VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI VIỆT NAM
VỚI VIỆC CẢI CÁCH BỘ MÁY TƯ PHÁP

 

Với sự thỏa thuận của Ban Thường trực Quốc hội Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã ký đạo Sắc lệnh số 85 ngày 22-5-1950 về việc cải cách cấp bách bộ máy tư pháp.

Đạo Sắc lệnh ấy đã ghi một điểm tiến bộ lớn ở chỗ nhân dân hóa nền tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Các tên Tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp và Hội đồng phúc án nay được đổi là Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa phúc thẩm. Một điều quan hệ hơn nữa là các người dân dự các phiên tòa xưa gọi là Phụ thẩm nhân dân mà nay là Hội thẩm nhân dân. Cái danh từ ấy rất có ý nghĩa: các người dân cử từ nay không phải là đóng vai phụ thuộc như trước mà là ngang hàng với các vị chuyên môn của Tòa án và cùng xét xử các việc. Hơn thế nữa, số Hội thẩm này lại tăng lên đa số. Tòa án nhân dân huyện gồm một thẩm phán chuyên môn và hai hội thẩm nhân dân trước đây không có. Tòa án tỉnh trước đây xử những việc đại hình thì có ba thẩm phán chuyên môn và hai phụ thẩm nhân dân. Hội đồng phúc án xử việc tiểu hình và đại hình gồm có ba thẩm phán chuyên môn và hai phụ thẩm nhân dân, thì nay ở cấp tỉnh Tòa án gồm có một thẩm phán chuyên môn và hai Hội thẩm nhân dân, ở cấp liên khu có hai thẩm phán chuyên môn, ba hội thẩm nhân dân.

Trước kia Uỷ ban và Tòa án lập ra một danh sách gồm những người trong Hội đồng nhân dân và một số nhân sĩ rồi chọn các Phụ thẩm nhân dân trong danh sách ấy; nay Hội thẩm nhân dân trực tiếp do Hội đồng nhân dân bầu ra trong hay ngoài Hội đồng nhân dân.

Trước kia mỗi lần có phiên tòa thì mới cử Phụ thẩm nhân dân, như thế người phụ thẩm thay đổi luôn, nay Hội thẩm nhân dân làm việc luôn trong một năm rồi mới bầu lại và cũng được hưởng lương bổng như các ủy viên UBKCHC1.

Các vị Hội thẩm nhân dân cũng được tăng quyền hạn lên nhiều. Trước kia các phụ thẩm nhân dân chỉ tham gia trong các vụ án hình, thì nay Hội thẩm nhân dân được xét xử tất cả các việc hình cũng như các việc hộ. Trước kia Phụ thẩm nhân dân không có quyền xem hồ sơ và ở Tòa án tỉnh họ chỉ được biểu quyết trong các vụ đại hình, về tiểu hình thì chỉ được phát biểu ý kiến; nay Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết như Thẩm phán.

Các Hội thẩm nhân dân lại tham gia cả vào các vụ hòa giải. Hội đồng hoà giải do Tòa án nhân dân huyện họp lại để hòa giải tất cả các vụ kiện về dân, thường sự kể cả việc ly dị.

Xét bản Sắc lệnh ấy, những cơ quan dân cử và những người dân cử phải ghi nhớ hai điều:

1. Các Hội thẩm nhân dân có điều kiện để làm việc;

2. Các Hội thẩm nhân dân đủ quyền hạn về việc xét xử các việc đem ra Tòa án.

Vì thế cho nên từ nay cái nhiệm vụ của các Hội thẩm nhân dân phải nặng nề hơn.

Trước đây, vì không có điều kiện và không đủ quyền hạn nên cái vai trò các vị dân cử ở các Tòa án đã bị lu mờ đi. Việc chọn lựa người cũng chỉ làm cho qua chuyện, các cán bộ khả thi đã bận việc khác, còn sự đi dự Tòa án miễn có người là được, mà các người được chọn đi dự Tòa án cũng tự thấy mình chỉ có cái địa vị tượng trưng mà thôi, cho nên một ít quyền của mình có người cũng bỏ đi nốt. Một vài chỗ các vị được cử lại khoang phê2 việc mình mà luôn mấy lần không chịu đi dự phiên tòa, đến nỗi phải bị phạt. Tuy sự khoang phê đó có ít duyên cớ, nhưng dẫu sao, người do dân cử ra mà hành động như thế, thiệt là đáng phàn nàn.

Nay tư pháp đã đổi mới, vai người dân cử đã được góp công việc một cách xứng đáng vào các vụ xét xử trước Tòa án. Hội đồng nhân dân cần phải để ý chọn lựa người cho đủ khả năng và người được lựa chọn ra dự Tòa án cần phải làm việc tận tụy để xứng với lòng tin cậy của dân chúng. Các Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ cử ra các Hội thẩm nhân dân thì cũng có nhiệm vụ hướng dẫn và kiểm soát công việc của họ. Có như thế thì sự áp dụng Sắc lệnh 85 mới đưa lại uy tín cho các người do cơ quan dân cử ra dự các việc xét xử của Tòa án, mà nhân dân mới tin tưởng và tâm phục sự công bằng của việc xử đoán của các Tòa án được.

Trái lại, nếu sự lựa chọn người không được chu đáo, nếu những người được cử ra dự các cấp Tòa án không có ý thức và trách nhiệm đối với nhân dân thì kết quả sẽ có thể trái ngược.

 

KT. TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
PHÓ TRƯỞNG BAN

 

TÔN QUANG PHIỆT 

                                                               

Chú thích: Bài này chỉ phổ biến đến các Hội đồng nhân dân tỉnh và xã.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Uỷ ban kháng chiến hành chính (BT).

2. Không rõ nghĩa hai từ này (BT).