã thể hiện ý nghĩa tích cực trên cả hai lĩnh vực: về chính trị đối ngoại, là sự khẳng định vị thế mới của đất nước trong quan hệ chính trị quốc tế (chuyển từ vị thế được xác định ở Đại hội VII- “Việt Nam muốn là bạn” sang “Việt Nam sẵn sàng là bạn” với các nước); về quan hệ kinh tế đối ngoại, với việc xác định Việt Nam là đối tác tin cậy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các nước trong cộng đồng quốc tế đã khẳng định vị thế nền kinh tế nước nhà trong quan hệ kinh tế quốc tế. Và, qua phương châm đối ngoại của mình, Việt Nam đã gửi thông điệp đến với thế giới mục tiêu đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế của Việt Namphấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Nằm trong hoạt động đối ngoại chung của đất nước, phát huy những thành tích và kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa IX (1992-1997) và quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại của Quốc hội khóa X được đẩy mạnh trên cả lĩnh vực đa phương và song phương, góp phần thúc đẩy quan hệ nhà nước, phục vụ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời kỳ đổi mới.

Trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa X, quan hệ đối ngoại song phương là một nội dung quan trọng. Hằng năm, kế hoạch hoạt động đoàn ra, đoàn vào của Quốc hội được xác lập với sự phối hợp với các cơ quan đối ngoại của Nhà nước, của Đảng trên cơ sở những nhiệm vụ và yêu cầu đối ngoại cụ thể. Quan hệ đối ngoại song phương của Quốc hội khóa X được triển khai khá toàn diện, trong đó, quan hệ với Quốc hội các nước láng giềng và khu vực luôn được Quốc hội Việt Nam chú trọng và đã mang lại những kết quả tích cực.

Trên cơ sở của tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ đối ngoại giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào luôn được đẩy mạnh. Chương trình hợp tác giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thoả thuận từ năm 1994 hằng năm đã được bổ sung, hoàn thiện, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đề ra.

Trong nhiệm kỳ khóa X, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã tiến hành trao đổi các đoàn cấp cao. Nổi bật là chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu (2-2001), chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam tháng 12-2000 của Đoàn đại biểu Quốc hội Lào do Chủ tịch Quốc hội Xamán Vinhakệt dẫn đầu. Cùng với đó, hằng năm, Quốc hội Việt Nam đón từ 3 đến 5 đoàn cấp Ủy ban và Văn phòng Quốc hội Lào sang trao đổi về tất cả các lĩnh vực mà bạn quan tâm như đối ngoại, lập pháp, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Để nâng cao sự hiểu biết, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, Quốc hội hai nước đã tổ chức thành công 2 cuộc hội thảo lớn tại Cửa Lò, Nghệ An (Việt Nam) và Viêng Chăn (Lào). Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Lào, theo đề nghị của bạn, Quốc hội Việt Nam đã giúp Quốc hội Lào xây dựng Trung tâm thông tin, trang bị máy vi tính và đào tạo cán bộ về lĩnh vực công nghệ tin học cho bạn. Với sự giúp đỡ của Quốc hội Việt Nam, tháng 8-2001, Quốc hội Lào đã hoàn thành việc đưa trang chủ lên mạng Internet, qua đó nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội Lào. Kết quả hợp tác giữa hai Quốc hội góp phần quan trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cùng với việc thúc đẩy quan hệ với Quốc hội Lào, trong nhiệm kỳ khóa X, quan hệ song phương giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Vương quốc Campuchia luôn được tăng cường. Các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Hoàng thân N.Ranarit (5-1999), Chủ tịch Thượng viện Cheaxim (7-1999) và chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (2-2000) là những sự kiện rất quan trọng trong quan hệ giữa hai Quốc hội trong giai đoạn này.

Các chuyến thăm của những nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Campuchia đã góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước lên một tầm cao mới. Trên tình hữu nghị chân thành, các vị lãnh đạo Campuchia khẳng định, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Campuchia luôn biết ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam trước đây cũng như việc Việt Nam ủng hộ một cách có hiệu quả để Campuchia gia nhập ASEAN (tại Hà Nội) và Quốc hội Campuchia trở thành thành viên AIPO. Biên bản ghi nhớ về sự hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Campuchia (cả Thượng viện và Hạ viện) được ký kết trong các chuyến thăm đã thể hiện những nguyên tắc cơ bản của sự hợp tác song phương, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của sự hợp tác đó trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa, giáo dục cũng như việc giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước như vấn đề biên giới, vấn đề kiều dân.

