70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016)

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Quốc hội chỉ có thể phát huy được vai trò của một thiết chế dân chủ khi nó có thực quyền vàđại diện thực sự cho lợi ích cho nhân dân, của một nước có độc lập. Do đó, để có được một Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân, thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Theo Người “... Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương.

... Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định[1].

Quan điểm “Quốc hội quyết định những công việc quan trọng nhất của nhà nước” còn được thể hiện qua các chế định của Hiến pháp năm 1946 là Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta do Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo. Theo bản văn của Hiến pháp này thì tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam (Điều 1). Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Điều 22). Nghị viện có quyền làm luật (Điều 23). Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại. Nếu Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc Chủ tịch nước phải ban bố (Điều 31). Trong cơ cấu của Nghị viện nhân dân có Ban Thường vụ. Khi Nghị viện nhân dân không họp thì Ban Thường vụ có quyền biểu quyết sắc luật của Chính phủ (Điều 36). Nghị viện có quyền bầu ra Chủ tịch Nước (Điều 45), bầu Thủ tướng, phê chuẩn danh sách Bộ trưởng do Thủ tướng trình, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Nội các ( Điều 47, Điều 54 ), Nghị viện có quyền sửa đổi Hiến pháp nhưng phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70). Như vậy, theo Hiến pháp năm 1946, Nghị viện là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định những công việc quan trọng nhất của nhà nước nhưng quyền lực của Nghị viện cũng bị kiểm tra lại bởi các thiết chế nhà nước và bởi nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp mẫu mực về cách quy địnhngắn gọn, súc tích, văn phong trong sáng và tổ chức khoa học về phân công quyền lực trong bộ máy nhà nước.

Trong mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, theo Hồ Chí Minh, Chính phủ, người đứng đầu nhà nước cũng phải do Quốc hội bầu ra. Đó là lý do vì sao Người rất khẩn trương trong việc chỉ đạo tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Chính phủ chính thức thay cho Chính phủ lâm thời. Và chính Người đã khước từ lời đề nghị của nhân dân về việc để Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vĩnh viễn không qua bầu cử. Nghiên cứu một số hoạt động khác của Hồ Chí Minh còn thấy rằng trong tư tưởng của Người, Quốc hội còn là cơ quan thực hiện quyền kiểm soát đối với Chính phủ và người đứng đầu nhà nước[2].

 

[1]Hồ Chí Minh,Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, Tập 9, tr 586, 590 - 591

[2]Vũ Kỳ, Bác Hồ với đêm trước kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá I, Tạp chí Người đại biểu nhân dân số tháng 4-1996