VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH VÀ CÔNG TÁC CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
Từ tháng 12-1953 đến cuối năm 1954

 

I- KẾT QUẢ KHÓA HỌP LẦN THỨ 3

Khóa họp lần thứ 3 vào các ngày 1, 2, 3, 4-12-1953 để thông qua Luật cải cách ruộng đất đã đem lại những kết quả tốt.

Nhân dân phấn khởi thấy vấn đề ruộng đất được đặt ra một cách quan trọng. Trong khóa họp, Quốc hội đã nhận được hàng chục bức điện văn hoan nghênh Luật cải cách ruộng đất. Sau đó các nơi kế tiếp gửi điện văn về: tư nhân có, đoàn thể có, từng nhóm, từng cuộc hội nghị có, miền ngược có, miền xuôi có, vùng tự do có, vùng địch tạm chiếm có, cho đến ngày đưa in xấp tài liệu (2-1954) cơ quan đã nhận được cả thẩy là 1.106 bức điện.

 Trong các cuộc hội nghị, trong các văn bản về vấn đề ruộng đất, việc Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất đều được luôn luôn nhắc đến.

Cũng từ khóa họp lần thứ 3 về sau, các đại biểu với Ban Thường trực Quốc hội có liên lạc nhiều hơn. Nhiều vị đại biểu thỉnh thoảng gửi báo cáo cho Ban nói về tình hình địa phương và công tác của mình. Việc gửi Công báo cho các đại biểu đề ra trong khóa họp đã được thực hiện; nhưng do tình hình kháng chiến trước đây, địa chỉ các vị đại biểu không nhất định và giao thông khó khăn nên cũng có sự mất mát.

Tập tài liệu về khóa họp thứ 3 đưa in từ tháng 2-1954 mãi đến nay mới xong, tuy Nhà in quốc gia đã dự định in xong hồi tháng 5. Đó cũng vì điều kiện ấn loát trong thời kháng chiến không được đầy đủ, nên phải kéo dài như thế. Bản in này theo Nhà in là công trình to nhất của họ từ trước đến nay, nên anh em công nhân nhà in rất cố gắng. Số sách in ra là 600 quyển. Các sách ấy sẽ gửi cho các đại biểu Quốc hội, các vị Bộ, Thứ trưởng trong Chính phủ, các cơ quan Chính quyền và thông tin từ tỉnh trở lên, và một số gửi biếu các nước bạn, hoặc khách ngoại quốc đi qua thăm nước ta.

Chưa kể số tiền ấn loát ra tập tài liệu.

II- SINH HOẠT CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

Sau khóa họp lần thứ 3, các vị Uỷ viên ở cơ quan Thường trực tương đối ít hơn trước. Bà Thục Viên qua bên Phụ nữ, ông Trần Huy Liệu sang ở Ban văn sử địa, ông Trần Văn Cung từ tháng 3-1954 đi chữa bệnh đến tháng 10-1954 mới về, các ông Lê Tư Lành, Trần Tấn Thọ thì về Khu IV. Còn bà Lê Thị Xuyến và ông Nguyễn Đình Thi thì vẫn ở với công tác chính như cũ.

Cụ Bùi Bằng Đoàn dưỡng bệnh tại Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Hoan nhận chức Đại sứ ở Trung Quốc.

Trong thời gian từ khóa họp thứ II đến nay, có hai cuộc Hội nghị:

1. Cuộc Hội nghị ngày 19, 20-5-1954 gồm có:

Cụ Tôn Đức Thắng, ông Tôn Quang Phiệt, ông Trần Huy Liệu và bà Nguyễn Thị Thục Viên.

Mục đích Hội nghị là để nghe các báo cáo của các Uỷ viên:

a) Bà Thục Viên báo cáo về Hội nghị giáo dục toàn quốc đã họp trong tháng 2-1954

b) Ông Trần Huy Liệu báo cáo về Hội nghị tư pháp toàn quốc họp vào tháng 4-1954

c) Ông Tôn Quang Phiệt báo cáo:

- Về Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất ở 6 xã thí điểm Thái Nguyên họp vào tháng 4-1954.

- Về tình hình các đại biểu Quốc hội, các Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội, công việc của Ban và của cơ quan.

d) Cụ Tôn Đức Thắng báo cáo về Hội đồng Chính phủ tháng 5-1954

Ngoài ra Hội nghị thảo luận về việc in quyển tài liệu khóa họp lần thứ 3 và quyết định bỏ các bài tham luận và ảnh của hai đại biểu thành phần địa chủ; vì trong lúc phong trào phát động đang lên, để các bài, ảnh đại biểu thành phần địa chủ trong quyển sách sẽ có ảnh hưởng không tốt trong nhân dân.

