VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÀI VIẾT CỦA ÔNG TÔN QUANG PHIỆT,
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NHÂN KỶ NIỆM QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ 11 TUỔI
(6-1-1946 – 6-1-1957)

 

Được toàn thể nhân dân bầu ra ngày 6-1-1946 với tỷ số từ 75-98% số cử tri tham gia, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm nay đã 11 tuổi.

Trong 11 năm qua, Quốc hội đã cùng Chính phủ lãnh đạo toàn dân tham gia kháng chiến trong thời chiến tranh và xây dựng hòa bình từ khi hòa bình lập lại.

Nhân dân đã hoàn toàn tin tưởng vào Quốc hội vì Quốc hội đã thể hiện ý chí của nhân dân: ý chí đoàn kết, đấu tranh.

Trước hết, Quốc hội ta là một Quốc hội đoàn kết. Từ cuối năm 1945, sau khi Chính phủ lâm thời đã ra Sắc lệnh về tổng tuyển cử thì nhân dân cả nước vô cùng phấn khởi, cùng nhau hội họp, trao đổi ý kiến về việc chọn người xứng đáng ra thay mặt cho mình. Sống dưới chế độ phong kiến áp bức hàng nghìn năm và dưới chế độ thực dân phong kiến ngót một trăm năm, nhân dân ta rất khao khát được hưởng các quyền tự do dân chủ, trong đó quyền tự do bầu cử rất là quan trọng. Mỗi cử tri đều nhận thấy chỉ có toàn dân đoàn kết theo như lời Hồ Chủ tịch đã tuyên bố ngày Độc lập 2-9-1945 thì mới bảo vệ được nền độc lập cho đất nước, xây dựng được tự do hạnh phúc cho nhân dân. Vì thế cuộc tổng tuyển cử đã thực hiện mục đích đoàn kết đó. Các tầng lớp nhân dân đã có người thay mặt của họ trong Quốc hội. Các dân tộc từ Kinh đến Thổ1, Thái, Mường, Êđê… đều có những người đại diện. Đại biểu phụ nữ cũng có một số quan trọng.

Xem thế Mặt trận dân tộc thống nhất trong Quốc hội rất là rộng rãi, tiêu biểu cho toàn thể nhân dân.

Do sự đoàn kết đó, nên trong mọi chủ trương, chính sách quan hệ đến quốc kế dân sinh, Chính phủ đã luôn luôn được sự nhất trí của Quốc hội. Và trong những giờ phút nghiêm trọng của lịch sử, tiếng nói của Quốc hội luôn luôn là một sức mạnh thúc đẩy toàn dân tham gia các công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 lại là một cuộc đấu tranh, vì cuộc tổng tuyển cử ấy đã tiến hành trong một hoàn cảnh đặc biệt. Lúc đó chính quyền dân chủ cộng hòa mới thành lập. Ở trong Nam, thực dân Pháp dựa vào quân đội tiếp thu của Anh, sử dụng toàn quân của Nhật, đã chiếm các đô thị, lập lại nền thống trị cũ. Bộ đội thực dân đã dùng vũ lực để phá cuộc tổng tuyển cử của nhân dân ta, ở các nơi, như Tân An, Nha Trang, hàng chục năm cử tri đã bị giết vì bom đạn. Ở Đắc Lắc, nhân dân đang bỏ phiếu thì bị địch mang quân đến càn quét. Nhân dân phải mang hòm phiếu chạy vào rừng để giặc đi qua lại trở lại tiếp tục bỏ phiếu chọn người thay mặt cho mình.

Ở miền Bắc, một tình hình khác đã gây khó khăn cho cuộc tổng tuyển cử của nhân dân.

Một bọn tay sai của Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch xưa nay không biết gì đến quyền lợi của nhân dân nay cũng thừa dịp “theo đóm ăn tàn” trở về nước mà tranh giành địa vị. Bằng những luận điệu xuyên tạc, bằng những đe dọa trắng trợn, chúng đã cố phá hoại cuộc đầu phiếu của nhân dân ta. Nhờ nhân dân ta tin tưởng sắt đá vào Đảng và Chính phủ, nên cuộc tổng tuyển cử đã tiến hành thắng lợi: Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thành lập.

Trong 2 khóa họp đầu tiên Quốc hội đã ủy cho Hồ Chủ tịch thành lập Chính phủ. Trong 8, 9 năm kháng chiến và trong hai năm hòa bình Chính phủ đã tỏ ra xứng đáng với sự tín nhiệm của Quốc hội.

Quốc hội đã lập ra bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hiến pháp đã ghi lại những kết quả đấu tranh của nhân dân ta trong hơn 80 năm và những thành tích của cuộc Cách mạng tháng Tám; ý nghĩa phản đế, phản phong đã được nêu ra.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Toàn dân đứng dậy bảo vệ đất nước. Trong những hy sinh không bờ bến của nhân dân, Quốc hội cũng tổn thất một số đại biểu yêu quý. Luật sư Thái Văn Lung là đại biểu Quốc hội đầu tiên bị giặc giết ở Nam bộ. Bắt đầu kháng chiến, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã cầm súng bắn giặc và bị hy sinh tại Thủ đô. Đại biểu Quảng Trị Lê Thế Hiếu đã mắng vào mặt giặc mà bị giết. Cụ Nguyễn Văn Tố đã anh dũng hy sinh tại Bắc Kạn; và còn các đại biểu Lý Chính Thắng, Huỳnh Bá Nhung, Trần Kim Xuyến và bao nhiêu đại biểu khác đã từ trần trong thời kháng chiến! Máu của các vị đại biểu ấy đã hòa với máu của bộ đội, của nhân dân trong nhiệm vụ thiêng liêng, giết giặc cứu nước.

Trong thời kháng chiến, Quốc hội không họp được đều đặn nên Ban Thường trực Quốc hội được sự ủy nhiệm của Quốc hội luôn luôn ở bên cạnh Chính phủ để giúp ý kiến Chính phủ trong mọi chủ trương chính sách.

Cuối năm 1953 trong khi cuộc kháng chiến bước vào một giai đoạn quyết liệt, nhận thấy nhân dân tối đại đa số là nông dân, cần được bồi dưỡng để đẩy mạnh kháng chiến, Quốc hội đã họp khóa thứ 3 trong một khu rừng Việt Bắc để thông qua một đạo luật quan trọng: Luật cải cách ruộng đất.

Để nêu tầm quan trọng của Quốc hội, trong khóa họp ấy, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố: “Quốc hội ta là Quốc hội kháng chiến, Quốc hội cải cách ruộng đất”.

Nhờ sự đồng tâm nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ, mọi chủ trương chính sách đều được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng và thực hiện, cuộc kháng chiến được đẩy mạnh và thắng lợi, Điện Biên Phủ đưa lại thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.

Từ khi hòa bình lập lại, Quốc hội chúng ta đã họp hai kỳ thứ 4 và thứ 5 thảo luận và biểu quyết một số chính sách quan trọng do Chính phủ đưa ra.

Nói tóm lại mỗi lần Quốc hội chúng ta họp là mỗi lần nhân dân ta tiến một bước trên công cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ.

Khóa họp thứ 6 này mở vào dịp kỷ niệm ngày tổng tuyển cử lần thứ 11 cũng có ý nghĩa quan trọng của nó. Tình hình thế giới và trong nước có những biến đổi quan trọng.

