UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ hai

MỘT SỐ TƯ LIỆU CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI QUA CÁC THỜI KỲ

 

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ HỘI NGHỊ LẦN THỨ 100 LIÊN MINH NGHỊ VIỆN THẾ GIỚI (IPU)

VÀ THĂM LIÊN BANG NGA CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NƯỚC TA

DO CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NÔNG ĐỨC MẠNH DẪN ĐẦU

(Mát-xcơ-va, LB Nga, 6-14/9/1998)

 

Nhận lời mời của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội đồng Liên bang và Viện Đuma Quốc gia LB Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu đã tham dự Kỳ họp thường niên (mùa thu) lần thứ 100 của Liên minh Nghị viện Thế giới tổ chức tại Mát-xcơ-va, LB Nga từ 7 đến 11 tháng 9 năm 1998. Tham gia Hội nghị lần này có 126 Đoàn đại biểu Quốc hội các nước thành viên, 29 Đoàn các tổ chức quốc tế và 1 Đoàn quan sát viên.

 

I. BỐI CẢNH VÀ MỤC ĐÍCH

Sau Hội nghị IPU lần thứ 99 tại Namibia (tháng 5 năm 1998), Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh ở một số khu vực và thế giới tuy có xu hướng chuyển biến tích cực về các giải pháp hoà bình và ổn định, nhưng vẫn còn một só điểm nóng; cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đang xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, đặt ra những thách thức mới đối với tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế cũng như sự ổn định chính trị - xã hội ở một số nước. Vào thời điểm tiến hành Hội nghị và chuyến thăm LB Nga của Chủ tịch Quốc hội, nước chủ nhà cũng đang gặp nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế và tài chính.

Hội nghị lần này tổ chức ở Mát-xcơ-va, thủ đô CHLB Nga, nước vốn có quan hệ truyền thống với Việt Nam và quan hệ LB Nga - Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sau chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Đây là lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đi dự Hội nghị IPU do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, với mục đích tham gia Hội nghị và góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với CHLB Nga và Đuma quốc gia Nga. Trong cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội ta, Chủ tịch Đảng CSLB Nga Giu-ga-nốp đánh giá cao việc Việt Nam cử Đoàn cấp cao đến Mát-xcơ-va tham dự Hội nghị IPU, đặc biệt là trong thời điểm rất khó khăn hiện nay và cho đó là sự cổ vũ và thể hiện thiết thực thực nhất tình đoàn kết của Việt Nam với LB Nga.

Đoàn Việt Nam có 8 đại biểu tham gia với sự phân công cụ thể như sau:

1. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Ủy viên thường vụ BCT, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn, phụ trách chung và đọc tham luận tại phiên họp toàn thể;

2. Đồng chí Đỗ Văn Tài, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, thường trực Ban chỉ đạo tại Hội nghị, tham gia các phiên họp toàn thể và các phiên họp Hội đồng IPU;

3. Đồng chí Vũ Mão, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tham gia Ban chỉ đạo, trực tiếp phụ trách chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền và tham gia Hội nghị Hiệp hội Tổng thư ký Quốc hội các nước trên thế giới.

4. Đồng chí Phan Quang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, tham gia các phiên họp toàn thể và Ủy ban II về các vấn đề chính trị, pháp lý và nghị viện, tham luận tại Ủy ban về chủ đề kỷ niệm 50 năm ngày Tuyên ngôn nhân quyền LHQ; tham gia Hội nghị tư vấn nghị viện các nước nói tiếng Pháp;

5. Đồng chí Ngô Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, tham gia các phiên họp toàn thể, Ủy ban I về chủ đề bổ sung, Hội đồng IPU và các cuộc họp tư vấn Quốc hội các nước ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương.

6. GS. TS. Phạm Thị Trân Châu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tham dự các phiên họp toàn thể và Ủy ban III về các vấn đề kinh tế và xã hội, Hội các nữ nghị sĩ.

7. GS. TS. Tào Hữu Phùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, tham dự các phiên họp toàn thể và Ủy ban III về các vấn đề KT-SH.

8. PGS. PTS. Trần Ngọc Đường, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm VPQH, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, tham dự các phiên họp toàn thể và Ủy ban II về các vấn đề chính trị, pháp lý và nghị viện.

