VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 11, QUỐC HỘI KHOÁ I NGÀY 31-12-1959
KÉO DÀI NHIỆM KỲ CỦA CÁC ĐẠI BIỂU MIỀN NAM TRONG QUỐC HỘI

 

QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
KỲ HỌP THỨ 11

Sau khi nghe báo cáo của Tiểu ban nghiên cứu Luật tuyển cử Quốc hội về vấn đề đại biểu miền Nam trong Quốc hội,

Nhận định rằng:

1. Từ ngày hòa bình được lập lại, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thể theo nguyện vọng của toàn dân từ Bắc chí Nam đã nhiều lần đề nghị với chính quyền miền Nam hiệp thương để tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước thực hiện thống nhất nước nhà như Hiệp định Giơnevơ quy định.

Nhưng chính quyền miền Nam thi hành chính sách của đế quốc Mỹ vẫn khăng khăng từ chối mọi đề nghị hợp tình hợp lý của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phá hoại nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ, phá hoại sự nghiệp hòa bình thống
nhất Tổ quốc ta, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt, thực chất là một thuộc địa kiểu mới và một căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ.

Trong khi vẫn kiên trì đấu tranh đòi thực hiện tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước nhà theo Hiệp định Giơnevơ, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật tuyển cử bầu lại Quốc hội.

2. Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiêu biểu tính chất thống nhất của cả nước ta và tiêu biểu ý chí đấu tranh thống nhất của nhân dân ta từ Bắc chí Nam. Trong Quốc hội phải có những người đại diện xứng đáng cho nhân dân ở miền Nam.

Các đại biểu miền Nam trong Quốc hội hiện nay được bầu ra trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến ở miền Nam, đã cùng nhân dân miền Nam đoàn kết và đấu tranh anh dũng trong kháng chiến. Từ ngày hòa bình lập lại, tập kết ra Bắc, đại biểu miền Nam tiếp tục đem nhiệt tình cách mạng để góp phần xây dựng miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Tiếng nói của các đại biểu miền Nam trong Quốc hội là tiếng nói của toàn thể đồng bào miền Nam đang dương cao ngọn cờ hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Trong lúc ở miền Nam chưa thể tổ chức tuyển cử tự do như ở miền Bắc, sự có mặt của đại biểu miền Nam trong Quốc hội có ý nghĩa tiêu biểu tính chất thống nhất của nước ta, của Quốc hội ta và ý chí của nhân dân ta kiên quyết đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, hòa bình thống nhất nước nhà.

Vì lý do trên, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

QUYẾT NGHỊ

Kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu Quốc hội đã được nhân dân miền Nam bầu ra ngày 6-1-1946 cho đến khi có nghị quyết mới.

 

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa thứ nhất, kỳ họp thứ 11 nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 31 tháng 12 năm 1959.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Về trang mục lục

Trở về đầu trang