Song song với việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ với hai nước Lào và Campuchia, từ năm 1997-2002, quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp của Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển mới rất quan trọng. Những sự kiện nổi bật trong quan hệ song phương này là chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu (2-2000) và chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do Ủy viên trưởng Lý Bằng dẫn đầu (9-2001). Hai chuyến thăm nêu trên và việc trao đổi đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội diễn ra từ năm 1997-2002 đã góp phần củng cố và phát triển mạnh mẽ quan hệ nhiều mặt giữa hai nước. Ngoài ra, xuất phát từ đòi hỏi khách quan và nhu cầu thực tế của mỗi nước, lãnh đạo cao nhất của hai Đảng đã xác định phương châm quan hệ hai nước “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, hai bên khẳng định trong tình hình mới, quan hệ Việt - Trung có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi nước và đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Bằng việc phê chuẩn Hiệp định biên giới trên bộ (2000) và việc ký Hiệp định phân chia lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, cũng như việc hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện thế giới với khu vực, đặc biệt là quá trình soạn thảo “Tuyên ngôn châu Á” về “Quyền con người” thông qua tại diễn đàn Hội nghị lần thứ ba của
Hiệp hội các nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP) tại Bắc Kinh năm 2002, các cơ quan lập pháp hai nước đã góp phần quan trọng củng cố và thắt chặt mối quan hệ Việt - Trung.

Ngoài những mối quan hệ song phương nêu trên, quan hệ song phương giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước Đông Nam Á được tăng cường thông qua diễn đàn AIPO. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các đoàn bạn tại Hội nghị AIPO hằng năm đã hình thành mối quan hệ hiểu biết và hợp tác giữa các đại biểu Quốc hội Việt Nam và nghị sĩ các nước ASEAN, nhân tố quan trọng thắt chặt quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện các nước trong khu vực. Nhân dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị chuyên đề của AIPO (1999), Nghị viện các nước ASEAN đều cử đoàn tham dự Hội nghị và thăm Việt Nam. Các đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội Việt Nam cũng đã thăm Mianma, Thái Lan, Malaixia... Ngược lại, các đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội Malaixia và cấp Phó Chủ tịch và Chủ nhiệm Ủy ban một số nước như Philíppin, Thái Lan đã thăm và làm việc tại Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ khóa X, một số đoàn cấp Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội Việt Nam và là đoàn nghiên cứu theo chuyên đề đã thăm và làm việc tại Nhật Bản, Ôxtrâylia, Hàn Quốc. Thông qua quan hệ giữa các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cuộc tiếp xúc tại diễn đàn nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước trong khu vực tiếp tục được duy trì và tăng cường mạnh mẽ.

Trong quan hệ với Quốc hội của các nước thuộc khu vực khác, các đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội Việt Nam đã tiến hành các cuộc thăm hữu nghị chính thức và làm việc tại một số nước thuộc khu vực châu Âu như: Nga, Bêlarút, Italia, Anh, Hunggari, Ba Lan, Pháp, Đức và khu vực Nam Á, Trung Đông như: Ấn Độ , Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Côoét, Libi, Gioócđani. Đồng thời, mối quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước thuộc khu vực Bắc Mỹ, châu Phi và Mỹ Latinh cũng được mở rộng với các chuyến thăm cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội tới Áchentina, Chilê, Mêhicô, Cộng hòa Nam Phi, Ănggôla, Namibia, Mỹ và Canađa.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh tham dự và phát biểu tại kỳ họp thứ 100 Liên minh Quốc hội thế giới (IPU), tổ chức tại Mátxcơva, ngày 8-9-1998

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh tham dự và phát biểu tại kỳ họp thứ 100 Liên minh Quốc hội thế giới (IPU),

tổ chức tại Mátxcơva, ngày 8-9-1998

Quốc hội Việt Nam cũng đã đón nhiều đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội Cuba, Pháp, Đức, Hà Lan, Irắc, Mỹ, Séc, Bêlarút, Mêhicô, Thụy Điển, Áo, Bỉ, Thụy Sĩ và một số nước khác sang thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam.

Trong các chuyến thăm, các đoàn nghị sĩ bày tỏ sự ủng hộ công cuộc đổi mới và đánh giá cao thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được trong hơn 15 năm qua, khẳng định chủ trương đoàn kết, hợp tác với Việt Nam, cam kết thúc đẩy Chính phủ và các doanh nghiệp tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại song phương. Thông qua hợp tác song phương, Quốc hội Việt Nam có điều kiện nghiên cứu kinh nghiệm của Quốc hội các nước về tổ chức, hoạt động của Nghị viện. Đồng thời, Quốc hội Việt Nam đã tiếp nhận được một số dự án cụ thể góp phần nâng cao năng lực phục vụ của bộ máy Văn phòng Quốc hội.