 

II. CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI HỘI NGHỊ IPU

Chủ tịch Quốc hội ta đã đọc tham luận tại phiên họp toàn thể thảo luận chung về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội trên thế giới.

Các đại biểu của Đoàn ta tham dự các cuộc thảo luận tại phiên họp toàn thể, phiên họp các Ủy ban, các phiên họp của Hội đồng IPU; tham gia một số hoạt động tư vấn của Quốc hội các nước ASEAN, các nước Châu Á - Thái Bình Dương; Quốc hội các nước nói tiếng Pháp; dự Hội nghị nữ nghị sĩ IPU; dự Hội nghị Tổng thư ký Quốc hội các nước và một số hoạt động tiếp xúc khác; ta được mời tham gia chủ trì 01 phiên thảo luận chung của Hội nghị toàn thể. Nhìn chung, Đoàn ta đã có đóng góp tích cực vào các hoạt động của Hội nghị và tranh thủ diễn đàn này để trao đổi chính kiến của ta về các chủ đề và các vấn đề quan tâm chung của Hội nghị cũng như tiếp xúc để xây dựng các quan hệ song phương.

Hội nghị lần này có hai chủ đề lớn đã được quyết định từ kỳ họp trước:

- Hành động của nghị viện các nước thành viên nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Liên hợp quốc công bố Tuyên ngôn nhân quyền (10/12/1948);

- Nước và các biện pháp bảo vệ, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng này cho sự phát triển bền vững.

Về một chủ đề bổ sung, Hội đồng IPU đã biểu quyết với đa số phiếu cao nhất để chọn một trong số 10 chủ đề bổ sung được các Đoàn quốc gia đưa ra; đó là chủ đề "Hành động đấu tranh chống tiêu thụ, lưu hành ma tuý và tội phạm có tổ chức" do các Đoàn thuộc các nước Mỹ-La-tinh đề xuất. Trước khi Hội đồng IPU họp để chọn chủ đề bổ sung, Đoàn ta đã thảo luận phương án biểu quyết và ủng hộ tuyệt đối với chủ đề chống ma tuý và tội phạm có tổ chức.

Hội đồng IPU cũng đã họp để thảo luận và xem xét nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng, trong đó việc xem xét báo cáo của Ủy ban đặc biệt nghiên cứu đơn của Hội đồng lập pháp quốc gia của Palestin xin gia nhập IPU; quyết định một số sửa đổi, bổ sung điều lệ và quy chế Hội nghị IPU; về việc tăng cường hợp tác giữa IPU và Liên hợp quốc; quyết định về địa điểm và thời gian tổ chức các kỳ họp IPU trong một số năm tới; bầu bổ sung nhân sự vào các Ủy ban.

Sau đây là một số nội dung chính qua Hội nghị:

1. Ủy ban II: Các vấn đề về nghị viện, pháp lý và nhân quyền

Ủy ban thảo luận về hành động chung của Nghị viện các nước để kỷ niệm 50 năm "Tuyên ngôn nhân quyền" của Liên hợp quốc, hướng tới tăng cường hoạt động bảo vệ các quyền con người vào thế kỷ 21. Trong quá trình thảo luận tại Hội nghị toàn thể và tại Ủy ban chuyên đề, các Đoàn đều đề cập đến vấn đề nhân quyền ở khía cạnh khái quát chung; cham luận ủng hộ bảo vệ và thực hiện các quyền con người phù hợp pháp luật quốc tế, luật quốc gia và đặc điểm của từng nước. Bộ phận điều hành Hội nghị có xu hướng tránh các vấn đề cụ thể do các quốc gia đưa ra có thể gay cấn cho quan hệ song phương và bầu không khí kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn nhân quyền. Đoàn địa biểu Nghị viện Châu Âu trong tham luận ủng hộ chủ đề kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn nhân quyền cũng không đề cập đến những vi phạm nhân quyền cụ thể, kể cả với Việt Nam.

