Điểm mới nổi bật trong hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn này là có các đại biểu hoạt động chuyên trách. Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa X cho đến nay, số lượng đại biểu Quốc hội đã được tăng dần theo từng khóa, thể hiện rõ rệt xu hướng chuyển dần Quốc hội sang cơ chế hoạt động thường xuyên theo chủ trương của Đảng.
Lần đầu tiên vấn đề đại biểu hoạt động chuyên trách được đồng chí Đỗ Mười nguyên là Tổng bí thư của Đảng đề cập đến tại Hội nghị trung ương năm 1991, theo đó “hướng lâu dài là Quốc hội chuyển dần sang hoạt động thường xuyên”. Thể chế hoá quan điểm này, lần đầu tiên Luật tổ chức Quốc hội 1992 (Điều 37) quy định “đại biểu làm việc theo chế độ chuyên trách và đại biểu làm việc theo chế độ không chuyên trách”. Tuy vậy, do thiếu các biện pháp tổ chức đồng bộ nên qua hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX và khóa X, số đại biểu chuyên trách làm việc tại các cơ quan của Quốc không nhiều. Trong nhiệm kỳ khoá IX chỉ có 21 đại biểu, chiếm 5,31% trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội.
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001 đã quy định cần phải có ít nhất 25% tổng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, coi đó là chỉ tiêu cần phải được thực hiện. Nhờ tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã tăng lên đáng kể, có 119 đại biểu hoạt động chuyên trách trong tổng số 498 đại biểu. Tiếp đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII con số này là 145 trên tổng số 493 đại biểu, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, số lượng đại biểu chuyên trách là 154 người, chiếm tỷ lệ 30,8%. Không chỉ có đại biểu hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, mà cho đến nay, ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đồng thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan của Quốc hội mà mình là thành viên theo sự phân công của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đồng thời thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến việc tổ chức và triển khai các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương.
Để bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội, Hiến pháp năm 1992,Luật Tổ chức Quốc hội năm 2002, Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (Quy chế hoạt động) năm 2002 đã quy định tương đối rõ ràng và cụ thể về đại biểu Quốc hội. Trong số này, các quy định về đại biểu Quốc hội, bao gồm quyền miễn trừ, quyền chất vấn, quyền tham gia giải quyết khiếu nại, quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và các nghĩa vụ: tham gia các kỳ họp, bị bãi miễn khi không hoàn thành nhiệm vụ là giữ nguyên như được quy định trong Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981. Điểm thay đổi lớn nhất là về mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri. Tại Điều 12 của Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ghi rõ: “Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp không thể tham gia tiếp xúc cử tri thì đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội”, và “Đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc. Đại biểu Quốc hội liên hệ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương nơi cư trú hoặc Ban chấp hành Công đoàn nơi làm việc để tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri.”
Nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu hoạt động, điểm mới nữa trong Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội là quy định chi tiết điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội về tài liệu và các dịch vụ thông tin, nghiên cứu, thư viện và Internet khi có yêu cầu. Đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội còn được cung cấp thông tin về hoạt động của Hội đồng dân tộc hoặc của Uỷ ban mà mình là thành viên.
Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đại biểu Quốc hội được bầu hoặc nơi đại biểu Quốc hội chuyển đến sinh hoạt có trách nhiệm cung cấp các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân và các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương cho đại biểu Quốc hội.
Về đoàn đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 vẫn giữ quy định đoàn đại biểu Quốc hội gồm các đại biểu Quốc hội được bầu trong một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương không phải là chủ thể trong cơ cấu tổ chức của Quốc hội. Đây có thể coi là hình thức tổ chức để triển khai các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và có các nhiệm vụ như sau:
(a) tổ chức việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội; tổ chức việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;
(b) tổ chức để các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác;
(c) theo giõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức;
(d) tổ chức để đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương;
(đ) Báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Một điểm đổi mới quan trọng nữa là Quy chế hoạt động đã khẳng định rõ vai trò của Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội. Cả hai chức danh này đều do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Vai trò của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội là điều hành việc thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội; chủ trì việc tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và tham gia thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội; chủ trì việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn; triệu tập và chủ tọa các cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội; giữ mối liên hệ với Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương; giữ mối liên hệ với đại biểu Quốc hội trong Đoàn, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương; chỉ đạo công tác Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức của Đoàn đại biểu Quốc hội là việc thành lập văn phòng giúp việc của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Nhờ có cơ cấu văn phòng giúp việc cho các Đoàn đại biểu Quốc hội nên trên thực tế đã hình thành bộ phận cán bộ, chuyên viên giúp việc chuyên trách cho hoạt động của đại biểu Quốc hội ở địa phương và thông qua đó, tăng cường mối liên hệ và phối hợp công tác giữa các văn phòng phục vụ đoàn đại biểu Quốc hội và giữa các văn phòng này với Văn phòng Quốc hội.
Kể từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được tăng cường đáng kể. Trên thực tế, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu tổ chức họp Đoàn để trao đổi, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản sẽ được xem xét tại kỳ họp Quốc hội; bàn những công việc liên quan đến chương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội và hoạt động của Đoàn trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội.