VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO

SINH HOẠT VÀ CÔNG TÁC CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI Từ 2-1951 đến 2-1952

 

I- TÌNH HÌNH SINH HOẠT THƯỜNG KỲ CỦA BAN THƯỜNG TRỰC VÀ BAN THƯỜNG VỤ TRONG NĂM VỪA QUA

Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội tháng 2-1950 quyết nghị cứ ba tháng họp một lần. Hội nghị Ban Thường trực tháng 2-1951 sửa đổi lại 6 tháng một lần và trong khoảng thời gian giữa hai phiên họp thì Ban Thường vụ do Ban Thường trực cử ra thay mặt toàn thể Ban Thường trực để làm việc, ít nhất mỗi tháng họp một lần.

Chúng ta đã không thi hành đúng được. Từ tháng 9-1951, Cụ Quyền Trưởng ban đã có điện triệu tập hội nghị. Nhưng sau cụ Quyền Trưởng ban và Cụ Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban lại phụ trách công tác của Mặt trận đi Trung Quốc đến đầu năm nay mới về cơ quan Thường trực. Và lúc ấy lại triệu tập hội nghị một lần nữa. Chiến sự xẩy ra ở Hòa Bình lại làm cho một số anh em ở Khu 4 không ra được, hoặc ra chậm. Vì thế từ phiên họp trước đến nay đã một năm.

Trong khoảng thời gian ấy Ban Thường vụ cũng không sinh hoạt đều được mỗi tháng mỗi lần. Từ tháng 2 đến tháng 7 thì thường ở trụ sở chỉ có 2 hay 3 người, khi có vị này thì lại thiếu vị khác, không đủ để họp. Còn từ tháng 8-1951 đến tháng 2-1952 này thì Ban Thường vụ chỉ còn một mình tôi thường xuyên ở cơ quan. Cụ Tôn và cụ Phạm đi Trung Quốc, ông Tôn Quang Phiệt sau lúc đi phái đoàn nông nghiệp ở Khu 4 đã xong, lên đường ra thì vì chiến sự Hòa Bình phải chậm lại và ông Trần Huy Liệu cũng đi phái đoàn nông nghiệp ở Liên khu Việt Bắc.

II- CÔNG TÁC ĐÃ LÀM TỪ THÁNG 2-1951 ĐẾN THÁNG 2-1952

Hội nghị tháng 2-1950 và Hội nghị tháng 2-1951 đã đề ra những công tác cụ thể cho Ban Thường trực Quốc hội.

a) Hiệu triệu quốc dân:

- Trong năm vừa qua, Ban Thường trực Quốc hội đã kêu gọi quốc dân phá chính sách thâm độc của địch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” và động viên quốc dân thực hiện những chính sách lớn của Chính phủ. Ngoài những bài hiệu triệu đăng trên các báo, đã cử hai vị trong Ban Thường trực: Tôn Quang Phiệt và Trần Huy Liệu tham gia hai phái đoàn Chính phủ đi giải thích về thuế nông nghiệp ở Liên khu Việt Bắc và Liên khu 4.

Căn cứ vào những kết quả thu được của các phái đoàn và lòng tin tưởng của nhân dân đối với cơ quan dân cử (Quốc hội) phát lộ trong những bức điện văn chúc tụng hoặc trong những lá đơn nhờ giải quyết các vấn đề ở các nơi gửi đến, Ban Thường trực Quốc hội nên tăng cường thêm sự hoạt động của Ban về phương diện này để thu được những kết quả tốt đẹp hơn, nhất là trong lúc thực dân Pháp đang âm mưu lập Quốc hội bù nhìn (đại diện do Pháp chỉ định) để lừa dối nhân dân.

b) Liên lạc với các đại biểu

Ban Thường trực Quốc hội nhận được rất ít thư từ của các đại biểu Quốc hội. Một số nhờ các đại biểu có báo cáo tình hình địa phương. Phòng Liên lạc các đại biểu Quốc hội ở Liên khu 3 trước kia thường cho biết về hoạt động của các đại biểu Quốc hội cũng như tình hình của nhân dân, nhưng từ khi chiến sự tràn lan ở Liên khu 3, một số đại biểu tản cư vào Khu 4, còn những vị khác thì bận nhiều về công tác chính quyền và đoàn thể nhân dân, nên sự gặp gỡ của các đại biểu ở Khu 3 để trao đổi ý kiến không được đều như trước.