Biên bản của cuộc Hội nghị này đã gửi cho các vị Uỷ viên trong Ban Thường trực Quốc hội.

2. Cuộc Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội mở rộng ngày 28-7-1954

Mục đích là để tỏ thái độ với Hiệp định đình chiến mà Đoàn đại biểu ta đã ký với Đoàn đại biểu Pháp tại Hội nghị Giơnevơ. Hội nghị gồm có 5 vị trong Ban Thường trực Quốc hội và 10 vị đại biểu Quốc hội. Số đại biểu đến dự có đủ Bắc, Trung, Nam và thiểu số. Hội nghị đã nghe báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội.

Bản báo cáo đã nêu ra ba điểm:

a) Ban Thường trực Quốc hội hoàn toàn tán thành chính sách hòa bình của Chính phủ.

b) Hiệp định đình chiến mà Đoàn đại biểu ta đã ký với Đoàn đại biểu Pháp ở Hội nghị Giơnevơ là một thắng lợi lớn.

c) Nhiệm vụ chúng ta trước tình hình mới.

Sau đó Hội nghị đã thông qua ba văn kiện:

- Nghị quyết của Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội mở rộng.

- Điện văn gửi Hồ Chủ tịch tỏ lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch.

- Lời kêu gọi của Ban Thường trực Quốc hội gửi các đại biểu Quốc hội và nhân dân.

Một lần nữa nhân dân nhận thấy sự cộng tác chặt chẽ và sự nhất trí giữa Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ.

Biên bản này cũng đã gửi cho các Uỷ viên trong Ban.

III- ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ

Sau khóa họp thứ 3 đến nay, Ban Thường trực Quốc hội vẫn làm nhiệm vụ góp ý kiến với Chính phủ. Các cuộc hội họp có sự thay đổi: Trước kia thì các Tiểu ban: Nội chính, Kinh tài, Văn xã họp trước Hội đồng Chính phủ vào ba ngày. Lúc các Ban họp xong, thì các vấn đề thảo luận ở các Ban đưa ra ngay để Hội đồng Chính phủ xét và thông qua. Khóa họp các Ban, Hội đồng Chính phủ vào đầu tháng 1-1954 cũng theo thủ tục như thế. Từ lúc bắt đầu đề ra Hội nghị Giơnevơ thì Hội đồng Chính phủ họp nhiều hơn mà các Ban ít họp. Khóa họp tháng 1-1954 cũng là khóa họp cuối cùng kể cho đến ngày nay mà Ban có đủ người đi họp cả các Ban và khi họp xong các vị Uỷ viên về trụ sở báo cáo lại. Vì về sau số Uỷ viên ở Trụ sở không đủ để đi họp các Ban; một mặt nữa, các Ban họp tương đối thưa, nhất là Ban Văn xã thì không họp lần nào. Ban Kinh tế thì không có ai đi nữa. Chỉ có Ban Nội chính thì đi dự được đều đặn. Trong thời gian ấy, Ban Nội chính đã họp hai lần ở Việt Bắc (tháng 1-1954 và tháng 8-1954) một lần ở Hà Nội (tháng 10-1954). Vừa rồi đây Ban Kinh tế họp (ngày 15-11-1954) ông Cung có đi dự.

Còn Hội đồng Chính phủ thì họp nhiều, đặc biệt trong thời kỳ thảo luận vấn đề Đông Dương tại Giơnevơ (riêng việc này Chính phủ đã họp 4 lần) Cụ Tôn đi dự Hội đồng Chính phủ đều đặn ở Việt Bắc cũng như về Hà Nội.

Hồi tháng 3-1954 Chính phủ đã thành lập Uỷ ban Cải cách ruộng đất Trung ương bằng một Sắc lệnh, Ban đã cử ông Tôn Quang Phiệt dự Ban ấy. Ban cải cách ruộng đất Trung ương đã họp hai lần vào tháng 6 (5, 6, 7, 8-6-1954) và tháng 9 -1954 (6, 7-9-1954).