Ủy ban II đã trình phiên họp toàn thể cuối cùng thông qua Nghị quyết kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn nhân quyền. Nghị quyết nhấn mạnh: Tuyên ngôn nhân quyền là một têu chuẩn về thành quả đấu tranh của nhân dân và các quốc gia trên thế giới; ghi nhận quan điểm nhân quyền, dân chủ, phát triển lâu bền và hoà bình là những yếu tố quan hệ qua lại và tuỳ thuộc lẫn nhau; thừa nhận sự cần thiết phải ghi nhận vào Hiến pháp, pháp luật quốc gia và quốc tế để bảo vệ các quyền con người. Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, Nghị quyết khẳng định quan điểm rằng các hoạt động chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền phải dựa trên cơ sở thông hiểu hoàn cảnh chính trị, kinh tế và xã hội của mỗi xã hội nhất định; phù hợp và nhằm đạt mục đích trọng yếu là tăng cường và khuyến khích việc tôn trọng quyền và tự do cơ bản của con người thông qua hợp tác quốc tế.

Nghị quyết cũng đề cập đến việc tăng cường vai trò của nữ trong xã hội, đấu tranh chống nghèo đói, thừa nhận quyền phát triển của các quốc gia là những quyền con người quan trọng. Nghị quyết có nhiều khuyến nghị tăng cường vai trò và bảo vệ phụ nữ, khuyến nghị Chính phủ và Quốc hội các nước lấy ngày 8/3/2000 là ngày đấu tranh cho hoà bình, phát triển và dân chủ trên cơ sở tăng cường quyền lực cho nữ giới.

Nghị quyết khuyến nghị tăng cường các biện pháp lập pháp chống phân biệt đối xử về chính trị, pháp luật, xã hội, văn hoá, tư tưởng, giáo dục, bảo vệ quyền của nạn nhân chiến tranh, người di tản; ủng hộ Nghị quyết của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc ngày 3/4/1998 về vấn đề từng bước xoá bỏ án tử hình (Trung Quốc bảo lưu vấn đề này), chống khủng bố, diệt chủng, ủng hộ việc thành lập Toà án hình sự quốc tế, bảo vệ các quyền con người của các đại biểu Quốc hội.

Để hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn nhân quyền, Nghị quyết kêu gọi các Quốc hội thành viên IPU tiến hành các biện pháp để quốc gia mình gia nhập, phê chuẩn các điều ước quốc tế khu vực và quốc tế về quyền con người; thực hiện các điều ước quốc tế này qua hoạt động lập pháp, sửa đổi, bổ sung pháp luật quốc gia cho phù hợp với tiêu chuẩn quyền con người trong Tuyên ngôn về quyền con người và các văn bản pháp lý liên quan, xem xét thường xuyên các bảo lưu về điều ước quốc tế quyền con người để rút bảo lưu; thành lập các tổ chức của Quốc hội chuyên chăm lo cho vấn đề quyền con người; tiến hành các hoạt động hội họp vào ngày 10/12/1998 để kỷ niệm 50 năm ngày Liên hợp quốc công bố Tuyên ngôn nhân quyền.

Nghị quyết còn kêu gọi các Quốc hội ủng hộ chính sách chống sản xuất, sử dụng và tàng trữ mìn sát thương; nước nào gài mìn sát thương cần đảm nhận trách nhiệm gỡ mìn (Hàn Quốc không bảo lưu nhưng phát biểu đè nghị làm nhẹ lời văn của Nghị quyết về trách nhiệm gỡ mìn vì giữa Bắc - Nam Hàn Quốc vẫn cần thiết có khu vực bảo vệ bằng mìn trong điều kiện hiện nay).

Nhìn chung, Quốc hội các nước phương Tây muốn sớm áp đặt một tiêu chuẩn chung về quyền con người và yêu cầu có sự tôn trọng tuyệt đối tiêu chuẩn này. Các nước đang phát triển và các nước ASEAN không có nhiều ý kiến mặn mà về tiêu chuẩn chung này và đều nhấn mạnh quyền được phát triển và trách nhiệm của các nước đã phát triển đối với nước đang phát triển để duy trì sự phát triển đồng đều. Trung Quốc phát hành một tài liệu về quan điểm của Trung Quốc đối với quyền con người.

