70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016)

Việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải được tiến hành theo những nguyên tắc chung sau đây:

1. Bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực sự là Quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;

2. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phù hợp với các nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội;

3. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp;

4. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa;

5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.

Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI đã xác định nhiệm vụ tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, theo đó cần “đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”1. Nghị quyết của Đảng cũng đặt ra một số phương hướng cụ thể để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bao gồm:

Thứ nhất, Hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự tiêu biểu vào Quốc hội. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách; có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri.

Thứ hai, Cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.

Thứ ba, Nghiên cứu, giao quyền chất vấn cho Hội đồng dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội.

Thứ tư, Tiếp tục phát huy dân chủ, tính công khai, đối thoại trong thảo luận, hoạt động chất vấn tại diễn đàn Quốc hội.

Thứ năm, Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trước hết là quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; luật, pháp lệnh cần quy định cụ thể, tăng tính khả thi để đưa nhanh vào cuộc sống.

Thứ sáu, Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các công trình trọng điểm của quốc gia, việc phân bổ và thực hiện ngân sách; giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật liên quan, những chủ trương, phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội nói trên đã được chú ý thể chế hóa. Chẳng hạn, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã có nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong đó có việc chính thức ghi nhận hình thức giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội v.v…

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới, các giải pháp cơ bản tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội bao gồm:

Thứ nhất,cần xác định rõ vị trí, vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện quyền lập pháp. Theo đó, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước của nước ta đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Theo nguyên tắc này, Quốc hội là cơ quan lập pháp, có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tư pháp. Do vậy, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tập trung làm rõ phạm vi quyền lập pháp của Quốc hội trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác. Việc phân định rõ phạm vi thẩm quyền của các cơ quan nhà nước là cơ sở để Quốc hội và các cơ quan tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tránh xảy ra sự mâu thuẫn, chồng chéo hoặc lỗ hổng trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Đồng thời, những nguyên tắc phân định phạm vi thẩm quyền giữa các cơ quan cũng là cơ sở để thực hiện việc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan được nhuần nhuyễn và thông suốt.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm tính hợp hiến của các quyết định của Quốc hội. Bảo đảm tính hợp hiến của các quyết định của Quốc hội là một trong những yêu cầu quan trọng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế tự giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội trong quá trình ban hành các quyết định của Quốc hội, cần nghiên cứu để tạo ra cơ chế kiểm soát giữa Quốc hội với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Bên cạnh đó, việc kiểm soát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội cũng cần được tăng cường. Thông qua việc lựa chọn các đại biểu Quốc hội trong các kỳ bầu cử; tham gia góp ý, kiến nghị vào các quyết định của Quốc hội; giám sát hoạt động của các đại biểu Quốc hội v.v…, người dân sẽ góp phần bảo đảm các quyết định của Quốc hội phù hợp với các quy định của Hiến pháp, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, hoàn thiện cơ chế bầu cử để qua đó có thể giới thiệu, lựa chọn và bầu được những đại biểu Quốc hội xứng đáng là người đại biểu của nhân dân. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Hội đồng bầu cử quốc gia để bảo đảm chất lượng của các cuộc bầu cử. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu sự xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu trong đó có việc hạn chế số lượng các đại biểu kiêm nhiệm. Tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở các Đoàn đại biểu Quốc hội phù hợp với đặc điểm và yêu cầu tổ chức, hoạt động của Quốc hội nước ta.

Tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri thông qua việc đổi mới cơ chế tiếp xúc cử tri nhất là với các cử tri đã trực tiếp bầu ra đại biểu Quốc hội. Tăng cường sự giám sát của người dân đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội trong đó có việc ban hành quy trình, thủ tục để các cử tri có thể thực hiện quyền bãi nhiệm các đại biểu Quốc hội khi các đại biểu đó không còn nhận được sự tín nhiệm của nhân dân.

Tăng cường các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong đó cần nghiên cứu việc xây dựng đội ngũ chuyên viên giúp việc cho các đại biểu Quốc hội; nghiên cứu xây dựng và ban hành chế độ, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực thi nhiệm vụ đại biểu của mình; tăng cường việc bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội, nhất là các kỹ năng giám sát, chất vấn, kỹ năng khai thác, sử dụng và phân tích thông tin...