Ban cải cách ruộng đất Trung ương có nhiệm vụ lãnh đạo cụ thể cuộc phát động quần chúng triệt để giảm tô và cuộc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất trong toàn quốc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Mọi vấn đề thuộc về ruộng đất đều do Uỷ ban cải cách ruộng đất Trung ương thảo luận giải quyết rồi đệ lên Hội đồng Chính phủ thông qua để thực hiện. Việc thành lập Uỷ ban Cải cách ruộng đất Trung ương là thi hành theo Điều 32 trong Luật cải cách ruộng đất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà Quốc hội đã thông qua trong khóa họp thứ 3 (tháng 12-1953).

Hôm 20-11-1954 ông Tôn Quang Phiệt lại được Thủ tướng phủ mời đến dự cuộc Hội nghị khen thưởng Huân chương theo Thông tư Thủ tướng phủ số 410-TTP ngày 20-10-1954. Ban này sẽ xét việc khen thưởng Huân chương cho cán bộ và nhân dân toàn quốc đã có công trong 8 năm kháng chiến. Việc khen thưởng làm vào dịp 19-12 và sẽ phát vào hai lần Tết Dương lịch và Tết Âm lịch sắp tới.

Sau khi giải phóng Ban Thường trực Quốc hội có phái đại biểu Nguyễn Sơn Hà đi Khu III trực tiếp họp với các giới công thương nghiệp.

IV- TÌNH HÌNH CÁC ỦY VIÊN BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

Sau khóa họp thứ 3, các vị Uỷ viên lại phân tán theo công việc chính của mình; ông Cung đến tháng 3-1954 đi chữa bệnh đến tháng 10-1954 mới về như thế chỉ có cụ Tôn Đức Thắng và ông Tôn Quang Phiệt thường xuyên ở Ban, cụ Tôn ở trụ sở Mặt trận. Hiện nay về Hà Nội thì có mặt đông đủ, trừ cụ Bùi Bằng Đoàn đang ở Thanh Hóa chưa ra (đang cho người đi rước) và ông Hoàng Văn Hoan ở Trung Quốc. Vừa rồi ông Trần Huy Liệu được Hội Việt - Xô hữu nghị cử đi Liên Xô đáp lời mời của Hội Văn hóa đối ngoại Liên Xô và bà Thục Viên được Hội Liên hiệp Phụ nữ cử đi dự Lễ quốc khánh ở Trung Quốc và ông Nguyễn Đình Thi sẽ đi Liên Xô dự Hội nghị các nhà văn và ở lại Liên Xô một thời gian để giúp các đồng chí điện ảnh Liên Xô hoàn thành cuốn phim về Việt Nam.

Cụ Phạm Bá Trực tạ thế - cụ Phạm tạ thế tại huyện Đại Từ ngày 5-10-1954, khi Chính phủ đã về Sơn Tây, chỉ Ban Thường trực Quốc hội và Mặt trận còn ở lại Đại Từ. Việc yên táng đã được cử hành trọng thể ngày 7-10-1954 tại nhà thờ An Huy, Đại Từ, Thái Nguyên do Ban Thường trực Quốc hội và Mặt trận tổ chức; có ba bài điếu văn: Điếu văn của Hồ Chủ tịch do ông Phan Anh đọc; Ban Thường trực Quốc hội do cụ Tôn Đức Thắng đọc và điếu văn của Linh mục Vũ Xuân Kỷ. Đến dự lễ có các ông Bộ trưởng (Phan Anh, Vũ Đình Tụng) các vị trong Ban Thường trực Quốc hội (cụ Tôn Đức Thắng, ông Tôn Quang Phiệt, ông Dương Đức Hiền) các vị trong Mặt trận Liên Việt toàn quốc (cụ Vũ Xuân Kỷ, ông Dương Bạch Mai, ông Lê Thành Lập). Đồng bào lương và giáo, nhất là giáo đến dự lễ độ 2.000 người.

Và sau Hội nghị Giơnevơ, cụ Trực đã có các bài kêu gọi đồng bào công giáo vạch mặt bọn Ngô Đình Diệm. Các bài ấy rất có ảnh hưởng trong nhân dân. Ban đã tiếp được hàng chục bức điện văn và thơ gửi về hưởng ứng các lời kêu gọi đoàn kết, chống âm mưu chia rẽ của địch; đồng bào bị địch lừa bịp di cư cũng đã gửi đơn cho cụ Phạm yêu cầu can thiệp đòi: chồng, con, anh em họ trở về quê hương.