2. Ủy ban III: Các vấn đề về kinh tế và xã hội

Ủy ban đã thảo luận về chủ đề "Nước - nguồn tài nguyên cần được bảo tồn, quản lý và sử dụng có hiệu quả để phục vụ cho phát triển bền vững", các tham luận nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng chiến lược của nguồn nước đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và quan hệ sinh thái trên thế giới nói chung và đối với từng quốc gia nói riêng; về sự khan hiếm của nguồn tài nguyên này và những hiểm hoạ nếu không kịp thời có những biện pháp chung để bảo vệ, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Đoàn ta đã có tham luận về chủ đề này nêu rõ những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề này thể hiện trong Luật Tài nguyên nước mới được Quốc hội thông qua, nêu bật những thành tựu lập pháp của Nhà nước ta và những cố gắng của Nhà nước và xã hội đối với việc bảo vệ, quản lý và sử dụng nguồn nước. Hội nghị toàn thể IPU đã thông qua báo cáo và Nghị quyết của Ủy ban III. Nghị quyết kêu gọi Chính phủ và Quốc hội các nước thống nhất những nguyên tắc của pháp luật quốc tế về quyền đối với nguồn nước sạch, tăng cường hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp và sử dụng, bảo vệ nguồn nước liên quốc gia và vùng biên giới giáp ranh; tăng cường các biện pháp lập pháp để bảo vệ và sử dụng nguồn nước.

3. Về chủ đề bổ sung

Chủ đề bổ sung: "Hành động đấu tranh chống tiêu thụ, lưu hành ma tuý và tội phạm có tổ chức" được thảo luận tại Ủy ban I (Ủy ban về các vấn đề chính trị, an ninh và giải giáp vũ trang).

Các Đoàn quốc gia nhất trí cao về tác hại của ma tuý và tội phạm có tổ chức đối với sự ổn định xã hội nói chung trên thế giới và đặc biệt đối với thế hệ trẻ, nhất trí về sự cần thiết phối hợp ở tầm quốc tế để cùng đấu tranh chống các tội phạm này. Hội nghị toàn thể đã thông qua Nghị quyết của Ủy ban I về vấn đề này khuyến nghị các nhà lập pháp và Chính phủ các quốc gia tăng cường các biện pháp lập pháp, tăng cường hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm ma tuý và tội phạm có tổ chức. Nghị quyết nêu rõ quan điểm rằng biện pháp trừng phạt người cung cấp hoặc tiêu thụ ma tuý không phải là biện pháp duy nhất, mà cần phải có cách tiếp cận toàn diện hơn để chống đói nghèo và khuyến khích phát triển, khuyến khích hợp tác khu vực đấu tranh chống ma tuý và tội phạm có tổ chức. Nghị quyết nêu rõ quan điểm rằng biện pháp trừng phạt người cung cấp hoặc tiêu thụ ma tuý không phải là biện pháp duy nhất, mà cần phải có cách tiếp cận toàn diện hơn để chống đói nghèo và khuyến khích phát triển, khuyến khích hợp tác khu vực đấu tranh chống ma tuý và tội phạm có tổ chức. Để đạt mục đích này Nghị quyết kêu gọi Quốc hội thành viên IPU tăng cường các biện pháp lập pháp về chủ đề này và báo cáo tại Hội nghị IPU lần thứ 101.

4. Tham gia Hội nghị các nữ nghị sĩ

Hội nữ nghị sĩ IPU đã họp thường kỳ, bàn về việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị và kinh tế. Hội nghị toàn thể IPU đã thông qua Nghị quyết tại phiên họp cuối cùng ghi nhận tổ chức nữ nghị sĩ IPU là một bộ phận trong cơ chế IPU.

5. Hội nghị Hiệp hội tổng thư ký Quốc hội các nước

Hiệp hội Tổng thư ký Quốc hội các nước là một cơ chế bên cạnh IPU, hoạt động song song với các Hội nghị thường niên IPU nhằm trao đổi kinh nghiệm về tổ chức bộ máy giúp việc và hoạt động của Nghị viện các nước, cũng như các cơ quan của Nghị viện; Hội nghị trao đổi các vấn đề cụ thể như mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; chính sách đối với các nghị sĩ các biện pháp tổ chức phục vụ khác nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Nghị viện.

Lần đầu tiên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ta tham gia hoạt động này với tư cách quan sát viên. Kết quả hoạt động cụ thể của Hội nghị Hiệp hội Tổng thư ký sẽ được báo cáo riêng.

