VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÀI VIẾT CỦA ÔNG TÔN QUANG PHIỆT, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
NHÂN KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP
QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
1 SAU 10 NĂM CÙNG NHÂN DÂN ĐẤU TRANH TRONG KHÁNG CHIẾN VÀ TRONG HÒA BÌNH, QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
XỨNG ĐÁNG VỚI SỰ TÍN NHIỆM CỦA TOÀN DÂN

 

Ngày 02-9-1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình trước 50 vạn nhân dân đại biểu cho đủ các tầng lớp trong nước thì một tuần lễ sau ngày 08-9-1945 Sắc lệnh số 14 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời quy định cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội; đồng thời sắc lệnh ấy nhận rằng: "Nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa ". Sau đó thể lệ cuộc tổng tuyển cử và những bản dự thảo Hiến pháp được phổ biến sâu rộng trong toàn quốc để nhân dân tìm hiểu và góp ý kiến.

Cuộc đấu tranh hơn 80 năm chống thực dân xâm lược và phong kiến Nam triều đến đây đã thắng lợi. Việc đầu tiên mà Chính phủ lâm thời thực hiện là trao lại quyền cho nhân dân bằng cuộc đầu phiếu phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín, để bầu ra một Quốc hội của toàn dân đủ thẩm quyền định đoạt mạng vận của nước nhà.

Nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đã nhiệt liệt hoan nghênh cuộc tổng tuyển cử và đấu tranh mãnh liệt để thực hiện cuộc tổng tuyển cử.

Cuộc Tổng tuyển cử lịch sử ngày 06-01-1946 không phải không gay go phức tạp.

Ở miền Bắc một tụi Việt gian bán nước đã theo quân đội Tưởng Giới Thạch về nước cố ý phá hoại chính quyền mới thành lập của nhân dân. Chúng muốn dựa vào lực lượng của giặc Tưởng hòng lập một chính thể độc tài. Chúng đã dùng mọi cách phá cuộc tổng tuyển cử.

Ở miền Nam thực dân Pháp được sự giúp đỡ của đế quốc Anh đã dùng tàn quân Nhật Bản chiếm nhiều đô thị ở Nam bộ, miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên đánh lại chính quyền và nhân dân ta để đặt lại nền thống trị của chúng.

Cuộc Tổng tuyển cử đã phải cử hành dưới làn bom đạn, trong những cuộc càn quét của địch. Nhiều nơi nhân dân ta phải mang hòm phiếu chạy chỗ này qua chỗ nọ, nhiều nơi một số cử tri bị hy sinh.

Mặc dù có thù trong giặc ngoài, nhân dân ta đã thắng và cuộc tổng tuyển cử đã thực hiện được trong toàn quốc với số cử tri từ 75% đến hơn 90%. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử tại Thủ đô Hà Nội, nơi mà tụi quốc dân đảng của Tưởng đóng nhiều quân, nơi mà bọn Việt gian đóng cơ quan đầu não của chúng, đã thu được gần 100% số phiếu cử tri. Đó là một câu giả lời đanh thép của nhân dân Việt Nam đối với bọn ngoại xâm và nội phản.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một cuộc đấu tranh gian khổ và anh dũng mà nó đã thắng lợi vẻ vang.

Và trong 10 năm qua Quốc hội do toàn dân bầu ra đã xứng đáng với lòng tín nhiệm của toàn dân.

Trong khóa họp đầu tiên Quốc hội đã ủy cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ tiêu biểu cho đoàn kết toàn dân; Quốc hội cũng đã cử 1 tiểu ban để dự thảo Hiến pháp.

Trong khóa họp thứ hai Chính phủ đã được bổ sung và bản Hiến pháp đã được thông qua. Mọi người đều nhận thấy trong quá trình kháng chiến và kiến quốc Chính phủ có Hồ Chủ tịch lãnh đạo đã hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xứng với lòng tin cậy của nhân dân. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được toàn dân tham gia ý kiến và đã ghi những tiến bộ rõ rệt về nhiệm vụ và quyền hạn của người công dân Việt Nam, như quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, bình đẳng giữa các dân tộc.

Đồng ý với chính sách hòa bình của Chính phủ, trong khi ký Hiệp định sơ bộ 06-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946, Quốc hội rất lấy làm phẫn uất khi thấy tụi địch bội ước và gây ra cuộc kháng chiến toàn quốc 19-12-1946. Vì thế một số ủy viên đã được Ban Thường trực Quốc hội phái đi các địa phương giải thích cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện và trường kỳ của nhân dân ta và động viên toàn dân tham gia kháng chiến. Tiếng nói của Quốc hội trong giờ phút nghiêm trọng của lịch sử nước nhà là một sức mạnh gây lòng tin tưởng và tăng sức kháng chiến của nhân dân. Số lớn đại biểu Quốc hội đi đã tham gia công tác khắp mọi ngành: bộ đội, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các công tác chuyên môn khác. Một số đã không chịu khuất phục trước uy vũ của địch và đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, xứng đáng với lòng tín nhiệm của nhân dân.

Đầu năm 1953, sau 7 năm kháng chiến gian khổ và anh dũng, nhân dân đã góp nhiều sức của và sức người trong công việc đánh giặc cứu nước. Ban Thường trực Quốc hội đã họp liên tịch với Uỷ ban Liên Việt toàn quốc để thảo luận và thông qua bản đề án "Phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức" do Đảng Lao động Việt Nam đề ra. Nông dân được bồi dưỡng trong chính sách ruộng đất bước đầu đã tăng lực lượng chiến đấu ở tiền tuyến và tích cực tăng gia sản xuất ở hậu phương làm cho cuộc kháng chiến của ta được đẩy mạnh đem lại nhiều thắng lợi mới.

Cuối năm 1953, mặc dầu điều kiện giao thông khó khăn, mặc dầu một số đại biểu Quốc hội bận những công tác kháng chiến quan trọng. Quốc hội đã triệu tập khóa họp thứ 3 ở căn cứ địa Việt Bắc. Các đại biểu Quốc hội từ miền Nam ra, từ Tây Bắc về đã cùng các đại biểu toàn quốc thảo luận sôi nổi và thông qua Luật cải cách ruộng đất "thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân".

Luật cải cách ruộng đất thực hiện ở nông thôn làm cho dân cày vô cùng phấn khởi; phong trào tòng quân và dân công sôi nổi khắp những nơi mà ruộng đất đã vào tay dân cày. Cuộc kháng chiến nhân đó được đẩy mạnh thêm; quân và dân ta thu được nhiều thắng lợi lớn lao cho đến thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ.

Theo đường lối hòa bình trước sau như một của ta và của phe hòa bình dân chủ thế giới do Liên Xô và Trung Quốc đứng đầu. Ban Thường trực Quốc hội đã cùng Chính phủ cử đoàn đại biểu đi tham gia Hội nghị Giơnevơ. Nhờ sức chiến đấu anh dũng của nhân dân ta, nhờ sự ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân thế giới, nhờ sự giúp đỡ vô tư của các đoàn đại biểu Trung Quốc và Liên Xô, thực dân Pháp đã phải cùng ta ký Hiệp định đình chỉ chiến sự lập lại hòa bình ở Việt Nam, Cao Miên2 và Lào. Nhân dân ta đã chào đón hòa bình với tất cả lòng tin tưởng và phấn khởi.

Từ khi hòa bình lập lại đến nay, Quốc hội đã họp hai khóa tại Thủ đô Hà Nội, trước sự hân hoan cổ vũ của nhân dân toàn quốc; Hàng ngàn bức điện văn của khắp các địa phương, của đủ các tầng lớp nhân dân đã chào mừng Quốc hội, đặt tin tưởng vào Quốc hội và nguyện thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Trong hai khóa họp, Quốc hội đã thảo luận và thông qua các vấn đề quan hệ đến quốc kế dân sinh: khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, mở rộng đoàn kết, tăng cường ngoại giao là những vấn đề mấu chốt để củng cố miền Bắc làm cơ sở cho cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Đối với cuộc đấu tranh thống nhất, Quốc hội nhất trí thông qua nguyên tắc thực hiện thống nhất trên cơ sở độc lập, dân chủ bằng phương pháp hòa bình.

Hiệp định Giơnevơ đã quy định giới tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ cùng nhà đương cục có thẩm quyền ở miền Nam mở hội nghị hiệp thương để thảo luận về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Ngày 6-6-1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra lời tuyên bố đòi nhà đương cục có thẩm quyền ở miền Nam mở hội nghị hiệp thương để bàn về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc. Hưởng ứng theo lời tuyên bố của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã kêu gọi nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới ủng hộ lập trường chính nghĩa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lời kêu gọi ấy đã có một tiếng vang sâu rộng trong nhân dân toàn quốc.

