70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016)

Trước khi được quy định trong Hiến pháp năm 1946, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội đã từng bước được khẳng định trên thực tế qua các kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất vào ngày 2 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội, Quốc hội đã thực hiện những nhiệm vụ của cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ thể là Quốc hội nghe Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ khai mạc và báo cáo những công việc đã làm được trong thời gian trước đó; biểu quyết thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 người, lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban thường trực Quốc hội và quyết định khi Chính phủ muốn tuyên chiến hay đình chiến bắt buộc phải hỏi ý kiến Ban Thường trực.

Tại kỳ họp thứ hai diễn ra từ ngày 28 tháng 10 đến 9 tháng 11 năm 1946, vai trò của Quốc hội được thể hiện rõ nét hơn qua việc thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng về đối nội và đối ngoại. Cụ thể là các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ và Ban Thường trực nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ, việc ký kết hiệp ước Fontainebleau, tạm ước 14-9…Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946 với 240/242 đại biểu biểu quyết tán thành.

Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, đó là "một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông…Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đãđộc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do…, phụ nữ Việt Nam đãđược ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân. Hiến pháp đóđã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết công bằng của các giai cấp”.[1]

Hiến pháp khẳng định nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” Quan điểm này còn được tiếp tục thể hiện tại Điều 21 Hiến pháp 1946 quy định “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia.”

Do hoàn cảnh chiến tranh đang lan rộng, công việc chuẩn bị kháng chiến vô cùng khẩn trương, việc trưng cầu dân ý là bất khả thi nên Quốc hội đã quyết định không đưa Hiến pháp ra trưng cầu dân ý nữa. Bản Hiến pháp đãtrở thành chính thức từ ngày 09 tháng 11 năm 1946. Và cũng vì hoàn cảnh chiến tranh, cho nên Quốc hội đã biểu quyết chưa ban hành Hiến pháp bằng một Sắc lệnh. Việc bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp chưa thể tổ chức được. Như vậy, Quốc hội lập hiến do toàn dân bầu ra ngày 6 tháng 1 năm 1946 trở thành Quốc hội lập pháp và kéo dài nhiệm kỳ hoạt động của mình cho đến năm 1960.

Trong Hiến pháp năm 1946, thẩm quyền của Quốc hội được quy định chung tại Điều thứ 23 là “Nghị viện nhân dân giảiquyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài”. Cách quy định này cho thấy Nghị viện đặt ra pháp luật tức là nắm trọn quyền lập pháp nhưng chỉ quyết định mấy vấn đề đặt biệt lớn (biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước). Ngoài quy định chung tại Điều 23, nhiệm vụ và quyền hạn của Nghị viện còn được thể hiện tại Điều 25 “Nghị viện không chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân”; Nghị viện nhân dân có quyền bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại Điều 45; bầu cử Thủ tướng và các bộ trưởng tại Điều 47 và chế độ trách nhiệm của Thủ trưởng, bộ trưởng trước Nghị viện nhân dân tại Điều 54.

 

[1] Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr. 186.