Đổi mới tố chức và hoạt động của Quốc hội là một quá trình lâu dài và liên tục trong đó có không ít khó khăn, thách thức, vừa phản ánh nhu cầu cấp thiết phải khắc phục những thiếu sót, tồn tại, vừa phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về các yếu tố thuận lợi, trước hết quá trình đổi mới gần 30 năm vừa qua đã giúp cho đất nước ta nói chung và Quốc hội nói riêng có được nguồn kinh nghiệm dồi dào trong quá trình tiến hành đổi mới. Thực tế cho thấy qua mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội thì những kinh nghiệm và kiến thức về tổ chức và hoạt động của Quốc hội lại được tích lũy nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các lần sửa đổi tiếp theo.
Thứ hai, những kết quả của quá trình đổi mới của Quốc hội trong thời gian vừa qua đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Hiện tại, các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, đặc biệt là các phiên chất vấn, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và những đạo luật có nội dung quan trọng đều thu hút sự quan tâm sát sao của người dân. Các cử tri đều có chung mong muốn Quốc hội thực sự trở thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho tiếng nói của người dân và ban hành những quyết định phù hợp với lợi ích chung của đất nước.
Thứ ba, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội luôn là một trong những trọng tâm trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã khẳng định chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng cũng tiếp tục ghi nhận chủ trương này.
Thứ tư, trong tiến trình tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội được tiếp nhận những kinh nghiệm đổi mới của Quốc hội các nước có truyền thống nghị viện lâu đời. Những bài học kinh nghiệm đó là nguồn tham khảo quý giá để Quốc hội có thể nghiên cứu, tiếp thu phù hợp với điều kiện của nước ta.
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thời gian sắp tới cũng gặp phải những thách thức nhất định, đó là:
Thứ nhất, trong cơ chế tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc phân công, phối hợp và có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đòi hỏi có sự đồng bộ với sự đổi mới của các cơ quan nhà nước khác. Do vậy, để đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội một cách hiệu quả cần phải có sự đổi mới đồng thời của các chủ thể khác có liên quan.
Thứ hai, với những nỗ lực đổi mới trong thời gian vừa qua, không gian để tiếp tục đổi mới Quốc hội trở nên hạn hẹp hơn, đòi hỏi phải có nỗ lực lớn hơn để tạo ra những bước đột phá trong đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Thứ ba, những đòi hỏi của cuộc sống đối với Quốc hội ngày càng lớn hơn. Trong bối cảnh hiện nay, các biến động về kinh tế - xã hội ngày càng trở nên nhanh hơn đòi hỏi Quốc hội phải có những thay đổi một cách tương ứng. Hơn thế nữa, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các cử tri ngày càng có nhu cầu và điều kiện thể hiện ý kiến của mình nhiều hơn vào quy trình ban hành các quyết định của Quốc hội. Điều này đặt ra yêu cầu Quốc hội phải có những đổi mới tương ứng để bảo đảm vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.