6. Tham gia một số hoạt động thuộc cơ chế tư vấn

Trong thời gian diễn ra Hội nghị IPU có các cuộc họp tư vấn của Nghị viện các nước ASEAN, Liên minh Nghị sĩ các nước châu Á - Thái Bình Dương (APPF) và Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF) nhằm trao đổi các quan điểm cảu khu vực đối với chương trình nghị sự IPU. Cuộc họp tư vấn của đại diện nhóm IPU quốc gia các nước ASEAN được tiến hành lần đầu tiên tại kỳ họp 99 của IPU (Windhook tháng 5/1998) theo đề xuất của nhóm quốc gia Thái Lan, với mục đích trên tinh thần đoàn kết và thống nhất của ASEAN trao đổi các quan điểm của khu vực về những vấn đề thảo luận tại IPU. Tại kỳ họp IPU lần này, các Đoàn quốc gia Quốc hội các nước ASEAN họp 2 lần. Lần thứ nhất do Đoàn Indonesia chủ trì (theo vần chữ cái) để trao đổi về các chủ đề thoả thuận tại IPU; lần thứ 2 theo sáng kiến của Đoàn Thái Lan nhằm thoả thuận việc mở rộng thành viên về tham dự cuộc họp tư vấn, bao gồm thêm các nhóm nước đối thoại với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cuộc gặp tư vấn lần thứ 2 đã kết luận bắt đầu tiến hành họp tư vấn mở rộng tại kỳ họp 101 sắp tới của IPU tháng 4/1999 tại Brucxen sau cuộc họp tư vấn Quốc hội các nước ASEAN; giao Malaysia là điều phối viên cho cuộc họp tư vấn mở rộng; giao Philipine soạn thảo đề nghị 01 chủ đề bổ sung tại kỳ họp IPU 101 về vấn đề toàn cầu hoá và ảnh hưởng đối với ổn định kinh tế và tài chính ở châu Á và các khu vực khác. Dự thảo chủ đề này sẽ được Malaysia chuyển đến các nước thành viên trước khi gửi IPU; giao Thái Lan thảo luận với Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề trên. Trung Quốc ủng hộ sáng kiến về cuộc họp tư vấn mở rộng các nước ASEAN và đối thoại trong khuôn khổ IPU và phát biểu quan điểm hiện nay nhóm 12 Plus đang có ảnh hưởng chủ yếu đối với chương trình nghị sự IPU, do vậy châu Á cũng cần có một liên minh tiếng nói thống nhất tại Tổ chức Nghị viện thế giới.

7. Về một số hoạt động khác của Hội nghị

Như thường lệ Ủy ban về quyền con người của các nghị sĩ họp kín để xem xét các vi phạm quyền con người của các nghị sĩ và báo cáo Hội đồng IPU thông qua các quyết định của Ủy ban này. Quyết định của Ủy ban về quyền con người của các nghị sĩ liên quan tới các trường hợp cụ thể vi phạm quyền con người tại 17 nước (145 trường hợp); trong đó có 5 trường hợp ở Campuchia, 3 trường hợp ở Indonesia, 1 trường hợp ở Malaysia; 29 trường hợp ở Myanma.

Hội nghị toàn thể IPU thông qua sửa đổi điều 20.2 của Điều lệ IPU, ghi nhận vị trí Chủ tịch IPU sẽ được bầu theo nguyên tắc bảo đảm luân phiên giữa các nhóm địa lý. Hội nghị toàn thể cũng thông qua điều 22 vào Điều lệ ghi nhận cuộc họp nữ nghị sĩ IPU và Ủy ban điều phối nữ nghị sĩ vào cơ chế tổ chức chính phủ của IPU. Hội nghị lần này cũng chưa công nhận PLO là thành viên chính thức của IPU nhưng nhất trí dành cho Đoàn PLO đến dự Hội nghị các quyền của một thành viên chính thức, trừ quyền biểu quyết. Từ nay,

Đoàn PLO cũng sẽ được cử 8 đại biểu tham dự Hội nghị IPU như các thành viên chính thức khác. Đây là chuyển biến tích cực về thái độ của IPU đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine.

Hội đồng IPU cũng đã quyết định kỳ họp 101 sẽ được tổ chức vào tháng 4 năm 1999 tại Bruxen và kỳ họp 102 được tổ chức tháng 10/1999 tại Berlin; thông qua chương trình hoạt động của IPU cho đến năm 2000, bàn về các hình thức phối hợp với Liên hợp quốc.

 

III. HOẠT ĐỘNG SONG PHƯƠNG

Trong thời gian Hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu đã có một số hoạt động sau đây:

1. Đặt hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Matxcơva.