Thế mà bè lũ Ngô Đình Diệm theo lệnh đế quốc Mỹ đang cố phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại hòa bình, mưu mô chia cắt đất nước lâu dài. Sau trò hề "trưng cầu dân ý" chúng lại xúc tiến việc tuyển cử riêng rẽ, và thành lập Hiến pháp giả hiệu, tách Nam bộ thành ra một nước thuộc địa của Mỹ để làm căn cứ quân sự gây chiến tranh mới. Từ lúc Ngô Đình Diệm được sự nâng đỡ của đế quốc Mỹ mà cầm quyền ở miền Nam thì chính sách duy nhất của miền Nam là chính sách mua chuộc, đe dọa và khủng bố. Chúng đã dùng chính sách ấy mà chà đạp trên quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam, chúng đã dùng chính sách ấy mà cưỡng ép một số đồng bào công giáo di cư vào Nam để đi lính và đi phu cho chúng. Chúng đã dùng chính sách ấy mà "trưng cầu dân ý" để truất ngôi Bảo Đại lập chính quyền độc tài họ Ngô, thay thực dân Pháp bằng đế quốc Mỹ. Rồi đây chúng cũng có thể dùng chính sách ấy mà bầu ra quốc hội riêng rẽ, lập ra Hiến pháp, nhưng quốc hội ấy không đại diện cho ai mà Hiến pháp ấy cũng chỉ là một bản ghi chép khờ khạo phỏng theo Hiến pháp Mỹ hoặc một nước chư hầu nào của Mỹ.

Nhân dân Việt Nam chỉ thừa nhận một Quốc hội do họ bầu ra từ 06-01-1946 và đã phục vụ lợi ích của họ trong 10 năm nay. Nhân dân Việt Nam chỉ thay Quốc hội này bằng một Quốc hội cũng sẽ do họ bầu ra theo Hiệp định Giơnevơ có các cường quốc trên thế giới ký kết đã quy định. Nhân dân Việt Nam cũng chỉ thừa nhận bản Hiến pháp nào do họ tham gia ý kiến và do Quốc hội họ bầu ra thông qua mà thôi. Quốc hội và Hiến pháp do Mỹ - Diệm lập ra chỉ là của riêng của Mỹ - Diệm mà nhân dân Việt Nam không biết đến.

Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do toàn dân bầu ra và được toàn dân tín nhiệm nhất định cùng toàn dân đấu tranh để thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình. Quốc hội hoan hô tinh thần đấu tranh của đồng bào miền Nam trong kháng chiến 8, 9 năm qua cũng như trong hòa bình hơn một năm nay.

Tinh thần đấu tranh ấy cũng là tinh thần của cuộc Tổng tuyển cử 06-01-1946. Chúng ta phải luôn luôn giữ vững tinh thần ấy.

Năm nay kỷ niệm lần thứ 10 của cuộc Tổng tuyển cử, chúng ta nhắc lại cuộc đấu tranh đã qua để thêm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân ta.

Sang năm 1956 này Chính phủ đã có một kế hoạch khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa tiếp theo năm 1955, kế hoạch đó là kế hoạch đầu tiên để xây dựng chế độ dân chủ nhân dân vững mạnh ở miền Bắc trên đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Miền Bắc được củng cố tức nhân dân ta có cơ sở chắc chắn để đấu tranh thống nhất nước nhà.

Chúng ta đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc Tổng tuyển cử 06-01-1946; chúng ta cũng đã gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong 8, 9 năm kháng chiến. Nhưng với sự cố gắng chúng ta đều đã vượt qua các khó khăn ấy.

Khó khăn nhất định còn nhiều, nhưng với truyền thống anh dũng của nhân dân ta, chúng ta nhất định sẽ vượt qua nữa.

Nhân ngày kỷ niệm tổng tuyển cử 06-01-1956 để nhận rõ thêm nhiệm vụ của mình, cố gắng trong mọi ngành công tác để củng cố miền Bắc đấu tranh thống nhất nước nhà, đó là bổn phận của mỗi người công dân Việt Nam.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Bản gốc không ghi ngày, tháng của bài viết này (BT).

2. Campuchia (BT).