VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO
CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
VỀ HIỆP ĐỊNH ĐÌNH CHIẾN
Tại Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội mở rộng ngày 28-7-1954

Thưa các vị đại biểu,

Hôm nay, một tuần lễ sau ngày Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn ký với Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp bản Hiệp định đình chiến ở ba nước Việt Nam, Cao Miên1, Lào ở Hội nghị Giơnevơ, chúng tôi xin cùng các vị phát biểu một vài nhận định.

Qua việc nghiên cứu các văn bản về Hội nghị Giơnevơ chúng ta đều đã nhận thấy thắng lợi to lớn mà chúng ta đã thu được. Đây tôi chỉ trình bày mấy điểm sau đây:

I- BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA HOÀN TOÀN TÁN THÀNH CHÍNH SÁCH HÒA BÌNH CỦA CHÍNH PHỦ

Từ khi toàn quốc kháng chiến đến nay, mục đích của Chính phủ và nhân dân ta bao giờ cũng mong muốn đi đến hòa bình để nhân dân được yên ổn lo việc kiến thiết quốc gia. Nhưng hòa bình của chúng ta phải được thực hiện trên nguyên tắc thống nhất độc lập và dân chủ. Chưa được thống nhất, độc lập, dân chủ thì dầu hy sinh bao nhiêu nhân dân ta cũng sẵn sàng theo lệnh Chính phủ mà kiên quyết kháng chiến. Trong 8, 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã tỏ ra anh dũng bất khuất, làm cho cái mộng lập lại nền đô hộ cũ của địch càng ngày càng bị tiêu tan.

Trong hội nghị giữa 4 cường quốc tại Berlin, đồng thời với vấn đề Triều Tiên, vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương do Ngoại trưởng Liên Xô đề ra được chấp nhận và Hội nghị Giơnevơ được triệu tập.

Chính phủ ta luôn luôn theo dõi tình hình thế giới, trong nước và đã kịp thời vạch ra chủ trương đường lối đúng đắn, thích hợp với nguyện vọng của nhân dân trong nước và phù hợp với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới.

Tôi đã thay mặt cho Ban Thường trực Quốc hội luôn luôn ở bên cạnh Chính phủ tham gia vào các cuộc thảo luận trong Hội đồng Chính phủ để quyết định chính sách ngoại giao của ta.

Từ khi vấn đề Hội nghị Giơnevơ đặt ra thì dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Chính phủ đã mở 4 cuộc hội nghị.

Dưới đây là những nét chính của các phiên họp Hội đồng Chính phủ:

1. Phiên họp Hội đồng Chính phủ thứ I ngày 13-3-1954:

Hội đồng nghe báo cáo về tình hình thế giới và việc Hội nghị Berlin quyết định triệu tập Hội nghị Giơnevơ. Hội đồng nhận định đó là một thắng lợi của phong trào hòa bình thế giới, thắng lợi của cuộc kháng chiến Việt Nam và Cao Miên, Lào.

Hội đồng tán thành tham gia Hội nghị Giơnevơ, định rõ lập trường và phương châm đấu tranh ngoại giao, cử đoàn đại biểu tham gia Hội nghị Giơnevơ do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn.

2. Phiên họp Hội đồng Chính phủ thứ hai ngày 15-5-1954:

Hội đồng Chính phủ họp để nhận định tình hình Hội nghị Giơnevơ, nhận xét âm mưu của đế quốc Mỹ và bọn hiếu chiến Pháp phá hoại Hội nghị và thất bại của chúng. Hội nghị nhận thấy nội bộ đế quốc mâu thuẫn, đồng thời xác nhận thắng lợi của ta ở Hội nghị Giơnevơ; lập trường và đề nghị của Đoàn đại biểu ta được hai Đoàn đại biểu Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ, được nhân dân thế giới và nhân dân Pháp ủng hộ.

Hội đồng nhận rằng thắng lợi Điện Biên Phủ đã ảnh hưởng lớn đến Hội nghị Giơnevơ.

Hội đồng đã thảo luận kỹ về 8 điều đề nghị của Đoàn đại biểu ta và nhất trí tán thành chủ trương của Đoàn đại biểu ta.

3. Phiên họp Hội đồng Chính phủ thứ 3 ngày... 1 tháng 7-1954:

Hội đồng Chính phủ đã họp để nhận định về tình hình tiến triển của Hội nghị Giơnevơ, nhận định về hai phe chủ hòa và chủ chiến trong hàng ngũ đế quốc, quyết định đường lối tranh thủ hòa bình, phân hóa hàng ngũ đế quốc và bè lũ tay sai của chúng, chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ, hiếu chiến Pháp và bè lũ tay sai của chúng.