Quan hệ với Quốc hội Nhật Bản, Pháp, Nghị viện châu Âu, Thụy Điển, Hàn Quốc, Ôxtrâylia phát triển tốt đẹp góp phần mang lại hiệu quả kinh tế. Thông qua quan hệ hợp tác thường xuyên, Quốc hội các nước nói trên có vai trò đáng kể trong việc tăng viện trợ ODA, tăng cô-ta hàng dệt may, thủy sản của Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Một số nghị sĩ trước đây chống đối Việt Nam về nhân quyền, dân chủ đã có thái độ hợp tác tích cực hơn dựa trên quan điểm khách quan, toàn diện.

Quốc hội Việt Nam còn có nhiều hoạt động trong quan hệ với Quốc hội Mỹ, nhằm mục tiêu góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ lên một tầm cao mới. Thực tiễn cho thấy, kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhiều nghị sĩ Mỹ sau khi thăm Việt Nam đã có quan điểm tích cực và đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ. Trong nhiệm kỳ khóa X, Quốc hội Việt Nam luôn kiên trì chủ trương vừa tích cực vận động hợp tác, vừa kiên quyết đấu tranh chống lại quan điểm và hành động sai trái của những phần tử thù địch trong Quốc hội Mỹ.

Hằng năm, Quốc hội Việt Nam đón trên dưới 10 đoàn nghị sĩ và quan chức cấp cao của Quốc hội Mỹ. Các đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Việt Nam bao gồm nhiều lĩnh vực như: đối ngoại, tài chính - ngân sách, thương mại, an ninh, xã hội. Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ là việc ký kết Hiệp định thương mại song phương (7-2000) và Hạ viện Mỹ phê chuẩn Hiệp định tháng 9-2001. Thượng viện cũng phê chuẩn Hiệp định vào tháng 10-2001. Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định này tại kỳ họp thứ 10 năm 2001. Đó là dấu mốc lớn trong quan hệ Việt - Mỹ cũng như Quốc hội hai nước những năm đầu thế kỷ XXI.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số biểu hiện tiêu cực và sai trái của Quốc hội Mỹ đã ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa hai Quốc hội và nhân dân hai nước. Đó là việc hai lần thông qua văn bản luật về cái gọi là vấn đề nhân quyền tại Việt Nam như Nghị quyết 295, ngày 3-5-2000; Đạo luật nhân quyền Việt Nam HR-2388, tháng 9-2001 và một số tuyên bố xuyên tạc sự thật của nghị sĩ Giôn Mắckên nhân dịp 25 năm kết thúc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Trước những hành động đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện một số biện pháp như: mời Đại sứ Mỹ đến để phản đối, ra tuyên bố phản đối, bày tỏ thái độ chính thức của Quốc hội Việt Nam với một số đoàn nghị sĩ Mỹ, tranh thủ các diễn đàn Nghị viện quốc tế phê phán việc làm sai trái của Quốc hội Mỹ, nói rõ quan điểm và thái độ của Việt Nam. Những biện pháp trên đây đã góp phần làm cho một số nghị sĩ và chính giới Mỹ nhận thức rõ hơn thực chất của vấn đề và bớt đi những hành động chống đối Việt Nam.

Một thành công của hoạt động đối ngoại Quốc hội khóa X là các Tổ chức nghị sĩ Việt Nam luôn đẩy mạnh hoạt động hữu nghị với các nước, qua đó làm cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội luôn sinh động, hiệu quả. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa X đã thành lập Tổ chức nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước, gồm các nhóm nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với trên 30 quốc gia thuộc các châu lục khác nhau.

Tổ chức nghị sĩ hữu nghị là phương thức hoạt động ngoại giao nghị viện mới, khá linh hoạt, mềm dẻo và hiệu quả, được Quốc hội nhiều nước quan tâm áp dụng. Hình thức hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trực tiếp thông qua các đại biểu của mình là các nghị sĩ Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ khóa X, một số nhóm nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam đã có những hoạt động tích cực và đem lại những kết quả đáng khích lệ như các nhóm nghị sĩ hữu nghị với Campuchia, Lào, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Áchentina, Côoét, Nghị viện châu Âu. Các hoạt động diễn ra dưới nhiều hình thức như tổ chức đón tiếp các đối tác vào thăm và làm việc tại Việt Nam, tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế, tham gia các đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam đi thăm các nước, quan hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, hoạt động trên lĩnh vực này còn nhiều hạn chế do chưa được quan tâm thích đáng; việc thành lập các nhóm nghị sĩ hữu nghị còn dàn trải; kinh phí hoạt động có hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của đông đảo các vị đại biểu Quốc hội.