Trên trường quốc tế, phe hòa bình, dân chủ ngày càng lớn mạnh, bao gồm hơn 900 triệu nhân dân. Chính sách chung sống hòa bình được thể hiện đầu tiên trong hai bản tuyên bố chung của Trung – Ấn2, Trung – Diến3 càng ngày càng được các nước Á - Phi hưởng ứng. Khu vực hòa bình ngày càng mở rộng làm cho bọn đế quốc gây chiến cầm đầu là Mỹ lấy làm lo sợ. Vì thế chúng muốn làm sống lại nền thống trị thực dân ở Ai Cập và nhúng tay vào việc gây rối loạn ở Hunggari. Nhưng âm mưu của chúng đã bị nhân dân thế giới lột trần và dư luận thế giới lên án. Chúng đã thất bại.

Ở trong nước, nhân dân ta tha thiết với hòa bình đã triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ để thống nhất nước nhà bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước. Nhưng ở miền Nam, do bọn Mỹ muốn thực hiện âm mưu gây lại chiến tranh, chia cắt lâu dài đất nước ta, đã dùng bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm để phá Hiệp định Giơnevơ, bày ra trò Quốc hội bù nhìn và hiến pháp giả hiệu.

Quốc hội miền Nam đã bầu ra trong trường hợp nào? Ai cũng đã rõ. Đồng bào miền Nam đang bực dọc về việc bị cưỡng ép bỏ phiếu, bị các tên kiểm phiếu gian lận, bị phải sống dưới nền thống trị của một tập đoàn đại địa chủ và tư bản mại bản phản động, phản nước hại dân.

Còn nói về “hiến pháp” miền Nam thì đó là tất cả một trò hề thô bỉ. Hiến pháp ấy là một đồ nhập khẩu từ Mỹ.

So sánh sao được với Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một Quốc hội do cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước bằng cách phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín! So sánh sao được với bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là bản Hiến pháp do toàn dân nghiên cứu, góp ý kiến, do một ban dự thảo Hiến pháp gồm đại biểu các đảng phái thảo ra và do Quốc hội nhất trí thông qua.

Nhân dân Việt Nam chỉ thừa nhận một Quốc hội do tự tay họ bỏ phiếu bầu ra không hề có một áp lực nào. Nhân dân Việt Nam chỉ biết Hiến pháp mà họ đã góp phần xây dựng và do Quốc hội của họ thông qua.

Qua 11 năm thử thách, Quốc hội càng được sự tín nhiệm của nhân dân. Trong khóa họp này, Quốc hội sẽ được kiện toàn, Hiến pháp sẽ được sửa đổi, nền chuyên chính dân chủ nhân dân được củng cố, tự do dân chủ của nhân dân được phát triển hơn nữa thì lòng tin tưởng của nhân dân càng vững vàng. Cho nên Quốc hội chúng ta họp lần này có một ý nghĩa đặc biệt. Hơn lúc nào hết, sự đoàn kết đấu tranh phải được thực hiện triệt để.

Địch đang muốn lợi dụng một số sai lầm khuyết điểm của ta trong cải cách ruộng đất để gieo hoang mang trong nhân dân, để xuyên tạc chế độ của ta. Quốc hội chúng ta đã được bầu ra nhờ sự đoàn kết đấu tranh của toàn dân. Quốc hội chúng ta cần phải tiếp tục đoàn kết đấu tranh để thể hiện ý chí đoàn kết đấu tranh của nhân dân. Quốc hội chúng ta sẽ đánh tan mọi âm mưu đen tối của địch.

11 năm qua, Quốc hội đã cùng toàn dân đồng cam cộng khổ để kháng chiến và kiến quốc. Trong hoàn cảnh hòa bình, Quốc hội sẽ cùng toàn dân đẩy mạnh xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh. Không có lực lượng nào cản trở được bước tiến của nhân dân ta.

 

PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

 

TÔN QUANG PHIỆT

 

Báo Nhân dân số ra ngày 7-1-1957.  

 

1. Thổ: từ  cũ để chỉ người Tày

2. Trung Quốc - Ấn Độ (BT).

3. Trung Quốc - Diến Điện (nay là Mianma - BT).