Hội nghị đã xét những hình thức tập kết quân đội hai bên sau khi ngừng bắn, và tán thành điều chỉnh khu vực; quân đội hai bên tạm đóng ở hai vùng dứt khoát theo sự quy định của hai bên.

Hội nghị đã tán thành các nhiệm vụ và công tác thích hợp với tình hình mới do Hồ Chủ tịch đề ra.

4. Phiên họp Hội đồng Chính phủ thứ 4 vào ngày 22-7-1954:

Hiệp định đình chiến đã ký ngày 21-7-1954.

Hội nghị đã thảo luận các văn kiện của Hội nghị Giơnevơ về Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Cao Miên, Lào, xác nhận đó là một thắng lợi lớn của nhân dân Việt Nam, Cao Miên, Lào, của hòa bình thế giới.

Hội nghị đã nghe hiệu triệu của Hồ Chủ tịch nhân dịp ký kết Hiệp định đình chiến.

Nhận thấy rằng đường lối của Chính phủ do Hồ Chủ tịch vạch ra rất sát với tình hình thế giới và trong nước, tôi đã thay mặt Ban Thường trực Quốc hội tán thành chính sách hòa bình của Chính phủ và nhận đó là một thắng lợi lớn của nhân dân ta.

Xem thế cũng như trong các cuộc Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc hồi tháng 3-1953 để thảo luận và thông qua dự án phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô thực hiện giảm tức và khóa họp thứ ba của Quốc hội để thông qua Luật cải cách ruộng đất của Chính phủ, sự nhất trí giữa Chính phủ và Quốc hội đã được thực hiện rõ rệt, đó là điểm mấu chốt của sức mạnh chính quyền ta.

II- HIỆP ĐỊNH ĐÌNH CHIẾN MÀ ĐOÀN ĐẠI BIỂU TA ĐÃ KÝ VỚI ĐOÀN ĐẠI BIỂU PHÁP Ở HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ LÀ MỘT THẮNG LỢI LỚN

Vì cuộc kháng chiến của ta là kháng chiến tự vệ để bảo vệ đất nước đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân, nên 8, 9 năm nay, nhân dân ta đã đoàn kết chặt chẽ chịu đựng mọi gian khổ, anh dũng chiến đấu theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, của Chính phủ mà góp sức người, sức của không hạn chế vào công cuộc đánh giặc cứu nước. Lòng tin tưởng sắt đá của nhân dân đối với đường lối chính sách của Chính phủ là một nguyên nhân thắng lợi.

Vì cuộc chiến tranh của ta là chiến tranh chính nghĩa chống với thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bè lũ tay sai của chúng để giành thống nhất, độc lập, dân chủ là những quyền lợi chính đáng, cho nên ở Đông Dương thì nhân dân Cao Miên, Lào đứng dậy hưởng ứng chống kẻ thù chung với ta, ở thế giới thì nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình, nhất là nhân dân Pháp nhiệt liệt ủng hộ ta. Ở Hội nghị Giơnevơ hai Đoàn đại biểu Liên Xô, Trung Quốc tán thành lập trường của ta và hết sức giúp đỡ ta. Vì thế mà tiếng nói của Đoàn đại biểu ta có một sức mạnh làm cho phe hiếu chiến phải thất bại.

Sau 75 ngày đấu tranh kiên quyết và khôn khéo ở Hội nghị Giơnevơ, Đoàn đại biểu ta đã ký với đoàn đại biểu Pháp bản Hiệp định đình chiến ngày 21-7-1954.

Lời tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ đã nêu mấy điểm chính như sau:

- Hội nghị thừa nhận độc lập và chủ quyền hoàn toàn của Việt Nam, Cao Miên và Lào.

- Thừa nhận việc giải quyết các vấn đề chính trị ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc độc lập, thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tổng tuyển cử ở Việt Nam sẽ tiến hành trong tháng 7-1956.

- Quân đội và nhân viên quân sự ngoại quốc sẽ phải rút khỏi Việt Nam, Cao Miên và Lào do sự thỏa thuận của các bên.

- Sau khi đình chiến không được đưa quân đội, nhân viên quân sự ngoại quốc và mọi thứ vũ khí của nước ngoài vào.

- Sau khi đình chiến các nước Việt Nam, Cao Miên và Lào không được để cho ngoại quốc lập căn cứ quân sự.

