VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

THUYẾT TRÌNH CỦA TIỂU BAN NGHIÊN CỨU DỰ LUẬT
VỀ DỰ LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN, VÀ
DỰ LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

(Do ông Đinh Gia Trinh, thay mặt Tiểu ban trình bày
tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, ngày 14-7-1960)

 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu và thảo luận các bản dự luật tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân do Chính phủ đưa ra trước Quốc hội trong kỳ họp này, Tiểu ban chúng tôi xin trình bày với Quốc hội những ý kiến sau đây:

I- Về tinh thần chung và những nguyên tắc cơ bản của hai dự luật.

II- Về một số vấn đề cụ thể thuộc nội dung của hai dự luật.

*

*    *

I- VỀ TINH THẦN CHUNG VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA HAI DỰ LUẬT

Tiểu ban chúng tôi nhận xét thấy hai dự luật này đã thể hiện được đúng đắn và nghiêm chỉnh những nguyên tắc quy định trong Chương VIII, từ Điều 97 đến Điều 108 của Hiến pháp, về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả tính chất ưu việt của Nhà nước ta là một Nhà nước của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, Nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, dân chủ cao độ đối với nhân dân và chuyên chính mạnh mẽ đối với kẻ thù của nhân dân.

Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là những bộ phận trọng yếu trong bộ máy nhà nước của ta, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng chung của Nhà nước và nhân dân ta, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân phải làm sao để bảo đảm cho các cơ quan ấy có khả năng làm trọn nhiệm vụ do nhân dân trao phó cho.

A- VỀ NHIỆM VỤ CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Hiện nay nhân dân ta đang tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà. Hiến pháp 1960 được Quốc hội khóa I thông qua trong kỳ họp thứ 11 là cơ sở pháp lý, chỗ dựa vững mạnh của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh cách mạng ấy. Hiến pháp cũng như pháp luật trong Nhà nước ta biểu hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đó là công cụ sắc bén của Nhà nước để đè bẹp sự phản kháng của kẻ thù của nhân dân, thực hiện quyền lợi và lợi ích của nhân dân nhằm bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân vì độc lập, thống nhất, hòa bình và dân chủ. Nội dung cụ thể của pháp luật của Nhà nước ta nhằm bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa theo chủ nghĩa xã hội, duy trì trật tự công cộng, bảo vệ những quyền lợi dân chủ của nhân dân. Pháp luật ấy là của báu của nhân dân, Nhà nước ta cũng như nhân dân ta có nhiệm vụ tôn trọng nó, giữ gìn nó. Hiến pháp đã ghi rõ nhiệm vụ này. Điều 6 viết là “Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”. Điều 39 viết là “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, trật tự công cộng, và những quy tắc sinh hoạt xã hội”.

Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là những cơ quan có trách nhiệm bảo vệ nền pháp chế dân chủ nhân dân. Tòa án nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ pháp chế bằng cách áp dụng pháp luật trong việc xét xử để trấn áp kẻ thù phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân và những phần tử phạm tội khác xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, giải quyết những mâu thuẫn về quyền lợi dân sự trong nội bộ nhân dân. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ chuyên trách kiểm sát sự chấp hành pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được tất cả các cơ quan nhà nước, nhân viên cơ quan nhà nước và công dân tuân theo một cách nghiêm chỉnh và thống nhất. Đối với việc bảo vệ pháp chế cách mạng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân rất trọng đại. Bảo vệ pháp chế cách mạng được tốt, tức là góp phần tích cực đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Vì vậy Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn tán thành việc ghi rõ trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân nhiệm vụ cách mạng đó của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Ghi như vậy là làm nổi rõ tính chất ưu việt của chế độ nhà nước của ta, khác hẳn với chế độ nhà nước tư sản trong đó Tòa án và Công tố là công cụ của giai cấp thống trị dùng để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của chúng, đàn áp và bóc lột quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Viện kiểm sát nhân dân của ta không phải chỉ làm việc công tố mà còn kiểm sát chung việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhân viên cơ quan nhà nước và công dân, đó là đặc điểm ưu việt của chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa, không có nhà nước tư sản nào có thể có. Chúng ta đề ra được cho Viện kiểm sát nhân dân nhiệm vụ đó là vì pháp luật của ta, cũng như Nhà nước của ta, là công cụ của nhân dân, Nhà nước và nhân dân trong chế độ ta căn bản nhất trí về quyền lợi.