2. Gặp và trao đổi ý kiến với:

- Chủ tịch Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Miguel Angel Martinez;

- Tổng thư ký IPU Anders B.Johnsson;

- Chủ tịch Viện Đuma quốc gia Liên bang Nga Guennady N.Seleznev;

- Chủ tịch Đảng CSLB Nga G.A.Ziuganov;

- Chủ tịch Quốc hội Bêlôrút Malofeyev Anatoli;

- Chủ tịch Quốc hội Indonesia Harmoko;

- Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Ruchupan Meechai;

- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc Từ Gia Lộ;

- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Cu ba Jorge Lezcano;

- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội CHDCND Lào Sisoulith Thongloun;

- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Giáo dục Đuma quốc gia LB Nga Mennicov Ivan Ivanovich;

- Bí thư TW Đảng CSLB Nga, phụ trách công tác tư tưởng Bingiucov Nicolai Gabrilovich;

3. Thăm thành phố Saint Petersburg (10-13/9/1998)

- Đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Piskerevski;

- Thăm Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp;

- Gặp Quyền Chủ tịch Hội đồng lập pháp Mironov X.M;

- Gặp Thống đốc Yakovlev V.A.;

- Gặp Tổng thư ký Hội đồng Liên minh Quốc hội các nước SNG Mikhail I. Krotov;

- Thăm một số di tích lịch sử, văn hoá...

4. Thăm Đại sứ quán ta tại Moscow. Gặp và nói chuyện với cán bộ nhân Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt ở Moscow và Saint Petersburg.

5. Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh "Tiếng nói nước Nga" và "Đài phát thanh Saint Petersburg.

6. Một số nội dung chính trong gặp gỡ tiếp xúc

+ Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã giới thiệu khái quát về tình hình đất nước gần đây sau hơn 10 năm đổi mới, những thành tựu, khó khăn và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ trong khu vực đối với Việt Nam, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hoạt động của Quốc hội. Khẳng định vị trí và vai trò của Quốc hội ta tại Diễn đàn quốc tế quan trọng này. Khẳng định Việt Nam tiếp tục đổi mới, tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác và các nước nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nghị sĩ các nước đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam, nhất là các nước bạn bè truyền thống trên cơ sở ổn định, bền vững, tin cậy và lâu dài.

+ Chủ tịch Hội đồng IPU Miguel Angel Martinez bày tỏ sự khâm phục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, coi Việt Nam là biểu tượng của độc lập tự do, biểu tượng của hy vọng đối với hàng triệu, hàng triệu thanh thiếu niên trên thế giới.

Chủ tịch Hội đồng IPU cho rằng IPU phải đấu tranh vì sự tiến bộ của các dân tộc và phấn đấu để trở thành công cụ chính trị và quyền lực trong thế giới nói chung. Ông nhấn mạnh chủ trương cải cách cơ cấu IPU để phát triển hài hoà với Liên hợp quốc và có thể giám sát được hoạt động của Liên hợp quốc. Từng bước tiến tới giám sát một số tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) là những tổ chức tài chính - tiền tệ có nhiều quyền lực có thể quyết định những vấn đề lớn và khống chế hàng trăm nước trên thế giới mà không ai có thể kiểm soát được. Theo ông, thế giới hiện nay chia làm hai cực:

1. Mỹ là trung tâm và các nước theo Mỹ tạo thành một cực;

2. Các dân tộc trên thế giới hợp thành một cực;

Ông cho biết đến năm 2000, IPU sẽ tổ chức Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước tại Liên hợp quốc để bàn hai vấn đề:

1. Khẳng định chính sách của Nghị viện các nước đối với tình hình chính trị, kinh tế thế giới.

2. Cải cách cơ cấu IPU trong thế kỷ 21.

Ông bày tỏ mong muốn Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới dự Hội nghị này.

+ Tổng thư ký IPU Anders B.Johnsson là người rất có cảm tình với Việt Nam, ông cho rằng Việt Nam là trái tim và quê hương thứ hai của ông. Ông gợi ý Việt Nam nên tổ chức một Hội nghị chuyên đề ở khu vực trong khuôn khổ IPU để khuyến khích nghị sĩ các nước đến Việt Nam chứng kiến những thành tựu đổi mới, qua đó tăng cường hợp tác và giúp đỡ Việt Nam. Ông cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Thuỵ Điển để thực hiện có hiệu quả dự án giúp Quốc hội Việt Nam.

