Trong Hiến pháp năm 2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn tiếp tục được xác định là “cơ quan thường trực của Quốc hội” (Khoản 1, Điều 73).
Về cơ cấu thành phần của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Khoản 2 Điều 44 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định cụ thể cơ cấu, thành phần của Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho từng khóa Quốc hội bầu, quyết định nhân sự cụ thể của Ủy ban thường vụ Quốc hội; còn việc bố trí, phân công nhân sự của Ủy ban thường vụ Quốc hội có đồng thời kiêm nhiệm Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hay không là do Quốc hội từng khóa quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của khóa Quốc hội đó.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã cụ thể hóa 13 khoản tại Điều 74 của Hiến pháp thành một số điều về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ủy ban thường vụ.
Về thẩm quyền giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội,Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, điều chỉnh chương trình giám sát của Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; đồng thời thực hiện giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân, giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 50).
Về chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội,Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 tiếp tục quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban để nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của Quốc hội (Điều 52). Điều này xuất phát từ thực tế là mặc dù Luật tổ chức Quốc hội đã quy định khá cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực phụ trách của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, song trên thực tế rất khó phân định rạch rõi trách nhiệm, lĩnh vực cụ thể của từng cơ quan và vẫn cần có sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp chung để bảo đảm hoạt động của các cơ quan này được nhịp nhàng, có sự thông suốt.
Về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính, theo quy định tại Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của Chính phủ. Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đây là một trong những điểm mới của Luật so với các quy định trước đây.
Về tổ chức trưng cầu ý dân, Điều 59 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã làm rõ thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân theo hướng Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về hình thức phiếu trưng cầu, thể thức bỏ phiếu và kiểm phiếu; quyết định thời gian cụ thể trưng cầu ý dân, nội dung ghi trên phiếu trưng cầu ý dân căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về việc trưng cầu ý dân; kiểm tra, giám sát việc trưng cầu ý dân; chịu trách nhiệm tổng hợp, công bố kết quả trưng cầu ý dân và với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.