Một trong những đổi mới về hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa X là đã đẩy mạnh quan hệ Nghị viện đa phương. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, cơ chế hoạt động Nghị viện đa phương của Quốc hội Việt Nam tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, nhằm góp phần hỗ trợ cho những nỗ lực hợp tác quốc tế và khu vực của Chính phủ. Đến năm 2002, Quốc hội Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các tổ chức liên nghị viện quốc tế và khu vực như: Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hiệp hội Nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP) và một số tổ chức liên nghị viện chuyên ngành khác. Hoạt động cụ thể nổi lên những nét sau:

Với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU)[19], Quốc hội Việt Nam đã tham gia đầy đủ các kỳ họp và có những đóng góp tích cực vào hoạt động của Liên minh Nghị viện, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Lần đầu tiên, ngày 8-9-1998 Chủ tịch Quốc hội Việt Nam dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị IPU lần thứ 100 tổ chức tại Mátxcơva và Hội nghị các vị đứng đầu cơ quan lập pháp các nước trên thế giới tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc Niu Oóc, (9 -2000).

Tranh thủ diễn đàn Nghị viện rộng rãi và có uy tín này, Quốc hội Việt Nam đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thông báo những thành tựu của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế. Đặc biệt tại các diễn đàn này, Việt Nam nhiều lần kịp thời lên án chính sách cường quyền áp đặt chống các quốc gia có chủ quyền, chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba, I rắc... và kêu gọi giải quyết các mâu thuẫn và xung đột quốc tế bằng biện pháp đối thoại hòa bình, tôn trọng các nghị quyết của Liên hợp quốc. Tại kỳ họp Đại hội đồng IPU 106, Việt Nam nêu rõ quan điểm lên án việc Hạ viện Mỹ thông qua “Đạo luật nhân quyền Việt Nam”, khẳng định Mỹ không có quyền phán xét vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và kêu gọi Quốc hội các nước ngăn chặn hành động sai trái này của Hạ viện Mỹ.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc, Ủy ban Đối ngoại với danh nghĩa Đoàn IPU Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về vấn đề quyền con người với sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội, qua đó cung cấp cho các vị đại biểu thông tin cơ bản về IPU. Thông qua diễn đàn IPU, mối quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện nhiều nước được thiết lập và củng cố. Ban lãnh đạo IPU và các đoàn thành viên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự đóng góp của Quốc hội Việt Nam đối với tổ chức Liên minh Nghị viện toàn cầu này.

Với Tổ chức Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO)[20]. Với việc hình thành ASEAN-10, AIPO đã hội tụ đủ đại diện từ 10 nước. Tuy nhiên, do Brunây và Mianma chưa có Quốc hội nên hai nước này tham gia AIPO với tư cách quan sát viên đặc biệt. Ngoài ra, AIPO có quan hệ đối tác chặt chẽ với các quan sát viên gồm đại diện nghị viện Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ôxtrâylia, Canađa, Papua Niu Ghinê, Niu Dilân và Nghị viện châu Âu.

Thắng lợi của Hội nghị cấp cao ASEAN-6 tại Hà Nội (12-1998) với việc thông qua Tuyên bố chung, Chương trình hành động Hà Nội cùng các văn kiện quan trọng khác trong bối cảnh ASEAN đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính và việc Việt Nam đảm nhiệm và hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch diễn đàn an ninh khu vực ARF nhiệm kỳ 2000-2001 đã làm cho vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và thế giới không ngừng được nâng cao. Phối hợp với Chính phủ, Quốc hội Việt Nam có nhiều nỗ lực góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết AIPO. Quốc hội Việt Nam đã đăng cai Hội nghị chuyên đề AIPO về “Vai trò của các cơ quan lập pháp trước cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính khu vực” năm 1999 và Hội nghị chuyên đề chống ma tuý năm 2002. Các hội nghị chuyên đề là diễn đàn để Quốc hội các nước khu vực trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp góp phần giúp Chính phủ các nước sớm đưa ra các chương trình kinh tế, xã hội phù hợp trong chiến lược phát triển chung.

Tại Đại hội đồng AIPO lần thứ 22, Quốc hội Việt Nam chính thức tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch AIPO nhiệm kỳ 2001-2002, đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPO 23 tại Hà Nội vào tháng 9-2002. Đây là sự kiện chính trị quốc tế quan trọng của Quốc hội Việt Nam. Để làm tốt nhiệm vụ chính trị đối ngoại này, trong năm 2002, Quốc hội Việt Nam đã triển khai các công việc cần thiết, tạo nên một chuyển biến mới về hoạt động của AIPO trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch.