………………….

……………….....

Để thực hiện ngừng bắn hai bên đã cùng nhau thỏa thuận điều chỉnh khu vực trú quân, Pháp sẽ tạm đóng quân ở miền Nam, từ Cửa Tùng trở vào. Đó là một việc điều chỉnh tạm thời không có nghĩa là chia cắt đất nước, là phân trị.

Nguyện vọng của nhân dân ta và chủ trương của Chính phủ ta bao giờ cũng là tranh thủ hòa bình với nguyên tắc là thống nhất, độc lập và dân chủ. Trước đây, để được hòa bình, Chính phủ ta đã ký với Pháp hai bản hiệp định, tức là Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9-1946. Vì thực dân Pháp phản bội nên ta đã buộc phải đứng dậy chống giặc. Ta càng đánh càng mạnh, làm cho hàng ngũ địch phân hóa. Chiến thắng Đông - Xuân năm nay đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ làm cho phe chủ chiến ở Pháp thất bại mà phe chủ hòa lên cầm quyền. Đoàn đại biểu ta đã tranh thủ được cơ hội ấy mà đi đến Hiệp định đình chiến.

Một thắng lợi chính trị to lớn là bọn đế quốc hiếu chiến bị cô lập không phá hoại được Hội nghị Giơnevơ, bọn bù nhìn làm tay sai cho phe hiếu chiến đã hoang mang trước việc ký kết này.

Từ rày ta có một địa bàn tự do rộng lớn gồm có hơn 13 triệu dân, có những cánh đồng ruộng phì nhiêu mênh mông, những miền rừng núi nhiều lâm thổ sản, hầm mỏ, những thành thị to lớn, trung tâm điểm của mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, những hải cảng, những đường giao thông thuận tiện, địa bàn ấy dính liền với khối hòa bình dân chủ với một dân số hơn 900 triệu người.

Được hòa bình kiến thiết trong điều kiện ấy, nhân dân ta sẽ phát triển nông nghiệp công thương nghiệp, học tập văn hóa, tăng cường lực lượng quốc phòng. Chính sách ruộng đất đã bắt đầu từ 2 năm nay sẽ được thuận lợi tiếp tục và hoàn thành.

Chúng ta sẽ củng cố thêm chính quyền nhân dân, nâng cao trình độ giác ngộ của nhân dân, làm cho mọi người dân thực sự làm chủ nhân ông của đất nước. Nhân dân sẽ thấy rõ chế độ của ta đem lại quyền lợi thiết thực cho họ trái hẳn với thứ độc lập dân chủ giả hiệu, thứ cải cách điền địa gian trá của đế quốc xâm lược và bọn bù nhìn tay sai của chúng.

Đó tức là cơ sở vững chắc cho một quốc gia hoàn toàn thống nhất, độc lập và dân chủ thực sự.

Được tin ký kết Hiệp định đình chiến này, các Chính phủ trong khối xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân đã đánh điện chúc mừng Chính phủ và nhân dân ta; các nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới cũng đều hân hoan biểu đồng tình với ta trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương. Cái thắng lợi của ta cũng là cái thắng lợi của phe hòa bình, của nhân dân Pháp và nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Cố nhiên vì mục đích tranh thủ hòa bình, cô lập phe hiếu chiến, nên chúng ta chưa có thể giải quyết triệt để ngay được mọi vấn đề theo ý muốn của chúng ta, nhưng ta đã giành được những thắng lợi căn bản bước đầu, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh lâu dài để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Hơn nữa, thắng lợi của ta lại phù hợp với nguyện vọng hòa bình của nhân dân toàn thế giới, chúng ta phải nhận rõ thắng lợi ấy và biết lợi dụng thắng lợi ấy.

III- NHIỆM VỤ CHÚNG TA TRƯỚC TÌNH HÌNH MỚI

Trong 8, 9 năm kháng chiến, số đông các đại biểu chúng ta đã tỏ ra xứng đáng là người thay mặt cho nhân dân. Trong bản báo cáo ở khóa họp thứ 3 cuối năm 1953, chúng tôi đã có dịp trình bày trước Quốc hội số đại biểu chúng ta tham gia các công tác trong chính quyền, trong các đoàn thể nhân dân, trong bộ đội, trong các ngành chuyên môn … Một số đã hy sinh hoặc bị địch tàn sát hoặc trong khi thi hành nhiệm vụ.