Thứ tư, tăng cường sự tham gia của nhân dân vào các quyết định của Quốc hội, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội. Nghiên cứu để nhân dân có thể dự thính và theo dõi trực tiếp các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; đổi mới và tăng cường các hình thức thông tin, tuyên truyền về Quốc hội để tăng cường sự hiểu biết của người dân về Quốc hội cũng như tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa đại biểu Quốc hội và cử tri. Cải tiến hình thức lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án luật để bảo đảm tính thực chất, phản ánh đúng các mối quan tâm của người dân đối với các chính sách được thể hiện trong các quyết định của Quốc hội.

Thứ năm, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Quốc hội theo hướng đề cao vai trò của Uỷ ban thường vụ Quốc hội - cơ quan thường trực của Quốc hội, có vai trò quan trọng trong việc xem xét chuẩn bị cho các kỳ họp của Quốc hội và điều hòa phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để giúp Quốc hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nghiên cứu thành lập mới, tách một số uỷ ban của Quốc hội theo từng lĩnh vực hoạt động chuyên sâu để giúp Quốc hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong một số lĩnh vực quan trọng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; bảo đảm an sinh xã hội….

Thứ sáu, tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Theo đó, cần tăng cường tính chuyên môn trong hoạt động của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Kết quả hoạt động của Hội đồng dân tộc, các ủy ban là cơ sở vững chắc để Quốc hội thảo luận và đi đến quyết định. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, các ủy ban cần được bố trí hợp lý để bảo đảm có thể phát huy được nguyên tắc làm việc tập thể của các cơ quan này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để bổ sung các phương thức làm việc phù hợp với nguyên tắc làm việc tập thể tại Ủy ban như điều trần phục vụ hoạt động lập pháp, giám sát; sử dụng phúc trình viên để báo cáo về kết quả làm việc của Ủy ban. Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cần được tạo điều kiện để bảo vệ quan điểm mà Ủy ban đã thể hiện trong các báo cáo thẩm tra của mình.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch để bảo đảm Quốc hội có thể ban hành được nhiều quyết định có chất lượng tốt. Theo đó, cần làm rõ vai trò của các chủ thể tham gia vào quá trình thảo luận tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội, bảo đảm có sự cọ xát giữa các quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề; các đạo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ có thể được quyết định dựa trên ý chí của tập thể trong đó có sự tôn trọng ý kiến thiểu số.

Thứ tám, đổi mới chất lượng công tác lập pháp theo hướng thực chất, bảo đảm tính khả thi của các chính sách pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Để đạt được mục tiêu này, cần xác định rõ vai trò của các chủ thể trong các công đoạn của quy trình lập pháp; tăng cường trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng hệ thống chính sách của dự án luật và đánh giá sự tác động của các chính sách. Từ đó, nâng cao trách nhiệm, minh bạch hoá được các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động lập pháp. Nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật để hiện thực hóa vai trò của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc bãi bỏ, đình chỉ thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thứ chín, nâng cao hiệu lực của hoạt động giám sát, trong đó cần xác định rõ phạm vi và nội dung của giám sát tối cao phù hợp với điều kiện của Quốc hội nước ta. Trước mắt, trong công tác giám sát tối cao, nên tập trung làm tốt hoạt động chất vấn và xem xét báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội. Theo đó, cần tăng cường thời lượng hoạt động chất vấn, bảo đảm tính giải trình và tính chịu trách nhiệm của các đối tượng bị giám sát. Nghiên cứu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 về tổ chức và hoạt động của các Ủy ban lâm thời của Quốc hội.

Thứ mười, nâng cao chất lượng của các quyết định của Quốc hội về các vấn đề quan trọng của đất nước trong đó cần xác định rõ các tiêu chí để Quốc hội xem xét và ra quyết định về các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án…; tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc quyết định ngân sách; nghiên cứu áp dụng hình thức Ủy ban lâm thời gồm các đại biểu có trình độ, chuyên môn phù hợp để tiến hành thẩm tra các dự án, chương trình, công trình quan trọng quốc gia.

Thứ mười một, đổi mới bộ máy giúp việc của Quốc hội theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong đó cần nghiên cứu bổ sung một số thiết chế quan trọng như Thanh tra Quốc hội để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị của cử tri; Cơ quan nghiên cứu Ngân sách để hỗ trợ các cơ quan của Quốc hội trong việc giám sát và quyết định về ngân sách; cụ thể hóa quy định của Luật tổ chức Quốc hội về Tổng thư ký Quốc hội và Ban thư ký v.v…

 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.52.