Riêng về Ban Liên lạc các đại biểu Quốc hội ở Khu 5 thì hoạt động hơn. Những đề nghị về tu chỉnh Hiến pháp của các đại biểu thu thập trong những cuộc họp đều có gửi ra cho Ban Thường trực Quốc hội.

Tháng 8-1951, phòng Liên lạc Khu 5 có tổ chức cuộc Hội nghị các đại biểu Quốc hội công tác tại miền Nam Trung bộ, mục đích để báo cáo và kiểm thảo công tác của phòng Liên lạc và của các đại biểu Quốc hội; ấn định kế hoạch bổ cứu lề lối tổ chức và công tác của đoàn đại biểu Quốc hội Khu 5; thảo luận về việc tu chỉnh Hiến pháp.

Chính ở Khu 4 là nơi không có phòng Liên lạc các đại biểu Quốc hội, báo chí thường lại đăng tin những hoạt động của phòng Liên lạc đại biểu Quốc hội Khu 5.

Trong phạm vi có thể được, nếu Ban Thường trực Quốc hội tăng thêm sự liên lạc và trao đổi ý kiến với các đại biểu cũng như đối với các phòng Liên lạc, thì chắc chắn sẽ thu được nhiều ý kiến hay, và sẽ hiểu rõ nhân dân hơn. Nhưng với điều kiện sinh hoạt của Ban trong năm vừa qua thì vấn đề này không thể thực hành được mấy.

Năm vừa qua, mấy đại biểu đã từ bỏ hàng ngũ kháng chiến, vào vùng địch chiếm. Tổng cộng tất cả từ trước đến nay là 61 trong số đó có ông Dương Văn Dư là đại biểu Đồng minh Hội trong Ban Thường trực Quốc hội.

Trong hàng ngũ kháng chiến, vì giặc giết hoặc vì bệnh do những sự gian khổ chịu đựng trong công tác phục vụ quốc dân, số đại biểu đã mệnh một cũng tăng lên.

c) Tham gia ý kiến với Chính phủ:

Từ sau phiên họp Thường trực tháng 2 đến tháng 8-1951, cụ Tôn, Quyền Trưởng ban và cụ Phó Trưởng Ban Phạm Bá Trực đã tham dự các phiên họp Hội đồng Chính phủ. Nhưng từ tháng 9 đến trung tuần tháng chạp, hai cụ vắng và chỉ đến cuối tháng 12 hai cụ về mới tham dự Hội đồng Chính phủ được.

Để vị đại diện Ban Thường trực Quốc hội tham gia những phiên họp Hội đồng Chính phủ làm việc có nhiều kết quả hơn, phiên họp Ban Thường trực Quốc hội tháng 2-1951 có quyết nghị trước khi đi dự Hội đồng Chính phủ, cần họp những ủy viên Thường vụ có mặt ở trụ sở để thảo luận và lấy ý kiến chung. Việc này trong năm vừa qua không thực hiện được, cũng như việc báo cáo để anh em rõ tình hình sau lúc đi họp về. Sự thiếu sót này trong lề lối làm việc có thể vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhưng lý do chính là số ủy viên ở trụ sở thường rất ít , 1 cho đến 2 người là cùng như trên đã báo cáo.

Tiểu ban Chính phủ: Phiên họp Ban Thường trực tháng 2-1951 quyết nghị không cần tham gia các tiểu ban của Chính phủ, nhưng trong quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy tất thẩy những chủ trương, chính sách của Chính phủ về Kinh tế Tài chính, Nội chính, Văn hóa Xã hội, đều được dự thảo trong các tiểu ban, trước khi đưa ra Hội đồng Chính phủ và kế hoạch của những chủ trương và chính sách mà Chính phủ đã thông qua thì được quy định trong các tiểu ban ấy. Vì nhận thấy sự có mặt của đại diện Ban Thường trực Quốc hội trong các tiểu ban để góp ý kiến vào việc xây dựng các chính sách, chủ trương và kế hoạch để thi hành trong toàn quốc rất là phù hợp với nhiệm vụ của Quốc hội đã giao cho Ban Thường trực, nên trong lúc vì hoàn cảnh chưa triệu tập được phiên họp Ban Thường trực đúng kỳ hạn để xét lại nghị quyết trên, chúng tôi đã có tham gia mấy phiên họp các tiểu ban của Chính phủ. Trong phiên họp Ban Thường trực lần này, chúng tôi xin đề nghị các vị xét lại vấn đề này.

d) Tu chỉnh Hiến pháp

Căn cứ theo quyết nghị tháng 2-1951, Ban Thường vụ đã tiến hành việc nghiên cứu và dự thảo những điều bổ sung vào bản Hiến pháp để sau này trình Quốc hội.