Phiên họp toàn thể lần thứ nhất kỳ họp Đại hội đồng AIPO-23,
tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, ngày 10-9-2002

Với Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF)[21]. Trong nhiệm kỳ khóa X, Phân ban Việt Nam tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành và Chủ tịch Phân ban được bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ. Nhìn chung, hoạt động của Phân ban Việt Nam được triển khai theo tinh thần Tuyên bố Hà Nội 1997 của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, thúc đẩy hợp tác để cùng phát triển và dân chủ gắn liền với phát triển. Phân ban đã đảm nhiệm 4 báo cáo chuyên đề trước Đại hội đồng APF về “chuyển giao công nghệ, hợp tác Nam - Nam, đầu tư đa phương và toàn cầu hóa kinh tế với Cộng đồng Pháp ngữ”. Đại hội đồng APF đã thông qua hai nghị quyết về đầu tư đa phương (7-2000) và về những nỗ lực để thu hẹp các hố ngăn cách (7-2001).

Phân ban Việt Nam đã đăng cai một cuộc họp của Ủy ban Hợp tác và Phát triển, tháng 3-1999 tại Thành phố Hồ Chí Minh và đã tiếp nhận chương trình hợp tác Liên Nghị viện về thông tin tư liệu PARDOC (1997-1999) trị giá 200.000 FF.

Với Diễn đàn Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPF). Năm 1993 Quốc hội Việt Nam là thành viên sáng lập APPF. Diễn đàn là một cơ chế để nghị sĩ các nước trong khu vực thảo luận trao đổi quan điểm về một số vấn đề quan trọng và cấp bách của khu vực như an ninh, hòa bình, xây dựng khu vực phi hạt nhân và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, hợp tác kinh tế, chống độc quyền, tự do hóa thương mại, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. APPF hoạt động theo nguyên tác đối thoại thẳng thắn và xây dựng trên một quy mô rộng lớn các chủ đề thảo luận như đã nêu. APPF có đại diện của 25 quốc gia tham gia cơ chế Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hoạt động của Quốc hội Việt Nam tại diễn đàn này góp phần củng cố mối quan hệ nghị viện với Quốc hội một số nước có vị trí quan trọng như Mỹ, Nga, Nhật, Canađa, Trung Quốc. Tại Hội nghị thường niên ở Pêru (1-1999), Quốc hội Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành APPF nhiệm kỳ 1999-2001.

Với Hiệp hội các Nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP). Tháng 12-1999, theo sáng kiến của Quốc hội Bănglađét, Hội nghị thành lập AAPP được tiến hành tại thủ đô Đắcka. Quốc hội Việt Nam là thành viên sáng lập của Hiệp hội. Tại Hội nghị này có đại diện của 31 đoàn đại biểu Quốc hội các nước châu Á tham gia. Với nhu cầu tăng cường đoàn kết hợp tác giữa các nhà lập pháp khu vực vì hòa bình và phát triển, AAPP mong muốn đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn với nhiều hình thức có tính chất cơ chế.

Với tinh thần đó, Hội nghị lần thứ hai của AAPP được tổ chức tại Phnôm Pênh tháng 1-2001. Hội nghị đề xướng việc dự thảo và thông qua Tuyên ngôn châu Á về quyền con người, yêu cầu các nghị viện thành viên tham gia tích cực vào quá trình này. Với tinh thần chủ động tiến công chống lại các thế lực thù địch chống phá Việt Nam và một số quốc gia châu Á về vấn đề dân chủ, nhân quyền, được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã đưa ra một Dự thảo Tuyên ngôn châu Á về quyền con người. Dự thảo được gửi các nước thành viên để xem xét, thảo luận tại hội nghị Bắc Kinh (2002).

Đi đôi với quan hệ nghị viện đa phương kể trên, từ năm 1997-2002, Quốc hội Việt Nam cũng đã đẩy mạnh quan hệ với các diễn đàn nghị viện đa phương khác như: Diễn đàn các Nghị sĩ về Dân số và Phát triển châu Á -Thái Bình Dương (AFPPD)[22]; Liên minh nghị sĩ các nước châu Á - Thái Bình Dương (APPU)[23]; Tổ chức Nghị sĩ thầy thuốc Thế giới (IMPO)[24].

Thông qua các hoạt động hữu nghị song phương và qua các diễn đàn Nghị viện đa phương, Quốc hội Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của Nghị viện các nước trên thế giới về công tác lập pháp, giám sát và hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Đến năm 2002, Văn phòng Quốc hội quản lý và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế như Dự án VIE 96/016 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ để tăng cường năng lực hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Cùng với đó, Văn phòng Quốc hội tiếp tục thực hiện giai đoạn hai của Dự án Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) giúp hình thành và tổ chức mạng thông tin điện tử tại trụ sở 35 Ngô Quyền và Dự án hợp tác do Quốc hội và Chính phủ Thụy Điển tài trợ về tăng cường năng lực hoạt động của các đại biểu dân cử.

Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì dự án VIE/97/P18 với sự tài trợ của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhằm hỗ trợ hoạt động truyền thông dân số trong đại biểu dân cử (1997-2000). Ủy ban về Các vấn đề xã hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng tham gia Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách, nâng cao kỹ thuật lập pháp và giám sát, vấn đề lồng ghép giới trong pháp luật (Dự án PIAP do Canađa tài trợ).

Góp phần vào thành công của công tác đối ngoại của Quốc hội khóa X, Ủy ban Đối ngoại đã có nhiều đóng góp tích cực. Trong suốt nhiệm kỳ, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác và Văn phòng Quốc hội trong việc xây dựng kế hoạch, định hướng hoạt động, tổ chức thực hiện thành công công tác đối ngoại của Quốc hội. Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại luôn duy trì mối quan hệ công tác thường xuyên với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và các bộ, ngành liên quan để cùng xử lý những vấn đề đối ngoại phức tạp. Do đó, về cơ bản bảo đảm sự thống nhất giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân trên mặt trận đối ngoại. Kế hoạch, nội dung các hoạt động đối ngoại trọng tâm, các chuyến thăm hữu nghị chính thức, tham dự hội nghị quốc tế của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đều được thống nhất với các cơ quan đối ngoại và được Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo cụ thể.

Ủy ban Đối ngoại cũng đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác trong việc điều hòa chương trình thăm các nước, giúp triển khai chương trình một cách có hiệu quả. Việc phối hợp trong hoạt động đối ngoại đã góp phần làm cho hoạt động đối ngoại hoàn thành đúng mục đích và góp phần phát triển quan hệ song phương giữa Quốc hội Việt Nam và các nước.

Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu, nghiên cứu thông báo kịp thời những thông tin cần thiết và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để giải quyết những vấn đề cần có những nỗ lực chung, như tiếp các đoàn khách Chính phủ, Đảng, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn ngoại giao. Trong nhiệm kỳ khóa X, hằng năm, được sự ủy quyền của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã thẩm định báo cáo Chính phủ về hoạt động đối ngoại của nhà nước và thuyết trình về công tác này tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Ủy ban Đối ngoại cũng đã kiến nghị với Quốc hội những nội dung cụ thể về công tác đối ngoại nêu trong nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm.

Tóm lại, công tác đối ngoại của Quốc hội khóa X được triển khai khá toàn diện trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và phát triển quan hệ đối ngoại song phương cũng như đa phương đúng với quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển nền ngoại giao nghị viện Việt Nam và đóng góp tích cực vào thắng lợi của mặt trận đối ngoại chung của Việt Nam.

Về quan hệ song phương, Quốc hội Việt Nam đã tiếp tục củng cố quan hệ với Quốc hội của tất cả các nước có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực và thế giới, trước hết là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống, một số nước lớn, Nghị viện châu Âu. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Quốc hội mang lại nhiều kinh nghiệm tốt phục vụ công tác lập pháp, giám sát và những hiểu biết về tổ chức, vai trò của Quốc hội các nước; góp phần tranh thủ những lực lượng mới, giải quyết những vướng mắc, tồn tại để tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Là thành viên của hầu hết các diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng của khu vực và thế giới, Quốc hội Việt Nam ngày càng củng cố và phát huy vai trò của mình tại các tổ chức này. Thông qua đó, Quốc hội đã giới thiệu được tình hình Việt Nam, công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bày tỏ thái độ và lập trường có nguyên tắc và nhất quán của Việt Nam về những vấn đề quốc tế phức tạp, nhạy cảm xảy ra. Qua đó, tranh thủ được sự đồng tình của bạn bè và nâng cao vị thế của Việt Nam mà không gây ra những bất lợi trong quan hệ quốc tế. So với nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa X tại các diễn đàn đa phương có những bước tiến bộ quan trọng, thể hiện qua việc Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức được một số hội nghị chuyên đề về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và hoạt động nghị viện được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Từ những kinh nghiệm đó, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch AIPO nhiệm kỳ 2001-2002 và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 tại Hà Nội vào tháng 9-2002, góp phần đáng kể vào thành công của đất nước trên lĩnh vực đối ngoại.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa X vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, công tác thông tin đối ngoại phục vụ các đại biểu Quốc hội nắm bắt kịp thời những diễn biến của tình hình thế giới và các hoạt động của Quốc hội Việt Nam ở các diễn đàn lớn của Nghị viện Thế giới còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đề ra.