- Trong hội đàm, Chủ tịch Viện Đuma quốc gia LB Nga Seleznev G.N. đã thông báo khái quát về việc chuẩn bị Hội nghị IPU 100 và cho rằng Hội nghị lần này tổ chức tại Moscow có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình Đoàn kết hữu nghị của Quốc hội và nhân dân các nước đối với LB Nga. Đây cũng là dịp để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Quốc hội các nước, đồng thời cũng để các đại biểu tận mắt chứng kiến thực trạng nước Nga hiện nay. Ông cũng cho biết Đuma không tán thành việc Tổng thống Yelgsin giới thiệu Chernomyrdin làm Thủ tướng trong bối cảnh khủng hoảng có hệ thống về chính trị, kinh tế - tài chính hiện nay ở LB Nga. Ông cảm ơn Đoàn Quốc hội Việt Nam đã tới dự Hội nghị IPU lần thứ 100 và mời Chủ tịch Nông Đức Mạnh sang thăm chính thức Nga vào tháng 3/1999.

- Chủ tịch Đảng CSLB Nga G.A.Ziuganov cho biết tình hình chính trị, kinh tế nước Nga gần đây rất khó khăn, phức tạp, "cải cách" đang dẫn nước Nga đến nghèo khổ và khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội nghiêm trọng, hơn 85% nhân dân đã bị bần cùng hoá. Nhà nước không có tiền để trả lương, kể cả cho quân đội và lực lượng tên lửa chiến lược. 50% diện tích đất canh tác chưa gieo trồng được và lại bị hạn hán ở 39 địa phương nên mùa đông năm nay sẽ rất khó khăn.

Hai lần Yeltsin giới thiệu Chernomyrdin làm Thủ tướng đều bị Đuma bác bỏ, vì vậy lối thoát hiện nay là phải xây dựng một Chính phủ dựa vào sự ủng hộ của đa số Đuma. Đuma đã kiến nghị 5 người (trong đó có Primacov) để Tổng thống lựa chọn giới thiệu làm Thủ tướng và cho rằng tình hình có thể diễn ra 4 khả năng:

1. Tổng thống giới thiệu 1 Thủ tướng khác được Đuma chấp nhận và thành lập 1 Chính phủ mạnh.

2. Có 1 Chính phủ mạnh và Tổng thống từ chức;

3. Yeltsin tiếp tục giới thiệu Chernomyrdin. Nếu vậy, ngay hôm đó Đuma sẽ họp và tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống. Nếu có 300 phiếu bất tín nhiệm thì Tổng thống sẽ không có quyền giải tán Đuma và quy trình bãi nhiệm Tổng thống sẽ được thực hiện;

4. Nhân dân sẽ nổi dậy, lúc đó quân đội cũng khó đứng về phía Tổng thống. Nhưng sẽ cố gắng phấn đấu cho khả năng 1 và không để xảy ra giải pháp quân sự.

Chủ tịch G.A Ziuganov đánh giá cao vị thế của Việt Nam và ca ngợi những thành tựu mà Việt Nam đã giành được trong sự nghiệp đổi mới và cho rằng chỉ duy nhất có Việt Nam đã đánh thắng Mỹ trong thế kỷ 20 này; bày tỏ mong muốn Việt Nam hợp tác giúp đỡ Nga trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đ/c gửi lời hỏi thăm Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các đ/c lãnh đạo Việt Nam.

Cảm ơn Việt Nam đã cử Đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tịch Nông Đức mạnh dẫn đầu sang dự Hội nghị IPU tại Moscow, coi đó là biểu hiện Đoàn kết của Việt Nam đối với Nga trong tình hình khó khăn, gay gắt hiện nay.

- Lãnh đạo Thành phố Saint Petersburg và Tổng thư ký Hội đồng Liên minh Quốc hội các nước SNG đều bày tỏ sự khâm phục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, cho rằng Việt Nam là tấm gương của cả nhân loại. Họ đều mong muốn khôi phục và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống vốn có giữa nhân dân hai nước và cộng đồng SNG, mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, văn hoá và khoa học kỹ thuật... với Việt Nam.

- Ban lãnh đạo Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Saint Petersburg bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp với Việt Nam, sẵn sàng tiếp nhận sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam theo các hình thức đào tạo khác nhau (theo hiệp định hoặc tự túc).