Nói chung, các vị đại biểu chúng ta đã hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Sau bản Hiệp định đình chiến này, cuộc đấu tranh của chúng ta chuyển vào một giai đoạn khác.

Một số đại biểu hiện nay ở miền Nam trong vùng Pháp tạm trú quân.

Tình hình mới, hoàn cảnh mới đặt cho ta nhiệm vụ mới. Trong lúc kháng chiến thì khẩu hiệu của ta là "kháng chiến đến cùng". Nay vì đã đình chiến nên khẩu hiểu của ta là "hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ". Trước kia ta đi con đường kháng chiến để đến thống nhất, độc lập, dân chủ, nay ta đi con đường hòa bình cũng để đạt mục đích thống nhất, độc lập, và dân chủ.

Tình hình mới phải có chủ trương mới để tranh lấy thắng lợi mới.

Tranh lấy hòa bình không phải là một việc dễ, nó là cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ, phức tạp, có những điều kiện thuận lợi, cũng có những khó khăn phức tạp. Chính phủ ta đã ký Hiệp định đình chiến với Pháp, chúng ta là người trước nhất phải nắm vững chính sách, triệt để và thẳng thắn thực hiện các điều khoản của bản hiệp định. Ta phải làm cho toàn dân thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động và phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng với những âm mưu phá hoại Hiệp định.

Chúng ta chủ trương đi con đường hòa bình, nhưng lực lượng gây chiến không phải đã dập tắt. Hơn nữa ngoài bọn hiếu chiến rõ mặt thì bọn chủ trương hòa bình với ta chưa phải đã hết tham vọng thực dân; cho nên quân ngoại quốc còn ở trên đất nước chúng ta thì cái nạn ngoại xâm chưa phải đã hết. Nếu ta có đủ lực lượng về mọi mặt thì mới ngăn ngừa được chiến tranh tái diễn; ta phải có đủ lực lượng ấy.

Ở vùng tự do, chúng ta phải tiếp tục việc cải cách ruộng đất bồi dưỡng lực lượng cho nhân dân, giáo dục nhân dân.

Chính quyền ta phải được củng cố thực sự là chính quyền của nhân dân, thì nhân dân mới tha thiết bảo vệ chính quyền ấy. Sức người, sức của là do nhân dân mà ra, nhân dân giàu mạnh thì bảo vệ được nước, mà lực lượng gây chiến không nảy lên được.

Ở vùng Pháp tạm trú quân, cuộc đấu tranh lại phức tạp hơn; vì tạm thời chúng ta không có chính quyền và phải rút quân đội ở vùng này.

Ta phải đấu tranh đòi tôn trọng Hiệp định, thi hành đúng các điều khoản đã ký. Nhân dân phải được hưởng các quyền tự do dân chủ. Phải làm cho nhân dân vùng ấy thấy rõ là lực lượng đấu tranh của họ là động lực chính để mau đi đến thống nhất.

Nói tóm lại, mục đích của toàn thể nhân dân toàn quốc là một, nhưng phương châm, phương pháp đấu tranh thì ở vùng tự do và vùng Pháp tạm trú quân khác nhau.

Nhiệm vụ người thay mặt cho dân là phải tự mình nắm vững chính sách, gần gũi nhân dân, hướng dẫn nhân dân đấu tranh cho đúng đường lối của Chính phủ.

Về cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc thì bản Hiệp định đình chiến đã quy định vào tháng 7 năm 1956, chúng ta phải tranh đấu cho điều khoản ấy được thực hiện đúng kỳ hạn. Tổng tuyển cử tức là thực hiện thống nhất.

Một điều chúng ta phải nhận rõ là Hiệp định đình chiến là một thắng lợi lớn của ta, nhưng mưu mô phá hoại hòa bình đang còn, cho nên, để thực hiện được bản Hiệp định ấy, cần phải đấu tranh bền bỉ, khôn khéo. Chúng ta tôn trọng Hiệp định đình chiến và phải làm cho Hiệp định đình chiến được tôn trọng trong vùng Pháp tạm trú quân.

Chúng ta đều nhận thấy rằng từ trước đến nay, chính sách của Hồ Chủ tịch, Đảng Lao động và Chính phủ là đúng. Việc thực hiện cho đúng chính sách ấy là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân, nhất là của những người nhân dân đã bầu ra thay mặt cho họ.

Nhiệm vụ ấy rất là vinh quang, chúng ta cần phải cố gắng làm tròn.

 

Lưu tại trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

 

1. Campuchia (BT).

2. Bản gốc thiếu ngày (BT).