 

*

*      *

 

Quốc hội khóa X được cử tri cả nước bầu ra ngày 20 -7-1997. Đó là thời điểm công cuộc đổi mới sau 10 năm đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, Việt Nam đã ra khỏi khủng khoảng kinh tế, xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Trong 5 năm (1997-2002), tình hình trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi, đồng thời cũng có những biến động phức tạp, với nhiều khó khăn thách thức. Kế thừa và phát huy những thành tựu, những kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội khóa X đã tiếp tục đổi mới hoạt động, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng về nhiệm vụ của thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, trước Đảng và đất nước, với sự phấn đấu không ngừng, Quốc hội khóa X đã đổi mới mạnh mẽ hoạt động, thu được những kết quả và những tiến bộ đáng trân trọng, nhất là trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu như công tác lập pháp, hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại.

Trong 5 năm (1997-2002), Quốc hội khóa X tiếp tục đổi mới hoạt động lập pháp, phân định phạm vi thẩm quyền lập pháp của mình, lập và quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đổi mới thủ tục, trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Ðảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, thông qua 1 bộ luật, 34 luật, 44 pháp lệnh, 29 nghị quyết có quy phạm pháp luật, đặc biệt là đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một điều của Hiến pháp năm 1992. Các luật, pháp lệnh Quốc hội thông qua đều đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề bức xúc của cuộc sống và công cuộc phát triển đất nước, bảo đảm tính đồng bộ, hợp hiến, hợp pháp.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa X đã tiến hành giám sát khá toàn diện việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được thể chế hóa trong các luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ 5 năm, nhiệm vụ hằng năm và nhiều vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, Quốc hội khóa X đã thực hiện hình thức giám sát đi sâu khảo sát theo chuyên đề; kết hợp giữa việc giám sát tại kỳ họp với các hoạt động giám sát trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; giữa việc nghe báo cáo với việc cử đoàn đi khảo sát tại các địa phương, cơ sở làm việc với các bộ, ngành, tổng công ty, qua đó hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội từng bước được nâng lên.

Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và các hoạt động khác của công dân; dự toán ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa X được triển khai chủ động trên nhiều địa bàn với nhiều đối tượng khác nhau nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị song phương, nhất là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và các nước trong khu vực khác; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương như AIPO, IPU, AAPP, APF..., thực hiện tích cực nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế của Quốc hội Việt Nam với các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới.

Cùng với đó, bám sát yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Quốc hội khóa X đã bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, giảm dần tính hình thức, hiệu quả hoạt động ngày càng cao. Thực tiễn hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa X cho thấy, Quốc hội đã tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số, bảo đảm hiệu quả hoạt động của Quốc hội bằng hiệu quả các kỳ họp Quốc hội. Tại các kỳ họp, Quốc hội đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của sự nghiệp đổi mới đất nước. Các vấn đề được Quốc hội quan tâm thảo luận kỹ lưỡng, dân chủ và quyết định đúng đắn, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của quần chúng nhân dân. Chính sự đổi mới ấy đã từng bước tạo nên sự tin cậy của nhân dân cả nước đối với Quốc hội, được nhân dân đồng tình, hoan nghênh và đánh giá cao.

Kết quả đạt được của Quốc hội khóa X là toàn diện. Có được kết quả đó, trước hết là do Đảng đã đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Quốc hội; đồng thời Quốc hội đã quán triệt đường lối, chính sách của Đảng vào hoạt động cụ thể của mình; với trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội khóa X đã trân trọng và phát triển sự gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; đó còn là sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các ngành, các cấp; sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và đông đảo quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và lòng mong đợi của nhân dân, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa X vẫn còn có những hạn chế, thiếu sót như: Công tác xây dựng pháp luật chưa thực hiện đầy đủ chương trình đề ra, một số luật, pháp lệnh được ban hành chất lượng chưa cao. Hoạt động giám sát tuy đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn là khâu yếu, còn thiếu đồng bộ, nhiều vấn đề cử tri kiến nghị chưa được xử lý, giải quyết. Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước chưa được xem xét, quyết định kịp thời, chính xác...

Nguyên nhân dẫn đến những thiếu sót, hạn chế về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa X là: nhiều quy định pháp lý về tổ chức hoạt động của Quốc hội được thông qua gần 10 năm chưa được sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa kịp thời cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Điều kiện hoạt động, nhất là điều kiện thời gian của đại biểu Quốc hội dành cho công tác Quốc hội thiếu, đại biểu hoạt động chuyên trách còn quá ít là những trở ngại không nhỏ. Sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và sự phối hợp với các cơ quan hữu quan ngoài Quốc hội cũng có lúc thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả công tác. Bộ máy giúp việc ở Văn phòng Quốc hội và ở các đoàn đại biểu Quốc hội tuy đã được tăng cường từng bước và có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu công tác ngày càng cao phục vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Mặc dù còn một số hạn chế, thiếu sót, nhưng Quốc hội khóa X đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đã đổi mới hoạt động mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

 

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.13.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.130.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.48.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.132-135.