- Chủ tịch Quốc hội ta đã mời Chủ tịch Hội đồng và Tổng thư ký IPU, Chủ tịch Quốc hội Cuba, Chủ tịch Quốc hội Bêlôrút thăm Việt Nam. Chủ tịch Đuma quốc gia LB Nga, Chủ tịch Quốc hội Belôrút và Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Cu Ba (chuyển lời Chủ tịch Quốc hội Cuba) đã mời Chủ tịch Quốc hội ta thăm Nga (tháng 3, 4 năm 1999), Cuba và Bêlôrút.

 

IV. NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ

- Lần đầu tiên Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch dẫn đầu tham gia Hội nghị IPU, có sự chuẩn bị và phân công cụ thể rõ ràng. Các đại biểu tham gia tích cực trong các hoạt động của Hội nghị.

Các cuộc gặp gỡ song phương đã tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Quốc hội ta với Quốc hội các nước, đặc biệt là các cuộc gặp trao đỏi ý kiến với Chủ tịch và Tổng thư ký IPU, với Chủ tịch Đuma quốc gia Nga, và Chủ tịch ĐCSLB Nga.

Đại sứ quán ta tại LB Nga đã tích cực phối hợp phục vụ Đoàn, góp phần vào sự thành công tốt đẹp các hoạt động của Đoàn tại Hội nghị và chuyến thăm LB Nga.

- Về tổ chức tham gia các sinh hoạt của hội nghị: Để thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, Quốc hội ta đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội nghị IPU và cần tăng cường hơn nữa hiệu quả thực chất tại Hội nghị. Đây là một quá trình dần dần khẳng định vai trò của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Quá trình này có những khó khăn thực tế như khả năng đại biểu làm việc trực tiếp bằng ngôn ngữ của Hội nghị; chất lượng chuẩn bị nội dung và khả năng phục vụ của cơ quan tham mưu; kinh phí v.v... Bên cạnh đó mức độ tham gia cũng tuỳ thuộc vào yếu tố tương quan lực lượng giữa các khu vực địa lý, khu vực địa - chính trị; vào chủ đề của mỗi Hội nghị... Đề nghị UBTV Quốc hội giao Thường trực Uỷ ban Đối ngoại và lãnh đạo VPQH chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức phục vụ Quốc hội tại các diễn đàn đa phương; trong đó có việc thành lập bộ phận thư ký theo dõi về các quan hệ liên nghị viện và quan hệ đa phương,
hình thành các nhóm đại biểu Quốc hội nòng cốt cho các diễn đàn đa phương.

- Chuẩn bị tích cực để Chủ tịch Quốc hội ta tham dự cuộc họp Chủ tịch Quốc hội các nước tại LHQ năm 2000. Đề nghị Chủ tịch Quốc hội ta có thư mời chính thức Chủ tịch Hội đồng và Tổng thư ký IPU, Chủ tịch Quốc hội Cuba và Bêlarút thăm Việt Nam trong thời gian tới.

- Hội nghị Tổng thư ký Quốc hội các nước thành viên IPU có nhiều nội dung giúp cho việc trao đổi kinh nghiệm đổi mới hoạt động của Quốc hội nước ta. Đây là lần đầu tiên ta tham dự với tư cách quan sát viên tại Hội nghị IPU lần này. Trong thời gian tới, đề nghị UBTVQH giao Văn phòng Quốc hội nghiên cứu việc ta tiếp tục tham dự Hội nghị Tổng thư ký.

- Phối hợp với Liên minh nghị viện thế giới để đề xuất tổ chức Hội nghị chuyên đề khu vực trong khuôn khổ IPU tại Việt Nam vào thời gian thích hợp, theo đề nghị của lãnh đạo IPU.

- Đề nghị UBTV Quốc hội giao Uỷ ban Đối ngoại xây dựng đề án hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành Tuyên ngôn nhân quyền (12/1998) trình lãnh đạo duyệt.

 

Nơi nhận:

- Như trên

- Văn phòng TW Đảng;

- Ban Đối ngoại TW Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- VPCP;

- Bộ Ngoại giao;

- Lưu VT, ĐN

TM. ỦY BAN ĐỐI NGOẠI

Chủ nhiệm Ủy ban

Đỗ Văn Tài