70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016)

Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định vị trí của Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. So với hai bản Hiến pháp trước đây có điểm mới bổ sung rất quan trọng là lần đầu tiên, Hiến pháp năm 1980 quy định rõ “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”. Đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng để cụ thể hóa chức năng đại diện của Quốc hội trong Luật tổ chức Quốc hội năm 1981 và trong các văn bản khác về Quốc hội.

Điểm mới thứ hai là mở rộng phạm vi thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Theo Điều 82 của Hiến pháp năm 1980, “Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa, những quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân”. Như vậy, về mặt pháp lý, thẩm quyền của Quốc hội trong lĩnh vực này là rất rộng và được quy định rõ ràng hơn so với Hiến pháp năm 1959.

Điểm mới thứ ba là lần đầu tiên, Hiến pháp năm 1980 đã xác định tính chất và đặc điểm chức năng giám sát của Quốc hội là “giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” Quy định này là căn cứ pháp lý quan trọng để phân định rõ hoạt động giám sát của Quốc hội với các hình thức giám sát khác việc thi hành pháp luật ở nước ta.

Thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện ba chức năng: lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao việc thi hành Hiến pháp và pháp luật được cụ thể hóa thành 15 nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể như sau:

1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp;

2. Làm luật và sửa đổi luật;

3. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật;

4. Quyết định kế hoạch Nhà nước và phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch Nhà nước;

5. Quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước;

6. Quy định tổ chức của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng bộ trưởng, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân;

7. Bầu và bãi miễn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng; Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

8. Quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước;

9. Xét báo cáo công tác của Hội đồng Nhà nước, của Hội đồng Bộ trưởng, của Toà án nhân dân tối cao và của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

10. Quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;

11. Quyết định việc phân vạch địa giới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương;

12. Quyết định đại xá;

13. Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình;

14. Quyết định giao cho các tổ chức xã hội việc thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý của Nhà nước;

15. Phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước quốc tế theo đề nghị của Hội đồng Nhà nước.

Ngoài ra, Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết.

Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, thẩm quyền của Quốc hội theo Hiến pháp năm 1980 được mở rộng hơn so với Hiến pháp năm 1959. Ngoài việc quy định Quốc hội bầu và bãi miễn trực tiếp Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng quốc phòng như Hiến pháp năm 1959 quy định thì theo Hiến pháp năm 1980, Quốc hội bầu các thành viên của Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.

Một điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng khác của Hiến pháp năm 1980 về thẩm quyền của Quốc hội là điều khoản về việc Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, các ủy ban nhà nước là những cơ quan ngang bộ

Hiến pháp năm 1980 còn quy định một quyền rất mới nữa cho Quốc hội hội đó là quyền “quyết định giao cho các tổ chức xã hội việc thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước”. Điều này thể hiện mong muốn nhà nước hóa hoạt động của các tổ chức xã hội như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ được tham gia và thực hiện một số nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước. Trên thực tế, trong cơ cấu thành phần của Hội đồng Nhà nước trong thời gian từ năm 1980 -1992 có đại diện của một số tổ chức xã hội như Hội phụ nữ Việt Nam và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Hiến pháp năm 1980 đã cụ thể hóa quyền giám sát tối cao của Quốc hội, theo đó, quyền giám sát này được thể hiện qua việc Quốc hội nghe báo cáo công tác của Hội đồng nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 83 khoản 9 Hiến pháp năm 1980) và khi cần thiết thì ra nghị quyết về báo cáo đó (Điều 15 Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng nhà nước năm 1981).

Trong lĩnh vực đối ngoại, theo quy định của Hiến pháp năm 1980, Quốc hội có những quyền hạn rất quan trọng như quyết định các chính sách đối ngoại (Điều 82); phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước quốc tế theo đề nghị của Hội đồng Nhà nước.