[5]. Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 gồm các ông, bà Nguyễn Văn An (Chủ tịch), Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Thế Duyệt, Trịnh Hồng Dương, Trần Xuân Giá, Trương Mỹ Hoa, Trần Đình Hoan, Phạm Hưng, Nguyễn Khánh, Vũ Đức Khiển, Mai Thúc Lân, Nguyễn Đình Lộc, Lý Tài Luận, Vũ Mão, Trương Tấn Sang.

[6]. Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992: Tờ trình Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, số 06/UB, ngày 19-11-2001, Kỷ yếu của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa X, lưu Văn phòng Quốc hội.

[7]. Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992: Tờ trình Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, số 06/UB, ngày 19-11-2001, Kỷ yếu của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa X, lưu Văn phòng Quốc hội.

[8]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr.134.

[9]. Việc thông qua Nghị quyết về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở sẽ tạo điều kiện bảo đảm đến năm 2010 hầu hết thiếu niên sau khi tốt nghiệp tiểu học được tiếp tục học tập để đạt trình độ trung học cơ sở trước khi hết 18 tuổi. Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ, phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong điều kiện mới.

[10]. Ủy ban Pháp luật đã tổ chức các phiên họp toàn thể, phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra 18 báo cáo công tác hằng năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và báo cáo của Chính phủ về công tác quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức và công tác thi hành án, Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (1997-2002), số 730/UBPL, ngày 15-3-2002.

[11]. Từ năm 1999 đến 2001, thực hiện Kết luận số 168 và 169 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải quyết và phân công việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực tư pháp gửi tới Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã tiếp nhận và xử lý 13.478 đơn thư khiếu nại, tố cáo về 10.577 vụ việc. Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức các đoàn giám sát và tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số vụ án cụ thể, như: năm 1999 tiến hành 6 cuộc giám sát gồm 5 vụ án về lĩnh vực dân sự, 1 vụ án thuộc lĩnh vực hình sự. Năm 2000, tiến hành 5 cuộc giám sát gồm 2 vụ án thuộc lĩnh vực hình sự, 1 vụ án thuộc lĩnh vực kinh tế, 1 vụ án thuộc lĩnh vực lao động... Năm 2001, tiến hành 3 cuộc giám sát gồm 1 vụ án thuộc lĩnh vực thi hành án, 2 vụ án thuộc lĩnh vực dân sự, Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (1997-2002), số 730/UBPL, ngày 15-3-2002.

[12]. Sau mỗi đợt giám sát tại các địa phương, các đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đều có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, Ủy ban đã có 59 bản báo cáo. Ngoài các báo cáo tổng hợp còn có các công văn gửi Chính phủ, các bộ, ngành chức năng ở Trung ương hoặc làm việc trực tiếp về một số đề nghị cụ thể của địa phương để xem xét, quan tâm giải quyết, Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (1997-2002), số 775/UBKTNS, ngày 11-3-2002.

[13]. Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 45/2001/QH10, phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về việc ông Nguyễn Văn An giữ chức vụ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh thay thế ông Nông Đức Mạnh.

[14]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Kỷ yếu của kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa X, lưu Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, 2001, tr.184-185.

[15]. Tại kỳ họp thứ ba, ngày 7-5-1998, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 14/NQ/1998/QH10, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

[16]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.120.

[17]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.120-121.

[18]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr.119-120.

[19]. IPU được thành lập từ 1889. Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên IPU từ năm 1979. Đến 2002, IPU có 141 nghị viện thành viên.

[20]. AIPO được thành lập năm 1977. Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên chính thức của AIPO từ năm 1995.

[21]. Quốc hội Việt Nam tham gia APF từ năm 1991.

[22]. Diễn đàn này bao gồm 18 nước thành viên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mục đích trao đổi và phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ về dân số và phát triển. Quốc hội ta đã tham gia diễn đàn này từ năm 1990 và là thành viên chính thức từ năm 1992.

[23]. APPU được thành lập vào năm 1965. Đến 2002, APPU có đại diện của 19 quốc gia thành viên chính thức, trong đó có mở rộng thành viên tới các quốc đảo ở nam Thái Bình Dương. Đến 2002, Quốc hội Việt Nam tham gia với tư cách là quan sát viên của tổ chức này.

[24]. Đây là một tổ chức nghề nghiệp của các thầy thuốc là nghị sĩ trên thế giới. Quốc hội Việt Nam tham gia từ năm 1994.