Phương pháp đã quy định là trước hết viết thư hỏi ý kiến các đại biểu Quốc hội. Việc này đã làm, và kết quả thì một số đại biểu đều trả lời hoan nghênh, nhưng những vị đại biểu ấy cũng không góp được ý kiến cụ thể gì mấy về các khoản cần sửa chữa hay bổ sung, trừ các đại biểu Khu 5 thì đã họp bàn về vấn đề này. Phòng Liên lạc Khu 5 có gửi ra nhiều ý kiến cụ thể góp vào việc bổ sung. Các đại biểu Khu 5 có ý định tranh biện trên các báo và trong các cuộc hội họp nhân dân trong toàn Khu, và đang cho ý kiến của Ban Thường trực cho biết việc ấy đã nên làm chưa. Hiện nay chưa rõ việc ấy ở Khu 5 đã đi đến đâu, nhưng chắc đã tiến nhiều hơn nữa.

Còn về việc trưng cầu ý kiến của nhân dân bằng cách đăng những câu hỏi trên các báo thì Ban Thường vụ chưa làm được, lý do như các vị đã biết là bận công tác khác, các ủy viên Thường vụ không sinh hoạt thường kỳ để phụ trách toàn diện các vấn đề được.

e) Dự thảo luật

Phiên họp tháng 2-1951 đã ủy cho cụ Tôn Đức Thắng xúc tiến công việc thảo những nguyên tắc lập luật trong thời gian rất ngắn để trình Ban Thường vụ để Ban Thường vụ quyết định phương pháp làm việc.

Nhưng vì bận nhiều việc nên đến tháng 6-1951 cụ chưa thảo xong.

Cần phải nói về vấn đề dự thảo luật; trong khoảng thời gian ấy, nhiều nhà chính trị và chuyên môn có ý kiến là thảo một bộ luật là một công trình vĩ đại, cần có thời gian dài mới làm xong được. Nếu thảo những nguyên tắc chung toàn cả bộ luật thì khi làm xong luật, luật và nguyên tắc chung cũng sẽ không hợp với trình độ dân đã tiến lên rất nhiều. Vì thế làm luật nên làm từng bộ phận để kịp thời đưa thi hành cho hợp với bước tiến nhân dân. Sau này nhiều bộ phận hoàn thành sẽ góp lại thành bộ luật, và cố nhiên, các bộ phận sẽ tùy hoàn cảnh xã hội, từng giai đoạn phát triển mà thay đổi.

Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của cụ Tôn, tôi cùng với một số anh em chuyên môn có trao đổi ý kiến và dự thảo một bản Luật gia đình. Trong lúc Ban ta chưa họp được, bản dự thảo đã được gửi cho một số nhân vật chính trị. Công việc đến đây, cụ Tôn phải đi Trung Quốc, và sự liên lạc giữa các nhà chuyên môn và tôi cũng chưa thành một tổ chức hẳn hoi, nên không tiến hành thêm được.

Nhưng nói đến vấn đề luật, dự thảo luật, tôi cần nhắc lại rằng chương trình của Chính phủ trong năm 1952 là làm xong Luật trừng trị Việt gian và Luật gia đình, và công việc ấy lẽ tất nhiên Bộ Tư pháp sẽ dự thảo rồi đem ra thảo luận trong Ban Nội chính Chính phủ và sau sẽ trình Hội đồng Chính phủ duyệt để thi hành.

Do đó, việc Ban Thường trực góp phần vào việc dự thảo luật sẽ dưới một hình thức khác với quyết nghị tháng 2-1951.

f) Linh tinh

Sưu tầm tài liệu: Phiên họp tháng 2-1951 cũng có nhắc đến việc sưu tầm tài liệu để viết một văn kiện đầy đủ về Quốc hội Việt Nam. Việc này cũng chưa tiến hành được bước nào. Tài liệu hiện có rất nghèo nàn, và các vị ngoại giao trước khi đi sang nước ngoài có đến hỏi nhưng Ban Thường trực cũng không cung cấp được mấy.