Bọn địch xuyên tạc về cụ Phạm cũng nhiều mà nhiều chỗ đồng bào công giáo mắc lừa, cho cụ Trực là tự ta giả tạo ra. Khi cụ mất, có báo Pháp lại xuyên tạc cho là Việt Minh đã thủ tiêu cụ Trực đi.

Ngày 20-11-1954 Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc đã tổ chức lễ cầu hồn cho cụ Trực ở Nhà thờ lớn, có cụ Bộ trưởng Nội vụ thay mặt Chính phủ và các vị Bộ trưởng khác đến dự lễ. Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc cũng có các ủy viên đi lễ, các đại biểu Quốc hội ở Thủ đô, các cơ quan Chính quyền đoàn thể ở Thủ đô đều có các vị cao cấp đến dự lễ. Đồng bào cả lương cả giáo đến dự lễ có đến ngót 4.000 người. Ảnh hưởng trong đồng bào công giáo rất tốt; và một số đồng bào công giáo có ý trách các Giám mục, Linh mục tại nhà thờ chưa tổ chức buổi lễ cho xứng với tầm quan trọng của nó.

Cụ Bùi Bằng Đoàn - Hiện đang dưỡng bệnh ở Thanh Hóa, Ban Thường trực Quốc hội đã viết thư và Chính phủ đã phái người vào để rước ra.

Ông Y Ngông - Từ khóa họp thứ 3, theo đề nghị của các anh em Liên khu V, Ban Thường trực Quốc hội đã đồng ý cho ông về trong kia công tác. Sau đó vì công việc quân y anh Ngông ở lại đến tháng 7 mới về cơ quan thì vừa Hội nghị Giơnevơ thành công vì thế anh Ngông lại ở lại. Mấy lần Ban đã phái anh vào Liên khu IV (Sầm Sơn và Cửa Hội) trong một thời gian để đón tiếp đồng bào miền Nam ra.

V- TÌNH HÌNH CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Các đại biểu miền Nam - Chủ trương của ta là mời các đại biểu Quốc hội miền Nam ra vùng tự do, trừ một vài trường hợp đặt biệt do địa phương xét cần giữ lại một số nào để có lợi cho công tác ở vùng địch tạm chiếm không kể. Ban đã liên lạc để nhờ mời các đại biểu Quốc hội miền Nam ra.

 Các đại biểu Quốc hội đã ra một số, hiện nay chưa thống kê được. Trong số ra đó cũng đã có đại biểu mà Ban đã liên lạc được như các ông Cao Triệu Phát, Phạm Văn Bạch (Nam bộ), Nay Phin, Mang Thoang (Tây Nguyên), Đinh Văn May (Sơn Hà - Quảng Ngãi).

Một vài đại biểu Quốc hội có vấn đề:

1. Ma Văn Kính đại biểu người Thổ1 ở Tuyên Quang.

2. Nguyễn Đình Pháp đại biểu Nghệ An.

3. Nguyễn Văn Huệ đại biểu Thanh Hóa

4. Đinh Văn May thiểu số Sơn Hà - Quảng Ngãi: hiện ở đây.

Một số đại biểu vào vùng địch khi kháng chiến vẫn ở lại.

 Dương Văn Du, Đoàn Phú Tứ…

VI- CÔNG TÁC NGOẠI GIAO CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

1. Đánh điện mừng Quốc hội Trung Quốc và được giả lời cám ơn của Trưởng ban Ban Thường trực Quốc hội Trung Quốc (9-1954).

2. Đón tiếp Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba tại Thái Nguyên ( ...1954).

3. Đón tiếp Đại sứ Liên Xô Lavi Chef2 (29-10-1954).

4. Dự các cuộc chiêu đãi do Hồ Chủ tịch thết các Đại sứ Trung Quốc, Liên Xô, hoặc do các Đại sứ thết vào các ngày Quốc khánh của các nước ấy.

5. Dự cuộc chiêu đãi do Phó Thủ tướng lấy tư cách cá nhân tiếp chính khách Ấn Độ, trong đó có một nghị sĩ.

6. Tiếp hai nhà ngoại giao Nam Dương trao đổi ý kiến về Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Nam Dương3.

VII- TRƯỚC TÌNH HÌNH MỚI

Trong 8 năm kháng chiến, Ban Thường trực Quốc hội đã tùy hoàn cảnh mà làm các nhiệm vụ mà đại hội lần thứ 3 đã giao cho: góp ý kiến với Chính phủ, triệu tập Quốc hội.