B- VỀ NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Tiểu ban chúng tôi nhận xét thấy những quy định trong 2 bản dự luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đã thực hiện đúng đắn những nguyên tắc cơ bản ghi trong Hiến pháp về tổ chức nhà nước nói chung và về tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nói riêng.

1- Hai dự luật đã thực hiện nguyên tắc tổ chức hai ngành Tòa án và Kiểm sát riêng biệt trong bộ máy nhà nước, đều trực thuộc Quốc hội chứ không như trước đây, các Tòa án và Viện công tố đặt dưới sự lãnh đạo của Chính phủ. Viện kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan mới trong bộ máy nhà nước của ta, nó đảm nhiệm công tác công tố mà các Viện công tố hiện nay phụ trách và công tác kiểm sát chung việc tuân theo pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

2- Các quy định của hai dự luật đã thể hiện đúng đắn tính chất dân chủtính chất nhân dân của Tòa án và Viện kiểm sát trong chế độ ta. Dự luật tổ chức Tòa án đã thực hiện đầy đủ nguyên tắc thẩm phán bầu, và Tòa án nhân dân chịu trách nhiệm trước cơ quan dân cử cùng cấp, nguyên tắc hội thẩm nhân dân tham gia công việc xét xử, nguyên tắc xét xử hai cấp, tập thể và công khai, nguyên tắc người bị cáo có quyền được bào chữa, nguyên tắc công dân thuộc các dân tộc thiểu số có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của mình trước Tòa án. Dự luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã thực hiện nguyên tắc Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra, Phó Viện trưởng và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Viện kiểm sát nhân dân các cấp có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết các việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân và trả lời cho những người khiếu nại tố cáo...

Tòa án nhân dân cũng như Viện kiểm sát nhân dân trong khi làm nhiệm vụ của mình phải theo nguyên tắc mọi người công dân bình đẳng trước pháp luật.

Cả Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, cũng như các cơ quan nhà nước khác, trong khi làm nhiệm vụ của mình đều phải “dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân” như Điều 6 của Hiến pháp đã quy định.

Nguyên tắc dân chủ tập trung là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan nhà nước trong chế độ ta, như đã được ghi trong Điều 4 của Hiến pháp, cũng được thể hiện đúng đắn trong những quy định của hai bản dự luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, cụ thể trong việc quy định chế độ xét xử tập thể của Tòa án nhân dân, chế độ Uỷ ban thẩm phán và Uỷ ban kiểm sát, sự giám đốc của cấp trên đối với cấp dưới, sự thống nhất lãnh đạo trong mỗi ngành.

Đối với Viện kiểm sát, Dự luật Viện kiểm sát nhân dân ghi nguyên tắc của Điều 107 của Hiến pháp định rằng “Viện kiểm sát nhân dân các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Đó là một đặc điểm của ngành Kiểm sát, nó biểu hiện nguyên tắc tập trung lãnh đạo đến cao độ. Như vậy là cần thiết để Viện kiểm sát địa phương có điều kiện làm được tốt nhiệm vụ kiểm sát của mình một cách độc lập đối với tất cả các cơ quan nhà nước địa phương, bảo đảm cho pháp luật của Nhà nước được thi hành một cách thống nhất trong toàn quốc, ngăn ngừa mọi biểu hiện của óc địa phương, óc cục bộ trong việc chấp hành pháp luật.

Đối với tinh thần chung và những nguyên tắc cơ bản nói trên đã thể hiện trong những quy định của hai bản dự luật về tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, Tiểu ban chúng tôi đều nhất trí tán thành.

Sau đây là ý kiến của chúng tôi về một số vấn đề cụ thể thuộc nội dung của hai dự luật.

II- VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ THUỘC NỘI DUNG CỦA HAI DỰ LUẬT

Về nội dung của các dự luật, sau khi nghiên cứu và thảo luận các dự luật trong Tiểu ban, kết hợp nghiên cứu và thảo luận ý kiến của các Tổ đại biểu trong Quốc hội, Tiểu ban chúng tôi có những ý kiến đề nghị sửa chữa và bổ sung về một số điểm sau đây:

A- ĐỐI VỚI CHUNG CẢ HAI DỰ LUẬT VỀ
TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Trong quá trình thảo luận ở Tiểu ban, có ý kiến đề ra là nên ghi vào Luật quyền của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình ra Quốc hội dự án pháp luật và pháp lệnh về những vấn đề thuộc phạm vi công tác chuyên môn của mình. Tiểu ban chúng tôi tán thành ý kiến này, vì xét thấy Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những cơ quan nhà nước cao cấp lãnh đạo công tác xét xử và công tác kiểm sát trong Nhà nước ta, hàng ngày chấp hành pháp luật và kiểm soát việc tuân theo pháp luật, cho nên công nhận cho các cơ quan đó quyền nói trên là hợp lý. Do đó chúng tôi đề nghị bổ sung điểm đó vào Điều 21 của Dự luật tổ chức Tòa án nhân dân và Điều 8 của dự luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

B- ĐỐI VỚI DỰ LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN

- Điều 1 của Dự luật có nói là Tòa án nhân dân xét xử những vụ án hình sự “để trừng trị những kẻ phạm tội”. Tiểu ban chúng tôi thấy nên nêu trong Luật đường lối chính sách cơ bản về trừng trị có tính chất nhân đạo của Nhà nước ta là trừng trị kết hợp với giáo dục, trừng trị cũng nhằm mục đích giáo dục. Vì vậy chúng tôi đề nghị bổ sung vào cuối Điều 1 của Dự luật một đoạn như sau: “Tòa án nhân dân xử phạt về hình sự không những chỉ trừng trị phạm nhân mà còn nhằm giáo dục và cải tạo họ”.

- Điều 12 của Dự luật quy định nguyên tắc là khi xử sơ thẩm thì Tòa án nhân dân có hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, và lại quy định rằng “đối với những vụ án không quan trọng thì Tòa án nhân dân có thể xử không có hội thẩm nhân dân”. Tiểu ban chúng tôi thấy viết như thế chưa biểu hiện được rõ nguyên tắc là khi xét xử sơ thẩm thì lệ thường là có hội thẩm nhân dân tham gia, để bảo đảm thực hiện đúng đắn tính chất nhân dân của Tòa án và ý nghĩa, tác dụng của chế định hội thẩm nhân dân trong chế độ ta. Chỉ đối với những việc dân sự thật giản đơn, những việc hình sự nhỏ xét ra không quan trọng thì mới không cần thiết có hội thẩm nhân dân tham gia. Vì vậy chúng tôi đề nghị viết lại Điều 12 đoạn 2 như sau: “Khi xử sơ thẩm thì Tòa án nhân dân gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp xử những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì Tòa án nhân dân có thể xử không có hội thẩm nhân dân”.

- Về những quyền hạn và nhiệm vụ không phải là quyền hạn, nhiệm vụ xét xử của Tòa án nhân dân tối cao định trong Điều 21 đoạn cuối, Tiểu ban chúng tôi đề nghị ghi thêm nhiệm vụ phụ trách việc tuyên truyền giáo dục pháp luật là một công tác quan trọng của ngành Tư pháp mà trước đây Bộ Tư pháp đã phụ trách.

C- ĐỐI VỚI DỰ LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Hiến pháp định trong Điều 105:

“Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân.

Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định”.

Như vậy là Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân phải định rõ phạm vi quyền kiểm sát của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương. Dự án luật của Chính phủ trong Điều 1 chỉ nhắc lại phạm vi quyền kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao mà không nói tới phạm vi quyền kiểm sát của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, vấn đề này lại quy định ở nơi khác là Điều 9 của dự luật, sau khi nhắc lại một lần nữa nội dung của Điều 1. Tiểu ban chúng tôi thấy Điều 1 của Luật cần quy định phạm vi quyền hạn của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, vì đó là một vấn đề nguyên tắc chung, và có như vậy thì Điều 2 nói về nhiệm vụ chung của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, và các điều tiếp sau quy định về công tác, hệ thống tổ chức của các Viện kiểm sát nhân dân mới là hợp lý. Do đó Tiểu ban chúng tôi đề nghị bổ sung vào Điều 1 một đoạn 2 như sau: “Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước địa phương và công dân”. Điều 9 của Dự luật như vậy sẽ bỏ đi.

Ngoài những ý kiến trên đây về nội dung của hai dự luật, Tiểu ban chúng tôi và các đại biểu Quốc hội còn có ý kiến đề nghị một số sửa chữa về cách viết để làm cho câu văn trong Dự luật được gọn gàng, dễ hiểu, chính xác hơn. Căn cứ vào những ý kiến ấy, chúng tôi đã cố gắng sửa lại các bản dự thảo do Chính phủ trình bày và xin trình trước Quốc hội toàn văn hai bản dự thảo đã được chỉnh lý, xin Quốc hội xét và thông qua.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.