Việc liên lạc quốc tế: Đến nay chưa có dịp nào có đại diện Ban Thường trực Quốc hội ra ngoài để tiếp xúc với các cơ quan đại biểu nhân dân nước ngoài. Tuy nhiên năm vừa qua 4 vị trong Ban Thường trực là cụ Tôn, cụ Phạm, bà Nguyễn Thị Thục Viên, ông Nguyễn Đình Thi hoặc sang Đông Đức, hoặc sang Trung Quốc nhưng đều để phụ trách những nhiệm vụ khác.

Việc trao đổi thư từ, diễn văn với ngoài, Thủ tướng phủ cũng đã có quy định. Về phần Ban Thường trực Quốc hội, sự trao đổi với nước ngoài sẽ rất ít.

Tóm lại, kiểm điểm những sự hoạt động của Ban Thường trực trong thời gian một năm vừa qua, thấy rằng mỗi một công tác cụ thể quy định trong hai phiên họp tháng 2-1950 và 2-1951, chúng ta đều không làm được đầy đủ. Lý do về chủ quan cũng như về khách quan rất nhiều, nhưng lý do chính, mà trong trường hợp nào cũng thấy, là thiếu người, Ban Thường trực không họp được đúng kỳ hạn, vì thiếu người; Thường vụ không sinh hoạt đều vì thiếu người; tu chỉnh Hiến pháp không tiến hành được vì thiếu người; dự thảo luật không làm xong được vì thiếu người; Hội đồng Chính phủ không tham gia đầy đủ và trước khi đi họp không lấy ý kiến tập thể được vì thiếu người; sưu tầm tài liệu về Quốc hội chưa bắt đầu làm được vì thiếu người. Vì vậy nên giải quyết vấn đề sao năm nay cho có người để phụ trách mọi công việc thường cũng như bất thường. Giải quyết vấn đề sao để mỗi ủy viên Thường trực đều góp phần vào công việc của Ban, lúc nhiều, lúc ít tùy sự phát triển của công việc từng thời gian, đó là vấn đề mấu chốt quyết định.

Dưới sự lãnh đạo của cụ Tôn, Ban chúng ta sẽ quyết định công tác tiến hành để sau này thực hiện đầy đủ quyết nghị. Ban cần giải quyết vấn đề này.

Thưa các cụ, các anh chị em,

Trên kia tôi báo cáo đại cương về công tác Ban Thường trực.

Sau đây, tôi xin báo cáo công việc Văn phòng mà trong thời gian vừa qua Ban giao cho tôi phụ trách, vì bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng đi nhận công tác khác. Tổng số nhân viên 4 thư ký văn phòng và 8 công nhân và tá sự. Trong số ấy, 1 tá sự giúp cụ Bùi ở Khu 4. Vừa đây một thư ký lại thôi việc vì thiếu sức khỏe.

Tinh thần anh em làm việc nói chung rất cố gắng, trình độ chuyên môn cũng như sự hiểu biết về chính trị tiến bộ nhiều. Nhưng vì số thư ký bớt đi mà công việc tăng thêm do nhiều thể lệ mới về kế toán, về bảo vệ cơ quan, mỗi một thư ký phải nhận vài ba việc. Nên gặp lúc có công việc đặc biệt thì anh em làm không kịp thời, và nhiều cuộc hội nghị, hoặc lớp học anh em cũng không tham gia được như anh em các cơ quan khác.

Về tài chính, đủ chi vì ít, tài khóa năm 1951 là 66 tấn thóc thì thực chi đã hết 52.516 kg (chưa chính thức vì còn Uỷ ban Thanh Hóa cho biết vài khoản).

Dự chi tài khóa 1952 là 100 tấn thóc. Sở dĩ có sự tăng thêm này là vì lương (căn bản tối thiểu) từ 1-1952 nhiều hơn trước, và các vật liệu dự chi và văn phòng, giá cao hơn trước, chi phí về bưu điện, về làm nhà cửa cũng kê vào trong dự chi.

Vì vậy sẽ tùy theo công việc năm nay, việc bổ sung nhân viên văn phòng cũng cần phải giải quyết.

 

TM. BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
UỶ VIÊN TỔNG THƯ KÝ

TRẦN VĂN CUNG

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.