Từ năm 1950 trở đi, Ban cũng đã cố gắng họp mỗi năm được một lần; do hoàn cảnh giao thông khó khăn, do mỗi người có một công việc chính cần thiết trong thời kỳ kháng chiến nên không thể hội họp nhiều hơn được. Trong lúc đó, việc dự Hội đồng Chính phủ do cụ quyền Trưởng Ban và cụ cố Phó Trưởng Ban đảm nhiệm.

Các Tiểu ban Chính phủ, Nội chính, Kinh tế, Tài chính, Văn hóa Xã hội đặt ra từ tháng 9-1950 đại biểu Ban Thường trực Quốc hội đều có dự; nhưng các Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội đi dự không được đều, vì các Uỷ viên ở Trụ sở ít mà đã lại thỉnh thoảng đi công tác khác.

Việc làm quan hệ nhất trong mấy năm qua là việc triệu tập khóa họp lần thứ 3 để thông qua Luật cải cách ruộng đất của Chính phủ.

Trong thời kỳ kháng chiến, gặp mọi điều khó khăn cho nên công việc của Ban như thế cũng tương đối đầy đủ.

Hiện nay chúng ta có những điều kiện khác:

- Hòa bình đã lập lại; cơ quan đã công khai, sự giao thông không gặp khó khăn như trước, việc bảo mật phòng gian vẫn phải để ý, nhưng nay dễ hơn trước nhiều.

- Các Ủy viên tập trung ở Hà Nội nhiều, sự gặp nhau trao đổi ý kiến không khó khăn như trước, việc liên lạc với Chính phủ, với các cơ quan, với nhân dân cũng có điều kiện thuận tiện hơn.

- Nhân dân để ý đến Quốc hội hơn và các vị đại biểu cũng có nhiều thuận tiện để liên lạc với Ban Thường trực Quốc hội. Cho nên những cơ hội tiếp xúc với nhân dân sẽ dễ dàng hơn trước.

Cũng do Hội nghị Giơnevơ đem lại hòa bình mà chúng ta đứng trước một vài vấn đề đặc biệt khác nữa.

Từ vĩ tuyến 17 trở vào quân đội đối phương chiếm đóng. Bù nhìn Ngô Đình Diệm lại là tay sai của đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp đang cố ý phá hoại hòa bình.

Chính phủ Pháp bị bại mà ký Hiệp định đình chiến với ta, nhưng kế đó Chính phủ Pháp lại ký kết vào tổ chức khối xâm lược Đông Nam Á (SEATO) ở Mỹ cầm đầu; quân đội Liên hiệp Pháp còn nhiều hành động vi phạm Hiệp định đình chiến, thái độ Pháp vẫn chưa thực sự muốn hòa bình.

Các đại biểu Quốc hội chúng ta một phần là đại biểu các khu vực tạm đóng ở dưới quyền thống trị của đối phương; có vị đã ra tập kết, có vị còn ở trong đó.

Trong thời kỳ kháng chiến, các đại biểu Quốc hội không phải đến liên lạc trước với Ban, nên Ban không hiểu rõ được mỗi một đại biểu trong thời gian qua đã làm gì, có vấn đề gì. Vả lại cũng có đại biểu ở lại trong vùng địch, có đại biểu ở vùng tự do bỏ vào vùng địch...

Do Hiệp định Giơnevơ quy định thì cuộc Tổng tuyển cử của ta sẽ cử hành tháng 7 năm 1956 nghĩa là còn không đầy 2 năm nữa. Xét những sự việc đã xảy ra do đối phương gây nên, chúng ta thấy việc thực hiện cho đúng Hiệp định đình chiến nói chung và việc thực hiện Tổng tuyển cử nói riêng là một cuộc đấu tranh gay go gian khổ.

Những điều kiện đặc biệt của giai đoạn này có cái thuận lợi cho ta, có cái khó khăn cho ta, do đó ta phải nhận định cho rõ để có một thái độ và đặt một lề lối làm việc cho thích hợp.

Phiên họp này là phiên họp đầu tiên của Ban Thường trực Quốc hội từ khi về Hà Nội. Chúng tôi đã trao đổi ý kiến với các Uỷ viên trước. Mong được nhiều ý kiến góp vào để xây dựng một chương trình làm việc của Ban từ nay trở đi.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Người Tày (BT).

2. Lavơnisép (BT).

3. Inđônêxia (BT).

Về trang mục lục

Trở về đầu trang